2022
Niềm Hy Vọng và An Ủi trong Đấng Ky Tô
Tháng Chín năm 2022


“Niềm Hy Vọng và An Ủi trong Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Chín năm 2022.

Niềm Hy Vọng và An Ủi trong Đấng Ky Tô

Chúng ta hãy tin vào lời hứa rằng Chúa sẽ nhớ đến và ban thưởng cho các Thánh Hữu trung tín của Ngài.

Hình Ảnh
bàn tay từ bức tượng Đấng Ky Tô

Chúng ta có thể đặt hy vọng cuối cùng của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.

Bức ảnh bàn tay từ bức tượng Đấng Ky Tô do Scott Law chụp

Jens và Ane Cathrine Andersen đã có chứng ngôn sâu sắc và lâu dài về tính chân thật của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Bất chấp những đám đông giận dữ cùng sự ngược đãi từ cộng đồng và giáo xứ, họ đã gia nhập Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô vào năm 1861.

Vào mùa xuân năm sau, họ đã nghe theo lời kêu gọi của Si Ôn, để đi đến Thung Lũng Salt Lake cách đó 8.000 km. Việc quy tụ đến Si Ôn có nghĩa là phải bỏ lại cuộc sống bình yên của họ ở Đan Mạch—bao gồm bạn bè, thân quyến, và một nông trại tuyệt đẹp mà qua nhiều thế hệ đã được truyền lại từ cha sang cho con trai cả. Nằm ở làng Veddum, gần Aalborg, trên Bán Đảo Jutland màu mỡ ở miền bắc Đan Mạch, nông trại đó rất lớn và giàu năng suất. Nó tạo việc làm cho hàng chục người và mang lại sự kính trọng cùng của cải cho gia đình Andersen.

Để chia sẻ của cải ấy với những người vừa cải đạo như họ, Jens và Ane Cathrine đã trả chi phí di cư cho khoảng 60 Thánh Hữu khác cũng đang tìm cách đến Si Ôn. Vào ngày 6 tháng Tư năm 1862, gia đình Andersen, cùng với người con trai 18 tuổi là Andrew, đã gia nhập cùng 400 Thánh Hữu người Đan Mạch khác trên chiếc tàu hơi nước nhỏ có tên Albion và lên đường đến Hamburg, Đức. Khi đến Hamburg hai ngày sau, họ đã gia nhập với nhiều Thánh Hữu khác trên một con tàu lớn hơn để bắt đầu chuyến du hành vượt Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, niềm vui của việc quy tụ đến Si Ôn sớm chuyển thành nỗi buồn. Một số trẻ em trên tàu Albion đã mang theo vi rút bệnh sởi. Khi căn bệnh đó lây lan cho hầu hết những người nhập cư, 40 trẻ em và một vài người lớn đã chết và được hải táng. Trong số đó có Jens Andersen, 49 tuổi, ông tổ của tôi.

Giấc mộng của Jens để đến và xây đắp Si Ôn cùng gia đình ông và các Thánh Hữu Đan Mạch khác đã kết thúc chỉ trong 10 ngày sau khi rời khỏi Hamburg. Một sử gia đã viết: “Một người giải cứu giống như Môi Se nhưng chưa từng đặt chân đến đất hứa là Jens Andersen đến từ [Veddum], Aalborg, là người đã hỗ trợ hơn sáu mươi người bạn của ông trong việc di cư; ông đã chết ở biển Bắc Hải vào năm 1862, không lâu sau khi rời khỏi [Đức].”1

Thử Thách của Cuộc Sống Hữu Diệt

Sự hy sinh của gia đình Andersen—rời bỏ nông trại sung túc của họ và mất đi người chồng và người cha yêu thương—có đáng không? Tôi tin rằng thế gian sẽ nói không. Nhưng thế gian thiếu đức tin, tầm nhìn, và “quan điểm vĩnh cửu”2 do phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô mang lại.

Quan điểm đó giúp chúng ta hiểu biết về cuộc sống hữu diệt và nhiều thử thách của nó. Chúng ta đối mặt với thử thách, phản bội, cám dỗ, tội lỗi, mất mát, và sự cô độc. Bệnh tật, thảm họa, sự trầm cảm, và cái chết làm tan vỡ ước mơ của chúng ta. Đôi khi, các gánh nặng của chúng ta dường như nhiều hơn mức chúng ta có thể chịu đựng.

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Mặc dù có những chi tiết khác nhau, nhưng những bi kịch, những khó khăn và thử thách bất ngờ, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, đều xảy đến với mỗi chúng ta bởi vì đây là cuộc sống trần thế”. Ông nói thêm: “Chúng ta tìm kiếm niềm hạnh phúc. Chúng ta mong mỏi có được sự bình an. Chúng ta hy vọng có được tình yêu thương. Và Chúa ban xuống cho chúng ta vô số những phước lành dồi dào. Nhưng đan xen với niềm vui và hạnh phúc, thì một điều chắc chắn rằng: sẽ có những khoảnh khắc, những giờ phút, những tháng ngày, đôi khi là những năm ròng mà tâm hồn chúng ta sẽ bị tổn thương.”3

Nếu không nếm sự đắng cay, thì chúng ta thực sự không thể hiểu được ngọt bùi (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 29:39). Qua những lời của tiên tri Ê Sai, tất cả chúng ta đều được tôi luyện—và chọn lọc—“trong lò hoạn nạn” (Ê Sai 48:10).

Lời Hứa của Sự Chuộc Tội

Hình Ảnh
Tượng Đấng Ky Tô

Hình bức tượng Đấng Ky Tô do Alen Brent Harder chụp

Hoạn nạn là một phần trong “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại” (An Ma 42:8; xin xem thêm 2 Nê Phi 2:11). Nhưng trọng tâm của kế hoạch đó chính là niềm an ủi và hy vọng đến từ “Sự Chuộc Tội vinh quang và vĩ đại.”4 Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đến để giải cứu chúng ta. (Xin xem An Ma 36:3.)

Đấng Cứu Rỗi “đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật” (Giáo Lý và Giao Ước 88:6) để Ngài có thể gánh lấy những khó khăn và lỗi lầm của chúng ta. Ngài biết cách phục sự chúng ta vì hoàn toàn thấu hiểu rằng chúng ta bị tổn thương ở đâu và tại sao.

Chủ Tịch James E. Faust (1920–2007), Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói rằng: “Vì Đấng Cứu Rỗi đã chịu đựng tất cả mọi điều mà chúng ta có thể cảm nhận hoặc trải qua, Ngài có thể giúp người yếu kém trở nên mạnh mẽ hơn”. “Bản thân Ngài đã trải qua tất cả những điều đó. Ngài hiểu nỗi đau của chúng ta và sẽ đồng hành cùng chúng ta ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất của chúng ta.”5

Đó là lý do mà chúng ta có thể đặt hy vọng cuối cùng của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Thế giới chúng ta là một thế giới đầy bi quan và hoài nghi—một thế giới mà phần lớn không có hy vọng nơi Chúa Giê Su Ky Tô hoặc nơi kế hoạch của Thượng Đế dành cho hạnh phúc loài người”. “Tại sao có một sự tranh chấp và ảm đạm toàn cầu như vậy? Lý do rất đơn giản. Nếu không có hy vọng nơi Đấng Ky Tô, thì không có sự công nhận một kế hoạch thiêng liêng cho sự cứu chuộc của nhân loại. Nếu không hiểu biết về điều đó, người ta lầm tưởng rằng họ tồn tại hôm nay và diệt vong vào ngày mai—rằng hạnh phúc và những mối quan hệ gia đình chỉ là tạm thời.”6

Tôi tìm thấy niềm hy vọng và sự chữa lành trong Chúa Giê Su Ky Tô khi tham dự đền thờ và lắng nghe lời của các vị tiên tri tại thế. Tôi được an ủi khi học hỏi những câu thánh thư làm chứng về Ngài và Sự Chuộc Tội của Ngài. Khi sự chết đe dọa “xóa tan sự bình an”7 của anh chị em, hãy hướng về điều mà tôi gọi là “những câu thánh thư bảo vệ.” Sau đây là một số câu thánh thư mà tôi yêu thích:

Kinh Cựu Ước

  • “Ngài đã nuốt sự chết đến đời đời; và Chúa sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt” (Ê Sai 25:8).

  • “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta. … Ngài đã bị thương tích vì tội lỗi của chúng ta, Ngài đã bị bầm mình vì những điều bất chính của chúng ta; bởi sự sửa phạt Ngài gánh chịu chúng ta được bình an, và bởi lằn roi quất vào người mà chúng ta được lành bệnh” (Ê Sai 53:4–5).

Kinh Tân Ước

  • “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma Thi Ơ 11:28).

  • “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!” (Giăng 16:33).

Sách Mặc Môn

  • “Và Ngài sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.” (An Ma 7:12).

  • “Và các người sẽ hy vọng điều gì? Này, tôi nói cho các người hay rằng, qua sự chuộc tội của Đấng Ky Tô cùng quyền năng phục sinh của Ngài, các người sẽ có hy vọng được sống lại vĩnh cửu, và sở dĩ được vậy là nhờ các người có đức tin nơi Ngài theo như lời hứa” (Mô Rô Ni 7:41).

Giáo Lý và Giao Ước

  • “Vậy nên, hãy vui lên, và chớ sợ hãi, vì ta là Chúa đang ở với các ngươi, và ta sẽ đứng bên các ngươi; và các ngươi phải làm chứng về ta, là Giê Su Ky Tô, rằng ta là Con của Thượng Đế hằng sống, rằng ta đã tồn tại, và ta đang tồn tại, và ta sẽ đến” (Giáo Lý và Giao Ước 68:6).

  • “Vậy nên, chớ sợ hãi chi dù phải chết; vì trong thế gian này, niềm vui của các ngươi không trọn vẹn, nhưng trong ta, niềm vui của các ngươi trọn vẹn” (Giáo Lý và Giao Ước 101:36).

Theo lời của Chủ Tịch Boyd K. Packer (1924–2015), Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, những câu này và nhiều câu thánh thư khác làm chứng về “lời hứa từ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô.”8

Lời Khẩn Nài từ một Vị Tiên Tri

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Khi hiểu được vai trò quan trọng của Đấng Cứu Rỗi trong niềm hạnh phúc của chúng ta ngay bây giờ và trong thế giới mai sau, chúng ta hiểu tại sao Chủ tịch Nelson khẩn nài rằng chúng ta cần xem Ngài như nền tảng thuộc linh trong cuộc sống chúng ta:

“Tôi khẩn nài với anh chị em hãy dành thời gian cho Chúa! Hãy làm cho nền tảng thuộc linh của anh chị em được vững mạnh và có thể đứng vững trước thử thách của thời gian bằng cách làm những điều cho phép Đức Thánh Linh luôn ở bên anh chị em.” Chủ Tịch Nelson nói thêm rằng việc dành thời gian cho Chúa bao gồm việc dành “thời gian cho Chúa trong ngôi nhà thánh của Ngài” qua sự phục vụ và thờ phượng trong đền thờ.9

“Đối với mỗi anh chị em đã lập các giao ước đền thờ, tôi khẩn nài với anh chị em hãy cố gắng—một cách thành tâm và kiên định—để hiểu các giao ước và giáo lễ trong đền thờ. …

“… Khi có bất cứ biến động nào xảy ra trong cuộc sống của anh chị em thì nơi an toàn nhất cho phần thuộc linh là ở bên trong các giao ước đền thờ của anh chị em!

“Xin hãy tin tôi khi tôi nói rằng khi nền móng thuộc linh của anh chị em được xây dựng vững chắc dựa trên Chúa Giê Su Ky Tô thì anh chị em không cần phải sợ hãi.”10

Khắc Ghi trên Bàn Tay Ngài

Hình Ảnh
gia đình

Andrew với những người trong gia đình ông

Điều gì đã xảy đến cho Ane Catherine và con trai của bà là Andrew? Họ có tuyệt vọng và trở lại Đan Mạch sau cuộc hành trình đau buồn kéo dài sáu tuần đến thành phố New York không? Không. Bằng cách nương cậy vào chứng ngôn của họ nơi Đấng Cứu Rỗi và kế hoạch cứu rỗi, và việc tin cậy nơi Thượng Đế, họ đã dũng cảm đi tiếp bằng tàu hỏa, tàu hơi nước, và xe ngựa kéo. Họ đã đến Thung Lũng Salt Lake vào ngày 3 tháng Chín năm 1862, và tham gia xây dựng Si Ôn.

Họ đã định cư ở Ephraim, Utah, nơi Andrew kết hôn và lập gia đình. Sau đó, Andrew đã đưa gia đình ông, bao gồm mẹ ông, đến Lê Hi, Utah, nơi ông trở thành người chủ nông trại, chủ ngân hàng, và thị trưởng thành đạt. Ông đã phục vụ truyền giáo trong ba năm ở quê hương của mình, hơn hai thập niên trong giám trợ đoàn, và hơn ba thập niên trong hội đồng thượng phẩm hoặc trong nhóm túc số thầy tư tế thượng phẩm. Ba người con trai của ông đã phục vụ truyền giáo ở Đan Mạch và Na Uy.

Với đôi mắt của người trần thế, chúng ta không thể nào thấy được kết thúc vinh quang từ khởi đầu đầy nước mắt. Nhưng với đức tin nơi Đấng Ky Tô, chúng ta có thể hướng về tương lai với niềm hy vọng. Và chúng ta có thể tin vào lời hứa rằng Chúa sẽ nhớ đến và ban thưởng cho các Thánh Hữu trung tín của Ngài, bao gồm Jens, Ane Catherine, và Andrew. Chúa luôn nhớ đến họ, và Ngài cũng nhớ đến chúng ta. Ngài đã hứa:

“Ta sẽ chẳng quên ngươi.

“Ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta.” (Ê Sai 49:15–16).

Ghi Chú

  1. William Mulder, Homeward to Zion: The Mormon Migration from Scandinavia (năm 1957), trang 149–150. Các chi tiết bổ sung từ câu chuyện về gia đình Andersen đến từ Andrew B. Andersen, History of Andrew Rasmus Anderson, Pioneer of 1862 and Wife Nelsina M. Pederson, Pioneer of 1868, Bộ Sưu Tập Tiểu Sử từ nhóm Các Con Gái của Những Người Tiền Phong Utah; Jens Christensen, Rural Denmark, 1750–1980, được dịch bởi Else Buchwald Christensen (năm 1983); Hamilton Gardner, History of Lehi: Including a Biographical Section (năm 1913); Fern Gray, Life Sketch of Andrew R. Anderson, Bộ Sưu Tập Tiểu Sử từ nhóm Các Con Gái của Những Người Tiền Phong Utah; Andrew Jenson, “Narratives of the Emigration from the Scandinavian Mission 1852–1868,” History of the Scandinavian Mission (năm 1979).

  2. Xin xem Russell M. Nelson, “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 93.

  3. Neil L. Andersen, “Bị Tổn Thương,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 84.

  4. Neal A. Maxwell, “Testifying of the Great and Glorious Atonement,” Liahona, tháng Tư năm 2002, trang 12.

  5. James E. Faust, “The Atonement: Our Greatest Hope,” Liahona, tháng Một năm 2002, trang 22.

  6. Russell M. Nelson, “A More Excellent Hope,” Ensign, tháng Hai năm 1997, trang 62.

  7. Tạ Ơn Thượng Đế Đã Ban Cho Một Vị Tiên Tri,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 36.

  8. Boyd K. Packer, “The Brilliant Morning of Forgiveness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 20.

  9. Russell M. Nelson, “Hãy Dành Thời Gian Cho Chúa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 120, 121.

  10. Russell M. Nelson, “Đền Thờ và Nền Tảng Thuộc Linh Của Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 96