Đại Hội Trung Ương
Ách của Ngài Là Dễ Chịu và Gánh của Ngài Là Nhẹ Nhàng
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2022


Ách của Ngài Là Dễ Chịu và Gánh của Ngài Là Nhẹ Nhàng

Chúng ta hãy nhớ rằng mỗi người trên thế gian này là con của Thượng Đế và Ngài yêu thương mỗi người.

Câu chuyện kể về một người đàn ông tên Jack có một con chó săn chim mà anh ta rất yêu quý tên là Cassie. Jack rất hãnh diện về Cassie và thường khoe rằng nó là một con chó rất giỏi. Để chứng minh điều này, Jack đã mời một số bạn đến xem Cassie biểu diễn. Sau khi đến câu lạc bộ săn bắn, Jack để Cassie chạy loanh quanh trong khi anh ta vào bên trong để ghi danh.

Khi đến lúc bắt đầu, Jack rất nóng lòng muốn khoe những kỹ năng tuyệt vời của Cassie. Tuy nhiên, Cassie có hành động rất kỳ lạ. Nó không chịu tuân theo bất cứ mệnh lệnh nào của Jack như nó thường sẵn lòng làm như vậy. Nó chỉ muốn ở bên cạnh anh ta.

Jack lấy làm bực bội, ngượng ngùng và tức giận với Cassie; ngay sau đó anh ta đề nghị đi về. Thậm chí Cassie còn không chịu nhảy vào phía sau xe tải, nên Jack nóng nảy bồng nó lên và đẩy nó vào cũi chó. Anh ta nổi giận khi những người đi cùng với anh ta chế giễu hành vi của con chó suốt quãng đường về nhà. Jack không thể hiểu tại sao Cassie lại có hành động kỳ lạ như thế. Nó đã được huấn luyện kỹ và trước đó đã hết lòng mong muốn làm hài lòng và phục vụ anh ta.

Sau khi về đến nhà, Jack bắt đầu xem xét Cassie để tìm kiếm vết thương, gai hay bọ chét, như anh ta thường làm. Khi đặt tay lên ngực nó, anh ta cảm thấy có gì đó ươn ướt và thấy tay mình dính đầy máu. Cảm thấy xấu hổ và kinh hoàng, anh ta nhận thấy Cassie bị một vết cắt dài và rộng ngay sát xương ngực. Anh ta tìm thấy một vết cắt khác cũng thấu đến xương trên chân trước bên phải của nó.

Jack ôm Cassie vào lòng và bắt đầu khóc. Anh ta vô cùng xấu hổ về cách anh ta đã nghĩ sai và đối xử với nó. Trước đó trong ngày, Cassie đã hành động không bình thường vì nó bị thương. Hành động của nó đã bị ảnh hưởng bởi nỗi đau đớn, đau khổ và những vết thương của nó. Hành động đó không liên quan gì đến việc không muốn vâng lời Jack hoặc không yêu thương anh ta.1

Tôi đã nghe câu chuyện này cách đây nhiều năm và không bao giờ quên nó. Có bao nhiêu người bị thương trong số chúng ta? Biết bao lần chúng ta phê phán người khác dựa trên diện mạo bên ngoài và hành động, hoặc thiếu hành động của họ, khi mà nếu hiểu rõ, chúng ta sẽ phản ứng với lòng trắc ẩn và ước muốn giúp đỡ thay vì tăng thêm gánh nặng cho họ bằng sự phê phán của chúng ta?

Tôi đã phạm tội này nhiều lần trong đời, nhưng Chúa đã kiên nhẫn dạy tôi qua những kinh nghiệm cá nhân và khi tôi lắng nghe những kinh nghiệm sống của nhiều người khác. Tôi đã tiến đến việc biết ơn trọn vẹn hơn tấm gương của Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của chúng ta khi Ngài đã dành rất nhiều thời gian của Ngài để phục sự người khác bằng tình yêu thương.

Kinh nghiệm sống của con gái út của tôi đã gồm có những thử thách về sức khỏe cảm xúc từ khi nó còn bé. Nhiều lần trong suốt cuộc đời mình, nó đã cảm thấy là không thể tiếp tục sống được nữa. Chúng tôi sẽ vĩnh viễn biết ơn các thiên thần trên trần thế đã hiện diện trong những lúc đó: ngồi với con gái tôi, lắng nghe nó nói, khóc với nó, cũng như chia sẻ với nhau những ân tứ độc đáo, sự hiểu biết thuộc linh và một mối quan hệ yêu thương lẫn nhau. Trong những hoàn cảnh yêu thương như vậy, gánh nặng thường được cất bỏ cho cả hai bên.

Anh Cả Joseph B. Wirthlin, khi trích dẫn 1 Cô Rinh Tô, đã nói: “Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chỏa vang tiếng.”2

Ông nói tiếp:

“Sứ điệp của Phao Lô dành cho nhóm Thánh Hữu mới này rất giản dị và thẳng thắn: Nếu anh chị em không có lòng bác ái thì bất cứ điều gì anh chị em làm cũng không mang lại nhiều khác biệt. Anh chị em có thể nói tiếng lạ, có được ân tứ nói tiên tri, hiểu biết tất cả những sự huyền diệu và có được mọi sự hiểu biết; cho dù anh chị em có đức tin để dời núi, nhưng nếu không có lòng bác ái thì nó cũng sẽ chẳng có lợi ích gì cho anh chị em.

“‘Lòng bác ái là tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô’ [Mô Rô Ni 7:47]. Đấng Cứu Rỗi nêu gương yêu thương đó.”3

Chúng ta đọc trong Giăng: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ Ta.”4

Nhiều bài nói chuyện đã được các vị lãnh đạo Giáo Hội của chúng ta đưa ra về lòng bác ái, tình đoàn kết, tình yêu thương, lòng nhân từ, lòng trắc ẩn, sự tha thứ và lòng thương xót. Tôi tin rằng Đấng Cứu Rỗi đang mời gọi chúng ta sống theo cách thức cao quý hơn, thánh thiện hơn5—Cách yêu thương của Ngài là cách mà tất cả mọi người đều có thể cảm thấy mình thực sự được thuộc vào và cần đến.

Chúng ta được truyền lệnh phải yêu thương người khác,6 chứ không phê phán họ.7 Hãy cất bỏ gánh nặng đó; đó không phải là trách nhiệm của chúng ta để phê phán.8 Thay vì thế, chúng ta có thể nhận lấy ách yêu thương và trắc ẩn của Đấng Cứu Rỗi.

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; … và học theo ta; …

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”9

Đấng Cứu Rỗi không bỏ qua tội lỗi nhưng ban cho chúng ta tình yêu thương và sự tha thứ của Ngài khi chúng ta hối cải. Ngài phán với người phụ nữ bị bắt vì tội ngoại tình: “Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa.”10 Những ai được Ngài làm cho xúc động đều cảm nhận được tình yêu thương của Ngài và tình yêu thương đó đã chữa lành và biến đổi họ. Tình yêu thương của Ngài đã soi dẫn họ muốn thay đổi cuộc sống của họ. Lối sống theo cách của Ngài mang lại niềm vui và sự bình an và Ngài mời gọi người khác sống theo cách đó với sự dịu dàng, nhân từ và yêu thương.

Anh Cả Gary E. Stevenson nói: “Khi chúng ta đối mặt với phong ba bão táp, bệnh tật và tổn thương của cuộc đời, Chúa—Đấng Chăn Dắt và Chăm Nom chúng ta—sẽ nuôi dưỡng chúng ta với tình yêu thương và lòng nhân từ. Ngài sẽ chữa lành tấm lòng của chúng ta và khôi phục tâm hồn của chúng ta.”11 Là các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có nên làm như vậy không?

Đấng Cứu Rỗi phán bảo chúng ta phải học theo Ngài12 và làm những điều chúng ta đã thấy Ngài làm.13 Ngài là hiện thân của lòng bác ái, của tình yêu thanh khiết. Khi chúng ta dần dần học cách làm những gì Ngài truyền lệnh cho chúng ta—không phải vì bổn phận hoặc thậm chí vì những phước lành mà chúng ta có thể nhận được mà hoàn toàn là vì tình yêu mến dành cho Ngài và Cha Thiên Thượng của chúng ta14—thì tình yêu thương của Ngài sẽ tuôn tràn qua chúng ta và làm cho tất cả những gì Ngài truyền lệnh không những là khả thi mà cuối cùng còn dễ dàng và nhẹ nhàng hơn nhiều15 và vui vẻ hơn chúng ta có thể tưởng tượng được. Điều đó sẽ cần sự tập luyện; điều đó có thể mất nhiều năm, như đối với tôi, nhưng khi chúng ta còn mong muốn có tình yêu thương làm động lực thúc đẩy của mình, thì Ngài có thể nhận lấy ước muốn đó,16 hạt giống đó, và cuối cùng biến nó thành một cái cây xinh đẹp, đầy hoa trái ngọt ngào nhất.17

Chúng ta hát trong một bài thánh ca yêu thích của mình: “Dám đâu mà vội phán xét ai chăng khi bản thân chưa được hoàn toàn? Trong tâm hồn tĩnh lặng là nỗi đau khổ thầm kín không ai có thể thấy được.”18 Ai trong chúng ta có thể có những nỗi buồn thầm kín? Đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên dường như ngỗ nghịch, những đứa trẻ có cha mẹ ly dị, người cha hoặc người mẹ đơn thân, những người có vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tâm thần, những người nghi ngờ đức tin của họ, những người trải qua định kiến về chủng tộc hoặc văn hóa, những người cảm thấy cô đơn, những người khao khát kết hôn, những người nghiện ngập ngoài ý muốn và rất nhiều người khác phải đối phó với đủ loại kinh nghiệm sống đầy thử thách—thường là ngay cả những người có cuộc sống dường như hoàn hảo ở bề ngoài.

Không ai trong chúng ta có cuộc sống cũng như có gia đình hoàn hảo; chắc chắn là tôi không có rồi. Khi chúng ta tìm cách đồng cảm với những người cũng trải qua thử thách và sự không hoàn hảo thì điều đó có thể giúp họ cảm thấy rằng họ không đơn độc trong những nỗi khó khăn của mình. Mọi người cần cảm thấy rằng họ thực sự thuộc về và được cần đến trong thân của Đấng Ky Tô.19 Ước muốn mãnh liệt của Sa Tan là chia rẽ con cái của Thượng Đế và nó hẳn đã rất thành công, nhưng có một sức mạnh lớn lao như vậy trong tình đoàn kết.20 Và chúng ta cần phải bước đi sát cánh với nhau trong cuộc hành trình đầy thử thách trên trần thế này!

Vị Tiên Tri của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Bất cứ hình thức lạm dụng ngược đãi hoặc thành kiến nào đối với người khác vì quốc tịch, chủng tộc, khuynh hướng tình dục, giới tính, bằng cấp học vấn, văn hóa, hoặc những danh hiệu quan trọng khác đều xúc phạm đến Đấng Sáng Tạo của chúng ta! Hình thức ngược đãi như vậy khiến chúng ta sống không đúng theo vị thế của chúng ta là các con trai và con gái giao ước của Ngài!”21

Mặc dù Chủ Tịch Nelson đã mời tất cả mọi người đi vào và ở lại trên con đường giao ước dẫn về với Cha Thiên Thượng của chúng ta nhưng ông cũng đưa ra lời khuyên bảo sau đây: “Nếu bạn bè và gia đình … xa rời Giáo Hội, thì hãy tiếp tục yêu thương họ. Các em không nên phê phán sự lựa chọn của người khác cũng như các em không đáng bị chỉ trích vì luôn tiếp tục trung tín.”22

Hỡi các bạn, chúng ta hãy nhớ rằng mỗi người trên thế gian này đều là con của Thượng Đế23 và Ngài yêu thương mỗi người.24 Có ai các bạn gặp trên con đường của mình mà các bạn cảm thấy có khuynh hướng phê phán không? Nếu vậy, hãy nhớ rằng đây là những cơ hội tuyệt vời để chúng ta thực hành cách yêu thương như Đấng Cứu Rỗi yêu thương.25 Khi noi theo gương của Ngài, chúng ta có thể được tiếp cận Ngài và giúp nuôi dưỡng cảm nghĩ yêu thương và được chấp nhận trong tâm hồn của tất cả con cái của Đức Chúa Cha.

“Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước.”26 Khi lòng chúng ta tràn đầy tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi, thì ách của Ngài có thể thực sự trở nên dễ dàng và gánh nặng của Ngài có thể cảm thấy nhẹ nhàng.27 Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.