2022
Hỡi Si Ôn, … Mặc Lấy Sức Mạnh Ngươi
Tháng Mười Một năm 2022


Hỡi Si Ôn, … Mặc Lấy Sức Mạnh Ngươi

Mỗi người chúng ta nên đánh giá các ưu tiên vật chất và thuộc linh của mình một cách chân thành và thành tâm.

Các câu chuyện ngụ ngôn là một phần thiết yếu trong phương pháp giảng dạy tài tình của Chúa Giê Su Ky Tô. Được định nghĩa một cách đơn giản, những câu chuyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi được dùng để so sánh các lẽ thật thuộc linh với vật chất và những kinh nghiệm trần thế. Ví dụ, các sách Phúc Âm trong Kinh Tân Ước đầy dẫy những lời giảng dạy so sánh vương quốc thiên thượng với một hột cải,1 với hạt châu quý giá,2 với người chủ nhà và người làm công trong vườn nho,3 với mười người nữ đồng trinh,4 và nhiều điều khác nữa. Trong một phần giáo vụ của Chúa ở Ga Li Lê, thánh thư có nêu rằng “Ngài chẳng phán điều gì cùng họ mà không dùng lời ví dụ.”5

Ý nghĩa hoặc sứ điệp thực sự của một câu chuyện ngụ ngôn thường không được diễn đạt một cách rõ ràng. Thay vì thế, câu chuyện chỉ truyền đạt lẽ thật thiêng liêng cho người tiếp nhận tùy thuộc vào đức tin của người ấy nơi Thượng Đế, sự chuẩn bị thuộc linh cá nhân, và sự sẵn lòng học hỏi. Do đó, một người phải thực hành quyền tự quyết về mặt đạo đức và tích cực “hãy xin; hãy tìm; hãy gõ cửa,”6 để khám phá ra các lẽ thật được gồm vào trong câu chuyện ngụ ngôn.

Tôi khẩn thiết cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ soi sáng cho mỗi chúng ta ngay lúc này đây, khi chúng ta suy ngẫm tầm quan trọng của câu chuyện ngụ ngôn về tiệc cưới hoàng gia.

Tiệc Cưới Hoàng Gia

“Đức Chúa Jêsus … lại phán ví dụ cùng chúng nữa, rằng:

“Nước thiên đàng giống như một vua kia làm tiệc cưới cho con mình,

“Vua sai đầy tớ đi nhắc những người đã được mời đến dự tiệc; nhưng họ không chịu đến.

“Vua lại sai đầy tớ khác mà dặn rằng: Hãy nói với người được mời như vầy: Nầy, ta đã sửa soạn tiệc rồi; bò và thú béo đã giết xong, mọi việc đã sẵn cả, hãy đến mà dự tiệc cưới.

“Nhưng họ không đếm xỉa đến, cứ việc đi đường mình; kẻ nầy đi ra ruộng, kẻ kia buôn bán.”7

Thời xưa, một trong những dịp vui mừng nhất trong đời người Do Thái là lễ cưới—một sự kiện mà sẽ kéo dài một tuần hoặc thậm chí là hai tuần. Một sự kiện như vậy đòi hỏi phải hoạch định rất kỹ, và khách mời đã được thông báo trước đó rất lâu, kèm theo một lời nhắc nhở được gửi đến vào ngày đầu khai mạc tiệc cưới. Việc một vị vua mời các thần dân của mình đến dự một tiệc cưới như thế này về cơ bản được xem là một mệnh lệnh. Tuy nhiên, trong câu chuyện ngụ ngôn này, nhiều người được mời tham dự đã không đến.8

“Việc từ chối tham dự yến tiệc của nhà vua là một hành động phản nghịch cố tình chống lại … uy quyền của triều đình và là sự sỉ nhục cá nhân đối với nhà vua lẫn con trai của vua. … Việc một người không đến bữa tiệc vì bận chăm sóc ruộng vườn của mình và một người khác không đến tiệc cưới vì [lợi ích kinh doanh]” của mình9 phản ảnh những ưu tiên sai lầm của họ và hoàn toàn xem thường ý muốn của nhà vua.10

Chuyện kể tiếp:

“Đoạn, vua phán cùng đầy tớ mình rằng: Tiệc cưới đã dọn xong rồi; song những người được mời không xứng dự tiệc đó.

“Vậy, các ngươi hãy đi khắp các ngã tư, hễ gặp người nào thì mời cả đến dự tiệc.

“Đầy tớ đi khắp các đường cái, nhóm lại hết thảy những người họ gặp, bất luận dữ lành, đến nỗi trong phòng đầy những người dự tiệc.”11

Tục lệ trong những ngày đó là đối với người gia chủ của bữa tiệc cưới—trong chuyện ngụ ngôn này, là nhà vua—ban lễ phục cho những người khách dự tiệc cưới. Những bộ lễ phục dự cưới như thế là những chiếc áo choàng đơn giản, không cầu kỳ mà tất cả những người tham dự đều mặc. Bằng cách này, cấp bậc và địa vị được xóa bỏ, và mọi người trong yến tiệc đều có thể hòa nhập bình đẳng với nhau.12

Những người được mời từ các con đường cái đến tham dự tiệc cưới đã không có thời gian hoặc điều kiện để mua được trang phục phù hợp để chuẩn bị cho sự kiện này. Do đó, có lẽ nhà vua đã tặng cho các vị khách những bộ lễ phục từ tủ quần áo của mình. Mọi người đều được ban cho cơ hội mặc quần áo hoàng gia.13

Khi nhà vua bước vào tiệc cưới, ông nhìn khách dự tiệc và chợt nhận thấy một người không mặc lễ phục dự cưới. Người đàn ông đó được dẫn đến trước mặt vua, và vua phán cùng người rằng: “Hỡi bạn, sao ngươi vào đây mà không mặc áo lễ? Người đó làm thinh.”14 Về cơ bản, nhà vua hỏi: “Tại sao ngươi không mặc áo lễ, mặc dù ngươi đã được ban cho một chiếc?”15

Rõ ràng người đàn ông đó đã không ăn mặc phù hợp cho dịp đặc biệt này, và cụm từ: “Người đó làm thinh,” cho thấy rằng người đàn ông đó không có lý do gì để bào chữa.16

Anh Cả James E. Talmage đưa ra lời bình luận về ý nghĩa hành động của người đàn ông: “Rằng người khách không mặc áo choàng đã phạm tội cẩu thả, cố ý bất kính, hoặc một số tội nặng hơn, là điều rất rõ ràng trong ngữ cảnh đó. Thoạt đầu, nhà vua ân cần quan tâm, chỉ hỏi làm thế nào mà người đàn ông bước vào được mà không mặc lễ phục dự cưới. Nếu người khách đó có thể giải thích cho diện mạo khác thường của mình, hoặc nếu ông có lý do hợp lý để đưa ra, thì chắc chắn ông sẽ nói; nhưng chúng ta được nghe kể rằng ông vẫn làm thinh. Lời mời của nhà vua đã được ban bố rộng khắp cho tất cả mọi người; mỗi người trong số họ phải đi qua cánh cổng để vào cung điện hoàng gia; và trước khi đến phòng tiệc, là nơi mà nhà vua thường đích thân đến tiếp, mỗi người đều phải ăn diện chỉnh tề; tuy nhiên kẻ không mặc lễ phục, thì đi vào theo một lối khác; vì không thể bước qua cổng canh của người hầu việc, nên kẻ đó chính là kẻ xâm nhập.”17

Một tác giả Ky Tô hữu, John O. Reid, đã nhận thấy rằng việc người đàn ông từ chối mặc lễ phục dự cưới đã biểu hiện rõ “sự bất kính đối với nhà vua và con trai của vua.” Không phải ông thiếu bộ lễ phục dự cưới; mà là ông đã chọn không mặc bộ lễ phục dự cưới. Ông chống đối việc ăn mặc phù hợp cho dịp này. Phản ứng của nhà vua rất nhanh và dứt khoát: “Hãy trói tay chân nó lại, và quăng ra ngoài nơi tối tăm, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”18

Việc nhà vua xét xử người đàn ông này không dựa trên việc thiếu một bộ lễ phục dự cưới—mà “thật ra, là việc ông đã nhất quyết không mặc bộ lễ phục. Người đàn ông này … muốn được vinh dự tham dự tiệc cưới nhưng … không muốn tuân theo tục lệ của nhà vua. Ông muốn làm theo cách riêng của mình. Việc ăn mặc không phù hợp của ông cho thấy sự phản nghịch trong lòng ông chống đối nhà vua và các chỉ thị của vua.”19

Nhiều Người Được Gọi, nhưng Ít Người Được Chọn

Rồi câu chuyện ngụ ngôn kết thúc bằng câu thánh thư thâm thúy này: “Do đó, nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn.”20

Thú vị thay, Joseph Smith đã thực hiện điều chỉnh sau đây cho câu thánh thư này từ Ma Thi Ơ trong bản dịch Kinh Thánh được soi dẫn của ông: “Do đó, nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn; vậy nên không phải tất cả mọi người đều mặc lễ phục dự cưới.”21

Lời mời đến tiệc cưới và sự lựa chọn để tham dự yến tiệc có liên quan nhưng lại khác nhau. Lời mời này dành cho tất cả những người nam và người nữ. Một người thậm chí có thể chấp nhận lời mời và ngồi vào bàn tiệc—nhưng không được chọn để dự phần vì người ấy không có lễ phục dự cưới phù hợp của sự cải đạo đức tin nơi Chúa Giê Su ky Tô và ân điển thiêng liêng của Ngài. Do đó, chúng ta có cả sự kêu gọi của Thượng Đế lẫn sự đáp ứng riêng của cá nhân chúng ta đối với sự kêu gọi đó, và nhiều người có thể được gọi nhưng ít người được chọn.22

Việc được chọn hoặc trở thành người được chọn không phải là một trạng thái độc nhất được ban cho chúng ta. Thay vì thế, cuối cùng anh chị em và tôi có thể chọn để được chọn qua việc thực hành quyền tự quyết về mặt đạo đức của mình một cách ngay chính.

Xin lưu ý việc sử dụng từ được chọn trong câu thánh thư quen thuộc sau đây trong Giáo Lý và Giao Ước:

Này, có nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn. Và tại sao họ không được chọn?

“Vì lòng họ quá quan tâm đến những vật chất của thế gian này, và khát vọng đến danh lợi của loài người.”23

Tôi tin rằng ý nghĩa của câu thánh thư này khá rõ ràng. Thượng Đế không có một bản danh sách những người ưa thích mà chúng ta phải hy vọng rằng tên của mình một ngày nào đó sẽ được thêm vào. Ngài không giới hạn “những người được chọn” chỉ ở một số ít. Thay vì thế, tấm lòng của chúng ta, ước muốn của chúng ta, việc tôn trọng các giao ước phúc âm và các giáo lễ thiêng liêng của chúng ta, việc chúng ta tuân theo các lệnh truyền, và quan trọng nhất là ân điển cứu chuộc và lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi sẽ xác định xem chúng ta có được tính là một trong những người được Thượng Đế chọn hay không.24

“Vì chúng tôi cố gắng cần mẫn viết ra để thuyết phục con cháu chúng ta, và luôn cả các anh em chúng ta nữa, để họ biết tin vào Đấng Ky Tô, và để được hòa hiệp với Thượng Đế; vì chúng ta biết rằng nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm.”25

Trong sự bận rộn của cuộc sống thường nhật của mình và trong sự huyên náo của thế giới đương đại nơi chúng ta đang sống, chúng ta có thể bị xao lãng khỏi những điều vĩnh cửu quan trọng nhất bởi do cách đặt sự thỏa mãn, sự thịnh vượng, sự nổi tiếng, và sự xuất chúng lên làm ưu tiên hàng đầu của mình. Sự bận tâm thiển cận của chúng ta với “những sự việc của thế gian này” và “danh lợi của loài người” có thể dẫn tới việc từ bỏ quyền trưởng nam thuộc linh để đổi lấy một chén canh phạn đậu tầm thường hơn hẳn.26

Lời Hứa và Chứng Ngôn

Tôi xin lặp lại lời khuyên dạy của Chúa cho dân Ngài qua tiên tri A Ghê trong Kinh Cựu Ước: “Vậy bây giờ Đức Giê Hô Va vạn quân phán như vầy; Các ngươi khá xem xét đường lối mình.”27

Mỗi người chúng ta nên đánh giá các ưu tiên về vật chất và thuộc linh của mình một cách chân thành và thành tâm để nhận ra những điều trong cuộc sống của mình mà có thể cản trở các phước lành dồi dào mà Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi sẵn lòng ban cho chúng ta. Và chắc chắn Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta tự thấy con người thật của mình.28

Khi chúng ta tìm kiếm ân tứ thuộc linh của đôi mắt để thấy và của đôi tai để nghe,29 tôi hứa rằng chúng ta sẽ được ban phước với khả năng và sự phán xét để củng cố sự kết nối giao ước của chúng ta với Chúa hằng sống. Chúng ta cũng sẽ nhận được quyền năng của sự tin kính trong cuộc sống của mình26—và cuối cùng được gọi lẫn được chọn cho yến tiệc của Chúa.

“Hãy thức dậy, thức dậy, mặc lấy sức mạnh ngươi, hỡi Si Ôn.”31

“Vì Si Ôn phải gia tăng về vẻ đẹp, và sự thánh thiện; các ranh giới của nó phải được mở rộng; các giáo khu của nó phải được củng cố; phải, thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, Si Ôn phải vươn lên và khoác lên mình y phục xinh đẹp của nó.”32

Tôi hân hoan làm chứng về thiên tính và sự hằng sống có thực của Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và của Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta và rằng Ngài hằng sống. Tôi cũng xin làm chứng rằng Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử đã hiện đến cùng cậu bé Joseph Smith, từ đó đã bắt đầu Sự Phục Hồi phúc âm của Đấng Cứu Rỗi trong ngày sau. Cầu xin cho mỗi người chúng ta tìm kiếm và được ban phước với đôi mắt để thấy và đôi tai để nghe, tôi cầu xin những điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.