2008
Tâm Hồn Tôi Rất Vui Thích Những Công Việc của Chúa
Tháng Năm năm 2008


Tâm Hồn Tôi Rất Vui Thích Những Công Việc của Chúa

Vui thích những công việc của Chúa … thì sẽ “nâng đỡ” tâm hồn chúng ta và cho chúng ta lý do để “hân hoan.”

Hình Ảnh
Susan W. Tanner

Trong Sách Mặc Môn, Nê Phi thường nói về sự vui thích. Ông vui thích “những công việc của Chúa,” trong thánh thư, và trong “kế hoạch vĩ đại và vĩnh cửu” của Cha Thiên Thượng chúng ta (xin xem 2 Nê Phi 4:15–16, 11:2–8). Đặc biệt, Nê Phi thường nhớ đến những nguồn hân hoan của mình trong lúc khổ sở, phục vụ để nâng đỡ và tập trung tinh thần của ông vào các phước lành vĩnh cửu.

Chúng ta cũng nên vui thích những công việc của Chúa vì nó sẽ “nâng đỡ” tâm hồn chúng ta và cho chúng ta lý do để “hân hoan” (2 Nê Phi 11:8). Tôi xin được nói đến một vài điều mà tôi rất vui thích.

Tôi hân hoan nơi Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Giống như Nê Phi, “tôi hãnh diện trong Chúa Giê Su của tôi” (2 Nê Phi 33:6), trong các vai trò phục sự và cứu rỗi của Ngài trên thế gian. Ngài ban cho ánh sáng và hy vọng và đã ban cho chúng ta Đức Thánh Linh để có thêm sự chỉ dẫn và an ủi dọc theo con đường mà chúng ta phải đi. Chỉ qua Ngài mà chúng ta mới có thể trở về cùng Đức Chúa Cha. “Sự cứu rỗi có thể đến với con cái loài người, chỉ có ở trong hay nhờ danh của Đấng Ky Tô” (Mô Si A 3:17).

Tôi hân hoan nơi phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô mà đã được xây đắp trên nền tảng của các sứ đồ và các vị tiên tri là những người mà tôi đã được ban cho cơ hội để cùng phục vụ. Tôi làm chứng rằng Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri của Chúa trên thế gian ngày nay. Tôi hân hoan biết rằng ông thật sự là một vị giáo sĩ giống như Đấng Ky Tô đối với mỗi người, tìm đến trong sự nồng nhiệt và tình yêu thương cho mỗi cá nhân.

Tôi hân hoan nơi các chìa khóa của chức tư tế và các đền thờ nằm rải rác trên thế giới, dành sẵn các giáo lễ và các giao ước vĩnh cửu cho mỗi người chúng ta. Một số ngày tuyệt diệu nhất của tôi mới đây là lễ hôn phối trong đền thờ của con cái tôi với cha tôi là người thực hiện giáo lễ thiêng liêng đó.

Tôi hân hoan nơi sức mạnh của giới trẻ khi tôi thấy họ lũ lượt kéo đến đền thờ để làm phép báp têm cho người chết. Tôi yêu thương sự tôn trọng xứng đáng của họ đối với các tiêu chuẩn đưa đến đền thờ và sự chuẩn bị của họ để làm những người truyền giáo trung tín và những người cha và những người mẹ ngay chính.

Tôi hân hoan với sự kiện rằng tôi là con gái của Cha Thiên Thượng là Đấng yêu thương tôi. Tôi học biết về gốc tích thiêng liêng của mình khi tôi còn rất nhỏ bên cạnh mẹ tôi. Mới vừa đây, tôi đã nhìn thấy đứa cháu ngoại gái ba tuổi của tôi đang học biết về gốc tích của nó từ mẹ của nó. Eliza đi ngủ mà lòng đầy buồn bực. Nó chỉ có thể được vỗ về khi mẹ của nó một lần nữa kể câu chuyện có thật mà Eliza rất ưa thích về cái đêm đặc biệt mà Cha Thiên Thượng đã mách bảo một cách rõ ràng và rành mạch vào tâm hồn của mẹ nó rằng Eliza là một linh hồn rất đặc biệt với một sứ mệnh cao quý trong tương lai.

Tôi rất lấy làm hân hoan trong vai trò của mình với tư cách là người dưỡng dục, mà cho phép tôi bày tỏ gốc tích sâu xa nhất của mình với tư cách là một phụ nữ. Tôi luôn luôn cảm kích trước cách thức mà các phụ nữ, các thiếu nữ và ngay cả các em gái nhỏ dường như theo bản năng có một sở thích và khả năng để dưỡng dục. Không những đó là trách nhiệm chính yếu của người mẹ mà còn là một phần của “mục đích về trạng thái tiền dương thế, hữu diệt và vĩnh cửu” của chúng ta. (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49) Dưỡng dục là giảng dạy, khuyến khích sự phát triển, đẩy mạnh sự tăng trưởng, nuôi nấng và nuôi dưỡng. Ai mà không reo mừng khi được ban cho một vai trò đầy ơn phước như vậy?

Thánh thư chỉ dùng chữ dưỡng dục có hai lần, và trong cả hai trường hợp đều nói đến trách nhiệm của cha mẹ để nuôi dạy con cái mình trong “sự dưỡng dục cùng sự khuyên răn của Chúa.” (Ê Phê Sô 6:4; Ê Nót 1:1).

Chủ Tịch Hinckley cũng khuyên nhủ những người nam lẫn những người nữ nên là những người nuôi dưỡng. Ông nói: “Xã hội mà chúng ta đang sống sẽ xinh đẹp thêm biết bao nhiêu nếu mỗi người cha và mỗi người mẹ xem con cái của mình … như những ân tứ từ Thượng Đế trên trời, … và nuôi dạy chúng với tình trìu mến thật sự trong sự thông sáng và lời khuyên dạy của Chúa” (“Đây, Các Con Trẻ của Chúng Ta,” Liahona, tháng Mười Hai năm 2007, 7).

Tôi hân hoan nơi các gia đình. Mới đây tôi đã hân hoan trước sự ra đời của một đứa cháu trong một gia đình mà hiểu rằng cha mẹ có trách nhiệm trọng đại để nuôi dạy con cái mình trong tình yêu thương và sự ngay chính. Mấy anh chị em khác của nó đã có một sự tò mò tự nhiên về sự chào đời của đứa em gái của chúng. Các bài học đầu tiên của chúng về đề tài thiêng liêng này đã được giảng dạy bởi cha mẹ đầy tình thương yêu trong một khung cảnh gia đình thiêng liêng, trong một môi trường thượng thiên kèm theo sự ra đời của một linh hồn và trong bối cảnh của kế hoạch vĩnh cửu vĩ đại của Đức Chúa Cha. Ngược lại, ngày hôm sau khi trở về nhà từ trường mẫu giáo, đứa cháu gái của chúng tôi báo cáo rằng ngày hôm đó nó đã học trong lớp học “một từ mới và quan trọng là sự lạm dụng tình dục.” Tôi cảm thấy lo lắng rằng vào lứa tuổi nhỏ như thế này, trẻ em đã phải ý thức, vì các lý do an toàn, khía cạnh tiêu cực của đề tài mà họ đã đề cập đến một cách tuyệt vời buổi tối hôm trước. Tôi hân hoan hơn bao giờ hết nơi sự dưỡng dục gia đình được dựa vào những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.

Gia Cốp đã dạy rằng Chúa hài lòng “về sự trinh khiết của phụ nữ” (Gia Cốp 2:28). Tôi hài lòng về sự trinh khiết và trong sạch của tất cả những người nam và những người nữ. Chúa chắc hẳn đau lòng biết bao khi thấy sự vô luân và khiếm nhã ở khắp nơi trên thế gian tà ác này. Chúa đã ban cho con cái của Ngài niềm vui lớn lao qua mối quan hệ mật thiết, đầy yêu thương mà các cháu của tôi đang học. Tôi hài lòng trước lời cảnh cáo rõ ràng của bản tuyên ngôn cùng thế giới về gia đình: “những cá nhân nào đã vi phạm các giao ước về sự trinh khiết, ngược đãi người hôn phối hay con cái hoặc không làm tròn các trách nhiệm gia đình, một ngày kia sẽ đứng chịu trách nhiệm trước mặt Thượng Đế.”

Tôi hân hoan nơi tấm gương trong thánh thư của những người đã bước đi bởi đức tin trong cuộc sống trần thế của họ. Mỗi lần tôi đọc về Áp Ra Ham và Y Sác trên đường đến Núi Mô Ri A, tôi đều khóc vì biết rằng Áp Ra Ham không biết rằng sẽ có một thiên sứ và một con cừu đực trong bụi cây vào cuối cuộc hành trình của mình. Mỗi người chúng ta đều đang ở giữa cuộc hành trình trên trần thế của mình, và chúng ta không biết phần còn lại của câu chuyện của mình. Nhưng chúng ta cũng như Áp Ra Ham, thường xuyên được ban phước với những phép lạ.

Tôi hân hoan nơi tấm lòng thương xót và các phép lạ của Chúa (xin xem “Bless Our Fast, We Pray,” Hymns, số 138). Tôi biết rằng tấm lòng thương xót dịu dàng của Ngài và các phép lạ của Ngài, cả lớn lẫn nhỏ, đều là có thật. Lòng thương xót và phép lạ đến theo cách thức của Ngài và kỳ định của Ngài. Đôi khi chúng ta không nhận được cho đến khi chúng ta ở trong một thời điểm cần thiết. Các môn đồ của Chúa Giê Su ở trên Biển Ga Li Lê đã phải chèo thuyền một cách khó nhọc để chống chọi lại cơn gió ngược suốt đêm trước khi Chúa Giê Su đến giúp họ vào lúc cuối. Ngài không đến cho tới khi “canh tư”, có nghĩa là gần rạng sáng. Tuy nhiên, Ngài quả thật đã đến. (Xin xem Mác 6:45–51.) Chứng ngôn của tôi là phép lạ mà quả thật đã xảy ra, mặc dù đôi khi phải chờ đến canh tư.

Ngay bây giờ tôi đang vận dụng đức tin và sự cầu nguyện của mình và chờ đợi những phép lạ thay cho những người thân đang đau yếu về mặt thể xác, đau khổ về mặt tình cảm, và lạc lối về mặt tinh thần. Tôi hân hoan nơi tình yêu thương của Chúa đối với mỗi con cái của Ngài và nơi sự thông sáng của Ngài để cho phép mỗi người chúng ta đáp ứng với những kinh nghiệm trần thế.

Cuối cùng, tôi không thể bày tỏ hết được là tôi hân hoan nơi tình yêu vĩnh cửu và sự giúp đỡ liên tục của chồng tôi cùng những lời cầu nguyện và sự hỗ trợ của các con tôi và cha mẹ tôi trong những năm tôi phục vụ với tư cách là chủ tịch Hội Thiếu Nữ trung ương.

“Tâm hồn tôi rất vui thích những công việc của Chúa” (2 Nê Phi 4:16)—Luật pháp của Ngài, cuộc sống của Ngài, tình yêu thương của Ngài. Hân hoan nơi Ngài là nhìn nhận bàn tay của Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Bổn phận phúc âm của chúng ta trong cuộc sống này là làm điều đúng và yêu mến cùng hân hoan nơi điều phải. Khi chúng ta vui thích trong việc phục vụ Ngài, thì Cha Thiên Thượng vui thích để ban phước cho chúng ta: “Ta, là Chúa, thích tôn vinh những ai biết phục vụ ta trong sự ngay chính và trong lẽ thật cho đến cùng” (GLGƯ 76:5). Tôi muốn luôn luôn được xứng đáng với sự hân hoan của Ngài. “Tôi yêu thương Chúa; linh hồn tôi vui thích nơi Ngài,” (“I Love the Lord,” Jackman Music Corporation). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.