2014
Bênh Vực cho Điều Chúng Ta Tin
Tháng Mười năm 2014


Bênh Vực cho Điều Chúng Ta Tin

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà trong đó nhiều người thấy điều xấu là tốt và điều tốt là xấu, và chúng ta phải giữ vững lập trường của mình về điều tốt. Sau đây là các chứng ngôn của các thành niên trẻ tuổi đã bênh vực cho điều họ tin. Họ không tranh cãi hay phản ứng với nỗi giận dữ hay sự tàn nhẫn. Họ đã cho thấy “cả lòng dũng cảm lẫn lễ độ”1 và, do đó, đã củng cố những người khác (xin xem 3 Nê Phi 12:44–45).

Em Trai Tôi Đã Từ Chối Uống Rượu Sâm Banh

Hình Ảnh
Amber liquid in three of 4 wine glasses. All four glasses have red roses in them.

Ở Pháp, nghĩa vụ quân sự là bắt buộc. Em trai 20 tuổi của tôi, Loïc, quyết định đi học trường sĩ quan dự bị để trở thành một trung úy. Vào cuối khóa học của nó, có một buổi lễ tuyên thệ dành cho các sĩ quan mới. Từng người lần lượt đọc thuộc lòng khẩu hiệu của trung đoàn. Rồi người ấy phải uống một ly sâm banh có chứa một bông hồng—phải uống và ăn hết cả. Truyền thống này bắt đầu với Napoléon Bonaparte, và kể từ lúc đó các sĩ quan đều tham gia.

Loïc nói với vị đại tá rằng các nguyên tắc tôn giáo của nó không cho phép nó uống rượu. Một không khí im lặng ngột ngạt tiếp theo lời yêu cầu của Loïc để được miễn trừ. Vị đại tá đứng lên. Thay vì bắt buộc Loïc phải uống rượu sâm banh, vị đại tá chúc mừng nó đã tuân giữ các nguyên tắc của mình bất chấp áp lực, và ông nói rằng ông rất hãnh diện chào đón người đàn ông liêm khiết này vào trung đoàn của ông. Họ đã thay thế rượu sâm banh, và Loïc đã tham dự lễ tuyên thệ.

Pierre Anthian, Pháp

Tôi Được Mời đến một Bữa Tiệc Liên Hoan Khiếm Nhã

Hình Ảnh
Asian woman sitting at a desk looking very sad and emotional. She looks like she is ready to cry.

Sau khi học xong đại học, chị Grace của tôi và tôi làm việc cho một công ty có một vài Thánh Hữu Ngày Sau khác. Bà chủ của chúng tôi không phải là tín hữu của Giáo Hội. Khi chị tôi đính hôn, bà chủ của chúng tôi dự định làm chị tôi ngạc nhiên bằng cách tổ chức cho chị tôi một buổi tiệc mừng cô dâu tương lai. Tôi hy vọng là bà chủ sẽ tôn trọng các tiêu chuẩn của chúng tôi, nhưng thay vào đó bà chủ đặt mua rượu, một vũ công nam, và một video khiếm nhã.

Trước khi bữa tiệc mừng cô dâu tương lai, tôi cảm thấy những lời mách bảo của Đức Thánh Linh trong tôi khuyến khích tôi nên nhắc nhở bà chủ của tôi về các tiêu chuẩn của chúng tôi. Tôi nắm chặt chiếc huy chương Hội Thiếu Nữ của mình và nghĩ đến tất cả nỗ lực và hy sinh tôi đã làm khi tôi còn ở trong Hội Thiếu Nữ để hoàn thành chương trình tiến triển cá nhân của tôi. Tôi đã cầu nguyện rằng tôi sẽ được hướng dẫn vào lúc này để bênh vực điều tôi đã tin. Tôi gửi tin nhắn cho bà chủ của tôi nói về mối quan tâm của tôi, nghĩ rằng bà ấy có thể bị phật lòng. Tuy nhiên, ước muốn lớn nhất của tôi là để làm hài lòng Cha Thiên Thượng.

Khi bữa tiệc liên hoan bắt đầu, bà chủ của tôi đã không nói chuyện với tôi hoặc thậm chí còn không mỉm cười với tôi. Tuy nhiên, bà đã hủy bỏ người vũ công và cuốn video.

Trong những ngày sau bữa tiệc, bà chủ của tôi đã không nói chuyện và cười với tôi giống như bà đã từng làm trước khi bữa tiệc. Tuy nhiên, tôi cảm thấy dễ chịu vì tôi biết rằng Thượng Đế đã hài lòng với điều tôi đã làm. Khoảng một tuần sau, mối quan hệ của tôi với bà chủ của tôi đã trở lại bình thường. Tôi biết Thượng Đế đã làm mềm lòng của bà và giúp bà nhận biết rằng tôi đã sống theo điều tôi tin.

Lemy Labitag, Cagayan Valley, Philippines

Tôi Đã Nghe Lời Lẽ Đầy Xúc Phạm trong Lớp Học

Hình Ảnh
High school sewing class full of young women.

Khi tôi khoảng 18 tuổi, tôi theo học một lớp học may. Một hôm, có ba cô gái đứng cách tôi một vài mét bắt đầu sử dụng lời lẽ khiếm nhã. Tôi không biết là tôi có nên bỏ qua để tránh một cuộc xung đột không hay là tôi nên đứng lên bênh vực cho các tiêu chuẩn của mình và yêu cầu họ đừng sử dụng lời lẽ khiếm nhã nữa. Cuối cùng, tôi đã cố gắng nói rất lễ độ: “Xin lỗi, các chị có thể làm ơn cẩn thận với lời lẽ của mình được không?”

Một cô gái lớn nhất nhìn tôi với ánh mắt giận dữ và nói: “Chúng tôi muốn nói gì thì chúng tôi nói chứ.”

Tôi nói: “Nhưng các chị có thực sự cần phải chửi thề không? Lời lẽ đó thật sự xúc phạm đến tôi.”

Cô ấy nói: “Vậy thì đừng nghe.”

Tôi bắt đầu cảm thấy bực tức và nói: “Thật khó mà không nghe khi các chị nói chuyện rất lớn tiếng.”

Cô ấy nói: “Ráng chịu vậy.”

Tôi chịu thua. Tôi cảm thấy bực tức với các cô gái đó, nhưng càng bực tức hơn đối với bản thân mình. Tôi không thể tin rằng tôi đã để cho lời lẽ của tôi trở thành tranh cãi. Các cô gái ấy vẫn chửi thề, và bây giờ tất cả chúng tôi đều tức giận.

Sau khi bình tĩnh lại, tôi thấy rằng máy may của các cô gái ấy đang bị trục trặc. Tôi biết vấn đề trục trặc đó là gì vì tôi cũng đã từng gặp phải vấn đề đó. Vậy nên tôi chỉ cho họ cách sửa máy. Tôi nhìn thấy vẻ mặt của cô gái lớn nhất thay đổi rõ rệt. Cô ấy nói: “Này, chúng tôi xin lỗi nhé.” Tôi không thể tin nổi —cô gái ấy đã nói lời xin lỗi. Tôi nói với cô gái ấy: “Tôi cũng xin lỗi nhé.” “Tôi không nên tức giận như thế.”

Tôi quay trở lại máy may của mình và không nghe một lời chửi thề nào nữa. Kinh nghiệm đó đã dạy tôi biết rằng lời nói của chúng ta có thể không thay đổi thái độ của người khác, nhưng lòng tử tế và sự phục vụ thường có thể làm được điều đó.

Katie Pike, Utah, Hoa Kỳ

Tôi Biện Hộ Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo

Tôi gia nhập Giáo Hội khi tôi 19 tuổi, là đứa con thứ hai trong số ba đứa con trai và là Thánh Hữu Ngày Sau duy nhất trong gia đình tôi. Một thời gian ngắn sau khi chịu phép báp têm, tôi bắt đầu cảm thấy có ước muốn được phục vụ truyền giáo. Sau một năm, Thánh Linh phán bảo tôi nên đi. Tôi đã nói chuyện với mẹ tôi, bà cảm thấy việc tôi đi truyền giáo là không đúng. Tôi trì hoãn thêm một năm nữa, nhưng vẫn có ước muốn đi phục vụ truyền giáo. Trong năm đó, tôi đã nghiên cứu thánh thư, để dành tiền, chuẩn bị giấy tờ, đi khám sức khỏe, và—sau khi mọi thứ khác đã được hoàn tất—tôi chờ đợi Chúa. Chẳng bao lâu sau, tôi nhận được một sự kêu gọi đi phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Campinas Brazil.

Cha mẹ tôi vẫn còn phản đối. Tôi công khai nhịn ăn và cầu nguyện, thưa với Cha Thiên Thượng về tất cả những nỗi sợ hãi của tôi. Tôi cầu xin Ngài làm cảm động lòng của người cha trần thế của tôi. Ngài đã làm như vậy. Trước nỗi ngạc nhiên của tôi, cha tôi đã tham dự bữa tiệc chia tay mà bạn bè của tôi đã chuẩn bị cho tôi vào ngày thứ Bảy trước khi tôi lên đường. Và ngày thứ Hai đó, cha tôi đã đưa tôi ra sân bay.

Trong lúc truyền giáo, tôi cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế trong khi tôi thuyết giảng phúc âm. Mẹ tôi vẫn là một người mẹ, và khi tôi trở về nhà, bà là người đầu tiên ôm chặt lấy tôi.

Tôi đã biết được rằng công việc phục vụ truyền giáo có ý nghĩa còn nhiều hơn là một bổn phận; đó là một đặc ân và một thời gian tuyệt vời để phát triển và học hỏi.

Cleison Wellington Amorim Brito, Paraíba, Brazil

Tôi Chia Sẻ Chứng Ngôn về Thượng Đế

Hình Ảnh
High school classroom. Oriental students

Là sinh viên năm thứ nhất tại trường đại học tốt nhất của nước tôi, tôi cảm thấy áp lực phải làm hết sức mình. Sự ngược đãi đến, và tôi bắt đầu thắc mắc về niềm tin của tôi nơi phúc âm trong khi nhiều giáo sư của tôi giải thích về điều họ cho là “thực tế.” Nhiều người trong số các bạn học của tôi đã bị ảnh hưởng. Môi trường này đã làm cho khó có thể giữ vững các giá trị Ky Tô giáo. Tôi đã nghĩ đến việc bỏ đạo nhưng quyết định là ở lại thì tốt hơn. Tôi lý luận rằng nếu chỉ có một số ít người hội đủ điều kiện để vào trường đại học này, và trong số một ít người đó chỉ có một vài Thánh Hữu Ngày Sau, thì tôi nên ở lại và bênh vực cho lẽ thật.

Vị giáo sư môn sinh vật của tôi, một người tự xưng là vô thần, dạy môn khoa học mà không có niềm tin nơi một Đấng Tạo Hóa Tối Cao. Tuy nhiên, tôi càng nghe thì điều đó càng nhấn mạnh với tôi rằng có một Đấng Tối Cao—Thượng Đế, Đức Chúa Cha của chúng ta—là Đấng đã sáng tạo tất cả những điều này. Những người khác cãi lẽ rằng ý nghĩ này là vô lý. Các cuộc thảo luận của chúng tôi đã trở nên gay gắt hơn. Tôi đã áy náy giơ tay lên và giải thích rằng tôi tin vào Thượng Đế là Đấng Tạo Hóa.

Đến lúc để đưa ra ý kiến. Ở trường của tôi, việc mọi người vỗ tay, la hét, hay la ó phản đối những người trình bày ý kiến là chuyện thường tình. Tôi mạnh dạn đứng lên và nói rõ ràng với bên phản đối: “Việc tin vào Thượng Đế có thể là vô lý đối với các bạn vào lúc này, nhưng sẽ đến ngày mà điều đó sẽ hợp lý đối với các bạn một cách rõ ràng như đối với tôi bây giờ.”

Kể từ lúc đó, tôi đã không bao giờ bị bất cứ tiếng la ó phản đối nào khi đứng lên bênh vực cho niềm tin của mình. Từ thời gian đó trở đi, tôi tiến triển trong phương diện học hành, xã giao và thuộc linh. Tôi bắt đầu trở nên tích cực trong các sinh hoạt của sinh viên, và tôi được bầu vào một số chức vụ trong trường.

Tôi đã biết được rằng việc đứng lên bênh vực cho lẽ thật cho dù chỉ một lần cũng ảnh hưởng nhiều đến các quyết định tương lai của chúng ta.

Vince A. Molejan Jr., Mindanao, Philippines

Ghi Chú

  1. Xin xem Jeffrey R. Holland, “Cái Giá—và Phước Lành—để Làm Môn Đồ,” Liahona, tháng Năm năm 2014, 6.