Sách và Các Bài Học
Chương 13: Chức Tư Tế


Chương 13

Chức Tư Tế

Hình Ảnh
Two Fijian men administering to a young girl lying in a bed.

Chức Tư Tế Là Gì?

Chức tư tế là quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế. Qua chức tư tế, Ngài đã tạo dựng và quản trị các tầng trời và thế gian. Bởi quyền năng này, vũ trụ được gìn giữ trong một trật tự hoàn hảo. Qua quyền năng này, Ngài hoàn thành công việc và vinh quang của Ngài, đó là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39).

Cha Thiên Thượng của chúng ta ủy thác quyền năng chức tư tế của Ngài cho các nam tín hữu xứng đáng của Giáo Hội. Chức tư tế cho phép họ hành động trong danh của Thượng Đế vì sự cứu rỗi của gia đình nhân loại. Qua chức tư tế, họ có thể được cho phép để thuyết giảng phúc âm, thực hiện các giáo lễ cứu rỗi, và quản trị vương quốc của Thượng Đế trên thế gian.

  • Hãy nghĩ về ý nghĩa của việc Thượng Đế cho phép những người nam và các thiếu niên xứng đáng được nắm giữ chức tư tế của Ngài.

Tại Sao Chúng Ta Cần Có Chức Tư Tế trên Thế Gian?

Chúng ta cần phải có thẩm quyền chức tư tế để hành động trong danh của Thượng Đế khi thực hiện các giáo lễ thiêng liêng của phúc âm, như phép báp têm, lễ xác nhận, ban phước lành Tiệc Thánh, và lễ hôn phối trong đền thờ. Nếu một người không có chức tư tế, cho dù người ấy có thể chân thành đi chăng nữa, thì Chúa cũng sẽ không thừa nhận các giáo lễ mà người ấy thực hiện (xin xem Ma Thi Ơ 7:21–23; Những Tín Điều 1:5). Các giáo lễ quan trọng này cần phải được thực hiện trên thế gian bởi những người nắm giữ chức tư tế.

Những người nam cần có chức tư tế để chủ tọa Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và để điều khiển công việc của Giáo Hội ở khắp nơi trên thế giới. Khi Đấng Ky Tô còn sống trên thế gian, Ngài đã chọn ra Các Sứ Đồ của Ngài và sắc phong họ để họ có thể hướng dẫn Giáo Hội của Ngài. Ngài ban cho họ quyền năng và thẩm quyền của chức tư tế để hành động trong danh Ngài. (Xin xem Mác 3:13–15; Giăng 15:16.)

Một lý do khác mà cần có chức tư tế trên thế gian là để chúng ta có thể hiểu ý muốn của Chúa và thực hiện các mục đích của Ngài. Thượng Đế mặc khải ý muốn của Ngài cho người đại diện có thẩm quyền chức tư tế trên thế gian, tức là vị tiên tri. Vị tiên tri, là Chủ Tịch của Giáo Hội, phục vụ với tư cách là người phát ngôn cho Thượng Đế với tất cả các tín hữu của Giáo Hội và tất cả mọi người trên thế gian.

  • Tại sao là điều cần thiết cho một người nam có được thẩm quyền thích đáng khi thực hiện một giáo lễ?

Những Người Nam Nhận Được Chức Tư Tế Bằng Cách Nào?

Chúa đã chuẩn bị một cách thức có thứ tự cho chức tư tế của Ngài để được ban cho các con trai của Ngài trên thế gian. Một nam tín hữu xứng đáng của Giáo Hội tiếp nhận chức tư tế “bằng phép đặt tay bởi những vị có thẩm quyền, để thuyết giảng Phúc Âm và thực hiện các giáo lễ trong Phúc Âm” (Những Tín Điều 1:5).

Những người nam cũng đã tiếp nhận chức tư tế cùng một cách thức này cách đây rất lâu, ngay cả trong thời của Môi Se: “Vả lại, không ai chiếm lấy chức trọng đó cho mình; phải được Đức Chúa Trời kêu gọi như A Rôn ngày xưa” (Hê Bơ Rơ 5:4). A Rôn đã tiếp nhận chức tư tế từ Môi Se, vị lãnh đạo tư tế của ông (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 28:1). Chỉ những người nắm giữ chức tư tế mới có thể sắc phong cho những người khác, và họ chỉ có thể làm như vậy khi được phép bởi những người nắm giữ các chìa khóa cho sự sắc phong đó (xin xem chương 14 trong sách này).

Con người không thể mua bán quyền năng và thẩm quyền của chức tư tế. Họ cũng không thể chiếm lấy thẩm quyền này cho chính họ. Trong Kinh Tân Ước, chúng ta đọc câu chuyện về một người tên là Si Môn sống vào lúc các Sứ Đồ của Đấng Ky Tô chủ tọa Giáo Hội. Si Môn được cải đạo và chịu phép báp têm vào Giáo Hội. Bởi vì ông là một thuật sĩ tài giỏi, nên dân chúng tin rằng ông có quyền năng của Thượng Đế. Nhưng Si Môn không có chức tư tế và ông biết điều đó.

Si Môn biết rằng các Sứ Đồ và các vị lãnh đạo tư tế khác của Giáo Hội có quyền năng thật sự của Thượng Đế. Ông đã thấy họ dùng chức tư tế của họ để làm công việc của Chúa, và ông muốn được quyền năng này cho chính mình. Ông đề nghị mua chức tư tế. (Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 8:9–19.) Nhưng Phi E Rơ, vị Sứ Đồ trưởng, đã nói: “Tiền bạc ngươi hãy hư mất với ngươi, vì ngươi tưởng tiền bạc mua được ân tứ của Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:20).

  • Tại sao “không ai chiếm lấy chức trọng đó (của chức tư tế) cho mình” là điều quan trọng?

Những Người Nam Sử Dụng Chức Tư Tế Một Cách Đúng Đắn Như Thế Nào?

Chức tư tế phải được sử dụng để ban phước cho cuộc sống các con cái của Cha Thiên Thượng chúng ta nơi đây trên thế gian. Những người nắm giữ chức tư tế phải chủ tọa trong tình yêu thương và nhân từ. Họ không nên cưỡng bách gia đình mình và những người khác phải tuân theo họ. Chúa đã phán bảo chúng ta rằng quyền năng của chức tư tế chỉ có thể sử dụng trong sự ngay chính (xin xem GLGƯ 121:36). Khi chúng ta cố gắng sử dụng chức tư tế để đạt được sự giàu có hay danh vọng hoặc bất cứ mục đích ích kỷ nào khác, thì “này, thiên thượng sẽ tự rút lui; Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền; và khi nào Đấng ấy rút lui, thì A Men cho chức tư tế hay thẩm quyền của người ấy” (GLGƯ 121:37).

Khi một người sử dụng chức tư tế “nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền dịu và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật” (GLGƯ 121:41), người ấy có thể làm nhiều điều kỳ diệu cho gia đình mình và cho những người khác. Người ấy có thể làm phép báp têm, làm lễ xác nhận, và ban phước Tiệc Thánh khi được phép của những người nắm giữ các chìa khóa cho các giáo lễ đó. Người ấy có thể ban phước lành cho người bệnh. Người ấy có thể ban các phước lành chức tư tế cho những người trong gia đình mình để khuyến khích và bảo vệ họ khi họ có những nhu cầu đặc biệt. Người ấy cũng có thể giúp đỡ những gia đình khác với các giáo lễ và các phước lành này khi được yêu cầu để làm như thế.

Những người nam sử dụng thẩm quyền chức tư tế để chủ tọa trong Giáo Hội trong các chức vụ kêu gọi như là chủ tịch chi nhánh, giám trợ, chủ tịch nhóm túc số, chủ tịch giáo khu và chủ tịch phái bộ truyền giáo. Những người nam và những người nữ nắm giữ các chức vụ trong Giáo Hội với tư cách là các chức sắc và các giảng viên thì làm việc dưới sự hướng dẫn của các vị lãnh đạo chức tư tế và dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.

Những Phước Lành Nào Đến Khi Chúng Ta Sử Dụng Chức Tư Tế Một Cách Đúng Đắn?

Chúa đã hứa ban các phước lành lớn lao cho những người ngay chính nắm giữ chức tư tế mà sử dụng chức tư tế để ban phước cho những người khác:

“Rồi thì niềm tin của ngươi sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế; và giáo lý của chức tư tế sẽ nhỏ giọt xuống tâm hồn ngươi như những hạt sương từ thiên thượng.

“Đức Thánh Linh sẽ là người bạn đồng hành luôn luôn ở bên ngươi, và vương trượng của ngươi là một vương trượng bất di bất dịch của sự ngay chính và lẽ thật; và quyền thống trị của ngươi sẽ là quyền thống trị vĩnh viễn, và không có cách gì cưỡng chế được, nó sẽ chan hòa trong ngươi mãi mãi và đời đời” (GLGƯ 121:45–46).

Chủ Tịch David O. McKay, đã hứa rằng mỗi người nam sử dụng chức tư tế trong sự ngay chính thì “sẽ thấy cuộc sống của mình thú vị, khả năng phân biệt bén nhạy để quyết định nhanh chóng giữa điều phải và điều trái, những cảm nghĩ của mình dịu dàng và đầy trắc ẩn, nhưng tinh thần của mình thì vững mạnh và dũng cảm trong việc bảo vệ điều phải; người ấy sẽ thấy chức tư tế là một nguồn hạnh phúc không bao giờ cạn—một giếng nước hằng sống dâng lên tới cuộc sống đời đời” (Teachings of Presidents of the Church: David O. McKay [2003], 116).

  • Một số phước lành nào mà các anh chị em đã nhận được qua chức tư tế?

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc

  • GLGƯ 84; 107 (những điều mặc khải về chức tư tế, kể cả lời thề và giao ước của chức tư tế trong GLGƯ 84:33–40)

  • GLGƯ 20:38–67 (các bổn phận của chức tư tế được giải thích rõ)