Đại Hội Trung Ương
Trách Nhiệm của Chúng Ta Trên Trần Thế
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2022


Trách Nhiệm của Chúng Ta Trên Trần Thế

Các phước lành thuộc linh lớn lao được hứa với những người yêu thương, chăm sóc thế gian và đồng bào của họ.

Trong chuyến về thăm quê hương nước Pháp của chúng tôi gần đây, vợ chồng tôi đã rất vui vì được đưa mấy đứa cháu đi khám phá khu vườn mộng mơ nằm trong thị trấn nhỏ Giverny. Chúng tôi thích bước lang thang dọc theo các lối đi của khu vườn để ngắm nhìn những luống hoa xinh đẹp, những bông hoa súng thanh nhã, cùng những tia nắng lấp lánh nô đùa trên mặt hồ gợn sóng.

Hình Ảnh
Khu vườn Giverny

Khu vườn tuyệt vời này là kết quả của niềm đam mê sáng tạo của một người đàn ông: danh họa Claude Monet, là người đã dành 40 năm để tạo dựng và chăm bón khu vườn của mình để biến nó thành không gian hội họa của mình. Monet đắm mình trong sự lộng lẫy của thiên nhiên; rồi, với chiếc cọ vẽ của mình, ông đã truyền đạt những ấn tượng mà ông đã cảm nhận được bằng những nét vẽ đầy màu sắc và ánh sáng. Qua nhiều năm, ông đã cho ra đời một bộ sưu tập hàng trăm bức họa siêu thực, với nguồn cảm hứng từ khu vườn của mình.

Hình Ảnh
Bức họa về khu vườn của Monet

Water Lilies and Japanese Bridge (Hồ Hoa Súng bên Cây Cầu Nhật Bản), năm 1899, tranh của Claude Monet

Thưa các anh chị em, sự tương tác của chúng ta với vẻ đẹp của thiên nhiên quanh mình có thể mang đến một số kinh nghiệm thú vị và đầy cảm hứng nhất trong cuộc sống. Những cảm xúc mà chúng ta cảm thấy trào dâng trong lòng mình là một cảm nghĩ biết ơn sâu sắc đối với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã sáng tạo ra thế gian tuyệt vời này—với núi non và sông suối, cây cối và động vật—và cha mẹ đầu tiên của chúng ta là A Đam và Ê Va.1

Công việc sáng tạo này không chỉ dừng lại ở đó. Đó là một phần thiết yếu trong kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài. Mục đích của công việc đó là nhằm cung ứng bối cảnh mà ở đó những người nam và người nữ có thể được thử thách, sử dụng quyền tự quyết của họ, tìm thấy niềm vui, học hỏi và tiến triển, để một ngày nào đó họ có thể trở lại nơi hiện diện của Đấng Sáng Tạo của họ và thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu.

Những tạo vật tuyệt vời này đã được chuẩn bị hoàn toàn vì lợi ích của chúng ta và là minh chứng sống về tình yêu thương mà Đấng Sáng Tạo dành cho con cái của Ngài. Chúa phán: “Phải, tất cả những vật từ đất nảy sinh … đều được tạo ra vì lợi ích và sử dụng của con người, vừa để làm cho vui mắt, vừa để làm cho lòng người hân hoan.”2

Tuy nhiên, món quà thiêng liêng của Sự Sáng Tạo luôn đi kèm với các bổn phận và trách nhiệm. Các bổn phận này được mô tả rõ nhất bởi khái niệm trách nhiệm. Theo thuật ngữ phúc âm, từ trách nhiệm có nghĩa là một bổn phận thuộc linh thiêng liêng hoặc thế tục để chăm sóc một điều gì đó thuộc về Thượng Đế, mà chúng ta phải chịu trách nhiệm.3

Như đã được dạy trong thánh thư, trách nhiệm của chúng ta trên trần thế gồm có các nguyên tắc sau đây:

Nguyên tắc đầu tiên: Toàn thể thế gian, bao gồm tất cả mọi sự sống trên đó, đều thuộc về Thượng Đế.

Đấng Sáng Tạo đã giao phó các tài nguyên của trái đất và tất cả mọi thực thể sống cho chúng ta chăm sóc, nhưng Ngài vẫn giữ toàn quyền sở hữu. Ngài phán: “Ta, là Chúa, đã giương các tầng trời ra, và dựng lên trái đất, là những vật từ tay ta tạo ra; và tất cả những vật gì ở trên ấy cũng đều là của ta cả.”4 Tất cả những gì trên thế gian đều thuộc về Thượng Đế, kể cả gia đình của chúng ta, thể xác của chúng ta, và ngay cả chính cuộc sống của chúng ta.5

Nguyên tắc thứ hai: Là những người quản gia của các tạo vật của Thượng Đế, chúng ta có bổn phận phải tôn trọng và chăm sóc các tạo vật này.

Là con cái của Thượng Đế, chúng ta đã nhận được trách nhiệm làm người quản gia, người chăm sóc, và người giám hộ của những tạo vật thiêng liêng của Ngài. Chúa phán rằng: Ngài làm cho “mọi người phải chịu trách nhiệm với tư cách là một quản gia về những phước lành trên thế gian mà ta đã làm và đã chuẩn bị cho các tạo vật của ta.”6

Cha Thiên Thượng cho phép chúng ta sử dụng các nguồn tài nguyên trên trái đất tùy theo ý muốn của chúng ta. Tuy nhiên, quyền tự quyết của chúng ta không được xem là giấy phép sử dụng hoặc tiêu thụ của cải của thế gian này mà không có sự khôn ngoan hay hạn chế. Chúa đã đưa ra lời khuyên này: “Và điều đó làm Thượng Đế hài lòng, vì Ngài đã ban cho tất cả những vật này cho loài người; vì chúng đã được làm ra cho mục đích này để con người sử dụng, bằng một cách có suy tính, không quá độ mà cũng không có sự cưỡng bách.”7

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã từng nhận xét: “Là những người thụ hưởng Sự Sáng Tạo thiêng liêng, chúng ta phải làm gì? Là những người quản gia khôn ngoan, chúng ta nên chăm sóc trái đất, và bảo tồn trái đất cho các thế hệ mai sau.”8

Ngoài việc chỉ đơn thuần là một nhu cầu về mặt khoa học hay chính trị, thì việc chăm sóc trái đất và môi trường thiên nhiên của chúng ta là một trách nhiệm thiêng liêng được Thượng Đế giao phó cho chúng ta, mà sẽ khiến chúng ta có ý thức mạnh mẽ về bổn phận và lòng khiêm nhường. Đó cũng là một phần thiết yếu của vai trò môn đồ của chúng ta. Làm thế nào mà chúng ta có thể tôn kính và yêu mến Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô nếu không trân trọng và yêu thích các tạo vật của Hai Ngài?

Có rất nhiều điều mà chúng ta có thể làm—chung với nhau và riêng cá nhân—để trở thành những người quản gia tài giỏi. Khi suy ngẫm về hoàn cảnh cá nhân của mình, mỗi người chúng ta có thể sử dụng các nguồn tài nguyên phong phú của trái đất một cách trân trọng và khôn ngoan hơn. Chúng ta có thể hỗ trợ các nỗ lực của cộng đồng để chăm sóc trái đất của chúng ta. Chúng ta có thể chấp nhận lối sống và hành vi cá nhân mà tôn trọng những tạo vật của Thượng Đế và làm cho không gian sống của chúng ta trở nên ngăn nắp hơn, đẹp đẽ hơn, và đầy cảm ứng hơn.9

Công việc quản gia của chúng ta đối với các tạo vật của Thượng Đế cũng bao gồm bổn phận thiêng liêng để yêu thương, tôn trọng, và quan tâm đến tất cả nhân loại trên thế gian. Họ là các con trai và con gái của Thượng Đế, các anh chị em của chúng ta, và hạnh phúc vĩnh cửu của họ chính là mục đích của công việc sáng tạo.

Tác giả Antoine de Saint-Exupéry thuật lại câu chuyện sau đây: Một ngày nọ, khi đang đi trên một chuyến tàu, ông ngồi giữa một nhóm người tị nạn. Ông vô cùng xúc động khi trông thấy sự tuyệt vọng trên gương mặt của một đứa trẻ, ông thốt lên: “Khi một đóa hồng được lai tạo ra trong khu vườn, thì tất cả những người làm vườn đều vui mừng. Họ tách biệt bông hồng ra khỏi những cây hồng khác, chăm sóc và nuôi dưỡng nó. Nhưng lại không có những người làm vườn để chăm sóc cho con người.”10

Thưa các anh chị em, chúng ta có nên là những người làm vườn để chăm sóc cho đồng bào của mình không? Chúng ta chẳng phải là người giữ anh em mình sao? Chúa Giê Su truyền lệnh cho chúng ta phải yêu người lân cận như yêu chính bản thân mình.11 Từ nơi miệng của Ngài, từ người lân cận không chỉ có nghĩa là sự gần gũi về khoảng cách địa lý; mà nó còn có nghĩa là sự gần gũi trong tâm hồn. Nó bao gồm tất cả các cư dân trên hành tinh này—cho dù họ ở cạnh chúng ta hay ở một quốc gia xa xôi, bất kể nguồn gốc, xuất thân hay hoàn cảnh của họ.

Là môn đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta có bổn phận quan trọng để làm việc không mệt mỏi cho hòa bình và sự hòa hợp giữa mọi quốc gia trên thế gian. Chúng ta phải làm hết sức mình để bảo vệ và mang lại niềm an ủi và cứu trợ cho những người yếu thế, những người túng thiếu, và tất cả những người đau khổ hoặc bị áp bức. Quan trọng hơn hết, ân tứ yêu thương lớn nhất chúng ta có thể dành cho đồng bào của mình là chia sẻ với họ niềm vui của phúc âm và mời họ đến cùng Đấng Cứu Rỗi qua các giao ước và giáo lễ thiêng liêng.

Nguyên tắc thứ ba: Chúng ta được mời tham gia vào công việc sáng tạo.

Tiến trình thiêng liêng của sự sáng tạo vẫn chưa hoàn tất. Mỗi ngày, những tạo vật của Thượng Đế vẫn tiếp tục phát triển, lan rộng, và sinh sôi nẩy nở. Điều tuyệt vời nhất là Cha Thiên Thượng ban cho chúng ta một lời mời để tham gia vào công việc sáng tạo của Ngài.

Chúng ta tham gia vào công việc Sáng Tạo bất cứ khi nào chúng ta canh tác đất đai hay thêm vào những tuyệt tác của riêng mình cho thế gian này—miễn là chúng ta cho thấy sự tôn trọng đối với các tạo vật của Thượng Đế. Những đóng góp của chúng ta có thể được cho thấy qua việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, văn học, và văn hóa, mà tô điểm cho hành tinh của chúng ta, khơi dậy các giác quan của chúng ta, và làm cho cuộc sống của chúng ta tươi đẹp hơn. Chúng ta cũng đóng góp qua những khám phá khoa học và y học để bảo tồn trái đất và sự sống trên đó. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã tóm lược khái niệm này bằng những lời tuyệt vời sau: “Thượng Đế đã bỏ lại thế gian còn dang dở để loài người phát huy kỹ năng của mình … để loài người có thể biết được niềm vui và vinh quang của sự sáng tạo.”12

Trong câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giê Su về các ta lâng, khi người chủ trở về sau chuyến hành trình của mình, ông khen ngợi và tưởng thưởng cho hai tôi tớ đã làm lợi thêm ta lâng và làm vinh hiển tài năng của họ. Ngược lại, ông gọi người tôi tớ đã giấu ta lâng duy nhất của mình ở dưới đất là “vô ích,” và ông lấy lại luôn cả ta lâng mà người tôi tớ đã nhận được.13

Tương tự như vậy, vai trò của chúng ta với tư cách là người quản gia của các tạo vật trên thế gian không phải chỉ là bảo tồn hoặc gìn giữ chúng. Chúa kỳ vọng chúng ta phải siêng năng làm việc, khi được Đức Thánh Linh của Ngài tác động, để tăng trưởng, nâng cao, và cải thiện các nguồn tài nguyên mà Ngài đã giao phó cho chúng ta—không chỉ vì lợi ích của chúng ta mà còn để ban phước cho những người khác.

Trong số tất cả các thành tựu của con người, không có thành tựu nào có thể sánh bằng kinh nghiệm của việc trở thành người đồng sáng tạo với Thượng Đế trong việc ban sự sống hoặc giúp một đứa trẻ học hỏi, tăng trưởng, và phát triển—cho dù đó là với tư cách là cha mẹ, giảng viên, người lãnh đạo, hoặc trong bất cứ vai trò nào khác. Không có trách nhiệm nào thiêng liêng, viên mãn hơn, và cũng đòi hỏi khắt khe hơn việc cộng tác với Đấng Sáng Tạo của chúng ta trong việc mang lại thể xác cho con cái linh hồn của Ngài và rồi giúp chúng đạt được tiềm năng thiêng liêng của chúng.

Trách nhiệm của công việc đồng sáng tạo là một điều nhắc nhở liên tục rằng cuộc sống và thể xác của mỗi người là thiêng liêng, rằng họ không thuộc về bất kỳ ai ngoài Thượng Đế, và Ngài đã làm cho chúng ta trở thành những người bảo vệ để tôn trọng, bảo vệ và chăm sóc cho thể xác đó. Các giáo lệnh của Thượng Đế, là những lệnh truyền chi phối quyền năng sinh sản và thiết lập các gia đình vĩnh cửu, hướng dẫn chúng ta trong trách nhiệm thiêng liêng này, là điều vô cùng quan trọng đối với kế hoạch của Ngài.

Thưa các anh chị em, chúng ta nên nhận ra rằng tất cả mọi điều đều là thuộc linh đối với Chúa—kể cả các khía cạnh thế tục nhất của cuộc sống chúng ta. Tôi làm chứng rằng các phước lành thuộc linh lớn lao được hứa với những người yêu thương, chăm sóc thế gian và đồng bào của họ. Khi vẫn luôn trung tín trong trách nhiệm thiêng liêng này và tôn trọng các giao ước vĩnh cửu của mình, các anh chị em sẽ tăng trưởng trong sự hiểu biết về Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và các anh chị em sẽ cảm nhận được tình yêu thương và ảnh hưởng của Hai Ngài một cách dồi dào hơn trong cuộc sống của mình. Tất cả những điều này sẽ chuẩn bị cho anh chị em sống với Hai Ngài và nhận được thêm quyền năng sáng tạo14 trong cuộc sống mai sau.

Khi kết thúc cuộc sống trần thế này, Đức Thầy sẽ yêu cầu chúng ta giải trình về trách nhiệm thiêng liêng của chúng ta, kể cả cách chúng ta chăm sóc các tạo vật của Ngài. Tôi cầu xin cho lúc đó, chúng ta sẽ nghe được những lời yêu thương của Ngài thì thầm với lòng mình rằng “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều.”15 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Thế gian và tất cả mọi vật trên đó (ngoại trừ A Đam và Ê Va) đã được Chúa Giê Su Ky Tô sáng tạo dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Cha; A Đam và Ê Va, cha mẹ đầu tiên của chúng ta, được Thượng Đế Đức Chúa Cha sáng tạo (xin xem Giăng 1:1–3; Môi Se 2:1, 26–27).

  2. Giáo Lý và Giao Ước 59:18.

  3. Xin xem Spencer W. Kimball, “Welfare Services: The Gospel in Action,” Ensign, tháng Mười Một năm 1977, trang 76.

  4. Giáo Lý và Giao Ước 104:14.

  5. Xin xem Spencer W. Kimball, “Welfare Services,” trang 76–79.

  6. Giáo Lý và Giao Ước 104:13.

  7. Giáo Lý và Giao Ước 59:20.

  8. Russell M. Nelson, “The Creation,” Liahona, tháng Bảy năm 2000, trang 104.

  9. Xin xem Gospel Topics, “Environmental Stewardship and Conservation,” topics.ChurchofJesusChrist.org.

  10. Antoine de Saint-Exupéry, Terre des Hommes (năm 1939), trang 214; xin xem thêm Wind, Sand and Stars (năm 1939) trong Airman’s Odyssey (năm 1984), trang 206.

  11. Xin xem Mác 12:31.

  12. Thomas S. Monson, “In Quest of the Abundant Life,” Tambuli, tháng Tám năm 1988, trang 3.

  13. Xin xem Ma Thi Ơ 25:14–30.

  14. Xin xem David A. Bednar và Susan K. Bednar, “Moral Purity” (buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University–Idaho, ngày 7 tháng Một năm 2003), speeches.byu.edu.

  15. Ma Thi Ơ 25:21.