2010–2019
Học Hỏi và Giảng Dạy Phúc Âm
Tháng mười 2010


Học Hỏi và Giảng Dạy Phúc Âm

Điều quan trọng nhất là thái độ và tinh thần mà qua đó người giảng viên giảng dạy.

Là thành viên trong chủ tịch đoàn Trường Chúa Nhật trung ương, tôi cảm thấy cần phải bắt đầu bài nói chuyện của mình vào buổi sáng hôm nay bằng cách nói: “Xin chào lớp học.”

Hôm nay sứ điệp của tôi là dành cho những người đã được kêu gọi giảng dạy, trong bất cứ tổ chức nào các anh chị em đang phục vụ và cho dù các anh chị em là một người mới cải đạo vào Giáo Hội hoặc là giảng viên với nhiều năm kinh nghiệm.

Tôi sẽ không nói về “phương pháp” giảng dạy mà thay vì thế về “phương pháp” học hỏi. Có thể có sự khác biệt quan trọng giữa điều một giảng viên nói với điều những người trong lớp nghe hoặc học.

Hãy suy nghĩ trong giây lát về một giảng viên đã thật sự tạo ra điều khác biệt trong cuộc sống của các anh chị em. Điều gì về người ấy đã làm cho các anh chị em nhớ những gì đã được giảng dạy, muốn tự mình tìm ra lẽ thật, sử dụng quyền tự quyết của mình và tự mình hành động chứ không bị tác động—nói cách khác, để học hỏi? Điều gì về người giảng viên này làm cho người ấy khác với các giảng viên khác?

Một giảng viên và nhà văn thành công đã nói: “Điều quan trọng nhất trong việc học hỏi là thái độ. Thái độ của giảng viên.”1

Hãy lưu ý rằng điều quan trọng nhất trong việc học hỏi không phải là số năm làm tín hữu trong Giáo Hội của một giảng viên hoặc một người có bao nhiêu kinh nghiệm giảng dạy hay ngay cả sự hiểu biết của giảng viên về phúc âm hoặc những kỹ thuật giảng dạy. Điều quan trọng nhất là thái độ và tinh thần mà qua đó người giảng viên giảng dạy.

Trong một buổi họp huấn luyện lãnh đạo toàn cầu, Anh Cả Jeffrey R. Holland kể câu chuyện này: “Trong nhiều năm, tôi đã ưa thích câu chuyện mà Chủ Tịch Packer kể về người giảng viên Trường Chúa Nhật của William E. Berrett lúc còn niên thiếu. Một anh tín hữu lớn tuổi người Đan Mạch được kêu gọi giảng dạy một lớp các thiếu niên nghịch ngợm. …Anh ấy không nói tiếng Anh giỏi; Anh vẫn còn giọng Đan Mạch rất nặng; anh ấy lớn tuổi và có đôi bàn tay của nhà nông. Tuy nhiên, anh được kêu gọi để giảng dạy cho mấy đứa trẻ 15 tuổi bướng bỉnh này. Trong mọi phương diện, dường như đây không phải là một điều thích hợp lắm. Nhưng Anh Berrett thường hay nói—và đây là phần trích dẫn của Chủ Tịch Packer—rằng bằng cách nào đó, người này đã giảng dạy cho chúng; rằng mặc dù tất cả những chướng ngại đó, tất cả những giới hạn đó, nhưng người này đã tìm đến tâm hồn của mấy đứa trẻ 15 tuổi đó và thay đổi cuộc sống của chúng. Và chứng ngôn của Anh Berrett là ‘Ảnh hưởng mạnh mẽ của đức tin nơi người giảng viên đối với các thiếu niên là quyền năng của ngọn lửa sưởi ấm các bàn tay lạnh lẽo.”2

Các giảng viên phúc âm thành công yêu mến phúc âm. Họ rất phấn khởi đối với phúc âm. Và vì họ yêu thương học viên của họ, họ muốn các học viên cảm thấy như họ cảm thấy và kinh nghiệm như họ đã kinh nghiệm. Giảng dạy phúc âm là chia sẻ tình yêu mến phúc âm của mình.

Thưa các anh chị em, giảng viên không phát triển thái độ qua việc học hỏi mà qua một cách khác.3

Sau đó, làm thế nào chúng ta phát triển thái độ cần thiết để được là một giảng viên thành công? Tôi muốn được thảo luận bốn nguyên tắc cơ bản để giảng dạy phúc âm.

Trước hết, hãy đắm mình vào thánh thư. Chúng ta không thể yêu mến điều mà chúng ta không biết. Hãy phát triển thói quen học thánh thư hằng ngày, riêng rẽ với việc chuẩn bị bài học của mình. Trước khi có thể giảng dạy phúc âm, chúng ta cần phải biết phúc âm trước đã.

Chủ Tịch Thomas S. Monson vẫn trân quý kỷ niệm về giảng viên Trường Chúa Nhật thời niên thiếu của ông. Ông nói: “Kinh nghiệm mà tôi có khi còn nhỏ là nhờ vào ảnh hưởng của một giảng viên hữu hiệu nhất và đầy soi dẫn, là người đã lắng nghe chúng tôi và yêu thương chúng tôi. Tên của bà là Lucy Gertsch. Trong lớp Trường Chúa Nhật của chúng tôi, bà giảng dạy chúng tôi về Sự Sáng Tạo thế gian, Sự Sa Ngã của A Đam, sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su. Bà mang đến lớp học của mình các vị thượng khách như Môi Se, Giô Suê, Phi E Rơ, Tô Ma, Phao Lô và dĩ nhiên, có cả Đấng Ky Tô. Mặc dù không thấy các vị ấy, nhưng chúng tôi đã học cách yêu thương, kính trọng và bắt chước theo các vị ấy.”4

Lucy Gertsch đã có thể mời các vị thượng khách này vào lớp học của bà vì bà biết các vị ấy. Các vị ấy là những người bạn yêu dấu của bà. Nhờ vào điều đó, lớp học của bà cũng học cách “yêu thương, kính trọng và bắt chước theo các vị ấy.”

Chúa phán cùng Hyrum Smith: “Chớ tìm cách rao truyền lời của ta, mà trước hết hãy tìm kiếm để thụ nhận lời của ta.”5 Lời khuyên dạy này áp dụng cho mỗi người chúng ta.

Chúa đã truyền lệnh cho chúng ta tra cứu,6 nuôi dưỡng,7 và quý trọng thánh thư.8 Khi thiết tha tra cứu và suy ngẫm lời của Chúa, chúng ta sẽ có được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta. Chúng ta sẽ trở nên quen thuộc với tiếng Ngài.9

Chẳng bao lâu sau khi tôi được kêu gọi làm chủ tịch giáo khu, chủ tịch đoàn giáo khu của chúng tôi tham dự buổi huấn luyện từ một Thầy Bảy Mươi có thẩm quyền Giáo Vùng. Trong lúc huấn luyện, tôi đặt ra một câu hỏi mà ông đáp như sau: “Đó là một câu hỏi hay. Chúng ta hãy giở đến sách Church Handbook of Instructions (Sách Hướng Dẫn Tổng Quát) để tìm câu trả lời.” Rồi chúng tôi tìm đến quyển sách hướng dẫn và trong đó có câu trả lời cho câu hỏi của tôi. Một lát sau trong buổi huấn luyện của chúng tôi, tôi đặt ra một câu hỏi khác. Một lần nữa, ông đáp: “Câu hỏi hay đó. Chúng ta hãy giở đến sách hướng dẫn.” Tôi không dám đặt ra thêm câu hỏi nào nữa. Tôi nghĩ tốt nhất là nên đọc sách hướng dẫn thôi.

Kể từ lúc đó, tôi nghĩ rằng Chúa đã có thể đưa ra câu trả lời tương tự cho mỗi người chúng ta khi chúng ta tìm đến Ngài với những điều bận tâm hoặc thắc mắc. Ngài có thể phán: “Đó là câu hỏi hay. Nếu ngươi xem lại chương 5 sách An Ma hoặc tiết 76 sách Giáo Lý Giao Ước, thì ngươi sẽ nhớ rằng ta đã phán cho ngươi về điều này rồi.”

Thưa các anh chị em, thật là trái ngược với lối điều hành trên thiên thượng khi Chúa phải lặp lại cho riêng mỗi người chúng ta điều Ngài đã mặc khải chung cho chúng ta biết. Thánh thư chứa đựng lời của Đấng Ky Tô. Thánh thư là tiếng nói của Chúa. Việc nghiên cứu thánh thư dạy chúng ta lắng nghe tiếng Chúa.

Thứ hai, hãy áp dụng trong cuộc sống của các anh chị em những điều mình học được. Khi Hyrum Smith muốn được là một phần tử trong công việc ngày sau vĩ đại này, Chúa đã phán cùng ông: “Này, đây là công việc của người, tuân giữ các giáo lệnh của ta, phải với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh của mình.”10 Là các giảng viên, công việc của chúng ta đầu tiên và trước hết là hết khả năng, hết tâm trí và hết sức tuân giữ các lệnh truyền.

Thứ ba, tìm kiếm sự giúp đỡ của thiên thượng. Hãy cầu khẩn lên Chúa, với tất cả mãnh lực của lòng mình, để có được Thánh Linh của Ngài. Thánh thư dạy: “Nếu các ngươi không nhận được Thánh Linh thì các ngươi chớ giảng dạy.”11 Câu này có nghĩa là cho dù các anh chị em có sử dụng tất cả những kỹ thuật giảng dạy đúng, nhưng nếu không có Thánh Linh thì việc học hỏi thật sự sẽ không xảy ra.

Vai trò của giảng viên là “giúp các cá nhân nhận lãnh trách nhiệm học hỏi phúc âm—đánh thức nơi họ ước muốn học hỏi, hiểu và sống theo phúc âm.”12 Câu này có nghĩa là với tư cách là giảng viên, chúng ta không cần phải tập trung quá nhiều vào việc trình bày của mình mà vào cách chúng ta giúp những người khác học hỏi và sống theo phúc âm.13

Lần cuối cùng các anh chị em quỳ xuống cầu nguyện và cầu xin Chúa không những giúp đỡ mình với bài học của mình mà còn giúp các anh chị em biết và đáp ứng nhu cầu của mỗi học viên trong lớp học của mình là khi nào? Không có lớp học nào quá đông đến nỗi chúng ta không thể cầu nguyện để có được sự soi dẫn để thấu đến lòng của mỗi học viên.

Là điều tự nhiên nếu các giảng viên có cảm giác không thích đáng. Các anh chị em cần phải hiểu rằng “tuổi tác, sự chín chắn và sự huấn luyện về trí óc không phải là cách thức hoặc mức độ cần thiết để giao tiếp với Chúa và Thánh Linh của Ngài.”14

Những lời hứa của Chúa là chắc chắn. Nếu các anh chị em nghiêm chỉnh tra cứu thánh thư và luôn luôn tích trữ trong tâm trí mình những lời nói về cuộc sống, nếu các anh chị em hết lòng tuân giữ các lệnh truyền và cầu nguyện cho mỗi học viên, thì các anh chị em sẽ vui hưởng sự đồng hành của Đức Thánh Linh và sẽ nhận được sự mặc khải.15

Thứ tư, thưa các anh chị em, thật là quan trọng vô cùng khi chúng ta sử dụng quyền tự quyết của mình và hành động, mà không trì hoãn, đúng theo những thúc giục của Thánh Linh mà chúng ta nhận được.

Chủ Tịch Thomas S. Monson dạy: “Chúng ta nhìn. Chúng ta chờ đợi. Chúng ta lắng nghe tiếng nói êm ái, nhỏ nhẹ đó. Khi tiếng nói đó cất lên, những người nam và người nữ khôn ngoan vâng theo. Chớ nên trì hoãn những thúc giục của Thánh Linh.”16

Các anh chị em không nên sợ phải sử dụng quyền tự quyết của mình và hành động theo những ý nghĩ và ấn tượng mà Thánh Linh của Chúa đặt vào lòng mình. Thoạt tiên, các anh chị em có thể cảm thấy lúng túng, nhưng tôi hứa rằng những kinh nghiệm tuyệt diệu và làm hài lòng nhất mà các anh chị em có được với tư cách là giảng viên sẽ là khi các anh chị em tuân phục theo ý muốn của Chúa và tuân theo những thúc giục mình nhận được từ Đức Thánh Linh. Những kinh nghiệm của các anh chị em sẽ củng cố đức tin của các anh chị em và mang đến lòng can đảm lớn lao hơn để hành động trong tương lai.

Các giảng viên thân mến, các anh chị em là một trong những phép lạ kỳ diệu của Giáo Hội này. Các anh chị em có được một sự tin cậy thiêng liêng. Chúng tôi yêu mến các anh chị em và tin tưởng nơi các anh chị em. Tôi biết rằng nếu chúng ta chịu tra cứu thánh thư và sống sao cho chúng ta xứng đáng có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh, thì Chúa sẽ làm vinh hiển chúng ta trong sự kêu gọi và trách nhiệm của mình để có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình từ Chúa. Cầu xin cho chúng ta đều làm như vậy là lời cầu nguyện của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. David McCullough, “Teach Them What You Love” (bài nói chuyện được đưa ra trong Đại Thính Đường Tabernacle, Salt Lake City, Utah, ngày 9 tháng Năm năm 2009).

  2. Jeffrey R. Holland, “Teaching and Learning in the Church,” Liahona, tháng Sáu năm 2007, 72.

  3. Xin xem David McCullough, “Teach Them What You Love.”

  4. Thomas S. Monson, “Examples of Great Teachers,” Liahona, tháng Sáu năm 2007, 76.

  5. Giáo Lý và Giao Ước 11:21.

  6. Xin xem Giăng 5:39.

  7. Xin xem 2 Nê Phi 32:3.

  8. Xin xem Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:37.

  9. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:36; 84:52.

  10. Giáo Lý và Giao Ước 11:20.

  11. Giáo Lý và Giao Ước 42:14.

  12. Teaching, No Greater Call: A Resource Guide for Gospel Teaching (1999), 61.

  13. Xin xem Teaching, No Greater Call, 60–62.

  14. J. Reuben Clark Jr., The Charted Course of the Church in Education (bài nói chuyện được đưa ra cho các vị lãnh đạo lớp giáo lý và viện giáo lý tại Aspen Grove, Utah, ngày 8 tháng Tám năm 1938), 6.

  15. Xin xem Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 132.

  16. Thomas S. Monson, “The Spirit Giveth Life,” Liahona, tháng Sáu năm 1997, 4.