Viện Giáo Lý
6 Ân Tứ và Quyền Năng của Thượng Đế


“Ân Tứ và Quyền Năng của Thượng Đế,” chương 6 của sách Các Thánh Hữu: Câu Chuyện về Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong Những Ngày Sau, Tập 1, Cờ Hiệu về Lẽ Thật, 1815–1846 (2018)

Chương 6: “Ân Tứ và Quyền Năng của Thượng Đế”

CHƯƠNG 6

Ân Tứ và Quyền Năng của Thượng Đế

Hình Ảnh
Lọ mực

Khi Joseph quay trở lại Harmony vào mùa hè năm 1828, Mô Rô Ni hiện đến cùng ông một lần nữa và lấy đi các bảng khắc. Vị thiên sứ phán: “Nếu ngươi đủ khiêm nhường và đủ ăn năn, thì ngươi sẽ nhận lại các vật này vào ngày hai mươi hai tháng Chín.”1

Cảm giác tội lỗi làm Joseph vô cùng phiền muộn.2 Ông biết rằng ông đã sai khi phớt lờ ý muốn của Thượng Đế và giao phó tập bản thảo cho Martin. Giờ đây Thượng Đế không còn tin tưởng giao phó các bảng khắc và những dụng cụ phiên dịch cho ông nữa. Ông cảm thấy như ông đáng chịu bất kỳ sự trừng phạt nào mà Thượng Đế giáng xuống mình.3

Lòng nặng trĩu cảm giác tội lỗi và ăn năn, ông quỳ xuống, thú nhận các tội lỗi của mình, và xin được tha thứ. Ông ngẫm nghĩ về điều ông đã làm sai và việc mà ông có thể làm tốt hơn nếu như Chúa cho ông phiên dịch lần nữa.4

Vào một ngày tháng Bảy, khi Joseph đang đi bộ cách xa nhà một quãng ngắn, Mô Rô Ni hiện đến cùng ông. Vị thiên sứ giao cho ông các dụng cụ phiên dịch, và Joseph nhận được một sứ điệp thiêng liêng từ chúng: “Những công việc, những dự định, và những mục đích của Thượng Đế không thể bị thất bại và cũng không thể thành hư không được.”5

Những lời đó nhằm trấn an, nhưng ngay sau đó là những lời khiển trách. Chúa phán rằng: “Những giáo lệnh ban cho ngươi thật nghiêm khắc biết bao, ngươi không nên sợ loài người hơn sợ Thượng Đế.” Ngài truyền lệnh cho Joseph phải cẩn thận hơn với những vật thiêng liêng. Biên sử trên những bảng khắc bằng vàng quan trọng hơn tiếng tăm của Martin hay ước muốn của Joseph để làm hài lòng người khác. Thượng Đế đã chuẩn bị biên sử đó để tái lập giao ước cổ xưa của Ngài và để dạy cho tất cả loài người phải nương cậy vào Chúa Giê Su cho sự cứu rỗi.

Chúa thôi thúc Joseph ghi nhớ lòng thương xót của Ngài. Ngài truyền lệnh: “Hãy hối cải điều ngươi đã làm, thì ngươi vẫn được chọn.” Một lần nữa, Ngài kêu gọi Joseph để làm vị tiên tri và tiên kiến của Ngài. Tuy nhiên Ngài cảnh cáo ông phải lưu tâm đến lời của Ngài.

Ngài tuyên phán rằng: “Trừ khi ngươi làm như vậy, bằng không ngươi sẽ bị bỏ mặc và trở thành như những kẻ khác, và sẽ không còn ân tứ nào cả.”6


Vào mùa thu đó, cha mẹ của Joseph đi về phía nam để đến Harmony. Gần hai tháng đã trôi qua kể từ khi Joseph rời khỏi nhà của họ ở Manchester, và họ không nghe tin tức gì từ ông. Họ lo sợ là các bi kịch vào mùa hè đã làm ông suy sụp. Chỉ trong vòng vài tuần, ông đã mất đi đứa con đầu lòng, gần mất luôn người vợ của mình, và làm thất lạc các trang bản thảo. Họ muốn chắc chắn rằng ông và Emma ổn.

Chưa đầy một dặm nữa là đến nơi, Joseph Sr. và Lucy đã vui mừng khôn xiết khi thấy Joseph đang đứng trên đường trước mặt họ, nhìn ông điềm tĩnh và hạnh phúc. Ông kể cho họ về việc mất đi sự tin tưởng của Thượng Đế, sự hối cải các tội lỗi của ông, và việc nhận được sự mặc khải. Lời quở trách của Chúa khiến ông đau nhói, nhưng giống như các vị tiên tri thời xưa ông đã viết xuống điều mặc khải cho những người khác đọc. Đây là lần đầu tiên ông ghi lại lời của Chúa phán cùng ông.

Joseph cũng nói với cha mẹ ông rằng kể từ lúc đó Mô Rô Ni đã trả lại các bảng khắc và những dụng cụ phiên dịch. Vị thiên sứ dường như rất hài lòng, Joseph nhớ lại. “Ông ấy bảo con rằng Chúa yêu thương con vì lòng thành tín và khiêm nhường của con.”

Biên sử giờ đây được cất an toàn trong ngôi nhà, được giấu trong một cái hòm. Josph nói với họ: “Giờ thì Emma biên chép cho con, nhưng vị thiên sứ nói rằng Chúa sẽ gửi một người nào đó đến để viết cho con, và con tin rằng việc đó sẽ là như vậy.”7


Vào mùa xuân năm sau, Martin Harris đi đến Harmony với một vài tin xấu. Vợ của ông đã khiếu nại lên tòa, cáo buộc Joseph là một kẻ lừa đảo giả bộ phiên dịch các bảng khắc bằng vàng. Bấy giờ Martin đang đợi được triệu tập ra tòa làm chứng. Ông sẽ phải tuyên bố rằng Joseph đã lừa ông, hoặc là Lucy cũng sẽ buộc tội ông với tội lừa đảo.8

Martin gây sức ép đòi Joseph phải đưa cho ông thêm bằng chứng rằng các bảng khắc là có thật. Ông muốn thưa với tòa về tất cả mọi điều về việc phiên dịch, nhưng lo sợ người ta sẽ không tin ông. Suy cho cùng, Lucy đã tìm kiếm khắp nhà gia đình Smith nhưng không bao giờ tìm được biên sử. Và mặc dù Martin đã giúp biên chép cho Joseph trong hai tháng, ông cũng chưa bao giờ thấy các bảng khắc và không thể làm chứng rằng ông đã thấy.9

Joseph cầu vấn Chúa về câu hỏi đó và nhận được câu trả lời cho người bạn của mình. Chúa sẽ không nói cho Martin biết điều gì cần phải nói trước tòa, Ngài cũng sẽ không cung cấp cho ông thêm bất cứ bằng chứng nào cho đến khi Martin chọn để khiêm nhường và thực hành đức tin. Ngài phán rằng: “Nếu họ không tin lời của ta thì họ cũng sẽ không tin ngươi, là tôi tớ Joseph của ta, dù cho ngươi có thể cho họ trông thấy tất cả những vật này mà ta đã ủy thác cho ngươi.”

Tuy nhiên, Chúa hứa sẽ đối xử với Martin một cách nhân từ nếu ông làm điều giống như Joseph đã làm trong mùa hè đó và hạ mình khiêm nhường, tin cậy nơi Thượng Đế, và học hỏi từ những lỗi lầm của mình. Ba nhân chứng thành tín sẽ thấy các bảng khắc vào đúng thời điểm, Chúa phán, và Martin có thể là một trong số họ nếu ông ngừng tìm kiếm sự chấp thuận của những người khác.10

Trước khi kết thúc những lời của Ngài, Chúa đưa ra một lời tuyên phán. Ngài phán: “Nếu thế hệ này không cứng lòng thì ta sẽ thiết lập giáo hội của ta giữa họ.”11

Joseph nhớ lại những lời này khi Martin sao chép lại sự mặc khải. Rồi ông và Emma lắng nghe Martin đọc lại lời đó để kiểm tra tính chính xác. Khi họ đang đọc, cha của Emma bước vào phòng và lắng nghe. Khi họ kết thúc, ông hỏi những lời đó của ai.

Joseph và Emma giải thích: “Đó là những lời của Chúa Giê Su Ky Tô.”

Isaac nói: “Cha cho rằng toàn bộ việc này là trò bịp bợm. Dừng lại đi.”12

Phớt lờ cha của Emma, Martin cầm lấy bản sao điều mặc khải và leo lên xe ngựa về nhà. Ông đã đến Harmony để tìm bằng chứng về các bảng khắc, và ông ra về với một điều mặc khải làm chứng về tính xác thật của chúng. Ông không thể sử dụng điều mặc khải này trước tòa, nhưng ông quay trở lại Palmyra với sự hiểu biết rằng Chúa quan tâm đến ông.

Sau đó, khi Martin đứng trước vị thẩm phán, ông đã đưa ra một lời chứng đơn giản mà mạnh mẽ. Với một tay giơ lên trời, ông làm chứng rằng các bảng khắc bằng vàng có thật và tuyên bố rằng ông đã tự nguyện cho Joseph năm mươi đô la để làm công việc của Chúa. Vì không có chứng cớ xác nhận những lời buộc tội của Lucy, tòa bãi bỏ vụ án này.13

Trong khi đó, Joseph tiếp tục việc phiên dịch, và cầu nguyện Chúa sớm gửi cho ông một người biên chép khác.14


Quay lại ở Manchester, một người thanh niên trẻ tuổi tên Oliver Cowdery đang sống cùng cha mẹ của Joseph. Oliver ít hơn Joseph một tuổi, và vào mùa thu năm 1828 ông bắt đầu dạy học tại một ngôi trường cách trang trại gia đình Smith một dặm về phía nam.

Các giáo viên thường sống cùng gia đình của học sinh của họ, và khi Oliver nghe những lời đồn đại về Joseph và các bảng khắc bằng vàng, ông đã yêu cầu để được ở cùng gia đình Smith. Lúc đầu ông chỉ có thể biết một ít chi tiết từ gia đình họ. Tập bản thảo bị lấy cắp và những gièm pha ở xung quanh đã làm cho họ cẩn trọng đến mức sẽ không chia sẻ gì cả.15

Nhưng trong mùa đông cuối năm 1828 đầu năm 1829 khi Oliver dạy con cái của gia đình Smith, ông có đạt được sự tin cậy của những người chủ nhà. Trong khoảng thời gian này, Joseph Sr. đã trở về từ chuyến đi đến Harmony với một sự mặc khải tuyên bố rằng Chúa sẽ bắt đầu một công việc kỳ diệu.16 Trước đó Oliver đã chứng tỏ mình là một người chân thành tìm kiếm lẽ thật, nên cha mẹ của Joseph đã cởi mở với ông về sự kêu gọi thiêng liêng của con trai họ.17

Điều họ nói đã thu hút Oliver, và ông ước ao được phụ giúp việc phiên dịch. Giống như Joseph, Oliver bất mãn với các giáo hội hiện đại và tin vào một Thượng Đế có phép lạ là Đấng vẫn mặc khải ý muốn của Ngài cho loài người.18 Nhưng Joseph và các bảng khắc bằng vàng thì ở xa, và Oliver không biết ông có thể giúp bằng cách gì nếu ông vẫn ở lại Manchester.

Vào một ngày mùa xuân, khi mưa rơi nặng hạt trên mái nhà Smith, Oliver nói với gia đình rằng ông muốn đi đến Harmony để giúp Joseph khi học kỳ kết thúc. Lucy và Joseph Sr. thuyết phục ông cầu vấn Chúa xem những ước muốn của ông có đúng không.19

Khi trở về phòng ngủ, Oliver đã cầu nguyện riêng để biết xem những điều ông đã nghe về các bảng khắc bằng vàng có đúng thật không. Chúa đã cho ông thấy một khải tượng về các bảng khắc bằng vàng và những nỗ lực của Joseph để dịch các bảng khắc. Một cảm giác bình an bao trùm lấy ông, và khi đó ông biết rằng ông nên tình nguyện làm người biên chép cho Joseph.20

Oliver đã không nói cho ai biết về lời cầu nguyện của mình. Nhưng ngay khi học kỳ kết thúc, ông và người em trai Samuel của Joseph bắt đầu đi bộ đến Harmony, cách xa hơn trăm dặm. Đường đi thì lạnh và lầy lội sau mưa xuân, và một ngón chân của Oliver đã bị tổn thương do lạnh trước khi ông và Samuel đến trước cửa nhà Joseph và Emma. Mặc dù vậy ông vẫn háo hức để gặp hai vợ chồng và tận mắt chứng kiến cách Chúa làm việc qua vị tiên tri trẻ tuổi.21


Một khi Oliver đã đến Harmony rồi, thì cứ như thể ông đã luôn luôn ở đó. Joseph nói chuyện với ông đến tận khuya, lắng nghe câu chuyện của ông, và trả lời các câu hỏi của ông. Rõ ràng rằng Oliver được học hành tử tế, và Joseph sẵn sàng đồng ý khi ông đề nghị làm người biên chép cho Joseph.

Sau khi Oliver đến, điều trước tiên mà Joseph cần làm là tìm được một nơi làm việc. Ông đã yêu cầu Oliver viết ra một bản hợp đồng trong đó Joseph hứa trả cho cha vợ tiền căn nhà gỗ nhỏ nơi ông và Emma sống, cũng như kho thóc, đất nông trại, và con suối gần đó.22 Vì quan tâm đến sự an lạc của con gái, cha mẹ của Emma đồng ý với các điều khoản và hứa sẽ làm dịu đi nỗi sợ của những người láng giềng về Joseph.23

Trong lúc đó, Joseph và Oliver khởi sự phiên dịch. Họ làm việc ăn ý với nhau, trong nhiều tuần liền, thường là với Emma cũng ở trong phòng làm những việc hằng ngày của mình.24 Đôi khi Joseph dịch bằng cách nhìn qua các dụng cụ phiên dịch và đọc bằng tiếng Anh chữ viết trên các bảng khắc.

Ông thường xuyên thấy rằng sử dụng một viên đá tiên kiến thì thuận tiện hơn. Ông đặt viên đá tiên kiến vào mũ của mình, đưa mặt vào cái mũ để che ánh sáng, và nhìn chăm chú vào viên đá. Ánh sáng từ viên đá sẽ chiếu ra trong bóng tối, tiết lộ những từ mà Joseph sẽ đọc cho Oliver nhanh chóng chép xuống.25

Dưới sự chỉ dẫn của Chúa, Joseph đã không cố gắng phiên dịch lại phần đã bị mất. Thay vì vậy, ông và Oliver tiếp tục với phần tiếp theo của biên sử. Chúa mặc khải rằng Sa Tan đã dụ dỗ những kẻ tà ác để lấy các trang bản thảo, thay đổi từ ngữ trong đó, và sử dụng chúng để gieo nghi ngờ về bản dịch của Joseph. Nhưng Chúa quả quyết với Joseph rằng Ngài đã soi dẫn các vị tiên tri thời xưa là những người chuẩn bị các bảng khắc để thêm vào một biên sử khác, còn đầy đủ hơn phần đã bị mất.26

Chúa phán cùng Joseph là: “Ta sẽ làm cho những kẻ đã sửa đổi lời của ta sẽ phải bị bối rối. Ta sẽ cho chúng thấy rằng sự thông sáng của ta còn vĩ đại hơn sự xảo quyệt của quỷ dữ.”27

Được làm người biên chép cho Joseph khiến cho Oliver vô cùng vui sướng. Ngày qua ngày, ông lắng nghe người bạn của mình đọc lên lịch sử phức tạp của hai nền văn minh lớn, dân Nê Phi và dân La Man. Ông học về các vị vua ngay chính và các vị vua tà ác, về những người bị rơi vào cảnh tù đày và rồi được giải thoát, về một vị tiên tri thời xưa là người đã dùng các viên đá tiên kiến để dịch các biên sử được tìm thấy ở những cánh đồng đầy xương. Giống như Joseph, vị tiên tri đó là một vị mặc khải và tiên kiến được ban cho ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.28

Biên sử này làm chứng lần nữa về Chúa Giê Su Ky Tô, và Oliver thấy được cách các vị tiên tri dẫn dắt một giáo hội thời xưa và cách những người đàn ông và phụ nữ bình thường làm công việc của Thượng Đế.

Mặc dù vậy Oliver vẫn có nhiều câu hỏi về công việc của Chúa, và ông khát khao muốn biết câu trả lời. Joseph tìm kiếm một điều mặc khải cho Oliver qua hai viên đá U Rim và Thu Mim, và Chúa đã đáp ứng. Ngài tuyên phán: “Nếu ngươi cầu xin ta thì ngươi sẽ được… Nếu ngươi cầu vấn thì ngươi sẽ biết được những điều kín nhiệm vĩ đại và kỳ diệu.”

Chúa cũng thúc giục Oliver nhớ về lời chứng mà ông đã nhận được trước khi đến Harmony, là điều mà Oliver đã giữ cho riêng mình. Chúa hỏi rằng: “Ta chẳng đã phán bình an cho tâm trí ngươi về vấn đề này rồi hay sao? Ngươi có thể nhận được bằng chứng nào lớn hơn ngoài bằng chứng từ Thượng Đế? Một khi ta nói cho ngươi hay những điều mà không một ai được biết đến thì như vậy không phải là ngươi đã nhận được bằng chứng rồi hay sao?”29

Oliver rất đỗi kinh ngạc. Ông ngay lập tức nói cho Joseph biết về lời cầu nguyện bí mật của mình và lời chứng thiêng liêng mà ông đã nhận được. Không ai có thể biết về điều đó ngoại trừ Thượng Đế, ông nói, và ông biết rằng công việc này là chân thật.

Họ quay trở lại công việc, và Oliver bắt đầu tự hỏi nếu ông có thể phiên dịch giống vậy không.30 Ông tin rằng Thượng Đế có thể làm việc qua các phương tiện như các viên đá tiên kiến, và ông đã thỉnh thoảng sử dụng một cây gậy dò mạch để tìm nước và khoáng sản. Mặc dù vậy ông không chắc rằng cây gậy của ông có hoạt động bằng quyền năng của Thượng Đế không. Tiến trình của sự mặc khải vẫn là một bí ẩn đối với ông.31

Joseph một lần nữa mang các câu hỏi của Oliver cầu vấn Chúa, và Chúa phán cùng Oliver rằng ông có quyền năng để có được sự hiểu biết nếu ông cầu xin trong đức tin. Chúa xác nhận rằng cây gậy của Oliver làm việc bởi quyền năng của Thượng Đế, giống như cây gậy của A Rôn trong thời Cựu Ước. Rồi Ngài dạy cho Oliver nhiều hơn về sự mặc khải. Ngài phán: “Ta sẽ nói trong trí của ngươi và trong tâm của ngươi bởi Đức Thánh Linh: Giờ đây, này, đây là tinh thần mặc khải.”

Ngài cũng phán với Oliver rằng ông có thể dịch biên sử giống như Joseph, chừng nào ông còn nương cậy vào đức tin. Chúa phán: “Hãy nhớ rằng, nếu không có đức tin thì ngươi sẽ chẳng làm được gì cả.”32

Sau điều mặc khải này, Oliver rất phấn khởi để phiên dịch. Ông làm theo tấm gương của Joseph, nhưng khi các từ ngữ không đến một cách dễ dàng, ông bắt đầu nản chí và bối rối.

Joseph thấy được sự vất vả của người bạn mình và rất cảm thông. Joseph đã phải bỏ ra thời gian để thay đổi tấm lòng và tâm trí của mình cho công việc phiên dịch, nhưng Oliver dường như cho rằng ông ấy có thể nắm vững việc này nhanh hơn. Điều đó không đủ để có được một ân tứ thuộc linh. Ông ấy phải trau dồi và phát triển ân tứ đó qua thời gian để có thể sử dụng trong công việc của Thượng Đế.

Oliver sớm bỏ cuộc về việc phiên dịch và hỏi Joseph tại sao ông đã không thành công.

Joseph đã cầu vấn Chúa. Ngài đã đáp ứng: “Ngươi đã cho rằng ta sẽ ban cho ngươi khả năng đó mặc dù ngươi không suy nghĩ về việc ấy mà chỉ biết cầu xin ta thôi. Ngươi phải nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình; rồi ngươi phải hỏi ta xem điều đó có đúng không.″

Chúa chỉ thị cho Oliver cần phải kiên nhẫn. Ngài phán rằng: “Bây giờ chưa phải lúc thích hợp để ngươi phiên dịch. Công việc mà ngươi được kêu gọi là biên chép cho tôi tớ Joseph của ta.” Ngài hứa với Oliver về những cơ hội khác để phiên dịch sau này, nhưng bây giờ ông ấy là người biên chép và Joseph là người tiên kiến.33

Ghi Chú

  1. Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 7, [9].

  2. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 10:2 (Revelation, Spring 1829, at josephsmithpapers.org).

  3. Xin xem Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 7, [5]–[7].

  4. Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 7, [8]–[9].

  5. Giáo Lý và Giao Ước 3:1 (Revelation, July 1828, at josephsmithpapers.org); Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 7, [8]–[9]; Joseph Smith History, 1838–56, volume A-1, 10, in JSP, H1:246 (draft 2).

  6. Giáo Lý và Giao Ước 3 (Revelation, July 1828, at josephsmithpapers.org); Joseph Smith History, circa Summer 1832, [6], in JSP, H1:16; Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 7, [8]–[9].

  7. Lucy Mack Smith, History, 1845, 138; Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 7, [8]–[11].

  8. Preface to Book of Mormon, circa Aug. 1829, in JSP, D1:92–94; “Testamoney of Martin Harris,” Sept. 4, 1870, [4], Edward Stevenson Collection, Church History Library; Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 8, [5]; Historical Introduction to Revelation, Mar. 1829 [DC 5], in JSP, D1:14–16.

  9. “Testamoney of Martin Harris,” Sept. 4, 1870, [4], Edward Stevenson Collection, Church History Library; Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 6, [9]; book 8, [5].

  10. Giáo Lý và Giao Ước 5 (Revelation, Mar. 1829, at josephsmithpapers.org).

  11. Revelation, Mar. 1829 [DC 5], in JSP, D1:17.

  12. Isaac Hale, Affidavit, Mar. 20, 1834, in “Mormonism,” Susquehanna Register, and Northern Pennsylvanian, May 1, 1834, [1]; “considered” in original changed to “consider.”

  13. Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 8, [6]–[7].

  14. Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 7, [11].

  15. Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 7, [12]; “Mormonism,” Kansas City Daily Journal, June 5, 1881, 1; Morris, “Conversion of Oliver Cowdery,” 5–8.

  16. Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 7, [12]; Knight, Reminiscences, 5; Giáo Lý và Giao Ước 4 (Revelation, Feb. 1829, at josephsmithpapers.org); xin xem thêm Darowski, “Joseph Smith’s Support at Home,” 10–14.

  17. Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 7, [12].

  18. Oliver Cowdery to William W. Phelps, Sept. 7, 1834, LDS Messenger and Advocate, Oct. 1834, 1:15.

  19. Giáo Lý và Giao Ước 6 (Revelation, Apr. 1829–A, at josephsmithpapers.org); Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 7, [12]; book 8, [1].

  20. Joseph Smith History, 1838–56, volume A-1, 15, in JSP, H1:284 (draft 2); Joseph Smith History, circa Summer 1832, [6], in JSP, H1:16; Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 8, [1]; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 6:22–23 (Revelation, Apr. 1829–A, at josephsmithpapers.org).

  21. Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 8, [3]–[4]; Joseph Smith History, circa Summer 1832, [6], in JSP, H1:16.

  22. Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 8, [4]; Joseph Smith History, 1838–56, volume A-1, 13, in JSP, H1:276 (draft 2); Agreement with Isaac Hale, Apr. 6, 1829, in JSP, D1:28–34; Oliver Cowdery to William W. Phelps, Sept. 7, 1834, LDS Messenger and Advocate, Oct. 1834, 1:14.

  23. Joseph Smith History, 1838–56, volume A-1, 18, in JSP, H1:296 (draft 2).

  24. Joseph Smith History, 1838–56, volume A-1, 15, in JSP, H1:284 (draft 2); Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 8, [4]; Joseph Smith III, “Last Testimony of Sister Emma,” Saints’ Herald, Oct. 1, 1879, 290. Đề tài: Cuộc Sống Hằng Ngày của Các Thánh Hữu Ngày Sau Thế Hệ Đầu

  25. “Book of Mormon Translation,” Gospel Topics, topics.lds.org; Joseph Smith History, 1838–56, volume A-1, 15, in JSP, H1:284 (draft 2); Oliver Cowdery to William W. Phelps, Sept. 7, 1834, LDS Messenger and Advocate, Oct. 1834, 1:14; Joseph Smith III, “Last Testimony of Sister Emma,” Saints’ Herald, Oct. 1, 1879, 290; “Golden Bible,” Palmyra Freeman, Aug. 11, 1829, [2]. Đề tài: Việc Phiên Dịch Sách Mặc Môn

  26. Giáo Lý và Giao Ước 10:45 (Revelation, Spring 1829, at josephsmithpapers.org); 1 Nê Phi 9:5; Lời Mặc Môn 1; Giáo Lý và Giao Ước 3 (Revelation, July 1828, at josephsmithpapers.org).

  27. Giáo Lý và Giao Ước 10:42–43 (Revelation, Spring 1829, at josephsmithpapers.org). Đề tài: Tập Bản Thảo Bị Mất của Sách Mặc Môn

  28. Oliver Cowdery to William W. Phelps, Sept. 7, 1834, LDS Messenger and Advocate, Oct. 1834, 1:14; Mô Si A 8:16–18; xin xem thêm Ôm Ni 1:20; Mô Si A 8:8–13; 28:11–15, 20; An Ma 37:21, 23; và Ê The 3:24–28.

  29. Giáo Lý và Giao Ước 6:5, 11, 22–24 (Revelation, Apr. 1829–A, at josephsmithpapers.org).

  30. Giáo Lý và Giao Ước 6:10–13 (Revelation, Apr. 1829–A, at josephsmithpapers.org); Giáo Lý và Giao Ước 8:4–8 (Revelation, Apr. 1829–B, at josephsmithpapers.org); Historical Introduction to Revelation, Apr. 1829–B [DC 8], in JSP, D1:44–45; Revelation Book 1, 13, in JSP, MRB:15.

  31. Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 8, [1]; Paul and Parks, History of Wells, Vermont, 81; Historical Introduction to Revelation, 1829–B [DC 8], in JSP, D1:44–45; see also Baugh, Days Never to Be Forgotten; Bushman, Rough Stone Rolling, 73; and Morris, “Oliver Cowdery’s Vermont Years and the Origins of Mormonism,” 106–29. Đề tài: Gậy Dò Mạch

  32. Giáo Lý và Giao Ước 6 (Revelation, Apr. 1829–A, at josephsmithpapers.org); Giáo Lý và Giao Ước 8 (Revelation, Apr. 1829–B, at josephsmithpapers.org); Joseph Smith History, 1838–56, volume A-1, 13–14, in JSP, H1:276–78 (draft 2); see also Book of Commandments 7:3; and Giáo Lý và Giao Ước 8:6–7.

  33. Giáo Lý và Giao Ước 9 (Revelation, Apr. 1829–D, at josephsmithpapers.org); Oliver Cowdery to William W. Phelps, Sept. 7, 1834, LDS Messenger and Advocate, Oct. 1834, 1:14.