Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 9–15 tháng Ba. Gia Cốp 1–4: “Hãy Hòa Giải với Thượng Đế qua Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô”


“Ngày 9–15 tháng Ba. Gia Cốp 1–4: ‘Hãy Hòa Giải với Thượng Đế qua Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 9–15 tháng Ba. Gia Cốp 1–4,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2020

Hình Ảnh
người đàn bà quỳ dưới chân Chúa Giê Su

Forgiven (Được Tha Thứ), tranh do Greg K. Olsen họa

Ngày 9–15 tháng Ba

Gia Cốp 1–4

“Hãy Hòa Giải với Thượng Đế qua Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô”

Khi anh chị em đọc Gia Cốp 1–4, hãy suy ngẫm xem những nguyên tắc nào từ các chương này là quan trọng nhất đối với trẻ em để học. Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn thuộc linh để biết cách thức tốt nhất anh chị em có thể giảng dạy những nguyên tắc này và ghi lại những ấn tượng của anh chị em.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Mời trẻ em chia sẻ một điều chúng hoặc gia đình chúng đã làm trong tuần này để học tập từ Gia Cốp 1–4. Anh chị em cũng có thể yêu cầu chúng chia sẻ một điều mà chúng nhớ từ bài học của tuần trước. Anh chị em có thể đặt những câu hỏi nào để giúp các em nhớ lại?

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Gia Cốp 1:6–8, 18; 2:1–11

Thượng Đế kêu gọi các vị lãnh đạo Giáo Hội để giúp tôi noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy giúp trẻ em hiểu rằng chúng sẽ được ban phước vì đã tuân theo lời khuyên dạy của các vị lãnh đạo Giáo Hội.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Làm các con rối đơn giản tượng trưng cho Gia Cốp và Giô Sép, các em trai của Nê Phi, là những vị lãnh đạo trong Giáo Hội. Chia sẻ một số câu từ Gia Cốp 1 và 2 để giải thích các vị lãnh đạo Giáo Hội được kêu gọi để làm gì. Ví dụ, các vị lãnh đạo thuyết phục chúng ta “tin Đấng Ky Tô” (Gia Cốp 1:8), mời gọi chúng ta hối cải (xin xem Gia Cốp 2:5–6, 9–10), và “rao truyền … lời của Thượng Đế” (Gia Cốp 2:2, 11). Cho trẻ em sử dụng các con rối để giả vờ làm một số những điều này.

  • Mời các em kể tên một số vị lãnh đạo Giáo Hội chúng biết, như những người lãnh đạo Hội Thiếu Nhi, các thành viên trong giám trợ đoàn, và các vị tiên tri và sứ đồ. Giúp trẻ em suy nghĩ về những cách các vị lãnh đạo này ban phước cho chúng ta.

Hình Ảnh
hai người bắt tay nhau qua bàn làm việc

Các vị lãnh đạo Giáo Hội của chúng ta giúp chúng ta noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Gia Cốp 2:12–14, 17–21

Tôi có thể giúp đỡ những người đang thiếu thốn bằng cách chia sẻ với họ.

Trẻ em mà anh chị em giảng dạy có hiểu các phước lành mà đến khi chúng chia sẻ với những người đang thiếu thốn không? Làm thế nào anh chị em có thể giúp chúng biết rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su muốn chúng giúp đỡ người khác?

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Giải thích rằng một số người trong thời kỳ của Gia Cốp rất giàu có, nhưng họ không muốn chia sẻ những gì họ có với những người nghèo khó. Đọc Gia Cốp 2:17–19 để giúp trẻ em hiểu những lời giảng dạy của Gia Cốp dành cho những người này. Khi anh chị em đọc, hãy đưa cho trẻ em những hình ảnh hoặc món đồ để cầm mà tượng trưng cho các từ hoặc cụm từ trong các câu này.

  • Mời trẻ em đóng diễn những cách chúng có thể chia sẻ những gì mình có với một ai đó đang thiếu thốn. Làm chứng rằng chúng ta được ban phước khi chia sẻ với người khác.

  • Mang đến lớp một thứ gì đó anh chị em có thể chia sẻ với trẻ em. Hãy chia cho mỗi em một ít và giải thích rằng anh chị em đang chia sẻ. Hỏi các em xem chúng cảm thấy như thế nào khi anh chị em chia sẻ với chúng. Chúng cảm thấy như thế nào khi chia sẻ với người khác? Hãy giúp các em suy nghĩ về một điều gì đó chúng có thể chia sẻ để giúp một ai đó cảm thấy vui.

Gia Cốp 4:6

Tôi có thể củng cố đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi Gia Cốp sống một cách ngay chính bất chấp sự tà ác ở xung quanh mình, đức tin của ông trở nên mạnh mẽ đến nỗi không thể bị lay chuyển. Hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể giúp trẻ em hiểu việc có đức tin không thể lay chuyển có nghĩa là gì.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Giúp trẻ em suy nghĩ về những điều chúng có thể làm cho cơ thể chúng trở nên khỏe mạnh hơn. Chúng ta có thể làm gì để làm cho đức tin của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn? Mở thánh thư đến Gia Cốp 4:6 và giúp trẻ em khám phá những điều Gia Cốp và dân của ông đã làm để khiến cho đức tin của họ trở nên “khó lay chuyển.”

  •   Ở một nửa tấm bảng, vẽ một căn nhà xây trên cát. Ở nửa kia của tấm bảng, vẽ một căn nhà xây trên đá. Nếu có thể, hãy mang cát và đá đến lớp. Ngôi nhà nào dễ bị lay chuyển hoặc di chuyển hơn? Chúng ta muốn đức tin của mình giống như cát hay đá hơn?

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Gia Cốp 1:6–8, 18; 2:1–6, 11

Thượng Đế kêu gọi các vị lãnh đạo Giáo Hội để giúp tôi noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Trẻ em mà anh chị em giảng dạy sẽ được ban phước khi chúng tin cậy và tuân theo lời khuyên dạy của các vị lãnh đạo Giáo Hội.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Đọc với trẻ em Gia Cốp 1:6–82:1–6, 11 cùng giúp chúng tìm kiếm các cụm từ mô tả cách tôi tớ của Thượng Đế dẫn dắt Giáo Hội. Yêu cầu các em viết các cụm từ này xuống giấy và sau đó trưng bày những tờ giấy này ở trên bảng. Tại sao Thượng Đế kêu gọi các vị lãnh đạo Giáo Hội để hướng dẫn chúng ta? Yêu cầu trẻ em chia sẻ những kinh nghiệm về việc học tập hoặc tiếp nhận sự hướng dẫn từ một vị lãnh đạo Giáo Hội hoặc giảng viên và những phước lành chúng nhận được.

  • Yêu cầu trẻ em vẽ tranh về một vị lãnh đạo Giáo Hội chúng biết và cho cả lớp đoán xem chúng vẽ ai. Các vị lãnh đạo này làm gì để giúp chúng ta noi theo Chúa Giê Su Ky Tô? Mời trẻ em viết những bức thư ngắn cho các vị lãnh đạo Giáo Hội và cám ơn họ về sự phục vụ của họ.

  • Mời một vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương đến kể cho trẻ em nghe những việc vị ấy làm để làm tròn sự kêu gọi của mình. Yêu cầu trẻ em kể tên một số điều chúng có thể làm để tán trợ các vị lãnh đạo của mình.

Gia Cốp 2:12–14, 17–21

Tôi có thể giúp người khác cảm thấy hạnh phúc bằng cách chia sẻ với họ.

Các tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô sẵn sàng chia sẻ những gì họ có với người khác. Hãy khuyến khích trẻ em mang niềm vui đến cho những người đang thiếu thốn bằng cách chia sẻ với họ.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Kể cho trẻ em nghe rằng nhiều người trong thời kỳ của Gia Cốp trở nên kiêu căng và thiếu tử tế bởi vì họ yêu thích của cải (xin xem Gia Cốp 2:12–14, 17–21). Mời một vài em đọc to Gia Cốp 2:17–19 và giúp chúng hiểu các từ khó. Chúng ta nên tìm kiếm điều gì trước khi tìm kiếm của cải? Chúng ta nên tìm cách làm gì với bất cứ của cải nào chúng ta nhận được?

  • Đọc Gia Cốp 2:17 cho trẻ em nghe. Cha Thiên Thượng đã chia sẻ với chúng ta những phước lành nào? Tại sao Thượng Đế muốn chúng ta chia sẻ với người khác? Mời trẻ em chia sẻ về những lúc chúng đã chia sẻ một thứ gì đó với một người nào đó, kể cả việc chúng cảm thấy như thế nào và người đó cảm thấy như thế nào.

Gia Cốp 4:4–13, 17

Tôi có thể củng cố đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Đức tin của Gia Cốp trở nên không thể lay chuyển khi ông tìm hiểu những lời của các vị tiên tri và nhận được chứng ngôn của riêng ông (xin xem Gia Cốp 4:6). Làm thế nào anh chị em có thể giúp trẻ em có ước muốn xây đắp đức tin không thể lay chuyển?

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời trẻ em suy nghĩ về những thứ trở nên mạnh mẽ và chắc chắn theo thời gian, chẳng hạn như một cái cây to. Đức tin giống như những thứ chúng nghĩ về như thế nào? Các cụm từ nào trong Gia Cốp 4:6, 10–11 mô tả những điều chúng ta có thể làm để cho đức tin của mình trở nên không thể lay chuyển được? Yêu cầu trẻ em lập ra một bản liệt kê ở trên bảng những cách chúng có thể củng cố đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Chia sẻ sự so sánh tương đồng của Anh Cả Neil L. Andersen về cái cây phát triển trong môi trường nhiều gió, được tìm thấy trong sứ điệp “Những Cơn Gió Lốc Thuộc Linh” của ông (Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 18–21), hoặc cho xem đoạn video “Spiritual Whirlwinds” (ChurchofJesusChrist.org). Tại sao điều quan trọng là đức tin của chúng ta không thể lay chuyển được và mạnh mẽ như một thân cây? Các cơn gió lốc tượng trưng cho điều gì? Chúng ta có thể làm gì để xây đắp đức tin không thể lay chuyển được? Hãy giúp trẻ em suy nghĩ về những sự so sánh tương đồng khác mà giảng dạy về việc có đức tin không thể lay chuyển được.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Mời trẻ em nghĩ về một điều chúng có thể chia sẻ với gia đình mình—kể cả việc chia sẻ một điều chúng học được trong lớp ngày hôm nay. Hãy cho các em cơ hội trong các bài học trong tương lai để nói về điều chúng đã chia sẻ.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Khuyến khích sự nghiêm trang. Hãy giúp trẻ em hiểu rằng một khía cạnh quan trọng của sự nghiêm trang là nghĩ về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em có thể nhắc nhở trẻ em phải nghiêm trang bằng cách hát nhỏ hoặc hát thầm một bài hát hoặc cho thấy một bức hình của Chúa Giê Su.