Các Sách Hướng Dẫn và Các Chức Vụ Kêu Gọi
3. Các Nguyên Tắc của Chức Tư Tế


“3. Các Nguyên Tắc của Chức Tư Tế,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Năm 2020).

“3. Các Nguyên Tắc của Chức Tư Tế,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát.

Hình Ảnh
gia đình đi bộ gần đền thờ

3.

Các Nguyên Tắc của Chức Tư Tế

3.0

Lời Giới Thiệu

Chức tư tế là thẩm quyền và quyền năng của Thượng Đế. Chức tư tế luôn luôn tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại mà không kết thúc (xin xem An Ma 13:7–8; Giáo Lý và Giao Ước 84:17–18). Qua chức tư tế, Cha Thiên Thượng thực hiện công việc của Ngài là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Thượng Đế ban thẩm quyền và quyền năng cho các con trai và con gái của Ngài trên thế gian để giúp thực hiện công việc này (xin xem chương 1).

3.1

Sự Phục Hồi Chức Tư Tế

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là tổ chức duy nhất trên thế gian với thẩm quyền chức tư tế. Tiên Tri Joseph Smith đã nhận được Chức Tư Tế A Rôn và các chìa khóa của chức này từ Giăng Báp Tít (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 13:1). Ông đã nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và các chìa khóa của chức này từ Các Sứ Đồ Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 27:12–13).

Trong Đền Thờ Kirtland, Môi Se, Ê Li A và Ê Li đã hiện đến cùng Joseph Smith và truyền giao cho ông thêm thẩm quyền cần thiết để thực hiện công việc của Thượng Đế trong những ngày sau (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:11–16).

  • Môi Se truyền giao các chìa khóa về sự quy tụ Y Sơ Ra Ên (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Y Sơ Ra Ên”).

  • Ê Li A truyền giao gian kỳ phúc âm của Áp Ra Ham. Điều này gồm có sự phục hồi giao ước của Áp Ra Ham (xin xem Áp Ra Ham 2:9–11; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Giao Ước của Áp Ra Ham”).

  • Ê Li truyền giao các chìa khóa về quyền năng gắn bó (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Gắn Bó, Ấn Chứng, Đóng Ấn”). Các chìa khóa này cung cấp thẩm quyền cho phép các giáo lễ được thực hiện trên thế gian được ràng buộc trong cuộc sống mai sau (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 128:9–10).

Mỗi thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đều nắm giữ tất cả các chìa khóa chức tư tế này ngày nay. Chỉ có Chủ Tịch của Giáo Hội, là Vị Sứ Đồ trưởng, mới được phép sử dụng tất cả các chìa khóa này. Các vị lãnh đạo này kêu gọi và cho phép các tín hữu khác trong Giáo Hội sử dụng thẩm quyền và quyền năng của chức tư tế của Thượng Đế để phụ giúp trong công việc cứu rỗi và tôn cao.

Để có thông tin về các chìa khóa của chức tư tế, xin xem đoạn 3.4.1.

3.2

Các Phước Lành của Chức Tư Tế

Qua các giao ước và các giáo lễ của chức tư tế, Thượng Đế làm cho các phước lành lớn lao có sẵn cho tất cả con cái của Ngài. Các phước lành này gồm có:

  • Phép báp têm và vai trò tín hữu trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Ân tứ Đức Thánh Linh.

  • Dự phần Tiệc Thánh.

  • Thẩm quyền và quyền năng để phục vụ trong những sự kêu gọi và những sự chỉ định của Giáo Hội.

  • Nhận được các phước lành tộc trưởng và các phước lành chức tư tế khác về sự chữa lành, an ủi và hướng dẫn.

  • Được ban cho quyền năng của Thượng Đế trong đền thờ.

  • Được làm lễ gắn bó với những người trong gia đình của mình cho thời vĩnh cửu.

  • Lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu.

Các con cái của Thượng Đế có thể nhận được những phước lành này của chức tư tế và cảm nhận niềm vui lớn lao khi họ sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

3.3

Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Chức Tư Tế A Rôn

Trong Giáo Hội, có hai chức tư tế: Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Chức Tư Tế A Rôn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:1).

3.3.1

Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc

Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là “Thánh Chức Tư Tế theo Ban của Vị Nam Tử của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 107:3). Đó là quyền năng mà qua đó các con trai và con gái của Thượng Đế có thể trở nên giống như Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:19–21; 132:19–20).

“Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc nắm giữ quyền chủ tọa.” Chức này có “quyền năng cùng thẩm quyền đối với tất cả các chức vụ trong giáo hội, trong mọi thời đại trên thế gian, để điều hành các công việc thuộc linh.” (Giáo Lý và Giao Ước 107:8). Qua thẩm quyền này, các vị lãnh đạo Giáo Hội hướng dẫn và điều hành tất cả công việc thuộc linh của Giáo Hội (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:18). “Tất cả các thẩm quyền hay chức vị khác trong giáo hội đều phụ thuộc vào chức tư tế này” (Giáo Lý và Giao Ước 107:5).

Chủ Tịch của Giáo Hội là thầy tư tế thượng phẩm chủ tọa Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:65–67). Chủ tịch giáo khu là thầy tư tế thượng phẩm chủ tọa trong giáo khu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:8, 10; xin xem thêm chương 6 trong sách hướng dẫn này). Vị giám trợ là thầy tư tế thượng phẩm chủ tọa trong tiểu giáo khu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:17; xin xem thêm chương 7 trong sách hướng dẫn này).

Để có thông tin về các chức phẩm và trách nhiệm của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, xin xem phần 8.1.

3.3.2

Chức Tư Tế A Rôn

Chức Tư Tế A Rôn là “một chức tư tế phụ thuộc vào … Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc” (Giáo Lý và Giao Ước 107:14). Chức tư tế này bao gồm các chìa khóa của:

  • Sự phù trợ của các thiên sứ.

  • Phúc âm về sự hối cải.

  • Thực hiện trong các giáo lễ bề ngoài gồm có phép báp têm để xá miễn các tội lỗi.

(Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 13:1; 84:26–27; 107:20.)

Vị giám trợ là chủ tịch của Chức Tư Tế A Rôn trong tiểu giáo khu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:15).

Để có thông tin về các chức phẩm và trách nhiệm của Chức Tư Tế A Rôn, xin xem đoạn 10.1.3.

3.4

Thẩm Quyền Chức Tư Tế

Thẩm quyền chức tư tế là sự cho phép để đại diện cho Thượng Đế và hành động trong danh Ngài. Trong Giáo Hội, mọi thẩm quyền của chức tư tế đều được sử dụng dưới sự hướng dẫn của những người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế.

Các nam tín hữu xứng đáng của Giáo Hội nhận được thẩm quyền chức tư tế qua sự truyền giao và sắc phong các chức phẩm của chức tư tế. Tất cả các tín hữu của Giáo Hội có thể sử dụng thẩm quyền đã được giao phó khi họ được phong nhiệm hoặc được chỉ định để phụ giúp trong việc thực hiện công việc của Thượng Đế. Các tín hữu phải chịu trách nhiệm với Thượng Đế và với những người mà Ngài đã chỉ định để chủ tọa về cách họ sử dụng thẩm quyền của Ngài (xin xem đoạn 3.4.4).

3.4.1

Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế

Các chìa khóa của chức tư tế là thẩm quyền để hướng dẫn việc sử dụng chức tư tế thay cho con cái của Thượng Đế. Việc sử dụng tất cả thẩm quyền chức tư tế trong Giáo Hội được hướng dẫn bởi những người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 65:2).

3.4.1.1

Những Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế

Chúa Giê Su Ky Tô nắm giữ tất cả các chìa khóa của chức tư tế. Dưới sự hướng dẫn của Ngài, các chìa khóa của chức tư tế được ban cho những người nam để sử dụng trong những sự kêu gọi cụ thể để thực hiện công việc của Thượng Đế, như đã được giải thích dưới đây.

Chúa đã truyền giao cho mỗi Sứ Đồ của Ngài tất cả các chìa khóa liên quan đến vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Vị Sứ Đồ trưởng tại thế, Chủ Tịch của Giáo Hội, là người duy nhất trên thế gian được phép sử dụng tất cả các chìa khóa của chức tư tế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 81:1–2; 107:64–67, 91–92; 132:7).

Dưới sự hướng dẫn của Chủ Tịch Giáo Hội, các vị lãnh đạo chức tư tế được ban cho các chìa khóa để họ có thể chủ tọa trong các lãnh vực mà họ chịu trách nhiệm. Các vị lãnh đạo này gồm có:

  • Các chủ tịch giáo khu và giáo hạt.

  • Các giám trợ và chủ tịch chi nhánh.

  • Các chủ tịch của nhóm túc số Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và A Rôn.

  • Các chủ tịch đền thờ.

  • Các chủ tịch phái bộ truyền giáo và các chủ tịch trung tâm huấn luyện truyền giáo.

  • Các chủ tịch di tích lịch sử của Giáo Hội.

Các vị lãnh đạo này nhận được các chìa khóa của chức tư tế khi họ được phong nhiệm cho những chức vụ kêu gọi của họ.

Các chìa khóa chức tư tế không được ban cho những người khác, kể cả các cố vấn cho các vị lãnh đạo chức tư tế ở địa phương hoặc các chủ tịch của các tổ chức Giáo Hội. Thay vì thế, các vị lãnh đạo này được ban cho thẩm quyền đã được giao phó khi họ được phong nhiệm và khi họ nhận được những chỉ định dưới sự hướng dẫn của những người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế. Các chủ tịch của các tổ chức Giáo Hội chủ tọa dưới sự hướng dẫn của những người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế (xin xem đoạn 4.2.4).

Hình Ảnh
buổi họp hội đồng tiểu giáo khu

3.4.1.2

Sự Trật Tự trong Công Việc của Chúa

Các chìa khóa của chức tư tế bảo đảm rằng công việc cứu rỗi và tôn cao được thực hiện theo một cách có trật tự (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 42:11; 132:8). Những người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế hướng dẫn công việc của Chúa trong các phạm vi trách nhiệm của họ. Họ làm như vậy trong tình yêu thương và sự ngay chính. Thẩm quyền chủ tọa này chỉ có hiệu lực đối với các trách nhiệm cụ thể của chức vụ kêu gọi của người lãnh đạo. Khi các vị lãnh đạo chức tư tế được giải nhiệm khỏi các chức vụ kêu gọi của họ thì họ không còn nắm giữ các chìa khóa này nữa.

Tất cả những người nào phục vụ trong Giáo Hội đều được phong nhiệm hoặc được chỉ định dưới sự hướng dẫn của một người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế. Khi các tín hữu được phong nhiệm hoặc được chỉ định thì họ được Thượng Đế cho phép phục vụ trong công việc của Ngài.

3.4.2

Lễ Truyền Giao và Sắc Phong Chức Tư Tế

Dưới sự hướng dẫn của những người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế, Chức Tư Tế A Rôn và Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc được truyền giao cho các nam tín hữu xứng đáng của Giáo Hội (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:14–17). Sau khi chức tư tế thích hợp đã được truyền giao, người nam này được sắc phong một chức phẩm trong chức tư tế đó, chẳng hạn như thầy trợ tế hoặc anh cả. Một người nắm giữ chức tư tế thực hành chức tư tế theo các quyền hạn và các bổn phận của chức phẩm đó (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:99).

Mỗi người nam trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô nên cố gắng xứng đáng để tiếp nhận và sử dụng Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc để phục vụ người khác. Khi tiếp nhận chức tư tế này, một người nam lập một giao ước để làm tròn các trách nhiệm của chức tư tế của mình một cách trung tín. Người này cũng nhận được từ Thượng Đế một lời thề, hoặc lời hứa, về các phước lành vĩnh cửu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:33–44; xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Lời Thề và Giao Ước của Chức Tư Tế”).

Để biết thêm thông tin về lễ truyền giao và sắc phong chức tư tế, xin xem các đoạn 8.1.1, phần 10.6, 18.10, và đoạn 38.2.5.

3.4.3

Sự Ủy Nhiệm Thẩm Quyền của Chức Tư Tế để Phục Vụ trong Giáo Hội

Thẩm quyền của chức tư tế để phục vụ trong Giáo Hội được ủy nhiệm cho các tín hữu theo những cách sau đây:

  • Bằng cách phong nhiệm cho một chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội

  • Bằng sự chỉ định từ các vị lãnh đạo Giáo Hội chủ tọa

3.4.3.1

Phong Nhiệm

Khi những người nam và người nữ được phong nhiệm dưới sự hướng dẫn của những người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế, thì họ được ban cho thẩm quyền từ Thượng Đế để hành động trong chức vụ kêu gọi đó. Khi được giải nhiệm khỏi một chức vụ kêu gọi, thì họ không còn có thẩm quyền liên quan đến chức vụ đó nữa.

Một số chức vụ kêu gọi được liên kết với các chức phẩm và các nhóm túc số của chức tư tế. Ví dụ, một người đàn ông nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể được kêu gọi với tư cách là chủ tịch nhóm túc số các anh cả. Khi được chủ tịch giáo khu phong nhiệm, người ấy được ban cho các chìa khóa của chức tư tế, thẩm quyền và trách nhiệm để hướng dẫn công việc của nhóm túc số các anh cả (xin xem đoạn 3.4.1).

Nhiều chức vụ kêu gọi khác của Giáo Hội không liên quan đến các chức phẩm và các nhóm túc số của chức tư tế. Nhưng tất cả các tín hữu Giáo Hội được phong nhiệm để phục vụ đều được ban cho thẩm quyền và trách nhiệm thiêng liêng để hành động trong chức vụ kêu gọi của họ. Ví dụ:

  • Một người phụ nữ được giám trợ kêu gọi và phong nhiệm với tư cách là chủ tịch Hội Phụ Nữ được ban cho thẩm quyền để hướng dẫn công việc của Hội Phụ Nữ trong tiểu giáo khu.

  • Một người nam hay một người nữ được kêu gọi và phong nhiệm bởi một thành viên trong giám trợ đoàn với tư cách là một giảng viên Hội Thiếu Nhi thì được ban cho thẩm quyền giảng dạy các em trong Hội Thiếu Nhi của tiểu giáo khu.

Tất cả những người nào được kêu gọi và phong nhiệm đều phục vụ dưới sự hướng dẫn của những người chủ tọa họ (xin xem mục 3.4.1.2).

Để biết thêm thông tin về lễ phong nhiệm các tín hữu cho những chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội, xin xem phần 18.11.

3.4.3.2

Sự Chỉ Định

Các vị lãnh đạo Giáo Hội chủ tọa có thể ủy quyền bằng cách chỉ định. Khi những người nam và người nữ nhận được những chỉ định này thì họ được ban cho thẩm quyền từ Thượng Đế để hành động. Ví dụ:

  • Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ ủy thác thẩm quyền cho Các Thầy Bảy Mươi là những người được chỉ định điều hành các khu vực và chủ tọa tại các đại hội giáo khu.

  • Các chủ tịch phái bộ truyền giáo ủy quyền cho những người truyền giáo, nam lẫn nữ, được chỉ định để lãnh đạo và huấn luyện những người truyền giáo khác.

  • Thẩm quyền được ủy thác cho các tín hữu Giáo Hội để phục vụ với tư cách là những người anh em và những người chị em phục sự. Điều này diễn ra khi họ được chỉ định dưới sự hướng dẫn của vị giám trợ bởi chủ tịch nhóm túc số các anh cả hoặc chủ tịch Hội Phụ Nữ.

Sự ủy quyền bằng cách chỉ định được giới hạn cho các trách nhiệm cụ thể và khoảng thời gian chỉ định.

Để biết thêm thông tin về sự chỉ định bằng cách ủy quyền, xin xem đoạn 4.2.5.

3.4.4

Thực Hành Thẩm Quyền Chức Tư Tế Một Cách Ngay Chính

Các vị lãnh đạo và tín hữu của Giáo Hội sử dụng thẩm quyền chức tư tế được truyền giao hoặc ủy quyền để ban phước cho cuộc sống của những người khác.

Thẩm quyền này có thể chỉ được sử dụng trong sự ngay chính (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:36). Thẩm quyền này được sử dụng bằng sự thuyết phục, nhịn nhục, hiền dịu, nhu mì, tình thương yêu và lòng nhân từ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121: 41–42). Các vị lãnh đạo hội ý với những người khác trong tinh thần đoàn kết và tìm kiếm ý muốn của Chúa qua sự mặc khải (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 41:2). Để có thông tin về việc hội ý với những người khác, xin xem đoạn 4.4.3.

Những người sử dụng thẩm quyền chức tư tế không áp đặt ý muốn của họ lên người khác. Họ không sử dụng thẩm quyền này cho các mục đích ích kỷ. Nếu một người sử dụng thẩm quyền này một cách bất chính, thì “thiên thượng sẽ tự rút lui [và] Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền” (Giáo Lý và Giao Ước 121:37).

Một số chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội bao gồm một trách nhiệm để chủ tọa. Để có thông tin về việc chủ tọa trong Giáo Hội, xin xem đoạn 4.2.4.

Hình Ảnh
hai người đàn ông và một người phụ nữ đang trò chuyện

3.5

Quyền Năng của Chức Tư Tế

Quyền năng của chức tư tế là quyền năng mà qua đó Thượng Đế ban phước cho con cái của Ngài. Quyền năng của chức tư tế của Thượng Đế tuôn chảy đến tất cả các tín hữu của Giáo Hội—nam lẫn nữ—khi họ tuân giữ các giao ước mà họ đã lập với Ngài. Các tín hữu lập các giao ước này khi họ nhận được các giáo lễ của chức tư tế. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:19–20.)

Các phước lành của quyền năng chức tư tế mà các tín hữu có thể nhận được gồm có:

  • Sự hướng dẫn cho cuộc sống của họ.

  • Sự soi dẫn để biết cách phục vụ những người trong gia đình và những người khác.

  • Sức mạnh để chịu đựng và vượt qua những thử thách.

  • Các ân tứ của Thánh Linh để làm vinh hiển các khả năng của họ.

  • Sự mặc khải để biết cách làm tròn công việc mà họ được sắc phong, phong nhiệm hoặc được chỉ định để làm.

  • Sự giúp đỡ và sức mạnh để trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng hơn.

3.5.1

Các giao ước

Một giao ước là một lời hứa thiêng liêng giữa Thượng Đế và con cái của Ngài. Thượng Đế ban cho những điều kiện về giao ước và con cái của Ngài đồng ý tuân theo những điều kiện đó. Thượng Đế hứa ban phước cho con cái của Ngài khi họ làm tròn giao ước.

Các tín hữu lập giao ước với Thượng Đế khi họ tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao (xin xem phần 18.1). Tất cả những ai kiên trì chịu đựng đến cùng trong việc tuân giữ các giao ước của họ sẽ nhận được cuộc sống vĩnh cửu (xin xem 2 Nê Phi 31:17–20; Giáo Lý và Giao Ước 14:7). Việc kiên trì chịu đựng đến cùng gồm có sự thực hành đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô cùng hối cải mỗi ngày.

Các bậc cha mẹ, các vị lãnh đạo Giáo Hội và những người khác giúp các cá nhân chuẩn bị lập các giao ước khi họ nhận được các giáo lễ của phúc âm. Họ bảo đảm rằng người đó hiểu các giao ước mà mình sẽ lập. Sau khi một người đã lập một giao ước, họ sẽ giúp người đó tuân giữ giao ước đó. (Xin xem Mô Si A 18:8–11, 23–26.)

3.5.2

Các Giáo Lễ

Một giáo lễ là một hành động thiêng liêng được thực hiện bởi thẩm quyền của chức tư tế. Các giáo lễ luôn luôn là một phần phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các giáo lễ đầu tiên trên thế gian được thực hiện vào thời A Đam và Ê Va (xin xem Sáng Thế Ký 1:28; Môi Se 6:64–65).

Trong nhiều giáo lễ, các cá nhân lập giao ước với Thượng Đế. Các ví dụ gồm có phép báp têm và lễ Tiệc Thánh, lễ thiên ân và giáo lễ gắn bó hôn nhân. Trong các giáo lễ khác như các phước lành tộc trưởng hoặc lễ ban phước cho người bệnh, các cá nhân không lập giao ước, nhưng họ thật sự nhận được sự hướng dẫn và sức mạnh để tuân giữ các giao ước.

Các giáo lễ có ý nghĩa tượng trưng mà hướng các cá nhân đến Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Trong các giáo lễ mà gồm có các giao ước, biểu tượng giúp các cá nhân hiểu được những lời hứa mà họ đã lập và các phước lành mà họ nhận được qua sự trung thành của họ.

Mỗi giáo lễ cho phép các cá nhân nhận được các phước lành thuộc linh dồi dào. Chúa đã mặc khải: “Trong các giáo lễ thuộc chức tư tế này, quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt” (Giáo Lý và Giao Ước 84:20). Các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao là thiết yếu cho cuộc sống vĩnh cửu. Để biết thêm thông tin, xin xem phần 18.1.

Các cá nhân còn sống tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao cho chính họ. Sau đó, ở nơi nào có thể được, họ quay trở lại đền thờ để thực hiện các giáo lễ này thay cho những người đã chết. Để biết thêm thông tin về việc thực hiện các giáo lễ thay cho người chết, xin xem chương 28.

Hình Ảnh
người phụ nữ đang tiếp nhận một phước lành chức tư tế

3.6

Chức Tư Tế và Gia Đình

Tất cả các tín hữu Giáo Hội tuân giữ các giao ước của họ—phụ nữ, đàn ông và trẻ em—đều được ban phước với quyền năng chức tư tế của Thượng Đế trong nhà của họ để củng cố bản thân và gia đình họ (xin xem phần 3.5). Quyền năng này sẽ phụ giúp các tín hữu thực hiện công việc cứu rỗi và tôn cao của Thượng Đế trong cuộc sống cá nhân và gia đình của họ (xin xem phần 2.2).

Những người nam nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể ban các phước lành của chức tư tế cho những người trong gia đình để mang đến sự hướng dẫn, chữa lành và an ủi. Khi cần thiết, các tín hữu Giáo Hội cũng có thể tìm kiếm những phước lành này từ những người trong gia đình, những người anh em phục sự hoặc các vị lãnh đạo Giáo Hội ở địa phương. Để biết thêm thông tin về các phước lành của chức tư tế, xin xem các phần 18.1318.14.

Để có thông tin về việc chủ tọa trong gia đình, xin xem đoạn 2.1.3.