2008
Em Có Biết Mình Là Ai Không?
Tháng Năm năm 2008


Em Có Biết Mình Là Ai Không?

Việc biết được các em là ai làm cho các em được vững mạnh, hoàn chỉnh và kiên định trong các bổn phận chức tư tế của mình.

Hình Ảnh
Dean R. Burgess

Khi còn là một thiếu niên mang Chức Tư Tế A Rôn, tôi có thể nhớ lại nỗi phấn khởi tôi đã cảm thấy với tư cách là một thầy trợ tế mới được sắc phong. Tôi nóng lòng trông chờ việc có thể làm tròn những công việc chỉ định của chức tư tế của mình. Là một đứa bé trong Hội Thiếu Nhi, tôi đã quan sát rất kỹ các thầy trợ tế trong tiểu giáo khu của mình để biết trước ngày mà tôi sẽ lên 12 tuổi, nhận được chức tư tế, và có thể chuyền Tiệc Thánh. Cuối cùng ngày đó đến, và chẳng bao lâu sau khi được sắc phong bởi cha tôi, là giám trợ của tiểu giáo khu, tôi đã cảm thấy sẵn sàng, nhưng rất lo lắng, để bắt đầu các bổn phận của mình với tư cách là thầy trợ tế mới.

Bấy giờ tôi thuộc vào một nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn. Các thành viên thuộc nhóm túc số của tôi trở thành bạn bè rất thân. Tình bạn và tình huynh đệ trong nhóm túc số đó tiếp tục tăng trưởng suốt thời niên thiếu của tôi khi chúng tôi cùng nhau học hỏi và phục vụ trong các bổn phận chức tư tế. Chúng tôi đều là những người bạn tốt và trải qua một thời gian vui vẻ và thích thú khi cùng nhau sinh hoạt trong nhóm túc số chức tư tế của chúng tôi.

Một ngày Chúa Nhật nọ tiếp theo một buổi lễ Tiệc Thánh kéo dài và khiến tôi rất mệt mỏi, vị đệ nhất cố vấn trong giám trợ đoàn của chúng tôi gọi tôi ra để nói chuyện riêng. Cuộc phỏng vấn của chức tư tế không hoạch định trước này trở thành một phước lành trong cuộc sống của tôi khi tôi đã suy ngẫm về câu hỏi mà ông đã đặt ra trong cuộc chuyện trò ngắn nhưng đầy ý nghĩa của chúng tôi. Anh Bateman nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi: “Dean, em có biết em là ai không?” Có một sự im lặng hoàn toàn và rồi anh ấy đưa ra một lời nhắc nhở nhanh và đầy mạnh mẽ: “Em là con trai của Reid Burgess.”

Ý nghĩa và tầm quan trọng của câu hỏi đó đã hừng hực trong lòng tôi trong một thời gian rất lâu, và tôi thường suy nghĩ về câu hỏi đó trong suốt thời niên thiếu của mình. Câu hỏi của người anh em tốt bụng này—“Em có biết em là ai không?”—đã mang đến cho tôi sự chỉ bảo đầy soi dẫn trong suốt cuộc sống của tôi và một sự cam kết để mang đến sự tôn trọng và kính trọng cho gia đình tôi và chức tư tế.

Buổi tối hôm nay tôi muốn hỏi mỗi em thiếu niên của Chức Tư Tế A Rôn cùng một câu hỏi đó mà tôi đã được hỏi khi còn là một thiếu niên: “Em có biết em là ai không?”

Việc biết được các em là ai làm cho các em được vững mạnh, hoàn chỉnh và kiên định trong các bổn phận chức tư tế của mình. Các em trở nên tin tuởng với đức tin và quyết tâm để chọn những quyết định đúng. Các em có được can đảm để bênh vực cho điều mà các em biết là đúng. Các em nhận biết rằng đó là đặc ân để nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế và có được thẩm quyền hành động trong danh của Ngài.

Am Môn, một người truyền giáo xuất sắc của Sách Mặc Môn, là một tôi tớ trung thành và dũng cảm của Vua La Mô Ni. Ông đã bảo tồn đàn gia súc của Vua La Mô Ni một cách nhiệm mầu và làm tất cả những gì ông có thể làm để phục vụ nhà vua. Khi nghe được những hành động mạnh mẽ của Am Môn, La Mô Ni đã hỏi Am Môn thật sự là ai.

Am Môn nói: “Này, thần chỉ là một người thường, và là một tôi tớ của bệ hạ, vì thế nên bất cứ điều gì bệ hạ muốn thần làm mà hợp với lẽ phải thì thần sẽ làm.”

“Giờ đây khi vua nghe những lời này, vua lại càng kinh ngạc, vì vua nhận thấy rằng Am Môn có thể nhận thức những tư tưởng của mình; nhưng mặc dù vậy, vua La Mô Ni cũng mở miệng và hỏi ông rằng: Khanh là ai vậy? Có phải khanh là Vị Thần Vĩ Đại, là đấng thấu suốt hết mọi điều không?”

“Am Môn bèn đáp lời vua rằng: Thưa không phải.”

Rồi Am Môn giải thích ông là ai khi ông nói: “Hạ thần là một người thường, … được sáng tạo theo hình ảnh của Thượng Đế, và hạ thần được Đức Thánh Linh của Ngài kêu gọi giảng dạy … cho dân này” (An Ma 18:17–19, 34). Am Môn biết ông là ai và sứ mệnh thật sự của ông là gì.

Việc tìm hiểu chúng ta là ai là một trong những nhiệm vụ lớn lao nhất của một đời người. Là cha mẹ và những người lãnh đạo, chúng ta có một nỗ lực chân thành và lương thiện để giúp những người chúng ta yêu thương hiểu biết câu trả lời cho câu hỏi giản dị nhưng đầy ý nghĩa: “Tôi là ai?”

Tôi hỏi các em là các thiếu niên trong Chức Tư Tế A Rôn: Làm thế nào mà cuối cùng các em có được một sự hiểu biết và sự làm chứng về việc các em là ai?

Xin hãy suy nghĩ về ba câu hỏi sau đây và các nguyên tắc liên hệ mà rất thiết yếu trong việc hiểu biết gốc tích thật sự của các em.

Trước hết, các em có biết rằng các em là con trai của Thượng Đế không?

Các em thật sự là con trai của Thượng Đế, “phần hồn được sinh ra trong cuộc sống tiền dương thế. Là con của Ngài, các [anh chị] em có thể biết chắc rằng các [anh chị] em có được tiềm năng thiêng liêng, vĩnh cửu và [Cha Thiên Thượng của các em] sẽ giúp các [anh chị] em trong các nỗ lực chân thành của mình để đạt được tiềm năng đó.” (True to the Faith: A Gospel Reference [2004], 74).

Sự hiểu biết rằng Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta và rằng chúng ta là con cái của Ngài mang đến cho chúng ta sức mạnh, sự an ủi, và hy vọng để sống trên trần thế này. Trong thư Giăng Thứ Nhất, chúng ta đọc:

“Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời; Ấy là vì đó mà thế gian chẳng biết chúng ta, vì họ chẳng từng biết Ngài.

“Chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời” (1 Giăng 3:1–2).

Các em rất quan trọng đối với Cha Thiên Thượng nhân từ! Các em thiếu niên, hãy luôn luôn cầu nguyện! Những lời cầu nguyện của các em ngày lẫn đêm sẽ giúp các em tiến đến việc biết rằng các em là con trai của Thượng Đế.

Thứ nhì, các em có biết các em là ai trong kế hoạch của Thượng Đế không?

An Ma gọi đó là “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại” (An Ma 42:8), một kế hoạch mà Thượng Đế đã chuẩn bị cho các em và cho mỗi người chúng ta. Việc tuân theo kế hoạch này làm cho mỗi người chúng ta có thể vui hưởng hạnh phúc bây giờ và trở về nơi hiện diện của Ngài sau khi chúng ta chết. Cha Thiên Thượng đã gửi Con Trai Yêu Dấu của Ngài, là Chúa Giê Su Ky Tô, đến để “mở những dây trói buộc của sự chết” (An Ma 7:12) và chuộc tội lỗi của chúng ta và của thế gian. Việc để cho Đấng Cứu Rỗi chuộc tội lỗi của chúng ta là sự biểu lộ tuyệt vời nhất về tình yêu thương của Cha Thiên Thượng cho mỗi người chúng ta. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Việc biết được, tin tưởng và hiểu rõ sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta biết được chúng ta là ai.

Là một phần kế hoạch của Cha Thiên Thượng, các em được gửi đến một căn nhà và một gia đình ở thế gian này. Các giao ước mà các em lập trong kế hoạch của Thượng Đế, với tư cách là cá nhân và là phần tử của một gia đình, sẽ ràng buộc các em vĩnh viễn trong gia đình các em và trong gia đình của Thượng Đế cho suốt thời vĩnh cửu. Hãy kính trọng và tôn trọng tên mà các em đang mang. Hãy sống theo các tiêu chuẩn và các giáo lệnh của Thượng Đế. Hãy để cho những người khác biết các em là ai qua lối sống của các em theo các tiêu chuẩn đạo đức, như được tìm thấy ở trong quyển sách nhỏ Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ. Hãy học hỏi, suy ngẫm, và sống theo các tiêu chuẩn thiêng liêng này. Các tiêu chuẩn này là dành cho các em đấy!

Thứ ba, các em có biết các em là ai với tư cách là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô không?

Các em đã chịu phép báp têm và đã tiếp nhận Đức Thánh Linh. Các em là tín hữu của Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là Giáo Hội của Ngài, và Ngài đã ban cho chúng ta một vị tiên tri của Thượng Đế để giảng dạy, lãnh đạo và hướng dẫn chúng ta cùng chỉ dẫn công việc của Ngài nơi thế gian này. Tôi làm chứng rằng Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri của chúng ta trong những “thời kỳ nguy hiểm” này (2 Ti Mô Thê 3:1). Hãy lắng nghe lời ông. Ông và các vị tiên tri cận đại khác sẽ giảng dạy cho các em biết các em là ai và cách để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi.

Các em là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và đã được sắc phong để nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế. Chủ Tịch Monson đã nói: “Chúng ta đã được giao phó để nắm giữ chức tư tế và để hành động trong danh của Thượng Đế. Chúng ta là những người nhận được một sự tin cậy thiêng liêng. Chúa kỳ vọng nhiều nơi chúng ta” (“Chức Thầy Tế Lễ Nhà Vua,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 59).

Các em thuộc vào một nhóm túc số chức tư tế của các thiếu niên, nơi mà các em có thể cảm nhận được tình huynh đệ và bằng hữu của những người nắm giữ chức tư tế khác. Nhóm túc số là một sự bảo vệ dành cho các em chống lại các ảnh hưởng của thế gian. Các em có thể phục vụ lẫn nhau và tham dự vào các giáo lễ của chức tư tế. Trong các nhóm túc số của mình, các em cũng được giảng dạy về các nguyên tắc phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà giúp các em hiểu được các em là ai. Các em thiếu niên thân mến, các em hãy tôn trọng chức tư tế của Thượng Đế.

Tôi làm chứng rằng việc biết được các em là ai và tuân giữ những lời hứa và các giao ước của các em với Chúa sẽ mang đến cho các em hạnh phúc trong cuộc sống của mình.

Cầu xin cho tất cả chúng ta đều có thể biết và hiểu được chúng ta là ai! Cầu xin cho Thánh Linh mà chúng ta cảm nhận được buổi tối hôm nay “làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời” (Rô Ma 8:16). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.