2014
Sự Cầu Nguyện với Đức Tin
Tháng Mười năm 2014


Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn

Lời Cầu Nguyện với Đức Tin

Hình Ảnh
A young woman kneeling by her bed in prayer. There is a copy of the Book of Mormon on the bed in front of her.

Sự cầu nguyện còn nhiều hơn những lời chúng ta nói với Thượng Đế. Đó là một sự giao tiếp hai chiều giữa Thượng Đế và con cái của Ngài.

Khi sự cầu nguyện được thực hiện đúng cách, thì chúng ta bày tỏ những cảm nghĩ trong lòng mình bằng những lời giản dị. Cha Thiên Thượng thường đáp ứng bằng cách đặt những ý nghĩ vào tâm trí của chúng ta kèm theo những cảm giác. Ngài luôn luôn nghe lời cầu nguyện chân thành mà chúng ta dâng lên khi chúng ta cầu nguyện với sự cam kết để vâng lời Ngài, bất cứ sự đáp ứng nào của Ngài và bất cứ khi nào sự đáp ứng đó đến.

Chúa ban lời hứa này cho tất cả những ai đọc và cầu nguyện về Sách Mặc Môn:

“Và khi nào các người nhận được những điều này, tôi khuyên nhủ các người hãy cầu vấn Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong danh Đấng Ky Tô, để xem những điều này có thật không; và nếu các người cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì Ngài sẽ biểu lộ lẽ thật của điều này cho các người biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.

“Và bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, các người sẽ có thể biết được lẽ thật của tất cả mọi điều” (Mô Rô Ni 10:4–5).

Lời hứa ấy là chắc chắn. Hàng triệu người đã trắc nghiệm và chứng thực lời hứa tuyệt vời đó về sự cầu nguyện qua việc nhận được một phước lành đã làm cho cuộc sống của họ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc lâu dài. Lời hứa đó áp dụng cho tất cả những lời cầu nguyện của chúng ta để biết ý định và ý muốn của Thượng Đế dành cho chúng ta. Chúng ta có thể áp dụng lời hứa đó bất cứ khi nào nhận được lời khuyên dạy từ một người tôi tớ của Thượng Đế là người có thẩm quyền để ban cho chúng ta sự hướng dẫn. Ví dụ, chúng ta có thể phụ thuộc vào lời hứa đó khi chúng ta lắng nghe một bài giảng trong đại hội trung ương. Chúng ta có thể áp dụng lời hứa đó khi chúng ta được giảng dạy bởi những người truyền giáo khiêm nhường được Thượng Đế kêu gọi qua vị tiên tri. Lời hứa đó cũng áp dụng cho lời khuyên dạy chúng ta nhận được từ vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh của mình.

Để việc cầu nguyện mang lại lợi ích cho cuộc sống của chúng ta, các quy luật rất là giản dị. Chúng ta cần phải cầu xin để biết điều gì là chân chính bằng cách cầu nguyện lên Đức Chúa Cha trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cần phải cầu xin với tấm lòng chân thành, có nghĩa là phải có một chủ ý thực sự để làm bất cứ điều gì mà sự đáp ứng của Thượng Đế đòi hỏi chúng ta phải làm. Và chủ ý thực sự của chúng ta cần phải nẩy sinh từ đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Người tầm đạo đọc Sách Mặc Môn trước khi chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận có thể nhận được một sự bảo đảm rằng sách này là chân chính và sự làm chứng rằng Joseph Smith đã phiên dịch sách ấy bằng quyền năng của Thượng Đế. Sau khi được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta có thể có được Đức Thánh Linh như là bạn đồng hành của mình để xác nhận các lẽ thật khác. Sau đó, bất cứ khi nào cầu nguyện trong đức tin, chúng ta cũng đều có thể trông mong rằng Đức Thánh Linh sẽ làm chứng với chúng ta rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, rằng Đức Chúa Cha hằng sống, và hai Ngài yêu thương chúng ta và tất cả con cái của Cha Thiên Thượng.

Đó là một lý do tại sao trong Sách Mặc Môn có một lời hứa rằng chúng ta sẽ có lòng bác ái khi Đức Thánh Linh làm chứng cho chúng ta rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô: “Nếu một người nhu mì và khiêm tốn trong lòng, và thú nhận, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, thì người đó cần phải có lòng bác ái” (Mô Rô Ni 7:44).

Có một cơ hội lớn để phát triển phần thuộc linh vào mỗi Chủ Nhật nhịn ăn. Ngày Chủ Nhật Nhịn Ăn có thể giúp chúng ta có những kinh nghiệm tương tự như An Ma và các con trai của Mô Si A, là những người đã cầu nguyện và nhịn ăn nhằm biết được lẽ thật vĩnh cửu để họ có thể giảng dạy cho dân La Man với quyền năng, thẩm quyền, và tình yêu thương (xin xem An Ma 17:3, 9).

Vào ngày Chủ Nhật nhịn ăn, chúng ta kết hợp lời cầu nguyện và sự nhịn ăn. Để ban phước cho người nghèo, chúng ta hiến tặng của lễ nhịn ăn rộng rãi cho vị giám trợ hay chủ tịch chi nhánh bằng ít nhất giá trị của hai bữa ăn mà chúng ta không ăn. Những ý nghĩ và lời cầu nguyện của chúng ta hướng tới Đấng Cứu Rỗi và tới những người Ngài muốn chúng ta phục vụ bằng cách phụ giúp các nhu cầu thuộc linh và vật chất của họ.

Do đó, những lời cầu nguyện và ước muốn của chúng ta trở nên giống hơn với những lời cầu nguyện và ước muốn của Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta nhịn ăn để trở nên hiền lành, dễ dạy, và nhân từ hơn. Và như Ngài đã làm, chúng ta cầu nguyện để biết ý muốn của Đức Chúa Cha dành cho chúng ta và để làm điều đó.