Lịch Sử Giáo Hội
Những Lời Tường Thuật về Khải Tượng Thứ Nhất


Hình Ảnh
tia nắng xuyên qua rừng cây

Những Lời Tường Thuật về Khải Tượng Thứ Nhất

Khái Quát

Joseph Smith ghi lại rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô đã hiện đến với ông trong một khu rừng gần nhà cha mẹ ông ở miền tây tiểu bang New York năm ông khoảng 14 tuổi. Lo lắng vì những tội lỗi của mình và không chắc phải đi theo đường lối thuộc linh nào, Joseph đã tìm kiếm sự hướng dẫn bằng cách tham dự các buổi nhóm họp, đọc thánh thư, và cầu nguyện. Câu trả lời ông nhận được là một sự biểu hiện của thiên thượng. Như đã được biết, trong nhiều dịp, Joseph chia sẻ và ghi lại Khải Tượng Thứ Nhất; ông viết hoặc nhờ những người ghi chép viết lại bốn lời tường thuật khác nhau về khải tượng.

Joseph Smith đã xuất bản hai lời tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất trong cuộc đời ông. Lời tường thuật đầu tiên, ngày nay được gọi là Joseph Smith—Lịch Sử, đã được đưa vào sách Trân Châu Vô Giá và do đó trở thành lời tường thuật được nhiều người biết đến nhất. Hai lời tường thuật chưa được xuất bản, mà đã được ghi lại trong cuốn tự truyện của Joseph Smith và một cuốn nhật ký sau đó, nói chung đã bị lãng quên cho đến khi các nhà sử học làm việc cho Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô khám phá ra lại và xuất bản chúng vào những năm 1960. Kể từ lúc đó, các tài liệu này đã nhiều lần được thảo luận trong các tạp chí Giáo Hội, trong các tác phẩm được in ra bởi báo chí do Giáo Hội bảo trợ và có liên kết với Giáo Hội, và bởi các học giả Thánh Hữu Ngày Sau ở những nơi khác.1 Ngoài những lời tường thuật trực tiếp, cũng còn có năm lời mô tả về khải tượng của Joseph Smith do những người đương thời với ông ghi lại.2

Những lời tường thuật khác nhau về Khải Tượng Thứ Nhất đều cùng kể về một câu chuyện, mặc dù dĩ nhiên chúng khác nhau về điểm nổi bật và chi tiết. Các nhà sử học kỳ vọng rằng khi một cá nhân kể lại một kinh nghiệm trong những bối cảnh khác nhau cho các độc giả khác nhau trong nhiều năm, thì mỗi câu chuyện sẽ tập trung vào các khía cạnh khác nhau của kinh nghiệm đó và chứa đựng những chi tiết độc đáo. Thật vậy, những sự khác nhau tương tự trong những bài tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất cũng có trong nhiều câu chuyện trong thánh thư về khải tượng của Phao Lô trên con đường đi đến thành Đa Mách và kinh nghiệm của các Sứ Đồ trên Núi Biến Hình.3 Tuy nhiên, bất chấp những điều khác biệt, tất cả các bài tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất đều có một sự nhất quán cơ bản. Một số người đã sai lầm khi tranh luận rằng bất kỳ sự thay đổi nào trong việc kể lại câu chuyện đều là bằng chứng của sự bịa đặt. Tuy nhiên, hồ sơ lịch sử phong phú cho phép chúng ta biết rõ về sự kiện quan trọng này hơn là khi có ít chứng cứ hơn về câu chuyện này.

Những Lời Tường Thuật về Khải Tượng Thứ Nhất

Mỗi lời tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất do Joseph Smith và những người đương thời với ông kể lại đều có lịch sử và nội dung riêng của nó mà đã ảnh hưởng đến cách mà sự kiện này được hồi tưởng, truyền đạt, và ghi lại. Những lời tường thuật này được thảo luận dưới đây.

Lời Tường Thuật năm 1832. Lời tường thuật đầu tiên về Khải Tượng Thứ Nhất, cũng là lời tường thuật duy nhất do chính tay Joseph Smith viết ra, được tìm thấy trong cuốn tự truyện ngắn, chưa công bố của Joseph Smith được xuất bản vào cuối năm 1832. Trong lời tường thuật này, Joseph Smith mô tả ý thức về tội lỗi của bản thân ông và nỗi thất vọng của ông vì không tìm ra được một giáo hội giống như giáo hội mà ông đọc được trong Kinh Tân Ước mà sẽ dẫn ông đến sự cứu chuộc. Ông nhấn mạnh đến Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và việc nó mang đến sự cứu chuộc cho cá nhân. Ông viết rằng “Chúa” đã hiện đến và tha thứ cho ông vì các tội lỗi của ông. Khải tượng đó đã dẫn đến kết quả là Joseph cảm nhận được niềm vui và tình yêu thương, mặc dù, như ông có ghi là ông không tìm được người nào tin vào lời kể của ông. Đọc lời tường thuật năm 1832 ở đây.

Lời Tường Thuật năm 1835. Vào mùa thu năm 1835, Joseph Smith kể lại Khải Tượng Thứ Nhất của mình cho Robert Matthews, một vị khách ghé thăm Kirtland, Ohio. Câu chuyện ông kể lại, do người ghi chép của ông là Warren Parrish ghi trong nhật ký của Joseph, nhấn mạnh đến nỗ lực của ông để tìm ra giáo hội nào là chân chính, sự chống đối ông cảm thấy khi cầu nguyện, và sự hiện đến của một Đấng thiêng liêng và ngay sau đó là một Đấng thiêng liêng khác. Lời tường thuật này cũng ghi lại sự hiện đến của các thiên sứ trong khải tượng. Đọc lời tường thuật năm 1835 ở đây.

Lời Tường Thuật năm 1838. Lời kể về Khải Tượng Thứ Nhất được nhiều Thánh Hữu Ngày Sau biết tới nhất là lời tường thuật năm 1838. Được phát hành lần đầu tiên vào năm 1842 trên báo Times and Seasons, tờ báo của Giáo Hội ở Nauvoo, Illinois, lời tường thuật này là một phần của lịch sử dài hơn do Joseph Smith đọc để viết lại trong giai đoạn xảy ra sự chống đối dữ dội. Trong khi lời tường thuật năm 1832 nhấn mạnh nhiều hơn đến câu chuyện của cá nhân Joseph Smith là một thiếu niên đang tìm kiếm sự tha thứ, thì lời tường thuật năm 1838 tập trung vào khải tượng như là điểm khởi đầu của “sự ra đời và sự phát triển của Giáo Hội.” Giống như lời tường thuật năm 1835, câu hỏi trọng tâm của câu chuyện này là giáo hội nào là chân chính. Đọc lời tường thuật năm 1838 ở đây.

Lời Tường Thuật năm 1842. Để đáp ứng yêu cầu của biên tập viên báo Chicago Democrat là John Wentworth để có thông tin về Các Thánh Hữu Ngày Sau, lời tường thuật này đã được in trên báo Times and Seasons vào năm 1842. (“Thư gửi cho Wentworth,” như tên thường gọi của bức thư, cũng là nguồn tài liệu của Những Tín Điều.)4 Lời tường thuật này, được xuất bản dành cho những độc giả xa lạ với tín ngưỡng của người Mặc Môn, rất cô đọng và dễ hiểu. Giống như các lời tường thuật trước đó, Joseph Smith đã ghi lại nỗi hoang mang mà ông đã trải qua và sự hiện đến của hai nhân vật đã đáp ứng lời cầu nguyện của ông. Năm kế tiếp, Joseph Smith gửi lời tường thuật có sửa đổi đôi chút này tới một nhà sử học có tên là Israel Daniel Rupp, người đã xuất bản bài tường thuật này thành một chương trong cuốn sách của ông, He Pasa Ekklesia [The Whole Church]: An Original History of the Religious Denominations at Present Existing in the United States.5 Xem lời tường thuật năm 1842 ở đây.

Các Lời Tường Thuật Gián Tiếp. Ngoài các lời tường thuật từ chính Joseph Smith ra, thì có năm bài tường thuật do những người đương thời mà đã nghe Joseph Smith kể về khải tượng ghi lại. Đọc các lời tường thuật này ở đây.

Các Cuộc Tranh Luận Xoay Quanh Những Lời Tường Thuật của Joseph Smith về Khải Tượng Thứ Nhất

Số lượng và sự đa dạng của những lời tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất khiến cho một số nhà phê bình thắc mắc liệu lời mô tả của Joseph Smith có khớp với trải nghiệm thực sự của ông hay không. Hai cuộc tranh luận thường được đưa ra chống lại uy tín của ông: lý lẽ đầu tiên vặn vẹo trí nhớ của Joseph Smith về các sự kiện này; và lý lẽ thứ hai thắc mắc liệu ông có thêm thắt chi tiết nào về câu chuyện sau một thời gian hay không.

Trí Nhớ. Một cuộc tranh luận chống lại các bài tường thuật của Joseph Smith về Khải Tượng Thứ Nhất viện cớ rằng bằng chứng lịch sử không hỗ trợ mô tả của Joseph Smith về phong trào phục hưng tôn giáo ở Palmyra, New York, và các vùng phụ cận vào năm 1820. Một số người lý luận rằng điều này làm suy giảm cả nhận định của Joseph về sự cuồng nhiệt tôn giáo khác thường lẫn chính lời tường thuật về khải tượng.

Tuy vậy, có các tài liệu đưa ra bằng chứng ủng hộ lời phát biểu của Joseph Smith về các phong trào phục hưng. Khu vực nơi ông sống trở nên nổi tiếng nhờ sự cuồng nhiệt tôn giáo và không nghi ngờ gì đã trở thành điểm nóng của các cuộc phục hưng tôn giáo. Các nhà sử học gọi vùng này là “khu vực bùng cháy” vì những người giảng đạo có mặt ở khắp nơi trong vùng để tổ chức các buổi nhóm họp phục hưng ngoài trời và tìm kiếm người cải đạo vào đầu thế kỷ 1800.6 Ví dụ, vào tháng Sáu năm 1818, một buổi nhóm họp ngoài trời của giáo phái Methodist đã được tổ chức ở Palmyra, và vào mùa hè tiếp đó, các tín đồ Methodist đã nhóm họp một lần nữa ở Vienna (nay là Phelps), New York, cách nông trại của gia đình Smith 24 km. Nhật ký của một vị giảng đạo lưu động thuộc phái Methodist có ghi nhiều về cao trào phát động tôn giáo trong khu vực địa lý của Joseph vào năm 1819 và 1820. Nhật ký của ông ta có ghi rằng Cha George Lane, một mục sư của giáo phái Methodist theo chủ nghĩa phục hưng, đã sống ở vùng đó trong cả hai năm, để nói “về cách của Thượng Đế trong việc đưa đến Sự Cải Đạo.”7 Bằng chứng lịch sử này phù hợp với lời mô tả của Joseph. Ông nói rằng sự cuồng nhiệt tôn giáo khác thường trong địa hạt hoặc vùng của ông “bắt đầu là do giáo phái Methodist.” Thật vậy, Joseph nói rằng ông bắt đầu “hơi thiên về” phái Methodist.8

Thêm Thắt. Cuộc tranh luận thứ hai mà thường được đưa ra xoay quanh các lời tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith là ông ngày càng thêm thắt vào câu chuyện của mình. Cuộc tranh luận này tập trung vào hai chi tiết: số lượng và danh tính của các nhân vật thiên thượng mà Joseph Smith nói rằng ông đã trông thấy. Những lời tường thuật của Joseph về Khải Tượng Thứ Nhất ngày càng mô tả chi tiết hơn về các nhân vật thiên thượng. Lời tường thuật năm 1832 nói rằng: “Chúa mở ra các tầng trời trên tôi và tôi nhìn thấy Chúa.” Lời tường thuật năm 1838 kể rằng: “Tôi thấy có hai Nhân Vật,” một trong hai vị giới thiệu vị kia là “Con Trai Yêu Quý của Ta.” Vì thế, các nhà phê bình lý luận rằng Joseph Smith bắt đầu tường thuật là có thấy một nhân vật—“Chúa”—và cuối cùng lại tuyên bố là đã trông thấy cả Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.9

Có những cách thức khác, nhất quán hơn để thấy được bằng chứng. Phải nhìn nhận rằng giữa các lời tường thuật đều có sự thống nhất cơ bản: ba trong số bốn bài tường thuật tuyên bố rõ ràng là hai nhân vật đã hiện đến với Joseph Smith trong Khải Tượng Thứ Nhất. Ngoại lệ là lời tường thuật năm 1832 của Joseph Smith, mà ta có thể hiểu là ám chỉ một hoặc hai nhân vật. Nếu hiểu là ám chỉ một nhân vật thiên thượng, thì có khả năng đó là nhân vật tha thứ cho các tội lỗi của ông. Theo như những lời tường thuật sau này, nhân vật thiêng liêng đầu tiên phán bảo Joseph Smith hãy “lắng nghe” nhân vật thứ hai, Chúa Giê Su Ky Tô, mà sau đó đã phán truyền sứ điệp chính, gồm có sứ điệp về sự tha thứ.10 Lời tường thuật năm 1832 của Joseph Smith, lúc đó, có thể đã tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng mang đến sự tha thứ.

Một cách khác để hiểu lời tường thuật năm 1832 là Joseph Smith đã đề cập đến hai nhân vật, mà ông đều gọi là “Chúa.” Lý lẽ mà cho rằng ông đã thêm thắt cho câu chuyện của mình dựa vào giả thuyết rằng lời tường thuật năm 1832 mô tả sự hiện đến của chỉ một nhân vật thiên thượng. Nhưng lời tường thuật năm 1832 không nói là chỉ một nhân vật hiện đến. Nên lưu ý rằng hai lần ông đề cập đến “Chúa” là hai lần khác nhau: trước tiên “Chúa” mở ra các tầng trời, rồi sau đó Joseph Smith trông thấy “Chúa.” Phần này của lời tường thuật phù hợp với lời tường thuật năm 1835 của Joseph, tức là có một nhân vật hiện ra trước, rồi ngay sau đó là nhân vật kia. Lời tường thuật năm 1832, khi đó, có thể hợp lý để hiểu là Joseph Smith trông thấy một vị là người sau đó đã cho thấy vị kia và rằng ông đều đề cập đến cả hai là “Chúa”: “Chúa mở ra các tầng trời trên tôi và tôi trông thấy Chúa.”11

Lời mô tả ngày càng cụ thể hơn của Joseph có thể được hiểu một cách đầy thuyết phục như là bằng chứng của sự thấu hiểu nhiều hơn, luôn được tích lũy dựa trên kinh nghiệm. Phần nào những khác biệt giữa lời tường thuật năm 1832 và những lời tường thuật sau này có thể có gì đó liên quan tới sự khác biệt giữa văn nói và văn viết. Lời tường thuật năm 1832 là lần đầu tiên Joseph Smith thử viết xuống lịch sử của ông. Trong cùng năm đó, ông viết cho một người bạn rằng ông cảm thấy bị tù túng bởi “giấy bút và mực, và lối diễn đạt không chuẩn, hạn hẹp, bặp bẹ, không hoàn hảo.” Ông gọi văn viết là “vô cùng khắt khe.”12 Sự phát triển của những lời tường thuật sau này thì dễ hiểu hơn và thậm chí được kỳ vọng khi chúng ta nhận thấy có khả năng là những lời tường thuật đó được đọc ra—một lối truyền đạt dễ dàng, thoải mái hơn đối với Joseph Smith và để cho từ ngữ được trôi chảy hơn.

Kết Luận

Joseph Smith nhiều lần làm chứng rằng ông đã trải nghiệm một khải tượng phi thường về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Cả sự thật về Khải Tượng Thứ Nhất lẫn các lý lẽ chống lại nó đều không thể được chứng minh chỉ bằng cách nghiên cứu lịch sử. Để biết sự thật về chứng ngôn của Joseph Smith đòi hỏi mỗi người chân thành tìm kiếm lẽ thật phải nghiên cứu biên sử và sau đó thực hành đủ đức tin nơi Đấng Ky Tô để cầu vấn Thượng Đế bằng lời cầu nguyện chân thành, khiêm nhường để biết liệu biên sử đó có chân chính hay không. Nếu người tìm kiếm lẽ thật cầu vấn với chủ ý thực sự để hành động theo sự đáp ứng của Đức Thánh Linh, thì lẽ trung thực của khải tượng của Joseph Smith sẽ được biểu hiện cho họ. Theo cách này, mỗi người đều có thể biết rằng Joseph Smith đã nói sự thật khi ông tuyên bố: “Tôi đã trông thấy một khải tượng, tôi biết điều đó, và tôi biết là Thượng Đế biết như vậy, và tôi không thể phủ nhận được.”13

Giáo Hội ghi nhận sự đóng góp của các học giả vào nội dung lịch sử được trình bày trong bài viết này; công việc của họ được sử dụng với sự cho phép.

Xuất bản lần đầu vào tháng Mười Một năm 2013.

Các Đề Tài Có Liên Quan

  • Trả Lời Những Câu Hỏi về Phúc Âm

  • Thiên Chủ Đoàn

  • Thượng Đế Đức Chúa Cha

  • Chúa Giê Su Ky Tô

  • Joseph Smith

  • Phục Hồi Giáo Hội, Sự

  • Phục Hồi Chức Tư Tế, Sự

Thánh Thư

Câu Tham Khảo Thánh Thư, Các

Sứ Điệp từ Các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội

Video

“Sự Phục Hồi”

“Joseph Smith: Vị Tiên Tri của Sự Phục Hồi”

“Mission Preparation Track 14: Gordon B. Hinckley”

Nguồn Tài Liệu Học Tập

Nguồn Tài Liệu Tổng Quát

History, circa Summer 1832,” The Joseph Smith Papers

Journal, 1835–1836,” The Joseph Smith Papers

History, circa June 1839–circa 1841 [Draft 2],” The Joseph Smith Papers

‘Church History,’ 1 March 1842,” The Joseph Smith Papers

‘Latter Day Saints,’ 1844,” The Joseph Smith Papers

Primary Accounts of Joseph Smith’s First Vision of Deity,” The Joseph Smith Papers

Các Tạp Chí Giáo Hội

Preparing for the Restoration,” Ensign, tháng Sáu năm 1999

Book of Mormon Personalities Known by Joseph Smith,” Ensign, tháng Tháng Mười Hai năm 1983

Sách Hướng Dẫn Học Tập

  1. Xin xem, ví dụ, James B. Allen, “Eight Contemporary Accounts of the First Vision—What Do We Learn from Them?” Improvement Era, số 73 (năm 1970): trang 4–13; Richard L. Anderson, “Joseph Smith’s Testimony of the First Vision,” Ensign, tháng Tư năm 1996, trang 10–21; Milton V. Backman, Joseph Smith’s First Vision: The First Vision in Its Historical Context (Salt Lake City: Bookcraft, năm 1971; ấn bản lần thứ hai, năm 1980); Steven C. Harper, Joseph Smith’s First Vision: A Guide to the Historical Accounts (Salt Lake City: Deseret Book, năm 2012).

  2. Tất cả các bài tường thuật này đều được tái bản trong Dean C. Jessee, “The Earliest Documented Accounts of Joseph Smith’s First Vision,” trong John W. Welch, biên tập, cùng với Erick B. Carlson, Opening the Heavens: Accounts of Divine Manifestations, năm 1820–1844 (Provo và Salt Lake City: Brigham Young University Press và Deseret Book, năm 2005), trang 1–33.

  3. Công Vụ Các Sứ Đồ 9:3–9; 22:6–21; 26:12–18; Ma Thi Ơ 17:1–13; Mác 9:2–13; Lu Ca 9:28–36.

  4. Có thể tìm thấy toàn bộ bức thư trong Joseph Smith, “Church History,” Times and Seasons 3 (ngày 1 tháng Ba năm 1842): trang 706–710.

  5. Joseph Smith, “Latter Day Saints,” trong I. Daniel Rupp, He Pasa Ekklesia: An Original History of the Religious Denominations at Present Existing in the United States (Philadelphia: J. Y. Humphreys, năm 1844), trang 404–410.

  6. Whitney R. Cross, The Burned-Over District: The Social and Intellectual History of Enthusiastic Religion in Western New York, năm 1800–1850 (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, năm 1950); Paul E. Johnson, A Shopkeeper’s Millennium: Society and Revivals in Rochester, New York, năm 1815–1837 (New York: Hill and Wang, năm 1983); Nathan O. Hatch, The Democratization of American Christianity (New Haven: Yale University Press, năm 1989).

  7. Nhật ký của Benajah Williams, ngày 15 tháng Bảy năm 1820, phụ bản trong Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City; chính tả đã được chính quy.

  8. Lời tường thuật năm 1838 (Joseph Smith—Lịch Sử 1:5, 8).

  9. Lời tường thuật năm 1832 (Joseph Smith History, khoảng mùa hè năm 1832, trang 3, trong Joseph Smith, “Letter Book A,” Joseph Smith Collection, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City); lời tường thuật năm 1838 (Joseph Smith—Lịch Sử 1:17).

  10. Lời tường thuật năm 1838 (Joseph Smith—Lịch Sử 1:17); lời tường thuật năm 1835 (Joseph Smith, “Sketch Book of the use of Joseph Smith, jr.,” Journal, ngày 9–11 tháng Mười Một năm 1835, Joseph Smith Collection, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City.

  11. Lời tường thuật năm 1832 (Joseph Smith History, khoảng mùa hè năm 1832, trang 3, trong Joseph Smith, “Letter Book A,” Joseph Smith Collection, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City).

  12. Joseph Smith viết cho William W. Phelps, ngày 27 tháng Mười Một năm 1832, Joseph Smith Collection, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City; có sẵn tại www.josephsmithpapers.org.

  13. Lời tường thuật năm 1838 (Joseph Smith—Lịch Sử 1:25).