Các Sách Hướng Dẫn và Các Chức Vụ Kêu Gọi
6. Giới Lãnh Đạo Giáo Khu


“6. Giới Lãnh Đạo Giáo Khu,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Năm 2020).

“6. Giới Lãnh Đạo Giáo Khu,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát.

Hình Ảnh
vị lãnh đạo trò chuyện cùng gia đình

6.

Giới Lãnh Đạo Giáo Khu

6.1

Các Mục Đích của một Giáo Khu

Ê Sai đã mô tả Si Ôn ngày sau là một cái lều hoặc một đền tạm mà được giữ chặt bởi các cọc (xin xem Ê Sai 33:20; 54:2). Ngày nay Giáo Hội được tổ chức thành các giáo khu. Mỗi giáo khu gồm có nhiều tiểu giáo khu và được một chủ tịch giáo khu lãnh đạo.

Chúa thiết lập các giáo khu cho “sự quy tụ lại” của dân Ngài và “để phòng vệ, và… dung thân” khỏi thế gian (Giáo Lý và Giao Ước 115:6). Các tín hữu và các vị lãnh đạo trong một giáo khu cùng làm việc để thực hiện công việc cứu rỗi và sự tôn cao (xin xem phần 1.2).

6.2

Chủ Tịch Đoàn Giáo Khu

Chủ tịch giáo khu nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để hướng dẫn công việc của Giáo Hội trong giáo khu (xin xem đoạn 3.4.1). Ông và các cố vấn của ông lập thành một chủ tịch đoàn giáo khu. Họ trông nom chăm sóc các tín hữu trong giáo khu với tình yêu thương cùng giúp các tín hữu trở thành các tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chủ tịch giáo khu có bốn trách nhiệm chính:

  1. Ông là thầy tư tế thượng phẩm chủ tọa trong giáo khu.

  2. Ông hướng dẫn công việc cứu rỗi và sự tôn cao trong giáo khu.

  3. Ông là vị phán quan thông thường.

  4. Ông giám sát các hồ sơ, các vấn đề tài chính và tài sản.

Vì chủ tịch giáo khu nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế nên ông có một số trách nhiệm chỉ thuộc về một mình ông. Nếu ông không thể thực hiện được các trách nhiệm của ông thì một cố vấn có thể hành động thay cho ông, ngoại trừ các trường hợp được ghi chú trong sách hướng dẫn này. Chủ tịch giáo khu hoặc cố vấn của ông hội ý với Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng nếu ông có thắc mắc nào về người cố vấn hành động thay cho chủ tịch giáo khu.

Chủ tịch giáo khu có thể giao nhiều nhiệm vụ cho những người khác. Những người này gồm có các cố vấn của ông, các ủy viên hội đồng thượng phẩm, các vị lãnh đạo tổ chức giáo khu, thư ký chấp hành giáo khu và thư ký giáo khu cùng các phụ tá thư ký giáo khu.

6.2.1

Thầy Tư Tế Thượng Phẩm Chủ Tọa

Chủ tịch giáo khu là vị lãnh đạo tinh thần chính trong giáo khu. Ông nêu gương cho giáo khu bằng cách làm công việc của Chúa “với một tấm lòng thánh thiện” (Mô Si A 18:12). Ông giảng dạy và nâng cao tinh thần.

Một chủ tịch giáo khu là một môn đồ trung tín của Chúa Giê Su Ky Tô. Ông trung thành với các giao ước của mình. Ông chung thủy với vợ và gia đình ông. Ông nêu gương ngay chính cho gia đình của mình, giáo khu và cộng đồng. Các cố vấn của ông là những người cũng có cùng đặc tính đó.

Chủ tịch giáo khu đưa ra sự hướng dẫn cho các giám trợ và các vị lãnh đạo khác trong giáo khu.

6.2.1.1

Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc

Chủ tịch đoàn giáo khu chủ tọa tất cả những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc trong giáo khu.

Nhóm Túc Số Các Thầy Tư Tế Thượng Phẩm Giáo Khu. Chủ tịch giáo khu là chủ tịch nhóm túc số các thầy tư tế thượng phẩm giáo khu. Ông và các cố vấn của ông họp thành chủ tịch đoàn của nhóm túc số đó. Nhóm túc số các thầy tư tế thượng phẩm giáo khu gồm có thêm các thầy tư tế thượng phẩm sau đây:

  • Các vị giám trợ và các cố vấn của họ

  • Các ủy viên hội đồng thượng phẩm

  • Các vị tộc trưởng đang thực hiện chức năng

Các thành viên của nhóm túc số các thầy tư tế thượng phẩm tham dự các buổi họp của nhóm túc số các anh cả trong tiểu giáo khu của họ nếu họ không được chỉ định ở nơi nào khác. Xin xem đoạn 29.3.5 để có thông tin về buổi họp nhóm túc số các thầy tư tế thượng phẩm giáo khu.

Các Nhóm Túc Số Các Anh Cả. Chủ tịch đoàn giáo khu có trách nhiệm đối với các nhóm túc số các anh cả (xin xem mục 8.3.3.1).

Các Lễ Sắc Phong của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Chủ tịch giáo khu giám sát lễ truyền giao Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Ông cũng giám sát các lễ sắc phong các chức phẩm anh cả và thầy tư tế thượng phẩm (xin xem đoạn 18.10.4).

6.2.1.2

Các Giám Trợ Đoàn

Chủ tịch giáo khu họp với các giám trợ đoàn mới để chỉ dẫn cho họ ngay sau khi họ được kêu gọi. Ông tiếp tục chỉ dẫn và khuyến khích các giám trợ trong các cuộc phỏng vấn thường xuyên và các bối cảnh khác.

Các thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu chỉ dẫn các giám trợ đoàn trong các trách nhiệm của họ đối với những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn và các thiếu nữ.

6.2.1.3

Vị Tộc Trưởng Giáo Khu

Chủ tịch giáo khu giám sát công việc của vị tộc trưởng giáo khu. Ông phát triển một mối quan hệ thân thiết với vị tộc trưởng này. Để có thông tin về việc kêu gọi và giám sát vị tộc trưởng giáo khu, xin xem phần 6.6.

6.2.1.4

Các Hội Đồng, Các Ủy Ban, và Các Buổi Họp

Chủ tịch giáo khu lãnh đạo hội đồng thượng phẩm và hội đồng giáo khu. Ông cũng lãnh đạo ủy ban lãnh đạo người thành niên trong giáo khu (xin xem đoạn 29.3.9). Ông chỉ định các cố vấn của ông giám sát các ủy ban sau đây:

  • Ủy ban lãnh đạo giới trẻ giáo khu (xin xem đoạn 29.3.10)

  • Ủy ban người thành niên trẻ tuổi độc thân giáo khu

  • Ủy ban người thành niên độc thân giáo khu (nơi nào được tổ chức)

Mỗi chủ tịch giáo khu là thành viên của một hội đồng phối hợp (xin xem phần 29.4).

Chủ tịch đoàn giáo khu hoạch định các buổi họp giáo khu được liệt kê trong phần 29.3. Chủ tịch giáo khu chủ tọa tại các buổi họp giáo khu trừ khi một Vị Thẩm Quyền Trung Ương hoặc một Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng có mặt. Các cố vấn của ông có thể điều khiển các buổi họp này. Họ cũng có thể chủ tọa nếu chủ tịch giáo khu vắng mặt.

6.2.1.5

Những Sự Kêu Gọi và Giải Nhiệm

Các trách nhiệm của chủ tịch giáo khu để đưa ra những sự kêu gọi và giải nhiệm được mô tả trong chương 30. Ông có thể chỉ định các cố vấn của ông và các ủy viên hội đồng thượng phẩm đưa ra những sự kêu gọi và giải nhiệm như đã được mô tả trong phần 30.8. Chủ tịch giáo khu đích thân đưa ra những sự kêu gọi sau đây. Đối với một số người, trước tiên ông phải nhận được sự chấp thuận như đã được ghi chép.

  • Các Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Khu. Khi một chủ tịch giáo khu mới được kêu gọi, Vị Thẩm Quyền Trung Ương hoặc Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng chủ tọa kêu gọi và phong nhiệm các cố vấn của ông là những người được vị chủ tịch giáo khu mới đề nghị. Khi một cố vấn cần được giải nhiệm hoặc được kêu gọi vào một chủ tịch đoàn giáo khu hiện tại thì chủ tịch giáo khu sẽ nộp một giấy đề nghị qua hệ thống Những Nguồn Tài Liệu của Vị Lãnh Đạo và Thư Ký (LCR). Ông có thể phỏng vấn, kêu gọi và phong nhiệm một cố vấn—hoặc giải nhiệm một cố vấn—sau khi nhận được sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.

  • Vị Tộc Trưởng Giáo Khu. Chủ tịch giáo khu có thể phỏng vấn, kêu gọi và sắc phong một tộc trưởng sau khi nhận được sự chấp thuận từ Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Xin xem đoạn 6.6.1.

  • Giám Trợ. Chủ tịch giáo khu đề nghị các anh em mà sẽ được kêu gọi với tư cách là giám trợ. Ông cũng đề nghị giải nhiệm các giám trợ. Ông nộp những đề nghị này qua hệ thống LCR. Ông có thể kêu gọi, sắc phong và phong nhiệm một giám trợ—hoặc giải nhiệm một giám trợ—sau khi nhận được sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Ông cũng ban cho các chìa khóa chức tư tế liên quan đến sự kêu gọi này. Xin xem phần 30.7.

  • Các Chủ Tịch Nhóm Túc Số Các Anh Cả. Chủ tịch giáo khu kêu gọi và phong nhiệm các chủ tịch nhóm túc số các anh cả. Trước hết ông hội ý với các giám trợ. Ông cũng ban cho các chìa khóa chức tư tế liên quan đến sự kêu gọi này. Xin xem mục 8.3.3.1.

  • Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Giáo Khu. Chủ tịch giáo khu kêu gọi và phong nhiệm chủ tịch Hội Phụ Nữ giáo khu.

Các chủ tịch giáo khu nào không thể sử dụng được hệ thống LCR nên liên lạc với văn phòng giáo vùng để đưa ra những đề nghị khi cần thiết.

6.2.1.6

Các Tổ Chức và Các Chương Trình của Giáo Khu

Chủ tịch giáo khu có trách nhiệm đối với Hội Phụ Nữ giáo khu. Ông chỉ định các cố vấn của ông trách nhiệm đối với các tổ chức Hội Thiếu Niên, Hội Thiếu Nữ, Hội Thiếu Nhi, và Trường Chủ Nhật.

Các thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu thường xuyên họp với các chủ tịch đoàn các tổ chức mà họ được chỉ định. Trong các buổi họp này, họ:

  • Bảo đảm rằng các chủ tịch đoàn này hiểu các trách nhiệm của họ.

  • Hội ý với nhau về nhu cầu của các vị lãnh đạo trong các tổ chức.

Khi chủ tịch đoàn mới của tổ chức trong giáo khu được kêu gọi, thì chủ tịch đoàn giáo khu chia sẻ lời khuyên bảo và tầm nhìn để định hướng cho họ trong sự phục vụ của họ.

Ở Hoa Kỳ và Canada, chủ tịch đoàn mới của tổ chức cũng có thể nhận được sự định hướng từ hội đồng của tổ chức trung ương (xin xem đoạn 5.1.2). Trong các giáo vùng khác, chủ tịch đoàn mới cũng có thể nhận được sự định hướng từ vị cố vấn của tổ chức giáo vùng (xin xem mục 5.2.5.1). Sự định hướng này nằm dưới sự hướng dẫn của chủ tịch đoàn giáo khu. Một thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu hoặc một ủy viên hội đồng thượng phẩm đã được chỉ định tham dự.

Chủ tịch giáo khu cũng chỉ định các cố vấn của ông để giám sát các chương trình của giáo khu khi cần. Các chương trình này có thể gồm có:

  • Lớp giáo lý và viện giáo lý.

  • Các chương trình dành cho những người thành niên trẻ tuổi độc thân và những người thành niên độc thân.

  • Các sinh hoạt của giáo khu.

  • Âm nhạc.

  • Các cơ sở tiện nghi của nhà hội.

Các thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu thường xuyên họp với các ủy ban, các ủy viên hội đồng thượng phẩm và các chuyên gia trong các chương trình mà họ được chỉ định.

Hình Ảnh
buổi họp lãnh đạo của thiếu nữ

6.2.1.7

Truyền Thông (Công Vụ)

Chủ tịch đoàn giáo khu hướng dẫn các nỗ lực truyền thông trong giáo khu. Các thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu có trách nhiệm chính về uy tín của Giáo Hội trong cộng đồng. Họ cố gắng xây đắp mối quan hệ tốt với các vị lãnh đạo dân sự và cộng đồng.

Chủ tịch giáo khu là người phát ngôn chính của Giáo Hội đối với giới truyền thông về những vấn đề liên quan đến giáo khu. Ông có thể ủy thác vai trò này khi cần thiết.

Chủ tịch giáo khu hoặc một cố vấn đã được chỉ định có thể tổ chức và giám sát một hội đồng truyền thông giáo khu. Hội đồng này giúp các vị lãnh đạo Giáo Hội xây đắp mối quan hệ với các vị lãnh đạo dân sự và cộng đồng. Hội đồng cũng giúp các vị lãnh đạo này giao tiếp hiệu quả với các tín hữu Giáo Hội và công chúng.

Hội đồng truyền thông có thể gồm có một giám đốc truyền thông giáo khu, các phụ tá giám đốc và các chuyên gia nếu cần. Họ được kêu gọi và phong nhiệm bởi chủ tịch đoàn giáo khu hoặc một cố vấn hay ủy viên hội đồng thượng phẩm đã được chỉ định.

Ngoài ra còn có một hội đồng truyền thông ở cấp hội đồng điều phối (xin xem phần 29.4). Hội đồng này điều hành dưới sự hướng dẫn của một Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng và được một giám đốc truyền thông lãnh đạo. Hội đồng truyền thông này giúp điều phối các mối quan hệ, sự kiện và các vấn đề của nhiều hơn một giáo khu. Giám đốc của hội đồng này hỗ trợ và huấn luyện cho các hội đồng truyền thông của giáo khu.

Cấu trúc của hội đồng truyền thông khác nhau ở Giáo Vùng Utah. Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng ở Giáo Vùng Utah có thể cung cấp cho các chủ tịch giáo khu những chi tiết về cấu trúc này.

Để có thông tin về những sự kêu gọi cho hội đồng truyền thông, xin xem trang mạng GCN.ChurchofJesusChrist.org .

6.2.2

Hướng Dẫn Công Việc Cứu Rỗi và Sự Tôn Cao

Chủ tịch giáo khu chủ tọa công việc cứu rỗi và tôn cao trong giáo khu (xin xem chương 1). Ông chỉ dẫn và khuyến khích các vị lãnh đạo giáo khu và tiểu giáo khu cùng các tín hữu trong công việc này. Các cố vấn của ông và các vị lãnh đạo khác trợ giúp ông.

Ông giúp các tín hữu sống theo phúc âm và gia tăng sức mạnh thuộc linh của họ. Ông dạy họ cầu nguyện và học thánh thư. Ông cũng dạy họ về các giao ước mà họ sẽ lập khi nhận được các giáo lễ cứu rỗi và sự tôn cao. Ông khuyến khích họ tôn trọng các giao ước của họ.

Chủ tịch giáo khu củng cố các gia đình. Ông khuyến khích họ cùng nhau cầu nguyện và học phúc âm, kể cả trong buổi họp tối gia đình. Ông giảng dạy bằng lời nói và tấm gương để những sự kêu gọi của Giáo Hội có thể được làm tròn mà không xao lãng các trách nhiệm trong gia đình. Ông cũng bảo đảm rằng các sinh hoạt của Giáo Hội phải hỗ trợ nỗ lực của cha mẹ để nuôi dạy con cái trong sự ngay chính.

Ngoài việc giúp các tín hữu sống theo phúc âm, chủ tịch giáo khu còn giám sát các khía cạnh khác của công việc cứu rỗi và sự tôn cao. Ví dụ, ông ấy:

  • Giúp những người anh em chuẩn bị để tiếp nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc (xin xem đoạn 18.10.1).

  • Hướng dẫn các nỗ lực để chăm sóc cho những người hoạn nạn trong giáo khu (xin xem đoạn 22.9.1).

  • Giám sát công việc truyền giáo trong giáo khu và khuyến khích các tín hữu chia sẻ phúc âm (xin xem phần 23.4).

  • Giám sát các nỗ lực củng cố các tín hữu mới trong giáo khu (xin xem phần 23.4).

  • Phỏng vấn những người đang xin đi phục vụ truyền giáo (xin xem đoạn 24.4.2).

  • Giám sát công việc đền thờ và lịch sử gia đình trong giáo khu (xin xem đoạn 25.3.1).

  • Giúp các tín hữu chuẩn bị tiếp nhận các giáo lễ đền thờ (xin xem phần 27.1).

  • Cùng với chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ giáo khu, chỉ dẫn và hỗ trợ các chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả và Hội Phụ Nữ tiểu giáo khu trong trách nhiệm của họ đối với công việc truyền giáo (xin xem đoạn 23.5.2) và công việc đền thờ và lịch sử gia đình (xin xem đoạn 25.2.2).

6.2.3

Vị Phán Quan Thông Thường

Chủ tịch giáo khu là vị phán quan thông thường trong giáo khu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:71–74). Ông nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để nhận được sự soi dẫn và đưa ra những quyết định về sự an lạc thuộc linh và vật chất của các tín hữu trong giáo khu. Trong vai trò này, ông có các trách nhiệm sau đây:

  • Thực hiện các cuộc phỏng vấn như đã được mô tả trong phần 31.2. Ông cũng có thể cho phép các cố vấn của ông thực hiện một vài cuộc phỏng vấn nhất định nào đó (xin xem đoạn 31.2.2).

  • Họp với các tín hữu trong giáo khu là những người đang tìm kiếm sự hướng dẫn thuộc linh, có những vấn đề nan giải riêng tư hoặc đã phạm tội nghiêm trọng. Để biết những chỉ dẫn, xin xem phần 31.1.

  • Tổ chức các hội đồng xem xét tư cách tín hữu khi các tín hữu đã phạm tội nghiêm trọng (xin xem chương 32).

Trong những vấn đề đòi hỏi sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, chủ tịch giáo khu cân nhắc kỹ lời yêu cầu đó. Ông phỏng vấn người đó để xác định sự xứng đáng của người đó.

Sau cuộc phỏng vấn, chủ tịch giáo khu chỉ nộp một lá đơn lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nếu ông có thể đề nghị để được chấp thuận. Ông mô tả những lý do cho sự hỗ trợ của ông.

Chủ tịch giáo khu nộp đơn này qua hệ thống Những Nguồn Tài Liệu của Vị Lãnh Đạo và Thư Ký.

6.2.4

Các Hồ Sơ, Các Báo Cáo Tài Chính, và Các Tài Sản

Chủ tịch giáo khu giám sát các hồ sơ, các báo cáo tài chính và các tài sản trong giáo khu. Ông có thể chỉ định phần lớn công việc về các hồ sơ và các báo cáo tài chính cho các cố vấn và thư ký của ông. Ông chỉ định một ủy viên hội đồng thượng phẩm để làm người đại diện của giáo khu về tòa nhà và để giúp giám sát các tài sản.

Xin xem các chương sau đây để biết thêm thông tin:

6.3

Những Sự Khác Biệt giữa Thẩm Quyền của Chủ Tịch Giáo Hạt và của Chủ Tịch Giáo Khu

Trong mỗi giáo hạt, một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc được kêu gọi làm chủ tịch giáo hạt. Ông nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế cần thiết để chủ tọa (xin xem mục 3.4.1.1). Ông phục vụ giống như một chủ tịch giáo khu nhưng với những sự khác biệt sau đây:

  • Ông được chủ tịch phái bộ truyền giáo kêu gọi và phong nhiệm, sau khi được Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng chấp thuận (xin xem đoạn 30.8.4). Một chủ tịch giáo khu được kêu gọi và phong nhiệm bởi một Vị Thẩm Quyền Trung Ương hoặc Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng được chỉ định (xin xem đoạn 30.8.3).

  • Ông có thể là một anh cả hoặc thầy tư tế thượng phẩm. Một chủ tịch giáo khu phải là một thầy tư tế thượng phẩm.

  • Ông không phải là chủ tịch của một nhóm túc số các thầy tư tế thượng phẩm. Các nhóm túc số như vậy chỉ được tổ chức trong giáo khu.

  • Một chủ tịch giáo hạt chủ tọa tất cả những người nắm giữ chức tư tế trong giáo hạt. Tuy nhiên, chủ tịch phái bộ truyền giáo là thầy tư tế thượng phẩm chủ tọa.

  • Với sự chấp thuận của chủ tịch phái bộ truyền giáo, một chủ tịch giáo hạt có thể phỏng vấn một người anh em để được sắc phong anh cả. Sự chấp thuận này phải được đưa ra cho từng tình huống. Chủ tịch giáo hạt hoặc một người nào đó dưới sự hướng dẫn của ông cũng có thể (1) đọc tên của một người anh em để được tán trợ và (2) thực hiện lễ sắc phong (xin xem mục 18.10.1.3, đoạn 18.10.3, và đoạn 18.10.4). Tuy nhiên, một chủ tịch giáo hạt không thể sắc phong các tộc trưởng, thầy tư tế thượng phẩm hoặc giám trợ.

  • Với sự chấp thuận của chủ tịch phái bộ truyền giáo, một chủ tịch giáo hạt có thể phong nhiệm chủ tịch chi nhánh (xin xem phần 18.11). Sự chấp thuận này phải được đưa ra cho từng tình huống.

  • Ông không giải nhiệm những người truyền giáo toàn thời gian. Tuy nhiên, ông có thể tham gia với một thành viên của chủ tịch đoàn phái bộ truyền giáo trong cuộc phỏng vấn giải nhiệm. Nếu việc đi lại hoặc hạn chế về thời gian làm cho một thành viên của chủ tịch đoàn phái bộ truyền giáo rất khó để giải nhiệm một người truyền giáo cụ thể, thì chủ tịch phái bộ truyền giáo có thể cho phép chủ tịch giáo hạt làm như vậy (xin xem đoạn 24.8.2).

  • Chủ tịch giáo hạt không thực hiện các cuộc phỏng vấn giới thiệu đi đền thờ hoặc ký giấy giới thiệu đi đền thờ (xin xem đoạn 26.3.1).

  • Ông không triệu tập một buổi họp hội đồng xem xét tư cách tín hữu trừ khi được chủ tịch phái bộ truyền giáo cho phép (xin xem đoạn 32.9.5).

  • Ông thường không tiếp xúc thẳng với Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng. Thay vì thế, ông làm việc thông qua chủ tịch đoàn phái bộ truyền giáo.

Trong những trường hợp đặc biệt, chủ tịch giáo hạt có thể được cho phép để giới thiệu, phong nhiệm và giải nhiệm những người truyền giáo. Ông cũng có thể được cho phép để thực hiện các cuộc phỏng vấn giới thiệu đi đền thờ và ký vào giấy giới thiệu đi đền thờ. Ông cũng có thể được phép phong nhiệm cho các cố vấn của ông. Nếu Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng cảm thấy rằng một chủ tịch giáo hạt nên có thẩm quyền được mở rộng này, họ sẽ giới thiệu ông ấy lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Nếu được thông qua, thì sự chấp thuận là dành cho người đó chứ không phải cho chức vụ. Khi một chủ tịch giáo hạt mới được kêu gọi thì thẩm quyền được mở rộng này không chuyển giao cho ông ta.

6.4

Thư Ký Chấp Hành Giáo Khu, Phụ Tá Các Thư Ký Chấp Hành Giáo Khu, Thư Ký Giáo Khu và Phụ Tá Các Thư Ký Giáo Khu

6.4.1

Thư Ký Chấp Hành Giáo Khu và Phụ Tá Các Thư Ký Chấp Hành Giáo Khu

Chủ tịch giáo khu hoặc một cố vấn được chỉ định kêu gọi và phong nhiệm một thư ký chấp hành giáo khu. Người này nên nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và có một giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành.

Thư ký chấp hành có các trách nhiệm sau đây:

  • Họp với chủ tịch đoàn giáo khu và chuẩn bị các chương trình nghị sự như đã được chỉ định.

  • Phục vụ với tư cách là thành viên của hội đồng giáo khu và tham dự các buổi họp hội đồng thượng phẩm. Như đã được chủ tịch đoàn giáo khu hướng dẫn, theo dõi những chỉ định đưa ra trong các buổi họp này.

  • Phối hợp công việc của giáo khu giữa chủ tịch đoàn giáo khu, hội đồng thượng phẩm, và các vị lãnh đạo khác trong giáo khu.

  • Lập lịch hẹn cho chủ tịch đoàn giáo khu.

  • Báo cho chủ tịch đoàn giáo khu biết về các tín hữu sắp nhập ngũ hoặc đang ở trong quân ngũ. Dưới sự hướng dẫn của chủ tịch đoàn giáo khu, giúp phối hợp sự định hướng của Giáo Hội dành cho các tín hữu giáo khu sắp nhập ngũ (xin xem đoạn 38.9.3).

  • Định hướng cho các thư ký chấp hành mới của tiểu giáo khu ngay sau khi họ được kêu gọi. Cung ứng sự chỉ dẫn liên tục khi cần.

  • Chuyển tiếp các sứ điệp nhận được từ các nhân viên và tình nguyện viên của Giáo Hội đến các vị lãnh đạo thích hợp của giáo khu và tiểu giáo khu, như đã được chủ tịch giáo khu chỉ dẫn (xin xem đoạn 38.8.9).

Một hoặc hai phụ tá thư ký chấp hành giáo khu có thể được kêu gọi nếu cần. Những người này được một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu kêu gọi và phong nhiệm. Các anh em này cần phải có giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành.

6.4.2

Thư Ký Giáo Khu và Phụ Tá Thư Ký Giáo Khu

Thư ký giáo khu được kêu gọi và phong nhiệm bởi chủ tịch giáo khu hoặc một cố vấn đã được chỉ định. Người này là thành viên của hội đồng giáo khu. Những người phụ tá thư ký giáo khu cũng có thể được kêu gọi. Chủ tịch giáo khu hoặc một cố vấn được chỉ định kêu gọi và phong nhiệm họ. Các trách nhiệm của thư ký giáo khu và phụ tá thư ký giáo khu đã được mô tả trong đoạn 33.3.2 và đoạn 33.3.3.

6.5

Hội Đồng Thượng Phẩm

Chủ tịch đoàn giáo khu kêu gọi 12 thầy tư tế thượng phẩm để tạo thành hội đồng thượng phẩm giáo khu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 102:1; 124:131). Nếu được kêu gọi phục vụ trong hội đồng thượng phẩm, thì một anh cả phải được sắc phong thầy tư tế thượng phẩm trước khi được phong nhiệm.

Dưới sự hướng dẫn của chủ tịch đoàn giáo khu, các ủy viên hội đồng thượng phẩm giúp đỡ trong công việc cứu rỗi và sự tôn cao trong giáo khu. Các trách nhiệm của họ được mô tả trong các phần sau đây.

Hội đồng thượng phẩm không họp nhóm trừ khi có một thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu hiện diện ở đó để chủ tọa.

6.5.1

Đại Diện cho Chủ Tịch Đoàn Giáo Khu

Chủ tịch đoàn giáo khu chỉ định một ủy viên hội đồng thượng phẩm cho mỗi tiểu giáo khu trong giáo khu.

Chủ tịch đoàn giáo khu cũng chỉ định một ủy viên hội đồng thượng phẩm cho mỗi nhóm túc số các anh cả trong giáo khu. Trong vai trò này, các ủy viên hội đồng thượng phẩm chỉ dẫn cho các chủ tịch đoàn mới được kêu gọi của nhóm túc số các anh cả. Điều này gồm có việc đưa ra sự chỉ dẫn từ các chương 1–4 và chương 8–8 của sách hướng dẫn này.

Các ủy viên hội đồng thượng phẩm được chỉ định cho các nhóm túc số các anh cả thường xuyên nhóm họp với các vị lãnh đạo nhóm túc số để làm điều sau đây:

  • Tìm hiểu về các nhu cầu của họ.

  • Đề nghị hỗ trợ.

  • Dạy họ về các trách nhiệm của họ kể cả những trách nhiệm về công việc truyền giáo (xin xem đoạn 23.5.2) cũng như công việc đền thờ và lịch sử gia đình (xem đoạn 25.2.2).

  • Truyền đạt thông tin từ chủ tịch đoàn giáo khu.

  • Thảo luận về cách giúp các thành viên nào của nhóm túc số cần giáo lễ tiếp theo của họ. Thông tin này có sẵn cho các vị lãnh đạo nhóm túc số các anh cả trên hệ thống LCR.

Khi cần thiết hoặc được mời, họ tham dự các buổi họp của nhóm túc số các anh cả và các buổi họp của chủ tịch đoàn nhóm túc số. Thỉnh thoảng, chủ tịch đoàn nhóm túc số có thể mời ủy viên hội đồng thượng phẩm đi cùng với họ khi họ phục sự các tín hữu của tiểu giáo khu.

Khi được mời hoặc được chỉ định, các ủy viên hội đồng thượng phẩm tham dự các buổi họp của giám trợ đoàn và hội đồng tiểu giáo khu.

Chủ tịch đoàn giáo khu có thể chỉ định các ủy viên hội đồng thượng phẩm chỉ dẫn những người sau đây về trách nhiệm của họ đối với công việc đền thờ và lịch sử gia đình cũng như công việc truyền giáo:

  • Các chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả

  • Những người lãnh đạo truyền giáo trong tiểu giáo khu

  • Những người lãnh đạo công việc đền thờ và lịch sử gia đình của tiểu giáo khu

Một hoặc nhiều ủy viên hội đồng thượng phẩm có thể được chỉ định để lãnh đạo những nỗ lực này trong giáo khu. Tuy nhiên, tất cả các ủy viên hội đồng thượng phẩm đều có những trách nhiệm này đối với các tiểu giáo khu và các nhóm túc số các anh cả mà họ được chỉ định.

Các ủy viên hội đồng thượng phẩm hội ý với chủ tịch đoàn giáo khu cùng tán trợ những quyết định của họ để sắc phong cho các anh em các chức phẩm anh cả và thầy tư tế thượng phẩm. Chủ tịch giáo khu có thể cho phép các ủy viên hội đồng thượng phẩm đại diện cho ông khi những người nam được sắc phong cho các chức phẩm này. Các ủy viên hội đồng thượng phẩm này phải chắc chắn rằng giáo lễ được thực hiện đúng cách.

Các ủy viên hội đồng thượng phẩm cũng hội ý với chủ tịch đoàn giáo khu và tán trợ những quyết định của họ để đưa ra sự kêu gọi cho các tín hữu. Chủ tịch giáo khu có thể cho phép các ủy viên hội đồng thượng phẩm đưa ra một số sự kêu gọi, giới thiệu một số tín hữu để được tán trợ và phong nhiệm một số tín hữu. (Xin xem phần 30.8.)

Chủ tịch đoàn giáo khu chỉ định các ủy viên hội đồng thượng phẩm làm việc với các tổ chức Hội Thiếu Nữ và Hội Thiếu Nhi của giáo khu. Khi một thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu họp với một trong các chủ tịch đoàn này, thì ủy viên hội đồng thượng phẩm cũng sẽ tham dự buổi họp này. Các ủy viên hội đồng thượng phẩm được chỉ định cũng tham dự các buổi họp của giới lãnh đạo giáo khu cho các tổ chức này.

Chủ tịch đoàn giáo khu có thể chỉ định các ủy viên hội đồng thượng phẩm trợ giúp trong các chương trình được liệt kê trong mục 6.2.1.6.

Chủ tịch đoàn giáo khu có thể chỉ định các ủy viên hội đồng thượng phẩm đại diện cho họ bằng cách nói chuyện trong các buổi lễ Tiệc Thánh và các bối cảnh khác. Chủ tịch đoàn giáo khu xác định mức độ thường xuyên của các chỉ định nói chuyện này. Các ủy viên hội đồng thượng phẩm không nhất thiết phải nói chuyện trong lễ Tiệc Thánh mỗi tháng. Chủ tịch đoàn giáo khu cũng có thể chỉ định các thành viên trong chủ tịch đoàn của tổ chức trong giáo khu nói chuyện trong những bối cảnh này (xin xem đoạn 6.7.1 và đoạn 6.7.2).

Hình Ảnh
những người đàn ông đang trò chuyện

6.5.2

Phục Vụ trong Các Hội Đồng và Các Ủy Ban của Giáo Khu

Tất cả các ủy viên hội đồng thượng phẩm đều phục vụ trong hội đồng giáo khu.

Trong các tình huống giới hạn, các ủy viên hội đồng thượng phẩm tham gia vào các hội đồng xem xét tư cách tín hữu trong giáo khu (xin xem đoạn 32.9.2).

Chủ tịch đoàn giáo khu có thể chỉ định các ủy viên hội đồng thượng phẩm phục vụ trong các ủy ban khác. Ví dụ, các ủy viên hội đồng thượng phẩm được chỉ định làm việc với các nhóm túc số các anh cả phục vụ trong ủy ban lãnh đạo người thành niên của giáo khu (xin xem đoạn 29.3.9).

Các ủy viên hội đồng thượng phẩm với những sự chỉ định liên quan đến các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn, Hội Thiếu Nữ, và Hội Thiếu Nhi đều phục vụ trong ủy ban lãnh đạo giới trẻ giáo khu (xin xem đoạn 29.3.10). Ủy viên hội đồng thượng phẩm phục vụ với tư cách là chủ tịch Trường Chủ Nhật giáo khu cũng có thể phục vụ trong ủy ban này.

6.5.3

Phục Vụ với tư cách là Những Người Lãnh Đạo Tổ Chức Giáo Khu

Chủ tịch đoàn giáo khu kêu gọi và phong nhiệm một ủy viên hội đồng thượng phẩm để làm chủ tịch Hội Thiếu Niên giáo khu (xin xem đoạn 6.7.2). Họ kêu gọi và phong nhiệm một ủy viên hội đồng thượng phẩm khác để làm chủ tịch Trường Chủ Nhật giáo khu (xin xem đoạn 6.7.1).

6.6

Vị Tộc Trưởng Giáo Khu

Tộc trưởng là một chức phẩm trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Các tộc trưởng được kêu gọi và sắc phong để ban phước lành tộc trưởng cho các tín hữu xứng đáng của Giáo Hội. Phần này mô tả các trách nhiệm của chủ tịch giáo khu đối với vị tộc trưởng giáo khu. Để biết thông tin về các phước lành tộc trưởng, xin xem các nguồn tài liệu sau đây:

  • Phần 18.17 và đoạn 38.2.10 trong sách hướng dẫn này

  • Thông Tin và Những Đề Nghị cho Các Tộc Trưởng

  • Buổi Họp Huấn Luyện Giới Lãnh Đạo Toàn Cầu: Tộc Trưởng

Xin xem Information and Suggestions for Patriarchs để biết thêm thông tin về:

  • Các tộc trưởng được nhận tình trạng không tích cực trong chức năng.

  • Các tộc trưởng chuyển nhà đến một giáo khu khác.

6.6.1

Sự Kêu Gọi, Tán Trợ, và Sắc Phong một Tộc Trưởng Giáo Khu

Một tộc trưởng cần phải là người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc xứng đáng. Ông phải là người chín chắn trong sự hiểu biết phúc âm và nhạy bén với Thánh Linh. Ông phải nhận được phước lành tộc trưởng cho riêng mình rồi. Thông thường, ông phải trên 55 tuổi. Ông phải là người đã lập gia đình khi được kêu gọi.

Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ hướng dẫn việc kêu gọi các tộc trưởng giáo khu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:39). Chủ tịch giáo khu có thể đề nghị người nào nên được kêu gọi. Ông nộp những đề nghị này qua hệ thống LCR. Khi đưa ra một đề nghị, chủ tịch giáo khu nên nhịn ăn và cầu nguyện để Thánh Linh hướng dẫn ông. Các cố vấn của ông nên đồng ý với đề nghị này.

Nếu Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ chấp thuận đề nghị này, chủ tịch giáo khu có thể được phép phỏng vấn và kêu gọi vị tộc trưởng đó. Sau đó, ông đọc tên của vị tộc trưởng đó để biểu quyết tán trợ trong phiên họp chung của kỳ đại hội giáo khu kế tiếp.

Chủ tịch giáo khu sắc phong vị tộc trưởng. Ông không nên giao phó trách nhiệm này cho một cố vấn của ông. Không nên mời những người khác đứng chung với ông trong lúc làm lễ sắc phong. Một tộc trưởng mới trước tiên sẽ được sắc phong cho chức phẩm đó và sau đó được phong nhiệm để phục vụ trong một giáo khu cụ thể. Một tộc trưởng đã được sắc phong trước đây đang trở lại tình trạng tích cực trong chức năng sẽ không cần sắc phong lại. Tuy nhiên, ông vẫn phải được phong nhiệm.

Lễ sắc phong phải được ghi lại trong hệ thống LCR trước khi vị tộc trưởng có thể truy cập các công cụ trực tuyến dành cho các tộc trưởng.

Một tộc trưởng tích cực trong chức năng là thành viên của nhóm túc số các thầy tư tế thượng phẩm và tham dự các buổi họp của nhóm túc số (xin xem đoạn 29.3.5).

6.6.2

Kêu Gọi một Tộc Trưởng Thứ Hai trong Giáo Khu

Nhóm Túc Số Mười Hai Vị thường không chấp nhận việc kêu gọi một tộc trưởng thứ hai cho một giáo khu, trừ khi vị tộc trưởng đó không thể ban số lượng các phước lành được yêu cầu. Nhóm Túc Số Mười Hai thường cũng không chấp nhận thêm một tộc trưởng nữa bởi vì một giáo khu:

  • Rộng lớn về mặt địa lý.

  • Gồm có các tín hữu không nói được ngôn ngữ mà đa số tín hữu đang nói.

Nếu một giáo khu gồm có các tín hữu nói các ngôn ngữ khác nhau thì các giám trợ và các chủ tịch đoàn giáo khu có thể cho phép họ đến gặp vị tộc trưởng trong một giáo khu gần đó mà có thể ban phước bằng ngôn ngữ của người tín hữu đó.

Hình Ảnh
em thiếu nữ đang tiếp nhận phước lành

6.6.3

Chỉ Dẫn cho một Tộc Trưởng Giáo Khu Mới Được Kêu Gọi

Chủ tịch giáo khu chỉ dẫn cho vị tộc trưởng mới được kêu gọi trước khi vị tộc trưởng bắt đầu ban các phước lành. Ông giảng dạy cho vị tộc trưởng về tính chất thiêng liêng, mặc khải của chức phẩm của ông. Ông cùng với vị tộc trưởng xem xét kỹ những chỉ dẫn trong những nguồn tài liệu sau đây:

  • Thông Tin và Những Đề Nghị cho Các Tộc Trưởng

  • Buổi Họp Huấn Luyện Giới Lãnh Đạo Toàn Cầu: Tộc Trưởng

6.6.4

Giám Sát Công Việc của Vị Tộc Trưởng Giáo Khu

Chủ tịch giáo khu giám sát công việc của vị tộc trưởng như được mô tả trong Thông Tin và Những Đề Nghị cho Các Tộc Trưởng. Ông không giao phó trách nhiệm này cho một trong các cố vấn của ông. Một tộc trưởng hưởng lợi ích từ mối quan hệ gần gũi với chủ tịch giáo khu của mình.

Chủ tịch giáo khu họp với vị tộc trưởng ít nhất hai lần một năm. Họ thảo luận về những cảm nghĩ của vị tộc trưởng về công việc, sức khoẻ và sự an lạc của gia đình ông, và bất cứ vấn đề nào khác mà vị tộc trưởng cần lời khuyên bảo.

Ít nhất hai lần một năm, chủ tịch giáo khu duyệt xem những phước lành mà vị tộc trưởng đã ban cho. Nếu cần, chủ tịch giáo khu có thể đưa ra những đề nghị tổng quát về nội dung của các phước lành tộc trưởng.

Chủ tịch giáo khu bảo đảm rằng các bản sao của các phước lành được đưa ngay cho người nhận. Ông cũng bảo đảm rằng tất cả các phước lành đều được nộp cho trụ sở Giáo Hội. Cần phải nộp các phước lành qua Patriarchal Blessing System (Hệ Thống Phước Lành của Tộc Trưởng) trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org. Nơi nào không thể truy cập được hệ thống này, nên gửi các phước lành tối thiểu là sáu tháng một lần theo địa chỉ sau:

Church History Library

Attn: Patriarchal Blessings

15 East North Temple Street

Salt Lake City UT 84150-1600

6.6.5

Sự Kín Nhiệm của Các Phước Lành Tộc Trưởng

Chủ tịch giáo khu bảo đảm rằng sau khi vị tộc trưởng đã đưa một bản sao của phước lành tộc trưởng cho người nhận và nộp nó cho trụ sở Giáo Hội, thì tất cả các bản bằng giấy và điện tử khác sẽ được hủy hay xóa. Vị tộc trưởng bảo đảm rằng các phước lành đã bị xóa khỏi máy vi tính của mình đều sẽ không thể khôi phục được.

6.6.6

Các Tộc Trưởng Được Kêu Gọi vào Một Chức Vụ Khác trong Giáo Hội

Một tộc trưởng không thể được kêu gọi vào một chức vụ điều hành Giáo Hội (chẳng hạn như giám trợ, ủy viên hội đồng thượng phẩm hay chủ tịch giáo khu) trừ khi Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ chấp thuận trước sự kêu gọi này. Nếu được chấp thuận, vị tộc trưởng sẽ nhận được tình trạng không tích cực trong chức năng.

Một tộc trưởng có thể được kêu gọi để phục vụ trong những chức vụ kêu gọi khác mà không có sự chấp thuận từ Nhóm Túc Số Mười Hai. Ông cũng có thể phục vụ với tư cách là người thực hiện lễ gắn bó hoặc giáo lễ trong đền thờ.

6.6.7

Người Ghi Chép cho Các Phước Lành Tộc Trưởng

Chủ tịch giáo khu hoặc một trong các cố vấn của ông có thể kêu gọi và phong nhiệm một tín hữu xứng đáng, có kỹ năng trong giáo khu để ghi lại các phước lành tộc trưởng, trừ khi vị tộc trưởng đó có thể tự mình ghi lại và muốn làm như vậy. Nếu cần, thì có thể kêu gọi nhiều hơn một người ghi chép.

Người ghi chép nên được cảnh báo rằng mọi phước lành đều thiêng liêng và kín mật. Người ghi chép hoặc vị tộc trưởng không được giữ lại bản sao của bất cứ phước lành nào. (Xin xem đoạn 6.6.5.)

6.7

Các Tổ Chức Giáo Khu

Mỗi tổ chức Hội Phụ Nữ, Hội Thiếu Nữ, Hội Thiếu Nhi, Trường Chủ Nhật và Hội Thiếu Niên giáo khu đều được lãnh đạo bởi một chủ tịch. Các chủ tịch này phục vụ dưới sự hướng dẫn của chủ tịch đoàn giáo khu. Trong các giáo khu lớn, chủ tịch của một tổ chức có thể đề nghị một hoặc hai cố vấn và một thư ký để phục vụ cùng với anh ấy hoặc chị ấy. Chủ tịch đoàn giáo khu cân nhắc những lời đề nghị này.

Các trách nhiệm chính của các vị lãnh đạo này là phải trợ giúp chủ tịch đoàn giáo khu và chỉ dẫn cùng giúp đỡ các chủ tịch đoàn tổ chức tiểu giáo khu. Họ không thực hiện các chỉ định mà cần phải được thực hiện ở cấp tiểu giáo khu hoặc gia đình. Họ cũng không tạo thêm trách nhiệm cho các chủ tịch đoàn tổ chức tiểu giáo khu.

6.7.1

Các Chủ Tịch Đoàn Hội Phụ Nữ, Hội Thiếu Nữ, Hội Thiếu Nhi và Trường Chủ Nhật giáo khu

Chủ tịch giáo khu kêu gọi và phong nhiệm một phụ nữ làm chủ tịch Hội Phụ Nữ giáo khu. Chủ tịch giáo khu hoặc một cố vấn đã được chỉ định sẽ kêu gọi và phong nhiệm các phụ nữ làm chủ tịch Hội Thiếu Nữ và Hội Thiếu Nhi. Nếu các cố vấn và thư ký được kêu gọi, một thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu hoặc một ủy viên hội đồng thượng phẩm được chỉ định sẽ kêu gọi và phong nhiệm họ.

Chủ tịch đoàn giáo khu kêu gọi và phong nhiệm một ủy viên hội đồng thượng phẩm với tư cách là chủ tịch Trường Chủ Nhật giáo khu.

Những thành viên trong các chủ tịch đoàn này có các trách nhiệm sau đây:

  • Phục vụ trong hội đồng giáo khu (chỉ dành cho chủ tịch). Tham gia trong các nỗ lực để xây đắp đức tin và củng cố các cá nhân cùng gia đình trong giáo khu.

  • Định hướng các chủ tịch đoàn tổ chức mới được kêu gọi của tiểu giáo khu. Điều này gồm có việc đưa ra sự chỉ dẫn từ các chương 1–4 và trong sách hướng dẫn này và trong chương dành cho tổ chức của họ.

  • Tiếp tục hỗ trợ và chỉ dẫn. Thường xuyên liên lạc với các chủ tịch đoàn tổ chức của tiểu giáo khu để biết về những nhu cầu của họ, thảo luận về nhu cầu của các tín hữu mà họ phục vụ, và truyền đạt thông tin từ chủ tịch đoàn giáo khu. Sắp xếp với các vị lãnh đạo tiểu giáo khu để đi thăm các buổi họp và lớp học của họ theo định kỳ.

  • Chỉ dẫn các chủ tịch đoàn tổ chức trong tiểu giáo khu trong các buổi họp dành cho giới lãnh đạo giáo khu (xin xem đoạn 29.3.4). Các buổi họp này thường được tổ chức mỗi năm một lần. Chủ tịch đoàn giáo khu có thể cho phép một buổi họp thứ hai nếu nó sẽ không tạo ra gánh nặng cho những người tham gia. Các vị giám trợ có thể yêu cầu có thêm sự chỉ dẫn dành cho các chủ tịch đoàn tổ chức trong tiểu giáo khu.

  • Thường xuyên cùng nhau hội ý trong các buổi họp chủ tịch đoàn của họ (nếu các cố vấn được kêu gọi). Thường xuyên liên lạc với thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu có trách nhiệm về sự phục vụ của họ.

  • Tham dự các buổi họp hội đồng điều phối khi được Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng mời (xin xem phần 29.4).

  • Nói chuyện trong các buổi lễ Tiệc Thánh và các bối cảnh khác khi được chủ tịch đoàn giáo khu mời.

  • Trong các giáo khu lớn, nộp những đề nghị lên chủ tịch đoàn giáo khu để kêu gọi các cố vấn và những người khác phục vụ trong tổ chức của họ nếu cần. Để biết những chỉ dẫn, xin xem đoạn 30.1.1 và đoạn 30.1.5.

Thỉnh thoảng, các chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ, Hội Thiếu Nữ, và Hội Thiếu Nhi giáo khu có thể hoạch định các sinh hoạt được phối hợp dành cho các tổ chức của họ. Những sinh hoạt này có thể gồm có tất cả các phụ nữ, thiếu nữ và em gái 8 tuổi trở lên trong giáo khu. Các sinh hoạt như vậy cũng có thể được tổ chức trong nhiều giáo khu. Các chủ tịch đoàn cùng nhau hội ý để đề nghị lên chủ tịch đoàn giáo khu các sinh hoạt được phối hợp (xin xem đoạn 20.3.1). Các sinh hoạt như vậy sẽ thay thế cho một trong các sinh hoạt của Hội Phụ Nữ giáo khu (xin xem mục 6.7.1.1).

6.7.1.1

Các Trách Nhiệm Bổ Sung của Chủ Tịch Đoàn Hội Phụ Nữ Giáo Khu

Chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ có thêm các trách nhiệm sau đây:

  • Phục vụ trong ủy ban lãnh đạo người thành niên trong giáo khu (xin xem đoạn 29.3.9). Nếu một thư ký đã được kêu gọi thì chị ấy cũng được mời.

  • Dạy cho các chủ tịch Hội Phụ Nữ tiểu giáo khu các nguyên tắc phục sự và chăm sóc những người hoạn nạn. Giúp họ hiểu được vai trò của họ trong việc giúp đỡ các giám trợ về các vấn đề thế tục và tự lực.

  • Dạy các chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ tiểu giáo khu về các trách nhiệm của họ đối với công việc truyền giáo (xin xem đoạn 23.5.2) và công việc đền thờ và lịch sử gia đình (xin xem đoạn 25.2.2).

  • Củng cố các chị em phụ nữ thành niên độc thân trong giáo khu. Nếu giáo khu có một ủy ban người thành niên trẻ tuổi độc thân, thì một thành viên của chủ tịch đoàn phục vụ trong ủy ban đó. Tương tự như vậy nếu giáo khu cũng có một ủy ban người thành niên độc thân. (Xin xem mục 14.1.1.2.)

  • Phối hợp các nỗ lực của Hội Phụ Nữ giáo khu trong những trường hợp khẩn cấp.

Chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ giáo khu có thể hoạch định và tổ chức một hoặc hai buổi họp mỗi năm dành cho tất cả các chị em trong Hội Phụ Nữ trong giáo khu. Các buổi họp này được tổ chức dưới sự hướng dẫn của chủ tịch đoàn giáo khu. Các buổi họp này có thể gồm có sự phục vụ, các lớp học, dự án, đại hội, và hội thảo. Các buổi họp này không được tổ chức vào cùng lúc với phiên họp phụ nữ của đại hội trung ương. Chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ giáo khu có thể lập ra các ủy ban để giúp đỡ nếu cần.

6.7.1.2

Các Trách Nhiệm Bổ Sung của Chủ Tịch Đoàn Hội Thiếu Nữ của Giáo Khu

Chủ tịch đoàn Hội Thiếu Nữ giáo khu có thêm các trách nhiệm sau đây:

  • Phục vụ trong ủy ban lãnh đạo giới trẻ giáo khu (xin xem đoạn 29.3.10). Nếu một thư ký đã được kêu gọi thì chị ấy cũng được mời.

  • Dưới sự hướng dẫn của chủ tịch đoàn giáo khu, hoạch định và phối hợp các sinh hoạt và các buổi cắm trại của Hội Thiếu Nữ giáo khu.

6.7.1.3

Các Trách Nhiệm Bổ Sung của Chủ Tịch Đoàn Hội Thiếu Nhi Giáo Khu

Thỉnh thoảng, chủ tịch đoàn Hội Thiếu Nhi giáo khu có thể hoạch định các sinh hoạt giáo khu dành cho các thiếu nhi từ 8 đến 11 tuổi. Những sinh hoạt này có thể dành cho các em gái, các em trai hoặc cả hai. Họ tuân theo các chỉ dẫn trong mục 12.2.1.3.

Hình Ảnh
người phụ nữ làm việc với các trẻ em

6.7.1.4

Các Trách Nhiệm Bổ Sung của Chủ Tịch Đoàn Trường Chủ Nhật Giáo Khu

Chủ tịch đoàn Trường Chủ Nhật giáo khu có thêm các trách nhiệm sau đây:

  • Phục vụ với tư cách là chuyên viên trong các nỗ lực của giáo khu để cải thiện việc học tập và giảng dạy phúc âm.

  • Phối hợp các trung tâm nguồn lực trong giáo khu nếu thích hợp (xin xem đoạn 13.7.2).

  • Phục vụ trong ủy ban lãnh đạo giới trẻ giáo khu nếu được mời (xin xem đoạn 29.3.10).

6.7.2

Chủ Tịch Đoàn Hội Thiếu Niên Giáo Khu

Chủ tịch đoàn giáo khu kêu gọi và phong nhiệm một ủy viên hội đồng thượng phẩm để làm chủ tịch Hội Thiếu Niên giáo khu. Các thành viên trong hội đồng thượng phẩm được chỉ định cho Hội Thiếu Nữ và Hội Thiếu Nhi đều có thể được kêu gọi và phong nhiệm để phục vụ với tư cách là các cố vấn của vị này.

Trong một giáo khu lớn, một hoặc hai người khác nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc từ giáo khu có thể được kêu gọi với tư cách là các cố vấn. Một người nắm giữ chức tư tế cũng có thể được kêu gọi với tư cách là thư ký (xin xem đoạn 6.7.3). Chủ tịch Hội Thiếu Niên giáo khu đề nghị người nào sẽ được kêu gọi. Để biết những chỉ dẫn, xin xem đoạn 30.1.1 và đoạn 30.1.5. Các cố vấn và thư ký được kêu gọi và phong nhiệm bởi một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu hoặc một ủy viên hội đồng thượng phẩm đã được chỉ định.

Chủ tịch đoàn Hội Thiếu Niên giáo khu có các trách nhiệm sau đây:

  • Phục vụ trong hội đồng giáo khu (chỉ dành cho chủ tịch trừ khi các cố vấn của ông là các ủy viên hội đồng thượng phẩm). Tham gia trong các nỗ lực để xây đắp đức tin và củng cố các cá nhân cùng gia đình trong giáo khu.

  • Phục vụ với tư cách là nguồn hỗ trợ cho các giám trợ đoàn trong trách nhiệm của họ đối với các anh em Chức Tư Tế A Rôn. Điều này có thể gồm có việc giúp họ hiểu các bổn phận của họ đối với các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn, như được chủ tịch giáo khu hướng dẫn.

  • Thường xuyên cùng nhau hội ý trong các buổi họp chủ tịch đoàn của họ. Thường xuyên liên lạc với thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu có trách nhiệm đối với sự phục vụ của họ.

  • Phục vụ trong ủy ban lãnh đạo giới trẻ giáo khu (xin xem đoạn 29.3.10). Nếu người thư ký đã được kêu gọi thì anh ấy cũng được mời.

  • Dưới sự hướng dẫn của chủ tịch đoàn giáo khu, hoạch định và phối hợp các sinh hoạt và các buổi cắm trại của Chức Tư Tế A Rôn giáo khu.

  • Nói chuyện trong các buổi lễ Tiệc Thánh và các bối cảnh khác khi được chủ tịch đoàn giáo khu mời.

  • Tham dự các buổi họp hội đồng điều phối khi được Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng mời (xin xem phần 29.4).

Chủ tịch đoàn Hội Thiếu Niên giáo khu không tổ chức buổi họp giới lãnh đạo giáo khu. Sự chỉ dẫn cho những người có trách nhiệm đối với các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn được đưa ra trong các buổi họp giới lãnh đạo chức tư tế (xin xem đoạn 29.3.3).

6.7.3

Hình Ảnh
biểu tượng, những chỉ dẫn để thích ứng
Các Thư Ký trong Tổ Chức Giáo Khu

Các thư ký của tổ chức giáo khu thường chỉ được kêu gọi trong các giáo khu lớn. Một thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu hoặc một ủy viên hội đồng thượng phẩm đã được chỉ định có thể kêu gọi và phong nhiệm cho họ. Dưới sự hướng dẫn của các chủ tịch tổ chức giáo khu, họ có thể có các trách nhiệm sau đây:

  • Chuẩn bị các chương trình nghị sự cho các buổi họp chủ tịch đoàn.

  • Ghi chép trong các buổi họp chủ tịch đoàn và theo dõi những sự chỉ định.

  • Lưu giữ các hồ sơ khác và chuẩn bị các bản báo cáo khi chủ tịch đoàn yêu cầu.

  • Giúp chủ tịch đoàn chuẩn bị một ngân sách thường niên cho tổ chức của họ. Ghi chép những khoản chi phí.

  • Cung cấp sự huấn luyện cho các thư ký tổ chức tiểu giáo khu như đã được chỉ định. Sự huấn luyện này có thể gồm có sự chỉ dẫn về việc ghi lại và báo cáo số người tham dự.

6.8

Hình Ảnh
biểu tượng, những nguồn tài liệu tùy chọn
Các Chuyên Viên của Giáo Khu

Chủ tịch đoàn giáo khu có thể kêu gọi và phong nhiệm các chuyên gia nếu cần vì các mục đích như:

  • Âm nhạc (xin xem đoạn 19.5.3)

  • Sự an sinh và tự lực (xin xem đoạn 22.9.4)