2010–2019
Chức Tư Tế A Rôn
Tháng mười 2010


Chức Tư Tế A Rôn

Chức tư tế các em mang là một ân tứ đặc biệt, vì chính Chúa là Đấng ban cho. Hãy sử dụng, làm vinh hiển và sống xứng đáng với chức tư tế ấy.

Khi nói chuyện tại đại hội trung ương cách đây 25 năm, tôi đã giới thiệu một phương tiện giảng dạy trực quan đứng bên cạnh tôi. Đó là đứa cháu ngoại lớn nhất của tôi. Nó vừa nhận được Chức Tư Tế A Rôn và được sắc phong làm thầy trợ tế. Tôi đã lấy cơ hội đó để ngỏ lời với nó về tầm quan trọng của việc nhận được Chức Tư Tế A Rôn.

Tôi nói với cháu ngoại của tôi:

“Ông không hài lòng lắm với những tình trạng vật chất mà cháu và các thiếu niên khác đang thừa hưởng khi cháu bắt đầu vai trò của mình khi bước vào giai đoạn trưởng thành. Mặc dù có những người thuộc thế hệ của ông lớn tuổi hơn có tuổi tác và địa vị ảnh hưởng đến thế gian, nhưng ông tin rằng thế hệ của ông đã tạo ra bất lợi cho cháu vì thế hệ của ông đã cho phép tình trạng trên thế gian trở nên như vậy. Điều này đặt cháu vào một vị thế mà có nhiều người cháu phải giao du đã không được nuôi nấng với một sự hiểu biết hoặc kính trọng các giá trị truyền thống. Do đó, áp lực của bạn bè trở nên khó khăn và cùng cực thêm.

“Thế hệ của ông đã mang vào trong mái gia đình những cái máy phát thanh, máy hát dĩa và máy truyền hình. Trong khi mỗi thứ ấy có tiềm năng mang lại thú giải trí lành mạnh, nhưng cũng có rất nhiều thứ đã được chế tạo ra để chúng ta nghe và xem thì mang lại niềm vui thích không có chất lượng tốt để soi dẫn và khuyến khích các thiếu niên. Quả thật, đa số những thứ đó được chế tạo để mang đến sự thoái hóa. Việc vặn một công tắc lên ngay trong nhà của cháu có tiềm năng hủy diệt bên trong cháu một ý thức về điều gì đúng và điều gì sai.” (“I Confer the Priesthood of Aaron,” Ensign, tháng Mười Một năm 1985, 46).

Sự việc càng thay đổi nhiều, thì càng giống nhau nhiều hơn—ngoại trừ kỹ thuật. Tôi muốn hỏi các thiếu niên của Chức Tư Tế A Rôn xem các em có biết một cái máy hát dĩa là gì không. Đối với các em nào không biết, thì đó là cái mà chúng tôi từng đi vào phòng khách và vặn lên để có thể nghe nhạc. Hãy thử tượng tượng điều đó—chúng tôi phải đi đến đó, thay vì mang nó theo bên mình ở khắp nơi.

Tỗi cũng dạy cho đứa cháu trai của tôi, Terry, bốn bài học dựa vào câu chuyện của Đa Ni Ên trong Kinh Cựu Ước. Tôi nói với nó phải (1) giữ cho thân thể của nó được khỏe mạnh và sạch sẽ; (2) phát triển tâm trí của nó và trở nên khôn ngoan; (3) mạnh mẽ và chống lại cám dỗ trong một thế gian đầy cám dỗ; và (4) tin cậy nơi Chúa, nhất là khi nó cần sự bảo vệ của Ngài.

Tôi kết thúc lời khuyên dạy Terry với những lời này: “Những câu chuyện này trong thánh thư sẽ không bao giờ quá cổ hủ. Những câu chuyện này sẽ hoàn toàn mang đến niềm phấn khởi cho cháu khi cháu đọc chúng với tư cách là một thầy trợ tế, thầy giảng, thầy tư tế, người truyền giáo, thầy giảng tại gia, chủ tịch nhóm túc số các anh cả, hoặc trong bất cứ chức vụ nào mà Chúa kêu gọi cháu làm. Những câu chuyện này sẽ dạy cho cháu phải có đức tin, lòng can đảm, tình yêu thương đối với đồng bào của mình, niềm tin và tin cậy nơi Chúa” (Ensign, tháng Mười Một năm 1985, 48).

Tôi rất vui để báo cáo rằng Terry đã trung tín với nhiệm vụ tôi đã giao cho nó cách đây 25 năm. Về sau, nó nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, trung tín phục vụ truyền giáo và hiện đang phục vụ với tư cách là chủ tịch nhóm túc số các anh cả, và dĩ nhiên là cha của một đứa con gái xinh xắn.

Có nhiều điều đã thay đổi trong phần tư cuối cùng của một thế kỷ. Một điều khác đã xảy ra là nhiều đứa cháu của tôi đã lớn lên và có con cái của riêng chúng. Mùa hè này, tôi đã có cơ hội đứng trong vòng những người nắm giữ chức tư tế và đặt tay lên đầu của một đứa chắt lớn nhất trong khi cha của nó truyền giao cho nó Chức Tư Tế A Rôn. Mặc dù đứa chắt trai của tôi không đứng đây bên cạnh tôi ngày hôm nay, nhưng tôi muốn ngỏ lời cùng nó và tất cả các em là các thiếu niên tuyệt diệu đang nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn.

Việc nhận được Chức Tư Tế A Rôn là một phước lành rất đặc biệt. Lịch sử ghi lại cái ngày vinh quang mà chức tư tế đã được phục hồi trên thế gian và một lần nữa ban cho những người nam quyền hành động với tư cách là những người đại diện của Thượng Đế khi họ thực hiện các giáo lễ thiêng liêng của chức tư tế. Ngày 5 tháng Tư năm 1829, Oliver Cowdrey đến nhà của Joseph Smith ở Harmony, Pennsylvania. Oliver hỏi Tiên Tri Joseph Smith về công việc của ông phiên dịch một biên sử cổ xưa, Sách Mặc Môn. Vì tin vào tính chất thiêng liêng của công việc đó, ông đã đồng ý làm người biên chép để hoàn tất công việc phiên dịch. Công việc phiên dịch tiến triển nhanh chóng ngay khi Oliver cam kết làm người biên chép.

Đến ngày 15 tháng Năm năm 1829, Joseph và Oliver đã dịch đến sách 3 Nê Phi. Lịch sử về Đấng Cứu Rỗi phục sinh đến viếng thăm Tây Bán Cầu và những lời giảng dạy của Ngài về phép báp têm đã làm cho hai ông thích thú. Khi họ đọc trong sách 3 Nê Phi, tâm trí họ bắt đầu muốn biết về phép báp têm. Cách báp têm nào là đúng và ai có thẩm quyền để thực hiện giáo lễ thiêng liêng, cứu rỗi này? Họ tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi về giáo lý cơ bản này. Họ quyết tâm tìm ra câu trả lời bằng sự cầu nguyện và họ đi đến một nơi gần bên Sông Susquehanna. Họ trút cạn lòng lên Chúa và các tầng trời đã mở ra cho họ. Một thiên sứ hiện đến tự giới thiệu là Giăng Báp Tít, rồi ông nói cho Joseph và Oliver biết là ông hành động dưới sự hướng dẫn của Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng là những người nắm giữ chức tư tế cao hơn (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:72).

Đặt tay lên đầu hai người, ông nói: “Hỡi các ngươi cũng là tôi tớ như ta, trong danh Đấng Mê Si, ta truyền giao cho các ngươi Chức Tư Tế A Rôn, là chức tư tế nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải, và của phép báp têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi; và chức tư tế này sẽ không bao giờ lại bị cất khỏi thế gian, cho đến ngày các con trai của Lê Vi lại hiến dâng một của lễ lên Chúa trong sự ngay chính” (GLGƯ 13:1).

Về sau, Oliver thuật lại sự kiện đó với lời này: “Nhưng… hãy suy nghĩ, hãy suy nghĩ thêm một lát nữa, lòng chúng tôi tràn đầy vui sướng biết bao, và chúng tôi kinh ngạc biết bao khi chúng tôi phải quỳ xuống, … khi chúng tôi nhận được Thánh Chức Tư Tế từ tay vị đó” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:71, cước chú).

Sau khi loài người đã chờ đợi suốt nhiều thế kỷ để thẩm quyền của Thượng Đế được phục hồi, thì quyền năng và vinh quang của Thánh Chức Tư Tế A Rôn trở lại thế gian. Trong tiết 107 của sách Giáo Lý và Giao Ước, chúng ta biết được lý do tại sao chức tư tế thấp hơn được gọi là Chức Tư Tế A Rôn:

“Chức tư tế thứ hai được gọi là Chức Tư Tế A Rôn, vì chức tư tế này đã truyền giao cho A Rôn và dòng dõi của ông trong suốt cả thế hệ của họ.

“Lý do nó được gọi là chức tư tế thấp vì nó là một chức tư tế phụ thuộc vào chức tư tế lớn hơn, nghĩa là Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, và có quyền thực hiện các giáo lễ bề ngoài. …

“Quyền năng và thẩm quyền của chức tư tế thấp, hay là Chức Tư Tế A Rôn, là nắm giũ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ, cùng điều hành các giáo lễ bề ngoài, từ ngữ của phúc âm, phép báp têm về sự hối cải để được xá miễn tội lỗi, phù hợp với các giao ước và các giáo lệnh.” (GLGƯ 107:13–14, 20).

Không những các thiếu niên của Chức Tư Tế A Rôn nhận được quyền năng và thẩm quyền để làm người đại diện cho Chúa trong việc thực hiện các trách nhiệm của chức tư tế của mình, mà các em còn nhận được các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ nữa.

Cùng các em thiếu niên của Chức Tư Tế A Rôn, tôi làm chứng cùng các em rằng Chúa bị ràng buộc bởi giao ước long trọng để ban phước cho cuộc sống của các em tùy theo lòng trung tín của các em. Nếu chịu lưu tâm đến tiếng nói cảnh cáo của Đức Thánh Linh và chịu tuân theo sự hướng dẫn của Ngài, thì các em sẽ được ban phước với sự phù trợ của các thiên sứ. Phước lành này sẽ thêm sự thông sáng, hiểu biết, quyền năng và vinh quang vào cuộc sống của các em. Đây là một phước lành chắc chắn đã được Chúa hứa với các em.

Cách đây một vài tháng, tôi đã có cơ hội tham dự một buổi lễ nhịn ăn và chứng ngôn của một tiểu giáo khu. Người đứng lên chia sẻ chứng ngôn của mình là một cố vấn của Chức Tư Tế A Rôn. Chứng ngôn của người đó mang đến cho tôi một sự biết ơn mới về ý nghĩa của việc một người mang Chức Tư Tế A Rôn nắm giữ các chìa khóa của các thiên sứ phù trợ.

Người cố vấn này mô tả một số kinh nghiệm của mình với các em nắm giữ chức tư tế A Rôn trong tiểu giáo khu vào buổi sáng hôm đó. Khi đi bộ đến nhà thờ, người ấy thấy hai thầy trợ tế trẻ tuổi với các bì thư đựng của lễ nhịn ăn đi đến nhà của các tín hữu. Người ấy rất cảm kích trước cách ăn mặc của hai em ấy với quần áo dành cho ngày Chúa Nhật, và cách hai em ấy thi hành công việc chỉ định của mình với thái độ chững chạc hòa nhã. Rồi người ấy đi theo hai thầy tư tế để thực hiện Tiệc Thánh trong một căn nhà dành cho những người bị bệnh về thân thể và tâm thần. Đây là cơ hội đầu tiên của hai thiếu niên đến thăm căn nhà này, và người cố vấn của hai em đã thấy được thái độ lễ phép và ân cần của hai em đó khi thi hành công việc chỉ định cho chức tư tế của mình.

Sau đó, người cố vấn đã chia sẻ một kinh nghiệm ngắn mà đã làm cho người ấy cảm động, vì một trong số các thầy tư tế đã nhắc người ấy nhớ về ý nghĩa thật sự của việc làm một người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô—thật sự là một thiên sứ phù trợ. Người thầy tư tế trẻ tuổi chuyền nước cho giáo đoàn đến nơi một người đàn ông dường như đang mắc bệnh Down trầm trọng. Vì bệnh tình của mình, nên người đàn ông ấy không thể lấy chén nước từ cái khay để uống. Người thầy tư tế trẻ tuổi lập tức đánh giá tình hình, đặt bàn tay trái của mình ở sau đầu của người đàn ông ấy để người ấy ở trong tư thế uống và với bàn tay phải, người thầy tư tế lấy chén nước từ cái khay và nhẹ nhàng đưa lên môi của người đàn ông ấy. Vẻ biết ơn hiện lên trên gương mặt của người đàn ông—vẻ mặt của một người mà một người khác đã được phù trợ. Sau đó, người thầy tư tế trẻ tuổi, tuyệt diệu này tiếp tục công việc của mình để chuyền nước đã được ban phước cho những người khác trong giáo đoàn.

Người cố vấn bày tỏ cảm nghĩ của mình vào giây phút cảm động ấy. Người ấy nói đã khóc thầm với niềm vui sướng và người ấy biết Giáo Hội đang được chăm sóc bởi những người trẻ tuổi mang Chức Tư Tế A Rôn biết vâng lời và ân cần.

Chủ Tịch Ezra Taft Benson có lần đã nói: “Hãy cho tôi một thiếu niên đã giữ mình được trong sạch về mặt đạo đức và đã trung tín tham dự các buổi họp Giáo Hội của mình. Hãy cho tôi một thiếu niên đã làm vinh hiển chức tư tế của mình và nhận được Phần Thưởng Bổn Phận đối với Thượng Đế và là một Hướng Đạo Sinh hạng Chim Ưng. Hãy cho tôi một thiếu niên tốt nghiệp lớp giáo lý và có một chứng ngôn mãnh liệt về Sách Mặc Môn. Hãy cho tôi một thiếu niên như vậy và tôi sẽ cho các anh em một thanh niên có thể thực hiện các phép lạ cho Chúa trong công việc truyền giáo và trong suốt cuộc sống của mình” (“To the ‘Youth of the Noble Birthright,’” Ensign, tháng Năm năm 1986, 45).

Thưa các bậc cha mẹ của các thiếu niên và thiếu nữ kỳ diệu này, chúng tôi giao cho các anh chị em trách nhiệm thiêng liêng để giảng dạy cho con cái của mình các giáo lý về thánh chức tư tế. Con cái của các anh chị em cần phải học hỏi từ lúc còn rất nhỏ về phước lành của việc có được chức tư tế vĩnh cửu của Chúa và điều chúng cần phải tự mình làm để hội đủ điều kiện nhận được các phước lành này.

Thưa các vị giám trợ, các anh em có các chìa khóa của chức tư tế để chủ tọa các thiếu niên của Chức Tư Tế A Rôn, để ngồi họp với các em và giảng dạy cho các em về các bổn phận chức tư tế của các em. Xin hãy chắc chắn rằng mỗi thiếu niên nào xứng đáng nhận được Chức Tư Tế A Rôn thì phải hiểu các bổn phận và phước lành ban cho em ấy với tư cách là người mang chức tư tế. Hãy giúp các em ấy học cách làm vinh hiển chức tư tế bây giờ bằng cách giao cho các em những công việc chỉ định và bằng cách giúp các em phục vụ và phục sự những người khác.

Các em thiếu niên thân mến, tôi khuyến khích các em xây đắp cuộc sống của mình trên nền tảng của lẽ thật và điều ngay chính. Đó là nền tảng duy nhất mà sẽ đứng chống lại những áp lực của cuộc sống này và kiên trì cho suốt thời vĩnh cửu. Chức tư tế các em mang là một ân tứ đặc biệt, vì chính Chúa là Đấng ban cho. Hãy sử dụng, làm vinh hiển và sống xứng đáng với chức tư tế ấy. Tôi muốn các em biết rằng tôi có một chứng ngôn đặc biệt của cá nhân tôi về quyền năng của chức tư tế ấy. Chức tư tế ấy đã ban phước cho cuộc sống của tôi trong rất nhiều cách.

Tôi cũng khuyến khích các em hãy quyết tâm từ ngày hôm nay rằng các em sẽ kính trọng phước lành lớn lao này và chuẩn bị tiến triển trong mỗi chức phẩm của Chức Tư Tế A Rôn—thầy trợ tế, thầy giảng và thầy tư tế. Hãy tự chuẩn bị để nhận được phước lành lớn lao của việc tiếp nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, mà các em sẽ cần phải xứng đáng để nhận trước khi các em phục vụ với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian. Chúa cần các em tự chuẩn bị để phục vụ Ngài, nhất là trách nhiệm trọng đại các em sẽ có để rao giảng phúc âm của Ngài trên thế gian. Tôi hứa với các em rằng nếu các em chịu chuẩn bị để tiếp nhận chức tư tế thánh của Ngài, thì Ngài sẽ thật sự trút các phước lành xuống đầu các em. Tôi để lại lời chứng này với các em trong tôn danh của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.