2007
Niềm Vui của Sự Hối Cải
Tháng Tư năm 2007


Các Bài Học từ Kinh Tân Ước

Niềm Vui của Sự Hối Cải

Hình Ảnh

Trong suốt giáo vụ trần thế của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã cho thấy tình yêu thương lớn lao đối với mỗi người con trai và con gái của Thượng Đếọnhất là những người phạm tội. Trong các câu chuyện ngụ ngôn về con chiên bị thất lạc, đồng bạc bị mất và đứa con trai hoang phí, Chúa đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tìm đến những người đang lầm đường hay lạc lối và niềm vui được cảm thấy khi họ trở lại (xin xem Lu Ca 15). Ví dụ, Ngài phán: “Trên trời cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn hơn là chín mươi chín kẻ công bình không cần phải ăn năn” (Lu Ca 15:7).

Tôi muốn được tập trung vào niềm vui lớn lao mà đến với những người hối cải và những cảm giác vui sướng mà chúng ta nhận được khi chúng ta giúp đỡ những người khác qua tiến trình hối cải.

“Loài Người Có Sinh Tồn thì Họ Mới Hưởng Được Niềm Vui”

Niềm vui sâu đậm hơn chỉ là những giây phút mãn nguyện hoặc cảm giác hạnh phúc thoáng qua. Niềm vui thật sự, hoặc “niềm vui vĩnh viễn” (2 Nê Phi 8:11), có được từ việc trải qua quyền năng của Sự Chuộc Tội qua sự chân thành hối cải và từ sự xác nhận của Thánh Linh rằng chúng ta có thể được cứu chuộc từ tội lỗi nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô và thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu.

Tiên tri Lê Hi đã dạy rằng kế hoạch của Cha Thiên Thượng cho mỗi người chúng ta là để chúng ta “có thể hưởng được niềm vui” (2 Nê Phi 2:25) và rằng cách thức chắc chắn độc nhất để tìm được niềm vui vĩnh viễn là nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Mặc dù chúng ta không thể nhận được niềm vui trọn vẹn trong cuộc sống này (xin xem GLGƯ 93:33–34), nhưng chúng ta có thể nhận được những biểu hiện hằng ngày của niềm vui khi chúng ta sống theo phúc âm. Mặc Môn đã giảng dạy mẫu mực để tìm ra niềm vui khi ông nói về những người dân Nê Phi trung tín: “Họ vẫn thường nhịn ăn và cầu nguyện, và họ đã trở nên càng ngày càng mạnh hơn trong sự khiêm nhường của họ, và càng ngày càng vững chắc hơn trong đức tin nơi Đấng Ky Tô, đến nỗi tâm hồn họ tràn ngập niềm hân hoan và an ủi, phải, trái tim họ được trở nên thanh khiết và thánh hóa, mà sự thánh hóa này có được là nhờ họ đã hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế” (Hê La Man 3:35).

Chan Hòa Niềm Vui nhờ vào Đức Thánh Linh

Trong nhiều thánh thư, các vị tiên tri nói về việc cảm nhận niềm vui và cảm nhận Đức Thánh Linh trong những lời lẽ tương tự. Ví dụ trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chúng ta biết được rằng “các môn đồ thì được đầy dẫy sự vui vẻ và Đức Thánh Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:52). Và Chúa hứa với những người đi theo Ngài: “Ta sẽ truyền cho ngươi Thánh Linh của ta, là Đấng sẽ soi sáng tâm trí ngươi, là Đấng sẽ làm cho tâm hồn ngươi tràn đầy niềm vui” (GLGƯ 11:13).

Khi hiểu được rằng việc tràn đầy niềm vui gồm có việc được đầy dẫy Đức Thánh Linh thì chúng ta nhận thức rằng chân hạnh phúc đến từ việc hối cải các tội lỗi của chúng ta và sống xứng đáng với Thánh Linh. Ngoài ra, khi cảm nhận được Thánh Linh, chúng ta có thể tìm thấy được niềm vui lớn lao trong việc biết rằng chúng ta được thánh hóa trước mặt Thượng Đế.

Niềm vui mà có được từ sự hối cải thì rất hiển nhiên trong nhiều cách. Trước hết là niềm vui và sự an ủi đến với tâm hồn của một người hối cải khi gánh nặng tội lỗi được cất bỏ. Thứ nhì là những cảm giác vui sướng và yêu thương sâu đậm mà đến với những người giúp những người khác cố gắng qua tiến trình hối cải. Và cuối cùng có những cảm giác vui mừng của một Đấng Cứu Thế nhân từ khi Ngài thấy chúng ta noi theo những lời giảng dạy của Ngài và trông cậy vào quyền năng chữa lành của sự hy sinh chuộc tội của Ngài.

Khi chúng ta áp dụng Sự Chuộc Tội vào cuộc sống của mình thì chúng ta phải nghĩ về Đấng Cứu Rỗi và ân tứ vô tận của Ngài ban cho chúng ta, sử dụng đức tin nơi Ngài, và tìm kiếm sự xác nhận của Thánh Linh rằng Ngài có thể và sẽ cứu chuộc chúng ta khỏi tất cả các tội lỗi và những yếu kém của chúng ta. Do đó, chúng ta sẽ cảm thấy được niềm vui và sự bình an mà chỉ có thể được biểu hiện cho chúng ta nhờ vào Đức Thánh Linh. Kinh nghiệm của chúng ta sẽ giống như kinh nghiệm của những người dân Gia Ra Hem La: “Thánh Linh của Chúa giáng xuống trên họ, và họ tràn đầy hân hoan, vì đã nhận được sự xá miễn tội lỗi của mình và có được sự yên ổn trong lương tâm, nhờ họ có đức tin mãnh liệt nơi Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng sẽ đến” (Mô Si A 4:3).

“Để Cha Có Thể Mang Nhiều Linh Hồn đến Sự Hối Cải”

Sau khi chúng ta đã cảm thấy được niềm vui đến qua các phước lành của Sự Chuộc Tội thì chúng ta cũng có thể tìm ra được niềm vui lớn lao trong việc mời gọi những người khác đến cùng Đấng Ky Tô. Trong khi giảng dạy con trai Hê La Man của mình, An Ma đã nói: “Cha đã lao lực không ngừng, để cha có thể mang nhiều linh hồn đến sự hối cải; để cha có thể mang họ đến để nếm được nỗi vui mừng khôn tả như cha đã được nếm qua; ngõ hầu họ cũng có thể được Thượng Đế sinh ra và được dẫy đầy Đức Thánh Linh.

“Phải, và giờ đây, này, hỡi con trai của cha, Chúa đã ban cho cha một niềm vui quá lớn nhờ thành quả của bao công lao của cha” (An Ma 36:24–25).

Chính Đấng Cứu Rỗi đã dạy: “Và nếu các ngươi phải lao nhọc suốt đời để rao truyền sự hối cải cho dân này, và chỉ đem được một người về cho ta thôi, thì sự vui mừng của các ngươi cùng với kẻ đó trong vương quốc của Cha ta sẽ lớn lao biết bao!

“Và giờ đây, nếu sự vui mừng của các ngươi sẽ lớn lao với một người mà các ngươi đem về cho ta … , thì sự vui mừng của các ngươi còn lớn lao hơn biết bao nếu các ngươi đem về cho ta nghiều người!” (GLGƯ 18:15–16).

“Sự Vui Mừng của Ngài Lớn Lao Biết Bao Đối Với Người Biết Hối Cải”

Cuối cùng, tôi không thể không tưởng tượng ra được cảm giác đầy mãn nguyện mà Đấng Cứu Rỗi chắc hẳn có được mỗi lần chúng ta hối cải các tội lỗi của mình và áp dụng sự hy sinh chuộc tội của Ngài vào cuộc sống của chúng ta. Chắc chắn là Giăng đã lặp lại những cảm nghĩ của Đấng Cứu Rỗi khi ông nói: “Tôi nghe con cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa” (3 Giăng 1:4). Đấng Ky Tô, khi tự nói về Ngài, đã phán: “Sự vui mừng của Ngài lớn lao biết bao đối với người biết hối cải” (GLGƯ 18:13).

Sau khi giảng dạy cho những người dân Nê Phi về Sự Chuộc Tội của Ngài và điều mà họ cần phải làm để đứng không tì vết trước mặt Ngài, Chúa Giê Su đã bày tỏ những cảm nghĩ của Ngài cho họ biết bằng cách phán rằng: “Niềm vui của ta thật lớn lao và trọn vẹn, vì các ngươi … ; phải, và ngay cả Đức Chúa Cha cũng hoan hỷ , và luôn tất cả các thiên sứ thánh cũng vậy, vì các ngươi và thế hệ này, bởi không một ai trong bọn họ bị lạc lối … Ta có được niềm vui trọn vẹn vì họ” (3 Nê Phi 27:30–31).

Tôi làm chứng rằng chúng ta cũng có thể tìm được niềm vui trong cuộc sống này và niềm vui trọn vẹn trong cuộc sống mai sau bằng cách “nhìn xem Đức Chúa Giê Su là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời” (Hê Bơ Rơ 12:2; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Niềm vui của một tâm hồn hối cải

Chúng ta có thể học được nhiều về niềm vui theo sau sự hối cải chân thành bằng cách học hỏi những kinh nghiệm của Sứ Đồ Phao Lô và An Ma Con, mặc dù những kinh nghiệm của chúng ta có thể không gây ấn tượng nhiều như vậy (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 8:1–3; 9:1–31; Mô Si A 27:8–31; An Ma 36:5–24). Phao Lô và An Ma là những người có thế lực và là những người đi ngược đãi bắt bớ Các Thánh Hữu. Trong lúc đang thực hiện những hành động phá hoại thì cả hai người đã được những thiên sứ đến viếng. Một thiên sứ của Chúa đã hiện đến với An Ma, trong khi chính Chúa Giê Su đã phán cùng Phao Lô, và hỏi: “Sao ngươi bắt bớ ta?” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:4).

Cả hai người đã ngã xuống đất vì điều mà họ đã nghe thấy. An Ma bị làm cho câm, và Phao Lô trở thành mù. Quan trọng hơn hết, cả hai người này đều sửa đổi từ tình trạng tà ác và sa ngã của họ trong một cách thức tương tự. Phao Lô chỉ hỏi: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:6). Ông lập tức sửa đổi cuộc sống của mình theo Đấng Cứu Rỗi và tuân theo những lời chỉ dẫn của Chúa một cách chính xác. An Ma mô tả sự hối cải của ông:

“Trong lúc cha bị khốn khổ với cực hình, trong lúc cha bị ray rứt bởi sự hồi tưởng tới bao tội lỗi của mình, này, cha bỗng nhớ lại lời tiên tri của phụ thân cha đã tiên tri cho dân chúng biết về sự hiện đến của một Chúa Giê Su Ky Tô, tức là Vị Nam Tử của Thượng Đế, để chuộc tội lỗi cho thế gian.

“Bấy giờ, khi tâm trí cha vừa nghĩ đến điều đó, thì cha liền kêu cầu trong lòng mà rằng: Hỡi Chúa Giê Su, là Vị Nam Tử của Thượng Đế, xin Ngài hãy thương xót con là kẻ đang ở trong mật đắng và đang bị bao vây bởi xiềng xích vĩnh viễn của cõi chết.

“Và bấy giờ, này, cha vừa nghĩ xong điều ấy, thì cha không còn nhớ đến những sự đau đớn nữa; phải, cha không còn bị ray rứt bởi sự hồi tưởng tới các tội lỗi của mình nữa.

“Và ô kìa, sự vui mừng biết bao, và cha đã được trông thấy một ánh sáng kỳ diệu làm sao; phải, tâm hồn cha tràn đầy nỗi vui mừng quá lớn lao chẳng khác chi sự đau đớn mà cha đã trải qua vậy” (An Ma 36:17–20; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Anh Cả Craig C. Christensen thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi.