2011
Tiên Tri Joseph Smith: Người Phiên Dịch Sách Mặc Môn
Tháng Mười năm 2011


Tiên Tri Joseph Smith

Người Phiên Dịch Sách Mặc Môn

Sách Mặc Môn là một quyển thánh thư độc nhất vô nhị. Mặc dù các vị tiên tri thời xưa viết sách ấy, nhưng sách đã không đến với chúng ta như cách Kinh Thánh đã đến với chúng ta. Kinh Thánh hầu hết được ghi chép trên các cuộn sách trong Cựu Thế Giới và là các sách riêng rẽ được những người ghi chép sao chép lại trong nhiều thế kỷ. Mãi đến thế kỷ thứ tư sau thời Chúa Giê Su Ky Tô thì các quyển sách riêng rẽ này mới được kết hợp lại và làm thành một quyển mà chúng ta gọi là Kinh Thánh.

Trái lại, Sách Mặc Môn được các vị tiên tri thời xưa trong Tân Thế Giới ghi chép trên các bảng khắc kim loại, được tóm lược phần lớn bởi một vị tiên tri—Mặc Môn (do đó mà sách mang tên ông)—trong thế kỷ thứ năm sau công nguyên. thành một biên sử trên các bảng khắc bằng vàng. Con trai của ông là Mô Rô Ni về sau chôn giấu các bảng khắc, các bảng khắc này ở đó cho đến năm 1827, khi Mô Rô Ni, là một nhân vật phục sinh, đã giao chúng cho một thiếu niên tên là Joseph Smith.

Tiếp theo là câu chuyện về cách Joseph nhận được, phiên dịch và xuất bản biên sử mà hiện có tên là Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào. Chính Đấng Cứu Rỗi đã làm chứng rằng quyển sách này là chân chính (xin xem GLGƯ 17:6).

  1. Vào năm 1829, một thiếu niên 14 tuổi tên là Joseph Smith sống gần Palmyra, New York. Mặc dù còn nhỏ, nhưng ông đã quan tâm đến việc ông đứng trước mặt Thượng Đế và cảm thấy hoang mang trước những luận điệu của nhiều Ky Tô giáo tìm kiếm những người cải đạo bằng cách bác bỏ những lời giảng dạy của các tôn giáo khác. Được thúc đẩy bởi việc nghiên cứu Kinh Thánh của mình, Joseph quyết định tìm kiếm sự thông sáng bằng cách cầu vấn Thượng Đế, là Đấng ”ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai”(Gia Cơ 1:5). Ông đi vào khu rừng gần nhà mình để cầu nguyện.

  2. Trong khi Joseph quỳ xuống cầu nguyện, thì có một luồng ánh sáng rực rỡ hạ xuống và phủ lên ông. Ông thấy hai Đấng trong luồng ánh sáng đó. Cha Thiên Thượng phán: “Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:17), Chúa phán bảo Joseph là không được gia nhập bất cứ giáo phái nào vì không một giáo phái nào trong số đó là chân chính, nhưng ông được hứa là “Phúc Âm trọn vẹn sẽ được tiết lộ cho ông biết vào một lúc nào đó trong tương lai.”1

  3. Ba năm trôi qua, trong lúc đó Joseph Smith chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người khác—và bị ngược đãi vì điều đó. Ông thuật lại: “Mặc dù tôi bị thù ghét và ngược đãi vì tôi đã nói là tôi đãtrông thấy khải tượng, nhưng đó vẫn là sự thật; và … tôi vẫn thường tự vấn tôi rằng: Tại sao lại ngược đãi tôi chỉ vì tôi đã nói ra sự thật? Quả thật tôi đã trông thấy một khải tượng; vả lại tôi là ai mà dám chống đối Thượng Đế, hay tại sao thiên hạ lại muốn tôi phủ nhận điều tôi đã thực sự trông thấy? Vì tôi đã trông thấy một khải tượng; tôi biết điều đó, và tôi biết là Thượng Đế biết như vậy, và tôi không thể phủ nhận được” (Joseph Smith—History 1:25).

  4. Vào ngày 21 tháng Chín năm 1823, Joseph đang cầu nguyện thì ánh sáng chan hòa trong căn phòng ngủ trên gác của ông và một thiên sứ tên là Mô Rô Ni hiện đến. Mô Rô Ni nói cho Joseph biết về những văn bản của một số vị tiên tri thời xưa. Biên sử được khắc trên các bảng khắc bằng vàng được chôn giấu trên một ngọn đồi gần đó. Joseph được cho biết là ông phải phiên dịch biên sử đó.

  5. Cuối cùng, vào ngày 22 tháng Chín năm 1827, Joseph được giao cho các bảng khắc, bằng cách lấy chúng ra khỏi một hộp bằng đá được chôn giấu dưới một tảng đá lớn trên ngọn đồi gần Palmyra, New York.

  6. Như phần lớn dân ở trong các vùng nông thôn. trong thời kỳ đó, Joseph Smith cũng ít được học hành. Để phụ giúp ông với việc phiên dịch, Thượng Đế đã cung ứng cho ông một dụng cụ phiên dịch thời xưa gọi là U Rim và Thu Mim. Ông cũng được ban phước với sự giúp đỡ của những người ghi chép để viết lại những gì ông đọc trong khi phiên dịch. Trong số những người ghi chép này là vợ ông, Emma; Martin Harris, một nông dân giàu có; và Oliver Cowdery, một thầy giáo. Khối lượng công việc phiên dịch đã hoàn tất trong vòng chưa đầy ba tháng sau khi Oliver bắt đầu giúp đỡ với tư cách là người ghi chép.

    Emma mô tả việc làm người ghi chép của Joseph thì như thế nào: “Không một người nào đã có thể đọc để người khác viết ra các bản thảo trừ khi người ấy được soi dẫn; vì, khi [tôi] làm người ghi chép cho anh, [Joseph] thường đọc cho tôi để viết ra hết giờ này qua giờ khác; và lúc trở lại sau khi ăn, hay sau khi bị gián đoạn, anh thường bắt đầu ngay nơi anh đã ngừng lại, mà không xem lại bản thảo hoặc yêu cầu đọc lại cho anh bất cứ phần nào.”2

    Joseph giải thích ý nghĩa về sự ra đời của Sách Mặc Môn: “Bằng quyền năng của Thượng Đế, tôi đã phiên dịch Sách Mặc Môn từ những chữ viết tượng hình, kiến thức về những chữ viết tượng hình này đã bị mất trên thế gian, và tôi đã hành động một mình trong sự kiện kỳ diệu này, một người trẻ tuổi ít học, để chống lại sự khôn ngoan của thế gian và việc thiếu hiểu biết gia tăng trong mười tám thế kỷ, với một điều mặc khải mới mẻ.”3

  7. Trong 18 tháng nắm giữ các bảng khắc, Joseph không phải là người duy nhất nhìn thấy hay chạm tay vào các bảng khắc đó. Ba người—Oliver Cowdery, David Whitmer, và Martin Harris—long trọng làm chứng rằng thiên sứ Mô Rô Ni đã cho họ thấy các bảng khắc bằng vàng và rằng họ biết các bảng khắc này “đã được phiên dịch bằng ân tứ và quyền năng của Thượng Đế, vì tiếng nói của Ngài đã phán bảo với chúng tôi.” Tám người khác cũng làm chứng rằng họ đã nhìn thấy và chạm tay vào các bảng khác bằng vàng.4

  8. Khoảng tháng Tám năm 1829, Joseph đã ký hợp đồng để in sách với nhà xuất bản Egbert B. Grandin ở Palmyra, New York. Martin Harris thế chấp nông trại của mình để trả tiền in sách, và vào ngày 26 tháng Ba năm 1830, Sách Mặc Môn đã có sẵn cho độc giả mua.

  9. Vào ngày 6 tháng Tư năm 1830, có khoảng 60 người nhóm họp trong một căn nhà gỗ ở Fayette, New York. Ở đó, như đã được Chúa Giê Su Ky Tô hướng dẫn, Joseph Smith đã chính thức tổ chức Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi, được phục hồi như khi Giáo Hội được tổ chức từ ban đầu cũng như được các vị sứ đồ và tiên tri lãnh đạo, được phép nói thay cho Thượng Đế. Điều mặc khải về sau ban cho Joseph Smith đă đặt tên Giáo Hội là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem GLGƯ 115:4).

Ghi Chú

  1. Joseph Smith, trong History of the Church, 4:536 .

  2. Cuộc phỏng vấn Emma Smith do Joseph Smith III thực hiện, tháng Hai năm 1879, trong Saints’ Herald, ngày 1 tháng Mười năm 1879, 290.

  3. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 60.

  4. Xin xem “Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng” và “Chứng Ngôn của Tám Nhân Chứng,” trong phần giới thiệu Sách Mặc Môn.

Từ trái sang: Anh Joseph, do David Lindsley họa © 1998; Joseph Smith Tìm Kiếm Sự Thông Sáng từ Kinh Thánh, do Dale Kilbourn họa © 1975 IRI; Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith, do Greg Olsen họa, cấm sao chụp lại; hình chụp quang cảnh từ Joseph Smith: Vị Tiên Tri của Sự Phục Hồi, do Matthew Reier thực hiện © IRI

Từ trái sang: Thiên Sứ Mô Rô Ni Hiện Đến cùng Joseph Smith, do Tom Lovell họa © 2003 IRI; hình chụp quang cảnh từ Joseph Smith: Vị Tiên Tri của Sự Phục Hồi, do Matthew Reier thực hiện © IRI; hình chụp quang cảnh từ Joseph Smith: Vị Tiên Tri của Sự Phục Hồi, do John Luke thực hiện © IRI; Bằng Ân Tứ và Quyền Năng của Thượng Đế, do Simon Dewey họa; chi tiết của bức tranh do William Maughan họa © 1998; hình do Craig Dimond chụp © IRI; hình chụp quang cảnh từ Joseph Smith: Vị Tiên Tri của Sự Phục Hồi, do Matthew Reier thực hiện © IRI