Thánh Thư
Giải Thích Tóm Lược về Sách Mặc Môn


Giải Thích Tóm Lược về Sách Mặc Môn

Sách Mặc Môn là một biên sử thiêng liêng ghi chép về các dân tộc sống ở Châu Mỹ thời xưa và được ghi chép trên các bảng khắc bằng kim loại. Từ những nguồn tài liệu đó mà biên sử này được biên soạn, gồm có các bảng khắc sau đây:

  1. Các Bảng Khắc Nê Phi, gồm có hai loại: Các bảng khắc nhỏ và các bảng khắc lớn. Các bảng khắc nhỏ đặc biệt ghi lại những vấn đề thuộc linh và giáo vụ cùng những lời giảng dạy của các vị tiên tri, còn các bảng khắc lớn hầu hết ghi lại lịch sử thế tục của các dân tộc liên hệ (1 Nê Phi 9:2–4). Tuy nhiên, kể từ thời Mô Si A, các bảng lớn cũng còn được ghi chép phần lớn những vấn đề thuộc linh quan trọng.

  2. Các Bảng Khắc Mặc Môn, gồm có phần tóm lược Các bảng khắc Nê Phi lớn, do Mặc Môn viết, với nhiều lời phê bình. Các bảng khắc này cũng gồm có phần lịch sử nối tiếp do Mặc Môn viết và những phần bổ túc của con trai ông là Mô Rô Ni.

  3. Các Bảng Khắc Ê The, ghi lại lịch sử dân Gia Rết. Biên sử này được Mô Rô Ni tóm lược và thêm các lời phê bình của ông cùng kết hợp biên sử này với lịch sử tổng quát dưới tựa đề “Sách Ê The”.

  4. Các Bảng Khắc Bằng Đồng do những người của Lê Hi từ Giê Ru Sa Lem mang theo vào năm 600 trước T.C. Các bảng khắc này chứa đựng “năm cuốn sách của Môi Se, … và luôn cả biên sử của người Do Thái từ lúc khởi thủy, … đến đầu triều đại Sê Đê Kia, vua Giu Đa; cùng những lời tiên tri của các thánh tiên tri” (1 Nê Phi 5:11–13). Nhiều đoạn trích dẫn ra từ các bảng khắc này, dẫn chứng về Ê Sai và các tiên tri khác trong Kinh Thánh cùng các tiên tri không có trong Kinh Thánh, được tìm thấy trong Sách Mặc Môn.

Sách Mặc Môn gồm có mười lăm mục hay mười lăm phần chính mà tất cả, trừ một phần, đều gọi là sách, thường thường được lấy theo tên tác giả chính của các sách ấy. Phần thứ nhất (sáu sách đầu tiên, chấm dứt ở sách Ôm Ni) là bản dịch từ các bảng khắc nhỏ của Nê Phi. Giữa các sách Ôm Ni và Mô Si A là phần thêm vào gọi là Lời Mặc Môn. Phần thêm vào này nối liền biên sử được ghi chép trên các bảng khắc nhỏ với phần tóm lược của Mặc Môn về các bảng khắc lớn.

Phần dài nhất, từ sách Mô Si A đến hết chương 7 của sách Mặc Môn, là bản dịch phần tóm lược của Mặc Môn về các bảng khắc Nê Phi lớn. Phần kết luận từ chương 8 của sách Mặc Môn đến hết sách do Mô Rô Ni, con trai của Mặc Môn ghi khắc. Mô Rô Ni, sau khi chép xong biên sử về cuộc đời của cha mình, đã tóm lược biên sử Gia Rết (là sách Ê The) và sau đó thêm các phần mà được gọi là sách Mô Rô Ni.

Vào khoảng năm 421 sau T.C., Mô Rô Ni, tiên tri—sử gia Nê Phi cuối cùng, niêm phong và cất giấu biên sử thiêng liêng này trong Chúa, để ngày sau được đem ra phổ biến như đã được tiếng nói của Thượng Đế báo trước qua các tiên tri thời xưa của Ngài. Vào năm 1823 sau T.C., cũng chính vị Mô Rô Ni này, lúc ấy là một nhân vật phục sinh, đã hiện đến cùng Tiên Tri Joseph Smith và sau đó giao các bảng khắc cho ông.

Về lần ấn bản này: Trang tựa gốc, ngay trước trang mục lục, được lấy từ các bảng khắc và là một phần của văn bản thiêng liêng. Những lời giới thiệu trong một mặt chữ không in nghiêng, chẳng hạn như trong 1 Nê Phi và ngay trước Mô Si A chương 9, cũng là một phần của văn bản thiêng liêng. Những lời giới thiệu in nghiêng, chẳng hạn như trong các tiêu đề chương, không phải gốc cho văn bản nhưng là những phần giúp đỡ cho việc nghiên cứu được gồm vào để thuận tiện cho việc đọc sách.

Có một vài lỗi nhỏ trong văn bản đã có trong những ấn bản Sách Mặc Môn được xuất bản bằng tiếng Anh trong quá khứ. Ấn bản này chứa đựng những chỗ sửa mà dường như thích đáng để làm cho sách này phù hợp với các bản thảo đã được xuất bản trước kia và những ấn bản đầu tiên đã được Tiên Tri Joseph Smith hiệu chỉnh.