Kinh Cựu Ước năm 2022
Những Điều Cần Ghi Nhớ: Việc Đọc Kinh Cựu Ước


“Những Điều Cần Ghi Nhớ: Việc Đọc Kinh Cựu Ước,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Những Điều Cần Ghi Nhớ: Đọc Kinh Cựu Ước,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
hình biểu tượng ghi nhớ

Những Điều Cần Ghi Nhớ

Việc Đọc Kinh Cựu Ước

Tìm Kiếm Ý Nghĩa Đối Với Cá Nhân

Khi anh chị em nghĩ về cơ hội của mình để học Kinh Cựu Ước trong năm nay, anh chị em cảm thấy như thế nào? Háo hức? Ngập ngừng? Lo ngại? Tất cả những cảm xúc đó đều có thể thông cảm được. Kinh Cựu Ước là một trong những bộ sách lâu đời nhất trên thế giới, và điều đó có thể làm cho bộ sách này vừa thú vị vừa đáng sợ. Các tác phẩm này đến từ một nền văn hóa cổ xưa mà dường như xa lạ và đôi khi thật kỳ quặc hoặc thậm chí gây khó chịu. Và mặc dù vậy, trong các tác phẩm này, chúng ta thấy được những người có các kinh nghiệm dường như quen thuộc, và chúng ta nhận ra các chủ đề phúc âm làm chứng về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.

Vâng, những người như Áp Ra Ham, Sa Ra, An Ne, và Đa Ni Ên đã có cuộc sống mà, theo một cách nào đó, rất khác với cuộc sống của chúng ta. Nhưng họ cũng trải qua niềm vui và sự bất hòa trong gia đình, những giây phút tràn đầy đức tin và những khi nghi ngờ, cùng những thành công và thất bại—giống như tất cả chúng ta. Quan trọng hơn, họ đã thực thi đức tin, hối cải, lập giao ước, có được những kinh nghiệm thuộc linh, và không bao giờ bỏ cuộc trong những nỗ lực để vâng lời Thượng Đế.

Nếu anh chị em tự hỏi liệu bản thân và gia đình có thể tìm được ý nghĩa đối với cá nhân mình trong Kinh Cựu Ước năm nay, thì hãy ghi nhớ rằng gia đình của Lê Hi và Sa Ri A đã tìm được. Nê Phi chia sẻ các câu chuyện về Môi Se và những lời giảng dạy từ Ê Sai khi các anh ông cần sự khích lệ, sửa phạt, hoặc tầm nhìn xa trông rộng. Khi Nê Phi nói: “tâm hồn tôi rất vui thích các thánh thư” (2 Nê Phi 4:15), ông đang nói về các thánh thư mà hiện nay nằm trong Kinh Cựu Ước.

Tìm Kiếm Đấng Cứu Rỗi

Nếu anh chị em tự hỏi liệu bản thân và gia đình có thể đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn qua việc học Kinh Cựu Ước hay không, thì hãy ghi nhớ rằng chính Đấng Cứu Rỗi mời chúng ta làm như vậy. Khi Ngài phán cùng những người lãnh đạo dân Do Thái: “Kinh Thánh làm chứng về ta” (Giăng 5:39), Ngài đang nói về những tác phẩm mà chúng ta gọi là Kinh Cựu Ước. Để tìm được Đấng Cứu Rỗi trong điều anh chị em đọc, anh chị em có thể cần nhẫn nại suy ngẫm và tìm kiếm sự hướng dẫn thuộc linh. Đôi khi Đấng Cứu Rỗi được nói đến một cách trực tiếp, như trong lời tuyên bố của Ê Sai “Có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta: … và Ngài sẽ được xưng là … Chúa Bình An” (Ê Sai 9:6). Ở những đoạn khác, Đấng Cứu Rỗi được miêu tả một cách tinh tế hơn, qua những biểu tượng và lối nói tương đồng—ví dụ, qua những mô tả về của lễ thiêu các con vật (xin xem Lê Vi Ký 1:3–4) hoặc câu chuyện Giô Sép tha thứ các anh của ông và cứu họ khỏi nạn đói.

Nếu anh chị em tìm kiếm đức tin lớn lao hơn nơi Đấng Cứu Rỗi trong khi học Kinh Cựu Ước, thì anh chị em sẽ tìm được. Có lẽ đây có thể là mục tiêu cho việc học của anh chị em trong năm nay. Hãy cầu xin Thánh Linh soi dẫn anh chị em để tìm thấy và tập trung vào các đoạn, các câu chuyện, và những lời tiên tri mà sẽ mang anh chị em đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Hình Ảnh
vị tiên tri thời xưa đang viết

Old Testament Prophet (Vị Tiên Tri thời Kinh Cựu Ước), Judith A. Mehr

Được Thượng Đế Gìn Giữ

Đừng kỳ vọng Kinh Cựu Ước đưa ra một biên sử trọn vẹn và chính xác của nhân loại. Đó không phải là điều mà các tác giả và những nhà biên soạn ban đầu cố gắng tạo ra. Mục đích lớn hơn của họ là dạy một điều gì đó về Thượng Đế—về kế hoạch Ngài dành cho con cái Ngài, về ý nghĩa của việc trở thành dân giao ước của Ngài, và về cách tìm kiếm sự cứu chuộc khi chúng ta không sống theo các giao ước của mình. Đôi khi họ làm điều đó qua việc liên hệ đến các sự kiện lịch sử theo cách hiểu của họ—bao gồm các câu chuyện từ cuộc đời của các vị tiên tri vĩ đại. Sáng Thế Ký là một ví dụ cho việc này, tương tự như các sách Giô Suê, Các Quan Xét, cùng 1 Các Vua và 2 Các Vua. Nhưng những tác giả khác của Kinh Cựu Ước không hề hướng đến lịch sử. Thay vì vậy, họ giảng dạy qua các tác phẩm nghệ thuật như thơ văn. Thi Thiên và Châm Ngôn thuộc vào thể loại này. Và rồi có những lời quý báu của các vị tiên tri, từ Ê Sai đến Ma La Chi, là những người đã phán lời của Thượng Đế cho dân Y Sơ Ra Ên thời xưa—và, qua sự mầu nhiệm của Kinh Thánh, vẫn phán bảo cùng chúng ta ngày nay.

Tất cả những vị tiên tri, thi sĩ, và nhà biên soạn này có biết rằng lời của họ sẽ được dân chúng trên khắp thế giới đọc vào hàng ngàn năm sau không? Chúng ta không biết được. Nhưng chúng ta kinh ngạc khi đây chính xác là điều đã xảy ra. Các quốc gia trỗi dậy và tan rã, các thành phố bị chinh phục, các vị vua sống rồi chết đi; nhưng Kinh Cựu Ước tồn tại lâu hơn tất cả, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ người biên chép này sang người biên chép khác, từ bản dịch này sang bản dịch khác. Dĩ nhiên một số điều đã bị mất đi hoặc bị sửa đổi, tuy vậy, bằng một cách nào đó phần lớn vẫn được bảo tồn một cách kỳ diệu.1

Đây chỉ là một vài điều cần ghi nhớ trong khi anh chị em đọc Kinh Cựu Ước trong năm nay. Có lẽ Thượng Đế đã gìn giữ các tác phẩm cổ xưa này bởi vì Ngài biết anh chị em và điều anh chị em đang trải qua. Có lẽ Ngài đã chuẩn bị một sứ điệp thuộc linh dành cho anh chị em trong những lời này, một điều gì đó mà sẽ mang anh chị em đến gần Ngài hơn và xây đắp đức tin của anh chị em nơi kế hoạch của Ngài và Con Trai Yêu Dấu của Ngài. Có lẽ Ngài sẽ dẫn dắt anh chị em đến một đoạn thánh thư hoặc một sự hiểu biết sâu sắc mà sẽ ban phước cho một ai đó mà anh chị em quen biết—một sứ điệp mà anh chị em có thể chia sẻ với bạn bè, người thân trong gia đình, hoặc một người đồng Thánh Hữu. Có rất nhiều khả năng. Không phải thật là hào hứng khi nghĩ về chúng sao?

Các Sách trong Kinh Cựu Ước

Trong phần lớn các phiên bản Ky Tô Giáo của Kinh Cựu Ước, các sách được sắp xếp khác với cách chúng được sắp đặt khi lần đầu tiên được biên soạn thành một bộ sách. Vì thế trong khi Kinh Thánh Do Thái phân các sách thành ba thể loại—luật pháp, tiên tri, và văn chương—hầu hết các sách Kinh Thánh Ky Tô Giáo sắp xếp các sách thành bốn nhóm: luật pháp (Sáng Thế Ký—Phục Truyền Luật Lệ Ký), lịch sử (Giô Suê–Ê Xơ Tê), thơ văn (Gióp–Ca Thương), và tiên tri (Ê Sai–Ma La Chi).

Tại sao các thể loại này lại quan trọng? Bởi vì việc biết thể loại của sách mà anh chị em đang nghiên cứu có thể giúp anh chị em hiểu cách để học sách đó.

Đây là một điều cần ghi nhớ khi anh chị em bắt đầu đọc phần “luật pháp,” hoặc năm sách đầu tiên trong Kinh Cựu Ước. Những sách này, được cho là viết bởi Môi Se, có lẽ đã được truyền qua tay của vô số nhà biên chép và biên soạn theo thời gian. Tuy nhiên, các sách của Môi Se là lời soi dẫn của Thượng Đế, mặc dù những lời này—giống như bất kỳ công việc nào của Thượng Đế được truyền đi qua những người trần thế—cũng không tránh khỏi những sai sót của con người (xin xem Môi Se 1:41; Những Tín Điều 1:8). Những lời của Mô Rô Ni, khi nói đến biên sử Sách Mặc Môn thiêng liêng do ông giúp biên soạn, sẽ có ích trong vấn đề này: ″Nếu có lỗi lầm thì đó là lỗi lầm của loài người; vậy nên, đừng có lên án những sự việc của Thượng Đế” (trang tựa của Sách Mặc Môn). Nói cách khác, một quyển thánh thư không cần phải miễn khỏi sai sót của con người mới trở nên lời của Thượng Đế.

Ghi Chú

  1. Chủ Tịch M. Russell Ballard đã nói: “Không phải là điều tình cờ hay trùng hợp ngẫu nhiên mà chúng ta có được Kinh Thánh ngày nay. Những người ngay chính được Thánh Linh thúc giục để ghi chép những sự việc thiêng liêng mà họ đã thấy lẫn những lời nói đầy soi dẫn mà họ đã nghe và nói ra. Những người tận tâm khác được thúc giục để bảo vệ và gìn giữ các biên sử này” (“Phép Lạ của Kinh Thánh,” Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 80).