Đại Hội Trung Ương
Mục Đích của Thượng Đế Là Mang Anh Chị Em Trở Về Nhà
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Mục Đích của Thượng Đế Là Mang Anh Chị Em Trở Về Nhà

Mọi điều trong kế hoạch của Đức Chúa Cha dành cho con cái yêu dấu của Ngài được tạo ra để mang tất cả mọi người trở về nhà.

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với những lời cầu nguyện của anh chị em khi tôi bắt đầu quá trình thích nghi với sự kêu gọi này, được đưa ra qua Chủ Tịch Nelson để phục vụ với tư cách là một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em có lẽ có thể tưởng tượng được tôi cảm thấy khiêm nhường ra sao và đây là một thời điểm đánh dấu sự thay đổi quan trọng và cũng là lúc để xem xét nội tâm một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, thật là một vinh dự lớn lao khi được phục vụ Đấng Cứu Rỗi, trong bất kỳ vai trò nào, và được tham gia cùng anh chị em để chia sẻ tin lành về phúc âm mang lại hy vọng của Ngài.

Ngoài ra, người ta nói rằng đằng sau mỗi vị Sứ Đồ mới là một người mẹ vợ đầy ngạc nhiên. Tôi không biết người ta có thực sự nói điều đó hay không, nhưng trong trường hợp của tôi thì đúng như vậy. Và tôi ngờ rằng mẹ vợ của tôi vẫn rất ngạc nhiên tuy bà đã qua đời.

Cách đây vài tháng, khi vợ chồng tôi đang viếng thăm một quốc gia khác theo những chỉ định của Giáo Hội, một buổi sáng nọ, tôi thức dậy sớm và nhìn mơ màng ra bên ngoài cửa sổ khách sạn. Phía dưới con đường đông đúc, tôi thấy một cái rào chắn đường đã được dựng lên cùng với một trạm cảnh sát gần đó để giúp những chiếc xe quay đầu lại khi họ đến gần rào chắn. Lúc đầu, chỉ có vài chiếc xe đi trên đường và đã được hướng dẫn để quay đầu lại. Nhưng dần dần, dòng xe cộ càng trở nên đông hơn, những chiếc xe bắt đầu nối tiếp nhau trên đường.

Từ cửa sổ phía trên, tôi quan sát thấy người cảnh sát dường như hài lòng với quyền lực của mình để chặn luồng giao thông và yêu cầu mọi người quay đầu xe. Thực ra, những bước chân của anh ta cứ như đang nhún nhảy đầy hào hứng mỗi khi có một chiếc xe tiến lại gần rào chắn. Nếu có một người lái xe tỏ ra bực bội về việc đường bị chặn, thì người cảnh sát đó dường như không giúp đỡ hay cảm thông chút nào. Anh ta chỉ liên tục lắc đầu và chỉ tay về hướng ngược lại.

Các bạn đồng môn đồ thân mến của tôi trên con đường của cuộc sống trần thế, kế hoạch tốt đẹp của Đức Chúa Cha của chúng ta, thậm chí là kế hoạch “tuyệt vời” của Ngài, được tạo ra để mang anh chị em trở về nhà, chứ không phải để giữ anh chị em ở ngoài. Không ai dựng lên rào chắn và đặt một người ở đó để xua đuổi và bắt các anh chị em quay đầu. Thực ra là hoàn toàn ngược lại. Thượng Đế không ngừng tìm cách gây dựng mối quan hệ với anh chị em. Ngài “muốn tất cả con cái của Ngài chọn trở lại cùng Ngài,” và Ngài sử dụng mọi biện pháp có thể để mang anh chị em trở về.

Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta đã giám sát Sự Sáng Tạo chính thế gian này vì mục đích cụ thể để đem đến một cơ hội cho anh chị em và tôi có được những kinh nghiệm giúp trau dồi và tôi luyện chúng ta trong cuộc sống trần thế, có cơ hội sử dụng quyền tự quyết mà Thượng Đế ban cho để chọn Ngài, để học hỏi và phát triển, mắc lỗi, hối cải, yêu thương Thượng Đế và người lân cận, và để một ngày nào đó quay trở về nhà với Ngài.

Ngài đã gửi Vị Nam Tử Yêu Dấu quý báu của Ngài đến thế giới sa ngã này để có toàn bộ kinh nghiệm sống như một người trần thế, để làm tấm gương cho tất cả các con cái còn lại của Ngài noi theo, và để chuộc tội cùng cứu chuộc. Ân tứ chuộc tội vĩ đại của Đấng Ky Tô loại bỏ mọi rào cản về cái chết thể xác và thuộc linh mà sẽ chia cách chúng ta với ngôi nhà vĩnh cửu.

Mọi điều trong kế hoạch của Đức Chúa Cha dành cho con cái yêu dấu của Ngài được tạo ra để mang tất cả mọi người trở về nhà.

Các sứ giả của Thượng Đế, các vị tiên tri của Ngài gọi kế hoạch này là gì trong thánh thư Phục Hồi? Họ gọi đây là kế hoạch cứu chuộc, kế hoạch thương xót, kế hoạch hạnh phúc vĩ đại, và kế hoạch cứu rỗi dành cho tất cả mọi người, “qua máu của Con Độc Sinh của [Ngài].”

Mục đích của kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Đức Chúa Cha là vì hạnh phúc của anh chị em, ngay tại đây, ngay lúc này, và trong thời vĩnh cửu. Kế hoạch đó không phải là để ngăn cản niềm hạnh phúc của anh chị em và khiến anh chị em lo lắng và sợ hãi.

Mục đích của kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Cha thực ra là nhằm cứu chuộc anh chị em, giải cứu anh chị em qua nỗi thống khổ và cái chết của Chúa Giê Su Ky Tô, để được tự do khỏi bị xiềng xích bởi tội lỗi và cái chết. Kế hoạch đó không phải là để bỏ mặc anh chị em trong tình trạng hiện tại.

Mục đích của kế hoạch thương xót của Đức Chúa Cha là để ban cho sự thương xót khi anh chị em quay trở lại cùng Ngài và tôn trọng giao ước trung tín của anh chị em với Ngài. Kế hoạch đó không phải là để phủ nhận lòng thương xót và gây ra nỗi đau đớn hay buồn rầu.

Mục đích của kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Cha thực ra là vì sự cứu rỗi của anh chị em vào vương quốc thượng thiên đầy vinh quang khi anh chị em nhận được “chứng ngôn về Chúa Giê Su” và dâng trọn tâm hồn mình lên Ngài. Kế hoạch đó không phải là để giữ anh chị em bên ngoài vương quốc thượng thiên.

Những điều này có bất kỳ ý nghĩa nào liên quan đến cách chúng ta sống không? Hay cách chúng ta chọn sử dụng quyền tự quyết của mình không hề quan trọng? Hay chúng ta có thể chọn tuân theo hoặc không tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế? Không, dĩ nhiên là không. Chắc chắn rằng một trong những lời mời và lời khẩn nài kiên định nhất của Chúa Giê Su trong suốt giáo vụ trần thế của Ngài là chúng ta hãy thay đổi, hối cải và đến cùng Ngài. Về cơ bản, ẩn sâu trong tất cả những lời giảng dạy của Ngài để sống theo một tiêu chuẩn cao hơn về mặt đạo đức là lời kêu gọi chúng ta phát triển bản thân, có đức tin để thay đổi nơi Đấng Ky Tô, có một sự thay đổi lớn lao trong lòng.

Thượng Đế muốn chúng ta triệt để thay đổi bản thân, nhất là thói ích kỷ và tính kiêu ngạo, từ bỏ con người thiên nhiên, và muốn chúng ta “hãy đi, đừng phạm tội nữa.”

Nếu chúng ta tin vào mục đích của kế hoạch dành cho tất cả nhân loại của Đức Chúa Cha là nhằm cứu chuộc chúng ta, ban cho chúng ta lòng thương xót, và qua đó mang đến cho chúng ta niềm hạnh phúc, vậy thì Đức Chúa Con, là Đấng mà qua Ngài kế hoạch vĩ đại này được thực hiện, có mục đích gì?

Chính Đức Chúa Con phán với chúng ta rằng: “Vì ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến.”

Ý muốn của Chúa Giê Su cũng chính là ý muốn của Đức Chúa Cha nhân từ! Ngài muốn tất cả con cái của Cha Ngài nhận được mục đích cuối cùng của kế hoạch—chính là cuộc sống vĩnh cửu với hai Ngài. Không có một ai bị loại ra khỏi tiềm năng thiêng liêng này.

Nếu anh chị em có khuynh hướng lo lắng rằng mình sẽ không bao giờ đủ xứng đáng, hay tầm tay yêu thương của Sự Chuộc Tội vô hạn của Đấng Ky Tô bao bọc đầy thương xót cho tất cả những người khác ngoại trừ anh chị em, thì anh chị em đang hiểu lầm rồi đó. Sự vô hạn có nghĩa là bao la vô bờ bến. Sự vô hạn bao trùm cả anh chị em và những người mà anh chị em yêu thương.

Nê Phi giải thích lẽ thật tuyệt vời này rằng: “Ngài không làm việc gì trừ phi có lợi ích cho thế gian; vì Ngài rất yêu mến thế gian, đến đỗi Ngài phải bỏ mạng sống của mình để lôi kéo tất cả loài người đến với Ngài. Vậy nên, Ngài không truyền lệnh cho một ai không được hưởng sự cứu rỗi của Ngài.”

Đấng Cứu Rỗi, Đấng Chăn Hiền Lành, đi tìm kiếm các con chiên thất lạc của Ngài cho đến khi Ngài tìm được chúng. Ngài “không muốn cho một người nào chết mất.”

“Cánh tay thương xót của ta đã dang ra về phía các ngươi, và bất cứ kẻ nào đến, ta đều đón nhận.”

“Trong các ngươi có ai đau ốm không? Hãy đem họ lại đây. Trong các ngươi có ai què, đui, câm, điếc, cụt tay chân, bị phong hủi, hay bại xuội, hoặc bị đau đớn vì nguyên do nào khác không? Hãy đem họ lại đây, ta sẽ chữa lành cho họ, vì ta hết sức thương hại các ngươi.”

Ngài không xua đuổi người đàn bà bị mất huyết; Ngài không từ bỏ người bị bệnh phong; Ngài không hắt hủi người đàn bà phạm tội ngoại tình; Ngài không khước từ người biết hối cải—bất kể tội lỗi của họ là gì. Và Ngài sẽ không từ chối anh chị em hay những người anh chị em yêu thương khi anh chị em dâng cho Ngài tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối của mình. Đó không phải là ý định hay ý muốn của Ngài, cũng không phải kế hoạch, mục đích, mong muốn hay hy vọng của Ngài.

Không, Ngài không hề dựng lên những rào chắn và chướng ngại vật; nhưng Ngài loại bỏ chúng. Ngài không giữ anh chị em ở ngoài ngôi nhà thiên thượng; mà Ngài chào đón anh chị em bước vào. Toàn bộ giáo vụ của Ngài là một minh chứng hùng hồn cho mục đích này.

Tất nhiên còn có cả chính sự hy sinh chuộc tội của Ngài nữa, là điều khó hơn cho chúng ta để hiểu được, nó nằm ngoài khả năng trần thế của chúng ta để có thể hiểu thấu. Nhưng, quan trọng là, chúng ta hiểu, và có thể thấu hiểu được mục đích thiêng liêng, mục đích cứu rỗi của sự hy sinh chuộc tội của Ngài.

Bức màn che trong đền thờ bị xé ra làm hai khi Chúa Giê Su chết trên thập tự giá, tượng trưng cho con đường quay trở lại nơi hiện diện của Đức Chúa Cha đã được mở ra—cho tất cả những ai sẽ hướng đến Ngài, tin cậy Ngài, trao gánh nặng của họ cho Ngài, và mang lấy ách của Ngài trong mối quan hệ giao ước.

Nói cách khác, kế hoạch của Đức Chúa Cha không phải là những cái rào chắn đường. Nó chưa từng và sẽ không bao giờ là như vậy. Có những điều nào mà chúng ta cần làm, những lệnh truyền cần tuân giữ, bản tính nào cần thay đổi không? Có chứ. Nhưng với ân điển của Ngài, những điều này nằm trong khả năng của chúng ta.

Đây chính là tin mừng! Tôi vô cùng biết ơn về những lẽ thật giản dị này. Chủ ý của Đức Chúa Cha, kế hoạch, mục đích, ý định, mong muốn và hy vọng của Ngài, tất cả là để chữa lành cho anh chị em, tất cả là để ban cho anh chị em sự bình an, tất cả là để mang anh chị em và những người mà anh chị em yêu thương trở về nhà. Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Ngài, A Men.

Ghi Chú

  1. Russell M. Nelson, “Hãy Nghĩ Tới Những Điều Vĩnh Cửu của Thượng Thiên!,” Liahona, tháng Mười Một năm 2023, trang 117, 118.

  2. Xin xem 2 Nê Phi 26:25, 27.

  3. Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, phần 1.1, Thư Viện Phúc Âm.

  4. Xin xem Môi Se 7:33.

  5. Xin xem Gia Cốp 6:8; An Ma 12:30.

  6. Xin xem An Ma 42:15.

  7. Xin xem An Ma 42:8, 16.

  8. Môi Se 6:62.

  9. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 45:4.

  10. Giáo Lý và Giao Ước 76:50–70.

  11. Xin xem Ôm Ni 1:26.

  12. Xin xem Ma Thi Ơ 4:17.

  13. Xin xem Ma Thi Ơ 5–7. Ví dụ, trong Ma Thi Ơ 5:43–44, Đấng Cứu Rỗi đã dạy các môn đồ của Ngài rằng sẽ là không đủ khi chỉ “yêu người lân cận, và ghét kẻ thù nghịch mình.” Nhưng để noi theo Ngài, họ còn cần phải “yêu kẻ thù nghịch [của họ].”

  14. Xin xem Mô Si A 5:2. Để cho lòng thương xót của Chúa Giê Su Ky Tô có thể có hiệu lực trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta phải quay trở lại với Ngài. An Ma Con giảng dạy rằng “kế hoạch cứu chuộc [vinh quang này] chỉ có thể được thực hiện với điều kiện là loài người phải hối cải; vì nếu không có điều kiện này, thì sự thương xót không thể nào có hiệu quả” (An Ma 42:13).

  15. Xin xem Mô Si A 3:19.

  16. Giăng 8:11.

  17. Giăng 6:38.

  18. Xin xem Russell M. Nelson, “The Atonement,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, trang 35: “Sự Chuộc Tội của Ngài là vô hạn—không có sự kết thúc. Sự Chuộc Tội này cũng vô hạn bởi vì tất cả nhân loại sẽ được cứu khỏi cái chết không bao giờ kết thúc. Sự Chuộc Tội này là vô hạn về phương diện nỗi đau khổ mãnh liệt của Ngài. Sự Chuộc Tội này là vô hạn về thời gian, khi chấm dứt tục lệ ban đầu để hy sinh động vật trước đó. Sự Chuộc Tội này là vô hạn về phạm vi—Sự Chuộc Tội được thực hiện một lần cho tất cả mọi người. Và lòng thương xót của Sự Chuộc Tội không những dành cho vô số người, mà còn cho vô số thế giới do Ngài tạo ra nữa. Sự Chuộc Tội là vô hạn vượt xa bất cứ mức thang đo lường nào của nhân loại hoặc sự am hiểu nào của người trần thế.”

  19. 2 Nê Phi 26:24.

  20. Xin xem Lu Ca 15:4.

  21. 2 Phi E Rơ 3:9; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 18:11–12.

  22. 3 Nê Phi 9:14.

  23. 3 Nê Phi 17:7; xin xem thêm câu 6.

  24. Trong những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô mà chỉ ra rằng một số cá nhân sẽ không thừa hưởng vương quốc thiên thượng, Ngài phán rõ rằng kết quả này không phải là ý muốn của Ngài cho họ mà là do hậu quả đến từ những lựa chọn của chính họ (xin xem Ma Thi Ơ 7:13–14, 21–25).

  25. Xin xem Ma Thi Ơ 27:50–51; Hê Bơ Rơ 9:6–12.