2010
Đền Thờ Thánh
2010


Đền Thờ Thánh

Trong đền thờ, các tín hữu của Giáo Hội là những người làm cho mình hội đủ điều kiện đều có thể tham dự vào các giáo lễ cứu chuộc tôn cao nhất đã được mặc khải cho loài người.

Trong đền thờ chúng ta có thể tham dự vào các giáo lễ cứu chuộc tôn cao nhất

Có nhiều lý do để người ta nên mong muốn đến đền thờ. Ngay cả hình thức bên ngoài của đền thờ dường như cũng cho thấy các mục đích thuộc linh một cách nổi bật. Điều này càng hiển nhiên hơn ở bên trong đền thờ. Ở trên cánh cửa của đền thờ có ghi dòng chữ long trọng: “Thánh cho Chúa.” Khi bước vào bất cứ ngôi đền thờ nào đã được làm lễ cung hiến, thì các anh chị em đang ở trong nhà của Chúa.

Trong đền thờ, các tín hữu của Giáo Hội là những người làm cho mình hội đủ điều kiện đều có thể tham dự vào các giáo lễ cứu chuộc tôn cao nhất đã được mặc khải cho loài người. Nơi đó, trong một nghi lễ thiêng liêng, một người có thể được làm lễ thanh tẩy, được xức dầu, được giảng dạy, được làm lễ thiên ân và làm lễ gắn bó. Và sau khi đã nhận được các phước lành này cho mình, chúng ta có thể tham dự các giáo lễ đền thờ thay cho những người đã chết mà không có cơ hội đó. Trong đền thờ, các giáo lễ thiêng liêng được thực hiện cho người sống lẫn người chết.

Các giáo lễ và nghi thức của đền thờ rất giản dị, tuyệt diệu và thiêng liêng.

Khi đọc kỹ thánh thư, người ta thấy rằng Chúa không nói hết mọi điều cho tất cả mọi người. Có một số điều kiện cần thiết được đề ra để nhận được kiến thức thiêng liêng. Các nghi thức của đền thờ thuộc vào loại này.

Chúng ta không thảo luận các giáo lễ đền thờ ở bên ngoài đền thờ. Thượng Đế không bao giờ có ý định rằng sự hiểu biết về các nghi thức đền thờ này chỉ được giới hạn cho một số người được chọn và bắt buộc phải bảo đảm rằng những người khác không bao giờ được học biết về các nghi thức này cả. Thật ra, hoàn toàn ngược lại. Với nỗ lực lớn, chúng tôi khuyến khích mỗi người đạt được đủ điều kiện và chuẩn bị cho kinh nghiệm đi đền thờ. Những người nào đã đến đền thờ đều được giảng dạy một lý tưởng: Một ngày nào đó, mỗi người đang sống cũng như mỗi người từng sống trước đây sẽ đều có cơ hội lắng nghe phúc âm và chấp nhận hoặc khước từ điều mà đền thờ mang lại cho họ. Nếu cơ hội này bị khước từ thì trách nhiệm thuộc về cá nhân của người đó bị khước từ.

Các giáo lễ và nghi thức của đền thờ rất giản dị. Các giáo lễ và nghi thức của đền thờ thật tuyệt diệu. Các giáo lễ và nghi thức của đền thờ thật thiêng liêng. Các giáo lễ và nghi thức của đền thờ được giữ kín mật để chúng không được ban cho những người chưa chuẩn bị để tiếp nhận chúng. Lòng tò mò không phải là một sự chuẩn bị. Niềm thích thú háo hức tự nó không phải là sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị cho các giáo lễ gồm có những bước mở đầu: đức tin, sự hối cải, phép báp têm, lễ xác nhận, sự xứng đáng, sự chín chắn và phẩm cách xứng đáng của một người được mời đến với tư cách là người khách vào nhà của Chúa.

Những người nào xứng đáng đều có thể bước vào đền thờ

Tất cả những người xứng đáng và hội đủ điều kiện về mọi phương diện đều có thể bước vào đền thờ, rồi được giới thiệu với các nghi thức và giáo lễ thiêng liêng ở trong đó.

Một khi các anh chị em hiểu được giá trị của các phước lành đền thờ và tính thiêng liêng của các giáo lễ được thực hiện trong đền thờ thì các anh chị em sẽ không nghi ngờ các tiêu chuẩn cao do Chúa đề ra để bước vào đền thờ thánh.

Các anh chị em phải có một giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành để được phép vào đền thờ. Giấy giới thiêụ này cần phải được các chức sắc thích hợp của Giáo Hội ký vào. Chỉ những người nào xứng đáng mới nên đi đền thờ. Vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh ở điạ phương của các anh chị em có trách nhiệm phỏng vấn về sự xứng đáng cá nhân của các anh chị em trước khi các anh chị em nhận được các giáo lễ đền thờ. Cuộc phỏng vấn này rất quan trọng vì đó là dịp để cùng với một tôi tớ đã được sắc phong của Chúa xem xét cuộc sống của các anh chị em. Nếu có điều gì sai trái trong cuộc sống của các anh chị em, vị giám trợ sẽ có thể giúp các anh chị em giải quyết điều đó. Qua thủ tục này, các anh chị em có thể nói hoặc có thể được giúp đỡ nhằm làm cho mình xứng đáng để bước vào đền thờ với sự chấp thuận của Chúa.

Cuộc phỏng vấn cho giấy giới thiệu đi đền thờ được thực hiện riêng giữa vị giám trợ và người tín hữu Giáo Hội có liên quan. Ở đây, người tín hữu được hỏi với những câu hỏi thăm dò về hạnh kiểm, sự xứng đáng và lòng trung thành của cá nhân đối với Giáo Hội và các chức sắc của Giáo Hôị. Người ấy cần phải chứng nhận là mình được trong sạch về mặt đạo đức và đang tuân giữ Lời Thông Sáng, đóng tiền thập phân, sống phù hợp theo những lời giảng dạy của Giáo Hội và không ủng hộ hoặc liên kết với các nhóm bội giáo nào. Vị giám trợ được chỉ dẫn rằng trong việc xử lý những vấn đề này với mỗi người được phỏng vấn, sự kín nhiệm là vô cùng quan trọng.

Những câu trả lời có thể chấp nhận được đối với những câu hỏi của vị giám trợ thông thường sẽ xác định việc một cá nhân xứng đáng để nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ. Nếu một người xin giấy giới thiệu đi đền thờ không tuân giữ các lệnh truyền hoặc có một điều gì chưa được giải quyết về cuộc sống của người ấy mà cần phải được sắp xếp lại cho có trật tự, thì người ấy sẽ cần phải cho thấy rằng mình thật sự hối cải trước khi giấy giới thiệu đi đền thờ được cấp cho người ấy.

Sau khi vị giám trợ đã điều khiển một cuộc phỏng vấn như vậy, thì vị chủ tịch giáo khu cũng có cuộc phỏng vấn tương tự với các anh chị em trước khi các anh chị em có thể nhận được các giáo lễ đền thờ.

Việc giảng dạy trong đền thờ là biểu tượng

Trước khi đi đền thờ lần đầu tiên, hoặc ngay cả đã đi đền thờ nhiều lần, các anh chị em có thể nhận thấy rằng việc giảng dạy trong các đền thờ được thực hiện bằng biểu tượng. Chúa, Đấng Chủ Tể, đưa ra nhiều lời giảng dạy của Ngài theo cách này.

Đền thờ là một trường học quan trọng. Đó là ngôi nhà học hỏi. Trong các đền thờ, bầu không khí học hỏi được duy trì để đền thờ là nơi lý tưởng cho việc giảng dạy về những vấn đề vô cùng thuộc linh. Cố Anh Cả John A. Widtsoe thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là một vị chủ tịch lỗi lạc của trường đại học và là một học giả nổi tiếng trên thế giới. Ông có lòng tôn kính lớn lao đối với công việc đền thờ và đã nói trong một dịp nọ:

“Các giáo lễ đền thờ bao gồm toàn thể kế hoạch cứu rỗi, như đã được các vị lãnh đạo của Giáo Hội thỉnh thoảng giảng dạy, và làm sáng tỏ các vấn đề khó hiểu. Không có điều gì lệch lạc hoặc bóp méo trong việc làm cho những điều giảng dạy trong đền thờ thích hợp với kế hoạch cứu rỗi vĩ đại. Triết lý trọn vẹn của lễ thiên ân là một trong những lý lẽ vững vàng về lẽ trung thực của các giáo lễ đền thờ. Hơn nữa, việc xem xét trọn vẹn và giải thích kế hoạch Phúc Âm làm cho việc thờ phượng trong đền thờ thành một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để nhắc nhở về toàn thể cấu trúc của Phúc Âm” (“Temple Worship,” Utah Genealogical and Historical Magazine, tháng Tư năm 1921, 58).

Nếu chịu đi đền thờ và nhớ rằng việc giảng dạy là biểu tượng thì các anh chị em sẽ không bao giờ đi vào đền thờ trong tinh thần đứng đắn mà khi ra về lại không có tầm nhìn rộng hơn, cảm thấy được tôn cao hơn một chút, với sự hiểu biết gia tăng về những sự việc thuộc linh. Kế hoạch giảng dạy thật xuất sắc, đầy soi dẫn. Chính Chúa, Đấng Chủ Tể, đã liên tục giảng dạy các môn đồ của Ngài bằng các câu chuyện ngụ ngôn—một lối nói chuyện để trình bày những sự việc bằng biểu tượng mà nếu không làm thế thì rất khó hiểu.

Đền thờ tự nó trở thành một biểu tượng. Nếu đã thấy một đền thờ thắp đèn sáng trưng vào ban đêm thì các anh chị em biết rằng đó thật là một quang cảnh có thể gây ấn tượng biết bao. Ngôi nhà của Chúa, đắm mình trong ánh sáng, nổi bật trong màn đêm, trở thành biểu tượng cho quyền năng và sự soi dẫn của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cùng đứng làm ngọn hải đăng cho thế gian đang chìm sâu hơn trong bóng tối thuộc linh.

Khi bước vào đền thờ, các anh chị em thay quần áo thường ngày để mặc quần áo trắng của đền thờ. Việc thay đổi quần áo này xảy ra trong phòng thay đồ là nơi mỗi người được sử dụng một ngăn tủ có khóa và một chỗ thay quần áo hoàn toàn riêng tư. Trong đền thờ, quan niệm về sự trang nhã được duy trì kỹ. Khi các anh chị em để quần áo của mình vào ngăn tủ có khóa, các anh chị em bỏ lại những mối lo âu, băn khoăn và xao lãng ở đó với quần áo của mình. Các anh chị em bước ra khỏi chỗ thay đồ nhỏ và riêng tư này với quần áo màu trắng rồi các anh chị em cảm thấy tinh thần đồng nhất, một cảm giác bình đẳng, đối với tất cả mọi người chung quanh cũng ăn mặc tương tự như mình.

Lễ hôn phối đền thờ là giáo lễ cơ bản của đền thờ.

Các anh chị em nào đang trông mong lễ hôn phối đền thờ có lẽ muốn biết điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta không nhắc lại những lời làm lễ gắn bó (hôn nhân) ở bên ngoài đền thờ, nhưng chúng ta có thể mô tả phòng làm lễ gắn bó thì xinh đẹp trong khung cảnh của nó, yên tĩnh và thanh tịnh trong tinh thần cũng như thánh thiện bởi công việc thiêng liêng được thực hiện ở đó.

Trước khi cặp vợ chồng tiến đến bàn thờ để làm lễ gắn bó, người hành lễ có đặc ân để đưa ra lời khuyên bảo, và cặp vợ chồng trẻ có đặc ân để tiếp nhận. Đây là trong số những ý nghĩ mà một cặp vợ chồng trẻ có thể nghe trong dịp này.

“Hôm nay là ngày hôn lễ của anh chị. Anh chị quá đỗi xúc động trong hôn lễ của mình. Đền thờ được xây cất với tính cách là nơi tôn nghiêm dành cho những giáo lễ như vậy. Chúng ta không thuộc thế gian. Những sự việc của thế gian không áp dụng ở nơi đây và cũng không nên có ảnh hưởng đối với điều chúng ta đang làm nơi đây. Chúng ta đã bước ra khỏi thế gian để vào đền thờ của Chúa. Đây là ngày quan trọng nhất của cuộc sống anh chị.

“Anh chị được sinh ra, được mời đến thế gian, bởi các bậc cha mẹ đã chuẩn bị một thể xác trần tục cho linh hồn của anh chị trú ngụ. Mỗi anh chị đã chịu phép báp têm. Phép báp têm, một giáo lễ thiêng liêng, tượng trưng cho sự tẩy sạch, tượng trưng cho cái chết và sự sống lại, tượng trưng cho việc tiến đến một cuộc sống mới. Giáo lễ này gồm có sự hối cải và sự xá miễn tội lỗi. Tiệc Thánh của Bữa Ăn Tối của Chúa là một sự tái lập giao ước báp têm, và nếu sống theo, chúng ta có thể giữ lại sự xá miễn các tội lỗi của mình.

“Anh, là chú rể, đã được sắc phong chức tư tế. Trước tiên, anh đã được truyền giao cho Chức Tư Tế A Rôn và có lẽ đã tiến triển qua tất cả các chức phẩm của chức tư tế đó—thầy trợ tế, thầy giảng, và thầy tư tế. Rồi đến ngày anh được xem là xứng đáng để nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Chức tư tế đó, là chức tư tế cao hơn, được định rõ là chức tư tế theo thánh ban của Thượng Đế hay là Thánh Chức Tư Tế theo Ban của Vị Nam Tử của Thượng Đế (xin xem An Ma 13:18; Hê La Man 8:18; Giáo Lý và Giao Ước 107:2–4). Anh đã được ban cho một chức phẩm trong chức tư tế này. Anh hiện là một anh cả.

“Mỗi anh chị đã nhận được lễ thiên ân của mình. Trong lễ thiên ân đó, anh chị đã được ban cho một tiềm năng vĩnh cửu. Nhưng về một khía cạnh, tất cả những điều này đều là mở đầu và dự bị cho việc anh chị đến bên bàn thờ để được làm lễ gắn bó với tư cách là vợ chồng cho thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu. Anh chị hiện trở thành một gia đình, tự do hành động trong việc tạo lập cuộc sống, có được cơ hội qua sự tận tâm và hy sinh để mang con cái đến thế gian và nuôi nấng cùng dưỡng dục chúng một cách an toàn suốt cuộc sống trên trần thế của chúng; để một ngày nào đó thấy chúng đến tham dự các giáo lễ đền thờ thiêng liêng này, giống như anh chị đã đến tham dự.

“Anh chị tự nguyện đến và đã được xét thấy là xứng đáng. Việc chấp nhận nhau trong giao ước hôn nhân là một trách nhiệm lớn lao, một trách nhiệm kèm theo vô số phước lành.”

Quyền năng gắn bó ràng buộc trên thế gian lẫn trên thiên thượng.

Nếu muốn hiểu lịch sử lẫn giáo lý của công việc đền thờ, chúng ta cần phải hiểu quyền năng gắn bó là gì. Chúng ta cần phải hình dung, ít nhất đến một mức độ nào đó, lý do tại sao những chìa khóa của thẩm quyền để sử dụng quyền năng gắn bó là thiết yếu.

“Khi Đức Chúa Giê Su đã vào địa phận thành Sê Sa Rê Phi Líp, bèn hỏi môn đồ, mà rằng: Theo lời người ta nói thì Con người là ai? …

“Si Môn Phi E Rơ thưa rằng: Chúa là Đấng Ky Tô, con Đức Chúa Trời hằng sống.

“Bấy giờ, Đức Chúa Giê Su phán cùng người rằng: Hỡi Si Môn, con Giô Na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy.

“Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi E Rơ, ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.

“Ta sẽ giao chìa khóa nước thiên đàng cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ được mở ở trên trời” (Ma Thi Ơ 16:13, 16–19).

Phi E Rơ phải là người nắm giữ các chìa khóa. Phi E Rơ phải là người nắm giữ quyền năng gắn bó, thẩm quyền đó mang quyền năng ràng buộc hoặc gắn bó trên thế gian hoặc cởi bỏ trên thế gian và điều đó cũng như vậy trên thiên thượng. Các chìa khóa đó thuộc về Chủ Tịch của Giáo Hội—thuộc về vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Quyền năng gắn bó thiêng liêng đó hiện có trong Giáo Hội. Không có điều gì được xem là thiêng liêng hơn đối với những người biết được ý nghĩa của thẩm quyền này. Không có điều gì được nắm giữ chặt chẽ hơn. Vào bất cứ thời gian nào đã quy định trên thế gian, có tương đối ít người đã được giao phó cho quyền năng gắn bó này—trong mỗi đền thờ là những người anh em đã được ban cho quyền năng gắn bó. Không một ai có thể nhận được quyền năng đó ngoại trừ từ vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải và Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tiên Tri Joseph Smith nói rằng ông thường được hỏi: “‘Chúng ta có thể không được cứu nếu không nhận được tất cả các giáo lễ đó và những điều khác chăng?’ Tôi sẽ trả lời: Vâng, không có sự cứu rỗi trọn vẹn. Chúa Giê Su phán: ‘Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ.’ [Xin xem Giăng 14:2.] Ngôi Nhà được nói đến ở đây đáng lẽ phải được dịch là vương quốc; và bất cứ người nào được tôn cao vào chỗ ở cao nhất đều phải tuân theo luật pháp thượng thiên, và toàn thể luật pháp nữa” (trong History of the Church, 6:184).

Công việc đền thờ là một nguồn quyền năng thuộc linh

Đền thờ chính là trung tâm điểm của sức mạnh thuộc linh của Giáo Hội. Chúng ta nên biết rằng kẻ nghịch thù sẽ cố gắng gây trở ngại cho chúng ta với tư cách chung là một Giáo Hội và riêng mỗi người khi chúng ta tìm cách tham dự vào công việc thiêng liêng và đầy soi dẫn này. Công việc đền thờ gặp nhiều chống đối vì đó là nguồn quyền năng thuộc linh lớn lao cho Các Thánh Hữu Ngày Sau và cho toàn thể Giáo Hội.

Tại lễ cung hiến viên đá góc của Đền Thờ Logan Utah, Chủ Tịch George Q. Cannon, bấy giờ là thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã đưa ra lời phát biểu này:

“Mỗi tảng đá nền được đặt cho một Đền Thờ và mỗi Đền Thờ mà hoàn thành đúng theo lệnh của Chúa đã mặc khải cho Chức Tư Tế thánh của Ngài, đều làm giảm thiểu quyền lực của Sa Tan trên thế gian cùng làm gia tăng quyền năng của Thượng Đế và Sự Tin Kính, làm chuyển dời các tầng trời trong quyền năng phi thường thay mặt cho chúng ta, cầu khẩn và kêu cầu các phước lành của Các Thượng Đế Vĩnh Cửu và những người sống nơi hiện diện của Các Ngài trút xuống trên chúng ta” (trong “The Logan Temple,” Millennial Star, ngày 12 tháng Mười Một năm 1877, 743).

Khi các tín hữu của Giáo Hội lo lắng hoặc khi những quyết định then chốt nặng trĩu trong tâm trí họ, thì điều thông thường là họ đi đến đền thờ. Đó là một nơi rất tốt để mang theo những lo âu của chúng ta. Trong đền thờ, chúng ta có thể nhận được viễn cảnh thuộc linh. Ở nơi đó, trong thời gian thực hiện giáo lễ đền thờ, chúng ta “ở ngoài thế gian.”

Đôi khi tâm trí của chúng ta nặng trĩu các vấn đề và có rất nhiều điều đòi hỏi sự chú ý ngay lập tức đến nỗi chúng ta hoàn toàn không thể suy nghĩ cặn kẽ và thấy rõ ràng. Tại đền thờ, những hạt bụi xao lãng dường như lắng đọng, màn sương mù và khói mù dường như tan đi, cũng như chúng ta có thể “thấy” những điều chúng ta không thể thấy trước đó và tìm ra con đường vuợt qua những điều phiền toái mà chúng ta đã không biết trước đó.

Chúa sẽ ban phước cho chúng ta khi chúng ta thực hiện công việc giáo lễ thiêng liêng của đền thờ. Các phước lành ở nơi đó sẽ không bị giới hạn với sự phục vụ đền thờ của chúng ta. Chúng ta sẽ được ban phước trong tất cả các công việc làm của mình.

Những việc làm của chúng ta trong đền thờ che chở chúng ta với một tấm khiên và sự bảo vệ

Không có công việc nào bảo vệ cho Giáo Hội này nhiều hơn công việc đền thờ và công việc sưu tầm lịch sử gia đình hỗ trợ cho công việc đó. Không có công việc nào tinh vi hơn về phần thuộc linh. Không có công việc nào chúng ta làm lại ban cho chúng ta nhiều quyền năng hơn. Không có công việc nào đòi hỏi một tiêu chuẩn ngay chính cao hơn.

Những việc làm của chúng ta trong đền thờ che chở chúng ta với một tấm khiên và sự bảo vệ, cho riêng cá nhân lẫn chung một dân tộc.

Vậy hãy đến đền thờ—đến thỉnh cầu các phước lành của các anh chị em. Đó là một công việc thiêng liêng.

Đền Thờ Panama City Panama. Được Làm Lễ Cung Hiến vào ngày 10 tháng Tám năm 2008

Đền Thờ Tokyo Japan. Được Làm Lễ Cung Hiến vào ngày 27 tháng Mười năm 1980.

Đền Thờ Curitiba Brazil. Được Làm Lễ Cung Hiến vào ngày 1 tháng Sáu năm 2008.