2011
Sách Mặc Môn—Nền Tảng của Tôn Giáo Chúng Ta
Tháng Mười năm 2011


Sách Mặc Môn—Nền Tảng của Tôn Giáo Chúng Ta

Ezra Taft Benson trở thành Vị Chủ Tịch thứ 13 của Giáo Hội vào ngày 10 tháng Mười Một năm 1985. Ông được nhớ đến vì chứng ngôn vững mạnh của ông về quyền năng của Sách Mặc Môn và sự nhấn mạnh của ông về tầm quan trọng của sách này trong việc học tập thánh thư hằng ngày, công việc truyền giáo và việc giảng dạy phúc âm. Năm nay đánh dấu 25 năm kỷ niệm bài nói chuyện này được đưa ra tại đại hội trung ương vào tháng Mười năm 1986.

Hình Ảnh
President Ezra Taft Benson

Các anh chị em thân mến, ngày hôm nay tôi muốn ngỏ lời về một trong số các ân tứ quan trọng nhất được ban cho thế gian trong thời kỳ hiện đại. Ân tứ tôi đang suy nghĩ đến thì quan trọng hơn bất cứ trong những phát minh nào từ các cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ. Đây là một ân tứ có giá trị lớn lao đối với nhân loại hơn cả nhiều tiến bộ kỳ diệu chúng ta đã nhìn thấy trong y học hiện đại. Nó có giá trị lớn lao đối với nhân loại hơn sự phát triển máy bay hoặc hành trình trong không gian. Tôi nói về ân tứ Sách Mặc Môn, được ban cho loài người cách đây 156 năm.

Ân tứ này được bàn tay của Chúa chuẩn bị trong khoảng thời gian hơn một ngàn năm, rồi được Ngài giấu kín để ân tứ này được bảo tồn trong sự thanh khiết của nó dành cho thế hệ chúng ta. Có lẽ không có điều gì làm chứng rõ ràng về tầm quan trọng của quyển thánh thư hiện đại này hơn điều Chúa đã phán:

Chính Ngài đã làm chứng rằng (1) quyển sách này là thật (GLGƯ 17:6), (2) sách chứa đựng lẽ thật và lời của Thượng Đế (GLGƯ 19:26), (3) được phiên dịch bằng quyền năng từ trên cao ( GLGƯ 20:8), (4) chứa đựng phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô (GLGƯ 20:9; 42:12), (5) sách này được ban cho bằng sự cảm ứng và được xác nhận cho những người khác bởi sự phù trợ của các thiên sứ (GLGƯ 20:10), (6) để chứng tỏ rằng những thánh thư này là thật (GLGƯ 20:11), và (7) những ai tiếp nhận công việc này với một đức tin thì sẽ nhận được cuộc sống vĩnh cửu (GLGƯ 20:14).

Chứng ngôn mạnh mẽ thứ hai về tầm quan trọng của Sách Mặc Môn là để lưu ý nơi mà Chúa đặt ngày ra đời của sách đó trong thời gian biểu sẽ diễn ra Sự Phục Hồi. Điều duy nhất xảy ra trước sự ra đời của Sách Mặc Môn là Khải Tượng Thứ Nhất. Trong sự biểu hiện kỳ diệu đó, Tiên Tri Joseph Smith biết được thiên tính của Thượng Đế và rằng Thượng Đế có một công việc cho ông để làm. Sự ra đời của Sách Mặc Môn là điều kế tiếp sẽ xảy ra.

Hãy nghĩ tới điều đó theo ngụ ý của nó. Sự ra đời của Sách Mặc Môn xảy ra trước sự phục hồi của chức tư tế. Sách được xuất bản chỉ một vài ngày trước khi Giáo Hội được tổ chức. Các Thánh Hữu được ban cho Sách Mặc Môn để đọc trước khi họ được ban cho những điều mặc khải phác thảo các giáo lý trọng đại như ba đẳng cấp vinh quang, hôn nhân thượng thiên hoặc công việc thay cho người chết. Sách đến trước các nhóm túc số chức tư tế và các tổ chức của Giáo Hội. Điều này không nói cho chúng ta biết một điều gì đó về cách Chúa nhìn công việc thiêng liêng này sao?

Một khi chúng ta nhận ra Chúa cảm thấy như thế nào về quyển sách này, thì chúng ta không lấy làm ngạc nhiên rằng Ngài cũng đã ban cho chúng ta những lời cảnh cáo nghiêm túc về cách chúng ta tiếp nhận quyển sách ấy. Sau khi cho biết rằng những người nhận được Sách Mặc Môn với đức tin, trở nên ngay chính, thì sẽ nhận được mão triều thiên của vinh quang vĩnh cửu (xin xem GLGƯ 20:14), Chúa đã ban thêm lời cảnh cáo này: “Còn những kẻ nào chai đá trong lòng không chịu tin và chối bỏ công việc này thì công việc này sẽ đưa đến việc kết tội họ” (GLGƯ 20:15).

Vào năm 1829, Chúa đã cảnh cáo Các Thánh Hữu rằng họ chớ coi thường những gì thiêng liêng (xin xem GLGƯ 6:12). Chắc chắn Sách Mặc Môn là một vật thiêng liêng, tuy nhiên nhiều người vẫn coi thường sách ấy, hoặc nói cách khác, xem nhẹ sách ấy, xem sách ấy như một vật không quan trọng.

Vào năm 1832, khi một vài người truyền giáo đầu tiên trở về từ công việc phục vụ của họ, Chúa khiển trách họ đã xem nhẹ Sách Mặc Môn. Vì thái độ đó, Ngài phán rằng tâm trí của họ đã bị u ám. Không những việc xem nhẹ quyển thánh thư này làm cho họ mất ánh sáng mà còn làm cho toàn thể Giáo Hội bị kết tội, tức là tất cả con cái của Si Ôn. Và rồi Chúa phán: “Và họ sẽ phải chịu sự kết tội này cho đến khi nào họ hối cải và nhớ đến giao ước mới, tức là Sách Mặc Môn” (GLGƯ 84:54–57).

Việc chúng ta đã có Sách Mặc Môn với mình trong hơn một thể kỷ rưỡi có làm cho nó dường như kém quan trọng đối với chúng ta ngày nay không? Chúng ta có nhớ giao ước mới, tức là Sách Mặc Môn không? Chúng ta có Kinh Cựu Ước và Kinh Tân Ước trong Kinh Thánh. Từ ước phiên dịch ra tiếng Anh của từ Hy Lạp mà cũng có thể được phiên dịch là giao ước. Có phải đây là điều mà Chúa muốn nói khi Ngài gọi Sách Mặc Môn là “giao uớc mới” không? Quả thật đây là một giao ước hay chứng thư khác về Chúa Giê Su. Đây là một trong số những lý do tại sao mới gần đây chúng ta đã thêm câu “Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô” vào tiêu đề của Sách Mặc Môn.

Nếu Các Thánh Hữu ban đầu bị khiển trách vì đã xem thường Sách Mặc Môn, thì chúng ta có bị kết tội ít hơn nếu chúng ta cũng làm như vậy không? Chính Chúa đã làm chứng rằng sách này có một ý nghĩa vĩnh cửu. Có thể nào một số ít người chúng ta làm cho toàn thể Giáo Hội bị kết tội vì chúng ta coi thường những điều thiêng liêng không? Chúng ta sẽ nói gì vào Ngày Phán Xét khi đứng trước mặt Ngài và chịu đựng ánh mắt thăm dò của Ngài nếu chúng ta là trong số những người được mô tả là đã quên giao ước mới?

Có ba lý do chính yếu tại sao Các Thánh Hữu Ngày Sau cần phải làm cho việc học Sách Mặc Môn thành một sự đeo đuổi suốt đời.

Lý do thứ nhất là vì Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta. Đây là lời phát biểu của Tiên Tri Joseph Smith. Ông làm chứng rằng “Sách Mặc Môn là một cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian, và là nền tảng của tôn giáo chúng ta.”1 Nền tảng là viên đá đỉnh vòm. Nó giữ cho tất cả những viên đá khác được ở đúng chỗ, và nếu nó bị lấy ra thì cái vòm sẽ sụp đổ.

Có ba cách thức mà trong đó Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta. Sách là nền tảng trong việc làm chứng của chúng ta về Đấng Ky Tô. Sách là nền tảng của giáo lý của chúng ta. Sách là nền tảng của chứng ngôn.

Sách Mặc Môn là nền tảng trong sự làm chứng của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng mà chính Ngài là viên đá góc của mọi việc chúng ta làm. Sách làm chứng về sự xác thực của Ngài với quyền năng và sự rõ ràng. Không giống như Kinh Thánh mà đã lưu truyền qua nhiều thế hệ của những người biên chép, phiên dịch và những người cuồng tín đã sửa lại và làm sai lạc văn bản, Sách Mặc Môn đi từ người viết đến người đọc chỉ trong một giai đoạn phiên dịch đầy cảm ứng. Do đó, chứng ngôn của sách về Đức Thầy được rõ ràng, thuần khiết và đầy quyền năng. Nhưng sách ấy còn làm nhiều điều hơn nữa. Hầu hết thế giới Ky Tô hữu ngày nay chối bỏ thiên tính của Đấng Cứu Rỗi. Họ nghi ngờ sự ra đời kỳ diệu của Ngài, cuộc sống hoàn hảo của Ngài và tính xác thực của Sự Phục Sinh vinh quang của Ngài. Sách Mặc Môn dạy bằng những từ ngữ minh bạch và không thể nhầm lẫn về lẽ thật của tất cả những điều đó. Sách cũng cung ứng lời giải thích trọn vẹn nhất về giáo lý của Sự Chuộc Tội. Thật vậy, quyển sách được Chúa cảm ứng này là nền tảng trong việc làm chứng cùng thế gian rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.2

Sách Mặc Môn cũng là nền tảng của giáo lý về Sự Phục Sinh. Như đã được đề cập trước đây, chính Chúa Giê Su Ky Tô đã phán rằng Sách Mặc Môn chứa đựng “phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô” (GLGƯ 20:9). Điều đó không có nghĩa rằng sách chứa đựng mọi điều giảng dạy, mọi giáo lý đã từng được mặc khải.Thay vì thế, điều đó có nghĩa rằng trong Sách Mặc Môn chúng ta sẽ tìm thấy các giáo lý trọn vẹn đó cần thiết cho sự cứu rỗi của mình. Và các giáo lý đó được giảng dạy một cách minh bạch và giản dị đến nỗi trẻ em cũng có thể học được những cách cứu rỗi và tôn cao. Sách Mặc Môn cung ứng rất nhiều điều làm mở mang sự hiểu biết của chúng ta về các giáo lý cứu rỗi. Nếu không có sách ấy, nhiều điều được giảng dạy trong các thánh thư khác sẽ không được minh bạch và quý báu như vậy.

Cuối cùng, Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta. Cũng giống như cái vòm sẽ sụp đổ nếu lấy đi viên đá đỉnh vòm, thì toàn thể Giáo Hội đứng vững hoặc sụp đổ với lẽ trung thực của Sách Mặc Môn. Những kẻ thù nghịch của Giáo Hội hiểu rất rõ điều này. Đây là lý do tại sao họ đã cố gắng hết sức mình để bác bỏ Sách Mặc Môn, vì nếu sách có thể bị mất uy tín thì Tiên Tri Joseph Smith sẽ bị mất uy tín theo. Và lời xác nhận của chúng ta về những chìa khóa chức tư tế, sự mặc khải và Giáo Hội phục hồi cũng bị mất uy tín luôn. Nhưng cũng giống như vậy, nếu Sách Mặc Môn là chân chính—và hằng triệu người giờ đây làm chứng rằng họ được Thánh Linh làm chứng rằng sách ấy quả thật là chân chính—thì một người phải chấp nhận những lời xác nhận về Sự Phục Hồi và tất cả những điều kèm theo sách ấy.

Vâng, thưa các anh chị em thân mến, Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta—nền tảng của chứng ngôn chúng ta, nền tảng của giáo lý chúng ta, và nền tảng trong sự làm chứng về Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Lý do chính yếu thứ hai tại sao chúng ta cần phải làm cho Sách Mặc Môn thành trọng tâm của việc học hỏi là vì nó được viết cho thời kỳ chúng ta. Dân Nê Phi cũng như dân La Man trong thời xưa chưa bao giờ có sách này. Sách này dành cho chúng ta. Mặc Môn viết sách này vào cuối nền văn minh của dân Nê Phi. Dưới sự soi dẫn của Thượng Đế, là Đấng thấy hết mọi sự việc từ lúc ban đầu, ông đã tóm lược các biên sử của nhiều thế kỷ, chọn những câu chuyện, các bài nói chuyện và sự kiện có ích nhất cho chúng ta.

Mỗi tác giả chính của Sách Mặc Môn đều làm chứng rằng mình đã viết cho các thế hệ mai sau. Nê Phi nói: “Đức Chúa Trời có hứa với tôi rằng những điều tôi viết ra đây sẽ được gìn giữ và bảo tồn, và được lưu truyền lại cho dòng dõi tôi từ thế hệ này đến thế hệ khác” (2 Nê Phi 25:21). Em của ông là Gia Cốp, người kế vị ông, đã viết những lời tương tự: “Vì [Nê Phi] bảo rằng lịch sử dân của anh nên được ghi khắc trên những bảng khắc khác của anh, và tôi có bổn phận phải bảo tồn những bảng khắc này để lưu truyền lại cho dòng dõi tôi, từ thế hệ này đến thế hệ khác” (Gia Cốp 1:3). Ê Nót lẫn Gia Rôm đều cho biết rằng họ cũng không phải viết cho dân họ mà cho các thế hệ tương lai (xin xem Ê Nót 1:15–16; Gia Rôm 1:2).

Chính Mặc Môn đã nói: “Phải, tôi nói với các người, hỡi những người còn sót lại của gia tộc Y Sơ Ra Ên” (Mặc Môn 7:1). Và Mô Rô Ni, tác giả cuối cùng trong số các tác giả đầy cảm ứng, đã thật sự nhìn thấy thời kỳ và thời đại của chúng ta. Ông nói: “Này, Chúa đã cho tôi thấy những điều vĩ đại và kỳ diệu có liên hệ tới những gì sắp phải xảy đến, vào ngày mà những điều này sẽ đến với các người.

“Này, tôi nói với các người như thể các người có trước mặt tôi, tuy rằng các người chưa có. Nhưng này, Chúa Giê Su Ky Tô đã cho tôi thấy được các người, và tôi biết việc làm của các người” (Mặc Môn 8:34–35).

Nếu họ thấy được thời kỳ của chúng ta và chọn những điều có giá trị lớn nhất cho chúng ta thì đó không phải là cách chúng ta cần phải học Sách Mặc Môn sao? Chúng ta cần phải thường xuyên tự hỏi: “Tại sao Chúa đã soi dẫn cho Mặc Môn (hay Mô Rô Ni hoặc An Ma) để gồm điều đó vào biên sử của ông? Tôi có thể học được bài học nào từ điều đó để giúp tôi sống trong thời kỳ và thời đại này?”

Và cũng có hết ví dụ này đến ví dụ khác về cách câu hỏi này sẽ được trả lời. Ví dụ, trong Sách Mặc Môn, chúng ta tìm ra một khuôn mẫu để chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm. Một phần lớn của sách chú trọng vào một vài thập niên ngay trước khi Đấng Ky Tô hiện đến Châu Mỹ. Bằng cách học kỹ về thời kỳ đó, chúng ta có thể xác định tại sao một số người bị hủy diệt trong những sự đoán phạt khủng khiếp đã xảy ra trước khi Ngài hiện đến và điều gì đã mang những người khác đến đứng tại đền thờ ở xứ Phong Phú và đặt tay họ lên những vết thương trên chân tay của Ngài.

Từ Sách Mặc Môn chúng ta học được cách sống của các môn đồ của Đấng Ky Tô trong thời chiến. Từ Sách Mặc Môn, chúng ta thấy được những điều tà ác của các tập đoàn bí mật được mô tả bằng hình ảnh và thực tế hãi hùng. Trong Sách Mặc Môn, chúng ta tìm ra các bài học để đương đầu với sự ngược đãi và bội giáo. Chúng ta học nhiều điều về công việc truyền giáo được thực hiện như thế nào. Và hơn bất cứ điều gì khác, chúng ta thấy trong Sách Mặc Môn những mối nguy hiểm của chủ nghĩa duy vật và việc chú tâm vào những sự việc của thế gian. Có người nào có thể nghi ngờ rằng sách này là dành cho chúng ta và trong sách này chúng ta tìm thấy quyền năng, niềm an ủi và bảo vệ lớn lao không?

Lý do thứ ba tại sao Sách Mặc Môn có một giá trị như vậy đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau được đưa ra trong cùng một lời phát biểu của Tiên Tri Joseph Smith đã được trích dẫn trước đây. Ông nói: “Tôi đã nói với các anh em trong Giáo Hội rằng Sách Mặc Môn là một cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian, và là nền tảng của tôn giáo chúng ta, và một người sẽ đến gần Thượng Đế hơn nhờ tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó thay vì tuân theo bất cứ cuốn sách nào khác.” Đó là lý do thứ ba để học sách này. Sách giúp chúng ta đến gần Thượng Đế hơn. Không có một điều gì đó trong tận đáy lòng chúng ta lại khát khao được đến gần Thượng Đế hơn, được giống như Ngài hơn trong cuộc sống hằng ngày của mình, để cảm thấy sự hiện diện của Ngài với chúng ta thường xuyên sao? Nếu có, thì Sách Mặc Môn sẽ giúp chúng ta làm nhiều hơn bất cứ sách nào khác.

Không phải Sách Mặc Môn chỉ dạy chúng ta lẽ thật mà thôi, mặc dù sách quả thật làm điều đó. Không phải Sách Mặc Môn chỉ làm chứng về Đấng Ky Tô thôi, mặc dù sách quả thật cũng làm điều đó. Nhưng còn có thêm một điều gì khác nữa. Một quyền năng trong sách này sẽ bắt đầu tuôn tràn vào cuộc sống của các anh chị em vào giây phút các anh chị em bắt đầu nghiêm chỉnh học sách này. Các anh chị em sẽ tìm thấy quyền năng lớn lao hơn để chống lại cám dỗ. Các anh chị em sẽ tìm thấy quyền năng để tránh bị lừa gạt. Các anh chị em sẽ tìm thấy quyền năng để ở trên con đường chật và hẹp. Thánh thư được gọi là “những lời nói về cuộc sống” (xin xem GLGƯ 84:85), và không có một nơi nào chân chính hơn là trong Sách Mặc Môn. Khi bắt đầu đói khát những lời đó, các anh chị em sẽ thấy rằng cuộc sống càng ngày càng dư dả hơn.

Người anh em yêu quý của chúng ta, Chủ Tịch Marion G. Romney … làm chứng về các phước lành mà có thể đến với cuộc sống của những người chịu đọc và học Sách Mặc Môn. Ông nói:

“Tôi cảm thấy chắc chắn rằng, trong nhà của chúng ta, nếu cha mẹ chịu đọc Sách Mặc Môn một cách thành tâm và đều đặn, riêng cá nhân họ lẫn với con cái họ, thì tinh thần của quyển sách vĩ đại đó sẽ đến và tràn đầy trong nhà chúng ta và tất cả những người sống trong đó. Tinh thần tôn kính sẽ gia tăng; sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau sẽ phát triển. Tinh thần tranh chấp sẽ rời đi. Cha mẹ sẽ khuyên bảo con cái mình trong tình yêu thương và khôn ngoan lớn lao. Con cái sẽ đáp ứng nhiệt tình và phục tùng hơn đối với lời khuyên bảo của cha mẹ mình. Sự ngay chính sẽ gia tăng. Đức tin, hy vọng và lòng bác ái—tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô—sẽ đầy dẫy trong nhà và trong cuộc sống của chúng ta cùng mang đến sự bình an, niềm vui và hạnh phúc.”3

Những lời hứa này—gia tăng tình yêu thương và hòa thuận trong nhà, lòng tôn trọng lớn lao hơn giữa cha, mẹ và con cái, gia tăng nếp sống thuộc linh và sự ngay chính—không phải là những lời hứa vô hiệu quả, mà chắc chắn là điều Tiên Tri Joseph Smith có ý nói khi cho rằng Sách Mặc Môn sẽ giúp chúng ta đến gần Thượng Đế hơn.

Thưa các anh chị em, tôi hết lòng khẩn nài các anh chị em hãy hết sức nghiêm chỉnh cân nhắc về tầm quan trọng của Sách Mặc Môn đối với riêng cá nhân mình và với chung toàn thể Giáo Hội.

Cách đây hơn 10 năm, tôi đã đưa ra lời phát biểu sau đây về Sách Mặc Môn:

“Những kết quả vĩnh cửu có tùy thuộc vào cách chúng ta đáp ứng đối với quyển sách này không? Có, hoặc là các phước lành của chúng ta hoặc là chúng ta bị kết tội.

“Mỗi Thánh Hữu Ngày Sau cần phải đặt việc học Sách Mặc Môn làm một sự đeo đuổi suốt đời. Nếu không thì người ấy đặt linh hồn mình vào cảnh hiểm nguy cũng như xao lãng điều có thể mang đến sự kết hợp tinh thần và trí tuệ với suốt cuộc sống của người ấy.Một người cải đạo xây nhà trên đá Ky Tô qua Sách Mặc Môn và bám chặt thanh sắt đó thì khác với một người không làm như vậy.”4

Ngày hôm nay tôi khẳng định lại những lời đó với các anh chị em. Chúng ta chớ tiếp tục ở trong cảnh bị kết tội với tai họa và sự đoán phạt của nó, bằng cách xem nhẹ ân tứ vĩ đại và kỳ diệu mà Chúa đã ban cho chúng ta. Thay vì thế, chúng ta hãy đạt được những lời hứa có liên hệ với việc quý trọng ân tứ đó trong lòng mình.

Trong Giáo Lý và Giao Ước, tiết 84, các câu 54 đến 58, chúng ta đọc:

“Và trí óc của các ngươi trong thời gian qua đã bị đen tối vì cớ chẳng tin, và vì các ngươi đã xem thường những điều các ngươi đã nhận được—

“Sự kiêu căng và sự chẳng tin này đã khiến toàn thể giáo hội bị kết tội.

“Và sự kết tội này đặt trên đầu các con cái của Si Ôn, ngay cả tất cả bọn họ.

“Và họ sẽ phải chịu sự kết tội này cho đến khi nào họ hối cải và nhớ đến giao ước mới, tức là Sách Mặc Môn và những giáo lệnh mà ta đã ban cho họ từ trước, nhưng không phải chỉ để nói suông, mà phải làm theo những gì ta đã viết ra—

“Để họ có thể đem lại thành quả thích hợp với vương quốc của Đức Chúa cha; bằng không thì tai họa và sự phán xét sẽ trút lên con cái của Si Ôn.”

Kể từ đại hội vừa qua, tôi đã nhận được nhiều bức thư từ Các Thánh Hữu, cả già lẫn trẻ, trên khắp thế giới, là những người đã chấp nhận lời yêu cầu đọc và học Sách Mặc Môn.

Tôi đã cảm động trước những câu chuyện của họ về cuộc sống của họ đã được thay đổi như thế nào và họ đã được thu hút đến gần Chúa hơn như thế nào nhờ cam kết của họ. Các chứng ngôn vinh quang này đã tái khẳng định với tâm hồn tôi những lời của Tiên Tri Joseph Smith rằng Sách Mặc Môn thật sự là “nền tảng của tôn giáo chúng ta” và rằng một người nam và người nữ sẽ “đến gần Thượng Đế hơn nhờ tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó thay vì tuân theo bất cứ cuốn sách nào khác.”

Tôi cầu nguyện rằng Sách Mặc Môn có thể trở thành nền tảng của cuộc sống chúng ta.

Ghi Chú

  1. Lời Giới Thiệu Sách Mặc Môn.

  2. Xin xem trang tựa Sách Mặc Môn.

  3. Marion G. Romney, “The Book of Mormon,” Ensign, tháng Năm năm 1980, 67.

  4. Ezra Taft Benson, “The Book of Mormon Is the Word of God,” Ensign, tháng Năm năm 1975, 65.

Hình ảnh do David Stoker minh họa; phải: hình do Welden C. Andersen chụp; hình Chủ Tịch Benson do Busath Photography chụp