Đại Hội Trung Ương
Xây Dựng Một Cuộc Sống Có Thể Kháng Lại Kẻ Nghịch Thù
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2022


Xây Dựng Một Cuộc Sống Có Thể Kháng Lại Kẻ Nghịch Thù

Tôi cầu mong rằng chúng ta có thể tiếp tục xây đắp cuộc sống của mình theo những kế hoạch và chi tiết kỹ thuật thiêng liêng đã được tạo ra bởi Cha Thiên Thượng.

Qua nhiều năm từ bục nói chuyện tuyệt đẹp này của Trung Tâm Đại Hội, chúng ta đã nhận được nhiều lời khuyên dạy, sự soi dẫn, hướng dẫn, và mặc khải tuyệt vời. Đôi khi, những người nói chuyện đã sử dụng các phép so sánh có liên quan đến những lãnh vực kiến thức và kinh nghiệm của họ để minh họa một cách rõ ràng và mạnh mẽ về một nguyên tắc trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Ví dụ, theo cách này mà chúng ta đã biết được về máy bay và các chuyến bay, mà trong đó sai lệch nhỏ ban đầu có thể dẫn chúng ta đến một nơi rất xa điểm đến dự định.1 Cũng theo cách này, chúng ta đã học được từ phép so sánh giữa sự hoạt động của trái tim trong cơ thể chúng ta với sự thay đổi mạnh mẽ trong lòng, mà chúng ta cần có nhằm đáp lại lời mời của Chúa để noi theo Ngài.2

Lần này, tôi muốn xin thêm vào một phép so sánh lấy cảm hứng từ một lĩnh vực trong nghề nghiệp của tôi. Tôi đang đề cập đến ngành kỹ sư dân dụng. Từ lúc bắt đầu học đại học, tôi đã mơ đến ngày mình hoàn thành các yêu cầu để đủ điều kiện tham gia lớp học mà sẽ dạy tôi cách thiết kế nhà cửa và các công trình khác có tính “chống địa chấn.”

Cuối cùng thì ngày học đầu tiên của tôi về chủ đề này đã đến. Vị giáo sư mở đầu lớp học bằng những lời sau: “Chắc chắn là các em đang nóng lòng muốn bắt đầu khóa học này và học cách thiết kế các công trình chống địa chấn,” khiến nhiều người trong chúng tôi hào hứng gật đầu. Sau đó vị giáo sư này nói: “Tôi rất tiếc khi cho các em biết rằng điều này là không thể, vì tôi không thể dạy các em biết cách thiết kế một công trình nào mà có thể chống lại một trận động đất. Điều này chẳng có ý nghĩa gì,” ông nói, “bởi vì những trận động đất sẽ vẫn cứ xảy ra, dù chúng ta có muốn hay không.”

Sau đó, ông nói thêm: “Điều tôi có thể dạy các em là cách thiết kế những công trình kháng địa chấn, là những công trình mà có thể kháng lại các lực đến từ một trận động đất, để công trình đó vẫn đứng vững mà không chịu thiệt hại nặng nề nào và sau đó vẫn có thể tiếp tục phục vụ mục đích mà nó đã được xây nên.”

Người kỹ sư thực hiện các tính toán để chỉ ra kích thước, chất lượng, và đặc điểm của nền móng, cột, dầm, các tấm bê tông, và các thành phần kết cấu khác đang được thiết kế. Những kết quả này được chuyển thành kế hoạch và thông số kỹ thuật, mà sau đó người thợ xây dựng phải tuân thủ nghiêm ngặt để công trình đó có thể thành hiện thực và nhờ đó hoàn thành mục đích mà nó được thiết kế và xây nên.

Dù hơn 40 năm đã trôi qua kể từ lớp học đầu tiên đó về kỹ thuật kháng địa chấn, tôi vẫn nhớ như in cái giây phút mà mình đã bắt đầu có được sự hiểu biết sâu sắc và trọn vẹn hơn về tầm quan trọng của khái niệm thiết kế kiến trúc này trong sự nghiệp tương lai của mình. Không chỉ vậy, mà còn quan trọng hơn—rằng khái niệm đó sẽ mãi mãi tồn tại khi tôi gây dựng cuộc sống của riêng mình và của những người mà tôi có thể có ảnh hưởng tích cực.

Chúng ta được phước biết bao khi có được sự hiểu biết về kế hoạch cứu rỗi được tạo ra bởi Cha Thiên Thượng, để có được phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, và được nương cậy vào sự soi dẫn từ các vị tiên tri tại thế! Tất cả những điều này tạo thành những “kế hoạch” và “thành phần kết cấu” được thiên thượng soi dẫn để dạy chúng ta rõ ràng về cách để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc—là cuộc sống có thể kháng lại tội lỗi, cám dỗ, và những sự tấn công từ Sa Tan, là kẻ đang hết sức tìm cách phá hoại vận mệnh vĩnh cửu của chúng ta để được ở cùng với Cha Thiên Thượng và gia đình thân yêu của mình.

Chính Đấng Cứu Rỗi, khi bắt đầu giáo vụ của Ngài, đã bị bỏ mặc “đặng chịu ma quỷ cám dỗ.”3 Nhưng Chúa Giê Su đã thành công vượt qua thử thách lớn lao đó. Việc có thái độ chống lại Sa Tan hoặc chống lại cám dỗ đã giúp Ngài như thế nào? Điều giúp cho Chúa Giê Su chiến thắng những thời điểm khó khăn nhất ấy chính là sự chuẩn bị về phần thuộc linh của Ngài, cho phép Ngài có đủ điều kiện để kháng lại sự cám dỗ từ kẻ nghịch thù.

Một số yếu tố nào đã giúp Đấng Cứu Rỗi chuẩn bị cho thời điểm quan trọng đó?

Đầu tiên, Ngài đã nhịn ăn 40 ngày và 40 đêm, một sự nhịn ăn mà phải đi kèm với việc cầu nguyện liên tục. Do đó, mặc dù thể chất yếu ớt, nhưng tinh thần của Ngài rất mạnh mẽ. May mắn thay, mặc dù chúng ta không được yêu cầu phải nhịn ăn lâu như vậy—chỉ trong 24 tiếng và mỗi tháng một lần—việc nhịn ăn mang lại cho chúng ta sức mạnh thuộc linh và chuẩn bị chúng ta để kháng lại các thử thách trong cuộc sống này.

Yếu tố thứ nhì, trong câu chuyện về những cám dỗ mà Đấng Cứu Rỗi phải chịu đựng, chúng ta nhận thấy rằng khi đáp lại Sa Tan, Ngài luôn suy nghĩ về thánh thư, đồng thời trích dẫn, và áp dụng thánh thư đúng lúc.

Khi Sa Tan cám dỗ Ngài hãy biến những hòn đá thành bánh để Ngài có thể thỏa mãn cơn đói từ việc nhịn ăn dài ngày, Chúa đã phán với hắn: “Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.”4 Sau đó, khi Chúa ở trên nóc đền thờ, quỷ dữ đã cố cám dỗ Ngài hãy chứng tỏ quyền năng của Ngài, và Chúa đã dùng thẩm quyền để phán rằng: “Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.”5 Và trước nỗ lực lần thứ ba của Sa Tan, Chúa đã phán rằng: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.”6

Một trận động đất sẽ để lại dấu vết ngay cả trên những công trình đã được thiết kế và xây dựng một cách chính xác—chẳng hạn một số hậu quả có thể là những vết nứt, đồ đạc hoặc trần nhà bị đổ sập, và cửa kính bị vỡ. Nhưng tòa nhà được thiết kế và xây dựng tốt này sẽ hoàn thành mục đích của nó là bảo vệ những người bên trong, và khi được sửa chữa, nó sẽ phục hồi lại tình trạng ban đầu.

Tương tự như vậy, sự ngược đãi của kẻ nghịch thù cũng có thể gây ra “những vết nứt” hoặc một phần thiệt hại trong cuộc sống chúng ta, bất chấp những nỗ lực của chúng ta để xây đắp cuộc sống của mình theo kế hoạch hoàn hảo từ thiên thượng. Những “vết nứt” này có thể tự biểu hiện qua những cảm giác buồn bã hoặc hối hận vì đã phạm một số lỗi lầm hoặc đã không làm mọi thứ một cách hoàn hảo, hoặc vì cảm thấy rằng chúng ta chưa được tốt như mình muốn.

Nhưng điều thực sự quan trọng là vì đã tuân theo những kế hoạch và chi tiết được thiên thượng soi dẫn, cũng chính là phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, mà chúng ta vẫn còn đứng vững. Công trình của cuộc sống chúng ta chưa bị phá vỡ bởi các nỗ lực của kẻ nghịch thù hoặc bởi những tình huống khó khăn mà chúng ta đã phải đối mặt; thay vào đó, chúng ta sẵn sàng tiến bước.

Niềm vui được hứa trong thánh thư như mục đích tồn tại của chúng ta7 không nên được hiểu theo nghĩa là chúng ta sẽ không có khó khăn hoặc đau buồn, rằng chúng ta sẽ không có “những vết nứt” do hậu quả của cám dỗ, của nghịch cảnh, hoặc bởi những thử thách thực sự trong cuộc sống trần thế của mình.

Niềm vui này liên quan đến quan điểm của Nê Phi về cuộc sống khi ông nói: “Và trong những chuỗi ngày của đời tôi, tôi đã từng chứng kiến biết bao nỗi thống khổ, tuy vẫn được Chúa dành cho nhiều ưu đãi trong suốt cuộc đời tôi.”8 Suốt cuộc đời ông! Ngay cả những ngày mà Nê Phi đã chịu đau khổ bởi sự thiếu hiểu biết và chối từ của các anh em của ông, ngay cả khi họ trói ông lại trong chiếc tàu, ngay cả vào ngày mà cha của ông, Lê Hi, qua đời, ngay cả khi La Man và Lê Mu Ên trở thành kẻ thù truyền kiếp của dân ông. Ngay cả trong những giai đoạn khó khăn đó, Nê Phi vẫn cảm thấy được Chúa dành cho nhiều ưu đãi.

Chúng ta có thể cảm thấy bình an khi biết rằng Chúa sẽ không bao giờ cho phép chúng ta bị cám dỗ vượt quá sức chịu đựng. An Ma đã mời chúng ta hãy “tỉnh thức và cầu nguyện luôn luôn để [chúng ta] khỏi bị cám dỗ ngoài sức chịu đựng của [mình], ngõ hầu được Đức Thánh Linh dẫn dắt để trở thành người khiêm nhường, nhu mì, phục tùng, kiên nhẫn, đầy tình thương yêu và nhịn nhục.”9

Điều giống như vậy có thể được áp dụng cho những thử thách trong cuộc sống. Am Môn nhắc chúng ta nhớ đến những lời của Chúa: “Hãy đi … và hãy kiên nhẫn chịu đựng những nỗi khổ đau của mình, rồi ta sẽ ban cho các ngươi sự thành công.”10

Chúa luôn giúp đỡ khi chúng ta gặp nghịch cảnh, cám dỗ, thiếu hiểu biết, bệnh tật, và thậm chí là cái chết. Ngài đã phán: “Và giờ đây, thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, và điều gì ta nói với một người tức là ta nói với tất cả, hỡi các con trẻ, hãy vui lên; vì ta đang ở giữa các ngươi và ta đã không rời bỏ các ngươi.”11 Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta!

Tôi cầu mong rằng chúng ta có thể tiếp tục xây đắp cuộc sống của mình theo những kế hoạch và chi tiết kỹ thuật thiêng liêng đã được tạo ra bởi Đức Chúa Cha và đạt được qua Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Như vậy, nhờ vào ân điển đến với chúng ta qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta sẽ thành công trong việc xây đắp một cuộc sống có thể kháng lại tội lỗi và cám dỗ, và được củng cố để chịu đựng những thời điểm khó khăn, đau buồn trong cuộc sống. Và hơn nữa, chúng ta sẽ có điều kiện để tiếp cận tất cả các phước lành được hứa thông qua tình thương yêu của Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.