2007
Một Tấm Lòng Đau Khổ và một Tâm Hồn Thống Hối
Tháng Mười Một năm 2007


Một Tấm Lòng Đau Khổ và một Tâm Hồn Thống Hối

Những người có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối đều sẵn lòng làm bất cứ điều gì và mọi điều mà Thượng Đế phán bảo họ phải làm.

Hình Ảnh

Tôi yêu mến Anh Cả Joseph B. Wirthlin biết bao! Thi sĩ Rudyard Kipling viết những lời sau đây vào năm 1899, một lời cảnh cáo Đế Quốc Anh về sự kiêu ngạo:

Tiếng ồn ào và la hét đã ngừng;

Những người chỉ huy và các vua đã chết.

Chỉ còn lại của lễ hy sinh xưa của Ngài,

Một tấm lòng khiêm nhường và thống hối.

(“God of Our Fathers, Known of Old,” Hymns, số. 80).

Khi Kipling nói đến một tấm lòng thống hối như là một “của lễ hy sinh xưa,” thì có lẽ ông đã nghĩ đến những lời của Vua Đa Vít trong Thi Thiên 51: “Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương” (câu 17). Những lời của Đa Vít cho thấy rằng ngay cả trong thời Cựu Ước, dân của Chúa cũng hiểu rằng tấm lòng của họ cần phải được dâng lên Thượng Đế, chỉ của lễ thiêu không thì chưa đủ.

Những của lễ được truyền lệnh phải hiến dâng trong gian kỳ của Môi Se đều biểu tượng cho sự hy sinh chuộc tội của Đấng Mê Si, là Đấng duy nhất có thể giải hòa con người tội lỗi với Thượng Đế. Như A Mu Léc đã dạy: “này, đây là tất cả ý nghĩa của luật pháp, và mỗi điểm một đều hướng về sự hy sinh vĩ đại và cuối cùng ấy … Vị Nam Tử của Thượng Đế” (An Ma 34:14).

Sau khi Ngài phục sinh, Chúa Giê Su Ky Tô đã phán cùng những người dân ở Tân Thế Giới:

“Các của lễ hy sinh và các của lễ thiêu sẽ được hủy bỏ, vì ta sẽ không nhận một của lễ hy sinh hay một của lễ thiêu nào …

“Và các ngươi chỉ phải hiến dâng cho ta một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối làm của lễ hy sinh. Và bất cứ kẻ nào đến cùng ta với một tấm lòng đau khổ … thì sẽ được ta báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh” (3 Nê Phi 9:19–20).

Một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối là gì? Và tại sao nó lại được xem như là một của lễ hy sinh?

Như trong tất cả mọi việc, cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi nêu lên chúng ta tấm gương toàn hảo: mặc dù Chúa Giê Su ở Na Xa Rét hoàn toàn vô tội, nhưng Ngài đã trải qua cuộc sống với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, mà đã đuợc chứng minh bằng sự tuân phục của Ngài theo ý muốn của Đức Chúa Cha. “Vì ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý của Đấng đã sai ta đến” (Giăng 6:38). Ngài phán cùng các môn đồ của Ngài rằng: “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy … học theo ta” (Ma Thi Ơ 11:29). Và khi đến lúc để thực hiện sự hy sinh tột bực được đòi hỏi trong Sự Chuộc Tội, thì Đấng Ky Tô đã không lùi bước trong việc uống cạn chén đắng, nhưng đã hoàn toàn tuân phục theo ý muốn của Cha Ngài.

Sự tuân phục trọn vẹn của Đấng Cứu Rỗi theo Đức Cha Vĩnh Cửu là tấm gương toàn hảo về một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối. Tấm gương của Đấng Ky Tô dạy chúng ta rằng một tấm lòng đau khổ là một thuộc tính vĩnh cửu của sự tin kính. Khi lòng chúng ta đau khổ thì chúng ta sẽ hoàn toàn mở rộng lòng cho Thánh Linh của Thượng Đế và thừa nhận sự tùy thuộc của chúng ta vào Ngài về tất cả những gì chúng ta có và tất cả con người mình. Sự hy sinh được đòi hỏi như vậy là một sự hy sinh để từ bỏ tính kiêu hãnh trong mọi hình thức của nó. Giống như đất sét rất dễ uốn nắn trong tay của một người thợ gốm lành nghề, những người có tấm lòng đau khổ có thể được uốn nắn trong tay của Đức Thầy.

Một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối cũng là điều kiện tiên quyết để hối cải. Lê Hi đã dạy:

“Vậy nên, sự cứu chuộc sẽ đến trong và qua Đấng Mê Si Thánh…

“Này, để đáp ứng các mục đích của luật pháp, Ngài tự hiến thân mình làm vật hy sinh để chuộc tội cho tất cả những ai có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối; ngoài ra, chẳng một ai khác có thể được các mục đích của luật pháp đáp ứng cả” (2 Nê Phi 2:6–7).

Khi chúng ta phạm tội và mong muốn được tha thứ, thì một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối có nghĩa là trải qua sự “buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời [mà] sinh ra sự hối cải” (2 Cô Rinh Tô 7:10). Điều này xảy đến khi ước muốn của chúng ta được tẩy sạch khỏi tội lỗi và chúng ta mong muốn cảm thấy được sự bình an với Cha Thiên Thượng của mình. Những người có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối đều sẵn lòng làm bất cứ điều gì và mọi điều mà Thượng Đế phán bảo họ phải làm mà không chống đối hoặc oán giận. Chúng ta ngừng làm những điều theo cách của mình và thay vì thế học làm theo cách của Thượng Đế. Trong điều kiện tuân phục như thế, Sự Chuộc Tội có thể có hiệu quả và sự hối cải chân thành có thể xảy ra. Rồi người hối cải sẽ cảm thấy được quyền năng thánh hóa của Đức Thánh Linh, là Đấng sẽ làm cho lương tâm họ tràn đầy sự bình an và lòng họ chan hòa niềm vui hòa giải với Thượng Đế. Trong sự phối hợp kỳ diệu của các thuộc tính thiêng liêng, cũng một Thượng Đế là Đấng dạy cho chúng ta phải sống với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, mời gọi chúng ta nên vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ.

Khi chúng ta đã nhận được một sự tha thứ tội lỗi, thì một tấm lòng đau khổ sẽ là một vật bảo vệ thiêng liêng chống lại sự cám dỗ. Nê Phi đã cầu nguyện: “Mong sao những cánh cổng của ngục giới sẽ mãi mãi đóng chặt trước mặt con vì tấm lòng con đau khổ và tâm hồn con thống hối!” (2 Nê Phi 4:32). Vua Bên Gia Min đã dạy dân Ngài rằng nếu họ chịu bước đi tận đáy sâu của sự khiêm nhường, thì họ có thể luôn luôn được vui sướng, và được “tràn đầy tình thương yêu của Thượng Đế , và luôn luôn được xá miễn các tội lỗi” (Mô Si A 4:12). Khi chúng ta dâng lòng mình lên Chúa thì những sự lôi cuốn của thế gian sẽ mất đi sức thu hút của nó và chúng ta hân hoan trong sự ngay chính.

Còn có một đặc điểm khác của tấm lòng đau khổ—ấy là lòng biết ơn sâu xa của chúng ta về nỗi đau khổ của Đấng Ky Tô thay cho chúng ta. Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Đấng Cứu Rỗi “đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật” (GLGƯ 88:6) khi Ngài mang gánh nặng tội lỗi cho mỗi người. Trên Đồi Sọ, Ngài “đã đổ mạng sống mình cho đến chết” (Ê Sai 53:12), và trái tim nhân từ của Ngài đã thật sự tan vỡ với một tình yêu thương trọn vẹn đối với các con cái của Thượng Đế. Khi chúng ta nhớ đến Đấng Cứu Rỗi và nỗi đau khổ của Ngài, thì trái tim của chúng ta cũng sẽ tan vỡ trong sự biết ơn Đấng Được Xức Dầu.

Khi chúng ta hy sinh cho Ngài tất cả những gì chúng ta có và tất cả con người mình, kể cả ý muốn của chúng ta, thì Chúa sẽ làm cho lòng chúng ta tràn đầy bình an. Ngài sẽ “đặng rịt những kẻ vỡ lòng” (Ê Sai 61:1) và ban phước cho cuộc sống của chúng ta với tình yêu thương của Thượng Đế, là “trái ngon ngọt hơn hết thảy những trái ngon ngọt khác … và tinh khiết hơn tất cả những gì tinh khiết” (An Ma 32:42). Tôi làm chứng điều này, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.