Sách và Các Bài Học
Chương 15: Dân Giao Ước của Chúa


Chương 15

Dân Giao Ước của Chúa

Hình Ảnh
The Old Testament prophet Abraham kneeling in prayer. Abraham is holding a staff in one hand and is looking toward the heavens as he prays. Sarah, the wife of Abraham, is depicted watching and with a look of humor on her face, from a tent portrayed in the background. Abraham and Sarah are depicted as elderly people.

Tính Chất của Các Giao Ước

  • Giao ước là gì? Tại sao Các Thánh Hữu Ngày Sau được gọi là dân giao ước?

Từ lúc ban đầu, Chúa đã lập giao ước với con cái của Ngài trên thế gian. Khi dân của Ngài lập giao ước (hay lời hứa) với Ngài, thì họ biết những gì Ngài mong muốn nơi họ và những phước lành nào họ có thể kỳ vọng nơi Ngài. Họ có thể thực hiện công việc của Ngài tốt hơn trên thế gian. Những người lập giao ước với Chúa và Chúa lập giao ước với họ thì được gọi là dân giao ước của Chúa. Các tín hữu của Giáo Hội là một thành phần của dân giao ước của Chúa.

Trong phúc âm, một giao ước có nghĩa là một sự thỏa thuận thiêng liêng hay là lời hứa song phương giữa Thượng Đế và một người hoặc một nhóm người. Khi lập một giao ước, Thượng Đế hứa ban một phước lành cho sự tuân theo các giáo lệnh đặc biệt nào đó. Ngài đặt ra những điều kiện về các giao ước của Ngài, và Ngài mặc khải các điều kiện này cho các vị tiên tri của Ngài biết. Nếu chọn tuân theo các điều kiện của giao ước, thì chúng ta nhận được các phước lành đã hứa. Nếu chúng ta chọn không tuân theo, thì Ngài giữ lại các phước lành và trong một vài trường hợp, một hình phạt cũng được đưa ra.

Ví dụ, khi gia nhập Giáo Hội, chúng ta lập một số giao ước với Thượng Đế (xin xem chương 20 trong sách này). Chúng ta giao ước với Đấng Cứu Rỗi lúc chịu phép báp têm là mang lấy danh Ngài. Ngài hứa rằng “và tất cả những ai chịu phép báp têm trong danh ta là Giê Su Ky Tô và biết kiên trì đến cùng, thì sẽ được cứu” (GLGƯ 18:22). Chúng ta giao ước với Chúa khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh (xin xem chương 23 trong sách này). Chúng ta hứa mang lấy danh Ngài, tưởng nhớ đến Ngài và tuân theo các giáo lệnh của Ngài. Chúng ta được hứa rằng Đức Thánh Linh sẽ ở cùng với chúng ta. (Xin xem GLGƯ 20:77–79.) Khi nhận các giáo lễ đền thờ, chúng ta lập các giao ước thiêng liêng khác và được hứa ban cho sự tôn cao vì sự tuân theo một cách trung tín (xin xem GLGƯ 132; xin xem thêm chương 47 trong sách này).

Thượng Đế cũng đã lập các giao ước đặc biệt với những người hay nhóm riêng biệt. Ngài lập các giao ước đặc biệt với A Đam, Hê Nóc, Nô Ê, con cái Y Sơ Ra Ên, và Lê Hi (xin xem Môi Se 6:31–36, 52; Sáng Thế Ký 9:9–17; Xuất Ê Díp Tô Ký 19:5–6; 2 Nê Phi 1). Ngài đã lập một giao ước đặc biệt với Áp Ra Ham và con cháu của ông và giao ước này ban phước cho các tín hữu của Giáo Hội và mọi dân tộc trên thế giới ngày nay.

  • Hãy nghĩ về các giao ước mà các anh chị em đã lập với Thượng Đế và các phước lành mà Ngài đã hứa ban cho các anh chị em để tuân giữ các giao ước này.

Giao Ước của Thượng Đế với Áp Ra Ham và Con Cháu của Ông

  • Giao ước của Áp Ra Ham là gì?

Áp Ra Ham, một vị tiên tri thời Cựu Ước, là một người rất ngay chính (xin xem hình trong chương này). Ông đã từ chối không thờ lạy các hình tượng của cha mình. Ông đã tuân giữ tất cả các giáo lệnh của Chúa. Vì sự ngay chính của Áp Ra Ham, Chúa đã lập một giao ước với ông và con cháu của ông.

Chúa đã hứa với Áp Ra Ham rằng ông sẽ có vô số con cháu. Ngài đã hứa rằng tất cả con cháu này của ông sẽ được quyền nhận được phúc âm, các phước lành của chức tư tế, và tất cả các giáo lễ tôn cao. Các con cháu này, qua quyền năng của chức tư tế, sẽ mang phúc âm đến khắp các quốc gia. Nhờ họ, tất cả các gia đình trên thế gian sẽ được ban phước (xin xem Áp Ra Ham 2:11). Thượng Đế còn hứa thêm rằng nếu họ sống ngay chính, Ngài sẽ thiết lập giao ước của Ngài với tất cả dòng dõi con cái của Áp Ra Ham (xin xem Sáng Thế Ký 17:4–8).

  • Các giáo lệnh và các lời hứa trong giao ước của Áp Ra Ham áp dụng như thế nào đối với chúng ta? (Hãy cân nhắc cách mà câu hỏi này áp dụng trong các bối cảnh khác nhau, như tại nhà, tại sở làm, trong cộng đồng hoặc với tư cách là những người truyền giáo.)

Các Tín Hữu của Giáo Hội Là Dân Giao Ước

  • Các phước lành và các trách nhiệm nào đến với dân giao ước của Thượng Đế ngày nay?

Các con cháu huyết thống của Áp Ra Ham không phải là dân duy nhất mà Thượng Đế gọi là dân giao ước của Ngài. Thượng Đế đã phán cùng Áp Ra Ham: “Vì tất cả những ai tiếp nhận Phúc Âm này sẽ được gọi theo tên của ngươi, và sẽ được xem như dòng dõi của ngươi, và sẽ đứng lên chúc phước cho ngươi là tổ phụ của họ” (Áp Ra Ham 2:10). Do đó, có hai nhóm dân được gồm trong giao ước lập với Áp Ra Ham: (1) các con cháu huyết thống ngay chính của Áp Ra Ham và (2) những người được thừa nhận vào dòng dõi của ông bằng cách chấp nhận và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 2 Nê Phi 30:2).

Khi chịu phép báp têm vào Giáo Hội, thì chúng ta dự phần vào giao ước mà Chúa đã lập với Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp (xin xem Ga La Ti 3:26–29). Nếu vâng lời, chúng ta thừa hưởng được các phước lành của giao ước đó. Chúng ta có quyền nhận được sự giúp đỡ và hướng dẫn từ Đức Thánh Linh. Những người nam xứng đáng có quyền nắm giữ chức tư tế. Gia đình có thể nhận được các phước lành của chức tư tế. Chúng ta có thể đạt được cuộc sống vĩnh cửu trong thượng thiên giới. Không có phước lành nào lớn lao hơn những phước lành này.

Cùng với các phước lành mà chúng ta nhận được với tư cách là dân giao ước của Chúa, chúng ta có những trách nhiệm nặng nề. Chúa đã hứa với Áp Ra Ham rằng qua các con cháu của ông phúc âm sẽ được mang đến cho tất cả thế gian. Chúng ta đang làm tròn trách nhiệm này qua chương trình truyền giáo toàn thời gian của Giáo Hội và công việc truyền giáo do các tín hữu thực hiện. Cơ hội này để thuyết giảng phúc âm cho khắp thế gian chỉ thuộc vào Giáo Hội của Chúa và dân giao ước của Ngài mà thôi.

Là dân giao ước của Chúa, chúng ta phải tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Chúa đã phán: “Ta, là Chúa, bị ràng buộc khi các ngươi làm theo những điều ta phán; nhưng khi các ngươi không làm theo những điều ta phán thì các ngươi chẳng được lời hứa hẹn nào cả” (GLGƯ 82:10). Nếu chúng ta chối bỏ giao ước của mình sau khi chấp nhận phúc âm, thì giao ước trở nên mất hiệu lực và chúng ta sẽ đứng chịu kết tội trước Thượng Đế (xin xem GLGƯ 132:4). Ngài có phán: “Các ngươi… tự kiềm chế không phạm tội, kẻo những lời phán xét khắc nghiệt sẽ đổ lên đầu các ngươi. Vì kẻ nào được ban cho nhiều thì sẽ được đòi hỏi nhiều; và kẻ nào phạm tội chống lại ánh sáng trọng đại hơn thì sẽ nhận sự kết tội nặng hơn” (GLGƯ 82:2–3).

Giao Ước Mới và Vĩnh Viễn

  • Chúng ta hứa làm điều gì khi chúng ta chấp nhận phúc âm? Các phước lành nào Cha Thiên Thượng ban cho chúng ta khi chúng ta tuân giữ các lời hứa này?

Phúc âm trọn vẹn được gọi là giao ước mới và vĩnh viễn. Giao ước này gồm có các giao ước lập vào lúc chịu phép báp têm, trong Tiệc Thánh, tại đền thờ, và vào bất cứ lúc nào khác. Chúa gọi giao ước đó là vĩnh viễn bởi vì giao ước này được một Thượng Đế vĩnh cửu quy định và bởi vì giao ước này sẽ không bao giờ bị thay đổi. Ngài cũng đã ban cùng giao ước đó cho A Đam, Hê Nóc, Nô Ê, Áp Ra Ham và các vị tiên tri khác. Theo nghĩa này thì giao ước không mới mẻ gì. Nhưng Chúa gọi nó là mới bởi vì mỗi khi phúc âm được phục hồi sau khi bị cất khỏi thế gian, thì nó trở thành mới đối với những người tiếp nhận nó (xin xem Giê Rê Mi 31:31–34; Ê Xê Chi Ên 37:26).

Khi chúng ta chấp nhận giao ước mới và vĩnh viễn, thì chúng ta ưng thuận hối cải, chịu phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, tiếp nhận lễ thiên ân của mình, tiếp nhận giao ước hôn phối trong đền thờ, và tuân theo Đấng Ky Tô đến hết cuộc đời mình. Khi chúng ta tuân giữ các giao ước của mình, Cha Thiên Thượng của chúng ta hứa với chúng ta rằng chúng ta sẽ nhận được sự tôn cao trong thượng thiên giới (xin xem GLGƯ 132:20–24; xin xem thêm chương 47 trong sách này).

Điểm quan trọng của lời hứa đó thì khó cho người trần tục hiểu được. Các giáo lệnh mà Ngài ban cho đều vì lợi ích của chúng ta, và khi chúng ta trung tín thì chúng ta có thể chia sẻ mãi mãi các phước lành và những vẻ xinh đẹp của thiên thượng và thế gian. Chúng ta có thể sống nơi hiện diện của Ngài và dự phần vào tình yêu thương, lòng trắc ẩn, quyền năng, sự cao trọng, sự hiểu biết, sự thông sáng, vinh quang và quyền uy của Ngài.

  • Việc làm dân giao ước của Chúa có liên hệ gì với cách chúng ta ăn mặc, hành động, và tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế?

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc và Các Nguồn Tài Liệu Khác

  • 1 Phi E Rơ 2:9–10 (dân thuộc riêng)

  • GLGƯ 54:4–6 (những ảnh hưởng của các giao ước được tuân giữ và bị vi phạm)

  • GLGƯ 132:7 (các giao ước được lập bởi thẩm quyền hợp thức)

  • GLGƯ 133:57–60 (mục đích của các giao ước)

  • GLGƯ 35:24 (các lời hứa dành cho sự vâng theo các giao ước)

  • Hê Bơ Rơ 8:6 (Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng trung bảo của giao ước tốt hơn)

  • Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Giao Ước,” 77