2007
Chúng Ta Không Có Lý Do để Hoan Hỷ Sao?
Tháng Mười Một năm 2007


Chúng Ta Không Có Lý Do để Hoan Hỷ Sao?

Đây là một tôn giáo vui vẻ, một tôn giáo của niềm hy vọng, sức mạnh và sự giải thoát.

Hình Ảnh

Tôi vẫn còn hoan hỷ về tinh thần kỳ diệu mà chúng ta cảm nhận được khi chúng ta cùng hát buổi sáng hôm nay:

Giờ đây chúng ta cùng hoan hỷ về ngày cứu rỗi.

Chúng ta không cần phải lang thang như người xa lạ trên thế gian.

Tin lành đã rao giảng cho chúng ta và mỗi quốc gia.

(“Giờ Đây Chúng Ta Hãy Cùng Vui Mừng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 32).

Những lời này của Anh William W. Phelps khá trái ngược với khuynh hướng của thế gian để chú trọng đến tin buồn. Thật vậy, chúng ta sống trong một thời kỳ đã được báo trước trong thánh thư, là thời kỳ “chiến tranh, những tiếng đồn về chiến tranh, cùng các trận động đất ở nhiều nơi” (Mặc Môn 8:30), khi mà “toàn thể thế gian sẽ ở trong sự xáo động, và loài người sẽ mất can đảm” (GLGƯ 45:26).

Nhưng điều này ảnh hưởng đến chúng ta là các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào? Chúng ta có đang sống trong nỗi e ngại, sợ hãi và lo âu không? Hoặc sống giữa tất cả những thử thách, chúng ta không có lý do để hoan hỷ sao?

Chúng ta đều trải qua những kinh nghiệm sống khác biệt. Một số kinh nghiệm tràn đầy niềm vui, và một số kinh nghiệm khác thì đầy buồn phiền và nghi ngờ.

Tôi nhớ đến lúc mà gia đình tôi gặp cảnh không vui khi tôi còn nhỏ.

Đó là vào mùa đông năm 1944, một trong các mùa đông lạnh nhất trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Mặt trận đang tiến đến gần thị trấn của chúng tôi, và mẹ tôi đã phải mang bốn anh em chúng tôi ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả những của cải tài sản, và cùng với hằng triệu người tị nạn bỏ chạy trong một sự tìm kiếm đầy tuyệt vọng một nơi để sống sót. Cha của chúng tôi vẫn còn ở trong quân ngũ, nhưng ông và Mẹ tôi đã thỏa thuận rằng nếu họ có bị chia ly trong thời chiến, thì họ cũng sẽ cố gắng đoàn tụ ở quê của ông bà nội tôi. Họ cảm thấy rằng nơi này sẽ mang đến niềm hy vọng lớn nhất để ẩn náu và được an toàn.

Với những cuộc bỏ bom ban đêm và máy bay oanh tạc ban ngày, chúng tôi phải mất rất nhiều ngày để đến nhà của ông bà nội tôi. Ký ức của tôi về những ngày đó thật đầy tối tăm và lạnh lẽo.

Cha tôi trở về bình an vô sự, nhưng tương lai của chúng tôi trông rất đen tối. Chúng tôi sống trong cảnh đổ nát của một nước Đức thời hậu chiến với cảm nghĩ tuyệt vọng và đen tối về tương lai của chúng tôi.

Trong cảnh tuyệt vọng này, gia đình tôi biết được Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và sứ điệp về sự chữa lành của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Sứ điệp này làm cho mọi điều thành khác biệt, nâng đỡ chúng tôi vượt lên trên cảnh khổ sở hằng ngày của mình. Cuộc sống vẫn còn khó khăn và tình thế thì vẫn còn tệ hại, nhưng phúc âm đã mang ánh sáng, hy vọng và niềm vui đến cho cuộc sống của chúng tôi. Các lẽ thật minh bạch và giản dị của phúc âm làm ấm lòng chúng tôi và soi sáng tâm trí của chúng tôi, và giúp cho chúng tôi nhìn vào bản thân mình và thế giới chung quanh mình với cái nhìn khác và từ một quan điểm lạc quan hơn.

Các anh chị em thân mến, phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô và tư cách tín hữu của chúng ta trong Giáo Hội của Ngài không phải là lý do để chúng ta hoan hỷ hay sao?

Bất cứ nơi nào các anh chị em đang sống trên thế gian này, và bất luận hoàn cảnh sống của các anh chị em như thế nào, thì tôi làm chứng với các anh chị em rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng thiêng liêng để nâng đỡ các anh chị em lên cao khỏi điều mà đôi khi dường như là một gánh nặng hay sự yếu kém không thể chịu nổi. Chúa biết hoàn cảnh và những thử thách của các anh chị em. Ngài phán cùng Phao Lô và cùng tất cả chúng ta: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi.” Và giống như Phao Lô, chúng ta có thể trả lời: “Sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Ky Tô ở trong tôi” (2 Cô Rinh Tô 12:9).

Là tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể cầu xin các phước lành đã được hứa trong các giao ước và các giáo lễ mà chúng ta nhận được khi chúng ta chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô Là Gì?

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là tin vui, tin lành, và còn nhiều nữa. Đó là sứ điệp cứu rỗi mà đã được Chúa Giê Su Ky Tô và các sứ đồ và các tiên tri của Ngài nhiều lần công bố. Đó là sự tin tưởng vững chắc của tôi rằng tất cả lẽ thật và ánh sáng khởi nguồn từ Thượng Đế đều được chứa đựng trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Thượng Đế, Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta, đã phán rằng đây là công việc và vinh quang của Ngài “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Thượng Đế là tác giả của phúc âm; đó là một phần chính yếu của kế hoạch cứu rỗi hoặc kế hoạch cứu chuộc của Ngài. Nó được gọi là phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô bởi vì đó là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mà làm cho sự cứu chuộc và sự cứu rỗi có thể thực hiện được. Nhờ vào Sự Chuộc Tội mà tất cả những người nam, người nữ và trẻ em đuợc cứu chuộc vô điều kiện khỏi cái chết thể xác, và tất cả đều sẽ được cứu chuộc khỏi tội lỗi của họ với điều kiện họ phải chấp nhận và tuân theo phúc âm (xin xem GLGƯ 20:17–25; 76:40–42, 50–53; Môi Se 6:62).

Phúc âm của Đấng Ky Tô là phúc âm chân chính duy nhất, và “sẽ không có một danh xưng nào khác được ban ra, hay một con đường hoặc một phương tiện nào khác mà nhờ đó sự cứu rỗi đến với con cái loài người, chỉ có ở trong hay nhờ danh của Đấng Ky Tô” (Mô Si A 3:17; xin xem thêm Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

Các yếu tố chính yếu của sứ điệp phúc âm được tìm thấy trong tất cả các thánh thư nhưng rõ ràng nhất thì được ban cho chúng ta trong Sách Mặc Môn và những sự mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith. Nơi đây chính Chúa Giê Su đã tuyên bố rõ ràng giáo lý và phúc âm của Ngài, mà các con cái của Thượng Đế phải tuân theo để “có được cuộc sống vĩnh cửu” (GLGƯ 14:7; xin xem xin thêm 3 Nê Phi 11:31–39; 27:13–21; GLGƯ 33:11–12).

Phúc âm thật là rõ ràng và minh bạch. Phúc âm trả lời cho những câu hỏi phức tạp nhất trong đời, ngay cả một đứa trẻ nhỏ cũng có thể thấu hiểu và áp dụng được phúc âm. Như Nê Phi đã nói: “Tâm hồn tôi vui thích sự minh bạch; vì theo cách thức đó mà Đức Chúa Trời làm việc giữa con cái loài người. Vì Đức Chúa Trời ban sự sáng để họ hiểu biết; vì Ngài nói với loài người theo ngôn ngữ của họ, để họ có thể hiểu được” (2 Nê Phi 31:3).

Tiên Tri Joseph Smith đã tuân theo cùng một mẫu mực rõ ràng và minh bạch này khi ông giải thích cho thế gian biết trong một cách rất súc tích “những nguyên tắc và giáo lễ đầu tiên của Phúc Âm” (Những Tín Điều 1:4), mà chúng ta cần phải chấp nhận để nhận được các phước lành vĩnh cửu của phúc âm:

Thứ nhất, đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô—tin nơi Đấng Cứu Chuộc, Vị Nam Tử của Thượng Đế, “với một đức tin nơi Ngài không bị lay chuyển và sự trông cậy hoàn toàn vào những công nghiệp của Đấng có quyền năng cứu rỗi” và rồi “[tiến tới] với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, … nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 31:19–20).

Thứ nhì, sự hối cải mà gồm có một sự thay đổi ý nghĩ, dâng lên “một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối làm của lễ hy sinh”; từ bỏ các tội lỗi và trở nên hiền lành và khiêm nhường “như một trẻ nhỏ” (3 Nê Phi 9:20, 22).

Thứ ba, phép báp têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi và là một giao ước để tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và tự mang lấy danh của Đấng Ky Tô.

Thứ tư, phép đặt tay lên đầu để tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, cũng được biết là phép báp têm bằng lửa, mà thánh hóa chúng ta và làm cho chúng ta trở thành một “sinh linh mới,” sinh ra từ Thượng Đế (xin xem Mô Si A 27:24–26; 1 Phi E Rơ 1:23).

Ân tứ Đức Thánh Linh, được Cha Thiên Thượng ban cho chúng ta, và được thực hiện bởi một người có thẩm quyền, gồm có lời hứa nhân từ: “Nếu các người đi vào bằng đường lối ấy, và nhận được Đức Thánh Linh thì Ngài sẽ chỉ dẫn cho các người tất cả mọi việc các người phải nên làm” (2 Nê Phi 32:5). Qua sự đồng hành thường xuyên của Đức Thánh Linh, mỗi tín hữu của Giáo Hội có thể nhận được trực tiếp “những lời của Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 32:3), bất cứ lúc nào và nơi nào. Sự hướng dẫn thiêng liêng riêng tư này giúp chúng ta luôn dũng cảm trong việc làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô cho đến ngày cuối của đời mình. Thật là kỳ diệu thay!

Chúng ta không có lý do để hoan hỷ sao?

Kiên Trì đến Cùng Có Nghĩa Là Gì?

Thánh thư dạy chúng ta rằng một khi chúng ta đã nhận được các giáo lễ báp têm và lễ xác nhận thì nhiệm vụ của chúng ta là “kiên trì đến cùng” (2 Nê Phi 31:20).

Khi tôi còn nhỏ, việc “kiên trì đến cùng” đối với tôi nói chung có nghĩa là tôi phải cố gắng nhiều hơn để tỉnh ngủ trong các buổi họp của Giáo Hội. Về sau, trong thời niên thiếu, tôi chỉ tiến bộ chút đỉnh trong sự hiểu biết của mình về cụm từ này trong thánh thư. Tôi thông cảm với các nỗ lực của các tín hữu cao tuổi yêu quý của chúng ta vẫn sống trung thành cho đến cuối đời họ.

Việc kiên trì đến cùng, hoặc vẫn luôn luôn trung thành với các luật pháp và các giao ước của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong suốt cuộc sống của chúng ta, là một điều kiện cơ bản cho sự cứu rỗi trong vương quốc của Thượng Đế. Sự tin tưởng này phân biệt Các Thánh Hữu Ngày Sau với nhiều giáo phái Ky Tô giáo khác mà giảng dạy rằng sự cứu rỗi được ban cho tất cả mọi người mà chỉ cần tin và tuyên xưng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Chúa đã phán rõ rằng: “Nếu ngươi tuân giữ các giáo lệnh của ta và kiên trì đến cùng thì ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế” (GLGƯ 14:7).

Do đó, việc kiên trì đến cùng không phải đơn thuần là một vấn đề phải chịu đựng một cách thụ động hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống hoặc “tiếp tục tồn tại.” Tôn giáo của chúng ta là một tôn giáo tích cực giúp đỡ con cái của Thượng Đế dọc theo con đường chật và hẹp để phát triển tiềm năng trọn vẹn của họ trong cuộc sống này và trở về cùng Ngài một ngày nào đó. Nhìn từ viễn cảnh này thì việc kiên trì đến cùng là đầy tôn cao và vinh quang, chứ không phải tối tăm và ảm đạm. Đây là một tôn giáo vui vẻ, một tôn giáo của niềm hy vọng, sức mạnh và sự giải thoát. “A Đam sa ngã để loài người sinh tồn, và loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui” (2 Nê Phi 2:25).

Việc kiên trì đến cùng là một tiến trình lắp đầy mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày của cuộc sống của chúng ta, từ ngày này qua ngày khác. Việc ấy được thực hiện qua kỷ luật cá nhân bằng cách tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế.

Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là một lối sống, không phải chỉ dành cho ngày Chúa Nhật không thôi, không phải là điều mà chúng ta chỉ làm theo thói quen hoặc theo truyền thống nếu chúng ta trông mong thụ nhận được tất cả các phước lành đã được hứa của phúc âm. “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Ga La Ti 6:7).

Việc kiên trì đến cùng đưa đến việc “bền lòng làm lành” (Rô Ma 2:7), cố gắng tuân giữ các giáo lệnh (xin xem 2 Nê Phi 31:10), và làm những công việc ngay chính (xin xem GLGƯ 59:23). Nó đòi hỏi sự hy sinh và sự làm việc siêng năng. Để kiên trì đến cùng, chúng ta cần phải tin cậy Cha Thiên Thượng và có những sự lựa chọn khôn ngoan, kể cả việc đóng tiền thập phân và của lễ dâng, tôn trọng các giao ước đền thờ của mình, và phục vụ Chúa và phục vụ lẫn nhau một cách sẵn lòng và trung thành trong những sự kêu gọi và trách nhiệm trong Giáo Hội. Điều này có nghĩa là sức mạnh của cá tính, lòng vị tha, và sự khiêm nhường; có nghĩa là tính liêm khiết và sự lương thiện đối với Chúa và đồng loại của chúng ta. Điều này có nghĩa là làm cho nhà của chúng ta thành nơi phòng thủ và nơi trú ẩn khỏi những điều xấu xa của thế gian; có nghĩa là yêu thương và kính trọng người phối ngẫu và con cái của chúng ta.

Bằng cách cố gắng hết sức mình để kiên trì đến cùng, thì sẽ có một sự cải tiến tuyệt vời đến với cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sẽ học “yêu kẻ thù nghịch [với chúng ta] và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ [chúng ta]” (Ma Thi Ơ 5:44). Các phước lành đến với chúng ta từ việc kiên trì đến cùng trong cuộc sống này đều có thật và đầy ý nghĩa, và chúng vượt qua sự hiểu biết của chúng ta trong cuộc sống mai sau.

Chúa Giê Su Ky Tô Muốn Các Anh Chị Em phải Thành Công

Các anh chị em thân mến, sẽ có những ngày và những đêm mà các anh chị em cảm thấy bị dồn nén, khi tâm hồn của các anh chị em nặng trĩu và đầu của các anh chị em gục xuống. Thì xin hãy nhớ rằng, Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Chuộc, là Đấng Đứng Đầu Giáo Hội này. Đó chính là phúc âm của Ngài. Ngài muốn các anh chị em phải thành công. Ngài phó mạng Ngài chỉ cho mục đích này mà thôi. Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống. Ngài đã hứa:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma Thi Ơ 11:28).

“Và dù núi sẽ dời, đồi sẽ chuyển, nhưng lòng nhân từ của ta sẽ chẳng bao giờ rời khỏi ngươi” (3 Nê Phi 22:10). “Ta sẽ thương xót ngươi, Chúa là Đấng Cứu Chuộc ngươi phán vậy” (3 Nê Phi 22:8).

Các bạn thân mến của tôi, Đấng Cứu Rỗi chữa lành tâm hồn đau khổ và băng bó vết thương của các anh chị em (xin xem Thi Thiên 147:3). Bất luận những thử thách của các anh chị em là gì đi nữa, bất luận các anh chị em đang sống ở đâu trên thế gian này, thì vai trò tín hữu trung thành của các anh chị em trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và các quyền năng thiêng liêng của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cũng sẽ ban phước cho các anh chị em để hân hoan mà kiên trì cho đến cùng.

Tôi hết lòng làm chứng về điều này, và trong sự biết ơn sâu sắc đối với các anh chị em, những người đồng là tín hữu với tôi của Giáo Hội này, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.