Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu
Kế Hoạch của Giáo Hội của Đấng Ky Tô Là Gì?


Kế Hoạch của Giáo Hội của Đấng Ky Tô Là Gì?

Buổi Họp Đặc Biệt Devotional của Hệ Thống Giáo Dục Giáo Hội dành cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi • Ngày 12 tháng Giêngnăm 2014 • Trường Brigham Young University

Thật là một niềm vui để có được buổi tối hôm nay với các vị lãnh đạo và các bậc cha mẹ tương lai mẹ của Giáo Hội này. Nhờ vào điều đó, tôi tin rằng tương lai của Giáo Hội này là an toàn và sáng lạn. Do đó, tôi muốn nói về tổ chức của Giáo Hội mà các em sẽ chủ tọa vào một ngày nào đó.

Trong tiết đầu tiên của sách Giáo Lý và Giao Ước, Chúa đã đưa ra lời phán mạnh dạn và có ý nghĩa này: ″[Đây là] giáo hội hằng sống và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này″ (GLGƯ 1:30). Câu này có nghĩa là gì? Câu này không có nghĩa là các giáo hội khác không có một lẽ thật nào đó vì chắc chắn là họ có. Câu này không có nghĩa là các giáo hội khác không làm điều tốt, vì chắc chắn là họ làm rất nhiều điều tốt. Câu này thật sự có nghĩa là đây là giáo hội duy nhất có tất cả lẽ thật đã được mặc khải trong gian kỳ này cho đến nay---đây là giáo hội duy nhất có các giáo lễ cần thiết cho sự tôn cao và giáo hội duy nhất có chức tư tế của Thượng Đế để thực hiện các giáo lễ với giá trị thiêng liêng. Chúng ta có bằng chứng nào về nhận định này không?

Cách đây vài năm, vợ chồng tôi cần một ngôi nhà lớn hơn cho gia đình ngày càng đông con của mình, vậy nên chúng tôi tìm ra một miếng đất để xây nhà. Chúng tôi đã dành ra một số thời gian thiết kế bản đồ họa thiết kế nhà để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của gia đình. Vợ tôi thiết kế một cánh cửa gấp để ngăn phòng gia đình với phòng khách mà có thể mở ra mỗi khi có các sinh hoạt đông người trong gia đình và sinh hoạt của giới trẻ. Với thêm một số chỗ trống trên nóc nhà để xe, chúng tôi thiết kế một căn phòng để con cái chúng tôi có thể tham gia vào các sinh hoạt lành mạnh. Chúng tôi cũng thiết kế một căn phòng nhỏ ở phía sau nhà để xe để lưu trữ thực phẩm và các thứ khác. Các yếu tố thiết kế này và các yếu tố khác đã được đưa vào bản đồ họa thiết kế nhà. Sau đó, căn nhà đã được xây theo đúng như các kế hoạch này.

Trong khi căn nhà đang được xây, thì thỉnh thoảng chúng tôi cũng đưa ra cho người thợ xây cất một chỗ sửa đổi cho bản đồ họa thiết kế nhà. Cuối cùng khi đã xây xong, căn nhà phù hợp một cách chính xác với bản đồ họa thiết kế nhà mà thỉnh thoảng đã được sửa đổi. Nếu các em lấy bản đồ họa thiết kế nhà của chúng tôi và so sánh với mỗi căn nhà trên thế giới, thì sẽ có bao nhiêu căn nhà hoàn toàn giống với bản đồ họa thiết kế này? Chỉ có một căn nhà---đó là căn nhà của chúng tôi. Vâng, cũng có thể có căn nhà giống nhà chúng tôi ở một vài chỗ---một căn phòng cùng kích thước, một số cửa sổ giống nhau---nền móng với nền móng, phòng ốc với phòng ốc, đường bao mái với đường bao mái, nhưng chỉ có một căn nhà hoàn toàn phù hợp với bản đồ họa đồ thiết kế---đó là căn nhà của chúng tôi.

Trong một cách tương tự, Đấng Ky Tô xây lên một căn nhà để thích nghi với những nhu cầu tinh thần của con cái Ngài. Căn nhà này được gọi là Giáo Hội của Ngài. Bản đồ họa thiết kế cho Giáo Hội này có thể được tìm thấy trong Kinh Tân Ước. Thỉnh thoảng Đấng Cứu Rỗi ″thay đổi″ bản đồ họa thiết kế. Một sự thay đổi thuộc linh như vậy xảy đến dưới hình thức một điều mặc khải. Ví dụ, ban đầu Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho Các Sứ Đồ của Ngài phải thuyết giảng phúc âm cho gia tộc Y Sơ Ra Ên chứ không phải cho dân Ngoại (xin xem Ma Thi Ơ 10:5–6). Tuy nhiên, sau khi Đấng Cứu Rỗi thăng lên trời, Ngài đã ban cho Phi E Rơ một lệnh thay đổi về phần thuộc linh---một điều mặc khải bằng một khải tượng----rằng bây giờ phúc âm cũng nên được giảng dạy cho dân Ngoại (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 10). Kinh nghiệm này của Phi E Rơ đã dạy cho ít nhất hai nguyên tắc về việc cai quản quan trọng trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô: một là bản đồ họa thiết kế có thể thay đổi, nhưng chỉ qua điều mặc khải từ Đấng Ky Tô, và thứ hai là điều mặc khải đó sẽ đến với vị tiên tri là phát ngôn viên của Thượng Đế trên thế gian. Nói cách khác, Giáo Hội của Thượng Đế sẽ được chi phối bởi sự mặc khải thiêng liêng và theo thứ tự.

Nếu một người mong muốn khám phá Giáo Hội của Đấng Ky Tô ngày nay, thì người ấy sẽ muốn so sao cho bản đồ họa thiết kế thuộc linh được tìm thấy trong Kinh Tân Ước giống với mọi giáo hội Ky Tô hữu trên thế giới cho đến khi người ấy khám phá ra một giáo hội giống với bản đồ họa thiết kế—tổ chức với tổ chức, điều giảng dạy với điều giảng dạy, giáo lễ với giáo lễ, thành quả với thành quả, và mặc khải với mặc khải. Khi làm như vậy, người ấy có thể tìm thấy một số giáo hội có một số điểm tương tự—một hoặc hai điều giảng dạy rất giống nhau, cùng một giáo lễ, một số chức phẩm có cùng tên—nhưng người ấy sẽ chỉ tìm ra được một giáo hội giống với bản họa đồ thiết kế trong mọi phương diện quan trọng, đó là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Bây giờ, tôi muốn thử nghiệm nhận định đó.

Chúng ta hãy giở trang thứ nhất của bản đồ họa thiết kế và tìm xem tổ chức của Giáo Hội của Đấng Ky Tô như đã được mặc khải là gì.

Trước hết, Giáo Hội của Đấng Ky Tô được đặt nền tảng trên các sứ đồ và tiên tri. Khi Phao Lô viết thư cho một số các tín hữu mới của Giáo Hội, ông nói rằng họ hiện “được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà” (Ê Phê Sô 2:20; chữ nghiêng được thêm vào).

Các Sứ Đồ hiểu là cần phải tuyệt đối giữ cho Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ được đầy đủ. Khi một Sứ Đồ, như Giu Đa, chết và một phần nền móng bị ″sứt mẻ,″ thì 11 Vị Sứ Đồ khác quy tụ lại và chọn một người kế nhiệm để cho nền móng sẽ được nguyên vẹn trở lại (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 1:22–25).

Mô hình này chứng minh tầm quan trọng của việc duy trì một nhóm túc số mười hai Vị Sứ Đồ. Các Vị Sứ Đồ này quan trọng đối với sự an lạc của Giáo Hội đến mức Phao Lô đã tuyên bố là chúng ta cần họ bao lâu: ″cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin” (Ê Phê Sô 4:13). Và sau đó ông giải thích lý do: Để chúng ta sẽ không bị, ″dời đổi theo chiều gió của đạo lạc” (Ê Phê Sô 4:14). Do đó, Các Sứ Đồ đều cần thiết để giữ giáo lý được thuần túy.

Giả sử trong một lúc, tôi phải kể một câu chuyện cho người nào đó ngồi ở một đầu của dãy ghế trước tôi, và rồi người này phải chia sẻ câu chuyện đó với người bên cạnh anh ta, và tiếp tục như vậy cho đến khi câu chuyện đó được kể lại cho mỗi người ngồi trong các dãy ghế cho đến hết tất cả các dãy ghế. Điều gì sẽ xảy ra cho câu chuyện đó? Nó sẽ thay đổi. Nó luôn luôn thay đổi, đó là bản chất của con người. Điều này đã xảy đến với giáo lý do Các Sứ Đồ giảng dạy khi họ đi đến nhiều thị trấn và làng mạc khác nhau. Khi giáo lý đi từ người này sang người khác, thì nó bắt đầu thay đổi. Chừng nào còn có Các Sứ Đồ thì họ có thể sửa chỉnh giáo lý bằng thư từ hoặc bài giảng cá nhân. Nhưng khi Các Sứ Đồ đã đi rồi thì không còn bất cứ hệ thống nào để ngăn chặn bất cứ người nào hoặc nhóm nào có nhiều quyền hành hoặc ảnh hưởng nữa, không còn sự giám sát nữa, và sớm muộn gì các giáo lý cũng bị bóp méo hoặc sai lạc.

Vì lý do này và các lý do khác nữa, nên bản kế hoạch cho thấy rằng các sứ đồ và các vị tiên tri cấu thành nền móng của Giáo Hội của Đấng Ky Tô. Các em có biết về bất cứ thay đổi nào trong Kinh Tân Ước, bất cứ kỳ điều mặc khải nào đã sửa đổi bản kế hoạch và nói rằng không còn cần đến các sứ đồ nữa không? Tôi thì không biết rồi. Nếu đúng như vậy, thì Giáo Hội chân chính của Đấng Ky Tô ngày nay cần phải có các sứ đồ và các vị tiên tri làm nền móng cho giáo hội.

Để phụ giúp Đấng Cứu Rỗi và Các Sứ Đồ của Ngài trong việc thuyết giảng phúc âm, Đấng Cứu Rỗi đã chọn những người đàn ông khác, được gọi là Thầy Bảy Mươi, để chuẩn bị con đường. Chúng ta đọc về Các Thầy Bảy Mươi này trong sách Lu Ca, chương 10. Các em có biết có một giáo hội nào ngày nay phù hợp với bản kế hoạch này---mà có chức phẩm Các Thầy Bảy Mươi không?

Bản kế hoạch của Kinh Tân Ước cho thấy các chức sắc khác đã cấu thành một phần tổ chức của Giáo Hội của Đấng Ky Tô: giám trợ (xin xem 1 Ti Mô Thê 3; Tít 1:7); anh cả (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 14:23; Tít 1:5); thầy trợ tế (xin xem Phi Líp 1:1); người rao giảng phúc âm (xin xem Ê Phê Sô 4:11, có nghĩa là tộc trưởng 1, và giám trợ (xin xem Ê Phê Sô 4:11, có nghĩa là những người đàn ông như các giám trợ và chủ tịch giáo khu đang chủ tọa một giáo đoàn.2

Tín điều thứ sáu của Giáo Hội nhắc đến bản kế hoạch này: ″Chúng tôi tin ở cùng một loại tổ chức mà đã có trong Giáo Hội Nguyên Thủy, nghĩa là cũng có các vị sứ đồ, tiên tri, giám trợ, thầy giảng, các vị rao giảng Phúc Âm, và vân vân″ (Những Tín Điều 1:6; chữ nghiêng được thêm vào). Nói cách khác, chúng ta tin rằng Giáo Hội hiện tại của Chúa Giê Su Ky Tô cần phải có cùng một cách tổ chức giống như của Giáo Hội ban đầu đã tồn tại của Đấng Ky Tô, và chỉ có thể được thay đổi nhờ mặc khải mà thôi. Do đó, mỗi chức phẩm này đều có trong Giáo Hội của chúng ta ngày nay.

Các Sứ Đồ của Đấng Ky Tô và các chức phẩm khác được lựa chọn như thế nào? Đấng Cứu Rỗi có theo học các trường thần học giỏi nhất trong thời Ngài và chọn các học viên có điểm học cao nhất không? Không có. Thay vì thế, bản kế hoạch này cho chúng ta biết rằng Ngài đã chọn Phi E Rơ, một người đánh cá, và Ma Thi Ơ, một người thu thuế, và sau đó Phao Lô, một người làm lều. Mỗi vị này đã được chọn từ những người dân thường---về bản chất đó là một giáo vụ của người thường. Ngày nay Giáo Hội có một nhóm túc số mười hai Vị Sứ Đồ cũng được chọn từ trong số các tín hữu của Giáo Hội. Vị này có thể là giáo viên, vị khác là kỹ sư, vị khác nữa là luật sư, và vân vân.

Các Sứ Đồ của Đấng Ky Tô và các chức sắc khác có làm đơn xin làm giáo vụ không? Không có. Bản kế hoạch này cho chúng ta biết cách Đấng Ky Tô đã chọn các chức sắc của Ngài như thế nào: ″Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn, và lập các ngươi″ (Giăng 15:16; chữ nghiêng được thêm vào). Khi Đấng Ky Tô sắc phong Các Sứ Đồ của Ngài, thì Ngài đã ban cho họ điều gì? Ma Thi Ơ và Lu Ca ghi lại câu trả lời: ″Đức Chúa Jêsus gọi mười hai môn đồ đến, ban quyền phép″ (Ma Thi Ơ 10:1; xin xem thêm Lu Ca 9:1)---quyền năng chức tư tế để hành động trong danh Ngài và làm công việc của Ngài. Đó là lý do tại sao bản kế hoạch cho chúng ta biết ″cũng như một người kia … giao cho đầy tớ″ (Mác 13:34). Tại sao? Để họ có thể hành động trong danh của Ngài với sự tán thành của Ngài. Mỗi người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế trong Giáo Hội này ngày nay có thể truy nguyên thẩm quyền chức tư tế của mình trở ngược lại cho đến Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài là nguồn gốc của tất cả thẩm quyền và quyền năng, để người này cũng được có quyền có được sự tán thành của Đấng Ky Tô---sự chấp thuận của Đấng Ky Tô---theo như bản kế hoạch đòi hỏi.

Tên của giáo hội do Đấng Ky Tô tổ chức là gì? Nếu chúng ta chịu báp têm trong danh của Đấng Ky Tô, nếu chúng ta cầu nguyện trong danh của Đấng Ky Tô, nếu chúng ta được cứu trong danh của Đấng Ky Tô, và nếu Ngài là Đấng sáng lập và nền tảng chính của Giáo Hội của Ngài, thì các em nghĩ tên của Giáo Hội của Ngài là gì? Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi phán với những người trong thời kỳ Sách Mặc Môn, Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy nguyên tắc cơ bản về lý do tại sao Giáo Hội cần phải mang danh Ngài: ″Làm sao mà giáo hội thuộc về ta nếu không được gọi bằng danh ta? Vì nếu một giáo hội có tên là Môi Se thì tức đó là giáo hội của Môi Se; hoặc nếu được gọi theo tên một người nào đó, thì giáo hội ấy sẽ thuộc về người đó; vậy nên, nếu giáo hội được gọi bằng danh ta thì đó là giáo hội của ta, nếu họ cũng được xây dựng trên phúc âm của ta″ (3 Nê Phi 27:8; chữ nghiêng được thêm vào).

Chính vì lý do này mà Phao Lô đã khiển trách một số tín hữu ban đầu của Giáo Hội--họ đặt tên giáo hội của mình theo tên của các môn đồ nào đó, thay vì theo tên của Đấng Ky Tô. Do đó, Phao Lô đã viết:

“Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói như vầy: Ta là môn đồ của Phao Lô; ta là của A Bô Lô, ta là của Sê Pha, ta là của Đấng Ky Tô.

“Đấng Ky Tô bị phân rẽ ra sao? Có phải Phao Lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhơn danh Phao Lô mà chịu phép báp têm sao?” ( 1 Cô Rinh Tô 1:12–13).

Nói cách khác, chúng ta không mang bất cứ danh nào ngoài danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Do đó, bản kế hoạch này dạy chúng ta rằng Giáo Hội của Đấng Ky Tô phải mang danh của Ngài. Thật là kỳ diệu đối với tôi rằng Thời Kỳ Cải Cách đã tồn tại hơn 300 năm trước thời kỳ của Joseph Smith và không một ai nghĩ đến việc đặt tên giáo hội của mình theo danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Dĩ nhiên, kể từ thời kỳ của Joseph Smith, cũng có những người khác đã làm theo, nhưng trong một số cách kỳ diệu nào đó, Chúa đã giữ lại việc dùng danh Ngài cho đến khi thời kỳ của Joseph Smith và Sự Phục Hồi của Giáo Hội của Đấng Ky Tô.

Giờ đây, chúng ta hãy giở đến trang thứ hai của bản đồ họa này. “Những điều giảng dạy” của Giáo Hội của Đấng Ky Tô là gì? Chúng ta hãy xem xét một vài điều giảng dạy này:

Có phải Thượng Đế chỉ là thần linh hoặc Ngài cũng có một thể xác bằng xương và bằng thịt? Bản kế hoạch này giảng dạy điều gì?

Sau khi Đấng Ky Tô phục sinh, Ngài hiện ra cùng các môn đồ của Ngài, những người này lầm tưởng Ngài là một linh hồn (xin xem Lu Ca 24:37). Để sửa chỉnh sự hiểu lầm của họ, Ngài phán: ″Hãy xem tay chân ta: thật chính ta. Hãy rờ đến ta, và hãy xem; thần thì không có thịt xương, mà các ngươi thấy ta có” (Lu Ca 24:39; chữ nghiêng được thêm vào).

Để loại bỏ bất cứ nỗi nghi ngờ nào về tính chất hữu hình của thể xác phục sinh của Ngài, Ngài đã hỏi các môn đồ của Ngài: ″Ở đây các ngươi có gì ăn không?” (Lu Ca 24:41). Sau đó thánh thư chép rằng:

“Môn đồ dâng cho Ngài một miếng cá nướng.

“Ngài nhận lấy mà ăn trước mặt môn đồ” ( Lu Ca 24:42–43).

Với thể xác bằng xương bằng thịt vinh quang và phục sinh đó, Đấng Ky Tô thăng lên trời (xem Công Việc Các Sứ Đồ 1:9),3, ở đó Ngài ngồi bên tay phải của Thượng Đế Đức Chúa Cha và là ″hình bóng của bản thể Ngài” (Hê Bơ Rơ 1:3). Đây là lẽ thật chính xác được Joseph Smith giảng dạy là một phần của Sự Phục Hồi Giáo Hội của Đấng Ky Tô: ″Đức Chúa Cha có một thể xác bằng xương và thịt hữu hình như loài người; và luôn cả Đức Chúa Con cũng vậy” (GLGƯ 130:22).

Thượng Đế và Chúa Giê Su là một Đấng, như đã được nhiều Ky Tô hữu giảng dạy, hay là hai Đấng riêng biệt? Bản kế hoạch cho biết điều gì?

Con số tham khảo trong Kinh Thánh về thiên tính và vai trò riêng biệt của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con thật là đáng kinh ngạc. Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, khi nhận ra nỗi đau đớn khủng khiếp mà Ngài sẽ phải chịu đựng, Đấng Cứu Rỗi đã nói: ″Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi! (Lu Ca 22:42). Đây là hành động tuân phục vĩ đại nhất mà thế giới chưa từng được biết. Nhưng có sự tuân phục không nếu không có một Đấng nào khác để Ngài có thể tuân phục--- nếu Ngài và Đức Chúa Cha là một và cùng là một Đấng? Tại sao Đấng Cứu Rỗi cầu nguyện lên Đức Chúa Cha hoặc kêu lên: ″Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Mác 15:34). Làm thế nào Ngài có thể bị bỏ rơi nếu không có một Đấng riêng biệt để bỏ rơi Ngài? Làm thế nào Ê Tiên nhìn thấy Chúa Giê Su đứng bên tay phải của Thượng Đế nếu hai Ngài không phải là hai Đấng riêng biệt (xem Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55–56)?

Khi Joseph Smith bước ra từ khu rừng cây, ông đã tự mình biết được lẽ thật. Ông đã nhìn thấy Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai của Ngài, là Chúa Giê Su Ky Tô, đứng cạnh nhau; ông đã nghe Đức Chúa Cha nói về Đấng kia là ″Con Trai Yêu Quý″ của Ngài (Joseph Smith---Lịch Sử 1:17). Vào cái ngày vinh quang đó, Thượng Đế đã bác bỏ những huyền thoại mà nhân loại đã đặt ra về thiên tính của Thượng Đế và mặc khải cùng xác nhận lẽ thật đơn giản đã được giảng dạy từ ban đầu trong bản đồ họa---rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, hiệp nhất trong các mục tiêu và ý muốn nhưng nhưng khác biệt về cá tính.

Bản kế hoạch này nói gì về những người chưa bao giờ có được cơ may để nghe phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong khi sống trên thế gian? Họ bị đoán phạt chăng? Chúng ta có được mặc khải cho biết về trạng thái thuộc linh của họ không?

Đây là một thắc mắc rất quan trọng ảnh hưởng đến hàng tỷ người. Chắc chắn là Thượng Đế đã phán về điều này rồi. Và sự thật là Ngài đã làm như thế. Bản kế hoạch này chứa đựng câu trả lời.

Phi E Rơ viết: ″Vì ấy bởi điều đó mà Tin Lành cũng đã giảng ra cho kẻ chết, hầu cho sau khi chịu xét đoán theo loài người về phần xác, thì họ được sống theo Đức Chúa Trời về phần hồn” (1 Phi E Rơ 4:6). Giáo lý này đã bị mất trong Thời Kỳ Bội Giáo tiếp theo cái chết của Các Sứ Đồ của Đấng Ky Tô, nhưng đã được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith.

Có phải là có ba tầng trời hay là một tầng trời? Trong nhiều năm qua thế giới Ky Tô giáo đã dạy là có một thiên đường và một địa ngục, nhưng bản kế hoạch ban đầu giảng dạy điều gì?

Phao Lô đã dạy: ″Vinh quang của mặt trời khác, vinh quang của mặt trăng khác, vinh quang của ngôi sao khác″ (1 Cô Rinh Tô 15:41). Sau đó, Phao Lô xác nhận sự thật về tầng trời có ba đẳng cấp này khi ông kể lại khải tượng của một người ″đã được đem lên đến từng trời thứ ba” (2 Cô Rinh Tô 12:2). Có thể có một tầng trời thứ ba nếu không có tầng trời thứ hai hoặc thứ nhất không? Một lần nữa, giáo lý này được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith là phù hợp một cách chính xác với bản kế hoạch ban đầu.

Hôn nhân có tiếp tục vĩnh viễn hay là kết thúc với cái chết? Bản kế hoạch đưa ra câu trả lời.

Để phù hợp với quyền năng được ban cho Các Sứ Đồ tức là điều gì họ nên ràng buộc ở dưới đất thì cũng nên được ràng buộc ở trên trời (xem Ma Thi Ơ 18:18), Phao Lô nói: ″Song trong Chúa thì chẳng phải đờn bà ngoại đờn ông, cũng chẳng phải đờn ông ngoại đờn bà” (1 Cô Rinh Tô 11:11), có nghĩa rằng điều lý tưởng là để người nam và người nữ được ràng buộc với nhau vĩnh viễn nơi hiện diện của Thượng Đế. Phi E Rơ đã xác nhận lẽ thật này. Khi đề cập đến vợ chồng, ông nói rằng họ nên, ″cùng hưởng phước sự sống” (1 Phao Lô 3:7) không riêng tư, mà cùng nhau bước đi trên con đường với tư cách là những người thừa kế cuộc sống vĩnh cửu. Đó là giáo lý được giảng dạy trong bản kế hoạch; và đó là giáo lý được giảng dạy trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô ngày nay.

Trang thứ ba của kế hoạch nói rằng: “Các Giáo Lễ trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô.” Bản kế hoạch rất cụ thể về vấn đề này. Ví dụ, chúng ta có ban phước hay làm phép báp têm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không? Bản kế hoạch giảng dạy điều gì?

Đấng Cứu Rỗi đưa ra ví dụ rõ ràng cho chúng ta. Khi nói về các trẻ nhỏ, thánh thư dạy: “Ngài [Chúa Giê Su] lại bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho” (Mác 10:16; chữ nghiêng được thêm vào). Ma Thi Ơ xác nhận rằng, đối với trẻ nhỏ, Đấng Cứu Rỗi “đặt tay trên chúng nó” (Ma Thi Ơ 19:15). Kế hoạch dạy rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được ban phước, chứ không được báp têm. Thật ra, không hề có một câu chuyện nào về phép báp têm cho trẻ sơ sinh xảy ra ở bất cứ nơi đâu trong toàn bộ Kinh Tân Ước. Tại sao? Tại vì đó không phải là một giáo lễ trong Giáo Hội. Một người nào đó tìm kiếm Giáo Hội của Đấng Ky Tô ngày nay sẽ tìm kiếm một giáo hội ban phước cho trẻ sơ sinh chứ không làm phép báp têm cho chúng.

Phép báp têm có thiết yếu cho sự cứu rỗi không? Kế hoạch dạy điều gì?

Sau khi Đấng Ky Tô nêu gương chịu phép báp têm, Ngài đã phán rõ ràng: “Nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:5; chữ nghiêng được thêm vào). Phi E Rơ cũng dạy như vậy: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Giê Su chịu phép báp têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38; chữ nghiêng được thêm vào). Điều được dạy trong kế hoạch cũng giống ý như điều đã được dạy trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô ngày nay.

Phép báp têm được thực hiện bằng lễ vẩy nước, đổ nước hoặc dìm mình xuống nước? Bản kế hoạch đưa ra ít nhất bốn bằng chứng rằng phép báp êm phải được thực hiện bằng cách dìm mình xuống nước:

Trước hết, Đấng Cứu Rỗi, Đấng Gương Mẫu trọng đại của chúng ta, ″ra khỏi nước” (Ma Thi Ơ 3:16), cho thấy rằng Ngài đã đi xuống nước trước.5

Thứ hai, Giăng Báp Tít “cũng làm phép báp têm tại Ê Nôn, gần Sa Lim, vì ở đó có nhiều nước” (Giăng 3:23; chữ nghiêng được thêm vào). Tại sao ông đi đến một chỗ ″có nhiều nước″ nếu cách vẫy nước hoặc đổ nước là hai cách được chấp nhận cho phép báp têm?

Thứ ba, Phao Lô cho chúng ta biết rằng phép báp têm là tượng trưng cho cái chết, sự chôn cất, và sự phục sinh của Chúa Giê Su Ky Tô (xem Rô Ma 6:3–5). Khi người mới cải đạo đứng trong nước báp têm, người ấy tượng trưng cho ông lão sắp chết. Khi người ấy dìm mình xuống nước, thì các tội lỗi của người ấy được ″chôn xuống″ và được tha thứ bởi quyền năng thanh tẩy tượng trưng của nước. Rồi khi ra khỏi nước, người ấy đứng lên làm người đại diện cho một người mới hoặc được phục sinh trong Chúa Giê Su Ky Tô. Tất cả biểu tượng dựa trên cơ sở phép báp têm đó đều phù hợp với phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước, nhưng biểu tượng đó bị thất lạc---hoàn toàn thất lạc----với cách vẫy nước và đổ nước.

Và thứ tư, phép báp têm được dịch ra tiếng Hy Lạp có nghĩa là nhúng hoặc ngâm vào nước.

Một sử gia nổi tiếng trên thế giới là Will Durrant biết bản kế hoạch mặc khải điều gì và do đó đã nhận xét: ″Vào thế kỷ thứ chín, phương pháp làm phép báp têm ban đầu của Ky Tô hữu là bằng cách dìm mình hoàn toàn xuống nước rồi dần dần được thay thế bằng … cách vẩy nước vì ít nguy hiểm hơn đối với sức khỏe của một người trong vùng khí hậu phía bắc.″4

Cũng không nên ngạc nhiên khi Joseph Smith nhận được một mặc khải về cách thực hiện phép báp têm mà hoàn toàn phù hợp với kế hoạch của Đấng Ky Tô (xem GLGƯ 20:73–74).

Phép báp têm cho người chết có phải là một giáo lễ trong Giáo Hội nguyên thủy của Đấng Ky Tô không? Đúng vậy.

Các tín hữu của Giáo Hội ở Cô Rinh Tô đã tham gia vào một giáo lễ đúng được biết là phép báp têm cho người chết. Tuy nhiên, những người này nghi ngờ thực tế của Sự Phục Sinh. Vì cảm thấy điều họ đang làm không thống nhất với những gì họ tin tưởng, nên Phao Lô đã sử dụng việc họ tham gia vào giáo lễ đúng về phép báp têm cho người chết để chứng minh giáo lý đúng của Sự Phục Sinh: ″Bằng chẳng vậy, những người vì kẻ chết chịu phép báp tem sẽ làm chi? Nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì sao họ vì những kẻ ấy mà chịu phép báp têm?″(1 Cô Rinh Tô 15:29).

Một khi một người nào đó chấp nhận giáo lý chân chính và thừa nhận rằng phép báp têm là cần thiết cho sự cứu rỗi (mà điều đó đúng là như vậy), thì người ấy được dẫn dắt đến việc tin vào phép báp têm cho người chết---nguyên tắc này không thể chối cãi được. Nếu không, thì làm thế nào một người có thể trả lời câu hỏi khó ″Còn những người đã chết mà không có cơ hội để được làm lễ báp têm thì sao?″ Những người đương đầu với câu hỏi này có thể chọn bốn câu trả lời:

Trước hết, những người chưa được báp têm sẽ bị nguyền rủa và đi xuống địa ngục. Tuy nhiên, một câu trả lời như vậy là không phù hợp với các lẽ thật của thánh thư rằng ″Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34) và rằng Thượng Đế ″muốn cho mọi người được cứu rỗi” (1 Ti Mô Thê 2:4).

Thứ hai, có lẽ Thượng Đế không thực sự có ý muốn nói điều Ngài đã nói---có lẽ phép báp têm không thực sự cần thiết cho sự cứu rỗi. Nhưng điều này là không thực tế vì Thượng Đế luôn luôn có ý nói điều Ngài nói: ″Những điều gì ta là Chúa đã nói, ta đã nói, và ta không miễn giảm cho ta” (GLGƯ 1:38; xin xem thêm Mô Si A 2:24).

Thứ ba, một số người tin rằng một điều kiện mới được gọi là ″phép báp têm theo ước muốn″ có thể được thay thế bằng phép báp têm bằng nước. Nói cách khác, nếu một người nào đó mong muốn noi theo Chúa Giê Su nhưng không có cơ hội được báp têm trên trần thế, thì ước muốn xứng đáng của người ấy trở thành ước muốn có thể chấp nhận được thay cho phép báp têm bằng nước. Vấn đề với cách chọn này là nó không được sự hỗ trợ của thánh thư. Thánh thư không có ghi: ″Nếu một người chẳng nhờ ước muốn mà sanh,″ thay vì thế, thánh thư ghi rằng: ″Nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời.” (Giăng 3:5; chữ nghiêng được thêm vào).

Câu trả lời thứ tư được chọn là Thượng Đế thật sự có ý nói điều Ngài đã nói khi Ngài truyền lệnh cho tất cả mọi người phải chịu phép báp têm, và vì điều này mà Ngài đã nhân từ cung ứng một cách để mọi người đều được báp têm cho dù không có cơ hội trong cuộc sống trần thế. Đó là phép báp têm cho người chết. Đó là điều lựa chọn phù hợp với bản kế hoạch.

Bản kế hoạch nói gì về ân tứ---không phải là sự hiện diện tạm thời, mà là ân tứ vĩnh viễn---của Đức Thánh Linh được ban cho như thế nào sau khi một người chịu phép báp têm? Ân tứ này sẽ tự động giáng xuống một người nào đó sau khi người đó chịu phép báp têm phải không? Ân tứ này đến như vũ bão, hoặc là có một giáo lễ thiêng liêng nào đó, một thủ tục thiêng liêng nào đó cần phải được tuân theo để nhận được ân tứ này? Bản kế hoạch đưa ra câu trả lời.

Sau khi Phi Líp làm phép báp têm một số người mới cải đạo ở Sa Ma Ri, thì Phi E Rơ và Giăng đến đó. Sau đó thánh thư tiết lộ cách thức phải thực hiện giáo lễ đó: ″Phi E Rơ và Giăng bèn đặt tay trên các môn đồ, thì đều được nhận lấy Đức Thánh Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:17; chữ nghiêng được thêm vào).

Thủ tục tương tự này đã được tuân theo sau khi Phao Lô làm phép báp têm cho những người mới cải đạo ở Ê Phê Sô:

“Chúng nghe bấy nhiêu lời, bèn chịu phép báp têm nhân danh Đức Chúa Giê Su

Sau khi Phao Lô đã đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên chúng” (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:5–6; chữ nghiêng được thêm vào).

Một lần nữa, bản kế hoạch và Giáo Hội phục hồi của Đấng Ky Tô là hoàn toàn phù hợp.

Trang tiếp theo của bản kế hoạch có thể đọc như sau: Thành quả của Giáo Hội của Đấng Ky Tô. Đấng Cứu Rỗi đã đưa ra cuộc thử nghiệm này về lẽ thật: ″Ấy vậy, các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được” (Ma Thi Ơ 7:20). Thành quả của Giáo Hội của Đấng Ky Tô đã được minh chứng trong bản kế hoạch là gì?

Một thành quả là các Thánh Hữu ban đầu này vẫn cố gắng để là những người khỏe mạnh. Phao Lô đã dạy rằng thân thể của chúng ta là ″đền thờ″, là nơi trú ngụ của linh hồn chúng ta và do đó, có thể được coi là thiêng liêng: ″Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao? (1 Cô Rinh Tô 3:16; xin xem thêm 1 Cô Rinh Tô 6:19). Bởi vì điều này nên các tín hữu của Giáo Hội của Đấng Ky Tô đã có một số luật về sức khỏe nhất định tuân theo, chẳng hạn như một số hạn chế về việc uống rượu được tìm thấy trong Ê Phê Sô 51  Ti Mô Thê 3. Để phù hợp với luật pháp thiêng liêng này về việc coi thân thể chúng ta như đền thờ, Joseph Smith đã nhận được luật sức khỏe từ Chúa cho các tín hữu của Giáo Hội phục hồi của Đấng Ky Tô, được biết là Lời Thông Sáng. Do việc sống theo luật sức khỏe này, nhiều cuộc nghiên cứu lặp đi lặp lại đã xác nhận rằng các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô thuộc vào trong số những người khỏe mạnh nhất trên thế giới. Đây là một trong những thành quả của việc sống theo luật sức khỏe của Đấng Ky Tô.

Một thành quả thứ hai của Giáo Hội của Đấng Ky Tô là phép lạ và ân tứ của Thánh Linh. Những điều này được ghi lại nhiều lần trong Kinh Tân Ước. Những điều này là bằng chứng rằng quyền năng của Thượng Đế tồn tại trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô (xin xem Hê Bơ Rơ 2:4). Nhưng rủi thay, Sự Bội Giáo xảy đến, các phép lạ suy giảm---các sử gia sẵn sàng công nhận điều đó, và những nhà cải cách thừa nhận điều đó. Một sử gia nổi tiếng là Paul Johnson đã nhận xét: ″Ít nhất là kể từ thời đế quốc [có nghĩa là thời kỳ của Constantine] người ta đã công nhận rằng ′thời kỳ của phép lạ' đã kết thúc, với ý nghĩa rằng các vị lãnh đạo Ky Tô giáo không còn có thể truyền bá phúc âm với sự trợ giúp của quyền năng siêu phàm, như các sứ đồ nữa.″ 5

Tại sao có thời kỳ ấy khi không còn có phép lạ và ân tứ của Thánh Linh nữa? Bởi vì cái cây sinh ra quả ấy, chính là Giáo Hội của Đấng Ky Tô, không còn trên thế gian nữa, và đức tin của con người suy giảm. John Wesley ghi nhận sự thiếu vắng của các ân tứ của Thánh Linh từ giáo hội trong thời kỳ của ông. ″Dường như các ân tứ đặc biệt này của Thánh Linh đã không được phổ biến trong giáo hội trong hơn hai hoặc ba thế kỷ.″ 6

Nói tóm lại, giống như nhiều em, tôi có thể làm chứng rằng đây một thời kỳ đầy phép lạ và ân tứ của Thánh Linh trong Giáo Hội phục hồi của Đấng Ky Tô, cũng giống như trong Giáo Hội nguyên thủy của Ngài.

Có một thành quả thứ ba---bản kế hoạch của Giáo Hội của Đấng Ky Tô ghi lại nhiều câu chuyện về các thiên sứ và khải tượng. Ngày nay, một số người nhìn với thái độ hoài nghi vào một giáo hội mà nói về các thiên sứ và khải tượng, nhưng khi làm như vậy, họ đã quên rằng các thiên sứ và khải tượng là một phần quan trọng của Giáo Hội nguyên thủy của Đấng Ky Tô: thiên sứ loan báo cho Ma Ri về sự giáng sinh của Đấng Ky Tô; các thiên sứ hiện đến cùng Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng trên Núi Biến Hình; thiên sứ giải thoát Phi E Rơ và Giăng ra khỏi ngục thất; thiên sứ nói chuyện với Cọt Nây; thiên sứ cảnh báo Phao Lô về con tàu sắp bị đắm; thiên sứ hiện đến với Giăng Đấng Mặc Khải; khải tượng của Ê Tiên về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử; khải tượng của Giăng về những ngày cuối cùng, và còn nhiều nữa. Câu hỏi đặt ra không phải là ″Làm thế nào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có thể là Giáo Hội chân chính với các thiên sứ và khải tượng đã được Giáo Hội xác nhận là có thật? Thay vì thế, câu hỏi nên là ″Làm thế nào bất cứ giáo hội nào ngày nay có thể cho rằng họ là Giáo Hội chân chính của Đấng Ky Tô, trừ khi giáo hội đó có thiên sứ và khải tượng---cũng giống như trong trường hợp Giáo Hội nguyên thủy của Đấng Ky Tô, như đã được tiết lộ trong bản kế hoạch của Ngài? "

Còn có rất nhiều thành quả khác phù hợp với Giáo Hội nguyên thủy của Đấng Ky Tô:

Đó là một giáo hội truyền giáo---Các Sứ Đồ được truyền lệnh ″hãy đi dạy dỗ muôn dân” (Ma Thi Ơ 28:19). Ngày nay chúng ta có hơn 80.000 người truyền giáo đang làm tròn lệnh truyền đó và mang lại thành quả của việc làm như vậy.

Đây là một giáo hội có đạo đức---bản kế hoạch dạy chúng ta rằng Các Thánh Hữu ban đầu trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô được truyền lệnh phải ăn mặc kín đáo và tránh quan hệ tình dục trước hôn nhân. Có bao nhiêu giáo hội không chỉ dạy các tiêu chuẩn đạo đức đó mà còn sống theo nữa?

Giáo Hội nguyên thủy của Đấng Ky Tô là một giáo hội đặt gia đình làm trọng tâm. Người chồng được truyền lệnh phải yêu thương và chung thủy với vợ mình (xem Ê Phê Sô 5:23–25), con cái được truyền lệnh phải vâng lời cha mẹ (xem Ê Phê Sô 6:1), và các giám trợ được truyền lệnh phải hướng dẫn một cách ngay chính trong nhà của họ (xem 1 Ti Mô Thê 3:4–5). Ngày nay Giáo Hội của chúng ta, giống như Giáo Hội nguyên thủy của Đấng Ky Tô, được công nhận là một giáo hội đặt gia đình làm trọng tâm. Những thành quả của Giáo Hội của Đấng Ky Tô đã được ghi chép kỹ vào trong Kinh Thánh, và phù hợp với Giáo Hội phục hồi của Đấng Ky Tô ngày nay.

Đấng Ky Tô thiết lập Giáo Hội của Ngài trên thế gian, nhưng trang cuối cùng của bản kế hoạch cho thấy có một mối liên kết với thiên thượng---chính là “Sự Mặc Khải Thiêng Liêng”. Nếu không có mối liên kết này, thì Giáo Hội sẽ không hơn gì một tổ chức do con người tạo ra và được các khả năng lý luận điều khiển. Tiên Tri A Mốt đã nói: ″Cũng vậy, Chúa Giê Hô Va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các Đấng tiên tri” (A Mốt 3:7). Phao Lô xác nhận rằng sự mặc khải là một phần thiết yếu của Giáo Hội và phải được liên tục, vì ông nói: ″Tôi sẽ nói đến các sự hiện thấy và sự Chúa đã tỏ ra” (2  Cô Rinh Tô 12:1; xin xem thêm Công Vụ Các Sứ Đồ 1:2).

Phù hợp với giáo lý cơ bản, Giáo Hội của Đấng Ky Tô ngày nay được liên kết với thiên thượng bằng sự mặc khải liên tục. Tuyên ngôn của Giáo Hội về niềm tin trong vấn đề này, được biết là tín điều thứ chín, như sau: ″Chúng tôi tin tất cả mọi điều Thượng Đế đã mặc khải, tất cả mọi điều Ngài hiện đang mặc khải, và chúng tôi tin rằng Ngài sẽ còn mặc khải nhiều điều lớn lao và quan trọng có liên quan đến Vương Quốc của Thượng Đế.″

Nếu một người so bản kế hoạch của Giáo Hội nguyên thủy của Đấng Ky Tô với mọi giáo hội trên thế gian ngày nay, thì người ấy sẽ thấy rằng từng điểm một, từng tổ chức một, từng điều giảng dạy một, từng giáo lễ một, từng thành quả một, và từng điều mặc khải một, chỉ phù hợp với một giáo hội mà thôi---đó là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Nếu một người khước từ Giáo Hội này sau khi nghiên cứu bản kế hoạch, thì người ấy có lẽ sẽ không gia nhập bất cứ giáo hội nào khác vì đã biết quá nhiều. Người ấy sẽ giống như Phi E Rơ là người đã được Đấng Cứu Rỗi hỏi: ″Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?” (Giăng 6:67). Phi E Rơ đáp lại bằng một câu trả lời mà cần được khắc sâu vào trong lòng của mỗi người và được trân quý trong mỗi gia đình: ″Chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời” (Giăng 6:68).

Nếu một người nào rời bỏ Giáo Hội, thì sẽ đi đâu để tìm hiểu về các lẽ thật được phục hồi về thiên tính của Thượng Đế như đã được mặc khải trong Khu Rừng Thiêng Liêng, một sự hiểu biết trọn vẹn hơn về Sự Chuộc Tội như đã được giảng dạy trong Sách Mặc Môn, về việc thuyết giảng phúc âm cho người chết, về ba đẳng cấp vinh quang, và về gia đình vĩnh cửu? Người ấy sẽ đi đâu để có được các giáo lễ mà có thể cứu rỗi và tôn cao bản thân mình? Người ấy sẽ đi đâu để có được vợ con mình làm lễ gắn bó với mình cho thời vĩnh cửu? Người ấy sẽ đi đâu khi muốn một phước lành chức tư tế để an ủi hoặc chữa lành cho một người trong gia đình? Người ấy sẽ đi đâu để tìm thấy một vị tiên tri của Thượng Đế? Người ấy sẽ tìm kiếm một cách vô vọng các giáo lý, giáo lễ, quyền năng và các vị tiên tri đó, vì những điều này là độc nhất vô nhị cho Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Một người không thể có các giáo lý và giáo lễ đã được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith mà không chấp nhận Joseph Smith và lịch sử cơ bản chính là nền tảng cho các giáo lý và giáo lễ đó. Các giáo lý và giáo lễ đó không thể tách rời, và đi song song với nhau. Các em không thể gọi quả tốt và rồi nói là cây xấu. Đấng Cứu Rỗi đã dạy lẽ thật đó cách đây rất lâu: ″Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt” (Ma Thi Ơ 7:18). Do đó, nếu quả giáo lý mà chúng ta đã thảo luận buổi tối hôm nay là tốt, thì cây sinh ra quả ấy ---tức là Joseph Smith và lịch sử cơ bản kèm theo của các lẽ thật đã được mặc khải đó---cũng là tốt. Các em không thể có điều này mà không có điều kia.

Trong bài nói chuyện tại đại hội trung ương cách đây nhiều năm, Anh Cả B.   H. Roberts nói về những thành tích của Joseph Smith, và sau đó, như thể đang nói với những người chỉ trích Joseph, ông nói: ″“Hãy so sánh đi! Tôi nói thế, hoặc hãy im đi khi tên ông được nhắc đến.″ 7

Các mối quan tâm về lịch sử hoặc xã hội mà một số người có thể có, những mâu thuẫn mà người ta cho là có giữa giáo lý của giáo hội và khoa học---đây là những điều không quan trọng; điều quan trọng là các giáo lý, giáo lễ, quyền năng của chức tư tế, và các thành quả khác của Giáo Hội chúng ta, nhiều điều trong những điều này đã được thảo luận buổi tối hôm nay. Nhưng một số người có thể trả lời: ″Tôi tin vào tất cả điều này, nhưng làm thế nào để đối phó với những người chỉ trích và các câu hỏi cụ thể của họ?″

Một luật sư biết rằng sau khi một công tố viên đưa ra nhân chứng quan trọng, thì dường như bị cáo có lẽ sẽ bị kết tội nặng nhất. Một người nào đó nhanh chóng xét đoán tại thời điểm đó có thể xác định là bị cáo có tội, nhưng rồi một hiện tượng thú vị xảy ra trong phòng xử án. Luật sư bào chữa bắt đầu đặt ra những câu hỏi tương tự cho nhân chứng đó, và tình huống sau đây thường xảy ra: Các câu trả lời dứt khoát của nhân chứng trở nên yếu ớt vì áp lực của các câu hỏi của luật sư bào chữa. Nhân chứng dường như đã rất vững vàng giờ đây lại có một số mâu thuẫn, thậm chí còn có những lỗi rõ ràng trong khi nhớ lại các sự kiện. Câu chuyện dường như vững chắc của nhân chứng bắt đầu trở nên rời rạc, không mạch lạc với mỗi câu hỏi mới được đặt ra cho người ấy. Nhân chứng đã có thể trả lời các câu hỏi dễ trả lời của công tố viên, nhưng khi phe đối lập đưa ra những câu hỏi hóc búa, thì người ấy không thể chịu được mức độ chất vấn của các câu hỏi đó. Khi việc đặt câu hỏi đã xong, thì nhân chứng hầu như đã bị mất uy tín. Người quan sát mà trước đó đã sẵn sàng để ″buộc tội″ bị cáo bây giờ nhận thấy rằng bị cáo là hoàn toàn vô tội.

Tương tự như vậy, một số người chỉ trích đưa ra những câu hỏi một chiều cho Giáo Hội nhằm đặt Giáo Hội dưới một quan điểm tiêu cực. Nhưng các câu hỏi có thể được đặt ra từ cả hai quan điểm.8 Các nhân chứng quan trọng của công tố viên cũng như những người chỉ trích cay nghiệt nhất của Giáo Hội đều không được miễn khỏi cuộc kiểm tra chéo. Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ người chỉ trích nào có thể cho tôi câu trả lời thỏa đáng khi tôi kiểm tra chéo họ bằng cách đặt ra những câu hỏi sau đây:

Trước hết, làm thế nào Joseph Smith biết cách phục hồi các giáo lý và giáo lễ từ Kinh Thánh, chẳng hạn như giáo lý về cuộc sống trên tiền dương thế, thiên tính của Thượng Đế, phúc âm được thuyết giảng cho người chết, phép báp têm cho người chết, và nhiều điều khác đã được thảo luận buổi tối hôm nay, khi các giáo lý và giáo lễ như vậy đã không được các giáo hội đương thời khác của ông giảng dạy? Tại sao Joseph Smith là người duy nhất phát hiện ra và phục hồi các giáo lý và giáo lễ này? Ngay cả nếu ông được coi là một thiên tài về thần học thì không có các thiên tài như vậy trong 1.800 năm sau khi giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi có thể làm được như vậy?

Thứ hai, nếu Giáo Hội này không phải là Giáo Hội của Đấng Ky Tô, thì tại sao Giáo Hội này có các thành quả giống như của Giáo Hội nguyên thủy của Đấng Ky Tô, chẳng hạn như phép lạ và ân tứ của Thánh Linh, sự mặc khải hiện đại từ các sứ đồ và các vị tiên tri, các thiên sứ và khải tượng, có các tín hữu khỏe mạnh, có đạo đức, quan tâm đến công việc truyền giáo, và quyết tâm đặt gia đình làm trọng tâm? Đấng Cứu Rỗi đã không phán là ″các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được″ sao? (Ma Thi Ơ 7:20).”

Chắc chắn là có thêm nhiều câu hỏi có thể được đặt ra trong lúc kiểm tra chéo. Tuy nhiên, có một số câu hỏi quan trọng hơn nhiều so với tất cả những câu hỏi khác---về cơ bản, các câu hỏi này tạo thành mấu chốt của một vấn đề. Nói tóm lại, một số câu hỏi hoàn toàn quan trọng hơn những câu hỏi khác, trong việc khám phá lẽ thật. Nếu các em tiến đến việc biết rằng Joseph Smith đã phục hồi những lời giảng dạy và các giáo lễ trong Kinh Thánh được nói ở trên, nếu các em tiến đến việc biết rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có cùng các thành quả như của Giáo Hội nguyên thủy của Đấng Ky Tô, hoặc nếu các em tiến đến việc biết rằng Sách Mặc Môn có nguồn gốc thiêng liêng, thì các em biết rằng Joseph Smith là một vị tiên tri. Và nếu Joseph Smith là một vị tiên tri, thì đây là Giáo Hội chân chính và hằng sống duy nhất trên khắp thế gian---tất cả những câu hỏi khác đều không quan trọng bằng. Điều này giống như phán quyết của Tòa Thượng Thẩm về một vấn đề. Vào thời điểm đó, tất cả các quyết định ngược lại của các tòa án thấp hơn, tất cả các câu hỏi của những người chỉ trích, cho dù để tìm hiểu hoặc phức tạp hóa hay giải trí, thì cũng không còn là một nhân tố chính trong việc khám phá ra lẽ thật nữa. Tại sao? Bởi vì các em đã trả lời cho các câu hỏi chính rồi---các câu hỏi thiết yếu----là những nền tảng hỗ trợ cho việc biết được lẽ thật.

Nói tóm lại, tôi có thể sống với một số yếu điểm của con người, thậm chí giữa các vị tiên tri của Thượng Đế; đó là điều thường tình ở con người trần thế. Tôi có thể sống với một số khám phá của khoa học cho là trái ngược với Sách Mặc Môn; những mâu thuẩn này sẽ được sửa đổi với thời gian. Và tôi có thể sống với một số sự kiện dường như bất thường trong lịch sử: những điều này không đáng kể khi so với lẽ thật tuyệt đối. Nhưng tôi không thể sống mà không có các lẽ thật về giáo lý và các giáo lễ đã được Joseph Smith phục hồi, tôi không thể sống mà không có chức tư tế của Thượng Đế để ban phước cho gia đình của tôi, và tôi không thể sống mà không biết rằng vợ con tôi đã được làm lễ gắn bó với tôi vĩnh viễn. Đó là điều mà chúng ta phải lựa chọn---giữa một bên là một số thắc mắc chưa được giải đáp còn bên kia là vô số giáo lý vững chắc và quyền năng của Thượng Đế. Và đối với tôi, và tôi cũng hy vọng các em cũng vậy, rằng sự lựa chọn là dễ dàng và hợp lý.

Tôi làm chứng rằng Giáo Hội mà các em sẽ chủ tọa vào một ngày kia mang danh của Đấng Ky Tô vì Giáo Hội này thật sự có tổ chức đã được Ngài chấp thuận, những lời giảng dạy của Ngài, các giáo lễ của Ngài, quyền năng của Ngài, thành quả của Ngài, và sự mặc khải liên tục của Ngài, tất cả những điều này được nói đến trong bản kế hoạch thiêng liêng của Ngài. Cầu xin cho chúng ta có được quan điểm thuộc linh để thấy được hệ quả giữa bản kế hoạch đó và Giáo Hội phục hồi của Đấng Ky Tô ngày nay, vì đó là một trong những bằng chứng có sức thuyết phục của Thượng Đế dành cho chúng ta. Tôi cầu nguyện và làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

© 2014 do Intellectual Reserve, Inc. Giữ mọi bản quyền. Bản Anh ngữ chuẩn nhận: 9/13. Bản dịch chuẩn nhận: 9/13. Bản dịch What Is the Blueprint of Christ’s Church? Vietnamese. PD50051805 435

Ghi Chú

  1. Tiên Tri Joseph Smith dạy: “Người rao giảng phúc âm tộc trưởng” (Teachings of Presidents of the Church: Joseph Smith [2007],  140.

  2. Mục sư là một từ chung, không cụ thể, về một người trông nom một nhóm tín hữu.

  3. Một số người cho rằng thể xác phục sinh của Đấng Ky Tô là cách biểu hiện duy nhất tạm thời nhằm đem lại lợi ích cho con người trần thế và rằng khi Ngài thăng lên trời thì thể xác của Ngài đã nằm xuống để Ngài sẽ không phải chịu gánh nặng với “những giới hạn” của trạng thái hữu hình. Do đó, họ cho rằng Đấng Ky Tô là một linh hồn ở thiên thượng ngày nay. Tuy nhiên, không hề có thánh thư nào chứng minh rằng thể xác hữu diệt của Đấng Ky Tô đã ở trong trạng thái tạm thời hay Ngài đã bao giờ nằm xuống. Sứ đồ Phao Lô đã phản đối kịch liệt điều này, như ông đã dự kiến về điều đó. Ông dạy rằng thể xác phục sinh của Đấng Ky Tô không thể nào nằm xuống được: “Bởi biết rằng Đấng Ky Tô đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai trị trên Ngài” (Rô Ma 6:9; chữ nghiêng được thêm vào). Câu thánh thư này cho biết rằng Đấng Ky Tô không thể chết sau khi Sự Phục Sinh của Ngài. Vì cái chết là sự tách rời giữa thể xác và linh hồn (xem Giăng 2:26), câu thánh thư này dạy rằng thể xác của Đấng Ky Tô không thể nằm xuống trước khi thăng lên trời; nếu vậy, thì Ngài sẽ phải chịu đựng cái chết lần thứ hai vào lúc Ngài Thăng Thiên—là sự kiện mà Phao Lô nói là không thể nào xảy ra được.

  4. Will Durrant, The Story of Civilization: The Age of Faith (1950), 738.

  5. Paul Johnson, A History of Christianity (1976), 162; chữ nghiêng được thêm vào.

  6. John Wesley, The Works of John Wesley, xuất bản lần thứ 3, 14 tập (in lại năm 1986 từ phiên bản năm 1872), 7:26.

  7. B. H. Roberts, quoted in Truman G. Madsen, Defender of You may recall that the Faith: The B. H. Roberts Story (1980), 351.

  8. Khi Đấng Cứu Rỗi đã dọn sạch đền thờ và sau đó quay trở lại để giảng dạy trong đó, thì có những người chỉ trích Ngài đến gần và hỏi: ″Bởi quyền phép nào mà thầy làm những sự nầy?″ Đấng Cứu Rỗi, là Đấng hiểu rằng các câu hỏi này có hai chiều, Ngài đáp theo một cách cơ bản bằng cách nói: ″Ta sẽ trả lời câu hỏi của các người nếu các người trả lời câu hỏi của ta trước. Phép báp têm của Giăng bởi đâu? Bởi trên trời hay là bởi người ta?″ Những người chỉ trích cảm thấy sự nguy hiểm của việc trả lời câu hỏi của Ngài, nên nói rằng họ không thể trả lời----do đó Đấng Cứu Rỗi đáp: “Ta cũng không bảo cho các ngươi bởi quyền phép nào mà ta làm những điều này.″ (xem Ma Thi Ơ 21–23--27)