2007
Đức Chúa Trời Có Một và Thật, cùng Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã Sai Đến
Tháng Mười Một năm 2007


Đức Chúa Trời Có Một và Thật, cùng Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã Sai Đến

Chúng tôi tuyên bố rằng bằng chứng hiển nhiên từ thánh thư cho thấy rằng Đức Chúa Cha, Vị Nam Tử và Đức Thánh Linh là ba Đấng riêng biệt, là ba Đấng thiêng liêng.

Hình Ảnh

Như Anh Cả Ballard đã nói trước đây trong phiên họp này, nhiều khuynh hướng xã hội thời nay đã mang thêm sự chú ý trong công chúng về Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa đã phán bảo cùng những người thời xưa rằng công việc ngày sau sẽ là ‘sự lạ rất là lạ”1 và thật đúng như vây. Nhưng cho dù chúng ta mời gọi mọi người để xem xét tỉ mỉ về sự lạ rất là lạ này, thì cũng có một điều mà chúng ta không muốn một ai thắc mắc—đó là chúng ta có phải là “Ky Tô hữu” không?

Nói chung, bất cứ sự tranh luận nào về vấn đề này đều xoay quanh hai vấn đề về giáo lý—quan niệm của chúng ta về Thiên Chủ Đoàn và niềm tin của chúng ta nơi nguyên tắc của sự mặc khải liên tục mà dẫn đến việc có thêm thánh thư. Khi nói về vấn đề này, chúng ta không cần phải là những người biện giải cho tín ngưỡng của mình, nhưng chúng ta không muốn bị hiểu lầm. Vậy nên, với ước muốn được tăng thêm sự hiểu biết và tuyên bố rõ ràng về tính chất Ky Tô giáo của chúng ta, hôm nay tôi nói về vấn đề thứ nhất trong hai vấn đề về giáo lý vừa đề cập đến.

Tín điều thứ nhất và quan trọng nhất trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là “Chúng tôi tin nơi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và nơi con của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và nơi Đức Thánh Linh.”2 Chúng tôi tin rằng ba Đấng thiêng liêng này tạo thành một Thiên Chủ Đoàn hiệp một trong mục đích, hành động, chứng ngôn và sứ mệnh. Chúng tôi tin rằng ba Đấng này đều đầy một lòng thương xót, yêu thương, công bằng và ân điển, kiên nhẫn, khoan dung và cứu chuộc của Thượng Đế. Tôi nghĩ thật là chính xác để nói rằng chúng tôi tin là ba Đấng này hợp nhất trong mọi khía cạnh quan trọng và vĩnh cửu có thể tưởng tượng được, trừ phi tin rằng ba Đấng này là ba Vị gộp lại thành một, theo thuyết Ba Ngôi Một Thể mà chưa bao giờ được giảng dạy trong thánh thư vì điều đó không đúng.

Thật vậy tài liệu đáng tin cậy Harper’s Bible Dictionary chép rằng “Giáo lý về Chúa Ba Ngôi Một Thể như đã được định nghĩa bởi các đại hội đồng giáo hội trong thế kỷ thứ tư và thứ năm thì không được tìm thấy trong Kinh Tân Ước.”3

Vậy nên bất cứ sự chỉ trích nào nói rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô không tin theo quan niệm của Ky Tô Hữu đương thời về Thượng Đế, Chúa Giê Su, và Đức Thánh Linh thì không phải là một lời bình luận về sự cam kết của chúng ta với Đấng Ky Tô mà thực ra là một sự nhận thức (tôi phải nói là chính xác) rằng quan niệm của chúng ta về Thiên Chủ Đoàn khác với lịch sử của Ky Tô giáo sau thời Tân Ước và quay về với giáo lý đã được chính Chúa Giê Su giảng dạy. Đôi lời về lịch sử ấy sau thời Tân Ước có thể sẽ được hữu ích.

Vào năm 325 sau Công Nguyên hoàng đế Constantine của La Mã đã triệu tập Hội Đồng Nicaea để thảo luận—trong số các vấn đề khác—vấn đề đang bộc phát về việc cho rằng Thượng Đế “hiệp một trong Chúa ba ngôi.” Kết quả của những cuộc tranh luận dữ dội giữa các giáo sĩ, triết gia, và các chức sắc của Giáo Hội đã được biết đến (sau 125 năm nữa với thêm ba đại hội đồng)4 là Nicene Creed, với sự cải cách về sau như là Tín Điều Athanasi. Những sự tiến triển và sửa đổi của những tín điều—và những tín điều khác về sau qua nhiều thế kỷ—tuyên bố rằng Đức Chúa Cha, Vị Nam Tử và Đức Thánh Linh là các Đấng vô hình, đầy quyền năng, siêu phàm, hiện diện khắp nơi, cùng một thể chất, cùng là vĩnh cửu, và không biết được, không có thể xác, bộ phận cơ thể hay cảm xúc và siêu việt. Trong những tín điều như vậy, cả ba Đấng đều là các Đấng riêng rẽ, nhưng họ là một, thường được nói đến là “bí ẩn của Chúa ba ngôi.” Ba Đấng đó là ba Đấng khác nhau nhưng không phải là ba Thượng Đế mà là một. Cả ba Đấng này khó thể hiểu được, nhưng là một Thượng Đế mà khó thể nào hiểu được.

Chúng ta đồng ý với những người chỉ trích chúng ta, ít nhất là ở điểm đó–với khái niệm về Thượng Đế như thế thì thật là không sao hiểu nổi. Với định nghĩa khó hiểu như vậy áp đặt trên giáo hội thì thảo nào một tu sĩ trong thế kỷ thứ tư đã khóc than: “Khốn khổ cho tôi! Họ đã lấy đi Thượng Đế của tôi … và tôi không biết tôn sùng hoặc cầu nguyện lên ai nữa.”5 Làm sao chúng ta có thể tin tưởng, thương yêu và thờ phượng, không kể đến việc cố gắng trở nên giống như, một Đấng không thể hiểu được hay biết được? Làm thế nào chúng ta hiểu được lời cầu nguyện của Chúa Giê Su lên Cha Ngài trên Thiên Thượng rằng “sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê Su Christ là Đấng Cha đã sai đến”?6

Mục đích của chúng ta không phải là để chê bai tín ngưỡng của bất cứ người nào hay giáo lý của bất cứ tôn giáo nào. Chúng ta đều có lòng kính trọng giáo lý của họ cũng như chúng ta xin họ cũng có lòng kính trọng như vậy đối với giáo lý của chúng ta. (Điều đó cũng là một tín điều của chúng ta.) Nhưng nếu một người nói rằng chúng ta không phải là Ky Tô Hữu vì chúng ta không có quan điểm về Thiên Chủ Đoàn của thế kỷ thứ tư và thứ năm, vậy thì Các Thánh Ky Tô hữu đầu tiên thời xưa thì sao, nhiều người trong số họ là các nhân chứng của Đấng Ky Tô hằng sống, mà cũng không có quan điểm như thế?7

Chúng tôi tuyên bố rằng bằng chứng hiển nhiên từ thánh thư cho thấy rằng Đức Chúa Cha, Vị Nam Tử và Đức Thánh Linh là ba Đấng riêng biệt, là ba Đấng thiêng liêng, sự minh họa rõ ràng của điều này được thấy trong lời cầu nguyện thay thế đầy trọng đại của Đấng Cứu Rỗi vừa được nhắc tới, phép báp têm của Ngài bởi Giăng, kinh nghiệm trên Núi Hóa Hình, và sự tuẫn đạo của Ê tiên—chỉ mới đưa ra bốn ví dụ mà thôi.

Với những nguồn tài liệu này của Kinh Tân Ước và nhiều điều nữa8 mà chúng ta nghe được, thì có lẽ không cần thiết để hỏi Chúa Giê Su có ý nói gì khi Ngài phán: “Con chẳng tự mình làm việc gì được, chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm.”9 Trong một dịp khác Ngài đã phán: “Ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến.”10 Ngài đã nói về những kẻ nghịch cùng Ngài: “Chúng đã thấy và ghét cả ta và Cha Ta.”11 Và dĩ nhiên sự luôn luôn tuân phục và kính trọng Cha Ngài đã khiến cho Chúa Giê Su phán rằng: “Sao ngươi hỏi ta về việc lành? Chỉ có một Đấng lành mà thôi.”12 “Cha tôn trọng hơn ta.”13

Cùng ai mà Chúa đã nhiệt thành cầu xin trong nhiều năm đó, kể cả lúc Ngài khóc than trong nỗi thống khổ: “Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi con,”14 và “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?”15 Việc thừa nhận bằng chứng trong thánh thư rằng Các Đấng trong Thiên Chủ Đoàn tuy hoàn toàn hiệp một nhưng lại là ba Đấng khác biệt và riêng rẽ thì không làm cho chúng ta phạm vào tội thờ phượng nhiều thần; nhưng đúng ra là một phần của sự mặc khải trọng đại mà Chúa Giê Su đã đến để ban cho liên quan đến thiên tính của các Đấng thiêng liêng. Có lẽ Sứ Đồ Phao Lô đã nói hay nhất: “Chúa Giê Su … vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời.”16

Một lý do khác có liên quan đến điều đó mà Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô không được một số người xem là thuộc Ky Tô Giáo là vì chúng ta tin, cũng giống như các vị tiên tri và sứ đồ thời xưa, vào một Thượng Đế có thể xác—tất nhiên đầy vinh quang.17 Đối với những ai chỉ trích sự tin tưởng dựa trên thánh thư này, thì ít nhất tôi xin nhấn mạnh với câu hỏi: Nếu ý nghĩ về một Thượng Đế có thể xác là một sự xúc phạm, thì tại sao các giáo lý chính yếu và độc đáo nhất để phân biệt tất cả Ky Tô Giáo là Sự Hoá Thân, Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh thể xác của Chúa Giê Su Ky Tô? Nếu việc có một thể xác là điều mà Thượng Đế không cần và không muốn, thì tại sao Đấng Cứu Chuộc của nhân loại đã cứu chuộc thể xác của Ngài khỏi quyền năng của cái chết và mộ phần, và như thế bảo đảm là thể xác của Ngài sẽ không bao giờ bị tách rời khỏi linh hồn Ngài cho thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu?18 Những người nào chối bỏ quan niệm về một Thượng Đế có thể xác thì đã chối bỏ Đấng Ky Tô hữu diệt và phục sinh. Không ai tự nhận mình là một Ky Tô hữu chân chính mà muốn làm như vậy.

Đối với những ai đang nghe tôi nói mà có thắc mắc về tính cách Ky Tô Hữu của chúng ta, thì tôi xin chia sẻ lời chứng này. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô thật sự là Vị Nam Tử hằng sống của Thượng Đế hằng sống của chúng ta. Chúa Giê Su này là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, là Đấng mà dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Cha, là Đấng tạo dựng trời đất cùng vạn vật trong đó. Tôi làm chứng rằng Ngài đã được sinh ra bởi một người mẹ đồng trinh, rằng trong suốt cuộc sống của Ngài, Ngài đã thực hiện nhiều phép lạ vĩ đại mà được vô số môn đồ cũng như kẻ thù của Ngài nhìn thấy. Tôi làm chứng rằng Ngài có quyền năng để thắng cái chết vì Ngài là thánh, nhưng Ngài đã sẵn lòng chịu chết vì lợi ích của chúng ta bởi vì Ngài cũng đã là người trần thế trong một thời gian. Tôi tuyên bố rằng qua sự sẵn lòng chịu chết, Ngài đã nhận lấy tội lỗi của thế gian, và trả một cái giá vô tận cho mỗi nỗi đau buồn và bệnh tật, mỗi nỗi đau lòng và nỗi buồn khổ từ thời A Đam cho đến lúc tận thế. Khi làm thế Ngài đã chiến thắng cái chết thể xác của mộ phần lẫn ngục giới của linh hồn, và giải thoát cho gia đình nhân loại. Tôi làm chứng rằng Ngài đã thật sự phục sinh từ mộ phần và sau khi thăng lên trời cùng Cha của Ngài để hoàn tất tiến trình phục sinh đó, Ngài đã nhiều lần hiện đến cùng hàng trăm môn đồ trong Cựu Thế Giới cũng như Tân Thế Giới. Tôi biết rằng Ngài là Đấng Chí Thánh của Y Sơ Ra Ên, Đấng Mê Si, là Đấng sẽ một ngày nào đó tái lâm trong vinh quang cuối cùng, để trị vì trên thế gian với tư cách là Chúa của các Chúa và Vua của các Vua. Tôi biết rằng không có danh hiệu nào khác được ban ra dưới gầm trời này mà nhờ đó loài người được cứu, và chỉ qua sự trông cậy hoàn toàn vào công lao, lòng thương xót và ân điển vĩnh cửu của Ngài,19 mà chúng ta có thể nhận được cuộc sống vĩnh cửu.

Một chứng ngôn nữa của tôi về giáo lý vinh quang này là để chuẩn bị cho sự trị vì ngày sau trong thời kỳ ngàn năm của Ngài, Chúa Giê Su đã đến, nhiều hơn một lần, trong thể xác đầy vinh quang rực rỡ. Vào mùa Xuân năm 1820, một thiếu niên 14 tuổi, đã bị hoang mang bởi những giáo lý này, là những giáo lý vẫn tiếp tục làm hoang mang phần lớn các Ky Tô hữu, đã đi vào một khu rừng để cầu nguyện. Để đáp ứng lời cầu nguyện chân thành được dâng lên vào lúc tuổi còn trẻ như thế, Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử đã hiện đến trong thể xác vinh quang cùng thiếu niên tiên tri Joseph Smith. Ngày đó đánh dấu sự bắt đầu của việc quay lại với phúc âm chân chính của Kinh Tân Ước của Chúa Giê Su Ky Tô và sự phục hồi các lẽ thật tiên tri đã được giảng dạy từ thời A Đam cho đến ngày nay.

Tôi làm chứng rằng lời chứng của tôi về những điều này là đúng thật và rằng các tầng trời đang mở ra cho tất cả những ai tìm kiếm sự xác nhận tương tự này. Qua Đức Thánh Linh của Lẽ Thật, cầu xin cho tất cả chúng ta đều biết “Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cha đã sai đến.”20 Cầu xin rằng sau đó chúng ta có thể sống theo sự giảng dạy của hai Ngài và là những Ky Tô hữu chân chính, trong hành động cũng như trong lời nói, tôi cầu nguyện trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Ê Sai 29:14.

  2. Những Tín Điều 1:1.

  3. Paul F. Achtemeier, xuất bản (1985), 1099; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  4. Constantinople, sau Công Nguyên 381; Ephesus, sau Công Nguyên 431; Chalcedon, sau Công Nguyên 451.

  5. Được trích dẫn trong Owen Chadwick, Western Asceticism (1958), 235.

  6. Giăng 17:3; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  7. Để có được một bài thảo luận thấu đáo về vấn đề này, xin xem Stephen E. Robinson, Are Mormons Christian? 71–89; cũng xin xem thêm Robert Millet, Getting at the Truth (2004), 106–22.

  8. Để có ví dụ, xin xem Giăng 12:27–30; Giăng 14:26; Rô Ma 8:34; Hê Bơ Rơ 1:1–3.

  9. Giăng 5:19; xin xem thêm Giăng 14:10.

  10. Giăng 6:38.

  11. Giăng 15:24.

  12. Ma Thi Ơ 19:17.

  13. Giăng 14:28.

  14. Ma Thi Ơ 26:39.

  15. Ma Thi Ơ 27:46.

  16. Phi Líp 2:5–6.

  17. Xin xem David L. Paulsen, “Early Christian Belief in a Corporeal Deity: Origen and Augustine as Reluctant Witnesses,” Harvard Theological Review, tập 83, số 2 (1990): 105–16; David L. Paulsen, “The Doctrine of Divine Embodiment: Restoration, Judeo-Christian, and Philosophical Perspectives,” BYU Studies, tập 35, số 4 (1996): 7–94; James L. Kugel, The God of Old: Inside the Lost World of the Bible (2003), xi–xii, 5–6, 104–6, 134–35; Clark Pinnock, Most Moved Mover: A Theology of God’s Openness (2001), 33–34.

  18. Xin xem Rô Ma 6:9; An Ma 11:45.

  19. Xin xem 1 Nê Phi 10:6; 2 Nê Phi 2:8; 31:19; Mô Rô Ni 6:4; Bản Dịch Joseph Smith, Rô Ma 3:24.

  20. Giăng 17:3.