2017
Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi: Nền Tảng của Ky Tô Giáo Chân Chính
April 2017


Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi: Nền Tảng của Ky Tô Giáo Chân Chính

Từ một bài nói chuyện, “Sự Chuộc Tội,” được đưa ra trong buổi hội thảo dành cho các chủ tịch phái bộ truyền giáo mới tại Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo Provo vào ngày 24 tháng Sáu năm 2008.

Chúng ta đều sẽ được phục sinh và trở nên bất diệt nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
Savior in Gethsemane painting

Vườn Ghết Sê Ma Nê,tranh do J. Kirk Richards họa

Tiên Tri Joseph Smith (1805–44) được hỏi: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo của quý vị là gì?” Ông đáp: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng tôi là chứng ngôn của Các Sứ Đồ và Các Vị Tiên Tri về Chúa Giê Su Ky Tô rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, và thăng lên trời; và tất cả những điều khác liên quan đến tôn giáo của chúng ta chỉ là phần phụ vào chứng ngôn đó mà thôi.”1

Tôi cũng muốn làm chứng về lời phát biểu này của Tiên Tri Joseph. Trọng tâm của tất cả những gì chúng ta tin là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và sự hy sinh chuộc tội của Ngài—“tấm lòng hạ cố của Thượng Đế” (1 Nê Phi 11:16) mà qua đó Đức Chúa Cha đã gửi Vị Nam Tử của Ngài đến thế gian để thực hiện Sự Chuộc Tội. Mục đích chính yếu cho cuộc đời của Chúa Giê Su Ky Tô là phải hoàn thành sự hy sinh chuộc tội. Sự Chuộc Tội là nền tảng của Ky Tô Giáo chân chính.

Tại sao Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là nguyên tắc phúc âm chính yếu trong Giáo Hội và trong cuộc sống của chúng ta?

Những Tín Điều 1:3

Tín điều thứ ba nói rằng: “Chúng tôi tin rằng nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm.”

Từ “cứu rỗi” trong bối cảnh này đề cập đến việc đạt đến mức độ vinh quang cao nhất trong thượng thiên giới. Sự Phục Sinh được ban cho tất cả những ai đến thế gian, nhưng để nhận được cuộc sống vĩnh cửu, các phước lành trọn vẹn của sự tiến triển vĩnh cửu, thì mỗi người phải tuân theo các luật pháp, tiếp nhận các giáo lễ, và lập các giao ước của phúc âm.

Tại sao Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng duy nhất có thể chuộc tội lỗi của thế gian? Ngài đã đáp ứng được tất cả những điều kiện.

Thượng Đế Yêu Thương Ngài và Tin Cậy Ngài

Chúa Giê Su được Cha Mẹ Thiên Thượng sinh ra trong tiền dương thế. Ngài là Con Đầu Sinh của Cha Mẹ Thiên Thượng. Ngài đã được chọn từ lúc đầu. Ngài đã tuân theo ý muốn của Cha Ngài. Thánh thư thường nói về niềm vui Cha Thiên Thượng đã có nơi Vị Nam Tử của Ngài.

Chúng ta đọc trong Ma Thi Ơ: “Và kìa, một tiếng nói từ trời phán rằng: Đây là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma Thi Ơ 3:17).

Lu Ca ghi lại: “Bấy giờ, nghe có tiếng từ trong đám mây phán ra rằng: Nầy là Con ta, hãy nghe Người” (Lu Ca 9:35).

Và tại đền thờ ở xứ Phong Phú tiếp theo Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi, người ta nghe tiếng nói của Đức Chúa Cha: “Này, đây là Con Trai Yêu Dấu của ta, người mà ta rất hài lòng” (3 Nê Phi 11:7).

Lòng tôi đặc biệt cảm động khi tôi đọc rằng trong khi Chúa Giê Su chịu đau khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê thì Đức Chúa Cha, vì tình yêu thương và lòng trắc ẩn bao la đối với Con Độc Sinh của Ngài nên đã gửi một thiên sứ đến an ủi và củng cố Ngài (xin xem Lu Ca 22:43).

Chúa Giê Su Đã Sử Dụng Quyền Tự Quyết của Ngài để Vâng Lời

Hình Ảnh
Christ before the crowd

Ecce Homo, tranh do J. Kirk Richards họa

Chúa Giê Su Ky Tô đã phải sẵn lòng phó mạng sống của Ngài cho chúng ta.

Trong Đại Hội trên Thiên Thượng, Lu Xi Phe “con trai của sáng sớm” (Ê Sai 14:12; GLGƯ 76:26–27), nói:

“Này, tôi đây, xin phái tôi đi, tôi sẽ là con trai của Ngài, và tôi sẽ cứu chuộc tất cả nhân loại, khiến cho không một linh hồn nào sẽ bị thất lạc, và chắc chắn tôi sẽ làm được điều đó; vậy nên xin ban sự vinh hiển của Ngài cho tôi.

“Nhưng, này, Con Trai Yêu Dấu của ta, tức là Kẻ Được Yêu Dấu và Được Chọn Lựa từ lúc khởi thủy, nói với ta rằng—Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi” (Môi Se 4:1–2; xin xem thêm Áp Ra Ham 3:27).

Vì tình yêu bao la mà Vị Nam Tử đã dành cho Cha Ngài và cho mỗi người chúng ta, nên Ngài nói: “Xin phái tôi đi.” Ngài đã sử dụng quyền tự quyết của Ngài khi nói: “Xin phái tôi đi.”

“Cũng như Cha biết ta và ta biết Cha vậy; ta vì chiên ta phó sự sống mình. …

“Nầy, tại sao Cha yêu ta: Ấy vì ta phó sự sống mình để được lấy lại.

“Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho. Ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại. Ta đã lãnh mạng lịnh nầy nơi Cha ta” (Giăng 10:15, 17–18).

Nếu Đấng Cứu Rỗi muốn thì đạo binh thiên sứ đã có thể mang Ngài ra khỏi thập tự giá về thẳng nhà Cha của Ngài rồi. Nhưng Ngài đã sử dụng quyền tự quyết của Ngài để hy sinh mạng Ngài cho chúng ta, để hoàn thành sứ mệnh của Ngài trên trần thế, và kiên trì đến cùng, hoàn tất sự hy sinh chuộc tội.

Chúa Giê Su muốn đến thế gian, và Ngài đã hội đủ điều kiện. Và khi Ngài đến, Ngài đã phán: “Ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến” (Giăng 6:38).

Chúa Giê Su Đã Được Tiền Sắc Phong

Phi E Rơ dạy rằng Chúa Giê Su “đã định sẵn trước buổi sáng thế” (xin xem 1 Phi E Rơ 1:19–21).

Các vị tiên tri trong tất cả các gian kỳ đều báo trước sự giáng lâm của Chúa Giê Su Ky Tô và sứ mệnh của Ngài sẽ là gì. Qua đức tin lớn lao, Hê Nóc đã được cho thấy một khải tượng tuyệt vời về sự giáng sinh, cái chết, Sự Thăng Thiên, và Sự Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi:

“Và này, Hê Nóc trông thấy ngày đến của Con của Người, ngay cả trong xác thịt; và tâm hồn ông vui sướng, ông nói: Đấng Ngay Chính bị treo lên, và Chiên Con bị sát hại từ lúc thế gian mới được tạo dựng. …

“Và Chúa phán với Hê Nóc: Hãy nhìn, ông bèn nhìn và trông thấy Con của Người bị treo trên thập tự giá, theo cách thức của loài người;

“Và ông nghe một tiếng nói lớn; và các tầng trời bị che khuất; và tất cả mọi vật sáng tạo của Thượng Đế đều than khóc; và đất rên rỉ; và các núi đá nứt ra; và các thánh hữu trỗi dậy và được đội mão triều thiên vinh quang, đứng bên tay phải Con của Người. …

“Và Hê Nóc trông thấy Con của Người thăng lên nơi Đức Chúa Cha. …

“Và chuyện rằng Hê Nóc trông thấy ngày hiện đến của Con của Người vào những ngày sau chót, để ngự trên thế gian trong sự ngay chính trong một thời gian một ngàn năm” (Môi Se 7:47, 55–56, 59, 65).

Khoảng 75 năm trước khi Đấng Ky Tô giáng sinh, A Mu Léc làm chứng: “Này, tôi nói cho các người hay rằng, tôi biết chắc Đấng Ky Tô sẽ đến giữa con cái loài người, để nhận lấy tất cả những sự phạm giới của dân Ngài, và Ngài sẽ chuộc tội lỗi của thế gian; vì Đức Chúa Trời đã phán vậy” (An Ma 34:8).

Chúa Giê Su Có Những Điều Kiện Độc Nhất Vô Nhị

Hình Ảnh
Mary at the tomb

Không Biết [Họ] Để Ngài Ở Đâu?tranh do J. Kirk Richards họa

Chỉ có Chúa Giê Su Ky Tô mới có thể thực hiện sự hy sinh chuộc tội—được sinh ra từ một người mẹ hữu diệt, Ma Ri, và đã nhận được quyền năng của sự sống từ Cha Ngài (xin xem Giăng 5:26). Nhờ vào quyền năng này của sự sống nên Ngài đã khắc phục được cái chết, quyền năng của cái chết đã bị vô hiệu hóa, và Ngài trở thành Đấng Cứu Rỗi và Đấng Trung Gian của chúng ta và Đấng Chủ Tể của Sự Phục Sinh—phương tiện mà qua đó sự cứu rỗi và sự bất diệt được ban cho tất cả chúng ta. Chúng ta đều sẽ được phục sinh và trở nên bất diệt nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúa Giê Su Sẵn Lòng Chuộc Tội Nguyên Thủy

Tín điều thứ hai nói rằng: “Chúng tôi tin rằng loài người sẽ bị trừng phạt vì những tội lỗi riêng của họ, và không phải vì sự phạm giới của A Đam.”

Qua việc sử dụng quyền tự quyết, chúng ta chọn thực hành đức tin của mình. Với sự chuyên cần, chúng ta có thể hối cải; nếu không có Sự Chuộc Tội, chúng ta không thể hối cải.

Chúng ta được dạy trong Môi Se: “Vì vậy mà có lời loan truyền trong dân chúng rằng: Vị Nam Tử của Thượng Đế đã chuộc tội nguyên thủy, nhờ đó mà những tội lỗi của cha mẹ không thể đổ trên đầu của con cái” (Môi Se 6:54).

Trong 2 Nê Phi, chúng ta được ban cho một lời dạy quan trọng:

“Vì một khi sự chết đã đến với tất cả loài người, để làm trọn vẹn kế hoạch thương xót của Đấng Sáng Tạo vĩ đại, thì cần phải có một quyền lực phục sinh, và sự phục sinh cần phải đến với loài người vì sự sa ngã; và sự sa ngã đến do sự phạm giới; vì loài người sa ngã nên họ phải bị loại trừ khỏi sự hiện diện của Chúa.

“Vậy nên cần phải có một sự chuộc tội vô hạn—nếu không có sự chuộc tội vô hạn thì sự hư nát này sẽ không thể trở thành sự không hư nát được. Vậy nên, sự đoán phạt đầu tiên đến với loài người cần phải được tồn tại bất tận. Và nếu điều đó xảy ra, thì xác thịt này chắc đã phải nằm xuống, bị rữa nát và tan rã trong lòng đất mẹ mà không bao giờ chỗi dậy được nữa” (2 Nê Phi 9:6–7).

Chúa Giê Su Là Đấng Hoàn Hảo Duy Nhất

Trong Giáo Lý và Giao Ước, Đấng Cứu Rỗi nói: “Thưa Cha, xin hãy nhìn những sự đau khổ và cái chết của người mà không hề phạm tội, người mà Cha rất hài lòng; xin hãy nhìn máu Con của Cha đã đổ ra, máu của người mà Cha đã ban cho để Cha có thể được vinh hiển;” (GLGƯ 45:4).

Chúa Giê Su là người duy nhất được hoàn hảo, không có tội lỗi. Sự hy sinh trong Kinh Cựu Ước có nghĩa là một sự hy sinh bằng máu—biểu tượng cho sự hy sinh của Chúa và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta trên thập tự giá để làm tròn sự hy sinh chuộc tội. Khi của lễ hy sinh bằng máu được thực hiện trong các đền thờ cổ xưa, các thầy tư tế hy sinh một con chiên con không tì vết, hoàn hảo về mọi mặt. Đấng Cứu Rỗi thường được đề cập đến trong thánh thư là “Chiên Con của Thượng Đế” vì sự thanh khiết của Ngài (xin xem ví dụ, Giăng 1:29, 36; 1 Nê Phi 12:6; 14:10; GLGƯ 88:106).

Phi E Rơ đã dạy rằng chúng ta được cứu chuộc “là bởi huyết báu Đấng Ky Tô, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít” (1 Phi E Rơ 1:19).

Chúa Giê Su Ky Tô Cất Bỏ Tội Lỗi của Thế Gian

Những câu thánh thư sau đây nói rõ rằng qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta:

“Tất cả chúng ta đều như chiên đi lạc; mỗi người chúng ta đều đi theo con đường riêng của mình; và Chúa đã chất sự bất chính của tất cả chúng ta lên mình người” (Mô Si A 14:6).

“Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Ky Tô vì chúng ta chịu chết. …

“Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào.

“Nào những thế thôi, chúng ta lại còn khoe mình trong Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Giê Su Ky Tô chúng ta, nhờ Ngài mà chúng ta hiện nay đã được sự hòa thuận. …

“Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình” (Rô Ma 5:8, 10–11, 19).

“Cho được ứng nghiệm lời của Đấng tiên tri Ê Sai đã nói rằng: Chính Ngài đã lấy tật nguyền của chúng ta, và gánh bịnh hoạn của chúng” (Ma Thi Ơ 8:17).

“Nhưng Thượng Đế lúc nào cũng vẫn là Thượng Đế, và sự thương xót đòi hỏi những kẻ ăn năn, và sự thương xót sẽ nhờ sự chuộc tội mà đến; và sự chuộc tội sẽ đem lại sự phục sinh của người chết; và sự phục sinh của người chết sẽ đem loài người trở lại chốn hiện diện của Thượng Đế; và như vậy là họ được phục hồi lại nơi hiện diện của Ngài, để được phán xét tùy theo những việc làm của họ, thể theo luật pháp và công lý. …

“Và như vậy Thượng Đế mới thực hiện được tất cả những mục đích vĩ đại và vĩnh cửu của Ngài mà đã được chuẩn bị từ lúc thế gian mới được tạo dựng. Và do đó, mới có sự cứu rỗi và sự cứu chuộc loài người, và cả sự hủy diệt và sự khốn cùng của họ nữa” (An Ma 42:23, 26).

Chúa Giê Su Chịu Đựng đến Cùng

Hình Ảnh
Christ on the cross

Ngày Buồn Thảm ở Đồi Sọ, tranh do J. Kirk Richards họa

Chúa Giê Su Ky Tô chịu đựng những thử thách, đau khổ, hy sinh, và gian truân của Vườn Ghết Sê Ma Nê, cũng như nỗi thống khổ của Đồi Sọ trên cây thập tự. Rồi cuối cùng, Ngài có thể nói: “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30). Ngài đã hoàn thành công việc của Ngài trên trần thế và chịu đựng đến cùng, do đó hoàn thành sự hy sinh chuộc tội.

Ngài đã nói trong khu vườn: “Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con, song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha” (Ma Thi Ơ 26:39).

Trong Giáo Lý và Giao Ước chúng ta được dạy rằng:

“Nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng vĩ đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn—và ta mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy, và co rúm—

“Tuy nhiên, vinh quang là thuộc về Đức Chúa Cha, và ta đã tham dự và hoàn tất những việc chuẩn bị của ta cho con cái loài người” (GLGƯ 19:18–19).

Chúa Giê Su thưa cùng Cha Ngài: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm” (Giăng 17:4).

Rồi, ở trên cây thập tự, “khi Đức Chúa Giê Su chịu lấy giấm ấy rồi, bèn phán rằng: Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn” (Giăng 19:30).

Chúa Giê Su đến thế gian, giữ thiên tính của Ngài để Ngài có thể thực hiện sự hy sinh chuộc tội, và chịu đựng đến cùng.

Tưởng Nhớ tới Ngài qua Tiệc Thánh

Ngày nay chúng ta tưởng nhớ tới sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi với những biểu tượng bánh và nước—biểu tượng của thể xác và máu của Ngài—như đã được quy định tại Bữa Ăn Tối Cuối Cùng của Chúa với Các Sứ Đồ của Ngài.

“Đoạn, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta.

“Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra” (Lu Ca 22:19–20).

Chúng ta đọc trong Giăng 11:25–26:

“Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi:

“Còn ai sống và tin ta thì không hề chết.”

Chúng ta cũng đọc: “Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô cùng; và bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian tức là thịt ta” (Giăng 6:51).

“Sự sống của thế gian” có nghĩa là cuộc sống vĩnh cửu.

Chúng ta cần phải chuẩn bị cho mình và gia đình mình hàng tuần để được xứng đáng dự phần Tiệc Thánh và tái lập các giao ước của chúng ta với tấm lòng hối cải.

Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử Yêu Thương Chúng Ta

Hình Ảnh
Resurrected Christ

Thô Ma, Chớ Nghi Ngờ tranh do J. Kirk Richards họa

Đức Chúa Cha gửi Vị Nam Tử đến thế gian—sự hạ cố—để cho Ngài bị đóng đinh và trải qua tất cả những gì Ngài phải trải qua. Chúng ta đọc trong Giăng:

“… Đức Chúa Giê Su đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.

“Ví bằng các ngươi biết ta, thì cũng biết Cha ta; và từ bây giờ các ngươi biết và đã thấy Ngài” (Giăng 14:6–7).

“Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta” (1 Giăng 4:10).

Của lễ chuộc tội có nghĩa là sự hòa giải hay làm cho dịu đi.

Kết luận

Mọi người đến thế gian và nhận được một thể xác hữu diệt sẽ được phục sinh, nhưng chúng ta phải cố gắng để tiếp nhận phước lành của sự tôn cao qua lòng trung tín, quyền tự quyết, sự vâng lời, và sự hối cải của chúng ta. Lòng thương xót sẽ được ban ra với công lý, cho phép sự hối cải.

Vì chúng ta đã chọn noi theo và chấp nhận Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, nên chúng ta mang lấy danh Ngài tại lễ báp têm của mình. Chúng ta chấp nhận luật vâng lời. Chúng ta hứa sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Chúng ta tái lập các giao ước của mình khi dự phần Tiệc Thánh.

Bằng cách tái lập các giao ước của mình, chúng ta được ban cho lời hứa có được Thánh Linh của Ngài luôn luôn ở cùng chúng ta. Nếu để cho Thánh Linh của Ngài đi vào cuộc sống của chúng ta và hướng dẫn cuộc sống của mình, chúng ta có thể trở lại nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, tức là kế hoạch hạnh phúc của hai Ngài dành cho chúng ta—kế hoạch cứu rỗi.

Ghi Chú

  1. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 49.