Viện Giáo Lý
Bài học 8 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Tổ Chức của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô


“Bài học 8 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Tổ Chức của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học (năm 2019)

“Bài học 8 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Bài học 8 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Tổ Chức của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô

Hình Ảnh
Joseph Smith đứng trước giáo đoàn

Vai trò tín hữu của các em trong Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô có ý nghĩa gì đối với các em? Khi các em học bài học này, hãy cân nhắc việc tham gia của các em trong Giáo Hội của Chúa có thể dẫn đến những phước lành lớn lao hơn cho các em và gia đình, cũng như những người khác mà các em tiếp xúc trong suốt cuộc đời.

Phần 1

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là độc nhất so với các giáo hội và tôn giáo khác như thế nào?

Đứng bên một con suối vào ngày 6 tháng Tư năm 1830, Joseph Smith đã “chứng kiến phép báp têm của mẹ và cha mình vào giáo hội. Sau nhiều năm đi theo những con đường khác nhau để tìm kiếm lẽ thật, cuối cùng họ đã được hợp nhất trong đức tin. Khi cha ông ra khỏi nước, Joseph nắm lấy tay ông, giúp ông lên bờ và ôm lấy ông.

Ông kêu lên, gục mặt vào lòng cha: “‘Hỡi Thượng Đế, con đã sống để thấy cha của con được làm phép báp têm vào giáo hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô!’” (Các Thánh Hữu: Câu Chuyện về Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong Những Ngày Sau, tập 1, Cờ Hiệu về Lẽ Thật, 1815–1846 [2018], trang 86)

Sau khi Joseph Smith phiên dịch Sách Mặc Môn và nhận được thẩm quyền chức tư tế từ các sứ giả thiên thượng , Chúa đã hướng dẫn ông “bằng Tinh Thần Tiên Tri và mặc khải … để tổ chức lại Giáo Hội [của Chúa Giê Su Ky Tô], tại đây trên thế gian này” (Joseph Smith, trong Lịch Sử, khoảng tháng Sáu năm 1839–khoảng năm 1841 [bản nháp 2], trang 29, josephsmithpapers.org). Vào ngày 6 tháng Tư năm 1830, khoảng 60 người đã quy tụ tại nhà của Peter Whitmer Sr. ở Fayette, New York, để làm chứng cho “sự trỗi dậy của Giáo Hội của Đấng Ky Tô trong những ngày sau này” theo “ý muốn và lệnh truyền của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 20:1).

Vào ngày Giáo Hội được tổ chức, Các Thánh Hữu đã tán trợ Joseph Smith và Oliver Cowdery làm người lãnh đạo của họ, dự phần Tiệc Thánh, làm chứng cho lễ sắc phong của những người nam này thành các chức phẩm chức tư tế và chứng kiến những người trước đây đã chịu phép báp têm nhận ân tứ của Đức Thánh Linh và được xác nhận là các tín hữu của Giáo Hội.

Vào ngày này, Joseph Smith nhận xét:

Sau một thời gian vui vẻ dành ra cho sự làm chứng và tự cảm thấy những quyền năng và các phước lành của Đức Thánh Linh, qua ân điển của Thượng Đế ban cho mình, chúng tôi giải tán với sự hiểu biết đầy thỏa mãn rằng giờ đây mỗi chúng tôi là một tín hữu của “Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô”, mà đã được Thượng Đế công nhận và được tổ chức theo các giáo lệnh và những điều mặc khải do Ngài ban cho. (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 138)

Chúa đã chỉ định qua điều mặc khải ngày chính xác Giáo Hội của Ngài sẽ được tổ chức lại trên thế gian này (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20, tiêu đề của tiết), rồi sau đó Ngài đặt tên cho Giáo Hội.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 115:4-5.

Khoảng một năm rưỡi sau khi Giáo Hội được tổ chức, Chúa tuyên phán rằng Ngài đã ban cho Joseph Smith và những người khác quyền năng “đặt nền tảng của giáo hội này và đem nó ra khỏi nơi mù mịt và tối tăm, là giáo hội sinh động và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này, mà ta là Chúa rất hài lòng, muốn nói chung với toàn thể giáo hội chứ không phải với riêng ai” (Giáo Lý và Giao Ước 1:30).

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Việc là tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của các em?

Phần 2

Một số lý do khiến Chúa phán đây là “giáo hội sinh động và chân chính duy nhất” là gì?

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy:

Ba đặc điểm —(1) giáo lý trọn vẹn, (2) quyền năng của chức tư tế và (3) chứng ngôn của Chúa Giê Su Ky Tô—giải thích lý do tại sao Thượng Đế đã phán và tại sao chúng ta, các tôi tớ của Ngài kiên định rằng đây là giáo hội sinh động và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này. …

Vì rất nhiều điều đã bị mất trong Sự Bội Giáo nên Chúa cần phục hồi trọn vẹn giáo lý của Ngài. …

Giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô, hiểu theo nghĩa trọn vẹn, là kế hoạch mà qua đó chúng ta có thể trở thành người mà con cái của Thượng Đế cần phải trở thành. …

Đặc tính thứ hai và hoàn toàn cần thiết … là thẩm quyền chức tư tế. …

Kết quả của việc chúng ta có quyền năng của chức tư tế là các vị lãnh đạo và các tín hữu được ủy quyền… được ban cho quyền năng để thực hiện các giáo lễ chức tư tế cần thiết. …

Lý do thứ ba tại sao chúng ta là Giáo hội chân chính duy nhất là bởi vì chúng ta có lẽ thật được mặc khải về thiên tính của Thượng Đế và mối quan hệ của chúng ta với Ngài, do đó chúng ta có một chứng ngôn độc nhất về Chúa Giê Su Ky Tô. Điều quan trọng là niềm tin của chúng ta vào thiên tính của Thượng Đế là điều phân biệt chúng ta với các tín ngưỡng chính thức của hầu hết các giáo phái Ky Tô Hữu. (Dallin H. Oaks, “The Only True and Living Church,” New Era, tháng Tám năm 2011, trang 3–5)

Hình Ảnh
người đàn ông đang ban phước lành cho thiếu nữ

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích thêm rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô “là giáo hội hằng sống nhờ vào những tác động và ân tứ của Đức Thánh Linh” (“Nhận Được Đức Thánh Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 97).

Anh Tad R. Callister, cựu Chủ Tịch Trung Ương Trường Chủ Nhật, đã dạy:

[Lời tuyên bố của Chúa trong Giáo Lý và Giao Ước 1:30] không có nghĩa là các giáo hội khác không có một số lẽ thật, chắc chắn là họ có. Điều đó không có nghĩa là các giáo hội khác không làm tốt, họ làm tốt nhiều. Điều đó có nghĩa là đây là giáo hội duy nhất có tất cả các lẽ thật đã được mặc khải cho đến nay trong gian kỳ này—giáo hội duy nhất có các giáo lễ cần thiết để tôn cao và là giáo hộ duy nhất có chức tư tế của Thượng Đế để thực hiện các giáo lễ đó với tính đúng đắn thiêng liêng. Chúng ta có được bằng chứng gì từ lời khẳng định này? …

Nếu một người so kế hoạch của Giáo Hội nguyên thủy của Đấng Ky Tô với mọi giáo hội trên thế gian ngày nay thì người ấy sẽ thấy rằng … chỉ phù hợp với một giáo hội mà thôi—đó là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. (Tad R. Callister, “Kế Hoạch của Giáo Hội của Đấng Ky Tô Là Gì?” [Buổi họp đặc biệt Devotional của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 12 Tháng Một năm 2014]; ChurchofJesusChrist.org)

Điều quan trọng là phải hiểu rằng việc trở thành tín hữu của “giáo hội sinh động và chân chính duy nhất” của Chúa Giê Su Ky Tô không có nghĩa là chúng ta tin rằng chúng ta tốt hơn những người khác. Nhưng tư cách tín hữu của chúng ta bao gồm trách nhiệm yêu thương người khác và mời họ đến với Đấng Ky Tô và nhận được phước lành về phúc âm phục hồi của Ngài.

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Những kinh nghiệm nào giúp các em biết rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là Giáo Hội chân chính và sinh động của Đấng Cứu Rỗi?

Phần 3

Tôi có thể chia sẻ điều gì với ai đó cảm thấy rằng anh ấy hoặc cô ấy có thể mộ đạo hoặc thánh thiện mà không tham gia vào Giáo Hội của Chúa?

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giảng dạy:

Có những người tự coi mình là sùng đạo hay thánh thiện vậy mà từ chối tham gia vào một giáo hội hay ngay cả sự cần thiết để có một tổ chức như vậy. Việc thực hành tôn giáo là chỉ cho cá nhân của họ mà thôi. Tuy nhiên, Giáo Hội là sự sáng tạo của Đấng mà nếp sống thuộc linh của chúng ta được tập trung vào–Chúa Giê Su Ky Tô. …

… Mục đích thời xưa vẫn còn; đó là để thuyết giảng tin lành của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và thực hiện các giáo lễ của sự cứu rỗi—nói cách khác, để mang mọi người đến với Đấng Ky Tô. …

… Là điều quan trọng để nhận ra rằng mục đích tối quan trọng của Thượng Đế là sự tiến triển của chúng ta. Ước muốn của Ngài là chúng ta tiếp tục “từ ân điển này đến ân điển khác, cho đến khi [chúng ta nhận được] sự trọn vẹn” [Giáo Lý và Giao Ước 93:13] của tất cả những gì Ngài có thể ban cho. Điều đó đòi hỏi nhiều hơn là chỉ tử tế hoặc cảm thấy thánh thiện. Điều đó đòi hỏi phải có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm bằng nước và bằng Thánh Linh, và kiên trì đến cùng trong đức tin [xin xem 2 Nê Phi 31:17–20]. Một người tự mình không thể hoàn toàn đạt được điều này, vì thế một lý do chủ yếu tại sao có một giáo hội là tạo ra một cộng đồng Các Thánh Hữu mà sẽ hỗ trợ lẫn nhau trên “con đường chật và hẹp ấy, tức là con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.” [2 Nê Phi 31:18]. …

Nếu một người tin rằng tất cả mọi con đường đều dẫn đến thiên thượng hoặc không có những điều kiện cụ thể về sự cứu rỗi, thì người ấy sẽ thấy không cần thiết để rao giảng phúc âm hoặc các giáo lễ và các giao ước trong việc cứu chuộc người sống hoặc người chết. Nhưng chúng ta không chỉ nói về sự bất diệt không thôi mà còn về cuộc sống vĩnh cửu, và về con đường phúc âm và các giao ước phúc âm là thiết yếu. Và Đấng Cứu Rỗi cần một giáo hội để làm cho các điều này có sẵn cho tất cả con cái của Thượng Đế—cả người sống lẫn người chết. (D. Todd Christofferson, “Tại Sao Giáo Hội Là Cần Thiết”, Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 108, 110)

Hình Ảnh
gia đình đi ra khỏi tòa nhà

Chị Bonnie L. Oscarson, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã dạy rằng việc tham gia vào Giáo Hội cũng giúp chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn bằng cách cho chúng ta cơ hội phục vụ và phục sự những người khác:

Đúng là chúng ta đi đến các buổi họp hằng tuần của Giáo Hội để tham dự vào các giáo lễ, học hỏi giáo lý và được soi dẫn, nhưng có một lý do khác rất quan trọng để tham dự là, với tư cách là một gia đình tiểu giáo khu và là môn đồ của Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô, chúng ta trông nom, khuyến khích lẫn nhau, và tìm cách phục vụ và củng cố lẫn nhau. Chúng ta không phải chỉ là người nhận lấy những gì được đưa ra tại nhà thờ; chúng ta còn cần phải là người cho và người cung cấp nữa. …

Hãy cầu xin Cha Thiên Thượng cho các em thấy những người xung quanh đang cần sự giúp đỡ của các em và soi dẫn cho các em về cách tốt nhất để phục vụ họ. Hãy nhớ rằng Đấng Cứu Rối thường phục sự từng người một. (Bonnie L. Oscarson, “Các Nhu Cầu trước mặt Chúng Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 26)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Làm thế nào việc tham gia tích cực vào Giáo Hội của Chúa giúp cho các em trở thành giống như Ngài và Cha Thiên Thượng hơn? Các em có thể làm gì để tham gia một cách trọn vẹn hơn vào Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô?