Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 27 tháng Mười Hai–Ngày 2 tháng Một. Môi Se 1; Áp Ra Ham 3: “Đây Là Công Việc của Ta và Sự Vinh Quang của Ta”


“Ngày 27 tháng Mười Hai–Ngày 2 tháng Một. Môi Se 1; Áp Ra Ham 3: ‘Đây Là Công Việc của Ta và Sự Vinh Quang của Ta,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 27 tháng Mười Hai–Ngày 2 tháng Một. “Môi Se 1; Áp Ra Ham 3,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
hình ảnh các ngôi sao trong không gian

Ngày 27 tháng Mười Hai–Ngày 2 tháng Một

Môi Se 1; Áp Ra Ham 3

“Đây Là Công Việc của Ta và Sự Vinh Quang của Ta”

Khi anh chị em đọc những điều mà Thượng Đế phán cùng Môi Se và Áp Ra Ham, hãy suy ngẫm điều mà Ngài cũng có thể phán cùng anh chị em.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

Kinh Thánh bắt đầu với những lời này “ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng Thế Ký 1:1). Nhưng đã có điều gì tồn tại trước lúc “ban đầu” này? Và tại sao Thượng Đế đã sáng tạo ra vạn vật này? Qua Tiên Tri Joseph Smith, Chúa đã minh giải những thắc mắc này.

Ví dụ như, Ngài đã ban cho chúng ta một biên sử về một khải tượng mà trong đó Áp Ra Ham đã thấy sự tồn tại của chúng ta là những linh hồn “trước khi có thế gian” (xin xem Áp Ra Ham 3:22–28). Chúa cũng ban cho chúng ta một bản dịch hay bản hiệu đính được soi dẫn dành cho sáu chương đầu tiên trong sách Sáng Thế Ký, được gọi là sách Môi Se—mà không bắt đầu với từ “ban đầu.” Thay vì vậy, sách đó bắt đầu với một kinh nghiệm Môi Se đã có mà giúp mang đến một số bối cảnh cho câu chuyện quen thuộc về Sự Sáng Tạo. Cùng với nhau, những thánh thư ngày sau này là một điểm khởi đầu tốt cho chúng ta nghiên cứu Kinh Cựu Ước bởi vì chúng chú trọng đến một số thắc mắc cơ bản mà có thể định hướng cho việc đọc của chúng ta: Thượng Đế là ai? Chúng ta là ai? Công việc của Thượng Đế là gì, và vai trò của chúng ta trong công việc đó là gì? Các chương mở đầu của sách Sáng Thế Ký có thể được xem là sự đáp ứng của Chúa dành cho lời thỉnh cầu của Môi Se: “Hỡi Thượng Đế, xin Ngài thương xót tôi tớ của Ngài để nói cho con biết về trái đất này, và những dân cư của nó, và luôn cả các tầng trời” (Môi Se 1:36).

Hình Ảnh
Learn More image
Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Môi Se 1

Là con của Thượng Đế, tôi có một số mệnh thiêng liêng.

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã dạy rằng: “Hầu hết những sự hỗn loạn mà chúng ta trải qua trong cuộc sống này chỉ đơn giản đến từ việc không hiểu chúng ta là ai” (“Hình Ảnh Phản Chiếu trong Nước” [Buổi họp đặc biệt fireside của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 1 tháng Mười Một năm 2009], ChurchofJesusChrist.org). Cha Thiên Thượng biết điều này, và Sa Tan cũng vậy. Những sứ điệp đầu tiên mà Thượng Đế ban cho Môi Se gồm có các lẽ thật “ngươi là con trai của ta” và “ngươi được tạo theo hình ảnh của Con Độc Sinh của ta” (Môi Se 1:4, 6). Trái ngược lại, Sa Tan gọi Môi Se chỉ là “con của người” (Môi Se 1:12). Cuộc sống và những quyết định của anh chị em sẽ khác biệt ra sao nếu anh chị em nghĩ về bản thân mình giống như điều Sa Tan muốn, là “con của người”? Việc biết được và ghi nhớ rằng anh chị em là con của Thượng Đế ban phước cho cuộc sống của anh chị em như thế nào?

Câu thánh thư nào hoặc cụm từ nào trong Môi Se 1 cho anh chị em ý thức về giá trị thiêng liêng của mình?

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô ở giữa các ngôi sao

Christ and the Creation (Đấng Ky Tô và Sự Sáng Tạo), tranh do Robert T. Barrett họa

Môi Se 1:12–26

Tôi có thể chống lại ảnh hưởng của Sa Tan.

Như Môi Se 1 đã chỉ ra rõ ràng, các kinh nghiệm thuộc linh mạnh mẽ không miễn trừ chúng ta khỏi sự cám dỗ. Thực ra, một trong những thủ đoạn của Sa Tan là để cám dỗ chúng ta nghi ngờ những kinh nghiệm đó hoặc những điều chúng ta đã biết được về chúng. Trong khi đọc về lời đáp của Môi Se dành cho Sa Tan trong các câu 12–26, anh chị em học được điều gì mà có thể giúp bản thân trung thành với chứng ngôn mà mình đã nhận được? Điều gì giúp anh chị em chống lại những cám dỗ khác của Sa Tan? (xin xem, ví dụ, các câu 15 và 18).

Dựa trên điều anh chị em học được, anh chị em có thể lập một kế hoạch để chống lại cám dỗ. Ví dụ như, anh chị em có thể hoàn tất câu “Khi tôi bị cám dỗ để , tôi sẽ .”

Xin xem thêm Ma Thi Ơ 4:1–11; Hê La Man 5:12; Gary E. Stevenson, “Chớ Dối Gạt Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 93–96.

Môi Se 1:27–39; Áp Ra Ham 3

Công việc và vinh quang của Thượng Đế là để giúp tôi có được cuộc sống vĩnh cửu.

Sau khi trông thấy khải tượng về những tạo vật của Thượng Đế, Môi Se đã thỉnh cầu Chúa: “Cho con biết tại sao những vật này là như vậy” (Môi Se 1:30). Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về câu trả lời của Chúa trong Môi Se 1:31–39?

Áp Ra Ham cũng đã có kinh nghiệm về một khải tượng, được ghi trong sách Áp Ra Ham 3. Anh chị em tìm thấy điều gì trong các câu 22–26 mà có thể giúp đáp ứng lời thỉnh cầu của Môi Se?

Hãy nghĩ đến việc liệt kê những lẽ thật khác mà Môi Se và Áp Ra Ham biết được trong các khải tượng của họ: những lẽ thật về Thượng Đế, về chính bản thân họ, và về những mục đích của các tạo vật của Thượng Đế. Những lẽ thật này ảnh hưởng như thế nào đến cách nhìn của anh chị em về bản thân mình và về thế giới xung quanh mình?

Xin xem thêm Dieter F. Uchtdorf, “Các Anh Chị Em Là Quan Trọng đối với Ngài,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 19–22.

Áp Ra Ham 3:22–23

Có những ai khác ngoài Áp Ra Ham “được chọn lựa trước khi [họ] sinh ra”?

″Trong thế giới linh hồn tiền dương thế, Thượng Đế chọn ra một số linh hồn để làm tròn những sứ mệnh cụ thể trong cuộc sống trên trần thế của họ. Điều này gọi là tiền sắc phong. … Giáo lý tiền sắc phong áp dụng cho tất cả các tín hữu của Giáo Hội, không phải chỉ dành cho Đấng Cứu Rỗi và các vị tiên tri của Ngài mà thôi” (Gospel Topics, “Foreordination,” topics.ChurchofJesusChrist.org).

Bằng cách nào chúng ta có được các sách của Môi Se và Áp Ra Ham?

Sách Môi Se là phần đầu tiên trong bản dịch Kinh Thánh được soi dẫn của Joseph Smith. Sách Áp Ra Ham được mặc khải cho Joseph Smith trong khi ông làm việc với các cuộn giấy cói Ai Cập. Những sách này, ngày nay nằm trong quyển Trân Châu Vô Giá, mang lại nhiều thông tin về Môi Se, Áp Ra Ham, và các vị tiên tri khác mà không thể tìm thấy trong Kinh Cựu Ước.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Môi Se 1:2–6; Áp Ra Ham 3:11–12.Anh chị em có thể mời mọi người trong gia đình tìm kiếm các cụm từ trong bài hát “Tôi Là Con Đức Chúa Cha” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 58) mà liên quan đến các lẽ thật được dạy trong những thánh thư này.

Môi Se 1:4, 30–39.Gia đình anh chị em có thích nhìn ngắm một số “tác phẩm của bàn tay [của Thượng Đế]” không? (câu 4). Có lẽ anh chị em có thể đọc những câu này trong một công viên hoặc dưới các vì sao về đêm. Rồi anh chị em có thể nói về lý do tại sao Thượng Đế đã sáng tạo ra thế gian và về cách chúng ta tham gia vào “công việc của [Ngài] và sự vinh quang của [Ngài]” (câu 39).

Môi Se 1:18.Chúng ta có thể chia sẻ lời khuyên nào để giúp nhau “xét đoán giữa” Thượng Đế và Sa Tan? (Xin xem thêm Mô Rô Ni 7:12–18; Giáo Lý và Giao Ước 50:23–24.)

Áp Ra Ham 3:24–26.Anh chị em có thể cho mọi người trong gia đình một nhiệm vụ vui nhưng cũng mang tính thử thách mà cho phép họ chứng tỏ rằng họ có thể làm theo những chỉ dẫn, như là xếp máy bay giấy hoặc làm theo một công thức nấu ăn. Sinh hoạt này tương tự với mục đích của cuộc sống trần thế của chúng ta như đã được mô tả trong những câu này như thế nào?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy tìm kiếm các lẽ thật phúc âm. Trong thánh thư, đôi khi các lẽ thật phúc âm được đề cập đến một cách rõ ràng; và đôi khi chúng được ngụ ý qua một ví dụ hoặc câu chuyện. Hãy tự hỏi: “Lẽ thật vĩnh cửu nào được giảng dạy trong các câu này?”

Hình Ảnh
Môi Se ra lệnh cho Sa Tan rời đi

Moses Overcomes Satan (Môi Se Chiến Thắng Sa Tan), tranh do Joseph Brickey họa