2011
Đến Mọi Sắc Ngữ và Dân Tộc
Tháng Mười năm 2011


Đến Mọi Sắc Ngữ và Dân Tộc

Khi tiên tri An Ma trong Sách Mặc Môn giao phó các biên sử của dân ông cho con trai ông là Hê La Man, ông đã dạy cho con trai mình phải ghi nhớ rằng Chúa có “một mục đích thông sáng” để bảo tồn các thánh thư (An Ma 37:12). Ông nói về các biên sử: “Những bảng khắc này sẽ phải được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác … cho đến khi nó được đem ra truyền bá khắp mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc” (An Ma 37:4).

Vào năm 1827, Joseph Smith nhận được các biên sử đó và đến năm 1829 đã phiên dịch xong các biên sử đó ra tiếng Anh nhờ vào ân tứ và quyền năng của Thượng Đế. Sách ấy, xuất bản vào năm 1830, là một công cụ truyền giáo mạnh mẽ để thuyết phục các độc giả về lẽ trung thực của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tuy nhiên, với việc xuất bản lần đầu tiên 5.000 quyển sách, việc gửi Sách Mặc Môn đến “mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc” có thể dường như là một chặng đường dài.

Tuy thế, Chúa đã tái khẳng định lời tiên tri này cùng Joseph Smith vào năm 1833, báo trước cái ngày mà “mọi người sẽ được nghe phúc âm trọn vẹn bằng ngôn ngữ của mình, và bằng tiếng của mình” (GLGƯ 90:11). Sách Mặc Môn, “chứa đựng … phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô” (GLGƯ 20:9), đang đóng một vai trò then chốt trong việc làm ứng nghiệm lời tiên tri này.

Vào giữa thập niên 1800, những người truyền giáo mang phúc âm đến Châu Âu. Sách Mặc Môn được xuất bản bằng tiếng Đan Mạch vào năm 1851, tiếp theo bởi các phiên bản bằng tiếng Pháp, Đức, Ý và Wales vào năm 1852. Ngày nay, toàn bộ Sách Mặc Môn có sẵn bằng 82 ngôn ngữ, với những bản dịch của một số chương được chọn ra từ sách bằng 25 ngôn ngữ khác. Lời tiên tri rằng tất cả mọi người sẽ nghe phúc âm bằng ngôn ngữ của mình đã được ứng nghiệm năm này qua năm khác khi công việc phiên dịch và truyền giáo tiến bước.

Công Việc Phiên Dịch

Tiến trình phiên dịch Sách Mặc Môn từ tiếng Anh ra một tiếng khác đôi khi cần nhiều năm để hoàn thành. Tiến trình này chỉ bắt đầu sau khi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chấp thuận dự án và có đủ các tín hữu người địa phương nói thứ tiếng đó để phục vụ với tư cách là dịch giả. Các dịch giả cùng những người hiệu đính nhận được những chỉ dẫn cẩn thận và được chỉ thị phải ở gần với Thánh Linh khi họ phiên dịch. Sau khi phiên dịch xong, văn bản sẽ trải qua một tiến trình khác để được các vị lãnh đạo Giáo Hội hiệu đính lại.

Sau khi xuất bản, các tín hữu có thể đặt mua phiên bản mới qua Dịch Vụ Phân Phối. Nhiều tín hữu này trước đây chỉ có những chương nhất định được chọn ra từ Sách Mặc Môn bằng ngôn ngữ của họ hoặc, trong một số trường hợp, chỉ có chứng ngôn của những người truyền giáo.

Sách Mặc Môn và Công Việc Truyền Giáo

Khi một khu vực địa lý được mở cửa đầu tiên cho công việc truyền giáo, những trở ngại ngôn ngữ có thể gây ra một thử thách đáng kể. Vì không có những tài liệu in sẵn của Giáo Hội bằng ngôn ngữ của khu vực đó, nên những người truyền giáo cần phải học ngôn ngữ đó và làm chứng với Thánh Linh. Ở một số nơi trên thế giới, nhiều người nói ngôn ngữ thứ hai, và những người truyền giáo có thể tặng cho họ một quyển Sách Mặc Môn bằng ngôn ngữ đó. Ví dụ, trước khi Sách Mặc Môn được phiên dịch ra tiếng Mông Cổ, nhiều tín hữu ở Mông Cổ học phiên bản tiếng Nga.

Nhưng phúc âm được hiểu rõ nhất theo sự quen thuộc và trong sáng của tiếng mẹ đẻ của một người. Eric Gemmell, là người phục vụ trong Phái Bộ Truyền Giáo Slovenia Ljubljana từ năm 2001 đến năm 2003, đã thấy tận mắt việc có được Sách Mặc Môn dịch ra bằng ngôn ngữ thứ nhất của các tín hữu và những người tầm đạo đã tạo ra một sự khác biệt như thế nào. Anh đã phục vụ truyền giáo 18 tháng đầu tiên trước khi Sách Mặc Môn được dịch ra tiếng Slovenia.

Công việc truyền giáo đã rất khó khăn. Chi nhánh đầu tiên của Giáo Hội đã được thiết lập chỉ một thập niên trước đó. Slovenia vừa mới giành được độc lập và đang trong quá trình giảm dần việc sử dụng ngôn ngữ của nhà nước Serbo-Croatia trước đây. Những người truyền giáo mang theo các quyển Sách Mặc Môn bằng tiếng Serbo-Croatia và tiếng Anh là ngôn ngữ mà hầu hết những người trẻ tuổi đã học trong trường. Nhưng thường là người ta từ chối quyển sách vì họ không thể hiểu hai ngôn ngữ đó. Eric nhớ lại việc làm chứng cùng những người khác về sự vĩ đại và tầm quan trọng của Sách Mặc Môn—và sau đó phải nói cho họ biết rằng anh không có quyển sách bằng ngôn ngữ Slovenia của họ thì thật là vô ích.

Sáu tháng trước khi Eric được giải nhiệm trở về nhà, các quyển Sách Mặc Môn bằng tiếng Slovenia đầu tiên được gửi đến. Chi nhánh tổ chức một buổi họp để mỗi tín hữu và người truyền giáo đều được nhận một quyển. Eric nhớ lại: “Có một tinh thần đặc biệt trong bầu không khí của buổi họp.” Anh ghi vào trong nhật ký cảm nghĩ của mình khi cầm quyển sách quý báu mà anh đã mong đợi từ lâu. Anh viết: “Điều đó giống như cầm chính các bảng khắc bằng vàng.” Sau buổi họp đó, những người truyền giáo lấy những quyển sách còn lại để dùng trong công việc truyền giáo. Eric và người bạn đồng hành của anh vui mừng đến nỗi khi về đến căn hộ của mình, họ mở ra mấy cái thùng, bày những quyển sách ra và chụp hình để ghi nhớ sự kiện đó. Họ khó có thể chờ để chia sẻ những quyển sách này với những người khác. Với Sách Mặc Môn bằng tiếng Slovenia trong tay, những người truyền giáo không những thành công hơn trong khi tiếp xúc với những người khác, mà họ còn có cách khơi dậy chứng ngôn của các tín hữu kém tích cực đã không đến nhà thờ trong nhiều năm.

Trong sáu tháng cuối của công việc truyền giáo của mình, Eric nhìn thấy chứng ngôn của các tín hữu Slovenia tăng trưởng. Anh nói: “Một khi họ có được Sách Mặc Môn bằng tiếng mẹ đẻ của mình thì họ thật sự hiểu sách ấy. Sách ấy đã có ảnh hưởng sâu đậm trong lòng họ.” Trước đó, những người nói chuyện và các giảng viên trong các buổi họp Giáo Hội phải đọc thánh thư bằng tiếng Serbo-Croatia rồi nhờ một người nào đó thông dịch và giải thích một số từ. Eric nhớ lại: “Có vẻ như chúng tôi đang khập khiễng với các từ vay mượn từ một ngôn ngữ khác.” Khi các tín hữu bắt đầu đọc Sách Mặc Môn bằng tiếng mẹ đẻ của mình, Eric nói: “sự hiểu biết của họ về phúc âm gia tăng ngay lập tức.”

Bằng Chính Ngôn Ngữ của Họ

Mojca Zheleznikar là một trong số các tín hữu gia nhập Giáo Hội ở Slovenia trước khi có Sách Mặc Môn bằng tiếng Slovenia. Chứng ngôn của chị về phúc âm có được bằng cách lắng nghe những người truyền giáo và học Sách Mặc Môn bằng tiếng Croatia và tiếng Anh. Sau khi bản dịch tiếng Slovenia đã hoàn tất, Mojca đọc văn bản đã được dịch và cảm nhận quyền năng của những từ bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Chị nhớ lại: “Tôi cảm thấy lẽ thật trải rộng trước mắt tôi đơn giản đến mức rõ rệt và thanh khiết vô cùng.” “Điều đó giống như tiếng nói của Đấng Sáng Tạo đang phán cùng tôi bằng ngôn ngữ của tôi, ngôn ngữ mà mẹ tôi đã nói với tôi.”

Các tín hữu ở khắp nơi trên thế giới cũng trải qua những cảm nghĩ tương tự khi họ nhận được Sách Mặc Môn bằng ngôn ngữ của họ. Vào năm 2003, sau khi Sách Mặc Môn được dịch ra bằng tiếng Kekchi, một ngôn ngữ của dân Maya ở Guatemala và Belize, các dịch giả cùng với các nhóm tín hữu địa phương đã hiệu đính lại bản dịch. Một dịch giả nhớ lại: “Chúng tôi đã tập hợp một nhóm tín hữu tiền phong trong giáo đường Senahú để đọc, và khi chúng tôi đọc xong một đoạn thì một sự im lặng đầy tôn kính bao trùm khắp căn phòng. Sự hiểu biết đã được trọn vẹn và Thánh Linh hiện diện thật mạnh mẽ. Đó là một kinh nghiệm thiêng liêng.”

Một trong số các tín hữu có mặt trong buổi họp đó, Elvira Tzí, biết ơn về bản dịch Sách Mặc Môn bằng tiếng Kekchi vì các phước lành sách ấy sẽ mang đến cho thế hệ đang vươn lên. Chị nói rằng bản dịch này sẽ cho phép các tín hữu trẻ tuổi “đạt được một sự hiểu biết thấu đáo về lời của Chúa và tôn trọng những gì Chúa đòi hỏi.”

Đối với các tín hữu của Giáo Hội, việc học Sách Mặc Môn bằng ngôn ngữ của họ là một nguồn phước lành không kể xiết. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn có nói: “Khi các tín hữu thành tâm học hỏi và giảng dạy từ thánh thư, thì chứng ngôn của họ sẽ phát triển, sự hiểu biết của họ sẽ gia tăng, tình yêu thương gia đình và những người khác sẽ tăng trưởng, khả năng của họ để phục vụ những người khác sẽ bành trướng, rồi họ sẽ nhận được nhiều sức mạnh hơn để chống lại cám dỗ cũng như bảo vệ lẽ thật và sự ngay chính.”1

Các Phước Lành Có Ảnh Hưởng Sâu Rộng

Các phước lành dồi dào mà Sách Mặc Môn mang vào cuộc sống của những người học sách này đưa đến một động lực mạnh mẽ để chia sẻ sách này với những người khác, làm ứng nghiệm thêm lời tiên tri. Mỗi năm có khoảng bốn triệu quyển Sách Mặc Môn được phân phát trên toàn cầu bằng hơn 100 ngôn ngữ trong khi mỗi tín hữu và những người truyền giáo, lần lượt chia sẻ chứng ngôn của họ về Chúa Giê Su Ky Tô. An Ma đã nói đến “mục đích thông sáng” thời xa xưa đang được mặc khải trong phạm vi toàn cầu nhờ ảnh hưởng của Sách Mặc Môn và trong mỗi cuộc sống đã được thay đổi.

Ghi Chú

  1. Thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 15 tháng Mười năm 2008.

Ấn bản đầu tiên của Sách Mặc Môn in ra 5.000 quyển.

Trong khi công việc phiên dịch tiến bước, các tín hữu trên khắp thế giới, như Lea và Flora Lotrič ở Slovenia, kinh nghiệm được niềm vui của việc lần đầu tiên được cầm quyển Sách Mặc Môn bằng ngôn ngữ của họ.

Hình do Eric Gemmell chụp

Sau khi bản dịch hoàn tất, các tín hữu Giáo Hội nào nói được ngôn ngữ đó được yêu cầu hiệu đính lại văn bản. Từ trái sang: Walter Barillas Soto, Mike Peck, Sulenny Ruby Cucul Sierra, John Bringhurst, và Josefina Cucul Tiul duyệt xem lại Sách Mặc Môn bằng tiếng Kekchi ở Cobán, Guatemala.

Trên trái: hình ảnh của Busath Photography; dưới: hình do Tod Harris chụp