2010
Những Câu Hỏi Thường Đặt Ra
2010


Những Câu Hỏi Thường Được Đặt Ra

Người ta làm gì trong đền thờ?

Trong đền thờ, chúng ta được giảng dạy, chúng ta lập giao ước và chúng ta được hứa các phước lành. Chúng ta nhận được các giáo lễ mà làm cho chúng ta có thể sống nơi hiện diện của Thượng Đế.

Một giáo lễ chúng ta nhận được trong đền thờ là lễ thiên ân. Từ lễ thiên ân có nghĩa là “ân tứ” hay “sự ban cho.” Là một phần của giáo lễ này, chúng ta được giảng dạy về mục đích của cuộc sống, sứ mệnh và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, cũng như kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài. Chúng ta nhận được một ý niệm về việc sống nơi hiện diện của Ngài sẽ như thế nào khi chúng ta cảm nhận được bầu không khí yên tĩnh của đền thờ.

Một giáo lễ đền thờ khác là giáo lễ gắn bó mà trong đó vợ chồng được làm lễ gắn bó với nhau và con cái được làm lễ gắn bó với cha mẹ mình trong gia đình vĩnh cửu. Điều này có nghĩa là nếu chúng ta trung thành với các giao ước của mình, thì mối quan hệ gia đình của chúng ta sẽ tiếp tục suốt thời vĩnh cửu.

Ngoài việc nhận được các giáo lễ này cho bản thân mình, chúng ta còn có thể nhận được các giáo lễ này cho tổ tiên đã qua đời của mình. Theo cách này, những người nào đã qua đời mà chưa nhận được các giáo lễ thiết yếu như phép báp têm và lễ xác nhận, lễ thiên ân và lễ gắn bó, thì có được cơ hội để chấp nhận các giáo lễ này.

Ở bên trong đền thờ thì như thế nào?

Đền thờ là một nơi yên tĩnh, thiêng liêng, được biệt riêng ra khỏi những lo lắng và náo động của thế gian. Tất cả những khu vực đền thờ được gìn giữ xinh đẹp và kỹ lưỡng để bảo tồn tinh thần tôn kính. Vì đây là nhà của Chúa và vì công việc thiêng liêng được thực hiện ở đó trong đền thờ, nên chúng ta có thể cảm nhận được đầy dẫy Thánh Linh và cảm thấy gần gũi với Chúa. Nơi đó, chúng ta có thể nhận được sự mặc khải cá nhân và sức mạnh thuộc linh để giúp chúng ta khắc phục những thử thách của mình. Đây là một phần lý do tại sao chúng ta được khuyến khích đi đền thờ thường xuyên.

Tôi nên ăn mặc như thế nào khi đi đền thờ?

Khi đi đền thờ, hãy mặc quần áo trang nhã như khi anh chị em đi nhà thờ ngày Chúa Nhật. Hãy tránh lối ăn mặc và chải chuốt quá đáng, cũng giống như khi anh chị em tham dự lễ Tiệc Thánh. Anh chị em bày tỏ lòng tôn kính và kính trọng đối với Chúa và nhà của Ngài cùng mời gọi Thánh Linh qua sự sạch sẽ và chỉnh tề.

Trong đền thờ, có những phòng thay đồ riêng biệt là nơi anh chị em thay quần áo đi nhà thờ ngày Chúa Nhật và mặc vào quần áo trắng. Việc thay đổi quần áo này nhắc nhở rằng anh chị em tạm thời bỏ lại sau lưng thế gian và bước vào một nơi thánh thiện. Quần áo trắng tượng trưng cho sự thanh khiết, và việc tất cả mọi người ăn mặc giống nhau trong đền thờ tạo ra một cảm giác đoàn kết và bình đẳng.

Khi nào tôi nên nhận lễ thiên ân của mình?

Phần lớn có lẽ anh chị em sẽ nhận được lễ thiên ân ngay trước khi anh chị em phục vụ truyền giáo toàn thời gian hay trước khi anh chị em kết hôn trong đền thờ. Các tín hữu độc thân gần hai mươi tuổi hoặc hơn hai mươi tuổi chưa nhận được sự kêu gọi đi truyền giáo và chưa hứa hẹn kết hôn trong đền thờ thường không được giới thiệu để tiếp nhận lễ thiên ân của họ.

Các tín hữu mới chờ ít nhất một năm sau phép báp têm và lễ xác nhận của họ trước khi nhận được lễ thiên ân của họ.

Việc tiếp nhận lễ thiên ân cho mình là một vấn đề quan trọng. Hãy thảo luận điều đó với giám trợ của anh chị em. Cầu nguyện và suy ngẫm để biết khi nào anh chị em sẵn sàng.

Tôi có thể nói gì với những người khác về kinh nghiệm của mình trong đền thờ?

Anh chị em có thể nói về bên trong của đền thờ trông giống như thế nào, và anh chị em có thể chia sẻ thoải mái những cảm nghĩ mình có trong đền thờ. Tuy nhiên, các giao ước và giáo lễ đền thờ, kể cả những lời được sử dụng, thì quá thiêng liêng nên không được thảo luận chi tiết ở bên ngoài đền thờ. Khi tránh thảo luận về những điều thiêng liêng ở bên ngoài đền thờ, chúng ta bảo vệ những điều này khỏi bị chế nhạo, giễu cợt hay bất kính. Đừng quá tùy tiện khi nói về những kinh nghiệm của anh chị em trong đền thờ.

Tại sao biểu tượng được sử dụng trong đền thờ?

Trong thời gian giáo vụ trên trần thế của Ngài, Đấng Cứu Rỗi thường giảng dạy bằng những chuyện ngụ ngôn để tiêu biểu cho các lẽ thật vĩnh cửu. Ngài chỉ thị rằng chúng ta phải được giảng dạy theo một đường lối tương tự trong đền thờ. Có biểu tượng trong các giáo lễ và giao ước đền thờ, phần trình bày về các giáo lễ và giao ước này, bối cảnh vật chất và quần áo mặc. Nếu anh chị em suy ngẫm về ý nghĩa của những biểu tượng này với sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, thì những biểu tượng này có thể giúp anh chị em nhận ra lẽ thật, học hỏi về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô cùng tăng trưởng về phần thuộc linh.

Tôi có những người trong gia đình không thể vào đền thờ. Tôi có thể làm gì để giúp cho họ cảm thấy được dự phần vào lễ hôn phối đền thờ của tôi?

Đây có thể là một vấn đề tế nhị. Vì đền thờ là nhà của Chúa, đã được làm lễ cung hiến lên Ngài, những người nào vào cần phải nắm giữ một giấy giới thiệu đi đền thờ, giấy này chứng nhận rằng họ đang sống theo các tiêu chuẩn Ngài đề ra. Tuy nhiên, những người nào không có giấy giới thiệu đi đền thờ đều được chào đón tại khuôn viên đền thờ và đa số đền thờ đều có một căn phòng là nơi họ có thể chờ trong khi những người trong gia đình đang được làm lễ gắn bó. Một cặp vợ chồng có những người trong gia đình không thể vào đền thờ thì có thể mời vị giám trợ của họ hoặc một tín hữu khác của Giáo Hội cùng chờ với những người này trong phòng đợi.

Một cặp vợ chồng cũng có thể sắp xếp với vị giám trợ của họ để tổ chức một buổi họp đặc biệt sau đó cho những người bà con thân thuộc và bạn bè không có giấy giới thiệu vào đền thờ. Buổi họp này cung ứng cơ hội cho họ để cảm thấy được dự phần vào lễ cưới và học hỏi về hôn nhân vĩnh cửu. Mặc dù không có nghi lễ nào được thực hiện và không có trao đổi lời thệ nguyện, cặp vợ chồng đó có thể trao nhẫn cho nhau tại buổi họp mặt như vậy.

Tôi nên làm gì để chuẩn bị tiếp nhận các giáo lễ đền thờ?

Anh chị em có thể chuẩn bị bằng cách đi đền thờ thường xuyên để tham gia vào phép báp têm cho người chết, bằng cách tham dự một lớp học chuẩn bị đi đền thờ do vị giám trợ của mình tổ chức và bằng cách học thánh thư cũng như những bài viết trong quyển sách nhỏ này.

Anh chị em cũng có thể chuẩn bị bằng cách sống theo các tiêu chuẩn của Chúa về sự xứng đáng đi đền thờ. Nuôi dưỡng chứng ngôn của anh chị em về Thượng Đế Đức Chúa Cha và về Chúa Giê Su Ky Tô cùng phúc âm phục hồi của Ngài. Tuân theo Lời Thông Sáng và luật trinh khiết. Tán trợ các vị lãnh đạo Giáo Hội, đóng tiền thập phân đầy đủ và tham dự những buổi họp của Giáo Hội. Hãy lương thiện trong khi giao dịch với những người khác và chắc chắn rằng cuộc sống gia đình của anh chị em phù hợp với những điều giảng dạy của Giáo Hội. Hãy tuân giữ các giao ước báp têm của mình để anh chị em sẽ sẵn sàng tiếp nhận các giao ước cao hơn của đền thờ.

Phòng thượng thiên giới, Đền Thờ Mount Timpanogos Utah.

Đền Thờ Jordan River Utah. Được làm lễ cung hiến vào ngày 16 tháng Mười Một năm 1981.

Đền Thờ Nauvoo Illinois. Được làm lễ cung hiến vào ngày 27 tháng Sáu năm 2002.