2022
Giáo Lý về Sự Thuộc Vào
Tháng Mười Một năm 2022


Giáo Lý về Sự Thuộc Vào

Giáo lý về sự thuộc vào đến từ điều này cho mỗi người chúng ta: tôi hiệp nhất với Đấng Ky Tô trong giao ước phúc âm.

Tôi xin nói về điều mà tôi gọi là giáo lý về sự thuộc vào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Giáo lý này có ba phần: (1) vai trò của sự thuộc vào trong việc quy tụ dân giao ước của Chúa, (2) tầm quan trọng của sự phục vụ và hy sinh khi thuộc vào và (3) vị trí chính yếu của Chúa Giê Su Ky Tô trong sự thuộc vào.

Trong thời kỳ ban đầu, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô bao gồm phần lớn Các Thánh Hữu da trắng Bắc Mỹ và Bắc Âu với một số ít tương đối những người Mỹ Bản Địa, người Mỹ gốc Phi và người dân Đảo Thái Bình Dương. Giờ đây, sau tám năm kể từ ngày kỷ niệm 200 năm thành lập, Giáo Hội đã gia tăng rất nhiều về số lượng và sự đa dạng ở Bắc Mỹ và thậm chí còn hơn thế nữa ở phần còn lại của thế giới.

Khi sự quy tụ của dân giao ước của Chúa trong ngày sau đã được tiên tri từ lâu đang trên đà tiến triển thì Giáo Hội sẽ thực sự bao gồm các tín hữu từ mọi quốc gia, chủng tộc, sắc ngữ và dân tộc.1 Đây không phải là một sự đa dạng có tính toán hay bị bắt buộc mà là một hiện tượng xảy ra theo cách tự nhiên mà chúng ta mong đợi. Điều này công nhận rằng mạng lưới phúc âm quy tụ từ mọi quốc gia và mọi dân tộc.

Chúng ta được phước biết bao khi thấy thời kỳ mà Si Ôn được thiết lập cùng lúc trên mọi lục địa và trong các vùng lân cận của chúng ta. Như Tiên Tri Joseph Smith đã nói, dân của Thượng Đế trong mọi thời đại đều hân hoan trông đợi thời kỳ này, và “chúng ta là những người được ưu ái mà Thượng Đế đã chọn để mang lại vinh quang Ngày Sau.”2

Vì đã được ban cho đặc ân này nên chúng ta không thể cho phép bất cứ sự phân biệt chủng tộc, thành kiến về bộ lạc hoặc sự chia rẽ nào khác tồn tại trong Giáo Hội ngày sau của Đấng Ky Tô. Chúa truyền lệnh cho chúng ta: “Hãy hiệp làm một; và nếu các ngươi không hiệp làm một thì các ngươi không phải là của ta.”3 Chúng ta nên sốt sắng xóa bỏ thành kiến và sự kỳ thị khỏi Giáo Hội, khỏi nhà của chúng ta và hơn hết là khỏi tâm hồn chúng ta. Khi số lượng tín hữu trong Giáo Hội của chúng ta ngày càng trở nên đa dạng hơn thì sự chào đón của chúng ta cũng phải gia tăng một cách tự nhiên và nồng nhiệt hơn bao giờ hết. Chúng ta cần nhau.4

Trong Bức Thư Đầu Tiên gửi cho người Cô Rinh Tô, Phao Lô tuyên bố rằng tất cả những ai chịu phép báp têm vào Giáo Hội đều là một trong thân thể của Đấng Ky Tô:

“Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Ky Tô khác nào như vậy.

“Vì chưng chúng ta hoặc người Giu Đa, hoặc người Gờ Réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng tôi đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa. …

“Hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.

“Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác cùng vui mừng.”5

Một cảm giác được thuộc vào rất quan trọng đối với sự an lạc về thể chất, tinh thần và thuộc linh của chúng ta. Tuy nhiên, rất có thể đôi khi mỗi người chúng ta lại cảm thấy rằng mình không hòa nhập được. Trong những khoảnh khắc chán nản, chúng ta có thể cảm thấy rằng mình sẽ không bao giờ đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của Chúa hoặc sự kỳ vọng của người khác.6 Chúng ta có thể vô tình áp đặt những kỳ vọng lên người khác—hoặc ngay cả chính bản thân mình—mà những kỳ vọng đó không phải là kỳ vọng của Chúa. Chúng ta có thể truyền đạt theo các cách tế nhị rằng giá trị của con người dựa trên những thành tựu hoặc những chức vụ kêu gọi nào đó, nhưng đây không phải là thước đo giá trị của chúng ta trong mắt Chúa. “Đức Giê Hô Va nhìn thấy trong lòng.”7 Ngài quan tâm đến những ước muốn và nỗi khao khát của chúng ta và con người mà chúng ta trở thành.8

Chị Jodi King đã viết về kinh nghiệm của chính chị trong những năm qua:

“Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình không được thuộc vào giáo hội cho đến khi chồng tôi, Cameron, và tôi bắt đầu vật lộn với chứng vô sinh. Những đứa trẻ và các gia đình thường mang lại niềm vui cho tôi khi gặp gỡ tại nhà thờ thì giờ đây bắt đầu khiến tôi buồn phiền và đau đớn.

“Tôi cảm thấy hiếm muộn khi không có một đứa con hay một túi tã trong tay. …

“Ngày Chủ Nhật khó khăn nhất là ngày đầu tiên của chúng tôi ở một tiểu giáo khu mới. Vì chưa có con nên chúng tôi được hỏi là chúng tôi có phải là vợ chồng mới cưới hay không và khi nào thì chúng tôi dự định xây dựng gia đình. Tôi đã trả lời khá hay những câu hỏi này mà không để chúng ảnh hưởng đến mình—tôi biết họ không có ý gây tổn thương.

“Tuy nhiên, riêng vào ngày Chủ Nhật này, những câu hỏi đó lại đặc biệt khó trả lời. Sau khi hy vọng, chúng tôi mới biết rằng—một lần nữa—tôi không mang thai.

“Tôi bước vào buổi lễ Tiệc Thánh mà cảm thấy tuyệt vọng, và những câu hỏi điển hình ‘muốn làm quen với chị’ đó thật là khó trả lời đối với tôi. …

“Nhưng chính Trường Chủ Nhật đã thực sự làm tan nát lòng tôi. Bài học—là nhằm nói về vai trò thiêng liêng của người mẹ—đã nhanh chóng thay đổi và trở thành một buổi học để trút cơn bực bội. Lòng tôi chùng xuống và nước mắt lặng lẽ chảy xuống trên má khi tôi nghe những người phụ nữ phàn nàn về một phước lành mà tôi sẵn sàng đánh đổi bất cứ điều gì để nhận được.

“Tôi lao ra khỏi nhà thờ. Lúc đầu, tôi đã không muốn quay lại. Tôi đã không muốn trải qua cảm giác lạc lõng đó một lần nữa. Nhưng đêm đó, sau khi nói chuyện với chồng tôi, thì chúng tôi biết rằng mình sẽ tiếp tục đi nhà thờ không chỉ vì Chúa đã phán bảo chúng tôi phải làm mà còn vì cả hai chúng tôi đều biết rằng niềm vui đến từ việc lập lại các giao ước và việc cảm thấy Thánh Linh ở nhà thờ vượt qua nỗi buồn mà tôi đã có ngày hôm đó. …

“Trong Giáo Hội, có các tín hữu góa bụa, ly dị và độc thân; các tín hữu có những người trong gia đình đã xa rời phúc âm; những người bị bệnh mãn tính hoặc gặp khó khăn về tài chính; các tín hữu trải qua sự hấp dẫn đồng giới; các tín hữu cố gắng khắc phục chứng nghiện hoặc nỗi nghi ngờ, những người mới cải đạo; những người mới dọn đến đây; những người không còn con cái sống chung; và nhiều hoàn cảnh khác nữa. …

“Đấng Cứu Rỗi mời gọi chúng ta đến cùng Ngài—bất kể hoàn cảnh của chúng ta như thế nào. Chúng ta đến nhà thờ để lập lại các giao ước của mình, để gia tăng đức tin chúng ta, để tìm sự bình an và làm theo giống như Ngài đã làm một cách hoàn hảo trong cuộc đời của Ngài—phục sự những người mà cảm thấy họ không thuộc vào.”9

Phao Lô giải thích rằng Giáo Hội và các chức sắc của Giáo Hội là do Thượng Đế ban cho “để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Ky Tô:

“Cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô.”10

Sau đó, thật là một điều trớ trêu đáng buồn, khi một người nào đó cảm thấy mình không đạt được lý tưởng trong mọi khía cạnh của cuộc sống, lại kết luận rằng họ không thuộc về chính tổ chức do Thượng Đế thiết kế để giúp chúng ta tiến tới lý tưởng đó.

Chúng ta hãy để sự phán xét trong tay Chúa và những người mà Ngài đã giao phó và bằng lòng để yêu thương cùng đối xử tốt nhất với nhau có thể được. Chúng ta hãy cầu xin Ngài chỉ đường cho chúng ta từng ngày, để “đem … kẻ nghèo khó, tàn tật, đui, què”11—chính là tất cả mọi người—đến dự đại tiệc với Chúa.

Khía cạnh thứ hai của giáo lý về sự thuộc vào có liên quan đến những đóng góp của chính chúng ta. Mặc dù chúng ta ít khi nghĩ về điều đó, nhưng phần lớn sự thuộc vào của chúng ta đến từ sự phục vụ của chúng ta và những hy sinh chúng ta làm cho người khác và cho Chúa. Sự tập trung quá mức vào các nhu cầu cá nhân của chúng ta hoặc sự thoải mái của bản thân có thể làm mất đi cảm giác thuộc vào đó.

Chúng ta cố gắng tuân theo giáo lý của Đấng Cứu Rỗi:

“Trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi. …

“Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.”12

Cảm giác thuộc vào sẽ đến không phải khi chúng ta chờ đợi nó mà là khi chúng ta tìm đến giúp đỡ lẫn nhau.

Rủi thay, ngày nay, việc hiến dâng mình cho một chính nghĩa hoặc hy sinh bất cứ điều gì cho bất cứ ai khác đang trở thành phản văn hóa. Trong một bài đăng trên Deseret Magazine vào năm ngoái, tác giả Rod Dreher đã kể lại cuộc trò chuyện với một người mẹ trẻ ở Budapest:

“Tôi đang ở trên xe điện ở Budapest với một … người bạn ngoài 30 tuổi—chúng ta hãy gọi chị ấy là Kristina—trong khi chúng tôi đang trên đường đi phỏng vấn một phụ nữ [Ky Tô hữu] lớn tuổi, đã cùng với người chồng quá cố của bà ấy, chịu đựng sự ngược đãi của nhà nước cộng sản. Trong khi xe chạy xóc nảy dọc theo các con đường của thành phố, thì Kristina nói về việc thật khó để thành thật với bạn bè cùng tuổi về những khó khăn mà chị ấy gặp phải trong vai trò là người vợ và người mẹ của những đứa con nhỏ.

“Những khó khăn của Kristina là hoàn toàn bình thường đối với một thiếu nữ đang học cách trở thành người mẹ và người vợ—nhưng thái độ phổ biến trong thế hệ của chị ấy là những khó khăn trong đời sống trở thành mối đe dọa đối với sự an lạc của một người và vì thế nên bị từ chối. Vợ chồng chị ấy có đôi khi cãi nhau không? Họ nói: vậy thì chị nên bỏ anh ta. Những đứa con của chị có quấy phá chị không? Vậy thì, chị nên gửi chúng đến nhà trẻ.

“Kristina lo lắng là bạn bè của chị không hiểu rằng những thử thách, và thậm chí nỗi đau khổ, là một phần bình thường của đời sống—và thậm chí còn có thể là một phần của đời sống tốt đẹp, nếu nỗi đau khổ đó dạy cho chúng ta cách kiên nhẫn, tử tế và yêu thương. …

“… Christian Smith, nhà xã hội học về tôn giáo của trường University of Notre Dame, đã thấy trong nghiên cứu của mình về những người thành niên từ 18 đến 23 [tuổi] rằng hầu hết họ đều tin rằng xã hội không gì khác hơn là ‘một tập hợp những cá nhân tự chủ để tận hưởng cuộc sống.’”13

Theo triết lý này, bất cứ điều gì mà người ta cảm thấy khó khăn thì đều “là một hình thức áp bức.”14

Trái lại, các tổ tiên tiền phong của chúng ta đã tìm thấy một cảm giác sâu đậm về sự thuộc vào, đoàn kết và hy vọng nơi Đấng Ky Tô bằng những hy sinh của họ để phục vụ các công việc truyền giáo, xây cất các đền thờ, bị buộc phải bỏ lại những ngôi nhà tiện nghi và bắt đầu lại, và bằng nhiều cách khác, họ hiến dâng bản thân và những phương tiện của họ cho chính nghĩa của Si Ôn. Họ sẵn lòng hy sinh cả tính mạng nếu cần thiết. Và chúng ta đều là người được hưởng lợi từ sự kiên trì chịu đựng của họ. Ngày nay, điều này cũng đúng đối với nhiều người mà có thể bị mất mối quan hệ gia đình và bạn bè, mất cơ hội việc làm, hoặc bị kỳ thị hay không dung thứ vì đã chịu phép báp têm. Tuy nhiên, phần thưởng của họ là cảm giác mạnh mẽ được thuộc vào dân giao ước. Bất cứ sự hy sinh nào chúng ta có trong chính nghĩa của Chúa đều giúp xác nhận vị trí của chúng ta với Ngài là Đấng đã phó mạng sống của Ngài làm giá chuộc cho nhiều người.

Yếu tố cuối cùng và quan trọng nhất của giáo lý về sự thuộc vào là vai trò chính yếu của Chúa Giê Su Ky Tô. Điều quan trọng là chúng ta không gia nhập Giáo Hội chỉ vì tình thân hữu. Chúng ta gia nhập để được cứu chuộc nhờ vào tình yêu thương và ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta gia nhập để bảo đảm nhận được các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao cho bản thân mình và cho những người chúng ta yêu thương ở cả hai bên bức màn che. Chúng ta gia nhập để tham gia vào một dự án vĩ đại nhằm thiết lập Si Ôn trong khi chuẩn bị cho sự trở lại của Chúa.

Giáo Hội canh giữ các giao ước cứu rỗi và tôn cao mà Thượng Đế ban cho chúng ta qua các giáo lễ của thánh chức tư tế.15 Chính bằng cách tuân giữ các giao ước này mà chúng ta có được cảm giác cao quý và sâu đậm nhất về sự thuộc vào. Mới gần đây, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã viết:

“Một khi anh chị em và tôi lập giao ước với Thượng Đế, mối quan hệ của chúng ta với Ngài trở nên gần gũi hơn nhiều so với trước khi giao ước. Giờ đây chúng ta được ràng buộc với nhau. Nhờ giao ước của chúng ta với Thượng Đế, Ngài sẽ không bao giờ mệt mỏi trong những nỗ lực của Ngài để giúp chúng ta, và chúng ta sẽ không bao giờ làm cạn kiệt sự kiên nhẫn nhân từ của Ngài đối với chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có một vị trí đặc biệt trong lòng của Thượng Đế. …

“… Chúa Giê Su Ky Tô là người bảo đảm các giao ước đó (xin xem Hê Bơ Rơ 7:22; 8:6).”16

Nếu chúng ta chịu nhớ điều này, nhiều hy vọng lớn lao của Chúa nơi chúng ta sẽ truyền cảm ứng chứ không làm chúng ta nản lòng.

Chúng ta có thể cảm thấy vui mừng khi theo đuổi, với tư cách là riêng cá nhân và chung cộng đồng “tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô.”17 Bất kể những nỗi thất vọng và thất bại nào trong cuộc đời, thì đây cũng là một công cuộc tìm kiếm trọng đại. Chúng ta nâng đỡ và khuyến khích lẫn nhau để theo đuổi con đường hướng thượng vì biết rằng bất kể sự hoạn nạn và sự chậm trễ nào trong các phước lành đã được hứa thì chúng ta cũng đều có thể “vững lòng; [vì Đấng Ky Tô đã] thắng thế gian rồi,”18 và chúng ta ở cùng với Ngài. Chắc chắn là việc hiệp một với Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh là điều tối thượng trong sự thuộc vào.19

Như vậy, giáo lý về sự thuộc vào đến từ điều này—mỗi người chúng ta có thể khẳng định rằng: Chúa Giê Su Ky Tô đã chết cho tôi; Ngài đã nghĩ rằng tôi xứng đáng với huyết của Ngài. Ngài yêu thương tôi và có thể tạo ra mọi sự khác biệt trong cuộc sống của tôi. Khi tôi hối cải, ân điển của Ngài sẽ biến đổi tôi. Tôi hiệp một với Ngài trong giao ước phúc âm; Tôi thuộc vào Giáo Hội và vương quốc của Ngài; và tôi thuộc vào chính nghĩa của Ngài để mang lại sự cứu chuộc cho tất cả con cái của Thượng Đế.

Tôi làm chứng rằng anh chị em đang thực sự thuộc vào, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Khải Huyền 5:9; xin xem thêm 1 Nê Phi 19:17; Mô Si A 15:28; Giáo Lý và Giao Ước 10:51; 77:8, 11.

  2. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 200.

  3. Giáo Lý và Giao Ước 38:27.

  4. Một nhà quan sát sâu sắc đã lưu ý:

    “Tôn giáo chỉ là chuyện riêng tư mà cho đến thời kỳ chúng ta, vẫn chưa được biết đến trong các biên niên sử của nhân loại—và vì lý do chính đáng. Tôn giáo như vậy nhanh chóng thu nhỏ lại thành một thú vui trong nhà, một loại sở thích riêng của một hoặc nhiều cá nhân, giống như đọc sách hoặc xem truyền hình. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi việc tìm kiếm phần thuộc linh đã trở nên rất thời thượng. Đó là điều mà các cá nhân, được giải phóng khỏi tôn giáo, khao khát tìm kiếm như một sự thay thế.

    “Phần thuộc linh quả thực là một phần không thể thiếu của tất cả các tôn giáo—nhưng chỉ là một phần nhỏ, và nó không thể thay thế cho toàn bộ. Tôn giáo không phải là một loại bài tập thuộc linh nào đó mà đôi khi mang lại một kinh nghiệm siêu việt. Nó định hình cuộc sống của một người—cả một đời người—hoặc nó biến mất, để lại những tâm hồn trống rỗng, lo lắng mà không một liệu pháp tâm lý nào có thể cứu chữa được. Và để tôn giáo định hình cuộc sống của một người, thì nó cần phải được công khai và mang tính cộng đồng; nó cần được kết nối với người chết và người chưa sinh” (Irving Kristol, “The Welfare State’s Spiritual Crisis,” Wall Street Journal, ngày 3 tháng Hai năm 1997, A14).

  5. 1 Cô Rinh Tô 12:12–13, 25–26.

  6. Xin xem Russell M. Nelson, “Perfection Pending,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 86–88; Jeffrey R. Holland, “Thế Thì Cuối Cùng—Các Ngươi Hãy Nên Trọn Vẹn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 40–42.

  7. 1 Sa Mu Ên 16:7.

  8. Như Anh Cả Jeffrey R. Holland đã nói: “‘Đức Chúa Cha nhân từ phán cùng mỗi người chúng ta: “‘Hãy đến, với con người thật của con,’ nhưng Ngài phán tiếp: Đừng dự định là sẽ không thay đổi con người của con.’ Chúng ta mỉm cười và nhớ rằng Thượng Đế quyết tâm làm cho chúng ta trở thành con người tốt hơn là chúng ta tưởng” (“Những Ca Khúc Được Hát Lên và Những Ca Khúc Không Hát Thành Lời,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 51).

  9. Jodi King, “Belonging in the Church through the Lens of Infertility,” Liahona, tháng Ba năm 2020, trang 46, 48–49.

  10. Ê Phê Sô 4:12–13.

  11. Lu Ca 14:21.

  12. Mác 10:43, 45; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  13. Rod Dreher, “A Christian Survival Guide for a Secular Age,” Deseret Magazine, tháng Tư năm 2021, trang 68.

  14. Dreher, “A Christian Survival Guide for a Secular Age,” trang 68.

  15. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:19–22.

  16. Russell M. Nelson, “Giao Ước Vĩnh Viễn,” Liahona, tháng Mười năm 2022, các trang 6, 10.

  17. Ê Phê Sô 4:13.

  18. Giăng 16:33.

  19. Xin xem Giăng 17:20–23. “Và giờ đây, tôi muốn khuyên nhủ các người hãy tìm kiếm Chúa Giê Su này, tức là Đấng mà các tiên tri và các sứ đồ đã từng viết đến, để cho ân điển của Thượng Đế Đức Chúa Cha, và Chúa Giê Su Ky Tô, và Đức Thánh Linh, là Đấng làm chứng cho hai Ngài, sẽ có trong các người và tồn tại trong các người mãi mãi” (Ê The 12:41).