Đại Hội Trung Ương
Nguyên Tắc Vĩnh Cửu của Tình Yêu Thương
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2022


Nguyên Tắc Vĩnh Cửu của Tình Yêu Thương

Tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho từng đứa con của Ngài là có thật. Ngài đang ở đấy vì từng người một.

Nguyên tắc vĩnh cửu của tình yêu thương được thể hiện qua việc sống theo hai giáo lệnh lớn đó là: hết lòng, hết linh hồn, hết trí và hết sức yêu kính Thượng Đế, và yêu thương người lân cận như bản thân mình.1

Tôi nhớ lại mùa đông đầu tiên của mình khi đến sống ở Utah—tuyết phủ khắp mọi nơi. Xuất thân từ Sa Mạc Sonoran, những ngày đầu tiên tôi đã rất thích thú, nhưng sau vài ngày tôi đã nhận ra rằng mình phải dậy sớm hơn để dọn tuyết ngoài lối đi.

Một buổi sáng nọ, giữa cơn bão tuyết, tôi đang vã mồ hôi xúc tuyết, thì chợt thấy người hàng xóm đang mở cửa gara của anh ấy ở phía bên kia đường. Anh ấy lớn tuổi hơn tôi, vậy nên tôi đã nghĩ nếu tôi hoàn thành sớm, tôi có thể sang giúp anh ấy. Vậy nên tôi đã hô to và hỏi anh ấy: “Anh ơi, anh có cần giúp không?”

Anh ta mỉm cười và nói: “Cảm ơn, Anh Cả Montoya.” Sau đó, anh ta lấy chiếc máy thổi tuyết ra khỏi gara, khởi động nó lên, và chỉ trong vài phút, anh ấy đã dọn sạch hết số tuyết trước cửa nhà mình. Rồi anh ta băng qua đường với chiếc máy và hỏi tôi: “Anh Cả ơi, anh có cần giúp đỡ không?”

Với một nụ cười, tôi nói: “Vâng, cảm ơn anh.”

Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau vì chúng tôi yêu thương nhau, và nhu cầu của anh em tôi trở thành nhu cầu của tôi và ngược lại. Dù anh em của tôi nói thứ ngôn ngữ gì hay đến từ đất nước nào, chúng tôi vẫn yêu thương nhau vì chúng tôi là anh em, và là con cái của cùng một Đức Chúa Cha.

Khi việc phục sự được thông báo, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói, “Chúng ta sẽ thực hiện một phương pháp mới hơn, thiêng liêng hơn để chăm sóc và phục sự người khác.”2 Đối với tôi, thiêng liêng hơn có nghĩa là cá nhân hơn, sâu sắc hơn, giống như cách của Đấng Cứu Rỗi hơn: “Hãy yêu [thương] nhau,”3 từng người một.

Tránh trở thành vật cản cho người khác thôi là chưa đủ; nhận thấy người thiếu thốn trên đường rồi lướt qua họ cũng là chưa đủ. Chúng ta hãy tận dụng mọi cơ hội để giúp đỡ người lân cận của mình, cho dù đó là lần đầu tiên và duy nhất chúng ta gặp họ trong cuộc đời này.

Tại sao sự yêu kính dành cho Thượng Đế lại là giáo lệnh lớn đầu tiên?

Tôi nghĩ đó là bởi vì Ngài có ý nghĩa đối với chúng ta như thế nào. Chúng ta là con cái của Ngài, Ngài chăm nom cho sự an lạc của chúng ta, chúng ta phụ thuộc vào Ngài, và tình yêu thương của Ngài bảo vệ chúng ta. Kế hoạch của Ngài có cả quyền tự quyết; do đó, chúng ta có thể sẽ mắc một vài sai lầm.

Ngài cũng cho chúng ta được thử thách và bị cám dỗ. Nhưng cho dù chúng ta đang phạm một số sai lầm hoặc rơi vào sự cám dỗ, kế hoạch đó cũng mang đến một Đấng Cứu Rỗi để chúng ta có thể được cứu chuộc và trở về nơi hiện diện của Thượng Đế.

Những nghịch cảnh trong cuộc sống của chúng ta có thể gây ra sự nghi ngờ về việc làm trọn những lời đã được hứa với chúng ta. Xin hãy tin cậy nơi Đức Chúa Cha của chúng ta. Ngài luôn giữ lời hứa của Ngài, và chúng ta có thể học những gì Ngài muốn dạy cho chúng ta.

Ngay cả khi chúng ta làm điều đúng đắn, thì những hoàn cảnh trong cuộc sống của chúng ta cũng có thể thay đổi từ tốt thành xấu, từ vui sang buồn. Thượng Đế đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta thể theo lòng thương xót vô hạn, tình yêu thương, và kỳ định của Ngài.

  • Con suối nơi Ê Li uống nước đã cạn khô.4

  • Cây cung bằng thép tốt của Nê Phi đã bị gãy.5

  • Một cậu bé bị phân biệt đối xử và bị đuổi học.

  • Một đứa con được mong đợi từ lâu đã chết sau khi sinh ra được vài ngày.

Hoàn cảnh thay đổi.

Khi hoàn cảnh thay đổi từ tốt và tích cực sang xấu và tiêu cực, chúng ta vẫn có thể hạnh phúc vì hạnh phúc không phụ thuộc vào hoàn cảnh mà phụ thuộc vào thái độ của chúng ta đối với hoàn cảnh. Chủ Tịch Nelson đã nói: “Niềm vui mà chúng ta cảm thấy không tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của chúng ta mà mọi điều đều tùy thuộc vào điểm tập trung của cuộc sống chúng ta.”6

Chúng ta có thể ngồi chờ cho những hoàn cảnh tự thay đổi, hoặc chúng ta có thể tìm kiếm và tạo ra những hoàn cảnh mới.

  • Ê Li đi đến Sa Rép Ta, nơi một người góa bụa đã mang cho ông đồ ăn thức uống.7

  • Nê Phi đã làm một cây cung bằng gỗ và săn thú rừng để ăn.8

  • Cậu bé ngồi nghe và ghi chép bên cửa sổ, và hôm nay cậu ấy đã là một giáo viên tiểu học.

  • Đôi vợ chồng đã phát triển một đức tin lớn lao nơi Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô cũng như tin tưởng vào kế hoạch cứu rỗi. Tình yêu thương của họ dành cho đứa con được mong đợi từ lâu, nhưng đứa bé đã đột ngột qua đời, còn lớn hơn nỗi đau của họ.

Khi tôi nghe câu hỏi “Cầu xin Cha mến yêu, Ngài có ở đó không? Ngài có hay chăng lời khẩn xin thống thiết của chúng con?,”9 Tôi muốn trả lời rằng: “Ngài đã, đang, và sẽ luôn ở đó cho các anh chị em và cho tôi. Tôi là con của Ngài, Ngài là Cha của tôi, và tôi đang học để trở thành một người cha tốt như Ngài.”

Vợ chồng tôi luôn cố gắng ở bên các con của mình vào bất cứ lúc nào, trong bất kỳ điều kiện nào và bằng mọi cách. Mỗi đứa trẻ là duy nhất; giá trị của chúng đối với Thượng Đế là rất lớn, và bất kể chúng có những thử thách, tội lỗi và điểm yếu nào, Thượng Đế vẫn yêu thương chúng, và chúng ta cũng vậy.

Khi tôi nhận được sự kêu gọi để làm một vị Thẩm Quyền Trung Ương, vào ngày cuối cùng trước khi lên đường đến Salt Lake, tất cả các con tôi và gia đình của chúng đã tụ họp tại nhà chúng tôi trong một buổi họp tối gia đình, nơi mà chúng tôi bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn. Sau bài học, tôi đã ban phước lành chức tư tế cho từng đứa con của mình. Mọi người đều rưng rưng nước mắt. Sau những lời ban phước, con trai cả của tôi thay mặt mọi người bày tỏ những lời biết ơn về tình yêu thương lớn lao mà chúng tôi đã dành cho chúng từ ngày chúng mới lọt lòng cho đến lúc này.

Hãy ban phước cho con cái của anh chị em, cho dù chúng 5 tuổi hay 50 tuổi. Hãy ở bên chúng, và vì chúng. Mặc dù việc chu cấp là một trách nhiệm được tạo dựng bởi sự thiết kế thiêng liêng, chúng ta không được quên san sẻ thời gian vui vẻ với con cái của mình.

Tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho từng đứa con của Ngài là có thật. Ngài đang ở đấy vì từng người một. Tôi không biết Ngài làm điều đó như thế nào, nhưng Ngài làm được. Ngài và Con Đầu Lòng của Ngài là một khi làm công việc và sự vinh hiển của Đức Chúa Cha, “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”10 Hai Ngài đã gửi cho chúng ta Đức Thánh Linh để hướng dẫn chúng ta, để cảnh báo chúng ta và để an ủi chúng ta khi cần thiết.

Ngài đã hướng dẫn Con Trai Yêu Quý của Ngài tạo ra thế gian xinh đẹp này. Ngài đã hướng dẫn A Đam và Ê Va và trao quyền tự quyết cho họ. Ngài đã gửi đến các sứ giả trong nhiều năm qua để chúng ta có thể nhận được tình yêu thương và các lệnh truyền của Ngài.

Ngài đã ở trong Khu Rừng Thiêng Liêng để trả lời câu hỏi chân thành của thiếu niên Joseph và gọi cậu bằng chính tên của cậu. Ngài nói: “Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!”11

Tôi tin rằng biểu hiện tuyệt vời của tình yêu thương của Thượng Đế dành cho chúng ta đã xảy ra tại vườn Ghết Sê Ma Nê, nơi Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống đã cầu nguyện: “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.”12

Tôi nhận thấy một phần nhỏ bé mà tôi có thể hiểu về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô làm gia tăng tình yêu thương của tôi đối với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, làm giảm ham muốn phạm tội và không vâng lời, đồng thời làm tăng thêm mong muốn sống và làm tốt hơn của tôi.

Chúa Giê Su đi đến vườn Ghết Sê Ma Nê mà không chút sợ hãi và nghi ngờ gì, tin cậy nơi Cha Ngài, biết rằng Ngài phải một mình đạp bàn ép rượu. Ngài đã chịu đựng mọi đau đớn và mọi tủi nhục. Ngài bị buộc tội, bị phán xét và bị đóng đinh. Trong nỗi thống khổ và đau đớn của chính Ngài trên thập tự giá, Chúa Giê Su tập trung vào nhu cầu của mẹ Ngài và các môn đồ yêu quý của Ngài. Ngài đã hiến dâng mạng sống của Ngài.

Vào ngày thứ ba, Ngài đã phục sinh. Ngôi mộ trống rỗng; Ngài đứng bên hữu của Cha Ngài. Hai Ngài hy vọng rằng chúng ta sẽ chọn để tuân giữ các giao ước và quay trở lại sự hiện diện của Hai Ngài. Trạng thái thứ hai này không phải là trạng thái cuối cùng của chúng ta; chúng ta không thuộc về ngôi nhà ở thế gian này, đúng hơn chúng ta là những sinh vật vĩnh cửu sống trong những trải nghiệm tạm thời.

Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống. Ngài hằng sống, và bởi vì Ngài hằng sống, nên tất cả con cái của Thượng Đế sẽ sống mãi mãi. Nhờ sự hy sinh chuộc tội của Ngài, mà tất cả chúng ta có thể cùng chung sống với Hai Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.