Sách và Các Bài Học
Chương 35: Sự Vâng Lời


Chương 35

Sự Vâng Lời

An angel appearing to Adam and Eve as they prepare to offer a lamb as a burnt offering.  The illustration depicts the angel explaining to Adam and Eve that the animal sacrifice was symbolic of the sacrifice to be made by Jesus Christ.

Chúng Ta Nên Sẵn Lòng Vâng Lời Thượng Đế

  • Sự sẵn lòng vâng lời hơn là miễn cưỡng vâng lời tạo ra một sự khác biệt gì?

Khi Chúa Giê Su còn sống trên thế gian, một thầy dạy luật đến hỏi Ngài:

“Thưa Thầy, trong luật pháp, điều giáo lệnh nào lớn hơn hết?

“Chúa Giê Su đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.

“Ấy là điều giáo lệnh thứ nhất và lớn hơn hết.

“Còn điều giáo lệnh thứ hai đây cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.

“Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều giáo lệnh đó mà ra” (Ma Thi Ơ 22:36–40).

Từ những câu thánh thư này, chúng ta biết được việc chúng ta yêu mến Chúa và những người lân cận của mình thì quan trọng biết bao. Nhưng làm thế nào chúng ta cho thấy được tình yêu mến của mình đối với Chúa?

Chúa Giê Su đã trả lời câu hỏi này khi Ngài phán: “Ai có các điều giáo lệnh của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta; người nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại” (Giăng 14:21).

Mỗi người chúng ta nên tự hỏi lý do tại sao chúng ta tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế. Có phải vì chúng ta sợ bị trừng phạt chăng? Có phải vì chúng ta mong muốn được tưởng thưởng vì đã sống một cuộc sống tốt lành không? Có phải vì chúng ta yêu mến Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô và muốn phục vụ hai Ngài không?

Tuân theo các giáo lệnh bởi vì chúng ta sợ bị trừng phạt thì tốt hơn là không tuân giữ gì cả. Nhưng chúng ta sẽ được vui sướng hơn nếu chúng ta vâng lời Thượng Đế bởi vì chúng ta yêu mến Ngài và muốn vâng lời Ngài. Khi chúng ta tự nguyện vâng lời Ngài, thì Ngài có thể ban phước cho chúng ta một cách rộng rãi. Ngài phán: “Ta, là Chúa,… thích tôn vinh những ai biết phục vụ ta trong sự ngay chính và trong lẽ thật cho đến cùng” (GLGƯ 76:5). Sự vâng lời cũng giúp chúng ta tiến triển và trở nên giống như Cha Thiên Thượng hơn. Nhưng những người không làm gì cả cho đến khi nào họ được truyền lệnh để làm và rồi miễn cưỡng tuân giữ các giáo lệnh thì sẽ mất đi phần thưởng của họ (xin xem GLGƯ 58:26–29).

  • Làm thế nào chúng ta có thể gia tăng ước muốn của mình để vâng lời?

Chúng Ta Có Thể Vâng Lời mà Không Cần Phải Hiểu Tại Sao

  • Tại sao chúng ta không cần phải luôn luôn hiểu các mục đích của Chúa để biết vâng lời?

Bằng cách tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu và sự tôn cao. Đôi khi chúng ta không biết được lý do của một giáo lệnh đặc biệt nào đó. Tuy nhiên, chúng ta cho thấy đức tin và sự tin cậy của mình nơi Thượng Đế khi chúng ta vâng lời Ngài mà không biết tại sao.

A Đam và Ê Va được truyền lệnh phải dâng của lễ hy sinh lên Thượng Đế. Một ngày nọ, một thiên sứ hiện đến cùng A Đam và hỏi lý do tại sao ông dâng các của lễ hy sinh. A Đam trả lời rằng ông không biết được lý do. Ông làm như vậy bởi vì Chúa đã truyền lệnh cho ông làm. (Xin xem Môi Se 5:5–6 và bức hình trong chương này.)

Đoạn vị thiên sứ giảng dạy phúc âm cho A Đam và cho ông biết về Đấng Cứu Rỗi là Đấng sẽ đến. Đức Thánh Linh giáng xuống trên A Đam, và A Đam tiên tri về các cư dân trên thế gian cho đến thế hệ cuối cùng. (Xin xem Môi Se 5:7–10; GLGƯ 107:56.) Sự hiểu biết này và các phước lành lớn lao đến với A Đam vì ông biết vâng lời.

Thượng Đế Sẽ Chuẩn Bị Sẵn một Đường Lối

Sách Mặc Môn cho chúng ta biết rằng Nê Phi và các anh của ông đã nhận được một nhiệm vụ hết sức khó khăn từ Chúa (xin xem 1 Nê Phi 3:1–6). Các anh của Nê Phi đã than oán, khi nói rằng Chúa đã đòi hỏi nơi họ một việc quá khó khăn. Nhưng Nê Phi đã nói: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh, vì con biết Chúa không ban ra một lệnh truyền nào cho con cái loài người mà Ngài lại không chuẩn bị sẵn một đường lối để họ có thể thực hiện được những điều Ngài phán truyền” (1 Nê Phi 3:7). Khi chúng ta thấy khó để tuân theo một giáo lệnh của Chúa, thì chúng ta nên nhớ đến những lời này của Nê Phi.

  • Khi nào Chúa đã chuẩn bị một đường lối cho các anh chị em để vâng lời Ngài?

Không Có Một Giáo Lệnh Nào Nhỏ Quá hay Lớn Quá mà Không Thể Tuân Theo Được

Đôi khi chúng ta có thể nghĩ rằng một lệnh truyền thì không quan trọng cho lắm. Thánh thư kể về một người tên là Na A Man cũng đã nghĩ như vậy. Na A Man mắc phải một căn bệnh khủng khiếp và đi từ Sy Ri đến Y Sơ Ra Ên để cầu xin tiên tri Ê Li Sê chữa lành bệnh mình. Na A Man là một người quyền thế ở xứ của ông, nên ông bị xúc phạm khi Ê Li Sê không thân hành ra đón ông mà thay vì thế lại sai một tôi tớ ra gặp ông. Na A Man càng cảm thấy bị xúc phạm hơn khi ông nhận được lời nhắn của Ê Li Sê: hãy đi tắm mình bảy lần dưới sông Giô Đanh. Ông đã hỏi: “[Các] sông ở Đa Mách, há chẳng tốt hơn các nước trong Y Sơ Ra Ên sao? Ta há chẳng tắm đó cho được sạch hay sao?” Ông giận dữ bỏ đi. Nhưng các tôi tớ của ông đã hỏi ông: “Nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao? Phương chi rày người bảo cha rằng: Hãy tắm, thì sẽ được sạch?” Na A Man đã đủ khôn ngoan để hiểu rằng việc vâng lời tiên tri của Thượng Đế là điều quan trọng, mặc dù dường như đó là một vấn đề nhỏ nhặt. Vậy nên, ông đã tắm mình dưới sông Giô Đanh và được chữa lành bệnh. (Xin xem 2 Các Vua 5:1–14.)

Đôi khi chúng ta có thể nghĩ một giáo lệnh quá khó cho chúng ta tuân theo. Giống như các anh của Nê Phi, chúng ta có thể nói: “Chúa đã đòi hỏi chúng con một việc quá khó khăn.” Tuy nhiên, giống như Nê Phi, chúng ta có thể chắc chắn rằng Thượng Đế sẽ không ban cho chúng ta một lệnh truyền nào trừ phi Ngài chuẩn bị sẵn một đường lối cho chúng ta để vâng lời Ngài.

Đó là một “việc khó” khi Chúa truyền lệnh cho Áp Ra Ham dâng con trai yêu quý của mình là Y Sác làm của lễ hy sinh (xin xem Sáng Thế Ký 22:1–13; xin xem thêm chương 26 trong sách này). Áp Ra Ham đã chờ đợi rất nhiều năm sự ra đời của Y Sác, đứa con trai mà Thượng Đế đã hứa ban cho ông. Làm sao ông lại có thể mất đứa con trai trong một cách thức như vậy? Lệnh truyền này chắc hẳn là cực kỳ khó khăn đối với Áp Ra Ham. Vậy mà ông đã chọn vâng lời Thượng Đế.

Chúng ta cũng nên sẵn lòng làm bất cứ điều gì mà Thượng Đế đòi hỏi. Tiên Tri Joseph Smith đã nói: “Tôi đã làm điều này thành luật lệ của mình: Khi Chúa truyền lệnh, thì hãy làm theo” (Teachings of Presidents of the Church: Joseph Smith [2007], 160).” Điều này cũng có thể là luật lệ của chúng ta.

  • Khi nào các anh chị em đã nhận được các phước lành vì các anh chị em đã tuân theo các lệnh truyền mà dường như quá nhỏ?

Chúa Giê Su Ky Tô Vâng Lời Cha của Ngài

  • Các tấm gương nào đến với tâm trí khi các anh chị em nghĩ về Chúa Giê Su Ky Tô đã vâng lời Cha của Ngài?

Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương cao cả về sự vâng lời Cha Thiên Thượng của chúng ta. Ngài phán: “Vì ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến” (Giăng 6:38). Trọn cuộc đời của Ngài hết lòng vâng theo Cha của Ngài; vậy mà việc đó cũng không dễ dàng đối với Ngài. Ngài đã bị cám dỗ đủ mọi cách như những người trần thế khác (xin xem Hê Bơ Rơ 4:15). Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Ngài đã cầu nguyện: “Song không theo ý muốn con, mà theo ý muốn Cha” (Ma Thi Ơ 26:39).

Vì Chúa Giê Su đã tuân theo ý muốn của Đức Chúa Cha trong mọi việc, nên Ngài có thể đem sự cứu rỗi đến cho tất cả chúng ta.

  • Việc ghi nhớ tấm gương của Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta biết vâng lời như thế nào?

Các Kết Quả của Sự Vâng Lời và Sự Bất Tuân

  • Những kết quả của sự vâng lời và sự bất tuân các lệnh truyền của Chúa là gì?

Vương quốc thiên thượng được quản trị bởi luật pháp, và khi chúng ta nhận được bất cứ phước lành nào, thì chính là nhờ vào sự tuân theo luật pháp mà phước lành đó được căn cứ vào (xin xem GLGƯ 130:20–21; 132:5). Chúa đã phán bảo chúng ta rằng qua sự vâng lời và siêng năng của chúng ta mà chúng ta có thể đạt được sự hiểu biết và tri thức (xin xem GLGƯ 130:18–19). Chúng ta cũng có thể tăng trưởng về phần thuộc linh (xin xem Giê Rê Mi 7:23–24). Trái lại, sự bất tuân mang đến nỗi thất vọng và đưa đến việc các phước lành bị mất. “Ta là ai, lời Chúa phán, mà đã hứa hẹn rồi không giữ trọn lời hứa? Ta truyền lệnh nhưng loài người không tuân theo; ta hủy bỏ lệnh truyền và rồi chúng chẳng nhận được phước lành. Rồi chúng tự nhủ trong lòng: Đây không phải là công việc của Chúa, vì lời hứa của Ngài không được làm tròn” (GLGƯ 58:31–33).

Khi chúng ta tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, Ngài làm tròn các lời hứa của Ngài, như Vua Bên Gia Min đã nói với dân của ông: “Ngài đòi hỏi các người phải biết làm theo điều Ngài truyền phán; vì nếu các người làm được như vậy, thì Ngài ban phước lành cho các người ngay” (Mô Si A 2:24).

Người Vâng Lời Đạt được Cuộc Sống Vĩnh Cửu

Chúa khuyên dạy chúng ta: “Nếu ngươi tuân giữ các giáo lệnh của ta và kiên trì đến cùng thì ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế” (GLGƯ 14:7).

Chúa đã mô tả các phước lành khác mà sẽ đến cho những người vâng lời Ngài trong sự ngay chính và lẽ thật cho đến cùng:

“Vì Chúa đã phán như vậy—Ta, là Chúa, đầy lòng thương xót và nhân từ đối với những ai biết kính sợ ta, và thích tôn vinh những ai biết phục vụ ta trong sự ngay chính và trong lẽ thật cho đến cùng.

“Phần thưởng của họ sẽ vĩ đại và vinh quang của họ sẽ vĩnh cửu.

“Và đối với họ, ta sẽ tiết lộ tất cả những điều kín nhiệm, phải, tất cả những điều kín nhiệm thuộc vương quốc của ta bị giấu kín từ những ngày xưa, và trong những thời đại tương lai, ta sẽ tiết lộ cho họ biết nhã ý của ta về tất cả những điều liên quan tới vương quốc của ta.

“Phải, ngay cả những kỳ diệu của vĩnh cửu, họ cũng sẽ biết đến, và ta cũng sẽ chỉ cho họ thấy những sự việc tương lai, ngay cả những sự việc trong nhiều thế hệ.

“Và sự khôn ngoan của họ sẽ rất lớn lao, và sự hiểu biết của họ sẽ cao tới tận trời. …

“Vì qua Thánh Linh của ta, ta sẽ soi sáng cho họ, và qua quyền năng của ta, ta sẽ cho họ biết những bí mật của ý muốn của ta—phải, ngay cả những điều mắt chưa từng thấy được, tai chưa từng nghe được, và cũng chưa từng xâm nhập vào tâm trí của loài người” (GLGƯ 76:5–10).

  • Cụm từ “kiên trì đến cùng” có nghĩa gì đối với các anh chị em?

  • Chúng ta có thể làm gì để luôn trung tín với các nguyên tắc phúc âm mặc dù việc làm như vậy không được nhiều người ưa chuộng? Làm thế nào chúng ta có thể giúp các trẻ em và các thanh thiếu niên luôn trung tín với các nguyên tắc phúc âm?

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc