Đại Hội Trung Ương
Chính Là Sự Thông Sáng của Chúa Rằng Chúng Ta Nên có Sách Mặc Môn
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Chính Là Sự Thông Sáng của Chúa Rằng Chúng Ta Nên có Sách Mặc Môn

Tôi cầu nguyện rằng việc đọc Sách Mặc Môn trong năm nay sẽ là một niềm vui và một phước lành cho mỗi người chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng tôi vô cùng biết ơn những nỗ lực của anh chị em trong việc đọc thánh thư qua chương trình Hãy Đến Mà Theo Ta. Xin cảm ơn anh chị em cho mọi việc anh chị em đang làm. Sự kết nối hằng ngày của anh chị em với Thượng Đế và lời của Ngài mang đến những kết quả sâu rộng. “Các ngươi đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao. Và từ những việc nhỏ sẽ đưa lại những việc lớn.”

Việc đọc lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong thánh thư giúp chúng ta biến đổi mái ấm của mình thành nơi trú ẩn của đức tin, nơi đặt việc học phúc âm làm trọng tâm. Việc đó mời Thánh Linh vào trong mái ấm của anh chị em. Đức Thánh Linh khiến tâm hồn chúng ta ngập tràn niềm vui và cải đạo chúng ta thành những môn đồ trọn đời của Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong vài năm vừa qua, khi đọc các sách thánh thư, chúng ta quan sát được bức tranh toàn cảnh về những lời giảng dạy của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài trong tất cả các gian kỳ phúc âm quan trọng.

Trong mỗi gian kỳ, chúng ta đều thấy một khuôn mẫu quen thuộc. Thượng Đế phục hồi hoặc mặc khải phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thông qua các vị tiên tri của Ngài. Dân chúng tuân theo các vị tiên tri và được ban phước dồi dào. Tuy nhiên, theo thời gian, một số người không còn để tâm đến lời của các vị tiên tri nữa, rồi họ xa cách Chúa và phúc âm của Ngài. Đây là điều chúng ta gọi là sự bội giáo. Phúc âm được mặc khải lần đầu tiên cho A Đam, nhưng một số con cái của A Đam và Ê Va đã quay lưng lại với Chúa trong sự bội giáo. Chúng ta thấy một khuôn mẫu về sự phục hồi và sự bội giáo được lặp lại trong các gian kỳ của Hê Nóc, Nô Ê, Áp Ra Ham, Môi Se và những vị tiên tri khác nữa.

Ngày nay, chúng ta hiện đang sống trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn. Đây là gian kỳ duy nhất mà sẽ không kết thúc trong sự bội giáo. Chính gian kỳ này sẽ mở ra Sự Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô và triều đại ngàn năm của Ngài.

Vậy gian kỳ này có điều gì khác biệt? Chúa đã cung ứng điều gì cho chúng ta ngày nay, đặc biệt là cho thời đại của chúng ta, để giúp chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi và không bao giờ rời xa Ngài?

Một câu trả lời đến với tâm trí tôi là thánh thư—và cụ thể là Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô.

Mặc dù Thượng Đế đã hứa rằng sẽ không bao giờ có một sự tổng bội giáo nữa, nhưng chúng ta cần phải lưu tâm và cẩn thận né tránh một sự bội giáo cá nhân—hãy nhớ đến lời Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm về sự phát triển phần thuộc linh của cá nhân mình.” Việc học tập Sách Mặc Môn, như chúng ta đang làm trong năm nay, luôn luôn mang chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn—và giúp chúng ta ở gần Ngài.

Chúng ta sử dụng từ “học tập”, và điều đó là đúng vì hành động này bao hàm sự nỗ lực. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng cần phải học hỏi một sự thật mới nào đó. Đôi khi chúng ta đọc Sách Mặc Môn chỉ để cảm thấy được kết nối với Thượng Đế trong ngày hôm nay—nuôi dưỡng tâm hồn, được củng cố về mặt thuộc linh trước khi bước ra đối mặt với thế giới, hoặc tìm thấy sự chữa lành sau một ngày gian truân trong cuộc sống trần thế.

Chúng ta học tập thánh thư để Đức Thánh Linh, là Đấng thầy vĩ đại, có thể làm sâu sắc hơn sự cải đạo của chúng ta theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô cũng như giúp chúng ta trở nên giống hai Ngài hơn.

Với những suy nghĩ này trong tâm trí, chúng ta có thể cân nhắc: “Tuần này Đức Thánh Linh đã dạy chúng ta điều gì trong quá trình học Sách Mặc Môn?” và “Làm thế nào điều này mang chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn?”

Đây là những câu hỏi rất hay cho việc học tập thánh thư tại nhà của chúng ta. Đây cũng là những câu hỏi tuyệt vời để bắt đầu lớp trường Chủ Nhật tại nhà thờ. Chúng ta cải thiện việc giảng dạy tại nhà thờ vào Chủ Nhật bằng cách cải thiện việc học tại nhà trong tuần. Vậy nên, trong các lớp trường Chủ Nhật của chúng ta, “người thuyết giảng và người nhận hiểu được nhau, và cả hai được gây dựng và cùng nhau vui vẻ.”

Dưới đây là một vài câu thánh thư mà Thánh Linh đã in sâu vào tâm trí tôi từ việc học Sách Mặc Môn trong tuần này:

  • Nê Phi đã chỉ dẫn cho Gia Cốp bổn phận “bảo tồn những bảng khắc này để lưu truyền lại … từ thế hệ này đến thế hệ khác. Và nếu có điều giảng dạy nào thiêng liêng, hay sự mặc khải … hoặc những lời tiên tri, thì Gia Cốp phải “ghi khắc … các điều ấy trên những bảng khắc này … vì lợi ích cho dân của [họ].”

  • Sau đó Gia Cốp đã làm chứng, “chúng tôi tìm hiểu [thánh thư], … và sau khi có tất cả những bằng chứng ấy, chúng tôi gây được niềm hy vọng, và đức tin của chúng tôi trở nên khó lay chuyển.”

Giờ đây, những câu thánh thư này làm cho tôi nhớ lại điều Nê Phi đã nói trước đây về các bảng khắc bằng đồng:

“Chúng tôi đã lấy được các biên sử … và đã xem xét tỉ mỉ và nhận thấy đây là những điều … có một giá trị lớn lao đối với chúng tôi, vì nhờ đó chúng tôi mới có thể bảo tồn cho con cháu chúng tôi những lệnh truyền của Chúa.

“Vậy nên, theo sự thông sáng trong Chúa là chúng tôi phải mang theo các biên sử này với chúng tôi trong khi chúng tôi hành trình trong vùng hoang dã tiến về đất hứa.”

Giờ đây, nếu việc Lê Hi và gia đình ông có được thánh thư là một sự thông sáng thì điều đó cũng sẽ là một sự thông sáng đối với chúng ta ngày nay. Giá trị to lớn và quyền năng thuộc linh của thánh thư tiếp tục tăng trưởng trong cuộc sống của chúng ta ngày nay.

Chưa từng có một dân tộc nào khác trong lịch sử có được Sách Mặc Môn và các thánh thư khác mà chúng ta đang tận hưởng ngày nay. Đúng vậy, Lê Hi và gia đình ông đã được phước để mang theo các bảng khắc bằng đồng bên mình, nhưng họ không thể sao chép ra nhiều bản cho từng lều được! Cuốn Sách Mặc Môn quan trọng nhất chính là cuốn sách cá nhân của chúng ta. Đó là cuốn sách mà chúng ta đọc.

Trong khải tượng của Lê Hi về cây sự sống, Lê Hi đã dạy chúng ta về tầm quan trọng của kinh nghiệm cá nhân cùng với tình yêu thương của Thượng Đế. Sau khi nếm trái cây ấy, Lê Hi nhìn thấy vợ ông, Sa Ri A, cùng các con trai của ông là Nê Phi và Sam ở cách đó không xa.

“Họ đang đứng ở đó và hình như không biết phải đi đâu.

“… Cha ra dấu cho họ,” Lê Hi nói: “và cha cũng gọi to lên, bảo họ lại với cha và ăn trái cây ấy, đó là trái hấp dẫn hơn hết thảy mọi trái khác.

“Và … họ đi đến với cha để ăn trái cây ấy.”

Tôi yêu thích tấm gương của Lê Hi về việc nuôi dạy con cái có chủ đích. Sa Ri A, Nê Phi và Sam đang sống một cuộc sống tốt lành, ngay chính. Nhưng Chúa đã sửa soạn một điều tốt hơn, ngọt ngào hơn cho họ. Họ không biết tìm điều ấy ở đâu nhưng Lê Hi thì biết. Vậy nên ông đã “gọi to lên” để kêu gọi họ đến gần cây sự sống và nếm trái cây ấy. Chỉ dẫn của ông rất rõ ràng. Không thể có sự nhầm lẫn trong lời chỉ dẫn ấy.

Bản thân tôi cũng là người được hưởng lợi từ việc nuôi dạy con cái có chủ đích. Khi tôi còn là một cậu bé, có lẽ khoảng 11 hoặc 12 tuổi, mẹ tôi hỏi tôi: “Mark, con có thể tự mình biết được rằng phúc âm là chân chính thông qua Đức Thánh Linh không?”

Câu hỏi của bà khiến tôi ngạc nhiên. Tôi đã luôn cố gắng trở thành một “cậu bé ngoan ngoãn” và tôi nghĩ thế là đủ rồi. Nhưng mẹ tôi, giống như Lê Hi, biết rằng tôi cần điều gì đó tốt hơn thế. Tôi cần phải hành động và tự bản thân mình biết được điều này.

Tôi trả lời rằng tôi chưa có được kinh nghiệm thuộc linh đó. Và bà ấy có vẻ không ngạc nhiên chút nào trước câu trả lời của tôi.

Sau đó bà ấy đã nói một điều mà tôi không bao giờ quên. Tôi vẫn còn nhớ như in lời nói của bà: “Cha Thiên Thượng muốn con tự mình kiểm chứng. Nhưng con phải nỗ lực. Con cần đọc Sách Mặc Môn và cầu nguyện để được Đức Thánh Linh xác nhận. Cha Thiên Thượng sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của con.”

Trước lúc đó, tôi chưa bao giờ đọc Sách Mặc Môn cả. Tôi không nghĩ mình đủ tuổi để làm điều đó. Nhưng mẹ tôi biết rõ hơn ai hết.

Câu hỏi của bà khơi dậy trong tôi niềm khao khát được tự mình kiểm chứng.

Vậy nên, mỗi đêm, trong phòng ngủ của tôi với hai anh em trai của mình, tôi bật đèn phía trên giường và đọc một chương trong Sách Mặc Môn. Sau đó, tôi tắt đèn, quỳ xuống bên cạnh giường và cầu nguyện. Tôi đã cầu nguyện chân thành hơn và với một ước muốn lớn lao hơn bao giờ hết. Tôi khẩn nài Cha Thiên Thượng hãy cho tôi biết về sự chân thật của Sách Mặc Môn.

Từ khi bắt đầu đọc Sách Mặc Môn, tôi đã cảm thấy rằng Cha Thiên Thượng biết những nỗ lực của tôi. Và tôi cảm thấy rằng tôi quan trọng đối với Ngài. Khi tôi đọc thánh thư và cầu nguyện, những cảm giác thoải mái, bình yên tràn ngập trong tôi. Ánh sáng đức tin ngày càng rực sáng hơn trong tâm hồn tôi theo từng chương trong Sách Mặc Môn. Theo thời gian, tôi nhận ra rằng những cảm giác ấy chính là sự xác nhận lẽ thật từ Đức Thánh Linh. Tôi dần tự mình biết rằng Sách Mặc Môn là chân chính và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Tôi thật sự biết ơn cho lời mời đầy soi dẫn của mẹ tôi.

Kinh nghiệm đọc Sách Mặc Môn khi còn là một cậu bé đã hình thành một khuôn mẫu học thánh thư mà vẫn tiếp tục ban phước cho tôi cho đến tận ngày hôm nay. Tôi vẫn đọc Sách Mặc Môn và quỳ gối cầu nguyện. Và Đức Thánh Linh liên tục xác nhận các lẽ thật trong sách.

Nê Phi đã nói đúng. Đây chính là sự thông sáng của Chúa rằng chúng ta nên mang theo thánh thư trong suốt cuộc đời mình. Sách Mặc Môn là “nền tảng” khiến cho gian kỳ này khác biệt với tất cả các gian kỳ trước đó. Khi chúng ta học tập Sách Mặc Môn và tuân theo vị tiên tri tại thế, sẽ không có sự bội giáo cá nhân trong cuộc sống của chúng ta.

Lời mời gọi đến cây sự sống bằng cách bám chặt vào lời của Thượng Đế không chỉ là lời mời của Lê Hi dành cho gia đình ông, và đó không chỉ là lời mời từ mẹ tôi để tôi đọc và cầu nguyện về Sách Mặc Môn. Đó cũng là lời mời từ vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đến với mỗi người chúng ta.

“Tôi hứa rằng khi các anh chị em thành tâm học hỏi Sách Mặc Môn mỗi ngày, các anh chị em sẽ đưa ra những quyết định tốt hơn—mỗi ngày. Tôi hứa rằng khi các anh chị em suy ngẫm những gì mình học hỏi, các cửa sổ trên trời sẽ mở ra, và các anh chị em sẽ nhận được câu trả lời cho những câu hỏi của mình và nhận được sự chỉ dẫn cho cuộc sống của mình.”

Tôi cầu nguyện rằng việc đọc Sách Mặc Môn trong năm nay sẽ là một niềm vui và một phước lành cho mỗi người chúng ta và sẽ đưa chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn bao giờ hết.

Cha Thiên Thượng hằng sống. Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta. Sách Mặc Môn chứa đựng lời của Ngài và truyền đạt tình yêu thương của Ngài. Chủ Tịch Russell M. Nelson là vị tiên tri tại thế của Chúa trên thế gian ngày nay. Tôi biết những điều này là đúng nhờ vào lời chứng xác nhận của Đức Thánh Linh, lời chứng mà tôi, khi còn là một đứa trẻ, đã nhận được lần đầu tiên khi đọc Sách Mặc Môn. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Giáo Lý và Giao Ước 64:33.

  2. “Chương trình giảng dạy mới và hợp nhất được Giáo Hội hỗ trợ và đặt trọng tâm vào mái gia đình có tiềm năng phát động sức mạnh của các gia đình, khi mỗi gia đình đều tuân theo kỹ và tận tình để biến ngôi nhà của họ thành nơi trú ẩn của đức tin. Tôi hứa rằng khi anh chị em siêng năng cố gắng tổ chức lại nhà cửa của mình thành một trung tâm học tập phúc âm, thì cuối cùng ngày Sa Bát của anh chị em sẽ thực sự là một ngày vui thích. Con cái của anh chị em sẽ phấn khởi được học tập và sống theo những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi, và ảnh hưởng của kẻ nghịch thù trong cuộc sống của anh chị em và trong mái gia đình của anh chị em sẽ giảm bớt. Những thay đổi trong gia đình anh chị em sẽ rất đáng kể và bền bỉ” (Russell M. Nelson, “Trở Thành Các Thánh Hữu Ngày Sau Gương Mẫu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 113).

  3. “Thật vậy, thật vậy, ta nói cho ngươi hay, ta sẽ truyền cho ngươi Thánh Linh của ta, là Đấng sẽ soi sáng tâm trí ngươi, là Đấng sẽ làm cho tâm hồn ngươi tràn đầy niềm vui” (Giáo Lý và Giao Ước 11:13).

  4. “Gian kỳ là những khoảng thời gian mà trong đó Chúa có ít nhất một người tôi tớ có thẩm quyền trên thế gian, là người mang thánh chức tư tế và các chìa khóa, đồng thời có một nhiệm vụ thiêng liêng phải rao giảng phúc âm cho toàn bộ dân chúng trên thế gian” (Topics and Questions, “Dispensations,” Gospel Library).

  5. Xin xem Môi Se 5:12–16.

  6. Tiên tri Đa Ni Ên đã trông thấy thời đại và thời kỳ của chúng ta khi ông diễn giải giấc chiêm bao của Nê Bu Cát Nết Sa. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là hòn đá trong giấc chiêm bao đó, chẳng phải bởi tay đục ra từ núi, lăn tới lấp đầy cả trái đất (xin xem Đa Ni Ên 2:34–35, 44–45; Giáo Lý và Giao Ước 65:2).

  7. “Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô đã kêu gọi Tiên Tri Joseph Smith làm vị tiên tri của gian kỳ này. Tất cả các quyền năng thiêng liêng của các gian kỳ trước phải được phục hồi qua ông. Gian kỳ trọn vẹn của thời kỳ này sẽ không bị giới hạn về thời gian hoặc địa điểm. Gian kỳ này sẽ không kết thúc trong sự bội giáo và nó sẽ làm dẫy đầy thế gian.” (Russell M. Nelson, “Sự Quy Tụ Dân Y Sơ Ra Ên Đã Bị Phân Tán,” Liahona, tháng Mười Một năm 2006, trang 79–80).

  8. Russell M. Nelson, “Lời Mở Đầu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 8.

  9. Xin xem “Sự Cải Đạo Là Mục Tiêu của Chúng Ta,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024, v.

  10. Giáo Lý và Giao Ước 50:22; xin xem thêm các câu 17–21.

  11. Gia Cốp 1:3–4.

  12. Gia Cốp 4:6.

  13. 1 Nê Phi 5:21–22.

  14. Một số liệu thống kê gần đây cho biết 200 triệu ấn bản Sách Mặc Môn đã được phân phát trong gian kỳ này. Đây là một con số đáng chú ý. Sách Mặc Môn hiện đã được dịch ra 113 ngôn ngữ, với 17 bản dịch mới đang được thực hiện. Thật là một phước lành khi có Sách Mặc Môn dưới định dạng in ấn, kỹ thuật số, âm thanh, video và các định dạng khác. (Xin xem Ryan Jensen, “Church Distributes 200 Millionth Copy of the Book of Mormon,” Church News, 29 tháng Mười Hai, năm 2023, thechurchnews.com.)

  15. 1 Nê Phi 8:14–16; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  16. “Ảnh hưởng thuộc linh mạnh mẽ nhất trong cuộc sống của một đứa trẻ chính là tấm gương ngay chính của cha mẹ, ông bà đầy tình yêu thương, là những người trung tín tuân giữ các giao ước thiêng liêng của chính họ. Những bậc cha mẹ chủ tâm dạy con cái họ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, để cho chúng cũng ‘có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng’ [2 Nê Phi 25:26]. Việc tuân giữ giao ước một cách tùy tiện và không kiên định đưa đến sự yếu đuối thuộc linh. Thiệt hại về mặt thuộc linh thường là nghiêm trọng nhất đối với con cái và cháu chắt của chúng ta” (Kevin W. Pearson, “Anh Chị Em Vẫn Còn Sẵn Lòng Chứ?,” Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 69).

  17. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:22–24.

  18. Tiên Tri Joseph Smith đã nói: “Tôi đã nói với các anh em trong Giáo Hội rằng Sách Mặc Môn là một cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian, và là nền tảng của tôn giáo chúng ta, và một người sẽ đến gần Thượng Đế hơn nhờ tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó thay vì tuân theo bất cứ cuốn sách nào khác” (trong Lời Giới Thiệu Sách Mặc Môn).

  19. Russell M. Nelson, “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 62–63.