2022
Và Họ Tìm Xem Chúa Giê Su Là Ai
Tháng Mười Một năm 2022


Và Họ Tìm Xem Chúa Giê Su Là Ai

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su hằng sống, rằng Ngài biết rõ chúng ta, và rằng Ngài có quyền năng để chữa lành, thay đổi, và tha thứ.

Thưa các anh chị em, và bạn bè thân mến, vào năm 2013, vợ tôi, Laurel, và tôi đã được kêu gọi phục vụ với tư cách là những người lãnh đạo truyền giáo của Phái Bộ Truyền Giáo Czech/Slovak. Bốn người con của chúng tôi cũng cùng phục vụ.1 Gia đình chúng tôi được ban phước với những người truyền giáo tài giỏi và bởi những thánh hữu tuyệt vời ở Czech và Slovak. Chúng tôi yêu mến họ.

Khi gia đình chúng tôi bắt đầu phục vụ truyền giáo, một điều mà Anh Cả Joseph B. Wirthlin dạy đã đồng hành cùng chúng tôi. Trong một bài nói chuyện có tựa đề “Giáo Lệnh Lớn,” Anh Cả Wirthlin đã hỏi: “Các anh chị em có yêu mến Chúa không?” Lời khuyên dạy của ông cho những người trong chúng ta mà trả lời có là rất đơn giản và sâu sắc: “Hãy dành thời giờ cho Ngài. Hãy suy ngẫm lời Ngài. Hãy gánh lấy ách của Ngài. Hãy cố gắng tìm hiểu và vâng lời.”2 Sau đó, Anh Cả Wirthlin đã hứa các phước lành giúp biến đổi sẽ đến với những người sẵn lòng dành thời gian và địa điểm cho Chúa Giê Su Ky Tô.3

Chúng tôi đã nghe theo lời khuyên dạy và lời hứa của Anh Cả Wirthlin. Cùng với những người truyền giáo của mình, chúng tôi đã dành nhiều thời gian với Chúa Giê Su bằng cách học hỏi từ sách Ma Thi Ơ, Mác, Lu Ca, và Giăng từ Kinh Tân Ước và sách 3 Nê Phi trong Sách Mặc Môn. Vào cuối mỗi buổi họp dành cho người truyền giáo, chúng tôi đều tham khảo trong điều mà chúng tôi gọi là “Năm Sách Phúc Âm” này4 để đọc, thảo luận, suy ngẫm, và học hỏi về Chúa Giê Su.

Đối với tôi, với Laurel, và với những người truyền giáo của chúng tôi, việc dành thời gian với Chúa Giê Su trong thánh thư đã thay đổi mọi thứ. Chúng tôi nhận được sự biết ơn sâu xa hơn về Ngài là ai và điều gì quan trọng đối với Ngài. Chúng tôi cùng nhau xem xét cách Ngài giảng dạy, điều Ngài giảng dạy, cách Ngài bày tỏ tình thương yêu, những điều Ngài đã làm để ban phước và phục vụ, các phép lạ của Ngài, cách Ngài đáp lại sự phản bội, những điều Ngài làm để đối phó với những cảm xúc khó khăn của con người, các danh xưng và tên gọi của Ngài, cách Ngài lắng nghe, cách Ngài giải quyết xung đột, thế giới mà Ngài sống, các câu chuyện ngụ ngôn của Ngài, cách Ngài khuyến khích sự đoàn kết và lòng nhân từ, khả năng của Ngài để tha thứ và chữa lành, những bài giảng của Ngài, những lời cầu nguyện của Ngài, sự hy sinh chuộc tội của Ngài, Sự Phục Sinh của Ngài, và phúc âm của Ngài.

Chúng tôi thường cảm thấy giống như ông Xa Chê “[thấp]” người, đã chạy đến trèo lên cây sung khi Chúa Giê Su đến thăm Giê Ri Cô bởi vì, như Lu Ca đã miêu tả, chúng tôi muốn “tìm xem Chúa Giê Su là ai.”5 Đó không phải là Chúa Giê Su mà chúng tôi muốn hoặc ước gì Ngài trở thành, nhưng là Chúa Giê Su như Ngài thực sự đã và đang hiện hữu.6 Cũng như Anh Cả Wirthlin đã hứa, chúng ta đã biết được trong thực tế rằng “phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là phúc âm của sự thay đổi. Nó dẫn dắt và cải tiến chúng ta là những người nam và những người nữ của thế gian thành những người nam và những người nữ cho thời vĩnh cửu.”7

Đó là những ngày đặc biệt. Chúng tôi đã tin rằng “không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được.”8 Những buổi chiều thiêng liêng ở Prague, Bratislava, hoặc Brno, khi trải nghiệm quyền năng và sự có thật của Chúa Giê Su, vẫn còn tiếp tục vang vọng trong cuộc sống của tất cả chúng tôi.

Chúng tôi thường nghiên cứu Mác 2:1–12. Nó chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn. Tôi muốn đọc một phần trong đoạn đó trực tiếp từ Mác và sau đó chia sẻ theo cách tôi hiểu sau khi đã nghiên cứu và thảo luận toàn diện với những người truyền giáo của chúng tôi và những người khác.9

“Khỏi một vài ngày, [Chúa Giê Su] trở lại thành Ca Bê Na Um, và chúng nghe nói Ngài ở trong nhà.

“Họ họp lại tại đó đông lắm, đến nỗi trước cửa cũng không còn chỗ trống; Ngài giảng đạo cho họ nghe.

“Bấy giờ có mấy kẻ đem tới cho Ngài một người đau bại, có bốn người khiêng.

“Nhưng, vì đông người, không lại gần Ngài được, nên dở mái nhà ngay chỗ Ngài ngồi, rồi do lỗ đó dòng giường người bại xuống.

“Đức Chúa Giê Su thấy đức tin họ, bèn phán cùng kẻ bại rằng: Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha.”

Sau khi trao đổi với một số người trong đám đông,10 Chúa Giê Su nhìn vào người đàn ông bị bại liệt và chữa lành cho ông, rồi nói rằng:

“Ta biểu ngươi, hãy đứng dậy, vác giường đi về nhà.

“Kẻ bại đứng dậy, tức thì vác giường đi ra trước mặt thiên hạ; đến nỗi ai nấy làm lạ, ngợi khen Đức Chúa Trời, mà rằng: Chúng tôi chưa hề thấy việc thể nầy.”11

Và đây là câu chuyện theo cách hiểu của tôi: Vào giai đoạn đầu trong giáo vụ của Ngài, Chúa Giê Su trở lại Ca Bê Na Um, một làng chài nhỏ nằm ở bờ biển phía bắc của Biển Ga Li Lê.12 Trước đó không lâu, Ngài đã thực hiện nhiều phép lạ bằng cách chữa lành người bệnh và xua đuổi ác linh.13 Nóng lòng được lắng nghe và gặp gỡ người đàn ông được gọi là Giê Su, dân làng tụ họp tại ngôi nhà mà người ta đồn rằng Ngài đang ở.14 Và khi họ làm vậy, Chúa Giê Su đã bắt đầu giảng dạy.15

Vào thời điểm đó, những ngôi nhà ở Ca Bê Na Um có mái phẳng, chỉ có một tầng, và san sát với nhau.16 Mái và tường nhà là hỗn hợp của đá, gỗ, đất sét, và lá tranh, lối vào là một dãy các bậc thang đơn giản ở bên hông nhà.17 Những người vào nhà ngày càng đông, nhanh chóng chật kín căn phòng mà Chúa Giê Su đang giảng dạy, và tràn cả ra đường.18

Câu chuyện này tập trung vào một người đàn ông “bị đau bại” và bốn người bạn của ông.19 Bệnh đau bại là một dạng liệt, thường kèm theo sự ốm yếu và run rẩy.20 Tôi tưởng tượng rằng một trong bốn người đó đã nói với những người khác rằng: “Chúa Giê Su đang ở trong làng chúng ta. Tất cả chúng ta đều biết về các phép lạ mà Ngài đã thực hiện và về những người mà Ngài đã chữa lành. Nếu chúng ta chỉ cần đưa người bạn của mình đến cùng Chúa Giê Su, có lẽ bạn ấy cũng có thể được chữa lành.”

Do đó, mỗi người trong bọn họ nâng một góc của tấm chiếu hay chiếc giường của người bạn mình và bắt đầu khiêng ông ấy qua những con đường quanh co, chật hẹp, và đầy đá sỏi của Ca Bê Na Um.21 Khi tay chân đã mỏi mệt rã rời, họ rẽ vào góc đường cuối cùng và nhận ra rằng nhóm người tụ họp để lắng nghe quá đông đến nỗi việc đến bên Chúa Giê Su là không khả thi.22 Với tình thương yêu và đức tin, bốn người này không bỏ cuộc. Thay vào đó, họ trèo lên các bậc thang để lên mái nhà phẳng, cẩn thận nâng người bạn của họ và chiếc giường của người đó lên với họ, dỡ mái nhà của căn phòng nơi Chúa Giê Su đang giảng dạy, và hạ người bạn của họ xuống.23

Hãy suy ngẫm rằng giữa lúc lẽ ra đang giảng dạy nghiêm túc, Chúa Giê Su nghe một tiếng động, nhìn lên, và thấy một cái lỗ ngày càng lớn trên trần nhà cùng với bụi đất và lá tranh rơi xuống trong căn phòng. Một người đàn ông bị bại liệt nằm trên giường sau đó được hạ xuống sàn. Đáng chú ý, Chúa Giê Su nhận ra rằng đây không phải là một sự gián đoạn mà là một điều gì đó quan trọng. Ngài nhìn người đàn ông đang nằm trên giường, công khai tha thứ tội lỗi cho ông ấy, và chữa lành bệnh cho ông ấy.24

Khi nghĩ về lời kể lại câu chuyện trong Mác 2, một vài lẽ thật quan trọng trở bên rõ ràng hơn về Chúa Giê Su với tư cách là Đấng Ky Tô. Đầu tiên, khi chúng ta cố gắng giúp đỡ một người thân yêu đến cùng Đấng Ky Tô, chúng ta có thể tin tưởng rằng Ngài có khả năng nâng đỡ gánh nặng của tội lỗi và tha thứ. Thứ nhì, khi mang bệnh tật về thể chất, tinh thần, hoặc những bệnh tật khác đến cùng Đấng Ky Tô, chúng ta biết rằng Ngài có quyền năng để chữa lành và an ủi. Thứ ba, khi nỗ lực như bốn người đó để mang người khác đến cùng Đấng Ky Tô, chúng ta có thể chắc chắn rằng Ngài nhìn thấy ý định thực sự của chúng ta và sẽ đáp ứng một cách thích hợp.

Hãy nhớ rằng, bài giảng của Chúa Giê Su đã bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của một cái lỗ trên mái nhà. Thay vì trách mắng hoặc xua đuổi bốn người đã tạo ra cái lỗ vì họ làm gián đoạn, thánh thư cho chúng ta biết rằng “Chúa Giê Su thấy đức tin của họ.”25 Những người chứng kiến phép lạ đó thì “ai nấy đều sợ hãi, và ngợi khen Đức Chúa Trời đã [cho] người ta được phép tắc dường ấy.”26

Thưa các anh chị em, tôi xin kết thúc với hai nhận định bổ sung. Dù với tư cách là những người truyền giáo, người phục sự, chủ tịch Hội Phụ Nữ, vị giám trợ, giảng viên, cha mẹ, anh chị em, hay bạn bè, thì tất cả chúng ta đều mang tư cách là các môn đồ Thánh Hữu Ngày Sau khi tham gia vào công việc mang người khác đến cùng Đấng Ky Tô. Do đó, những phẩm chất của bốn người bạn này đều rất đáng xem xét và noi theo.27 Họ mạnh dạn, thích nghi, kiên cường, sáng tạo, linh hoạt, hy vọng, cương quyết, trung thành, lạc quan, khiêm tốn và bền bỉ.

Ngoài ra, bốn người này nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt thuộc linh của cộng đồng và tình thân hữu.28 Để mang người bạn của họ đến cùng Đấng Ky Tô, mỗi người trong số họ phải khiêng góc giường của mình. Nếu một người buông tay, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn. Nếu hai người bỏ cuộc, công việc này chắc chắn trở nên bất khả thi. Mỗi người chúng ta đều có một vai trò trong vương quốc của Thượng Đế.29 Khi chúng ta làm tròn vai trò đó và làm phần vụ của mình, tức là chúng ta khiêng góc giường của mình. Dù cho ở Argentina hay Việt Nam, ở Accra hay Brisbane, dù là một chi nhánh hay tiểu giáo khu, một gia đình hoặc một cặp đồng hành truyền giáo, thì mỗi người chúng ta đều cần khiêng góc giường của mình. Khi, và nếu như, chúng ta làm như vậy, thì Chúa sẽ ban phước cho tất cả chúng ta. Cũng như Ngài đã nhìn thấy đức tin của họ, Ngài cũng sẽ nhìn thấy đức tin của chúng ta và ban phước cho dân tộc chúng ta.

Vào những thời điểm khác nhau, tôi đã cố gắng khiêng một góc giường, và vào những lúc khác, chính tôi là người được khiêng. Một phần sức mạnh từ câu chuyện đặc biệt này về Chúa Giê Su là nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần nhau đến mức nào, với tư cách là các anh chị em, để đến cùng Đấng Ky Tô và được thay đổi.

Đây là một vài điều tôi học được từ việc dành thời gian với Chúa Giê Su trong Mác 2.

“Cầu mong Thượng Đế ban phước để chúng ta có thể [nâng góc giường của mình], để chúng ta không tránh né, để chúng ta không sợ hãi, nhưng để chúng ta vững vàng trong đức tin, và quyết tâm trong công việc của mình, để hoàn thành các mục đích của Chúa.”30

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su hằng sống, rằng Ngài biết rõ chúng ta, và rằng Ngài có quyền năng để chữa lành, thay đổi, và tha thứ. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Evie, Wilson, Hyrum, và George.

  2. Joseph B. Wirthlin, “Giáo Lệnh Lớn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 30.

  3. Các phước lành được Anh Cả Wirthlin chỉ ra bao gồm khả năng yêu thương nhiều hơn, sự sẵn lòng vâng lời và đáp ứng các giáo lệnh của Thượng Đế, mong muốn phục vụ người khác, và ý muốn luôn luôn làm điều thiện.

  4. “Các Sách Phúc Âm … là bốn quyển sách do bốn nhà truyền giáo hay các tác giả sách Phúc Âm viết về cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Giê Su, cùng sự đau khổ, cái chết, và sự phục sinh của Ngài” (Anders Bergquist, “Bible,” được biên tập bởi John Bowden, Encyclopedia of Christianity [năm 2005], trang 141). Sách Bible Dictionary có ghi rằng “từ phúc âm có nghĩa là ‘tin lành.’ Tin lành là Chúa Giê Su Ky Tô đã thực hiện Sự Chuộc Tội hoàn hảo mà sẽ cứu chuộc tất cả nhân loại. … Những ghi chép về cuộc sống trần thế của Ngài và các sự kiện liên quan đến giáo vụ của Ngài được gọi là các Sách Phúc Âm” (Bible Dictionary, “Gospels”). Sách 3 Nê Phi, được ghi chép bởi Nê Phi, cháu trai của Hê La Man, có ghi chép về việc Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến và giảng dạy ở Châu Mỹ ngay sau khi Ngài bị đóng đinh và, do đó, cũng có thể được gọi là “Sách Phúc Âm.” Các sách Phúc Âm này đặc biệt hấp dẫn vì chúng ghi lại các sự kiện và hoàn cảnh mà trong đó chính Chúa Giê Su đã tích cực giảng dạy và tham gia. Các sách này là điểm khởi đầu quan trọng để hiểu biết về Chúa Giê Su với tư cách là Đấng Ky Tô, mối quan hệ của chúng ta với Ngài, và phúc âm của Ngài.

  5. Xin xem Lu Ca 19:1–4; xin xem thêm Gia Cốp 4:13 (giải thích rằng Thánh Linh “nói lên những điều đúng với sự thật hiện hữu, và đúng với sự thật mà những điều ấy sẽ có”) và Giáo Lý và Giao Ước 93:24 (định nghĩa lẽ thật là “sự hiểu biết về những sự vật đúng theo trạng thái của chúng đang có, đã có, và sẽ có”).

  6. Tương tự, Chủ Tịch J. Reuben Clark đã khuyến khích việc nghiên cứu về “cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi như một nhân cách thực tế.” Ông ấy mời mọi người hòa vào những câu chuyện trong thánh thư về cuộc đời của Chúa Giê Su Ky Tô, để cố gắng và “bước đi cùng với Đấng Cứu Rỗi, sống với Ngài, xem Ngài như một con người thực sự, tất nhiên là nửa thần thánh, nhưng tuy nhiên vẫn sống như một người bình thường trong thời kỳ đó.” Ông ấy cũng hứa rằng nỗ lực như vậy “sẽ cho anh chị em một cái nhìn về Ngài, và sự thân mật với Ngài mà anh chị em không thể có được theo cách nào khác. … Hãy tìm hiểu về việc làm, suy nghĩ, và lời giảng dạy của Ngài. Hãy làm như Ngài đã làm. Sống như Ngài đã sống, hết mức có thể. Ngài là một người hoàn hảo” (Behold the Lamb of God [năm 1962], các trang 8, 11). Để hiểu biết thêm về giá trị và lý do của việc nghiên cứu về Chúa Giê Su trong bối cảnh lịch sử, xin xem N. T. Wright và Michael F. Bird., The New Testament in Its World (năm 2019), trang 172–187.

  7. Joseph B. Wirthlin, “Giáo Lệnh Lớn,” trang 30.

  8. Lu Ca 1:37.

  9. Ngoài việc thảo luận thường xuyên và lâu dài về Mác 2:1–12 với những người truyền giáo trong Phái Bộ Truyền Giáo Czech/Slovak, tôi cũng biết ơn về những điều mình học được khi xem xét đoạn thánh thư này với các thiếu niên và thiếu nữ trong lớp học chuẩn bị đi truyền giáo thuộc Giáo Khu Salt Lake Highland, và các lãnh đạo và tín hữu trong Giáo Khu Salt Lake Pioneer YSA.

  10. Xin xem Mác 2:6–10.

  11. Mác 2:11–12.

  12. Xin xem phần tái bản của Bruce M. Metzger và Michael D. Coogan, The Oxford Companion to the Bible (năm 1993), trang 104; James Martin, Jesus: A Pilgrimage (năm 2014), trang 183–184.

  13. Xin xem Mác 1:21–45.

  14. Xin xem Mác 2:1–2.

  15. Xin xem Mác 2:2.

  16. Xin xem Metzger và Coogan, The Oxford Companion to the Bible, trang 104; William Barclay, The Gospel of Mark (năm 2001), trang 53.

  17. Xin xem Barclay, The Gospel of Mark, trang 53; xin xem thêm Martin, Jesus: A Pilgrimage, trang 184.

  18. Xin xem Mác 2:2, 4; xin xem thêm Barclay, The Gospel of Mark, trang 52–53. Barclay giải thích rằng “cuộc sống ở Palestine rất cởi mở. Vào buổi sáng, cửa nhà đã mở ra và ai muốn ra vào cũng được. Cánh cửa này không bao giờ đóng lại trừ khi ai đó muốn riêng tư; một cánh cửa mở ra có nghĩa là một lời mời để tất cả bước vào. Trong [những ngôi nhà] khiêm tốn [như ngôi nhà được nói đến trong Mác 2], không có tiền sảnh; cửa nhà được mở thẳng … ra đường. Vậy nên, ngay lập tức, đám đông đã vào kín trong nhà và làm chật kín vỉa hè trước cửa; và tất cả mọi người đều háo hức lắng nghe những điều Chúa Giê Su nói.”

  19. Mác 2:3.

  20. Xin xem Medical Dictionary of Health Terms, “palsy,” health.harvard.edu.

  21. Xin xem Martin, Jesus: A Pilgrimage, trang 184.

  22. Mác 2:4.

  23. Xin xem Mác 2:4; xin xem thêm Julie M. Smith, The Gospel according to Mark (năm 2018), trang 155–171.

  24. Xin xem Mác 2:5–12.

  25. Mác 2:5; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  26. Ma Thi Ơ 9:8; xin xem thêm Mác 2:12; Lu Ca 5:26.

  27. Giáo Lý và Giao Ước 62:3 giải thích rằng các tôi tớ của Chúa “được phước, vì chứng ngôn mà các ngươi đã chia sẻ được ghi chép trên trời … và tội lỗi của các ngươi được tha.”

  28. Xin xem M. Russell Ballard, “Niềm Hy Vọng ở Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 55–56. Chủ Tịch Ballard lưu ý rằng một “cảm giác thuộc về” là rất quan trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta, và ông nhận thấy rằng “mọi thành viên trong các nhóm túc số, tổ chức, tiểu giáo khu và giáo khu của chúng ta đều có những ân tứ và tài năng do Thượng Đế ban cho để có thể giúp xây đắp vương quốc của Ngài bây giờ.” Xin xem thêm David F. Holland, Moroni: A Brief Theological Introduction (năm 2020), trang 61–65. Holland thảo luận về Mô Rô Ni 6 và những cách thức mà việc tham gia và tình thân hữu trong một cộng đồng tôn giáo giúp tạo điều kiện để có được trải nghiệm thuộc linh cá nhân nhằm gắn kết chúng ta chặt chẽ hơn với thiên thượng.

  29. Xin xem Dieter F. Uchtdorf, “Hãy Nâng Đỡ Ngay Tại Chỗ Các Anh Em Đang Đứng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 56. Anh Cả Uchtdorf giải thích rằng “không ai trong chúng ta có thể hoặc nên tự mình gánh vác công việc của Chúa. Nhưng nếu tất cả chúng ta cùng đứng cạnh nhau tại nơi mà Chúa đã chỉ định cho chúng ta và nâng đỡ ngay tại chỗ mình đang đứng, thì không điều gì có thể làm cho công việc thiêng liêng này lùi bước.” Xin xem thêm Chi Hong (Sam) Wong, “Giải Cứu trong Tình Đoàn Kết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 15. Anh Cả Wong trích dẫn Mác 2:1–5 và dạy rằng “để phụ giúp Đấng Cứu Rỗi, chúng ta phải cùng nhau làm việc trong tình đoàn kết và hòa thuận. Mọi người, mọi chức vụ, và mọi sự kêu gọi đều quan trọng.”

  30. Oscar W. McConkie, trong Conference Report, tháng Mười năm 1952, trang 57.