2007
Quyền Năng để Thay Đổi
Tháng Mười Một năm 2007


Quyền Năng để Thay Đổi

Chủ Tịch Faust đã chuẩn bị bài này nhiều tháng trước khi ông qua đời ngày 10 tháng Tám năm 2007.

Quyền năng để thay đổi là có thật và đó là một ân tứ thuộc linh vĩ đại từ Thượng Đế.

Hình Ảnh

Mỗi người chúng ta được ban cho quyền năng để thay đổi cuộc sống của mình. Là phần kế hoạch hạnh phúc của Chúa, chúng ta có quyền tự quyết riêng để chọn những quyết định. Chúng ta có thể quyết định để làm điều tốt hơn và làm người tốt hơn. Trong một số phương diện, tất cả chúng ta cần phải thay đổi; đó là, một số người trong chúng ta cần phải tử tế hơn ở nhà, kém ích kỷ hơn, biết lắng nghe nhiều hơn và ý tứ hơn trong cách chúng ta đối xử với những người khác. Một số người trong chúng ta có thói quen cần phải được thay đổi, những thói quen làm hại chúng ta và những người chung quanh chúng ta. Đôi khi chúng ta có thể cần có một cú sốc để đẩy chúng ta đến việc thay đổi.

Một sự thay đổi gây ấn tượng sâu sắc đã đến với Sau Lơ khi ông trên đường đi đến thành Đa Mách. Sau Lơ “hằng ngăm đe và chém giết môn đồ của Chúa” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1). Khi ông trên đường đi đến thành Đa Mách thì một luồng ánh sáng từ trên trời chiếu rọi chung quanh ông.

“Người té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng mình rằng: Hỡi Sau Lơ, Sau Lơ, sao ngươi bắt bớ ta?

“Người thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa là ai? Chúa phán rằng: Ta là Giê Su mà ngươi bắt bớ” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:4–5).

Có lẽ tấm lòng của Sau Lơ đã được xoa dịu và khi đám đông đuổi Ê Tiên ra khỏi thành và ném đá ông cùng lấy quần áo của họ bỏ dưới chân Sau Lơ. Nhưng Sau Lơ đã không nghi ngờ trên con đường đến thành Đa Mách khi ông nghe tiếng nói của Chúa mà rằng: “Ta là Giê Su mà ngươi bắt bớ.”

“Hãy đứng dậy, vào trong thành, người ta sẽ nói cho ngươi mọi điều phải làm” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:6). Sau Lơ bị mù khi ông đứng dậy và được mang đến thành Đa Mách, nơi mà thị giác của ông được phục hồi và ông chịu phép báp têm. Ông liền bắt đầu thuyết giảng trong các nhà hội rằng Đức Chúa Giê Su là Con Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:20). Sau Lơ, sau này trở thành Phao Lô, đã trải qua một sự thay đổi hoàn toàn, tuyệt đối và không lay chuyển cho đến khi chết.

Sự Thay Đổi qua Sự Cải Đạo

Chắc chắn các anh chị em không có một kinh nghiệm như thế xảy đến với mình, và tôi cũng thế! Sự cải đạo đối với đa số chúng ta thì ít bi thảm hơn nhiều nhưng phải rất hấp dẫn và có ý nghĩa. Những người mới cải đạo vào Giáo Hội thường trải qua một cảm nghĩ thuộc linh vào lúc họ chịu phép báp têm. Một người nọ đã mô tả điều đó như sau: “Tôi sẽ không bao giờ quên nỗi xúc động ở bên trong tâm hồn mình; được trong sạch, bắt đầu mới mẻ như một đứa con của Thượng Đế… . Thật là một cảm nghĩ đặc biệt!”1

Sự cải đạo chân chính thay đổi cuộc sống. Một thiếu nữ đã viết về cuộc sống trong gia đình của em ấy đã không có hạnh phúc như thế nào khi em ấy còn nhỏ. Em ấy viết: “Em cảm thấy rất đau khổ khi mẹ em và các em trai và các em gái của em phải chịu đựng tính hung dữ của một người cha say rượu.” Khi em ấy 14 tuổi, một người nào đó đã nói cho em ấy biết rằng một trong các giáo lệnh của Thượng Đế là hiếu kính cha mẹ của em. Trong khi suy ngẫm về cách em có thể làm điều này, em đã có ấn tượng là phải học, trở thành một học sinh giỏi và là đứa con gái ngoan nhất trong thị trấn.

Không có gì thay đổi nhiều trong nhà nhưng em vẫn cảm thấy phải tiếp tục theo đuổi các mục tiêu của mình và vào lúc 18 tuổi đã rời nhà để theo học một số môn học đặc biệt. Ba tuần sau, em về thăm nhà và em đã thuật lại:

“Mẹ em gặp em và khóc. Em nghĩ rằng có một điều gì đó tệ hại đã xảy ra, nhưng mẹ em ôm lấy em và nói: ‘Kể từ khi con đi học xa, cha của con không còn uống rượu nữa.’

“… Mẹ em nói rằng vào cái đêm em rời nhà, mấy người truyền giáo Mặc Môn đã đến… .

“Cha của em trở thành giống như một đứa trẻ nhỏ. Em có thể thấy sự hối cải và lòng khiêm nhường trong mắt của cha em. Ông đã hoàn toàn thay đổi. Ông đã bỏ hút thuốc và uống rượu cùng một lúc, và cố gắng tuân giữ các giáo lệnh mà những người truyền giáo giảng dạy cho ông. Ông đã đối xử với em như một hoàng hậu, và ông đã đối xử với mẹ em và các em trai và các em gái của em như hoàng gia.

“… Toàn thể gia đình của em chịu phép báp têm… Cha của em, vào lúc 40 tuổi, đã trở thành người cha tốt nhất trên thế giới.”2

Quyền năng của phúc âm quả thật có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta và mang chúng ta từ sự buồn rầu và thất vọng đến hạnh phúc và niềm vui.

Sự Thay Đổi qua Sự Hối Cải

Sự phạm giới mang đến đau khổ và nỗi buồn. Nhưng có một cách để thoát khỏi “nỗi thống khổ đắng cay cùng những dây trói buộc của sự bất chính” (Mô Si A 27:29). Nếu chúng ta chịu tìm đến Chúa và tin vào danh Ngài, thì chúng ta có thể thay đổi. Ngài sẽ ban cho chúng ta quyền năng để thay đổi cuộc sống của mình, quyền năng để từ bỏ những ý nghĩ và những cảm nghĩ xấu ra khỏi lòng mình. Chúng ta có thể được mang ra khỏi “vực thẳm tối tăm nhất” để “thấy ánh sáng kỳ diệu của Thượng Đế” (Mô Si A 27:29). Chúng ta có thể được tha thứ. Chúng ta có thể tìm được sự bình an.

Cách đây vài năm, Anh Cả Marion D. Hanks, hiện là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương danh dự, đã kể lại một việc xảy ra cho một người đã hối cải và thay đổi cuộc sống của mình chỉ trong một sớm một chiều:

“Người ấy đã mang con trai của mình đến nhà một gia đình mà sẽ cho nó ở nhờ trong khi người ấy tham gia vào cuộc thi đấu môn bóng chày. Đứa bé đó dường như miễn cưỡng đi với cha mình đến nhà người cho mình ở, và người cha bắt đầu tự hỏi không biết những người này có ngược đãi con mình không. Đứa bé đứng thu mình lại sau lưng người cha khi họ gõ cửa nhà. Tuy nhiên, khi họ vào trong nhà rồi thì đứa con trai của người ấy được gia đình chủ nhà đón tiếp niềm nở và hiển nhiên là nó rất thích họ.

“Sau đó khi đến đón đứa con trai của mình, người cha lòng đầy hoang mang đã bảo đứa con trai của mình giải thích về thái độ kỳ quặc của nó … Đứa con trai của người ấy đáp:

“‘Thưa cha, con sợ là cha có thể quên mà chửi thề trong nhà họ. Họ không chửi thề trong nhà họ đâu; họ là những người rất lịch sự. Họ nói chuyện lịch sự với nhau và cười đùa rất nhiều, và họ cầu nguyện mỗi lần họ ăn và mỗi sáng và mỗi tối, và họ để cho con cầu nguyện với họ

“Người cha nói: ‘Không phải là thằng bé xấu hổ vì cha nó mà vì nó thương tôi nhiều đến nỗi nó không muốn người khác thấy cái nết xấu của tôi.’

“Mặc dù người cha này khăng khăng không nghe theo nhiều người tha thiết cố gắng giúp người ấy tìm ra một lối sống tốt hơn, nhưng tinh thần thuần khiết của đứa con trai nhỏ đã làm cảm động lòng người ấy.”3

Quyền năng để thay đổi trở nên mạnh mẽ đến nỗi người cha không những trở lại tích cực trong Giáo Hội mà còn trở thành một vị lãnh đạo giáo khu.

Sự Thay Đổi qua Việc Bình Phục từ Những Thói Nghiện Ngập

Một sự thay đổi khác mà tôi muốn nói đến là sự bình phục từ việc bị nô lệ bởi những thói quen mà gồm có những rối loạn do việc sử dụng rượu, ma túy, thuốc lá, ăn uống, bài bạc, hành vi tình dục thiếu tư cách, và xem hình ảnh sách báo khiêu dâm. Tôi trích dẫn từ một quyển sách mới vừa được xuất bản về những thói nghiện ngập đầy tai hại: “Việc sử dụng các chất độc hại là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật và cái chết ở Hoa Kỳ. Sự lạm dụng ma túy làm tan nát gia đình, hao tốn hàng tỉ tiền trong việc mất đi sức sản xuất, làm kiệt cạn hệ thống y tế, và làm thiệt mạng nhiều người.”4 Đó là một tai họa cho xã hội.

Có nhiều loại nghiện ngập, và rất khó để cho một người nào đó bị nghiện nặng một trong những thứ này để thay đổi vì một số trong những thứ này làm biến đổi tâm trí. Một bài viết mới đây về thói nghiện ngập đã nói: “Trong óc của những người nghiện, có một vỏ não ở phía trước giảm hoạt động, nơi mà lý trí có thể chi phối hành động bốc đồng.”5 Một số thứ nghiện ngập có thể kiềm chế chúng ta đến mức mà chúng lấy đi quyền tự quyết mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta. Một trong những công cụ hữu hiệu của Sa Tan là tìm cách điều khiển chúng ta. Do đó, chúng ta cần phải tránh xa bất cứ thứ gì mà sẽ ngăn giữ không cho chúng ta làm tròn các mục đích của Chúa dành cho chúng ta, mà bởi đó các phước lành vĩnh cửu có thể gặp nguy hiểm. Trong cuộc sống này, phần thuộc linh phải chế ngự thể xác chứ không phải thể xác chế ngự phần thuộc linh.

Bất cứ thói nghiện ngập nào cũng đòi hỏi một cái giá khủng khiếp của sự đau đớn và đau khổ, và nó còn có thể ảnh hưởng đến phần thuộc linh của chúng ta. Tuy nhiên, vẫn có hy vọng vì đa số những thói nghiện ngập đều có thể khắc phục được với thời gian. Chúng ta có thể thay đổi nhưng điều đó sẽ rất khó.

Chúng ta bắt đầu bằng cách quyết định để thay đổi. Cần phải có lòng can đảm và sự khiêm nhường để thú nhận rằng chúng ta cần sự giúp đỡ, nhưng rất ít, nếu có người nào trong chúng ta, có thể tự làm được. Giáo Hội có một chương trình điều trị thói nghiện ngập được phỏng theo chương trình Twelve Steps of Alcoholics Anonymous (Mười Hai Giai Đoạn Trị Liệu Bệnh Nghiện Rượu) thành một khuôn khổ giáo lý và tín ngưỡng của Giáo Hội. Mười hai giai đoạn này được tìm thấy trong Sách Hướng Dẫn Điều Trị và Chữa Lành Thói Nghiện Ngập mà có sẵn cho các vị lãnh đạo chức tư tế và các tín hữu khác.

Có thể cần có một sự thay đổi hoàn toàn trong lối sống. Chúng ta phải hết lòng, hết ý và hết sức mong muốn khắc phục những thói nghiện ngập tai hại này. Chúng ta cần phải hoàn toàn sẵn sàng và tuyệt đối từ bỏ dự phần vào bất cứ những chất độc hoặc thói quen nghiện ngập nào.

Nhiều người đã có thể thay đổi thói quen dùng ma túy của họ. Một người mẹ có ba con, Susan chỉ dùng ma túy vào ngày cuối tuần trong nỗ lực che giấu vấn đề của mình với con cái. Tuy nhiên, mấy đứa con cũng biết được và nài nỉ Susan ngừng làm điều đó. Sau ba năm, với sự giúp đỡ đặc biệt và sự hỗ trợ của con cái chị, nhất là đứa con trai bảy tuổi của chị, chị đã bỏ hẳn. Nhìn lại, chị ý thức được rằng Cha Thiên Thượng đã giúp chị thoát ra được thói nghiện ngập này và chuẩn bị cho chị để nghe phúc âm. Chị nói:

“Phúc âm đã thay đổi tâm hồn, diện mạo, thái độ và cảm nghĩ của tôi. Và tôi đã học cách cầu nguyện. Bất cứ khi nào tôi gặp khó khăn, thì tôi hướng đến Thượng Đế và nói: ‘Xin Ngài giúp con.’ Và Ngài giúp tôi vượt qua… . Giờ đây, khi tôi bước đi, tôi bước đi với đầu ngẩng cao vì tôi biết Cha Thiên Thượng ở bên tôi trong mỗi bước đi của tôi… .

“Ôi, đây là một ngày mới. Tôi đã đánh mất nhiều thứ khi muốn ở trong thế giới ma túy này—tôi để mất căn hộ của mình, con trai của tôi gần chết trong một trận hỏa hoạn, cuộc hôn nhân của tôi tan vỡ, tôi hoàn toàn đánh mất hạnh phúc. Nhưng tôi đã có được chúng lại. Cha Thiên Thượng đã ban cho tôi một dịp khác để bắt đầu lại. Bây giờ tôi là một con người mới—mới toanh từ trong ra ngoài.”6

Mỗi ngày mới bắt đầu đều có thể là một ngày mới để chúng ta bắt đầu thay đổi. Chúng ta có thể thay đổi môi trường của mình. Chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình bằng cách thay thế những thói quen cũ với những thói quen mới. Chúng ta có thể xây đắp cá tính và tương lai của mình bằng những ý nghĩ trong sạch hơn và các hành động cao quý hơn. Như một người có lần đã nói: “Sự thay đổi có thể luôn luôn thực hiện được, với lời hứa không thể thấy được của nó về sự bình an, hạnh phúc và một lối sống tốt lành hơn.”7

Những thói nghiện ngập đều xúc phạm đến Thánh Linh. Mặc dù một số thói nghiện ngập cần phải có sự giúp đỡ của bệnh viện chuyên khoa, nhưng chúng ta cũng đừng bỏ sót sự giúp đỡ thuộc linh dành sẵn cho chúng ta qua các phước lành chức tư tế và qua sự cầu nguyện. Chúa đã hứa với chúng ta: “Ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta; vì nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ” (Ê The 12:27). Chúng ta hãy nhớ rằng quyền năng để thay đổi là có thật, và đó là ân tứ thuộc linh vĩ đại từ Thượng Đế.

Tôi làm chứng rằng qua sự hối cải và theo sau là sự ngay chính và bằng quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô, sự thay đổi cuối cùng cũng có thể đến với thân thể của chúng ta vì “Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật” (Phi Líp 3:21).

Ghi Chú

  1. Vivian Ford, “Ask and Ye Shall Receive,” No More Strangers, 4 tập, do Hartman Rector Jr. và Connie Rector (1971–90) xuất bản, 3:175.

  2. Estilla Ayala, “The Change in My Father,” Ensign, tháng Hai năm 1975, 42, 43.

  3. “Fitting into Your Family,” New Era, tháng Sáu năm 1991, 8.

  4. Lynn R. Webster và Beth Dove, Avoiding Opioid Abuse While Managing Pain (2007), 11.

  5. Michael D. Lemonick và Alice Park, “The Science of Addiction,” Time, ngày 16 tháng Bảy năm 2007, 44.

  6. LaRene Gaunt, “Testimonies from the Inner City,” Ensign, tháng Tư năm 1992, 40.

  7. Joseph Walker, “The Miracle of Change,” Ensign, tháng Bảy năm 1992, 12.