Sách và Các Bài Học
Chương 39: Luật Trinh Khiết


Chương 39

Luật Trinh Khiết

Hình Ảnh
Holding hands of a newly married couple.

Lời Nhắn Nhủ cho Các Bậc Cha Mẹ

Chương này gồm có một vài phần vượt quá khỏi tuổi trưởng thành của các trẻ nhỏ. Tốt hơn hết là hãy đợi cho con cái đủ lớn khôn để hiểu về mối quan hệ tình dục và sự sinh sản trước khi dạy chúng những phần này của chương. Các vị lãnh đạo Giáo Hội của chúng ta đã bảo chúng ta rằng cha mẹ có trách nhiệm dạy dỗ con cái mình về sự sinh sản (tiến trình thụ thai và cưu mang). Cha mẹ cũng phải dạy chúng về luật trinh khiết mà được giải thích trong chương này.

Cha mẹ có thể bắt đầu dạy con cái có thái độ đúng đắn đối với thân thể của chúng khi con cái còn rất nhỏ. Việc nói chuyện thẳng thắn nhưng nghiêm trang với con cái và dùng những danh xưng chính xác cho những bộ phận và chức năng của cơ thể chúng sẽ giúp chúng lớn lên mà không làm cho chúng ngượng ngịu một cách vô ích về cơ thể của chúng.

Trẻ con vốn có tình tò mò. Chúng muốn biết cơ thể của chúng hoạt động ra sao. Chúng muốn biết trẻ sơ sinh từ đâu mà ra. Nếu cha mẹ trả lời trực tiếp và rõ ràng đối với tất cả mọi câu hỏi như thế để cho con cái có thể hiểu được, thì con cái sẽ tiếp tục tìm đến cha mẹ với các câu hỏi. Tuy nhiên, nếu cha mẹ trả lời những câu hỏi mà con cái cảm thấy ngượng ngịu, bị chối bỏ hay bất mãn thì có lẽ chúng sẽ đi đến một người nào đó với những câu hỏi của chúng và có lẽ sẽ nhận được những ý kiến sai lầm và những thái độ không đứng đắn.

Tuy nhiên, cũng là điều không khôn ngoan hoặc cần thiết để nói cho con cái biết mọi thứ ngay một lúc. Cha mẹ chỉ cần cho chúng biết về chi tiết mà chúng đã hỏi và có thể hiểu được. Trong khi trả lời những câu hỏi này, cha mẹ có thể giảng dạy con cái về tầm quan trọng của việc tôn trọng thân thể chúng và thân thể người khác. Cha mẹ phải dạy con cái ăn mặc trang nhã. Họ phải sửa chữa những ý kiến sai lầm và lời lẽ khiếm nhã mà con cái học từ những người khác.

Vào lúc con cái đến tuổi trưởng thành, cha mẹ phải thẳng thắn thảo luận sự sinh sản với chúng. Con cái phải hiểu rằng các khả năng này thì tốt lành và được Chúa ban cho chúng ta. Ngài trông mong chúng ta sử dụng các khả năng này trong phạm vi mà Ngài đã ban cho chúng ta.

Các trẻ nhỏ được Cha Thiên Thượng gửi đến thế gian trong trạng thái trong trắng và thơ ngây. Khi cha mẹ cầu nguyện xin được hướng dẫn, Chúa sẽ soi dẫn họ để dạy dỗ con cái đúng lúc và đúng cách.

Khả Năng Sinh Sản

  • Tại sao cha mẹ cần phải giảng dạy cho con cái biết về sự sinh sản và sự trinh khiết? Làm thế nào họ có thể làm việc này một cách thích hợp?

Thượng Đế đã truyền lệnh cho mỗi sinh vật phải sinh sản theo giống của mình (xin xem Sáng Thế Ký 1:22). Sự sinh sản là một phần kế hoạch của Ngài ngõ hầu tất cả mọi hình thức của sự sống có thể tiếp tục tồn tại trên thế gian.

Rồi Ngài đặt A Đam và Ê Va trên thế gian. Họ khác với những loài sáng tạo khác của Ngài bởi vì họ là con cái linh hồn của Ngài. Thượng Đế kết hôn cho A Đam và Ê Va trong Vườn Ê Đen và truyền lệnh cho họ sinh sôi nẩy nở và làm cho đầy dẫy đất (xin xem Sáng Thế Ký 1:28). Tuy nhiên, cuộc sống của họ phải bị chi phối bởi các luật đạo đức thay vì bản năng.

Thượng Đế muốn con cái linh hồn của Ngài được sinh ra trong những gia đình mà chúng có thể được chăm sóc và dạy dỗ một cách thích đáng. Giống như A Đam và Ê Va, chúng ta cũng phải cung ứng thể xác cho những con cái linh hồn này qua sự sinh sản. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói rằng: “Chúng tôi tuyên bố rằng những phương cách mà qua đó cuộc sống hữu diệt được tạo ra là do Thượng Đế ấn định” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 1998, 102). Thượng Đế đã truyền lệnh cho chúng ta rằng chỉ trong hôn nhân giữa một người nam và một người nữ chúng ta mới có mối quan hệ tình dục mà thôi. Lệnh truyền này được gọi là luật trinh khiết.

Luật Trinh Khiết

  • Luật trinh khiết là gì?

Chúng ta chỉ được có mối quan hệ tình dục với người phối ngẫu của mình là người mà chúng ta đã hợp pháp kết hôn mà thôi. Không một ai, nam hay nữ, được có mối quan hệ tình dục trước khi kết hôn. Sau khi kết hôn, mối quan hệ tình dục chỉ được phép với người phối ngẫu của mình mà thôi.

Chúa đã phán với dân Y Sơ Ra Ên: “Ngươi chớ phạm tội tà dâm” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:14). Những người dân Y Sơ Ra Ên mà đã vi phạm giáo lệnh này đều chịu các hình phạt nặng nề. Chúa đã nhắc lại giáo lệnh này trong những ngày sau (xin xem GLGƯ 42:24).

Chúng ta đã được dạy rằng luật trinh khiết bao gồm nhiều vấn đề hơn là chỉ sự giao hợp. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã cảnh cáo giới trẻ về tội lỗi tình dục khác:

“Trước khi kết hôn, chớ làm bất cứ điều gì để khơi dậy những mối cảm xúc mạnh mẽ mà chỉ phải được biểu lộ trong vòng hôn nhân mà thôi. Đừng tham gia vào việc hôn nhau say đắm, nằm trên người kia, hoặc sờ vào những phần kín đáo thiêng liêng của thân thể của người kia, dù có hay không có mặc quần áo. Đừng để cho bất cứ người nào làm như thế với các em. Đừng khơi dậy những mối cảm xúc đó trong thân thể của các em” (Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ [quyển sách nhỏ, 2001], 27).

Giống như những sự vi phạm khác về luật trinh khiết, sự đồng tính luyến ái là một tội trọng. Các vị tiên tri Ngày Sau đã nói về những nguy cơ của sự đồng tính luyến ái và về mối quan tâm của Giáo Hội đối với những người có thể có khuynh hướng như vậy. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói:

“Từ lúc đầu, chúng ta tin rằng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là do Thượng Đế quy định. Chúng ta tin rằng hôn nhân có thể được vĩnh cửu qua việc sử dụng quyền năng của chức tư tế trường cửu trong nhà của Chúa.

“Người ta tìm hiểu lập trường của chúng ta về những người tự xem mình được gọi là những người đồng tính luyến ái nam và những người đồng tính luyến ái nữ. Câu trả lời của tôi là chúng ta yêu thương họ với tư cách là các con trai và các con gái của Thượng Đế. Họ có thể có các khuynh hướng nào đó rất mạnh mẽ và có thể khó để kiềm chế. Đa số những người có các khuynh hướng về loại này hoặc loại khác vào nhiều thời điểm khác nhau. Nếu họ không hành động theo các khuynh hướng này thì họ có thể tiến bước giống như tất cả các tín hữu khác của Giáo Hội. Nếu họ vi phạm luật trinh khiết và các tiêu chuẩn đạo đức của Giáo Hội thì họ phải chịu kỷ luật của Giáo Hội cũng giống như những người khác vậy.

“Chúng ta muốn giúp đỡ những người này, củng cố họ, phụ giúp họ với các vấn đề của họ và giúp họ với những nỗi khó khăn của họ. Nhưng chúng ta không thể đứng yên không làm gì cả nếu họ buông thả trong sinh hoạt vô luân, nếu họ cố gắng ủng hộ và bênh vực tình trạng của cái gọi là hôn nhân đồng giới. Việc cho phép điều như vậy xảy ra là xem thường nền móng rất nghiêm chỉnh và thiêng liêng của hôn nhân đã được Thượng Đế quy định cùng mục đích chính của hôn nhân, việc nuôi dạy gia đình” (trong Conference Report, tháng Mười năm 1998, 91; hoặc Ensign, tháng Mười Một năm 1998, 71).

Sa Tan Muốn Chúng Ta Vi Phạm Luật Trinh Khiết

  • Một số cách mà Sa Tan cám dỗ con người vi phạm luật trinh khiết là gì?

Kế hoạch của Sa Tan là lừa gạt càng nhiều người trong chúng ta càng tốt nhằm ngăn cản chúng ta không được trở về sống với Cha Thiên Thượng của chúng ta. Một trong những điều tai hại nhất mà nó có thể làm là dụ dỗ chúng ta vi phạm luật trinh khiết. Nó rất xảo quyệt và đầy quyền lực. Nó muốn chúng ta tin rằng việc vi phạm luật này không phải là tội lỗi. Nhiều người đã bị nó lừa gạt. Chúng ta phải tự cảnh giác để chống lại các ảnh hưởng xấu xa này.

Sa Tan tấn công tiêu chuẩn của sự trang nhã. Nó muốn chúng ta tin rằng bởi vì thân thể con người xinh đẹp nên phải được khoe ra và phô trương. Cha Thiên Thượng muốn chúng ta phải che đậy thân thể mình ngõ hầu chúng ta không khơi dậy những ý tưởng bất chính trong tâm trí của những người khác.

Sa Tan không những khuyến khích chúng ta ăn mặc một cách khiếm nhã mà nó còn khuyến khích chúng ta có những ý tưởng vô luân hay bất chính. Nó làm điều này với hình ảnh, phim, sách truyện, chuyện cười, âm nhạc và khiêu vũ mà gợi ra những hành động đồi bại. Luật trinh khiết đòi hỏi những ý tưởng cũng như những hành động của chúng ta phải trong sạch. Tiên tri An Ma đã dạy rằng khi chúng ta được Thượng Đế phán xét, “tư tưởng của chúng ta cũng sẽ kết tội chúng ta; và trong trạng thái đáng sợ này, chúng ta sẽ không dám ngước mặt lên nhìn Thượng Đế của mình” (An Ma 12:14).

Chúa Giê Su đã dạy: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm.

“Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi” (Ma Thi Ơ 5:27–28).

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley cảnh cáo rằng: “Các anh chị em sống trong một thế giới đầy cám dỗ khủng khiếp. Hình ảnh sách báo khiêu dâm, với sự bẩn thỉu ô trọc của nó, càn quét trái đất giống như một cơn thủy triều kinh tởm với sức nhận chìm. Đó là thuốc độc. Đừng xem hoặc đọc nó. Nó sẽ hủy diệt các anh chị em nếu các anh chị em làm điều đó. Nó sẽ cướp đoạt lòng tự trọng của các anh chị em. Nó sẽ chiếm đoạt của các anh chị em cảm giác về vẻ xinh đẹp của đời sống. Nó sẽ giằng xé và kéo các anh chị em vào vũng bùn của những ý tưởng xấu xa và có lẽ những hành động xấu xa. Hãy tránh xa nó. Hãy tránh nó như các anh chị em tránh một căn bệnh tồi tệ, vì nó rất tai hại chết người. Hãy luôn đức hạnh trong ý nghĩ lẫn trong hành động. Thượng Đế đã gieo vào các anh chị em, vì một mục đích, một thôi thúc thiêng liêng mà có lẽ dễ dàng bị làm hư hỏng bởi các mục đích xấu xa và nguy hại. Khi các em còn trẻ, đừng đi sâu vào việc hẹn hò đi chơi chỉ một người. Khi các em đến cái tuổi mà các em nghĩ đến hôn nhân, thì đó là lúc để hết tâm trí vào. Nhưng các em thiếu niên đang học trung học thì không cần điều này và các em thiếu nữ cũng thế” (trong Conference Report, tháng Mười năm 1997, 71–72; hoặc Ensign, tháng Mười Một năm 1997, 51).

Đôi khi Sa Tan cám dỗ chúng ta qua những cảm xúc của chúng ta. Nó biết khi nào chúng ta cô đơn, hoang mang hay chán nản. Nó chọn lúc yếu lòng này để cám dỗ chúng ta vi phạm luật trinh khiết. Cha Thiên Thượng của chúng ta có thể ban cho chúng ta sức mạnh để trải qua những thử thách này một cách bình yên vô sự.

Thánh thư kể về một thanh niên ngay chính tên là Giô Sép đã được chủ mình là Phô Ti Pha hết lòng tin cậy. Phô Ti Pha đã giao cho Giô Sép quyền cai quản mọi thứ mình có. Vợ của Phô Ti Pha đã thèm muốn Giô Sép và cám dỗ ông phạm tội ngoại tình với bà. Nhưng Giô Sép đã chống cự lại bà và chạy trốn bà. (Xin xem Sáng Thế Ký 39:1–18.)

Phao Lô đã dạy rằng “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (1 Cô Rinh Tô 10:13). An Ma nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ “khỏi bị cám dỗ ngoài sức chịu đựng của mình” khi chúng ta “hạ mình trước mặt Chúa, cầu gọi đến thánh danh của Ngài, cảnh tỉnh và cầu nguyện luôn luôn” (An Ma 13:28).

  • Sự trang nhã và trinh khiết liên quan với nhau như thế nào? Cha mẹ có thể dạy dỗ con cái của mình phải trang nhã trong việc ăn mặc, lời lẽ và thái độ như thế nào?

  • Chúng ta có thể chống lại sự phổ biến và ảnh hưởng của hình ảnh sách báo khiêu dâm như thế nào?

  • Các lời hứa nào mà Chúa đã ban cho chúng ta để giúp chúng ta khắc phục được những cám dỗ của Sa Tan?

Vi Phạm Luật Trinh Khiết Là Một Điều Cực Kỳ Nghiêm Trọng

Tiên tri An Ma đã buồn phiền vì một trong số các con trai của ông vi phạm luật trinh khiết. An Ma đã nói cùng con trai của mình là Cô Ri An Tôn: “Hỡi con trai của cha, con không biết rằng đó là điều khả ố trước mặt Chúa hay sao? Phải, đó là điều khả ố hơn hết mọi tội lỗi khác, ngoại trừ tội làm đổ máu người vô tội hay tội chối bỏ Đức Thánh Linh?” (An Ma 39:5). Tính dâm ô là một tội nặng sau tội sát nhân.

Nếu một người nam và một người nữ vi phạm luật trinh khiết và thụ thai thì họ có thể bị cám dỗ để vi phạm một tội lỗi khả ố khác nữa: đó là tội phá thai. Hầu như không có lý do bào chữa nào cho sự phá thai cả. Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã nói rằng có một số hoàn cảnh ngoại lệ thì mới có thể bào chữa cho sự phá thai, như khi mang thai do việc loạn luân hay hãm hiếp, mạng sống hay sức khỏe của người mẹ bị nguy kịch theo ý kiến của các chuyên viên y khoa có thẩm quyền, hoặc khi bào thai được biết, bởi các chuyên viên y khoa có thẩm quyền, có những khuyết tật trầm trọng mà sẽ không cho phép đứa bé sơ sinh sống sót sau khi sinh ra. Nhưng ngay cả trong những trường hợp này, cũng chớ tự động bào chữa cho sự phá thai. Những người ở trong trường hợp như vậy nên chọn phá thai chỉ sau khi đã hội ý với các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương của họ và nhận được sự xác nhận qua sự cầu nguyện khẩn thiết.

“Khi một người nam và một người nữ thụ thai một đứa con ngoài giá thú, thì cần có mọi nỗ lực để khuyến khích họ kết hôn với nhau. Khi nào hôn nhân thành công có lẽ không thể thực hiện được vì tuổi tác hoặc những hoàn cảnh khác, thì hai cha mẹ không kết hôn cần phải được khuyên bảo đem đứa trẻ cho người khác làm con nuôi qua LDS Family Services (Dịch Vụ Gia Đình Thánh Hữu Ngày Sau) để chắc chắn rằng đứa bé sẽ được làm lễ gắn bó với cha mẹ là những người được xứng đáng đi đền thờ” (Thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 26 tháng Sáu năm 2002, và ngày 19 tháng Bảy năm 2002).

Đối với Cha Thiên Thượng của chúng ta, điều hệ trọng là con cái của Ngài phải tuân theo luật trinh khiết. Các tín hữu của Giáo Hội mà vi phạm luật này hoặc ảnh hưởng đến những người khác để làm như vậy thì sẽ chịu kỷ luật của Giáo Hội.

Những Người Vi Phạm Luật Trinh Khiết Có Thể Được Tha Thứ

Sự bình an có thể đến với những người đã vi phạm luật trinh khiết. Chúa đã phán bảo chúng ta: “Song nếu kẻ dữ xây bỏ hết thảy tội mình đã phạm, nếu nó giữ mọi luật lệ ta… không có một tội nào nó đã phạm sẽ bị nhớ lại nghịch cùng nó” (Ê Xê Chi Ên 18:21–22). Sự bình an chỉ đến nhờ sự tha thứ.

Chủ Tịch Kimball nói: “Đối với mỗi sự tha thứ đều có một điều kiện. … Việc nhịn ăn, cầu nguyện, lòng khiêm nhường phải bằng hoặc nhiều hơn tội lỗi. Phải có một trái tim đau khổ và một tâm hồn thống hối. … Phải có nước mắt và sự thay đổi chân thành trong lòng. Phải có sự nhận thức tội lỗi, từ bỏ điều tà ác, thú nhận lỗi lầm với những vị có thẩm quyền hợp thức của Chúa” (The Miracle of Forgiveness [1969], 353).

Đối với nhiều người, sự thú tội là phần hối cải khó nhất. Chúng ta không chỉ phải thú tội với Chúa mà còn với người mà chúng ta đã làm tổn thương, chẳng hạn người chồng hay người vợ và với vị có thẩm quyền chức tư tế hợp thức. Vị lãnh đạo chức tư tế (vị giám trợ hay chủ tịch giáo khu) sẽ xét xử vị thế của chúng ta trong Giáo Hội. Chúa đã phán bảo An Ma: “Kẻ nào phạm tội chống lại ta… nếu kẻ đó thú tội trước mặt ngươi và ta, và biết hối cải một cách chân thật trong lòng, thì ngươi hãy tha thứ cho kẻ đó, và ta cũng sẽ tha thứ cho kẻ đó” (Mô Si A 26:29).

Nhưng Chủ Tịch Kimball cảnh cáo: “Mặc dù sự tha thứ đã được hứa nhiều, nhưng không có lời hứa hoặc dấu hiệu tha thứ nào dành cho bất cứ người nào mà không hối cải hoàn toàn. … Chúng ta khó có thể quyết liệt trong việc nhắc nhở người ta rằng họ không thể phạm tội và được tha thứ và rồi phạm tội đi phạm tội lại và trông mong được tha thứ nhiều lần” (The Miracle of Forgiveness, 353, 360). Những người nhận được sự tha thứ rồi lại tái phạm tội lỗi đó nữa, thì phải chịu trách nhiệm cho các tội lỗi cũ của mình (xin xem GLGƯ 82:7; Ê The 2:15).

Những Người Tuân Giữ Luật Trinh Khiết Được Ban Phước Dồi Dào

  • Các phước lành nào chúng ta nhận được khi chúng ta tuân giữ luật trinh khiết?

Khi chúng ta tuân theo luật trinh khiết, chúng ta có thể sống mà không có tội lỗi hoặc hổ thẹn. Cuộc sống của chúng ta và của con cái chúng ta được ban phước khi chúng ta giữ mình được trong sạch và không tì vết dưới mắt Chúa. Con cái có thể nhìn vào tấm gương của chúng ta và nối bước chúng ta.

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc