Sách và Các Bài Học
Chương 24: Ngày Sa Bát


Chương 24

Ngày Sa Bát

Hình Ảnh
A congregation gathered in a chapel for sacrament meeting. They are singing a hymn.

Ý Nghĩa của Ngày Sa Bát

  • Ngày Sa Bát là gì?

“Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:8; xin xem thêm GLGƯ 68:29).

Từ Sa Bát là do chữ Hê Bơ Rơ mà ra, có nghĩa là nghỉ ngơi. Trước khi Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh, ngày Sa Bát kỷ niệm ngày nghỉ ngơi của Thượng Đế sau khi Ngài đã hoàn tất Sự Sáng Tạo. Đó là dấu hiệu về giao ước giữa Thượng Đế với dân của Ngài. Chúng ta đọc trong sách Sáng Thế Ký rằng Thượng Đế đã sáng tạo trời đất trong sáu giai đoạn mà Ngài gọi là những ngày: “Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. Rồi Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh” (Sáng Thế Ký 2:2–3). Giờ đây ngày Sa Bát cũng tưởng niệm Ngày Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Ngày Sa Bát là mỗi ngày thứ bảy. Đó là ngày thánh được Thượng Đế quy định cho chúng ta để nghỉ ngơi các công việc lao nhọc hằng ngày của mình và thờ phượng Ngài.

Mục Đích của Ngày Sa Bát

  • Các anh chị em sẽ giải thích mục đích của ngày Sa Bát cho một người nào đó mà không biết về ngày Sa Bát như thế nào?

Chúa Giê Su đã dạy rằng ngày Sa Bát được lập ra vì lợi ích của chúng ta (xin xem Mác 2:27). Mục đích của ngày Sa Bát là cho chúng ta một ngày nào đó trong tuần để hướng các ý nghĩ và hành động của mình đến Thượng Đế. Đó không phải là một ngày chỉ để nghỉ làm việc. Đó là một ngày thiêng liêng được dành ra để thờ phượng và tôn kính. Khi chúng ta nghỉ ngơi các sinh hoạt thường lệ hằng ngày của mình, thì tâm trí của chúng ta được tự do để suy ngẫm các vấn đề thuộc linh. Vào ngày này, chúng ta nên lập lại các giao ước của mình với Chúa và nuôi dưỡng linh hồn của mình bằng những sự việc của Thánh Linh.

  • Hãy nghĩ về điều mà các anh chị em có thể làm để giữ cho mục đích của ngày Sa Bát trong tâm trí khi các anh chị em chuẩn bị cho ngày đó mỗi tuần.

Lịch Sử của Ngày Sa Bát

Ngày thứ bảy được Thượng Đế biệt riêng ra thánh làm ngày Sa Bát khi thế gian mới được tạo dựng (xin xem Sáng Thế Ký 2:2–3). Kể từ thời khởi thủy, truyền thống của ngày thứ bảy thiêng liêng đã được nhiều dân tộc khác nhau trên thế gian gìn giữ. Thượng Đế đã lập lại một giáo lệnh liên quan đến ngày này cho dân Do Thái khi Ngài phán: “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:8). Việc tuân giữ ngày Sa Bát cũng là một dấu hiệu cho thấy rằng dân Y Sơ Ra Ên là dân giao ước của Ngài (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 31:12–13, 16; Ê Sai 56:1–8; Giê Rê Mi 17:19–27).

Tuy nhiên, một số người lãnh đạo dân Do Thái đã lập ra các luật lệ không cần thiết về ngày Sa Bát. Họ quyết định người ta có thể đi bao xa, loại nút nào họ có thể thắt, và vân vân. Khi một số người lãnh đạo dân Do Thái chỉ trích Chúa Giê Su Ky Tô đã chữa lành cho người bệnh vào ngày Sa Bát, thì Chúa Giê Su đã nhắc họ nhớ rằng ngày Sa Bát được lập ra vì lợi ích của con người.

Dân Nê Phi cũng tuân giữ ngày Sa Bát theo các giáo lệnh của Thượng Đế (xin xem Gia Rôm 1:5).

Trong thời hiện đại, Chúa đã lặp lại lệnh truyền của Ngài rằng chúng ta phải ghi nhớ ngày Sa Bát và giữ ngày ấy được thánh (xin xem GLGƯ 68:29).

Ngày của Chúa

  • Tại sao ngày Sa Bát đã được thay đổi từ ngày thứ bảy sang ngày thứ nhất?

Cho đến khi Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh, Ngài và các môn đồ của Ngài vẫn tôn trọng ngày thứ bảy là ngày Sa Bát. Sau khi Ngài phục sinh, ngày Chúa Nhật được biệt riêng ra thánh làm ngày của Chúa để tưởng nhớ đến sự phục sinh của Ngài vào ngày đó (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7; 1 Cô Rinh Tô 16:2). Từ đó về sau, các tín đồ của Ngài chọn ngày thứ nhất trong tuần làm ngày Sa Bát của họ. Trong cả hai trường hợp đều có sáu ngày làm việc và một ngày nghỉ ngơi và thờ phượng.

Chúa đã ban cho chúng ta một giáo lệnh trực tiếp trong thời này để chúng ta cũng phải tôn trọng ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa, là ngày Sa Bát của mình (xin xem GLGƯ 59:12).

  • Làm thế nào sự tưởng nhớ về Sự Phục Sinh có thể ảnh hưởng đến sự thờ phượng của chúng ta về ngày Sa Bát?

Giữ Ngày Sa Bát Được Thánh

  • Việc giữ ngày Sa Bát được thánh có nghĩa là gì?

Chúa phán bảo chúng ta, thứ nhất, phải thánh hóa ngày Sa Bát. Trong một mặc khải ban cho Joseph Smith năm 1831, Chúa đã truyền lệnh cho các Thánh Hữu phải đi đến nhà nguyện và dâng Tiệc Thánh của họ, nghỉ ngơi làm việc, và thờ phượng Đấng Tối Cao (xin xem GLGƯ 59:9–12).

Thứ nhì, Ngài phán bảo chúng ta phải nghỉ ngơi công việc hằng ngày. Điều này có nghĩa là chúng ta không được làm công việc nào mà ngăn cản chúng ta không cho chúng ta hoàn toàn chú tâm đến các vấn đề thuộc linh. Chúa đã phán bảo dân Y Sơ Ra Ên rằng: “Ngươi, con trai, con gái, tôi trai tớ gái của ngươi chớ làm công việc chi hết” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:10). Các tiên tri của chúng ta đã bảo chúng ta rằng chúng ta không nên đi mua sắm, săn bắn, câu cá, tham dự các cuộc đấu thể thao, hay tham gia các sinh hoạt tương tự vào ngày đó.

Tuy nhiên, Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã khuyến cáo rằng nếu chúng ta chỉ nằm dài ra không làm gì trong ngày Sa Bát, thì chúng ta cũng không có giữ ngày ấy được thánh. Ngày Sa Bát đòi hỏi những ý nghĩ và hành động hữu dụng. (Xin xem Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball [2006], 170.)

Những loại công việc nào chúng ta có thể làm vào ngày Sa Bát? Tiên tri Ê Sai đã đề nghị rằng chúng ta nên ngừng làm những điều theo ý thích của mình và phải “gọi ngày Sa Bát là ngày vui thích, coi ngày thánh của Chúa là đáng kính” (Ê Sai 58:13).

Chúng ta nên cân nhắc về những điều ngay chính mà chúng ta có thể làm trong ngày Sa Bát. Ví dụ, chúng ta có thể giữ ngày Sa Bát được thánh bằng cách tham dự các buổi nhóm họp của Giáo Hội; đọc thánh thư và những lời của các vị lãnh đạo Giáo Hội của chúng ta; thăm viếng người bệnh, người già cả và những người thân của mình; nghe loại nhạc làm hứng khởi tinh thần và hát các bài thánh ca; cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng của chúng ta với lời ngợi khen và sự tạ ơn; thực hiện công việc phục vụ Giáo Hội; chuẩn bị các hồ sơ lịch sử gia đình và lịch sử cá nhân; kể các câu chuyện xây đắp đức tin và chia sẻ chứng ngôn của mình cùng với những người trong gia đình và chia sẻ các kinh nghiệm thuộc linh với họ; viết thư cho những người truyền giáo và những người thân; nhịn ăn có mục đích; và dành ra thời giờ với con cái và những người khác trong gia đình.

Khi quyết định các sinh hoạt nào khác mà chúng ta có thể tham dự một cách thính hợp vào ngày Sa Bát, thì chúng ta nên tự hỏi: Sinh hoạt đó sẽ làm hứng khởi tinh thần tôi và soi dẫn tôi không? Sinh hoạt đó có cho thấy sự kính trọng đối với Chúa không? Sinh hoạt đó có hướng dẫn những ý nghĩ của tôi đến Chúa không?

Có những lúc chúng ta có thể bị đòi hỏi làm việc vào ngày Sa Bát. Chúng ta nên tránh điều này nếu có thể, nhưng nếu điều đó là tuyệt đối cần thiết, thì chúng ta vẫn nên duy trì tinh thần thờ phượng vào ngày Sa Bát trong lòng mình càng nhiều càng tốt.

  • Hãy nghĩ về một điều nào đó mà các anh chị em có thể làm để cải tiến các nỗ lực của mình nhằm giữ ngày Sa Bát được thánh. Nếu các anh chị em là một người cha, mẹ hoặc ông, bà, thì hãy nghĩ về một điều gì đó mà các anh chị em có thể làm để giúp con cháu của mình hiểu ý nghĩa của ngày Sa Bát.

Các Phước Lành Dành cho Việc Tuân Giữ Ngày Sa Bát

  • Một số phước lành nào chúng ta nhận được khi chúng ta giữ ngày Sa Bát được thánh?

Nếu chúng ta tôn trọng ngày Sa Bát, thì chúng ta có thể nhận được các phước lành thuộc linh và vật chất lớn lao. Chúa đã phán rằng nếu chúng ta tuân giữ ngày Sa Bát với tấm lòng biết ơn và vui vẻ, thì chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui. Ngài có hứa:

“Trọn thế gian này là của các ngươi,… hoặc để làm thực phẩm hay y phục, nhà ở, hoặc vựa lúa, hay vườn cây ăn trái hoặc vườn tược hay vườn nho;

“Phải, tất cả những vật từ đất nảy sinh, vào đúng mùa của chúng, đều được tạo ra vì lợi ích và sử dụng của con người, vừa để làm cho vui mắt, vừa để làm cho lòng người hân hoan;

“Phải, để làm thực phẩm và y phục, để nếm và để ngửi, để bồi bổ cơ thể và làm sống động tâm hồn” (GLGƯ 59:16–19).

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc