2010
Mục Đích của Các Đền Thờ Này Là Gì?
2010


Mục Đích của Các Đền Thờ Này Là Gì?

Các Đền Thờ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là các công trình kiến trúc thiêng liêng mà trong đó những câu hỏi về vĩnh cửu được giải đáp.

Đền thờ là nơi những câu hỏi của chúng ta về cuộc sống có được câu giải đáp về vĩnh cửu

Có bao giờ một người nam hay người nữ, trong lúc suy ngẫm lặng lẽ, đã không suy nghĩ về những lẽ huyền vi trang trọng của cuộc sống không?

Người ấy có hỏi: “Tôi từ đâu đến? Tại sao tôi ở đây? Tôi sẽ đi đâu? Mối quan hệ của tôi với Đấng Sáng Tạo của tôi là gì? Cái chết sẽ cướp đi những mối quan hệ quý báu của tôi trong cuộc sống chăng? Còn mối quan hệ của tôi với gia đình mình thì sao? Sẽ có cuộc sống khác sau cuộc sống này không, và nếu có, thì chúng ta sẽ biết nhau ở đó không?”

Câu giải đáp cho những câu hỏi này không được tìm thấy trong sự khôn ngoan của thế gian. Chúng chỉ được tìm thấy trong lời mặc khải của Thượng Đế mà thôi. Các Đền Thờ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là các công trình kiến trúc thiêng liêng trong đó những câu hỏi này và những câu hỏi khác về vĩnh cửu được giải đáp. Mỗi đền thờ được làm lễ cung hiến với tính cách là nhà của Chúa, một nơi thiêng liêng và bình an đã được biệt riêng ra khỏi thế gian. Các lẽ thật này được giảng dạy cùng các giáo lễ được thực hiện mang đến sự hiểu biết về những sự việc vĩnh cửu và thúc đẩy những người tham dự sống với một sự hiểu biết về việc thừa hưởng thiêng liêng của mình với tư cách là con cái của Thượng Đế cũng như một ý thức về tiềm năng của mình với tư cách là những con người vĩnh cửu.

Các đền thờ rất độc đáo trong mục đích và chức năng so với tất cả các tòa nhà tôn giáo khác.

Các tòa nhà này, khác với hằng ngàn các nhà thờ phượng thông thường khác của Giáo Hội ở khắp nơi trên thế giới, rất độc đáo trong mục đích và chức năng so với tất cả các tòa nhà tôn giáo khác. Không phải kích thước hoặc kiến trúc tuyệt mỹ của các tòa nhà này làm cho chúng được như vậy. Mà chính là công việc tiếp tục thực hiện ở bên trong các tòa nhà này.

Việc chỉ định một số tòa nhà nào đó cho những giáo lễ đặc biệt, khác với những nơi thờ phượng thông thường, đều không mới mẻ. Đây là lối thực hành ở Y Sơ Ra Ên thời xưa nơi người ta thường thờ phượng trong các nhà hội. Trước hết, nơi thiêng liêng hơn của họ là đền tạm trong vùng hoang dã với Sự Chí Thánh, và rồi có một chuỗi đền thờ nối tiếp nhau, là nơi các giáo lễ đặc biệt được thực hiện và là nơi chỉ có những người hội đủ điều kiện mới có thể tham dự vào các giáo lễ này.

Điều đó cũng như vậy ngày nay. Trước lễ cung hiến một đền thờ, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô mời công chúng đi tham quan tòa nhà và xem nhiều tiện nghi khác nhau của tòa nhà. Nhưng khi được làm lễ cung hiến rồi thì tòa nhà trở thành nhà của Chúa, có được đặc điểm rất thiêng liêng đến nỗi chỉ có các tín hữu xứng đáng của Giáo Hội mới được phép vào mà thôi. Đó không phải là một vấn đề bí mật. Mà đó là một vấn đề thiêng liêng.

Công việc đền thờ liên quan đến mỗi người chúng ta với tư cách là những người trong gia đình vĩnh cửu của Thượng Đế.

Công việc được tiếp tục thực hiện trong những tòa nhà này trình bày các mục đích vĩnh cửu của Thượng Đế liên quan đến loài người tức là con cái và tạo vật của Thượng Đế. Phần lớn, công việc đền thờ liên quan đến gia đình, mà mỗi người chúng ta với tư cách là những người trong gia đình vĩnh cửu của Thượng Đế và mỗi người chúng ta là những người trong gia đình trên thế gian. Điều đó liên quan đến tính chất thiêng liêng và vĩnh cửu của giao ước hôn nhân cũng như mối quan hệ gia đình.

Điều đó xác nhận rằng mỗi người nam và người nữ sinh ra trên thế gian đều là con của Thượng Đế và được ban cho một điều gì đó thuộc vào thiên tính của Ngài. Việc lặp lại những điều giảng dạy cơ bản và thiết yếu này có một hiệu quả hữu ích đối với những người tiếp nhận những điều giảng dạy này, vì khi giáo lý được trình bày rõ ràng bằng ngôn ngữ tuyệt vời lẫn đầy ấn tượng sâu sắc, thì những người tham dự bắt đầu nhận biết rằng vì mỗi người nam và người nữ là con của Cha Thiên Thượng nên mỗi người đều thuộc vào một gia đình thiêng liêng; do đó, mọi người đều là anh chị em của nhau.

Khi được thầy thông giáo hỏi: “Trong các điều răn, điều nào là đầu hết?” Đấng Cứu Rỗi đáp: “Nầy là điều đầu nhất: Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.

“Nầy là điều thứ hai: Ngươi phải yêu kẻ lân cận như mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó” (Mác 12:28, 30–31).

Những điều giảng dạy được trình bày trong các đền thờ hiện đại nhấn mạnh đến khái niệm cơ bản về bổn phận của chúng ta đối với Đấng Sáng Tạo và những người lân cận của mình. Các giáo lễ thiêng liêng nới rộng triết lý cao quý này về gia đình của Thượng Đế. Các giáo lễ này giảng dạy rằng linh hồn ở bên trong mỗi người chúng ta là vĩnh cửu, trái với thể xác là hữu diệt. Các giáo lễ này không những mang đến sự hiểu biết về các lẽ thật lớn lao này mà còn thúc đẩy người tham dự gia tăng tình yêu thương đối với Thượng Đế và khuyến khích người ấy bày tỏ mối giao hảo thân thiện hơn đối với những con cái khác của Đức Chúa Cha.

Việc chấp nhận nguyên tắc rằng mỗi người là con của Thượng Đế giúp chúng ta thấy rằng có mục đích thiêng liêng trong cuộc sống hữu diệt. Một lần nữa ở đây, lẽ thật mặc khải được giảng dạy trong nhà của Chúa. Cuộc sống thế gian là một phần cuộc hành trình vĩnh cửu. Chúng ta từng sống với tư cách là các con cái linh hồn trước khi chúng ta đến đây. Thánh thư làm chứng về điều này. Hãy lưu ý đến lời của Chúa phán với Giê Rê Mi: “Trước khi tạo nên ngươi trong lòng mẹ, ta đã biết ngươi rồi; trước khi ngươi sanh ra, ta đã biệt riêng ngươi, lập ngươi làm kẻ tiên tri cho các nước” (Giê Rê Mi 1:5).

Mối quan hệ quý báu của cuộc sống gia đình có thể tiếp tục trong thế giới mai sau

Chúng ta vào cuộc sống này với tư cách là con cái của cha mẹ hữu diệt và những người trong gia đình. Cha mẹ là những người cộng sự với Thượng Đế trong việc mang lại mục đích vĩnh cửu của Ngài liên quan đến con cái của Ngài. Do đó, gia đình là một tổ chức thiêng liêng, một tổ chức quan trọng nhất trong cuộc sống hữu diệt lẫn trong cuộc sống vĩnh cửu.

Phần lớn công việc xảy ra bên trong đền thờ là về gia đình. Sự hiểu biết cơ bản về ý nghĩa của công việc này là công nhận sự kiện rằng, giống như chúng ta đã sống với tư cách là con cái của Thượng Đế trước khi sinh ra trên thế gian này, chúng ta cũng sẽ tiếp tục sống sau khi chết, và mối quan hệ trần thế quý báu lẫn mãn nguyện, tuyệt vời và có ý nghĩa nhất, được tìm thấy trong gia đình, đều có thể tiếp tục trong thế giới mai sau.

Khi một người nam và người nữ kết hôn trong nhà của Chúa, họ được kết hợp không những cho thời gian cuộc sống trần thế của họ mà còn cho suốt thời vĩnh cửu. Họ được ràng buộc với nhau dưới thẩm quyền không những của luật pháp trong xứ xở nơi kết hợp họ cho đến khi chết mà cũng còn qua chức tư tế vĩnh cửu của Thượng Đế, là chức tư tế ràng buộc trên trời những gì được ràng buộc dưới thế gian. Cặp vợ chồng được kết hôn như vậy có được sự bảo đảm của sự mặc khải thiêng liêng rằng mối quan hệ của họ và với con cái của họ sẽ không kết thúc với cái chết mà sẽ tiếp tục trong thời vĩnh cửu, nếu họ sống xứng đáng với phước lành đó.

Có người nam nào thật sự yêu một người nữ, hoặc một người nữ thật sự yêu một người nam mà không cầu nguyện cho mối quan hệ của họ có thể tiếp tục sau khi chết không? Có đứa con nào được chôn cất bởi những người cha mẹ mà không mong muốn có được sự bảo đảm rằng đứa con yêu dấu của mình sẽ thuộc về mình một lần nữa trong thế giới mai sau không? Có thể nào bất cứ ai tin tưởng vào cuộc sống vĩnh cửu lại nghi ngờ việc Thượng Đế trên trời sẽ ban cho các con trai và con gái của Ngài thuộc tính quý báu nhất của cuộc sống, tức là tình yêu thương được bày tỏ một cách có ý nghĩa nhất trong mối quan hệ gia đình sao? Không đâu, vì Thượng Đế yêu thương chúng ta nên mối quan hệ gia đình sẽ tiếp tục sau khi chết. Tấm lòng con người khát khao mối quan hệ đó và Thượng Đế trên trời đã mặc khải cách thức để qua đó mối quan hệ ấy có thể được bảo đảm. Các giáo lễ thiêng liêng trong nhà của Chúa cung ứng mối quan hệ đó.

Các phước lành của đền thờ có sẵn cho tất cả mọi người.

Nhưng tất cả những điều này quả thật dường như là bất công nếu phước lành của các giáo lễ này chỉ dành cho những người hiện là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô mà thôi. Sự thật là cơ hội vào đền thờ và dự phần các phước lành của đền thờ được mở rộng cho tất cả những ai chấp nhận phúc âm và chịu phép báp têm vào Giáo Hội. Vì lý do này, Giáo Hội đưa ra một chương trình truyền giáo rộng rãi trên phần lớn thế giới và sẽ tiếp tục nới rộng chương trình này càng lan rộng ra nhiều càng tốt vì dưới sự mặc khải thiêng liêng, Giáo Hội có trách nhiệm giảng dạy phúc âm cho mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ và dân tộc.

Nhưng có hằng triệu người không đếm được đã sống trên thế gian mà chưa bao giờ có cơ hội để nghe phúc âm. Họ sẽ bị khước từ các phước lành được ban cho trong các đền thờ của Chúa không?

Qua những người đang sống thay mặt cho người chết, các giáo lễ đó có sẵn cho những người đã qua đời. Rồi trong thế giới linh hồn, những người này tự do chấp nhận hoặc khước từ các giáo lễ thực hiện trên trần thế thay cho họ, kể cả phép báp têm, lễ hôn phối và lễ gắn bó mối quan hệ gia đình. Không có gì bắt buộc trong công việc của Chúa, nhưng phải có cơ hội.

Công việc trong đền thờ là công việc vì tình thương của người sống thay mặt cho người chết.

Công việc làm thay này tạo thành một công việc chưa từng có vì tình thương của người sống thay mặt cho người chết. Điều này cần có một công việc nặng nề để sưu tầm lịch sử gia đình nhằm tìm kiếm và nhận ra những người đã qua đời. Để phụ giúp trong công việc sưu tầm này, Giáo Hội phối hợp một chương trình về lịch sử gia đình và duy trì những tiện nghi sưu tầm có một không hai trên khắp thế giới. Các văn khố của Giáo Hội được mở cửa cho công chúng và được sử dụng bởi nhiều người không phải là tín hữu của Giáo Hội trong việc tìm kiếm tổ tiên của họ. Chương trình này đã được những nhà phả hệ học trên khắp thế giới ngợi khen và đã được nhiều quốc gia khác nhau sử dụng với tinh cách là bộ phận bảo vệ các hồ sơ của họ. Nhưng mục đích chính yếu của chương trình này là cung ứng cho các tín hữu của Giáo Hội nguồn tài liệu cần thiết để nhận ra các tổ tiên của họ để họ có thể mang đến cho tổ tiên mình các phước lành mà chính họ đang vui hưởng. Tựa như họ nói với chính mình: “Nếu tôi yêu thương vợ con mình thắm thiết đến nỗi tôi muốn có họ trong suốt thời vĩnh cửu, thì các ông bà tổ tiên khác đã qua đời của tôi cũng cần có cơ hội để nhận được cùng các phước lành vĩnh cửu đó vậy?”

Các đền thờ mang đến cơ hội học hỏi về những sự việc có ý nghĩa thật sự trong cuộc sống.

Và như thế các tòa nhà thiêng liêng này là các quang cảnh sinh hoạt khác thường, một cách yên tĩnh và đầy tôn kính. Các tòa nhà này nhắc chúng ta nhớ đến một phần khải tượng của Giăng Vị Mặc Khải mà trong đó câu hỏi và câu giải đáp này được ghi chép như sau: “Những kẻ mặc áo dài trắng đó là ai, và bởi đâu mà đến? …

“Đó là những kẻ ra khỏi cơn đại nạn, đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con.

“Ấy vì đó mà chúng được ở trước ngôi Đức Chúa Trời, và ngày đêm hầu việc Ngài trong đền Ngài” (Khải Huyền 7:13–15).

Những người đến các ngôi nhà thiêng liêng này đều mặc quần áo trắng khi họ tham dự các giáo lễ trong đó. Họ chỉ đến đền thờ khi được các vị thẩm quyền trong Giáo Hội địa phương giới thiệu và chứng nhận về sự xứng đáng của họ. Họ được kỳ vọng có ý nghĩ trong sạch, thân thể và quần áo sạch sẽ để bước vào đền thờ của Thượng Đế. Khi đi vào đền thờ, họ được kỳ vọng phải bỏ lại thế giới sau lưng họ và chú tâm đến những sự việc thiêng liêng.

Chính lối thực hành này, nếu điều này có thể được gọi là như vậy, mang theo những điều lợi ích cho những người nào trong thời gian đầy căng thẳng này mà sẽ lại không đón mừng một cơ hội bỏ lại đằng sau thế gian và bước vào nhà của Chúa, để lặng lẽ suy ngẫm những sự việc thuộc linh của Thượng Đế ở nơi đó sao? Những nơi thiêng liêng này mang đến cơ hội không hề có ở nơi nào khác để học hỏi và suy ngẫm về những sự việc thật sự đầy ý nghĩa của cuộc sống—mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế cũng như cuộc hành trình vĩnh cửu của chúng ta từ một trạng thái tiền dương thế đến cuộc sống này rồi đến một trạng thái tương lai nơi mà chúng ta sẽ biết giao tiếp với nhau, kể cả những người thân và tổ tiên của chúng ta là những người đã sống trước chúng ta và là những người chúng ta đã thừa hưởng thể xác, tâm trí và tinh thần từ họ.

Trong đền thờ, chúng ta được ban cho lời hứa về các phước lành trường cửu của Thượng Đế.

Chắc chắn các đền thờ này thật là độc nhất vô nhị trong số tất cả các tòa nhà khác. Đó là ngôi nhà chỉ dẫn. Đó là nơi chốn của các giao ước và lời hứa. Chúng ta quỳ xuống tại bàn thờ trong các ngôi nhà đó trước Thượng Đế, Đấng Sáng Tạo của chúng ta và được ban cho lời hứa về các phước lành trường cửu của Ngài. Trong những nơi thánh thiện của đền thờ, chúng ta giao tiếp với Ngài cùng suy ngẫm về Vị Nam Tử của Ngài, Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng phục vụ với tư cách là người đại diện hy sinh thay cho chúng ta. Nơi đây, chúng ta để qua một bên tính ích kỷ của mình và phục vụ những người không thể tự mình phục vụ được. Nơi đây, dưới quyền năng chức tư tế chân chính của Thượng Đế, chúng ta được ràng buộc với nhau trong mối quan hệ thiêng liêng nhất của tất cả nhân loại—với tư cách là vợ chồng, con cái với cha mẹ, gia đình với nhau trong lễ gắn bó mà thời gian không thể hủy diệt và cái chết không thể làm gián đoạn được.

Các tòa nhà thiêng liêng này được xây cất ngay cả trong những năm tháng khó khăn khi Các Thánh Hữu Ngày Sau bị xua đuổi và ngược đãi liên tục. Các tòa nhà này đã được xây cất và bảo trì trong lúc nghèo khó lẫn thịnh vượng. Các tòa nhà này có được từ đức tin mãnh liệt của con số gia tăng liên tục những người làm chứng về một Thượng Đế hằng sống, về Chúa phục sinh, về các vị tiên tri và sự mặc khải thiêng liêng, cũng như về sự bình an và bảo đảm của các phước lành vĩnh cửu chỉ được tìm thấy trong nhà của Chúa.

Hồ Báp Têm, Đền Thờ Papeete Tahiti.

Đền Thờ Stockholm Sweden. Được Làm Lễ Cung Hiến vào ngày 2 tháng Bảy năm 1985.

Đền Thờ Manti Utah. Được Làm Lễ Cung Hiến vào ngày 21 tháng Năm năm 1888. Được Làm Lễ Tái Cung Hiến vào ngày 14 tháng Sáu năm 1985.