2007
Ba Mục Tiêu để Hướng Dẫn Các Chị Em
Tháng Mười Một năm 2007


Ba Mục Tiêu để Hướng Dẫn Các Chị Em

Ảnh hưởng của các chị em vượt qua bản thân và gia đình của các chị em và làm cảm động những người khác trên toàn cầu.

Hình Ảnh

Buổi tối hôm nay tâm hồn của chúng ta đã nhận được sự soi dẫn. Chúng ta đã được ban phước với âm nhạc tuyệt vời và các sứ điệp đầy soi dẫn. Thánh Linh của Chúa đã hiện diện nơi đây.

Thưa các Chị Julie Beck, Silvia Allred, Barbara Thompson—xin cảm tạ thiên thượng về các bậc cha mẹ yêu quý của các chị, các giảng viên, các vị lãnh đạo giới trẻ của các chị cùng những người khác đã nhận ra tiềm năng lớn lao nơi các chị.

Để diễn giải một ý nghĩ:

Ta không bao giờ biết được giá trị của một bé gái,

Ta sẽ phải chờ xem;

Nhưng mỗi phụ nữ đứng trong một nơi cao quý ,

Thì đã từng là một bé gái.1

Thật là một đặc ân lớn đối với tôi để được hiện diện với các chị em. Tôi nhận biết rằng ngoài các chị em đang tụ họp trong Trung Tâm Đại Hội này, còn có hằng ngàn chị em khác đang theo dõi và lắng nghe buổi họp này bằng phương tiện phát thanh và truyền hình qua hệ thống vệ tinh.

Trong khi ngỏ lời với các chị em, tôi nhận thấy rằng là một người đàn ông, tôi thuộc vào thiểu số và cần phải thận trọng trong lời nói của mình. Tôi nhớ đến chuyện một người đàn ông bước vào một tiệm sách và yêu cầu một nhân viên bán hàng ở đó—một phụ nữ—giúp đỡ: “Cô có quyển sách nào có tựa đề là Man, The Master of Women (Người Đàn Ông, Chủ Tể của Phụ Nữ) không?” Người nhân viên bán hàng nhìn thẳng vào mắt người đàn ông và mỉa mai nói: “Ông hãy thử tìm ở khu vực sách giả tưởng xem sao!”

Buổi tối hôm nay, tôi cam đoan với các chị em rằng tôi kính trọng các chị em, các phụ nữ của Giáo Hội, và tôi biết rất rõ, để trích dẫn lời của William R. Wallace, rằng “bàn tay nâng niu chăm sóc đứa con chính là bàn tay chi phối thế giới.”2

Vào năm 1901, Chủ Tịch Lorenzo Snow nói: “Các tín hữu trong Hội Phụ Nữ đã phục sự cho những người đang khổ sở, họ choàng vòng tay yêu thương của mình lên những người mồ côi cha và các góa phụ, và họ giữ mình khỏi tì vết của thế gian. Tôi có thể làm chứng rằng không có người phụ nữ nào thanh khiết và biết kính sợ Thượng Đế trong thế gian hơn các phụ nữ được tìm thấy trong số các tín hữu của Hội Phụ Nữ.”3

Giống như trong thời của Chủ Tịch Snow, hiện nay, cũng có những cuộc đi thăm viếng, những lời chào hỏi được chia sẻ và những người đói khát được cho ăn. Trong khi tôi suy ngẫm về Hội Phụ Nữ ngày nay, cảm thấy hạ mình với đặc ân được ngỏ lời cùng các chị em, tôi hướng đến Cha Thiên Thượng để có được sự hướng dẫn thiêng liêng của Ngài.

Trong tinh thần này, tôi cảm thấy cần phải cung ứng cho mỗi tín hữu của Hội Phụ Nữ trên khắp thế giới ba mục tiêu để hoàn thành:

  1. 1. Siêng năng học hỏi;

  2. 2. Sốt sắng cầu nguyện;

  3. 3. Sẵn lòng phục vụ.

Chúng ta hãy cùng xem xét mỗi mục tiêu này. Trước hết, siêng năng học hỏi. Đấng Cứu Thế đã dạy rằng: “Các ngươi phải tìm kiếm những lời thông sáng trong những sách hay nhất; hãy tìm kiếm sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin.”4 Ngài phán thêm: “Các người dò thêm Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh thánh làm chứng về ta vậy.”5

Việc học thánh thư sẽ giúp đỡ cho chứng ngôn của chúng ta và chứng ngôn của những người trong gia đình chúng ta. Con cái chúng ta ngày nay lớn lên bị bao quanh bởi những tiếng nói thôi thúc chúng từ bỏ điều phải và, thay vào đó, là đeo đuổi những lạc thú của thế gian. Trừ phi chúng có một nền tảng vững chắc nơi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, một chứng ngôn về lẽ thật và một quyết tâm sống ngay chính, nếu không thì chúng sẽ dễ mắc vào những ảnh hưởng này. Trách nhiệm của chúng ta là để củng cố và bảo vệ chúng.

Đã tới một mức báo động, con cái chúng ta ngày nay bị giới truyền thông giáo dục, kể cả mạng Internet. Ở Hoa Kỳ, có báo cáo rằng một đứa trẻ trung bình xem truyền hình hằng ngày khoảng bốn giờ đồng hồ, phần nhiều các chương trình đầy dẫy sự bạo động, dùng rượu và ma túy và nội dung đầy dục tính. Thêm vào bốn giờ đồng hồ đó, còn có thời gian bỏ ra để xem phim và chơi các trò chơi video nữa.6 Và số liệu thống kê thì cũng khá giống nhau đối với những quốc gia đang phát triển khác. Những thông điệp chiếu trên truyền hình, trong phim và phương tiện truyền thông khác cũng thường đi ngược hoàn toàn với những gì chúng ta muốn con cái mình chấp nhận và quý trọng. Trách nhiệm của chúng ta không những là dạy dỗ chúng phải vững mạnh trong tinh thần và giáo lý , mà còn phải giúp chúng luôn luôn được như thế, bất kể các lực lượng bên ngoài mà chúng có thể gặp. Điều này sẽ đòi hỏi nhiều thời giờ và nỗ lực về phần của chúng ta—và để giúp đỡ những người khác, thì chúng ta tự mình cần có sự can đảm thuộc linh và lương tâm để chống lại điều ác mà chúng ta thấy khắp nơi.

Chúng ta sống trong một thời kỳ đã được nói đến trong sách 2 Nê Phi, chương 9:

“Ôi tính kiêu căng, sự yếu đuối, sự rồ dại của loài người! Một khi có học thức họ lại tự cho mình là khôn ngoan, và họ không nghe theo lời khuyên dạy của Thượng Đế, vì họ đã để những lời ấy ra ngoài tai và tự cho rằng mình đã thông hiểu biết mọi sự việc, vì thế, sự khôn ngoan của họ chỉ là sự rồ dại, không đem lại lợi ích gì cho họ hết, và họ sẽ bị diệt vong.

“Nhưng có kiến thức là một điều tốt nếu họ nghe theo những lời khuyên dạy của Thượng Đế.”7

Cần phải có can đảm để bám chặt vào các tiêu chuẩn của chúng ta mặc cho lời chế nhạo của thế gian. Chủ Tịch J. Reuben Clark, Jr., một thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trong nhiều năm, đã nói: “Có những trường hợp mà những người nghĩ rằng họ có đức tin … đã cảm thấy rằng, nếu khẳng định đức tin trọn vẹn của họ, thì họ có thể bị nhạo báng bởi các bạn đồng sự không tin của họ, nên họ đã thay đổi hoặc giải thích sai về đức tin của mình, hoặc đưa ra lời giải thích yếu ớt về sự tin tưởng của họ, hoặc thậm chí còn chối bỏ hoàn toàn sự tin tưởng của mình. Đó là những kẻ đạo đức giả.”8

Tôi nghĩ đến các câu thật mạnh mẽ trong sách 2 Ti Mô Thê trong Kinh Tân Ước, chương 1, các câu 7 và 8:

“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và giè giữ.

“Vậy, con chớ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta.”

Ngoài việc học hỏi của chúng ta về các vấn đề thuộc linh, thì việc học hỏi về các vấn đề thế tục cũng cần thiết. Thường thường chúng ta không biết trước tương lai; do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị cho những điều không chắc chắn. Số liệu thống kê cho biết rằng vào một lúc nào đó, vì bệnh tật hay cái chết của người chồng hoặc vì cảnh nghèo túng về mặt kinh tế, các chị em có thể thấy mình đóng vai trò của người đi kiếm tiền cho gia đình mình. Một số các chị em đã giữ vai trò đó rồi. Tôi khẩn nài các chị em nên theo đuổi học vấn của mình—nếu các chị em chưa sẵn sàng làm như vậy hoặc chưa làm như vậy—để các chị em có thể chuẩn bị chu cấp cho gia đình nếu hoàn cảnh bắt buộc như vậy.

Tài năng của các chị em sẽ phát triển khi các chị em học hỏi và học tập. Các chị em sẽ có thể phụ giúp gia đình mình hữu hiệu hơn trong việc học của họ, và các chị em sẽ được an tâm khi biết rằng các chị em đã tự chuẩn bị cho những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống của mình.

Tôi lặp lại: Hãy siêng năng học hỏi.

Mục tiêu thứ hai tôi muốn được nói đến là: Sốt sắng cầu nguyện. Chúa đã chỉ dạy: “Hãy luôn luôn cầu nguyện, rồi ta sẽ đổ Thánh Linh của ta xuống trên ngươi, và phước lành của ngươi sẽ lớn lao biết bao.”9

Có lẽ chưa từng có lúc nào mà chúng ta có nhu cầu lớn hơn để cầu nguyện và dạy cho những người trong gia đình chúng ta cầu nguyện. Sự cầu nguyện là một sự phòng thủ chống lại cám dỗ. Chính là qua lời cầu nguyện sốt sắng và chân thành mà chúng ta có thể nhận được các phước lành và sự hỗ trợ cần thiết để sống ngay chính trong cuộc hành trình đôi khi khó khăn và gay go này mà chúng ta gọi là cuộc sống hữu diệt.

Chúng ta có thể giảng dạy về tầm quan trọng của sự cầu nguyện cho con cháu của mình bằng lời nói lẫn bằng tấm gương. Tôi xin chia sẻ với các chị em một bài học trong việc giảng dạy bằng tấm gương như đã được mô tả trong bức thư của một người mẹ gửi cho tôi về sự cầu nguyện. “Kính thưa Chủ Tịch Monson: Đôi khi tôi tự hỏi tôi có tạo ra sự khác biệt gì trong cuộc sống của con cái tôi không. Nhất là đối với một người mẹ độc thân đi làm hai công việc để nuôi gia đình, đôi khi tôi đi về nhà với sự hoang mang, nhưng tôi không bao giờ từ bỏ hy vọng.”

Lá thư của người ấy tiếp tục mô tả cách thức người ấy và con cái của người ấy đang xem một chương trình truyền hình đại hội trung ương, lúc mà tôi đang nói về sự cầu nguyện. Đứa con trai của người ấy nói: “Mẹ ơi, mẹ đã dạy cho chúng con điều đó rồi.” Người ấy hỏi: “Con có ý muốn nói gì?” Đứa con trai của người ấy đáp: ‘Thì, mẹ đã dạy chúng con cầu nguyện và chỉ cho chúng con biết cách cầu nguyện, nhưng tối hôm kia con đi vào phòng của mẹ để hỏi một điều gì đó thì con thấy mẹ đang quỳ xuống cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng. Nếu Ngài quan trọng đối với mẹ, thì Ngài cũng quan trọng đối với con.” Lá thư kết luận: ”Tôi nghĩ rằng mình không bao giờ biết được mình có ảnh hưởng như thế nào cho đến khi một đứa trẻ thấy mình đang làm điều mà mình đã cố gắng dạy cho nó làm.”

Cách đây vài năm, ngay trước khi rời Salt Lake đi tham dự buổi họp thường niên của Hội Nam Hướng Đạo Hoa Kỳ ở Atlanta, Georgia, tôi đã quyết định mang theo đủ các quyển tạp chí New Era để tôi có thể chia ấn bản tuyệt hảo này với các viên chức Hướng Đạo. Khi tôi đến khách sạn ở Atlanta, tôi mở xấp tạp chí ra. Tôi thấy rằng người thư ký của tôi, vì lý do đặc biệt nào đó không thể giải thích được, đã cho tôi dư hai quyển số tháng Sáu, là số báo viết về lễ hôn phối trong đền thờ. Tôi để hai quyển tạp chí này lại trong phòng của khách sạn và, như đã hoạch định, phân phát các quyển tạp chí khác.

Vào ngày cuối của các buổi họp, tôi không muốn tham dự bữa ăn trưa đã được sắp xếp trong lịch trình nhưng cảm thấy bắt buộc trở về phòng mình. Điện thoại reo khi tôi bước vào phòng. Người gọi điện thoại là một tín hữu của Giáo Hội đã nghe nói rằng tôi đang có mặt ở Atlanta. Người ấy tự giới thiệu và yêu cầu tôi ban một phước lành cho đứa con gái 10 tuổi của mình. Tôi sẵn sàng đồng ý , và người ấy nói rằng người ấy và chồng người ấy, cùng đứa con gái và đứa con trai của họ sẽ đến phòng tôi trong khách sạn ngay. Trong khi chờ đợi, tôi đã cầu nguyện để được giúp đỡ. Tiếng vỗ tay của hội nghị được thay thế bằng những cảm nghĩ bình an kèm theo lời cầu nguyện.

Rồi có tiếng gõ cửa và đặc ân để gặp gỡ một gia đình chọn lọc. Đứa con gái 10 tuổi bước đi với đôi nạng. Căn bệnh ung thư đã đòi hỏi phải cắt bỏ chân trái của nó; tuy nhiên, gương mặt của nó rạng rỡ, sự tin cậy của nó nơi Thượng Đế thật vững vàng. Một phước lành đã được ban cho. Người mẹ và đứa con trai quỳ xuống bên giường, trong khi người cha và tôi đặt tay chúng tôi lên đầu đứa con gái nhỏ bé. Chúng tôi được hướng dẫn bởi Thánh Linh của Thượng Đế. Chúng tôi hạ mình trước quyền năng của Thánh Linh.

Tôi cảm thấy những dòng nước mắt chảy dài xuống đôi má tôi và rơi xuống đôi tay tôi khi đôi tay được đặt lên đầu của đứa con xinh đẹp đó của Thượng Đế. Tôi nói về các giáo lễ vĩnh cửu và sự tôn cao của gia đình. Chúa thúc giục tôi cố thuyết phục gia đình này vào đền thờ thánh của Thượng Đế. Vào lúc kết thúc cuộc ban phước, tôi biết rằng một chuyến đi thăm viếng đền thờ đã được dự định. Những câu hỏi về đền thờ được đặt ra. Tôi không nghe được tiếng nói nào từ thiên thượng, cũng như tôi không thấy được một khải tượng nào. Thế mà có những lời này đến với tâm trí tôi một cách rõ ràng: “Hãy nói đến tạp chí New Era.” Tôi hướng nhìn về cái tủ đứng, và nơi đó có hai quyển tạp chí New Era dư nói về đền thờ. Một quyển tạp chí được đưa cho đứa con gái và quyển kia đưa cho cha mẹ nó. Chúng tôi cùng nhau xem lại hai quyển tạp chí đó.

Gia đình nói lời từ giã, và một lần nữa căn phòng trở nên yên tịnh. Một lời cầu nguyện biết ơn đã đến một cách dễ dàng và, một lần nữa, luôn luôn làm cho lời cầu nguyện thành một phần của cuộc sống.

Các chị em thân mến, đừng cầu nguyện xin cho nhiệm vụ được phù hợp với khả năng của mình, mà hãy cầu nguyện xin cho khả năng của mình được thích hợp với nhiệm vụ. Rồi việc thi hành nhiệm vụ của các chị em không phải là phép lạ, mà chính sự tăng trưởng của các chị em mới là phép lạ.

Hãy sốt sắng cầu nguyện.

Cuối cùng, sẵn lòng phục vụ. Các chị em là một lực lượng mạnh mẽ tốt lành, một lực lượng vững mạnh nhất trên toàn thế giới. Ảnh hưởng của các chị em vượt qua bản thân và gia đình của các chị em và làm cảm động những người khác trên toàn cầu. Các chị em đã tìm đến giúp đỡ các anh chị em của mình bên kia đường, bên kia thành phố, bên kia quốc gia, bên kia lục địa, bên kia đại dương. Các chị em là hiện thân của phương châm của Hội Phụ Nữ: “Lòng bác ái không bao giờ hư mất.”

Dĩ nhiên, các chị em có được đầy dẫy cơ hội để phục vụ. Chắc chắn, đôi khi các chị em nhận thấy rằng có quá nhiều cơ hội phục vụ mà các chị em có thể cảm thấy có phần bị chồng chất nặng trĩu. Các chị em bắt đầu từ đâu? Làm thế nào các chị em có thể làm hết được? Làm thế nào các chị em có thể chọn từ tất cả các nhu cầu mà các chị em thấy được, nơi nào và cách nào để phục vụ?

Những hành động phục vụ nhỏ nhặt đều thường chỉ đòi hỏi để nâng đỡ và ban phước cho một người khác: một câu hỏi về gia đình của một người; những lời khích lệ đưa ra nhanh chóng; một lời khen ngợi thành thật, một lá thư cám ơn vắn tắt, một cú điện thoại ngắn. Nếu chúng ta quan sát và có ý thức, và nếu chúng ta hành động theo những sự thúc giục đến với mình, thì chúng ta có thể thực hiện nhiều điều tốt lành. Dĩ nhiên, đôi khi, còn cần thêm nhiều điều nữa.

Mới đây tôi biết được một sự phục vụ đầy yêu thương của một người mẹ khi con cái của người ấy còn rất nhỏ. Người ấy thường xuyên thức dậy giữa đêm khuya để chăm sóc cho các con nhỏ của mình, như những người mẹ thường làm. Người bạn hàng xóm của người ấy sống bên kia đường thường đến vào ngày hôm sau và nói: “Tôi thấy đèn của chị sáng giữa đêm khuya và biết rằng chị đang thức cùng với con. Tôi sẽ mang chúng về nhà tôi trong hai giờ đồng hồ trong khi chị ngủ trưa nhé.” Người mẹ đầy lòng biết ơn đã nói: “Tôi cám ơn và chấp nhận lời đề nghị của chị ấy, cho đến khi việc này xảy ra nhiều lần thì tôi nhận biết rằng nếu chị ấy đã thấy đèn của tôi sáng giữa đêm khuya, thì chị ấy cũng đang thức cùng với một đứa con của chị và cũng cần giấc ngủ trưa nhiều như tôi. Chị ấy đã dạy cho tôi một bài học quan trọng, và kể từ lúc ấy, tôi đã cố gắng để quan sát như chị ấy trong việc tìm kiếm cơ hội để phục vụ những người khác.”

Vô số hành động phục vụ đã được cung ứng bởi số lớn các giảng viên thăm viếng của Hội Phụ Nữ. Cách đây vài năm, tôi đã nghe về hai giảng viên thăm viếng mà đã giúp đỡ một góa phụ đang buồn khổ, Angela, cháu nội gái của một người anh em họ của tôi. Chồng của Angela và một người bạn của cậu đã lái xe trượt tuyết và chết khi họ bị vùi dưới chỗ tuyết lở. Mỗi người trong số họ bỏ lại một người vợ đang mang thai—trong trường hợp của Angela, là đứa con đầu lòng của họ, và trong trường hợp kia, người vợ không những đang mang thai mà còn có một đứa con nhỏ. Trong tang lễ của người chồng của Angela, vị giám trợ đã báo cáo rằng ngay khi nghe về tai nạn thảm khốc đó, thì ông đã đi đến nhà của Angela ngay lập tức. Hầu như ngay khi ông đến, thì chuông cửa reo. Cửa mở ra, và hai giảng viên thăm viếng của Angela đứng đó. Vị giám trợ nói ông đã nhìn thấy họ chân thành bày tỏ tình yêu thương và lòng trắc ẩn với Angela. Ba người phụ nữ đã cùng khóc với nhau, và hiển nhiên là hai giảng viên thăm viếng cao quý này quan tâm sâu xa đến Angela. Có lẽ chỉ có phụ nữ mới có thể dịu dàng cho thấy chính xác là sự giúp đỡ nào họ sẽ cung ứng—mà không cần phải được yêu cầu. Việc họ sẵn sàng giúp đỡ cho đến khi nào Angela còn cần đến họ thì thật hiển nhiên. Vị giám trợ bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của ông khi biết rằng họ sẽ là một nguồn an ủi thật sự cho Angela trong những ngày sắp tới.

Hành động yêu thương và trắc ẩn như thế được lặp lại nhiều lần bởi những giảng viên thăm viếng giảng dạy tuyệt vời của Giáo Hội này—tuy không phải lúc nào cũng trong những tình huống bi thảm mà hoàn toàn với sự chân thành.

Tôi có lời khen ngợi các chị em là những người, với mối quan tâm đầy yêu thương và lòng trắc ẩn, cho kẻ đói ăn, mang quần áo cho kẻ thiếu mặc, và cho kẻ vô gia cư chỗ ở. Ngài là Đấng để ý đến con chim sẻ rơi xuống đất thì cũng sẽ lưu tâm đến sự phục vụ như vậy. Ước muốn để nâng đỡ, sự sẵn lòng để giúp đỡ, và lòng tốt để ban phát đến từ một tâm hồn tràn đầy tình yêu thương. Hãy sẵn lòng phục vụ.

Vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, chính là Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, đã nói về các chị em: “Thượng Đế vun trồng nơi người phụ nữ một điều gì thiêng liêng mà tự biểu lộ bằng sức mạnh thầm lặng, bằng sự thanh lịch, bằng sự bình an, bằng sự thiện lành, bằng đức hạnh, bằng lẽ thật, bằng tình yêu thương.”10

Các chị em thân mến, cầu xin Cha Thiên Thượng ban phước cho mỗi chị em, dù đã kết hôn hay còn độc thân, trong nhà, trong gia đình của các chị em, trong chính cuộc sống của các chị em—cầu xin cho các chị em có thể xứng đáng với lời chào đón vinh quang của Đấng Cứu Thế: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm.”11 Tôi cầu nguyện, cũng như tôi ban phước cho các chị em cũng như người vợ yêu dấu tên Ruth của Anh James E. Faust, là người hiện có mặt buổi tối hôm nay ở hàng ghế trước, cùng với gia đình của họ, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem “Nobody Knows What a Boy Is Worth,” trong Best-Loved Poems of the LDS People, do Jack M. Lyon và những người khác xuất bản (1996), 19.

  2. “The Hand That Rocks the Cradle Is the Hand That Rules the World,” trong The World’s Best-Loved Poems, do James Gilchrist Lawson biên soạn (1955), 242.

  3. The Teachings of Lorenzo Snow, do Clyde J. Williams xuất bản (1984), 143.

  4. GLGƯ 88:118.

  5. Giăng 5:39.

  6. Học Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ, “Television and the Family,” 1, www.aap.org/family/tv1.htm.

  7. 2 Nê Phi 9:28–29.

  8. “The Charted Course of the Church in Education” (bài nói chuyện đưa ra tại Summer Institute of Seminary, Institute, và Church School Teachers tại Aspen Grove, ngày 8 tháng Tám năm 1938), trong James R. Clark, biên soạn, Messages of the First Presidency of The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints, 6 tập (1965–75), 6:52.

  9. GLGƯ 19:38.

  10. Teachings of Gordon B. Hinckley (1997), 387.

  11. Ma Thi Ơ 25:21.