2010–2019
Tránh Xa Cạm Bẫy Tội Lỗi
Tháng mười 2010


Tránh Xa Cạm Bẫy Tội Lỗi

Các anh chị em thân mến, hãy luôn luôn vững mạnh và lựa chọn tốt rồi điều đó sẽ cho phép các anh chị em ăn trái cây của sự sống.

Vào một buổi sáng đẹp trời đầy ánh nắng, tôi rủ đứa cháu nội gái gần tám tuổi của tôi cùng đi bộ đến gần một cái hồ, mà thật sự là một cái bể chứa nước cho thành phố xinh đẹp của chúng tôi.

Chúng tôi vui vẻ đi bách bộ vừa lắng nghe tiếng nước chảy êm dịu của con suối trong suốt dọc theo con đường. Con đường có hai hàng cây xanh đẹp đẽ với hoa thơm ngạt ngào. Chúng tôi còn có thể nghe tiếng chim hót nữa.

Tôi hỏi đứa cháu nội gái mắt xanh, đầy hớn hở và vô tư của mình xem nó đang chuẩn bị chịu phép báp têm như thế nào.

Nó đáp với một câu hỏi: “Ông nội ơi, tội lỗi là gì?”

Tôi cầu nguyện thầm để được soi dẫn và cố gắng trả lời một cách càng giản dị càng tốt: “Tội lỗi là sự cố ý không tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế, điều đó làm cho Cha Thiên Thượng buồn và do đó đưa đến nỗi khổ sở và buồn phiền.”

Rõ ràng là nó lo lắng và nó hỏi tôi: “Và làm thế nào tội lỗi đến với chúng ta được?”

Câu hỏi đó thoạt tiên cho thấy sự trong sạch, nhưng cũng cho thấy một mối lo âu về cách tránh xa, không dính líu đến tội lỗi.

Để nó hiểu rõ hơn, tôi sử dụng những yếu tố thiên nhiên chúng tôi có xung quanh để minh họa. Tiếp tục đi xuống con đường của mình, chúng tôi thấy ở bên cạnh một hàng rào bằng kẽm gai là một cái cột bằng đá khá lớn; đó là một công trình kiến trúc nặng nề với hoa lá, bụi rậm và những cái cây nhỏ mọc xung quanh nó. Rồi cuối cùng, những cái cây này sẽ mọc lớn hơn cái cột đó.

Tôi nhớ rằng ở một chỗ xa hơn chút nữa phía dưới con đường này, chúng tôi sẽ tìm ra một cái cột khác mà từ từ đã bị cây cối mọc che phủ, người ta gần như không thể thấy được cái cột đó nữa. Tôi tưởng tượng một cái cột sẽ không hiểu được rằng, mặc dù sức mạnh của nó, nó cũng có thể bị cây cối mỏng manh che phủ và hủy diệt. Cây cột có lẽ đã nghĩ: “Không sao. Tôi mạnh mẽ và to lớn, và cái cây nhỏ bé này sẽ không làm hại tôi được.”

Vậy nên, khi cái cây cạnh bên mọc lớn hơn nữa, thì thoạt tiên, cái cột không thấy; rồi cái cột bắt đầu vui hưởng bóng mát từ cái cây. Nhưng cái cây tiếp tục mọc lên, rồi bao quanh cột với hai cành của cây mà thoạt tiên dường như mỏng manh nhưng cuối cùng chúng bện vào nhau và vây quanh cái cột.

Tuy nhiên, cái cột vẫn không nhận biết điều gì đang xảy ra.

Chẳng bao lâu, trong khi đi, chúng tôi thấy cái cột mà chúng ta vừa đề cập đến. Rễ của nó đã bị bật ra khỏi mặt đất. Đứa cháu nội của tôi trông ngạc nhiên và hỏi: “Ông nội ơi, đây có phải là cái cây tội lỗi không?”

Sau đó, tôi giải thích với nó rằng đó chỉ là một vật tượng trưng, hoặc một ví dụ, về cách tội lỗi đến với chúng ta như thế nào.

Tôi không biết hiệu quả của cuộc nói chuyện của chúng tôi sẽ như thế nào đối với nó, nhưng điều đó làm tôi suy nghĩ về nhiều hình thức của tội lỗi và cách nó lẻn vào cuộc sống của chúng ta như thế nào nếu chúng ta cho phép nó.

Chúng ta cần phải cảnh giác vì những điều lựa chọn nhỏ nhặt như đi ngủ sớm và thức dậy sớm sẽ có những kết quả lớn lao. Giáo Lý và Giao Ước 88:124 dạy chúng ta: “Hãy thức dậy sớm, để thể xác các ngươi và tinh thần các ngươi có thể được tráng kiện.” Những người đi ngủ sớm thì thức dậy một cách thanh thản, với cơ thể và tinh thần được tráng kiện cũng như được Chúa ban phước, nhờ vào sự vâng lời.

Điều có thể dường như không quan trọng lắm, như đi ngủ trễ, không cầu nguyện một ngày, bỏ không nhịn ăn, hoặc vi phạm ngày Sa Bát—như những điều lầm lỗi nhỏ—sẽ làm cho chúng ta dần dần đánh mất khả năng bén nhạy, cho phép mình làm những điều tệ hại hơn.

Khi còn niên thiếu, giờ tôi phải trở về nhà là 10 giờ đêm. Thời nay, đó là giờ để đi ra ngoài vui chơi. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng ban đêm thì có một số điều tệ hại nhất xảy ra. Trong những giờ khuya, có một số người trẻ tuổi đi đến những chỗ có môi trường không thích hợp, nơi mà âm nhạc và lời ca không cho phép họ có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Sau đó, trong những trường hợp này, họ dễ dàng trở thành con mồi cho tội lỗi.

Thường thường, việc trở thành con mồi cho tội lỗi bắt đầu với một người nào đó chọn những người bạn có tiêu chuẩn đạo đức không phù hợp với phúc âm, rồi để được bạn bè ưa thích hoặc chấp nhận, vậy nên người này thỏa hiệp các nguyên tắc và quy luật phúc âm, đi xuống con đường mà chỉ mang đến đau đớn và buồn phiền cho chính người ấy và cho những người thân của người ấy.

Chúng ta cần phải cảnh giác không để cho tội lỗi dần dần bao vây chúng ta. Các hình thức của tội lỗi có ở khắp nơi—ví dụ, ngay cả trong máy vi tính hoặc điện thoại di động. Những kỹ thuật này rất hữu dụng và có thể mang đến lợi ích lớn lao cho chúng ta. Nhưng cách sử dụng chúng không thích hợp—như bị lôi cuốn vào những trò chơi làm phí phạm thời giờ hoặc tệ hại hơn nữa là hình ảnh sách báo khiêu dâm—đều có sức hủy diệt. Hình ảnh sách báo khiêu dâm hủy diệt chí khí và làm cho người sử dụng nó chìm dần trong vũng lầy ô trọc, mà cần phải được giúp đỡ nhiều mới có thể thoát ra được.

Con yêu quái ghê gớm này gây ra đau đớn, khổ sở cho người sử dụng nó lẫn con cái vô tội, người phối ngẫu, cha, mẹ và những người thân của người ấy nữa. Trái của niềm hoan lạc nhục dục là nỗi cay đắng và buồn phiền. Trái của sự vâng lời và hy sinh là sự tuyệt vời và niềm vui trường cửu.

Những quyết định về các tiêu chuẩn đạo đức để tuân theo cần phải được chọn trước, chứ không chờ đến lúc bị cám dỗ. Những nguyên tắc hướng dẫn của chúng ta phải là:

  • Tôi sẽ làm điều này vì nó là điều đúng, nó từ Chúa mà ra và nó sẽ mang hạnh phúc đến cho tôi.

  • Tôi sẽ không làm điều này vì nó sẽ lôi kéo tôi xa khỏi lẽ thật, khỏi Chúa và khỏi hạnh phúc vĩnh cửu mà Ngài hứa ban cho người trung tín và vâng lời.

Vì Đức Chúa Cha biết rằng chúng ta sẽ lựa chọn sai, nên trong kế hoạch yêu thương kỳ diệu của Ngài, Ngài đã ban cho một Đấng Cứu Rỗi của thế gian, để chuộc tội lỗi cho tất cả những người nào hối cải; những người đến cùng Ngài tìm kiếm sự giúp đỡ, an ủi và tha thứ; cũng như những người nào sẵn lòng mang danh Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Nếu phạm tội, chúng ta cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ nhanh chóng vì một mình chúng ta không thể nào thoát ra khỏi bẫy sập của tội lỗi, cũng giống như cái cột mà chúng ta đề cập ở bên trên đã không thể tự giải thoát mình. Một người nào đó cần phải giúp chúng ta giải thoát khỏi bẫy sập chết người đó.

Cha mẹ có thể giúp đỡ và vị giám trợ được Thượng Đế kêu gọi để giúp chúng ta. Chúng ta phải trút cạn nỗi lòng của mình với vị ấy.

Sách Giáo Lý và Giao Ước 58:42–43 giải thích:

“Này, kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.

“Qua cách thức này, các ngươi có thể biết được một người có hối cải tội lỗi của mình không—này, kẻ đó sẽ thú tội và từ bỏ những tội lỗi đó.

Một vài tháng sau khi cuộc tản bộ của chúng tôi gần bên cái hồ, đứa cháu nội của tôi được vị giám trợ của nó—là cha nó—phỏng vấn để chịu phép báp têm. Sau cuộc phỏng vấn, tôi hỏi nó về cuộc phỏng vấn diễn ra như thế nào. Nó đáp gần như trách tôi: “Ông nội ơi, một cuộc phỏng vấn phải giữ kín mật. Ông biết điều đó mà.”

Thưa các vị giám trợ, tôi hy vọng rằng các anh em xem trọng câu trả lời đó. Đối với tôi, dường như đứa cháu nội của tôi hiểu biết rất nhiều trong một thời gian rất ngắn.

Cũng giống như cái cây tôi đã mô tả đã mang đến buồn phiền, đau đớn, khổ sở và cạm bẫy, một cái cây khác lại có thể mang đến điều ngược lại. Điều này đã được đề cập trong 1 Nê Phi 8:10–12:

“Và chuyện rằng, cha thấy một cây có trái hấp dẫn, làm người ta cảm thấy vui sướng.

“Và chuyện rằng, cha liền bước đến hái một trái ăn; cha nhận thấy trái cây ấy có một hương vị ngọt ngào hơn hết tất cả những trái cây khác mà cha đã từng nếm. Phải, cha thấy trái ấy có một màu trắng toát, trắng hơn hết tất cả những mầu trắng cha đã được trông thấy từ trước tới giờ.

“Và khi ăn trái cây ấy, nó làm cho tâm hồn cha chan hòa một niềm hân hoan cực độ.”

Các anh chị em thân mến, hãy luôn luôn vững mạnh và lựa chọn tốt rồi điều đó sẽ cho phép các anh chị em ăn trái cây của sự sống. Nếu, vì bất cứ lý do gì, các anh chị em đã phạm tội hoặc rời con đường rồi, thì bàn tay của chúng tôi đang đưa ra và chúng tôi nói với các anh chị em: “Hãy đến. Hãy có hy vọng. Chúng tôi yêu thương các anh chị em và chúng tôi muốn các anh chị em được hạnh phúc.”

Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta nhiều đến nỗi Ngài đã ban Con Trai độc sinh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúa Giê Su Ky Tô yêu thương chúng ta nhiều đến nỗi Ngài đã phó mạng sống của Ngài để chuộc tội lỗi chúng ta!

Chúng ta sẵn lòng cho điều gì để được trong sạch và nhận được niềm vui đó?

Tôi làm chứng về các lẽ thật này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.