2010
Chuẩn Bị cho Các Phước Lành của Đền Thờ
2010


Chuẩn Bị cho Các Phước Lành của Đền Thờ

Mỗi đền thờ tượng trưng cho đức tin của chúng ta nơi Thượng Đế và là bằng chứng về đức tin của chúng ta trong cuộc sống sau khi chết. Đền thờ là mục tiêu của mọi sinh hoạt, mọi bài học, mọi giai đoạn tiến triển trong Giáo Hội.

Vì đền thờ được chuẩn bị cho các tín hữu nên các tín hữu cần phải tự chuẩn bị cho đền thờ

Những dòng chữ “thánh cho Chúa” được ghi trên mỗi đền thờ.1 Câu đó chỉ rõ đền thờ lẫn mục đích của đền thờ là thiêng liêng. Những người nào vào đền thờ cũng mang tính thiêng liêng.2 Vì đền thờ được chuẩn bị cho các tín hữu nên các tín hữu cần phải tự chuẩn bị cho đền thờ.

Đền thờ khác biệt với những ngôi nhà thờ phượng khác. Không giống như giáo đường, đền thờ đóng cửa vào ngày Sa Bát để cho các tín hữu có thể đi nhà thờ và ở bên cạnh gia đình họ vào ngày thánh đó. Đền thờ được mở cửa cho công việc thiêng liêng vào những ngày khác trong tuần. Đền thờ thật sự là nhà của Chúa, được dành riêng cho các giáo lễ với ý nghĩa vĩnh cửu. Các giáo lễ đó gồm có phép báp têm, lễ hôn phối, lễ thiên ân và lễ gắn bó.

Mỗi đền thờ tượng trưng cho đức tin của chúng ta nơi Thượng Đế và là bằng chứng về đức tin của chúng ta trong cuộc sống sau khi chết. Đền thờ là mục tiêu của mọi sinh hoạt, mọi bài học, mọi giai đoạn tiến triển trong Giáo Hội. Tất cả các nỗ lực của chúng ta trong việc rao giảng phúc âm làm cho Các Thánh Hữu được toàn thiện và cứu chuộc người chết đều dẫn đến đền thờ thánh. Các giáo lễ của đền thờ là tuyệt đối thiết yếu. Chúng ta không thể trở lại nơi vinh quang của Thượng Đế mà không có các giáo lễ này.

Mỗi giáo lễ đền thờ là một hành động hứa hẹn long trọng

Trong đền thờ, chúng ta nhận được lễ thiên ân, tức là một ân tứ, nói theo nghĩa đen. Chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa thuộc linh của ân tứ đó và tầm quan trọng của việc tuân giữ các giao ước thiêng liêng và các bổn phận chúng ta lập khi tiếp nhận ân tứ này. Mỗi “giáo lễ đền thờ không phải là một lễ nghi chỉ để tiếp nhận không thôi mà còn là một hành động hứa hẹn long trọng.”3

Lễ thiên ân trong đền thờ được ban cho qua sự mặc khải. Do đó, tốt nhất là hiểu điều đó qua sự mặc khải, thiết tha tìm kiếm với một tấm lòng thanh khiết. Chủ Tịch Brigham Young giải thích rằng “lễ thiên ân của các anh chị em là, tiếp nhận tất cả các giáo lễ đó trong nhà của Chúa, là các giáo lễ cần thiết cho các anh chị em, sau khi các anh chị em từ giã cuộc sống này để có thể trở về nơi hiện diện của Đức Chúa Cha, bước ngang qua các thiên sứ đang đứng canh gác,… và đạt được sự tôn cao vĩnh cửu của mình.”4

Sự tuân theo các giao ước thiêng liêng được lập trong đền thờ làm cho chúng ta hội đủ điều kiện nhận được cuộc sống vĩnh cửu

Thẩm quyền gắn bó của chức tư tế được sử dụng trong mỗi đền thờ. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley giải thích rằng “không một vị vua nào, không một vị tổng thống của một quốc gia nào, không một chức sắc của bất cứ tổ chức nào trên thế giới mà chúng ta thuộc vào có bất cứ thẩm quyền nào đối với các vấn đề bên kia mộ phần. Mọi người đều bất lực trước cái chết, nhưng người thầy tư tế thượng phẩm khiêm nhường nhất, tốt lành và ngay chính là người đã nhận được thẩm quyền gắn bó thì có thể ràng buộc ở trên trời điều được ràng buộc dưới đất.”5

Giống như chức tư tế là vĩnh cửu—không có sự bắt đầu lẫn kết thúc—thẩm quyền của chức tư tế đó cũng như vậy.6 Do đó, các giáo lễ và giao ước của chức tư tế cũng vượt thời gian. Điều mặc khải đầu tiên được thiên sứ Mô Rô Ni ban cho Tiên Tri Joseph Smith đề cập đến thẩm quyền chức tư tế này.7 Trong những lời chỉ dẫn về sau ban cho Vị Tiên Tri về đền thờ, Chúa phán:

“Hãy xây cất ngôi nhà này cho danh ta, để ta có thể mặc khải những giáo lễ của ta ở trong đó cho dân ta biết;

“Vì ta thấy thích hợp để mặc khải cho giáo hội của ta biết về những điều đã bị che giấu trước khi thế gian được tạo dựng, những điều thuộc về gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn.”8

Chúng ta đang sống trong gian kỳ đó. Các đền thờ, giáo lễ, giao ước, lễ thiên ân và lễ gắn bó đã được phục hồi, chính xác như đã được tiên tri. Các giáo lễ của đền thờ cung ứng sự hòa giải với Chúa và gắn bó gia đình với nhau vĩnh viễn. Việc tuân theo các giao ước thiêng liêng được lập trong đền thờ làm cho chúng ta hội đủ điều kiện nhận được cuộc sống vĩnh cửu—ân tứ lớn nhất của Thượng Đế dành cho loài người.9

Bất cứ người nào sẵn lòng chuẩn bị kỹ đều có thể vào đền thờ

Vì đền thờ rất thiêng liêng nên Chúa đòi hỏi đền thờ phải được bảo vệ khỏi bị ô uế. Bất cứ người nào sẵn sàng chuẩn bị kỹ cho đặc ân đó đều có thể bước vào đền thờ. Khái niệm của sự chuẩn bị có được trong những sinh hoạt khác. Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, tôi đã nói với cha mẹ tôi là tôi muốn đi học đại học. Họ nói tôi có thể làm được điều đó nếu tôi học hành chăm chỉ ở trường và hội đủ mọi điều kiện để được nhận vào trường đại học. Tương tự như vậy, chúng ta cần phải hội đủ điều kiện để được vào đền thờ. Chúng ta chuẩn bị phần thể chất, trí tuệ và tinh thần. Việc đạt đủ tiêu chuẩn được xác định riêng đối với mỗi người xin giấy giới thiệu.

Những người nắm giữ các chìa khóa của thẩm quyền chức tư tế và có trách nhiệm đều giúp chúng ta chuẩn bị bằng cách điều khiển cuộc phỏng vấn giới thiệu đi đền thờ. Các vị lãnh đạo này lo lắng cho chúng ta và giúp chúng ta xác định xem chúng ta có sẵn sàng đi đền thờ không. Họ cũng yêu mến Chúa và bảo đảm “không một vật gì không thanh sạch được phép vào ngôi nhà của Ngài.”10 Do đó, những cuộc phỏng vấn này được điều khiển trong tinh thần trách nhiệm.

Các anh chị em chuẩn bị để có được giấy đi đền thờ như thế nào? Các anh chị em có thể hỏi ý kiến giám trợ đoàn, cũng như cha mẹ, gia đình, chủ tịch đoàn giáo khu, giảng viên hay người cố vấn nhóm túc số của mình. Những điều kiện rất giản dị. Nói một cách ngắn gọn, một cá nhân được đòi hỏi phải tuân giữ các lệnh truyền của Đấng mà ngôi nhà đó là của Ngài. Ngài đã đề ra các tiêu chuẩn. Chúng ta vào đền thờ với tư cách là khách của Ngài.

Chúa sẽ hài lòng nếu mỗi tín hữu thành niên đều được xứng đáng—và mang theo mình—một giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành. “Các cuộc phỏng vấn… cho giấy giới thiệu đi đền thờ, với [các thành viên trong giám trợ đoàn] và các thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu của các anh chị em là những kinh nghiệm quý báu. Và, trong một mặt, các cuộc phỏng vấn này có thể được xem như là ‘sự chuẩn bị’ cho cuộc họp lớn khi các anh chị em đứng trước Đấng Phán Quan Vĩ Đại.”11

Chuẩn bị phần thể chất để đi đền thờ

Giờ đây, với một giấy giới thiệu đi đền thờ trong tay, các anh chị em sẵn sàng chuẩn bị thêm. Các anh chị em chuẩn bị phần thể chất bằng cách ăn mặc thích hợp để đi đền thờ. Đền thờ không phải là nơi mặc quần áo thường. Các vị tiên tri ngày sau đã nhấn mạnh đến việc tự tôn trọng thân thể của mình. Sự tôn trọng đó cần phải được tuân theo nhất là đối với những người sẽ vào đền thờ thánh.12

Trong đền thờ, tất cả mọi người đều được mặc quần áo trắng tinh. “Biểu tượng thanh khiết của màu trắng như vậy nhắc chúng ta nhớ rằng Thượng Đế cần có một dân tộc thanh khiết.”13 Tuổi tác, quốc tịch, ngôn ngữ—ngay cả chức vụ trong Giáo Hội—đều không quan trọng. Tôi đã tham dự nhiều phiên lễ thiên ân mà có Chủ Tịch của Giáo Hội tham dự. Mỗi người nam trong căn phòng đều nhận được cùng một sự kính trọng như Vị Chủ Tịch. Tất cả đều ngồi cạnh nhau và được xem là bình đẳng dưới mắt Chúa. Qua cách ăn mặc bình đẳng, việc tham dự trong đền thờ nhắc chúng ta nhớ rằng “Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai.”14

Cô dâu và chú rể vào đền thờ để kết hôn với nhau cho thời tại thế lẫn suốt thời vĩnh cửu. Trong đền thờ, các cô dâu mặc áo đầm màu trắng, dài tay, kiểu và loại vải trang nhã kín đáo, không đồ trang sức lỉnh kỉnh. Người nam không mặc tuxedo hoặc đồ vét kiểu lễ phục. Chủ Tịch Boyd K. Packer, hiện là Chủ Tịch của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, viết: “Đó là điều làm hài lòng Chúa khi chúng ta tắm rửa thân thể mình và mặc vào áo quần sạch sẽ, dù áo quần có thể là rẻ tiền đi nữa. Chúng ta phải ăn mặc theo cách mà chúng ta có thể thoải mái tham dự buổi lễ Tiệc Thánh hay một buổi họp mặt thích hợp và trang nghiêm.”15

Khi nói về quần áo mặc trong đền thờ, những người mẹ và những người bà có thể dùng ảnh hưởng tốt lành và lớn lao đối với con cháu của mình. Nếu kỹ năng và hoàn cảnh của họ cho phép, họ có thể là nguồn động viên thực sự cho gia đình của họ. Món quà của một người mẹ là một cái khăn thêu tay hoặc đồ để mặc trong đền thờ khác cũng có thể là một niềm khích lệ mạnh mẽ đối với một đứa con hay đứa cháu dễ thương để trân quý.

Bộ trang phục đền thờ tượng trưng cho việc tiếp tục cam kết

Việc mặc trang phục đền thờ mang ý nghĩa về một biểu tượng lớn lao và tiêu biểu cho việc tiếp tục cam kết. Cũng giống như Đấng Cứu Rỗi đã ban cho chúng ta một tấm gương về khả năng kiên trì đến cùng của Ngài, việc mặc trang phục là cách chúng ta cho thấy đức tin nơi Ngài và nơi các giao ước vĩnh cửu của Ngài với chúng ta.

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã chuẩn bị một bức thư gửi cho Giáo Hội về vấn đề này. Họ viết:

“Những lối thực hành thường được tuân theo trong số các tín hữu của Giáo Hội cho thấy rằng một số tín hữu không hiểu trọn vẹn giao ước họ lập trong đền thờ để mặc trang phục đúng theo tinh thần của lễ thiên ân thánh.

“Các tín hữu Giáo Hội nào đã được mặc cho bộ trang phục trong đền thờ đều lập giao ước để mặc nó trong suốt đời họ. Điều này đã được giải thích là bộ trang phục phải được mặc như quần áo lót cả ngày lẫn đêm. … Việc sống xứng đáng và trung tín tuân giữ các giao ước đền thờ là điều kiện để được bảo vệ và nhận được các phước lành này.

“Nguyên tắc cơ bản cần phải là mặc bộ trang phục và không tìm các cơ hội để cởi nó ra. Do đó, các tín hữu không được cởi ra tất cả hoặc một phần trang phục đền thờ để làm việc ngoài vườn hoặc đi thơ thẩn quanh nhà trong bộ áo tắm hay quần áo thiếu đứng đắn. Họ cũng không nên cởi ra bộ trang phục đền thờ để tham gia vào những sinh hoạt giải trí trong khi vẫn có thể mặc bộ trang phục một cách thích hợp ở bên trong quần áo thường. Khi cần phải cởi ra bộ trang phục, như để bơi lội, thì cần phải mặc trang phục vào ngay càng sớm càng tốt.

“Các nguyên tắc trang nhã và giữ gìn thân thể được che đậy một cách thích hợp đã được nói rõ ràng trong giao ước và cần phải giúp các anh chị em xác định tất cả mọi loại quần áo mình mặc. Các tín hữu của Giáo Hội đã làm lễ thiên ân đều mặc bộ trang phục đền thờ làm vật nhắc nhở về các giao ước thiêng liêng họ đã lập với Chúa và cũng là sự bảo vệ chống lại sự cám dỗ và điều xấu xa. Cách mặc bộ trang phục là sự bày tỏ bề ngoài của lòng cam kết ở bên trong để noi theo Đấng Cứu Rỗi.”16

Chuẩn bị phần tinh thần và thuộc linh để đi đền thờ

Ngoài việc chuẩn bị phần thể chất, chúng ta cần phải chuẩn bị phần tinh thần và thuộc linh. Vì các giáo lễ và giao ước của đền thờ rất thiêng liêng nên chúng ta có bổn phận tuyệt đối không thảo luận bên ngoài đền thờ về điều xảy ra trong đền thờ. Những vấn đề thiêng liêng đáng được xem là thiêng liêng.

Trong ngôi nhà học hỏi này, chúng ta được giảng dạy theo đường lối của Chúa. Đường lối của Ngài không phải là đường lối của chúng ta.17 Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu những kỹ thuật giảng dạy khác với những kỹ thuật sử dụng trong nền giáo dục quen thuộc hơn với chúng ta. Các giáo lễ và giao ước đền thờ đã từng là một phần cần thiết cho toàn bộ phúc âm kể từ thời A Đam và Ê Va. Từ thời xưa, các biểu tượng được sử dụng để giảng dạy các lẽ thật sâu xa, và phương pháp giảng dạy này được sử dụng trong đền thờ ngày nay.

Do đó, chúng ta cần phải suy ngẫm về những biểu tượng được trình bày trong đền thờ và thấy được tính chất xác thực rõ rệt đối với ý nghĩa của mỗi biểu tượng18 “Các giáo lễ đền thờ đầy dẫy ý nghĩa của biểu tượng để cung ứng một sự suy ngẫm và học hỏi hữu ích suốt đời.”19 Những lời giảng dạy của đền thờ thật giản dị một cách tuyệt vời và hoàn toàn tuyệt vời. Những người ít học thức cũng có thể hiểu được những lời giảng dạy này, và những lời giảng dạy này còn mở rộng trí năng của những người có học thức cao.

Tôi khuyên nhủ các tín hữu đi đền thờ lần đầu tiên nên đọc những mục trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư nói về đền thờ, như “Chuộc Tội,” “Giao Ước,” “Sự Hy Sinh” và “Đền Thờ.” Một người cũng có thể muốn đọc Xuất Ê Díp Tô Ký, các chương 26–29, và Lê Vi Ký, chương 8. Kinh Cựu Ước, cũng như các sách Môi Se và Áp Ra Ham trong Trân Châu Vô Giá, nhấn mạnh đến tình trạng cổ xưa của công việc đền thờ và tính chất vĩnh viễn của các giáo lễ đền thờ.

Việc tuân giữ một giao ước với Thượng Đế làm cho người lập giao ước được che chở đồng thời mang đến cho họ khả năng thi hành bổn phận.

Có hai khái niệm mà chúng ta đặc biệt cần phải nhớ khi chuẩn bị cho đền thờ. Khái niệm thứ nhất là giao ước. Chúng ta cần phải nhớ rằng giao ước là lời hứa. Một giao ước lập với Thượng Đế cần phải được xem là một sự che chở chứ không phải là hạn chế. Các giao ước với Ngài che chở chúng ta khỏi điều nguy hiểm.

Khái niệm này không mới mẻ gì. Ví dụ, nếu nguồn tiếp liệu nước của chúng ta có vấn đề về chất lượng, thì chúng ta lọc nước. Tương tự như vậy, các giao ước thiêng liêng che chở chúng ta khỏi bị nguy hại. Khi tự mình chọn chối bỏ tất cả những điều không tin kính,20 chúng ta không mất một điều gì có giá trị và đạt được vinh quang mà chỉ có những người nhận được cuộc sống vĩnh cửu mới biết mà thôi. Việc tuân giữ một giao ước đền thờ không ép buộc nhưng làm cho người lập giao ước có khả năng thi hành bổn phận. Điều này nâng chúng ta lên khỏi giới hạn của viễn cảnh và khả năng của mình. Điều này cũng giống như sự khác biệt giữa việc lê bước ngang qua một cánh đồng lầy lội và bay cao ngang qua các bầu trời trong một chiếc máy bay phản lực. Việc tuân giữ một giao ước với Thượng Đế làm cho người lập giao ước được che chở đồng thời mang đến cho họ khả năng thi hành bổn phận.

Khái niệm thứ nhì nhằm nhấn mạnh đến việc chuẩn bị tinh thần của chúng ta là Sự Chuộc Tội. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là hành động chính yếu trong tất cả lịch sử nhân loại. Đó là trung tâm điểm của kế hoạch cứu rỗi. Nếu không có Sự Chuộc Tội vô hạn, tất cả nhân loại sẽ đi sai đường một cách không thể cứu vãn được. Các giáo lễ và giao ước đền thờ giảng dạy về quyền năng cứu chuộc của Sự Chuộc Tội.

Cuộc sống vĩnh cửu dành sẵn cho chúng ta qua việc chúng ta tuân theo các giao ước lập trong đền thờ.

Sự phục vụ trong đền thờ mang đến các phước lành cho chúng ta trong cuộc sống này cũng như trong thời vĩnh cửu. Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói rằng “công việc đền thờ không phải là một lối thoát khỏi thế gian mà là để tái củng cố nhu cầu của chúng ta nhằm cải tiến thế gian trong khi tự chuẩn bị mình cho một thế gian khác và tốt hơn nhiều. Do đó, việc ở trong nhà của Chúa có thể giúp chúng ta khác biệt với thế gian để tạo ra nhiều điều khác biệt hơn trong thế gian.”21

Nếu chân thật và trung tín trong cuộc sống này, chúng ta có thể nhận được cuộc sống vĩnh cửu. Sự bất diệt là sống mãi mãi. Cuộc sống vĩnh cửu có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ có cuộc sống bất diệt. Cuộc sống vĩnh cửu là nhận được sự tôn cao trên tầng trời cao nhất và sống trong đơn vị gia đình. Thượng Đế phán rằng lời phát biểu về sứ mệnh lớn lao của Ngài—“công việc và sự vinh quang của ta”—là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”22 Ân tứ của Ngài về sự bất diệt là vô điều kiện—việc ban cho không sự cứu rỗi cho tất cả nhân loại. Việc có thể nhận được cuộc sống vĩnh cửu—ngay cả sự tôn cao—có sẵn cho chúng ta qua việc chúng ta tuân theo các giao ước đã lập và các giáo lễ nhận được trong các đền thờ thánh của Thượng Đế.

Các phước lành của đền thờ trở nên có ý nghĩa nhất khi những người thân của chúng ta bị cái chết mang ra khỏi vòng gia đình của mình. Việc biết được rằng thời gian chia ly chỉ là tạm thời mang đến bình an vượt quá sự hiểu biết thông thường.23 Chủ Tịch Joseph Fielding Smith viết: “Qua quyền năng của chức tư tế này mà Ê Li đã ban cho, vợ chồng có thể được làm lễ gắn bó, hay kết hôn với nhau cho thời vĩnh cửu; con cái có thể được làm lễ gắn bó với cha mẹ cho thời vĩnh cửu; do đó gia đình được làm cho vĩnh cửu và cái chết không chia lìa những người trong gia đình.”24 Được ban phước với những lễ gắn bó vĩnh cửu, chúng ta có thể đương đầu với cái chết là một phần cần thiết trong kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Thượng Đế.25

Viễn cảnh vĩnh cửu chúng ta nhận được trong đền thờ mang đến cho chúng ta sức mạnh để kiên trì chịu đựng những thử thách của cuộc sống.

Một viễn cảnh vĩnh cửu giúp chúng ta duy trì lòng trung thành trọn vẹn với các giao ước chúng ta lập. Chủ Tịch Packer nhấn mạnh rằng “các giáo lễ và giao ước trở thành bằng chứng của chúng ta để được thu nhận vào nơi hiện diện [của Thượng Đế]. Việc xứng đáng nhận được các giáo lễ và giao ước này là một sự tìm kiếm suốt đời; việc tuân giữ các giáo lễ và giao ước này là thử thách trên trần thế.”26

Các giáo lễ của đền thờ không những liên quan đến vinh quang vĩnh cửu của chúng ta mà còn liên quan đến vinh quang của các tổ tiên đã qua đời của chúng ta. “Vì sự cứu rỗi của họ cần thiết và thiết yếu cho sự cứu rỗi của chúng ta,… nếu không có chúng ta thì họ không thể đạt đến mức trọn vẹn—chúng ta cũng không thể đạt đến mức trọn vẹn được nếu không có những người chết của chúng ta.”27 Sự phục vụ thay cho họ cung ứng một cơ hội cho chúng ta tiếp tục thờ phượng trong đền thờ, phục vụ một cách vị tha công việc thay cho người chết rập theo khuôn mẫu của Chúa khi Ngài thực hiện Sự Chuộc Tội để ban phước cho tất cả những người từng sống trên thế gian.

Một ngày kia, chắc chắn là chúng ta sẽ gặp Đấng Sáng Tạo của mình và đứng trước mặt Ngài tại rào phán xét. Thánh thư dạy chúng ta rằng “người giữ cổng là Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên; và Ngài không thu dụng tôi tớ nào ở đó cả; và cũng không có một lối nào khác ngoài lối vào qua cổng đó; vì Ngài không thể nào bị lừa gạt được đâu, vì Đức Chúa Trời là danh Ngài.”28 Chính Chúa sẽ xác định chúng ta có trung thành với các giao ước chúng ta lập với Ngài trong đền thờ không và như vậy xứng đáng với các phước lành vinh quang Ngài đã hứa với những người tuân giữ các giao ước của họ.

Viễn cảnh này mang đến cho chúng ta sức mạnh để kiên trì chịu đựng những thử thách của cuộc sống. Chủ Tịch Packer nói: “Mục đích tột bậc hơn hết của tất cả những điều chúng ta giảng dạy là kết hợp cha mẹ với con cái trong đức tin nơi Chúa Giê su Ky Tô, để họ được hạnh phúc ở nhà, được làm lễ gắn bó trong hôn nhân vĩnh cửu, được liên kết với các thế hệ của họ và được bảo đảm có sự tôn cao nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng.”29

Mỗi đền thờ tiêu biểu cho vai trò tín hữu của chúng ta trong Giáo Hội, là dấu hiệu về đức tin của chúng ta nơi cuộc sống sau khi chết cũng như là một bước tiến đến vinh quang vĩnh cửu cho chúng ta và gia đình mình. Tôi cầu nguyện rằng mỗi tín hữu của Giáo Hội sẽ chuẩn bị cho các phước lành kỳ diệu của đền thờ.

Đền Thờ Houston Texas. Được làm lễ cung hiến vào ngày 26 tháng Tám năm 2000.

Đền Thờ Johannesburg South Africa. Được làm lễ cung hiến vào ngày 24 tháng Tám năm 1985.

Đền Thờ Helsinki Finland. Được làm lễ cung hiến vào ngày 22 tháng Mười năm 2006.

Đền Thờ Recife Brazil. Được làm lễ cung hiến vào ngày 15 tháng Mười Hai năm 2000.