Viện Giáo Lý
Bài học 17 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Tìm Kiếm Hy Vọng trong Chiến Thắng của Chúa Giê Su Ky Tô trước Cái Chết


“Bài học 17 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Tìm Kiếm Hy Vọng trong Chiến Thắng của Chúa Giê Su Ky Tô trước Cái Chết,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài học 17 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

Hình Ảnh
Ngôi mộ trống của Chúa Giê Su Ky Tô

Bài Học 17 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Tìm Kiếm Hy Vọng trong Chiến Thắng của Chúa Giê Su Ky Tô trước Cái Chết

Cơ thể của chúng ta là một phước lành! Thật là dễ dàng để cảm thấy như vậy khi chúng ta khỏe mạnh. Nhưng khi chúng ta trải qua những điều như đói khát, bệnh tật, thương tích hoặc khuyết tật thì sao? Anh chị em đã từng chứng kiến những tác động của tuổi tác gây suy nhược sức khỏe của một thành viên trong gia đình hoặc thậm chí trải qua nỗi đau trước cái chết của một người thân yêu chưa? Khi anh chị em nghĩ về nỗi đau khổ thể xác và cái chết, hãy suy ngẫm xem việc gia tăng niềm tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Phục Sinh của Ngài có thể mang lại cho anh chị em niềm hy vọng và sự bình an ra sao.

Phần 1

Làm thế nào việc nghiên cứu các câu chuyện về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi có thể củng cố đức tin của tôi?

Sau khi Chúa Giê Su Ky Tô bị đóng đinh, thể xác của Ngài được đặt vào một ngôi mộ. Vào sáng ngày thứ ba, Ma Ri Ma Đơ Len phát hiện ngôi mộ trống không, và bà bật khóc. Hai thiên sứ hỏi bà tại sao bà khóc. Bà đáp: “Vì người ta đã dời Chúa tôi đi, không biết để Ngài ở đâu” (Giăng 20:13).

Hình Ảnh
Ma Ri khóc bên ngoài ngôi mộ
Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Giăng 20:14–18, và nghĩ về việc trở thành nhân chứng đầu tiên cho Đấng Cứu Rỗi phục sinh sẽ như thế nào. (Cụm từ “Chớ rờ đến ta” được viết thành “Đừng giữ ta” trong bản dịch Joseph Smith. Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói rằng Chúa có thể đã phán cùng Ma Ri: “Các ngươi không thể giữ ta ở đây, vì ta sẽ lên cùng Cha ta” [The Mortal Messiah: From Bethlehem to Calvary (năm 1981), 4:264].

Là một phần trong Sự Chuộc Tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi là người đầu tiên trên thế gian này được phục sinh. Linh hồn của Ngài tái hợp với thể xác hoàn hảo, bất diệt của Ngài. Các Sứ Đồ Ngày Sau đã làm chứng rằng: “Là Chúa Phục Sinh, Ngài viếng thăm những người Ngài đã yêu mến trong cuộc sống. Ngài cũng phục sự giữa các ‘chiên khác’ của Ngài (Giăng 10:16) ở Mỹ Châu thời xưa. Trong thế giới hiện đại, Ngài và Cha Ngài hiện đến cùng thiếu niên Joseph Smith” (“Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” ChurchofJesusChrist.org).

Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô là một trong những sự kiện được ghi chép cẩn thận nhất trong thánh thư (xin xem Russell M. Nelson, “Life after Life,” Ensign, tháng Năm năm 1987, trang 8–10). Để gia tăng chứng ngôn của anh chị em về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi, hãy đọc ít nhất một trong những lời kể sau đây của các nhân chứng:

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Dành ra một vài phút để ghi lại điều anh chị em đã suy nghĩ và cảm nhận khi nghiên cứu một hoặc nhiều những câu chuyện này.

Phần 2

Làm thế nào mà sự hiểu biết sâu sắc hơn về Sự Phục Sinh có thể làm gia tăng đức tin của tôi nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Cơ thể của anh chị em có ý nghĩa vĩnh cửu và là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc của anh chị em trong cuộc sống này và cuộc sống mai sau. Chúa phán bảo Vị Tiên Tri Joseph Smith rằng “linh hồn cùng nguyên tố [thể xác], đã kết hợp nhau một cách không thể tách rời được, nhận được niềm vui trọn vẹn; và khi bị tách rời, loài người không thể nhận được niềm vui trọn vẹn” (Giáo Lý và Giao Ước 93:33–34). Trong một khải tượng về thế giới linh hồn, Chủ Tịch Joseph F. Smith nói rằng người chết “coi việc tách rời lâu dài linh hồn khỏi thể xác của mình là một hình thức nô lệ” (Giáo Lý và Giao Ước 138:50). Hãy nghĩ về Sự Phục Sinh quan trọng như thế nào đối với kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài.

Trong bức thư của ông gửi cho Các Thánh Hữu Cô Rinh Tô, Sứ Đồ Phao Lô đã dạy rằng nếu Chúa Giê Su Ky Tô không sống lại từ cõi chết, “thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin anh em cũng vô ích” (1 Cô Rinh Tô 15:14).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 1 Cô Rinh Tô 15:17–222 Nê Phi 9:8–9 và suy ngẫm điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta nếu Chúa Giê Su Ky Tô không được phục sinh.

Hình Ảnh
Jesus Appearing to the Five Hundred (Chúa Giê Su Hiện Đến cùng Năm Trăm Người), tranh do Grant Romney Clawson họa

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giúp chúng ta hiểu thêm một số ngụ ý về giáo lý về Sự Phục Sinh:

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

Hãy cân nhắc trong một giây phút ý nghĩa của Sự Phục Sinh trong việc giải quyết một cách dứt khoát danh tính thực sự của Chúa Giê Su ở Na Xa Rét và những tranh cãi về triết lý sâu xa và những thắc mắc về cuộc sống. Nếu Chúa Giê Su đã thật sự phục sinh, thì tiếp theo đó nhất định Ngài là một Đấng thánh. Không có một người trần thế nào có quyền năng [trong] chính mình để sống lại sau khi chết cả. Vì Ngài đã phục sinh nên Chúa Giê Su không thể chỉ là một người thợ mộc, [một giảng viên], một giáo sĩ, hay một vị tiên tri. Vì Ngài đã phục sinh, nên Chúa Giê Su phải là một Thượng Đế, chính là Con Trai Độc Sinh của Đức Chúa Cha.

Do đó, những gì Ngài dạy là chân chính; Thượng Đế không thể nói dối.

Do đó, Ngài là Đấng Sáng Tạo của thế gian, như Ngài đã phán.

Do đó, thiên thượng và ngục giới là có thật, như Ngài đã dạy.

Do đó, có một thế giới linh hồn mà Ngài đã đến thăm sau khi chết.

Do đó, Ngài sẽ tái lâm, như các thiên sứ đã nói, và “thân hành trị vì trên thế gian” (Những Tín Điều 1:10).

Do đó, có một sự phục sinh và một sự phán xét cuối cùng cho tất cả mọi người. (“Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 113)

Hình Ảnh
He Lives (Ngài Hằng Sống), tác phẩm của Simon Dewey

Khi nhìn vào Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi từ một quan điểm vĩnh cửu, Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Ezra Taft Benson

Các sự kiện lịch sử vĩ đại nhất là những sự kiện ảnh hưởng đến nhiều người nhất trong khoảng thời gian dài nhất. Theo tiêu chuẩn này, không có sự kiện nào có thể quan trọng đối với các cá nhân hoặc quốc gia hơn sự phục sinh của Đức Thầy. (“The Meaning of Easter,” Ensign, tháng Tư năm 1992, trang 2)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Khi suy ngẫm tầm quan trọng của Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em có thể làm gì để củng cố sự hiểu biết và chứng ngôn của mình về sự phục sinh đó?

Phần 3

Làm thế nào một chứng ngôn về Sự Phục Sinh có thể mang đến cho tôi sự bình an và hy vọng?

Hãy nghĩ đến những thử thách về thể chất mà anh chị em hoặc những người thân thiết với anh chị em đã hoặc đang đối mặt. Hãy nghĩ về những người trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết đã qua đời. Anh Cả Paul V. Johnson thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã đưa ra quan điểm sau đây về những kinh nghiệm khó khăn trên trần thế này:

Hình Ảnh
Anh Cả Paul V. Johnson

Mỗi người chúng ta đều có những hạn chế và yếu kém về thể chất, tinh thần, và tình cảm. Những thử thách này, mà một số trong đó hiện dường như rất khó chữa khỏi nhưng cuối cùng sẽ được giải quyết. Không một vấn đề nào trong số những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến chúng ta sau khi chúng ta phục sinh. …

… Phép lạ của sự phục sinh, cách chữa bệnh tột bậc, thì vượt xa [khả năng của] y học hiện đại. Nhưng nó [hoàn toàn nằm trong] quyền năng của Thượng Đế. …

… Đối với tất cả những ai đã có [con cái] qua đời hay khóc lóc trước quan tài của người phối ngẫu hoặc đau buồn trước cái chết của cha hay mẹ hoặc một người họ yêu thương thì Sự Phục Sinh là một nguồn hy vọng lớn lao. Thật là một kinh nghiệm mạnh mẽ khi chúng ta gặp lại họ một lần nữa—không chỉ là những linh hồn mà là với thể xác phục sinh. (“Và Sẽ Không Có Sự Chết Nữa,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 122, 123)

Hình Ảnh
Đấng Cứu Rỗi đưa tay về phía một người phụ nữ

Với tư cách là một nhân chứng về Đấng Ky Tô phục sinh, Sứ Đồ Phao Lô đã vui mừng trong chiến thắng của Đấng Cứu Rỗi trước cái chết.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 1 Cô Rinh Tô 15:53–55, và suy ngẫm việc tin cậy vào Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi có thể lấy đi nọc độc của sự chết như thế nào.

Lưu ý: Từ “không hư nát” ở đây có nghĩa là thể xác của chúng ta sẽ không còn bị mục rữa hay tiêu tan nữa.

Hình Ảnh
biểu tượng, hành động

Hành Động

Anh chị em có thể sử dụng điều đã học được về Sự Phục Sinh để củng cố chứng ngôn của mình như thế nào? Anh chị em biết ai có thể được ban phước khi nghe những suy nghĩ và cảm nhận của mình về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi? Cân nhắc việc chia sẻ điều anh chị em nghĩ và cảm nhận với người đó.