2021
Theo Đuổi Sự Trọn Vẹn của Đấng Ky Tô
Tháng Ba năm 2021


Theo Đuổi Sự Trọn Vẹn của Đấng Ky Tô

Từ bài nói chuyện “The Measure of the Stature of the Fulness of Christ” được đưa ra trong buổi họp đặc biệt devotional dành cho những người thành niên trẻ tuổi ở nhiều vùng khác nhau tại Stanford, California, Hoa Kỳ, vào ngày 9 tháng Hai, năm 2020.

Vào mùa lễ Phục Sinh này, hãy tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô và tìm kiếm tiếng nói đầy trấn an của Ngài về sự bình an.

Hình Ảnh
Jesus with arms outstretched

Be Not Afraid (Chớ Sợ), tranh do Michael Malm họa

Tôi xin đưa ra vài suy nghĩ về công cuộc tìm kiếm riêng của mỗi anh chị em để lớn khôn “trọn vẹn” như tầm vóc của Đấng Ky Tô (xin xem Ê Phê Sô 4:13). Tôi hy vọng rằng những ý nghĩ đó sẽ có giá trị với anh chị em vào thời điểm để trưởng thành này trong cuộc sống và trong những hoàn cảnh mà anh chị em tìm thấy chính mình.

Một số anh chị em đang ở đúng nơi mình muốn ở, hoặc ít nhất anh chị em biết bản thân mình muốn đạt được điều gì trong cuộc đời mình. Một số anh chị em dường như có nhiều phước lành và những sự lựa chọn tuyệt vời ngay phía trước. Các anh chị em khác thì, trong một thời gian và vì bất cứ lý do nào, cảm thấy kém may mắn và ít có các con đường tốt đẹp trải ngay phía trước.

Nhưng bất kể anh chị em đi đâu chăng nữa và khắc phục những thử thách của mình trên chặng đường đó ra sao đi nữa, thì tôi mời anh chị em đến với Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, xem đó là bước quan trọng trước nhất để đến được đích đến riêng của anh chị em, để tìm được niềm hạnh phúc và sức mạnh cho cá nhân mình, và để đạt được vận mệnh cuối cùng và thành công tột bậc của mình (xin xem 1 Nê Phi 10:18; 2 Nê Phi 26:33; Ôm Ni 1:26; Giáo Lý và Giao Ước 18:11).

Tất cả những điều đó có thể thuộc về anh chị em nếu câu trả lời cho câu hỏi “Ngươi ở đâu?” (Môi Se 4:15) là “Con ở bất cứ nơi đâu có Ngài, thưa Chúa.”

Cuộc sống có thể đầy thử thách. Chúng ta chịu đau khổ và nuối tiếc cùng những vấn đề thật sự phải giải quyết. Chúng ta có những nỗi thất vọng và buồn phiền, trải qua đủ mọi thăng trầm. Nhưng Chúa và các vị tiên tri đã phán bảo những lời khích lệ về cách đối mặt với các vấn đề đó, đủ để có thể viết đầy vào một quyển nhật ký khổng lồ.

“Ta Để Sự Bình An Lại cho Các Ngươi”

Lời nguyện cầu cuối cùng mà Đấng Cứu Rỗi ban cho các môn đồ Ngài ngay cả khi Ngài đang tiến gần đến nỗi đau đớn, thống khổ ở vườn Ghết Sê Ma Nê và Đồi Sọ thật cảm động khôn xiết. Trong đêm ấy, đêm của nỗi đau đớn bậc nhất và duy nhất từng có hoặc đã từng xảy ra trên thế gian, Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi. … Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).

Thật là một quan điểm đáng kinh ngạc về cuộc sống trong những giờ phút thống khổ nhất! Làm thế nào Ngài có thể phán bảo được điều đó, trong khi đối mặt với điều Ngài biết là Ngài sắp phải trải qua? Ngài có thể phán bảo điều đó bởi vì Giáo Hội và phúc âm của Ngài sẽ luôn có những kết thúc có hậu! Phần thắng đã chắc chắn được Ngài giành lấy cho chúng ta rồi. Ngài đang phán bảo một quan điểm lâu dài, Ngài đang chia sẻ một bức tranh lớn.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng một vài người chúng ta hẳn là vẫn còn giữ lại chút quan điểm của Thanh Giáo cho rằng hình như là sai trái để được an ủi hoặc giúp đỡ, rằng chúng ta lẽ ra sẽ luôn luôn bị khổ sở về một điều gì đó. Tôi thừa nhận rằng để “cứ vững lòng” (Giăng 16:33) trong lúc tìm kiếm “tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô” (Ê Phê Sô 4:13) có lẽ là một lệnh truyền mà hầu như khó tuân theo, ngay cả trong lòng của các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín; và chắc chắc không điều gì có thể làm trái tim nhân từ của Chúa đau buồn hơn.

Tôi cũng sẽ lo lắng nếu như có lúc nào đó trong cuộc sống, một đứa con của tôi cực kỳ gặp khó khăn hay khổ sở hoặc bất tuân, thì tôi chắc chắn sẽ càng suy sụp vô cùng nếu tôi cảm thấy rằng vào lúc đó, đứa con của tôi lại không thể tin cậy tôi để giúp đỡ hoặc nghĩ là những mong muốn của nó lại không quan trọng đối với tôi hoặc là không an toàn trong sự chăm sóc của tôi.

Trong cùng tinh thần đó, tôi tin chắc rằng không ai trong chúng ta có thể trân trọng đủ đối với sự tổn thương sâu sắc trong tấm lòng nhân từ của Thượng Đế Đức Chúa Cha hoặc Vị Nam Tử của Ngài, Đấng Cứu Rỗi của thế gian, khi Hai Ngài thấy loài người không cảm thấy tin cậy sự chăm sóc của Hai Ngài, hoặc không thấy an toàn trong bàn tay của Hai Ngài, hay là không tin tưởng vào những lệnh truyền của Hai Ngài. Thưa các bạn của tôi, chỉ với mỗi lý do đó, chúng ta đã có bổn phận để vững lòng rồi!

“Ân Điển của Ngài Là Đã Đủ Rồi”

Một lời khuyên nhỏ khác về việc tìm kiếm Đấng Ky Tô và tầm thước của sự trọn vẹn của Ngài đã xảy ra sau khi Chúa Giê Su thực hiện phép lạ cho 5.000 người ăn với năm cái bánh và hai con cá (xin xem Ma Thi Ơ 14:13–21). (Tiện thể, hãy đừng lo lắng về việc Đấng Ky Tô không còn phép lạ để giúp anh chị em. “Ân điển của [Ngài là đã đủ rồi]” [2 Cô Rinh Tô 12:9]. Có một bài học thuộc linh vĩnh cửu từ phép lạ này. Ngài có nhiều phước lành đủ cho tất cả chúng ta, giống như những cái giỏ còn đầy thức ăn thừa! Hãy tin tưởng và vui hưởng lời mời của Ngài để ăn “bánh của sự sống”! [Giăng 6:35].)

Sau khi Chúa Giê Su đã cho đám đông dân chúng ăn, Ngài cho họ đi về và đưa những môn đồ của mình lên một chiếc thuyền đánh cá để đi sang bờ bên kia Biển Ga Li Lê. Rồi Ngài “lên núi để cầu nguyện riêng” (Ma Thi Ơ 14:23).

Khi các môn đồ lên thuyền của họ, trời đã trở tối, và đó là một đêm giông bão. Các cơn gió hẳn rất hung tợn ngay từ ban đầu. Bởi gió lốc, những người đàn ông này có lẽ không thể giương buồm lên được mà phải chèo bằng tay—và hẳn họ đã chèo cật lực.

Chúng ta biết được vậy bởi vì khi đến “canh tư đêm ấy” (Ma Thi Ơ 14:25)—khoảng giữa 3:00 và 6:00 giờ sáng—họ chỉ đi được vài cây số (xin xem Giăng 6:19). Vào lúc đó, con thuyền đã mắc phải một trận bão thật sự dữ dội.

Nhưng, Đấng Ky Tô luôn luôn trông chừng họ. Thấy sự khó khăn của họ, Đấng Cứu Rỗi chỉ hướng thẳng đến con thuyền, sải bước trên những ngọn sóng để giúp đỡ họ.

Hình Ảnh
Jesus Christ helping Peter up out of the stormy seas

Finisher of Faith (Đấng Hoàn Tất Đức Tin), tranh do J. Alan Barrett họa

“Đừng Sợ”

Trong giây phút cùng cực của họ, các môn đồ nhìn và thấy trong màn đêm bóng người kỳ diệu này trong tà áo choàng phập phùng hướng về phía họ giữa những gợn sóng nhấp nhô. Họ hoảng sợ la lên trước cảnh tượng ấy, nghĩ rằng đó là một bóng ma trên biển. Và rồi, giữa cơn bão và bóng tối—khi biển cả dường như quá mênh mông và con thuyền của họ dường như quá bé nhỏ—có một tiếng nói trấn an tuyệt vời đầy bình yên từ Đấng Thầy của họ: “Ấy là ta đây; đừng sợ” (Ma Thi Ơ 14:27).

Câu chuyện này trong thánh thư nhắc nhở chúng ta rằng khi đến cùng Đấng Ky Tô, tìm kiếm sự trọn vẹn của Ngài, hoặc khi Ngài mang sự trọn vẹn đó đến cho chúng ta, thì bước đầu tiên có lẽ sẽ làm chúng ta tràn ngập một cảm giác sợ hãi tột độ. Việc đó không nên như vậy, nhưng đôi khi nó là như vậy. Một trong những điều trớ trêu nhất của phúc âm là chính cái nguồn lực giúp đỡ và mang đến sự an toàn cho chúng ta lại là thứ mà với sự thiển cận trần thế của mình, chúng ta có thể trốn tránh.

Với đủ mọi lý do, tôi đã thấy những người tầm đạo né tránh chịu phép báp têm. Tôi đã thấy những người mang chức phẩm anh cả trốn tránh đi phục vụ truyền giáo. Tôi đã thấy những người yêu nhau né tránh hôn nhân. Tôi đã thấy các tín hữu né tránh những sự kêu gọi mang tính thử thách. Và tôi đã thấy nhiều người trốn tránh tư cách tín hữu Giáo Hội của họ.

Quá thường xuyên, chúng ta chạy trốn khỏi những gì mà sẽ cứu chúng ta và làm giảm nhẹ nỗi đau của chúng ta. Quá thường xuyên, chúng ta thấy các cam kết phúc âm là một điều gì đó đáng sợ và rồi từ bỏ luôn.

Anh Cả James E. Talmage (1862–1933) đã nói: “Trong cuộc đời của mỗi người trưởng thành đều có những kinh nghiệm giống như trận chiến của những con thuyền vật vã trong bão phải chống chọi với gió thổi ngược và biển cả đầy hăm dọa; luôn luôn, những đêm khó khăn và nguy hiểm đôi khi xảy ra từ lâu trước khi sự cứu giúp tới; và rồi, sự giúp đỡ đó lại thường bị nhầm tưởng là một nỗi kinh hãi lớn hơn. [Nhưng,] giống như đã phán cùng [các môn đồ đó] giữa sóng gió hỗn loạn, tiếng nói của Đấng Giải Cứu cũng sẽ đến với tất cả những ai đang phải nhọc nhằn trong đức tin—‘Ấy là ta đây; đừng sợ chi.’”1

Đến cùng Ngài

Điều tuyệt vời về lời mời này để tiếp nhận Đấng Cứu Rỗi, đến cùng Ngài và theo đuổi sự trọn vẹn trong tầm thước của Ngài, đó là bất cứ ai cũng có thể làm được. Điều đó không có nghĩa là mỗi người mà anh chị em biết sẽ muốn tuân giữ các lệnh truyền, hoặc là bất kỳ ai mà anh chị em vô tình gặp sẽ đang tuân giữ các lệnh truyền. Nhưng điều đó có nghĩa là việc tuân giữ các lệnh truyền là khả thi, mà không cần đến bất kỳ ân tứ đặc biệt hoặc di sản nào cả.

Tôi tha thiết cầu xin để đức tin mà “tỏa chiếu, sáng ngời, thanh khiết và vững mạnh” nơi Đấng Ky Tô sẽ “thấm đượm vào văn hóa của [chúng ta],”2 và để cho chúng ta đạt được trọn vẹn tầm vóc của Đấng Ky Tô trong cuộc sống của mình (xin xem Ê Phê Sô 4:13).

Cuộc sống sẽ thử thách anh chị em. Những khó khăn sẽ đến. Sẽ có sự đau lòng. Những người thân yêu sẽ qua đời. Vì vậy, cho dù anh chị em đi đâu, hãy hướng lối đi của mình về Chúa Giê Su Ky Tô trước hết. Hãy nhớ rằng nỗi đau đớn và Sự Phục Sinh của Ngài làm cho chúng ta có thể chiến thắng khó khăn và cái chết. Hãy lập những giao ước của mình với Ngài và giữ vững chúng trong khi tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Với mọi sự yếu kém của bản thân mà tôi biết rất rõ, tôi mong mỏi chúng ta đạt được “tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô.” Tôi muốn đến cùng Ngài. Tôi muốn Ngài, nếu có thể được, đến cùng tôi. Và tôi thật sự mong muốn phước lành đó cho tất cả anh chị em.

Ghi Chú

  1. James E. Talmage, Jesus the Christ (năm 1916), trang 337.

  2. Eric Metaxas, Bonhoeffer: Pastor, Martyr, Prophet, Spy (năm 2010), trang 248.