2010–2019
Lòng Bác Ái Không Bao Giờ Hư Mất
Tháng mười 2010


Lòng Bác Ái Không Bao Giờ Hư Mất

Thay vì xét đoán và chỉ trích nhau, cầu xin cho chúng ta có tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô dành cho đồng bào của mình trong cuộc hành trình suốt cuộc sống này.

Buổi tối hôm nay, lòng chúng ta hân hoan và hướng lên thiên thượng. Chúng ta đã được ban phước với âm nhạc tuyệt vời và các sứ điệp đầy soi dẫn. Thánh Linh của Chúa hiện diện nơi đây. Tôi cầu nguyện để có được sự soi dẫn của Ngài ở cùng với tôi bây giờ trong khi tôi chia sẻ với các chị em một số ý nghĩ và cảm nghĩ của tôi.

Tôi bắt đầu với một câu chuyện ngắn để minh họa một vấn đề mà tôi muốn nêu lên.

Một cặp vợ chồng trẻ, là Lisa và John, dọn vào một khu xóm mới. Một buổi sáng, trong khi họ đang ăn điểm tâm, Lisa nhìn ra cửa sổ và thấy người láng giềng cạnh nhà đang phơi quần áo mới giặt xong.

Lisa kêu lên: “Đồ đó giặt không sạch! Người láng giềng của chúng ta không biết cách giặt sạch quần áo!”

John nhìn lên nhưng không nói gì cả.

Mỗi lần người láng giềng đó phơi quần áo mới giặt xong thì Lisa đều đưa ra lời phê bình giống vậy.

Một vài tuần sau, Lisa ngạc nhiên khi liếc nhìn ra cửa sổ và thấy quần áo giặt xong trông rất đẹp, sạch sẽ đang phơi trong sân nhà người láng giềng của mình. Chị nói với chồng chị: “John xem kìa—cuối cùng người ấy đã biết giặt đồ đúng cách rồi! Em tự nghĩ không biết người ấy đã làm thế nào vậy nhỉ?”

John đáp: “Vâng, em yêu, anh có câu trả lời cho em đây. Em sẽ vui khi biết rằng anh thức dậy từ sáng sớm và lau chùi cửa sổ nhà chúng ta đó!”

Buổi tối hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các chị em một vài ý nghĩ về cách chúng ta nhìn nhau. Chúng ta có nhìn qua một cửa sổ mà cần lau chùi không? Chúng ta có đưa ra lời xét đoán khi chúng ta không biết tất cả mọi sự kiện không? Chúng ta thấy điều gì khi chúng ta nhìn những người khác? Chúng ta đưa ra những lời xét đoán nào về họ?

Đấng Cứu Rỗi phán: “Các ngươi đừng đoán xét.”1 Ngài nói tiếp: “Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình?”2 Hay, để diễn giải thêm: sao ngươi thấy điều mà ngươi nghĩ là quần áo giặt còn dơ ở nhà của người láng giềng ngươi mà chẳng hề nghĩ rằng chính cửa sổ của nhà ngươi dơ đó?

Không một ai trong chúng ta là hoàn hảo cả. Tôi không biết một người nào tự cho là hoàn hảo. Vậy mà, vì một lý do nào đó, mặc dù những điều không hoàn hảo của mình, chúng ta có khuynh hướng vạch ra những điều không hoàn hảo của người khác. Chúng ta đưa ra lời xét đoán về những điều họ làm hoặc không làm.

Thật sự không có cách gì chúng ta có thể biết được tấm lòng, ý định hoặc hoàn cảnh của một người nào đó là người có lẽ nói hay làm một điều gì đó mà chúng ta tìm ra lý do để chỉ trích. Do đó, mới có lệnh truyền: “Các ngươi đừng đoán xét.”

Cách Đại Hội Trung Ương này bốn mươi bảy năm trước, tôi được kêu gọi phục vụ trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Vào lúc đó, tôi đang phục vụ trong một trong số các ủy ban chức tư tế trung ương của Giáo Hội và vì vậy, trước khi tên tôi được trình diện, tôi ngồi với các anh em thuộc cùng ủy ban chức tư tế đó, như tôi được trông mong để làm như vậy. Tuy nhiên, vợ tôi không biết phải đi đâu và không có một ai mà bà có thể ngồi cùng, và thật ra, bà không thể tìm ra một chỗ ngồi ở đâu cả trong Đại Thính Đường. Một người bạn thân của chúng tôi, là một thành viên trong ủy ban bổ trợ trung ương và đang ngồi trong một khu vực đã được chỉ định cho các thành viên ủy ban đó, đã mời Chị Monson ngồi với người ấy. Người phụ nữ này không hề biết gì về sự kêu gọi của tôi—mà sẽ được thông báo không lâu sau đó—nhưng chị ấy đã nhìn thấy Chị Monson, nhận ra nỗi lo âu của bà và đã ân cần mời bà đến ngồi chung. Người vợ yêu dấu của tôi thấy nhẹ nhõm cả người và biết ơn cử chỉ nhân từ này. Tuy nhiên, khi ngồi xuống, bà nghe được lời thì thào ở phía sau bà khi một thành viên của ủy ban bày tỏ vẻ khó chịu của mình với những người ngồi xung quanh rằng một người bạn thành viên của ủy ban đã táo bạo mời một “người ngoài” ngồi vào khu vực chỉ dành riêng cho họ. Không có lời bào chữa nào cho thái độ không tử tế của người phụ nữ ấy, dù ai có thể được mời ngồi ở đó. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể tưởng tượng ra cảm nghĩ của người phụ nữ ấy khi người ấy biết rằng “người ngoài” đó chính là vợ của một sứ đồ mới nhất.

Không những chúng ta có khuynh hướng xét đoán hành động và lời nói của những người khác, mà nhiều người trong chúng ta còn xét đoán diện mạo: quần áo, kiểu tóc, kích thước. Và còn nhiều điều khác nữa.

Cách đây nhiều năm, có một câu chuyện cổ điển về việc xét đoán diện mạo đã được đăng trong một tạp chí quốc tế. Đó là một câu chuyện có thật—một câu chuyện mà các chị em có thể đã nghe rồi nhưng đáng để được kể lại.

Một phụ nữ tên là Mary Bartels có một căn nhà nằm đối diện cổng vào của một bệnh viện. Gia đình của bà sống ở tầng chính và cho những bệnh nhân ngoại trú của bệnh viện mướn những căn phòng trên lầu.

Một buổi chiều, một ông lão trông thật sự dễ sợ đến cửa nhà và hỏi có phòng cho ông ở lại đêm không. Ông lão này lưng gù, da nhăn nheo và gương mặt của ông bị méo mó vì sưng–-da ửng đỏ. Ông nói rằng ông đã lùng kiếm một căn phòng từ trưa nhưng không thành công. Ông nói: “Tôi đoán chắc là tại gương mặt của tôi. Tôi biết mặt tôi trông khủng khiếp, nhưng bác sĩ nói rằng mặt tôi có thể đỡ hơn sau vài lần điều trị nữa.” Ông cho biết rằng ông sẵn sàng ngủ trên một cái ghế xích đu ở ngoài cổng. Trong khi nói chuyện với ông lão này, Mary nhận thấy rằng ông lão nhỏ nguời này có một trái tim khổng lồ nằm choán hết chỗ trong thân thể nhỏ bé đó. Mặc dù các căn phòng của bà đều có người ở rồi, nhưng bà vẫn nói ông ngồi chờ và bà sẽ tìm cho ông một chỗ ngủ.

Đến giờ ngủ, chồng của Mary lấy một cái ghế xếp để làm chỗ ngủ cho ông. Khi bà kiểm soát lại căn phòng vào buổi sáng, thì khăn trải giường được xếp lại gọn gàng và ông lão đã ra ngoài cổng rồi. Ông từ chối không ăn điểm tâm, nhưng trước khi đi ra đón xe buýt, ông hỏi ông có thể trở lại lần điều trị tới không. Ông hứa: “Tôi sẽ không làm phiền bà một tí nào đâu, tôi có thể ngủ được trên ghế mà.” Mary quả quyết với ông rằng ông luôn được chào đón khi trở lại.

Ông vẫn đến điều trị trong vài năm sau đó và ở lại nhà của Mary, ông lão làm nghề đánh cá, luôn luôn mang đến biếu những món quà hải sản hoặc rau cải từ vườn nhà ông. Những lần khác, ông gửi các thùng đồ bằng bưu điện.

Khi Mary nhận được những món quà đầy ý nghĩa này, bà luôn luôn nghĩ đến câu nói của người láng giềng nhà bên cạnh sau khi ông lão dị dạng, lưng gù này rời nhà của Mary vào buổi sáng đầu tiên đó. “Chị cho người đàn ông xấu xí gớm ghiếc đó ở đêm qua à? Tôi đã đuổi cổ lão ấy ra. Chị có thể bị mất khách nếu kiên nhẫn chịu đựng với loại người như vậy đó.”

Mary biết rằng có lẽ họ đã bị mất khách một hay hai lần gì đó, nhưng bà nghĩ: “Ôi, nếu họ có thể biết được ông lão ấy, thì có lẽ căn bệnh của họ sẽ được dễ chịu hơn.”

Sau khi ông lão đó qua đời, Mary đến thăm một người bạn có nhà kính trồng rau hoa quả. Trong khi bà nhìn vào bông hoa của người bạn, bà thấy một cây hoa cúc vàng thật đẹp nhưng không hiểu được khi thấy cây mọc trong một cái thùng móp méo, cũ kỹ, han rỉ. Người bạn của chị giải thích: “Tôi không có đủ chậu trồng và khi biết rằng cây hoa này xinh đẹp biết bao, thì tôi nghĩ rằng cây cũng sẽ không sao khi mọc lên trong cái thùng cũ kỹ này đâu. Chỉ một thời gian ngắn thôi cho đến khi tôi có thể mang cây đó ra ngoài vườn.”

Mary mỉm cười khi bà tưởng tượng quang cảnh giống như vậy trên thiên thượng. “Đây là một linh hồn đặc biệt thật tuyệt vời,” Thượng Đế có lẽ đã nói như vậy khi Ngài đến với linh hồn của ông lão nhỏ nhắn này. “Hắn cũng sẽ không bận tâm bắt đầu trong thân thể nhỏ bé, méo mó này.” Nhưng đó là cách đây lâu lắm rồi, và trong khu vườn của Thượng Đế linh hồn này đứng cao lớn đẹp đẽ biết bao!3

Diện mạo bề ngoài có thể làm cho ta lầm, cũng giống như việc đánh giá thấp một người. Đấng Cứu Rỗi khuyên nhủ: “Đừng cứ bề ngoài mà xét đoán.”4

Một thành viên trong một tổ chức phụ nữ có lần đã than phiền khi một người phụ nữ nào đó được chọn đại diện cho tổ chức. Người thành viên này chưa hề gặp người phụ nữ đó, nhưng đã thấy ảnh người phụ nữ đó và không thích tấm ảnh mình thấy, cho rằng người phụ nữ đó béo quá. Người thành viên này phê bình: “Trong số hằng ngàn phụ nữ trong tổ chức này, chắc chắn là có thể chọn một người đại diện tốt hơn chứ.”

Thật thế, người phụ nữ được chọn không phải là “người mẫu mảnh khảnh.” Nhưng những người biết người phụ nữ ấy và biết những đức tính của người phụ nữ ấy đã thấy nhiều điều cao quý hơn điều thấy được trong ảnh của người ấy. Tấm ảnh quả thật cho thấy rằng người phụ nữ ấy có một nụ cười thân thiện và một cái nhìn đầy tự tin. Điều không thấy được trong ảnh là người phụ nữ ấy là một người bạn trung thành và có lòng trắc ẩn, một người phụ nữ thông minh yêu mến Chúa cũng như đã yêu mến và phục vụ con cái của Ngài. Tấm ảnh đó không cho thấy rằng người phụ nữ ấy đã tình nguyện phục vụ trong cộng đồng và là một người láng giềng ân cần, lo lắng cho người khác. Nói tóm lại, tấm ảnh đó không phản ảnh con người thật của người phụ nữ ấy.

Tôi hỏi: Nếu thái độ, hành vi và khuynh hướng thuộc linh được phản ảnh trong bộ dạng, thì vẻ mặt của người phụ nữ than phiền có dễ mến như người phụ nữ bị người ấy chỉ trích không?

Các chị em thân mến, mỗi chị em đều độc đáo một cách riêng biệt. Các chị em khác nhau trong nhiều cách. Có những người trong các chị em đã kết hôn. Một số chị em ở nhà với con cái, trong khi những người khác làm việc ở bên ngoài nhà. Một số chị em không còn con cái sống chung. Có một số chị em đã kết hôn nhưng không có con cái. Có các chị em ly dị, có các chị em là góa phụ. Nhiều người trong các chị em là phụ nữ độc thân. Một số chị em có bằng cấp đại học; một số thì không. Có những người có đủ khả năng có được quần áo thời trang mới nhất và những người may mắn khi có được một bộ đồ để mặc thích hợp cho ngày Chúa Nhật. Những điều khác biệt như vậy thì hầu như bất tận. Những điều khác biệt này có cám dỗ chúng ta để xét đoán nhau không?

Mẹ Teresa, một nữ tu sĩ Công Giáo hầu như suốt đời làm việc ở giữa người nghèo khó ở Ấn Độ, đã nói lên lẽ thật sâu xa này: “Nếu ta xét đoán người khác thì ta không có thời giờ để yêu thương họ.”5 Đấng Cứu Rỗi đã dạy: “Điều răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi.”6 Tôi hỏi: Chúng ta có thể yêu thương nhau như Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh không nếu chúng ta xét đoán nhau? Và tôi trả lời—với Mẹ Teresa: không; không thể được.

Sứ Đồ Gia Cơ dạy: “Nhược bằng có ai tưởng mình là tin đạo, mà không cầm giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa dối lòng mình, thì sự tin đạo của người hạng ấy là vô ích.”7

Tôi luôn luôn ưa thích câu phương châm của Hội Phụ Nữ của các chị em: “Lòng bác cái không bao giờ hư mất.”8 Lòng bác ái gì? Tiên Tri Mặc Môn dạy chúng ta rằng “lòng bác ái là tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô.”9 Trong sứ điệp giã biệt của ông đưa ra cho dân La Man, Mô Rô Ni đã nói: “Trừ phi các người có lòng bác ái, bằng không thì các người không có cách gì để được cứu vào trong vương quốc của Thượng Đế.”10

Tôi nghĩ rằng lòng bác ái—hay “tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô”—là trái ngược với lời chỉ trích và xét đoán. Khi nói về lòng bác ái, vào giây phút này đây, tôi không nghĩ đến sự trợ giúp cho nỗi đau khổ qua việc ban phát vật chất của chúng ta. Dĩ nhiên, điều đó đều cần thiết và thích hợp. Tuy nhiên, buổi tối hôm nay, tôi nghĩ đến lòng bác ái tự thể hiện khi chúng ta dung thứ những người khác và khoan dung đối với hành động của họ; loại lòng bác ái sẵn sàng tha thứ, loại lòng bác ái đầy kiên nhẫn.

Tôi nghĩ đến lòng bác ái thúc đẩy chúng ta phải thông cảm, có lòng trắc ẩn và thương xót, không phải chỉ trong những lúc đau yếu, buồn phiền và khổ sở mà còn cả trong lúc yếu đuối hoặc lỗi lầm của những người khác.

Có một nhu cầu nghiêm trọng về lòng bác ái mà lưu ý đến những người bị coi thường, hy vọng với những người bị nản lòng, giúp đỡ những người đau khổ. Lòng bác ái thật sự là tình yêu thương bằng hành động. Khắp mọi nơi đều cần đến lòng bác ái.

Chúng ta cần lòng bác ái đó mà từ chối tìm kiếm niềm mãn nguyện trong việc nghe hay lặp lại những lời nói về nỗi bất hạnh đến với những người khác, trừ phi việc làm như vậy để cho người kém may mắn có thể được hưởng lợi ích. Nhà mô phạm và chính trị gia người Mỹ Horace Mann có lần đã nói: “Việc thương xót cho cảnh khốn cùng chỉ là bản tính của con người; cố gắng giúp đỡ những người trong cảnh khốn cùng mới là giống như Thượng Đế.”11

Lòng bác ái là kiên nhẫn với một người nào đó là người làm cho chúng ta thất vọng. Đó là không để bị thúc đẩy để trở nên bị tổn thương dễ dàng. Đó là chấp nhận những yếu kém và khuyết điểm. Đó là chấp nhận bản tính thật của người khác. Đó là cái nhìn vượt quá những diện mạo bên ngoài đến những thuộc tính mà sẽ không giảm bớt với thời gian. Đó là không để cho bị thúc đẩy để phân biệt những người khác.

Lòng bác ái, tình yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô, được thể hiện khi một nhóm thiếu nữ từ tiểu giáo khu những người độc thân đã đi hằng trăm dặm để tham dự tang lễ của mẹ của một chị trong Hội Phụ Nữ. Lòng bác ái được thể hiện khi các giảng viên thăm viếng đầy tận tụy trở lại thăm một chị phụ nữ lãnh đạm, có phần khó tính vào tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Lòng bác ái thật hiển nhiên khi một góa phụ lớn tuổi được nhớ đến và được đưa đến các buổi lễ của tiểu giáo khu và các sinh hoạt của Hội Phụ Nữ. Lòng bác ái được cảm nhận khi chị phụ nữ ngồi một mình trong Hội Phụ Nữ nhận được lời mời: “Hãy đến đây—ngồi gần chúng tôi.”

Trong một trăm cách nhỏ nhặt, tất cả các chị em đều thể hiện lòng bác ái. Cuộc sống không hoàn hảo đối với bất cứ một ai trong chúng ta. Thay vì xét đoán và chỉ trích nhau, cầu xin cho chúng ta có tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô dành cho đồng bào của mình trong cuộc hành trình suốt cuộc sống này. Cầu xin cho chúng ta nhận ra rằng mỗi chị em phụ nữ đang cố gắng hết sức mình để đối phó với những thử thách trước mặt họ và cầu xin cho chúng ta cố gắng hết sức mình để giúp đỡ.

Lòng bác ái đã được định nghĩa là “loại tình thương yêu cao quý và mạnh mẽ nhất”12 “tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô … ; và vào ngày sau cùng ai được tìm thấy rằng có được nó thì sẽ được mọi điều tốt lành.”13

“Lòng bác ái không bao giờ hư mất.” Cầu xin cho câu phương châm lâu đời này của Hội Phụ Nữ, lẽ thật vô tận này, hướng dẫn các chị em trong mọi việc làm của mình. Cầu xin cho câu phương châm này thấm nhuần vào chính tâm hồn của các chị em và được biểu lộ trong mọi ý nghĩ và hành động của các chị em.

Tôi bày tỏ tình yêu thương của tôi đối với các chị em, là các chị em của tôi, và cầu nguyện rằng các phước lành của Thiên Thượng sẽ mãi mãi thuộc về các chị em. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Ma Thi Ơ 7:1.

  2. Ma Thi Ơ 7:3.

  3. Phỏng theo Guideposts, tháng Sáu năm 1965, 24.

  4. Giăng 7:24.

  5. Mẹ Teresa, trong R. M. Lala, A Touch of Greatness: Encounters with the Eminent (2001), x.

  6. Giăng 15:12.

  7. Gia Cơ 1:26.

  8. 1 Cô Rinh Tô 13:8.

  9. Mô Rô Ni 7:47.

  10. Mô Rô Ni 10:21.

  11. Horace Mann, Lectures on Education (1845), 297.

  12. Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Lòng Bác Ái.”

  13. Mô Rô Ni 7:47.

In