2011
Cách Học Sách Mặc Môn
Tháng Mười năm 2011


Cách Học Sách Mặc Môn

Hình Ảnh
Elder D. Todd Christofferson

Cách đây hai mươi lăm năm, Chủ Tịch Ezra Taft Benson (1899–1994) đã trình bày tỉ mỉ “ba lý do chính yếu tại sao Các Thánh Hữu Ngày Sau cần phải làm cho việc học Sách Mặc Môn thành một sự theo đuổi suốt đời.”1 Các lý do đó là như sau:

  • Thứ nhất, Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta—nền tảng của sự làm chứng của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô, về giáo lý và về chứng ngôn của chúng ta.

  • Thứ nhì, Sách Mặc Môn được viết cho thời kỳ chúng ta.

  • Thứ ba, Sách Mặc Môn giúp chúng ta đến gần Thượng Đế hơn.

Ba lý do này để học Sách Mặc Môn cũng đề nghị một số cách thức chúng ta có thể bắt đầu học quyển thánh thư độc nhất vô nhị này.

Nền Tảng của Tôn Giáo Chúng Ta

Vì Sách Mặc Môn là nền tảng của sự làm chứng của chúng ta về Đấng Ky Tô và phúc âm trọn vẹn của Ngài, nên điều quan trọng trong việc học tập của chúng ta là đặc biệt chú ý đến nhiều điều giảng dạy và chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi được ghi trong sách. Một số người đã làm điều này bằng cách kiếm một quyển Sách Mặc Môn mới, không đắt tiền và đánh dấu tất cả các câu đề cập đến hoặc giảng dạy về Đấng Cứu Rỗi, giáo vụ và sứ mệnh của Ngài. Điều này mang đến một sự làm chứng sâu sắc hơn về Chúa Giê Su là Vị Nam Tử của Thượng Đế và một sự biết ơn mới mẻ về điều Ngài đã làm và tiếp tục làm cho chúng ta.

Được Viết cho Thời Kỳ Chúng Ta

Các tác giả của Sách Mặc Môn đã viết với ý nghĩ hướng vào các thế hệ tương lai, nhất là những ngày sau. Trong khi tóm lược các biên sử Nê Phi, Mặc Môn đã nói rằng ông không thể gồm vào “một phần trăm những gì đã xảy ra” (xin xem 3 Nê Phi 5:8; xin xem thêm Lời Mặc Môn 1:5). Mô Rô Ni đã nói: “Tôi nói với các người như thể các người có trước mặt tôi, tuy rằng các người chưa có. Nhưng này, Chúa Giê Su Ky Tô đã cho tôi thấy được các người, và tôi biết việc làm của các người” (Mặc Môn 8:35). Hai tác giả này và những người khác, đã hành động theo cảm ứng, đã viết những điều sẽ mang lại lợi ích lớn lao nhất cho chúng ta trong những ngày sau này.

Do đó, chúng ta cần phải nghiên cứu với những câu hỏi này trong tâm trí: “Tại sao điều này được viết đến? Điều này áp dụng vào ngày nay và cho tôi như thế nào?” Ví dụ, Chủ Tịch Benson đã nhận xét rằng trong Sách Mặc Môn chúng ta tìm ra một mẫu mực để chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta học biết được việc các môn đồ của Đấng Ky Tô sống trong thời chiến tranh, đối phó với cảnh ngược đãi và bội giáo, làm công việc truyền giáo và đáp ứng những hiểm nguy của vật chất thế gian như thế nào.2 Như Nê Phi đã làm, khi chúng ta học, chúng ta cần phải “áp dụng” các thánh thư cho mình—nghĩa là, cố gắng khám phá ra cách áp dụng điều chúng ta tìm thấy trong Sách Mặc Môn (xin xem 1 Nê Phi 19:23).

Đến Gần Thượng Đế Hơn

Một lần nữa, trích dẫn lời của Chủ Tịch Benson: “Không phải Sách Mặc Môn chỉ dạy chúng ta lẽ thật mà thôi, mặc dù sách quả thật làm điều đó. Không phải Sách Mặc Môn chỉ làm chứng về Đấng Ky Tô thôi, mặc dù sách quả thật cũng làm điều đó. Nhưng còn có thêm một điều gì khác nữa. Đó là quyền năng trong sách này mà sẽ bắt đầu tuôn tràn vào cuộc sống của các anh chị em vào giây phút các anh chị em bắt đầu nghiêm chỉnh học sách này.”3

Quả thật, việc học Sách Mặc Môn mời mọc Thánh Linh và Thánh Linh chính là phương tiện mặc khải. Điều này đề nghị chúng ta nên học tập một cách chín chắn, thận trọng— suy ngẫm, cầu nguyện và có lẽ ghi chép khi chúng ta đọc. Điều này đặt chúng ta vào một tình trạng nhận được thêm ánh sáng và sự hiểu biết về điều chúng ta đang học lẫn về những vấn đề khác. Đôi khi, việc đọc toàn bộ Sách Mặc Môn trong một thời gian khá ngắn để hiểu câu chuyện và sứ điệp của sách là điều hữu ích. Nhưng thường thường, điều tốt nhất là tập trung vào thời gian thích hợp bỏ ra mỗi ngày để học sách đó thay vì đọc một số câu hay một số trang nhất định mỗi ngày.

Những Giúp Đỡ Học Tập

Ngày nay chúng ta may mắn có được một số công cụ có thể giúp chúng ta học Sách Mặc Môn. Một số sách đi kèm theo các quyển thánh thư của chúng ta—Sách Hướng Dẫn Đề Tài, Tự Điển Kinh Thánh, và bảng mục lục trong thánh thư bằng tiếng Anh và Sách Hướng Dẫn Thánh Thư bằng các ngôn ngữ khác. Và chúng ta có vô số cước chú và phần tham khảo chéo ở mỗi trang trong các ấn bản thánh thư Thánh Hữu Ngày Sau.

Các tài liệu giúp đỡ học tập khác đã được in ra gồm có Sách Hướng Dẫn Học Tập dành cho Học Viên Lớp Trường Chúa Nhật, Sách Hướng Dẫn Học Tập dành cho Học Sinh Lớp Giáo Lý, và Sách Học dành cho Sinh Viên Viện Giáo Lý. Càng ngày càng có nhiều dụng cụ điện tử rất mới mẻ đối với thời kỳ và thời đại của chúng ta, những dụng cụ này đã được mô tả ở trên thanh bên ở trang 31.

Công Cụ Cải Đạo

Sách Mặc Môn là một vật quý báu vô song và công cụ cải đạo do Chúa thiết kế và ban cho gian kỳ của chúng ta. Tôi công nhận sách đó là nền tảng của chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô, về sự kêu gọi làm tiên tri của Joseph Smith, và về Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là “vương quốc của Chúa một lần nữa đã được thiết lập trên thế gian.”4 Tôi hân hoan được kết hợp chứng ngôn của mình với chứng ngôn của Chúa Giê Su Ky Tô rằng “như Chúa của các ngươi và Thượng Đế của các ngươi hằng sống, quyển sách này là thật” (GLGƯ 17:6). Cầu xin cho việc học tập Sách Mặc Môn suốt đời của các anh chị em làm cho sự cải đạo của các anh chị em sâu đậm hơn và dẫn dắt các anh chị em trên một lộ trình thẳng dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.

Ghi Chú

  1. Ezra Taft Benson, “The Book of Mormon—Keystone of Our Religion,” Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 5–7. Bài nói chuyện kinh điển này được in lại trong số báo này ở các trang 52–58.

  2. Xin xem Ezra Taft Benson, Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 6–7.

  3. Ezra Taft Benson, Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 7.

  4. Lời Giới Thiệu Sách Mặc Môn.

Hình ảnh do Craig Dimond minh họa